31 thg 3, 2020

FM974: Ai Cập: Đại Dịch Wuhan – Chính Quyền Cũng Sợ Con Số

Chuyện Thế Giới Trong Tuần
Thứ Hai 30/03/2020
         Chánh quyền Ai Cập đã bắt buộc cô Ruth Michaelson, người ký giả của tờ báo Guardian, phải rời khỏi nước này tức khắc, sau khi cô viết một bài tường thuật về sự khảo sát có tính cách khoa học, nói rằng, Ai Cập chắc chắn có con số người dân bị nhiễm nhiều hơn con số mà họ công khai chính thức công bố.
Ruth Michaelson, sống và làm phóng sự ở Ai Cập từ năm 2014, được khuyến cáo trong tuần rồi, bởi nhân viên ngoại giao Tây phương, cơ quan an ninh nước này muốn cô phải rời khỏi Ai Cập ngay, sau khi giấy phép hành nghề ký giả của cô bị hủy bỏ và yêu cầu cô tới gặp nhân viên có thẩm quyền về tình trạng chiếu khán của mình.
Ngày Chủ nhật 15 tháng 3, Michaelson có bài tường trình về môt sự khảo sát của các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm từ trường đại học Toronto Gia Nã Đại cùng một số dữ kiện về sức khỏe công cộng và những tin tức có giá trị khác, tất cả kết luận Ai Cập đang có mức nhiểm bệnh dịch Wuhan cao hơn con số của chính quyền xác nhận. Michaelson trích từ một bản khảo sát được chấp thuận cho phổ biến trong tờ tạp chí “Lancet Infectious Diseases”, bản khảo sát này phân tích các số liệu lưu trử chuyến bay, du lịch và tỷ lệ nhiểm bệnh để ước đoán là, Ai Cập có thể có 19310 trường hợp bị nhiễm hồi đầu tháng Ba, trong lúc đó, tại thời điểm mà tạp chí đăng bài này lên, chính quyền Ai Cập cho biết chỉ có 3 người bị.
Một ngày sau khi bài tường trình của Michaelson đăng lên, cô đã bị mời tới họp với nhân viên có thẩm quyền, bao gồm chủ tịch văn phòng thông tin quốc gia (SIS), Diaa Rashwan trong hơn ba tiếng rưỡi đồng hồ, tại đây, Michaelson và một người ký giả khác bị cáo buộc là đã phổ biến những tin tức sai lầm, thất thiệt gây hoang mang, hoảng sợ trong dân chúng. Nhân viên Ai Cập đòi hỏi bài viết này phải rút lại hay xóa bỏ, tờ Guardian phải chính thức đăng lời xin lỗi.
Ngày 17 tháng 3, giấy phép hành nghề báo chí tại Cairo của Michaelson bị hủy bỏ, tờ Guardian đề nghị chính quyền Ai Cập viết một bài phản biện chi tiết bài tường trình của Michaelson hay bài khảo sát của trường đại học Toronto nhưng cho tới hiện giờ, không có trả lời của Ai Cập về đề nghị này. Ngày hôm sau, nhân viên ngoại giao Anh quốc và văn phòng thông tin SIS của Ai Cập gởi cho cô một tin nhắn là cô cần phải đến gặp nhân viên cấp phát chiếu khán của họ. Michaelson, cũng là một công dân Đức quốc, cho biết cô được các nhân viên ngoại giao Đức ở Cairo khuyên là cô không nên đến đó trong bất cứ hoàn cảnh nào, họ nói “họ không tin là an toàn cho cô tới gặp, cô có thể bị bắt giữ và tống xuất ra khỏi nước”.
Các chuyến bay khỏi Ai Cập, được lệnh đình chỉ trong buổi trưa ngày hôm sau, thứ Năm, vì vậy nhiều khách du lịch ngoại quốc đã tìm mọi cách để rời khỏi đây, cùng lúc các lệnh cấm bay tương tự đang bắt đầu tại nhiều quốc gia trên khắp thế giới nhưng hầu hết các chuyến bay đều đầy chỗ. Michaelson nói, tòa đại sứ Anh quốc và một số người có liên hệ, cho biết, cơ quan an ninh mật vụ Ai Cập đang tìm cách tống đuổi cô tức khắc. Giới chức an ninh quốc gia báo cho nhân viên ngoại giao Anh quốc rằng, có một chuyến bay vào buổi tối và họ muốn cô phải có mặt trên đó. Một luật sư, thay mặt cô đến dự buổi họp nói trên về việc chiếu khán cũng được báo cùng một thông điệp như vậy.
Ruth Michaelson đã rời khỏi Ai Cập trên chuyến bay chật cứng những người du lịch cũng như các người có quốc tịch nước khác tới Đức tối thứ Sáu. Việc Michaelson rời Ai Cập, được xem là, các quốc gia bắc châu Phi sẽ không còn một người ký giả Anh quốc thường trực nào nữa, Bel Trew, một phóng viên của báo Times, bị tòa án quân sự Ai Cập hăm dọa và đã bị trục xuất vào tháng Ba năm 2018. Phát ngôn nhân của tờ Guardian nói rằng, trong việc này, họ đã tường trình một khảo sát khoa học khả tin từ các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, họ đã đưa ý kiến, dành mọi sự hợp tác cho chính quyền Ai Cập có dịp bình luận và trả lời bài viết này một cách thông thường, nhưng đáng tiếc chính quyền Ai Cập chọn cách hủy bỏ những gì trung thực của một ký giả làm việc cho một tổ chức truyền thông uy tín, tin cậy, độc lập như tờ Guardian.
Phát ngôn nhân của văn phòng ngoại giao Anh quốc nói rằng, chính phủ Anh quốc hậu thuẩn cho sự tự do báo chí trên khắp thế giới cho nên, họ thúc giục chính quyền Ai Cập bảo đảm tự do bày tỏ tư tưởng, các vi bộ trưởng của Anh cũng nói lên trường hợp của ký giả Michaelson với giới chức có thẩm quyền của Ai Cập. Được hỏi về bình luận của mình, một viên chức Ai Cập đã đưa ra một lá thư mà cơ quan an ninh quốc gia Ai Cập gởi cho tổng chủ bút tờ Guardian, Katherine Vine, tuần qua, tranh cải là bài khảo sát của trường đại học Toronto mà ký giả Michaelson trích dẫn, đã dựa vào các tin tức không xác thực và đã bị tổ chức Y tế Thế giới WHO bác bỏ.

