5 thg 12, 2015

Công nghệ Li-Fi sẽ thay thế Wi-Fi?




GS Harald Haas với bộ truyền và nhận dữ liệu
nhờ ánh sáng trong phòng thí nghiệm của ông ở
ĐH Edinburgh.

Từ nhiều năm nay, Giáo sư Viễn thông di động Harald Haas ở ĐH Edinburg, Scotland, đã ủng hộ nhiệt tình cho ý tưởng truyền dữ liệu qua bóng đèn LED và mới đây, ông đã biểu diễn thành công việc truyền một đoạn video từ bóng đèn LED sang pin mặt trời rồi tới laptop.

Haas giải thích: “Về cơ bản, Li-Fi cũng tương tự như Wi-Fi, chỉ trừ một khác biệt nhỏ: chúng tôi sử dụng đèn LED để truyền dữ liệu không dây chứ không dùng sóng vô tuyến.”

Công nghệ Wi-Fi truyền thống sử dụng tín hiệu vô tuyến để truyền dữ liệu tới các thiết bị thu nhận như điện thoại, laptop. Hiện nay Wi-Fi chiếm tới khoảng một nửa khối lượng dữ liệu truyền tải trên Internet trên toàn thế giới. Theo dự đoán, tỉ lệ này còn cao hơn nữa trong những năm tới do lượng người tiếp cận Internet gia tăng và “Internet của Vạn vật” mở rộng. Điều này khiến một số chuyên gia lo ngại vì nó sẽ gây ra hiện tượng “spectrum crunch” (vỡ phổ sóng) khi các mạng Wi-Fi bị chậm lại do quá tải. Vì thế, Haas đã nghĩ đến ý tưởng truyền dữ liệu phổ ánh sáng nhìn thấy được.

Thực ra đây không phải là một ý tưởng mới. Năm 1880, Alexander Graham Bell đã truyền âm thanh thông qua một tia sáng mặt trời bằng máy quang thoại. Vài thập kỷ gần đây, một số nhà nghiên cứu cũng đã bắt tay vào tìm hiểu việc truyền dữ liệu bằng ánh sáng nhìn thấy được.

Nhưng điểm khác biệt ở dự án của Haas là ông chỉ đơn giản sử dụng bóng đèn LED để truyền dữ liệu. Bóng đèn LED sử dụng một bộ điều khiển có thể nhanh chóng điều chỉnh độ sáng hoặc bật/tắt bóng. Do đó, Haas cho rằng có thể mã hóa dữ liệu vào quá trình thay đổi độ sáng của bóng đèn để truyền dữ liệu mà mắt thường không cảm nhận được.

Kết quả một số thí nghiệm gần đây cho thấy, Li-Fi có tốc độ nhanh hơn Wi-Fi, thậm chí có lúc đạt tới tốc độ 224 gigabit/giây. Với tốc độ này, một người có thể tải 20 bộ phim hoàn chỉnh về máy chỉ trong một giây. Theo nghiên cứu của Haas, sở dĩ Li-Fi có thể đạt mật độ dữ liệu nhiều gấp 1.000 lần so với Wi-Fi là bởi vì tín hiệu Li-Fi được chứa trong một khu vực nhỏ trong khi tín hiệu vô tuyến lại khuếch tán.

Ngoài tốc độ, Li-Fi còn an toàn hơn. Trong khi tín hiệu Wi-Fi có thể đi qua tường (tức là hàng xóm có thể “chia sẻ” đường truyền) thì tín hiệu Li-Fi được giữ trong nhà chỉ bằng một thao tác đơn giản là kéo rèm cửa lại. Theo Haas, có thể điều chỉnh để bóng đèn ở độ sáng thấp nhất mà vẫn truyền tải được dữ liệu.

Hiện nay công ty pureLiFi của Haas đã bắt đầu sản xuất hàng loạt bộ định tuyến Li-Fi cho một số khách hàng doanh nghiệp. Họ hy vọng sẽ đưa công nghệ này ra thị trường đại chúng trong một hai năm sắp tới. Hệ thống của họ có thể dễ dàng kết nối với bất kỳ thiết bị nào thông qua một bóng đèn LED, như vậy, tốc độ phát triển của IoT có thể sẽ được thúc đẩy nhanh hơn.

Tuy nhiên, một số nhà khoa học cho rằng công nghệ Li-Fi còn phải vượt qua không ít rào cản trước khi trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống. Một trong những rào cản được nhắc đến là Li-Fi sẽ yếu đi khi ánh sáng bị chặn, do sương mù hay các điều kiện ngoại cảnh khác. Dẫu sao, ngành công nghiệp Li-Fi cũng được dự đoán là sẽ đạt giá trị 6 tỉ USD vào năm 2018.

Ngoài nhóm của Haas, một số nhóm nghiên cứu khác cũng đang bắt tay vào phát triển công nghệ Li-Fi, chẳng hạn như nhóm các nhà khoa học Trung Quốc, Viện Fraunhofer của Đức, thậm chí cả NASA cũng đang vào cuộc.

Trang Bùi dịch
Nguồn:
http://www.smithsonianmag.com/innovation/li-fi-replace-wi-fi-180957320/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét