23 thg 12, 2015

Loài hoa tim vỡ - Truyên ngắn của Đào Anh Dũng

Đào anh Dũng
Hàng năm vào tháng giêng tây vợ chồng chúng tôi có lệ gởi chút quà Tết về quê, cho vui. Chúng tôi ghi tên cùng số tiền nhờ cô em bỏ vào bao, trao dùm người thân trong ba ngày Xuân. Năm nào danh sách cũng có tên chị Nụ, người hàng xóm của tôi ngày xưa.

 Năm tôi vào đệ thất, chị Nụ học đệ tứ. Theo tôi chị là một cô gái rất đẹp, có mái tóc dài, dáng người thanh nhã trong chiếc áo dài trắng học trò, gương mặt trái xoan, cặp mắt đen ướt, hơi buồn. Tôi học cùng lớp và chơi thân với Lộc, em của chị, nên thường sang nhà chị để học bài chung với bạn. Chị hay giúp chúng tôi làm bài, nhất là góp ý cho chúng tôi làm các bài luận văn.

Chỉ có hai chị em nên Lộc giữ gìn người chị của mình rất kỹ, không thích ai bồ với chị Nụ. Vì thế, tôi là người đưa thư bất đắc dĩ.

Người thứ nhất nhờ tôi đưa thư là anh Tuấn. Anh học cùng lớp với chị Nụ nhưng tánh tình nhút nhát, không dám đưa thư tận tay. Chuyện hẹn hò của anh chị tôi không rõ, chỉ biết thư đi thư lại được khoảng một năm thì nhà anh Tuấn bị trúng đạn pháo kích, anh chết không kịp nhắm mắt. Từ đó, chị Nụ thường hay thẫn thờ ở hàng rào trước nhà có dây hoa ty-gôn, mắt buồn rười rượi. Dây ty-gôn này chị xin ai đó mang về nhờ Lộc và tôi trồng ở hàng rào hơn hai năm trước. Năm ấy dây ty-gôn phủ khoảng một phần tư hàng rào. Sau anh Tuấn, có nhiều anh học đệ nhị, đệ nhất nhờ tôi đưa thư nhưng chị không nhận.

Năm chị học đệ nhị, có anh Nguyên học đệ nhất nhờ tôi đưa thư. Chị nhận. Tôi đưa thư được có vài lần thì anh đi lính, gởi thư thẳng cho chị qua KBC. Không bao lâu sau, có tin anh Nguyên tử trận. Mắt chị Nụ càng thêm buồn, suốt ngày chị thơ thẩn ở hàng rào hoa ty-gôn. Năm ấy, dây ty-gôn phủ gần phân nửa hàng rào nhà chị.

Khi đến phiên Lộc và tôi đi lính, chị Nụ học ra trường làm cô giáo rồi chị lấy chồng sĩ quan. Hơn năm sau, tôi về phép ghé thăm thấy chị tay bồng một cháu, hình anh trên bàn thờ. Năm ấy, dây ty-gôn phủ cả hàng rào nhà chị.

Rồi tôi lưu lạc xứ người. Trong thư nhà cô em kể rằng chị Nụ ở vậy nuôi con, không dám bước thêm bước nào nữa. Người đời nói chị có số sát phu.


Nhiều năm sau tôi đưa vợ con tôi về thăm quê nội. Hôm chúng tôi sang thăm chị Nụ, nhà tôi dừng chân bên hàng rào ty-gôn và ngạc nhiên nói, quê em không ai trồng loài hoa tim vỡ này trước nhà, thảo nào số phận chị hẩm hiu.
Sau dăm ba câu chuyện hỏi thăm nhau, tôi nói với chị Nụ:
“Hàng rào nhà chị bây giờ xiêu vẹo, cây cối mọc um tùm, để em biếu chị chút đỉnh, làm lại hàng rào cho khang trang.”
Chị trả lời:
“Cám ơn em, nhưng rồi mình phải chặt bỏ ty-gôn à?”
Bỗng nhiên tôi gắt gỏng:
“Chị mê chi cái loài hoa tim vỡ ấy!?”
Chị chợt hiểu, giọng ngậm ngùi:
“Trễ rồi em ơi ...”

đàoanhdũng

2 nhận xét:

  1. Đây là 1 trong những bi kịch của phụ nữ thời chiến tranh

    Trả lờiXóa
  2. *Tiêu đề "Loài hoa tim vỡ" của Anh Dũng làm tôi chợt nhớ đến bài thơ nổi tiếng, "Hai sắc hoa ty-gôn" của TTKh, có nhiều ý thơ toàn bích, tượng trưng cho tình yêu bất cập, vỡ tan:
    "Nhung hồng tựa trái hoa tim vỡ
    Và đỏ như màu máu thắm phai" (Hình ảnh cua trái tim tan nát)

    "Bảo rằng hoa dáng như tim vỡ,
    Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi" (Dự báo tình yêu bất thành)

    "Có thầm nghĩ tới loài hoa vỡ,
    Tựa trái tim phai, tựa máu hồng" (Đối chiếu hoa ty-gôn như tấm lòng héo hon, như những đau đớn, bi thương trong cuộc đời).