Thật ra, ngược lại, tổ chức Who đã nói, họ không thể kiểm chứng phương pháp mà bài khảo sát dùng và các dữ kiện của WHO lấy từ nhiều bệnh viện khác nhau, điều này có nghĩa là các báo cáo thường đến trễ, theo họ, có thể có nhiều trường hợp nhiễm bệnh khác với triệu chứng ôn hòa mà không có đưa kết quả trong những lần thăm viếng bệnh viện, vì thế không phát hiện ra hay không được báo cáo đầy đủ. Ai Cập có 366 trường hợp bị nhiễm dịch vi trùng Wuhan ngày thứ Hai tuần rồi trong số đó có 19 người chết, theo loan báo của bộ Y tế Ai Cập.
Tự do báo chí ở Ai Cập đã bị áp chế nặng nề kể từ ngày quân đội lên nắm quyền năm 2013 và cựu tham mưu trưởng quân đội, Abdel Fatah al –Sisi trở thành tổng thống một năm sau đó. Trong bản tường trình hàng năm của năm ngoái Ủy ban bảo vệ ký giả cho biết, đã có 26 tường thuật viên bị bắt giam ở Ai Cập và phần lớn bị buộc tội cả nhóm vì tội khủng bố và tường trình tin tức giả tạo, thất thiệt.
Báo chí nội địa dần dần bị thống trị bởi chính quyền, họ hành xử toàn quyền sự kiểm duyệt. Văn phòng của tờ báo độc lập còn sót lại, Mada Masr, đã bị ruồng bố vào cuối năm rồi, mọi liên lạc với tờ báo này qua mạng điện tử cũng đã bị chận đứng. Dù đã trấn áp được tất cả hệ thống báo chí truyền thông nhưng chính quyền Ai Cập vẫn còn sợ các con số của sự thật.



Thuyên Huy

Thứ Hai 30.03.20
Mời Xem CCTG 23/3/2020:Bắc Hàn: Đại Dịch Vi Trùng Wuhan – Không Ai Bị Nhiễm Nhưng Lại Gấp Rút Xây Bệnh Viện
😨😨😨Triều Tiên không có ca nhiễm nhưng nhiều nguồn tin tiết lộ hơn 100 binh sĩ chết vì virus Vũ Hán ????

Tạo ra bầu không khí tâm lý tích cực trong gia đình khi phải cách ly đại dịch

Mạc Văn Trang, PGS TS Tâm lý học
Trong đại dịch cúm Tàu (covid-19), hầu hết các nước đều áp dụng biện pháp: Người dân phải ở trong nhà mình để an toàn/hạn chế lây nhiễm ra cộng đồng. Trước đây, mỗi buổi sáng, gia đình vui vẻ tạm biệt nhau; tối về, quây quần bên nhau trong một ít thời gian quý giá… Nay vì cách ly, cả gia đình ở cùng nhau suốt ngày, rồi ngày này qua ngày khác, khiến nảy sinh nhiều vấn đề tâm lý phức tạp.
1. “MỖI CÂY MỖI HOA, MỖI NHÀ MỖI CẢNH”
– Nhiều gia đình nhân dịp này, cả nhà được quây quần bên nhau, hoạt động, giao tiếp cùng nhau, chia sẻ tâm tình bao điều thú vị, tăng thêm sự hiểu biết và tình thương yêu nhau hơn… Hôm qua mình gọi điện hỏi thăm chị Chi Lan, chị rất vui, bảo: Chưa bao giờ ông bà, hai vợ chồng con, hai đứa cháu, cả nhà 6 người được ngày ba bữa quây quần cùng ăn uống, chuyện trò vui vẻ như thế này…
Một cô cháu gái nhà mình lười nấu ăn lắm. Hôm qua thấy chụp hình mấy món ăn tự nấu lên khoe. Chắc là phải lên Google tra cứu, hì hục làm rất tỉ mỉ, đúng quy trình… Khoe như vậy hẳn cháu rất vui, vì đang “tự chuyển hóa”, và chắc là cu cậu chồng của cháu cảm thấy hạnh phúc lắm…
– Nhưng cũng không ít gia đình, nhất là những gia đình nhiều thế hệ, khi ở bên nhau ngày này qua ngày khác thường gây khó chịu cho nhau. Trẻ đùa nghịc quá, ảnh hưởng đến ông bà; vợ chồng đùn đẩy nhau chăm sóc trẻ; trò chuyện không hợp nhau sinh ra cãi cọ…
– Thậm chí một số người mất việc, buồn bực, uống rượu, gây cãi lộn, xảy ra bạo hành gia đình… Một bài báo đã điểm qua tình hình ở hàng chục nước bạo lực gia đình gia tăng trong những ngày bị phong tỏa.
Vậy là, trong cùng một hoàn cảnh bất thường, nếu biết nhìn ra mặt tích cực của cuộc sống, sẽ có thể tạo nên những giá trị tốt đẹp hơn cho những người trong cùng cảnh ngộ; ngược lại, nếu thụ động để hoàn cảnh xô đẩy mình, thì dễ rơi vào những phản ứng tiêu cực…
Trong bối cảnh bị cách ly hiện nay, làm thế nào để đời sống gia đình trở nên tích cực? Giải pháp căn bản là tạo nên BẦU KHÔNG KHÍ TÂM LÝ TÍCH CỰC (BKKTLTC) trong mỗi gia đình.
 
2. TẠO RA BẦU KHÔNG KHÍ TÂM LÝ TÍCH CỰC TRONG GIA ĐÌNH BẰNG CÁCH NÀO?
Bầu KKTLTC trong gia đình là trạng thái tâm lý được tạo nên bởi các mối quan hệ giao tiếp và các hoạt động chung của các thành viên trong gia đình, có ảnh hưởng lẫn nhau, khiến cho mọi người cảm thấy vui vẻ, đầm ấm, sẵn sàng chia sẻ và yêu thương nhau hơn… Cũng có thể nói, mỗi thành viên cảm thấy niềm hạnh phúc được sống trong gia đình của mình.
Khác với BKKTLTC nói trên, thì có trăm ngàn BKKTL gia đình với các sắc thái và mức độ tích cực khác nhau. Không sao cả, “mỗi nhà mỗi cảnh” mà. Nhưng khi chẳng may rơi vào BKKTL tiêu cực đến mức các thành viên lạnh lùng, đố kỵ, hay xảy ra va chạm, căng thẳng, thậm chí xung đột, bạo hành… thì cần gọi điện đến các Trung tâm tư vấn gia đình để được tham vấn, giúp đỡ…