    Hơn thế nữa, hình ảnh hoa ty-gôn, được nhấn mạnh thêm là những cánh hoa, rời xa nhau, không nguyên vẹn, mỗi nơi một mảnh (cánh hoa tan tác), như hai người tình, yêu nhau thắm thiết, phải sống xa cách nhau trong đau khổ, đến chết không thấy mặt nhau (sinh ly tử biệt) của câu thơ
    "Cánh hoa tan tác của sinh ly"...

    *Nhân vật Chị Nụ,một cô gái rất đẹp, rất yêu hoa ty-gôn. Dây hoa nầy leo lên bao phủ hàng rào nhà chị. Nó được “tôi” trồng năm chị lên lớp đệ ngũ (15-16 tuổi). Chị có 3 mối tình nhưng tất cả đều dang dở. Hai chuyện tình thời học sinh Trung học chưa thành duyên tơ tóc. Hai người tình nầy, trước sao đều tử vong đột tử do chiến tranh. Người thứ ba, là sĩ quan, lúc chị đã ra trường, đang là cô giáo, chẳng bao lâu,cũng ngồi trên bàn thờ. Có phải Chị có số “sát phu”? Biết nói sao, khi chiến tranh ác liệt, toàn diện, thì mọi người phải tùy thuộc vào qui luật may rủi,sống chết kề bên. Sống chết là ngẫu nhiên hay phụ thuộc vào số mệnh…nào ai biết được. Chiến tranh, tang tóc, nào có tha ai!
    *Câu chuyện trở nên có màu sắc thú vị hơn, khi mỗi lần một người yêu nằm xuống, thì dây ty-gôn trên hàng rào lại phủ thêm một khoảng như đánh dấu cho một khoảng tình trường của Chị. Khi người chồng sĩ quan tử trận, (người yêu thứ ba),bấy giờ dây ty-gôn mới phủ kín hàng rào.(Có phải dự báo, hàng rào hoa ty-gôn phủ hết thì tình yêu trong tim Chị cũng chết?!)
    Hình như cái hàng rào ty-gôn đó, có một linh lực vô hình nào, đã chi phối cuộc đời tình ái của Chị, dù lúc đó, người chồng sĩ quan tử trận, Chị đang độ tuồi nửa chừng xuân (27-28 t).
    * Nhiều năm sau, khi “tôi” trở về quê hương, Chị Nụ có thể đang tuổi trung niên (khoảng trên dưới 45 tuổi), chị vẫn để nguyên dây ty- gôn, Tựa trái tim phai, tựa máu hồng" trên hàng rào xiêu vẹo trước nhà như “kiếp hồng nhan mong manh” của cuộc đời một người con gái đẹp, một số phận hẩm hiu trong duyên kiếp. Tôi muốn giúp chị “làm lại hàng rào cho khang trang”. Chị không muốn chặt bỏ dây hoa nghiệp chướng, những "Cánh hoa tan tác của sinh ly"... làm tôi bổng nhiên gắt gỏng: “Chị mê chi cái loài hoa tim vỡ ấy?!”
    *Câu trả lời của Chị thật là một câu điểm nhãn cho cốt truyện thật hay vượt ra ngoài nghĩa tường minh thong thường của câu chữ. Làm lại hàng rào định mệnh đó, có phải chăng, em cũng có ý khuyên chị làm lại cuộc đời?
    “Trễ rồi em ơi ...” không những nói lên hoàn cảnh hiện tại của Chị, xuân muộn, lỡ thời…mà nó còn như một nỗi lòng tiếc nuối về quá khứ. Vì sao, đời mình lại gắn bó với “loài hoa tim vỡ” đó làm chi… Thôi thì cũng đành vậy.
    “Loài hoa tim vỡ” của Anh Dũng phản ánh một cuộc đời riêng của Chị Nụ, cuộc đời của một cô giáo đẹp và nghèo, bất hạnh trong tình yêu đôi lứa, trong một thời khói lửa chiên tranh cuốn theo chiều gió. Mà tôi vẫn còn thấy, qua chuyện rất riêng đó, còn có một nét chung của nhiều cô giáo có cuộc đời giống như Chị Nụ, không biết duyên số thế nào, cuối đời, chưa hề có một mảnh tình vắt vai. Thât là buồn cho đời một người con gái trong hoàn cảnh đau thương bấy giờ.
    Chị sợ hay e ngại gì với thành kiến cổ hủ,“người con gái có số sát phu?!”
    Phải chăng những điều đã được chuyên chở trong tác phẩm, chính là tâm tình và là những điều quan tâm của tác giả?!
    Thân ái, Ngân Triều

    Trả lờiXóa