Trở lại chuyện: Tạo ra hay xây dựng BKKTLTC trong gia đình bằng cách nào? Xin có vài gợi ý.
– Bàn nhau thử sắp xếp lại nhà cửa cho hợp lý hơn, gọn đẹp hơn. Không áp đặt, nhưng cứ thử nghiệm, có sao đâu. Nhà mình cũng vừa “làm cuộc cách mạng” đấy. Trước đây để 3 xe máy bên phòng khách, nay chuyển bàn ăn ra đó và chuyển xe máy vào thay bàn ăn gần bếp. Cũng có bất tiện hơn, nhưng mọi người thấy mới mẻ, hài lòng hơn… Rồi các gia đình nên xem xét sắp xếp lại góc học tập của các cháu và các thứ khác. Nhân dịp này cũng nên loại bỏ những thứ đồ tồn kho lâu ngày, cho nhà gọn, sạch, đẹp hơn…
– Nhà ai có vườn hay trồng cây trên sân thượng, ban- công… cùng nhau chăm sóc cũng vui…
– Các cháu tuổi Mẫu giáo, Tiểu học thì ông bà, bố mẹ có thể bầy ra nhiều trò chơi cho các cháu hoạt động: chơi cờ, xếp đặt, múa hát, nghe nhạc, chơi nhạc, các trò chơi như chương trình của trẻ Mẫu giáo, Tiểu học…
– Ông bà/ bố mẹ lên mạng vào trang Sách Cánh Buồm, lấy sách của nhà giáo Phạm Toàn xuống hướng dẫn trẻ tự học rất hiệu quả. Chẳng hạn, lấy sách Văn lớp Một, lớp Hai, lớp Ba xuống để dạy trẻ LÒNG ĐỒNG CẢM thông qua các trò chơi đóng vai; dạy trẻ TRÍ TƯỞNG TƯỢNG thông qua các hoạt động, các tình huống tưởng tượng; dạy trẻ ÓC LIÊN TƯỞNG thông qua nhưng câu chuyện, hình tượng, vân vân… Đây là bộ sách tuyệt vời để hướng dẫn trẻ tự học, mà không mất tiền mua.
– Nhân dịp con cháu ở nhà, ông bà liền nhờ bọn chúng nâng cấp trình độ IT để sử dụng máy tính, điện thoại thông minh “siêu” hơn… Xưa nay quen ông bà dạy con cháu, nay con cháu dạy ông bà, vui quá. Vậy là … “nhà có phúc”!…
– Cả nhà có dịp ngồi cùng nhau xem những cuốn Album ảnh, gợi lại bao kỷ niệm gắn bó gia đình. Ông bà, bố mẹ nhân đó kể lại những câu chuyện kỷ niệm ngày xưa rất buồn cười, thú vị…
– Cùng nhau xem những thông tin về dịch Covid-19 ở các nước và trong nước, bàn luận xem tại sao lại như vậy? Ta cần làm thế nào để hạn chế bị lây bệnh?… Có thể phân công cho các cháu theo dõi tình hình và thông báo cho cả nhà biết… Qua đó giúp trẻ nâng cao ý thức về chăm sóc sức khỏe bản thân, phòng chống dịch bệnh; tỏ thái độ cảm thông với những người bị nạn ở các nơi; ý thức về việc mình phải thay đổi hành vi thích ứng với những tình trạng khác thường trong đại dịch này. Mỗi người đều ảnh hưởng đến mọi người, nên phải có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội…
– Cả nhà cùng xem những bộ phim nhẹ nhàng như phim hoạt hình của trẻ em, Thế giới động vật, Khám phá thế giới, Du lịch qua màn ảnh… Cả nhà cùng nghe những bản nhạc vui tươi, êm ái… Qua đó cùng chia sẻ những biểu hiện cảm xúc, lây lan một không khí tâm lý tích cực lẫn nhau.
– Rất thú vị là cùng nhau nấu ăn, dọn bữa. Chả mấy khi vợ nấu ăn chồng lại đứng bên: “Anh giúp gì được em nào”? Hay vợ làm được món gì, nếm tí và tấm tắc khen…
Này, anh chồng cùng vợ cải tiến, sắp xếp bếp núc cho hợp lý hơn, giúp vợ cọ mấy cái nồi cho sạch bóng, vặn lại những cái quai nồi xộc xệch… cũng làm bà xã cảm động lắm đấy. Nhân dịp này, ai trổ tài làm món gì độc đáo thì vui lắm.
Bé cháu gái út nhà mình bỗng dưng nảy ra sáng kiến nấu CHÈ BƯỞI. Cả nhà chưa biết nó ra sao. Cháu hì hục nửa buổi mới xong nồi chè. Cả nhà xì xụp, khen rối rít. Mấy hôm sau cháu làm bữa chè nữa. Cả nhà lại ngon rối rít!…
– …
TÓM LẠI, trên đây chỉ là vài gợi ý tức thời. Khi những người chủ chốt trong gia đình có tình yêu thương tha thiết sẽ luôn nảy ra trăm ngàn sáng kiến để tạo nên BKKTLTC trong gia đình. Đó là môi trường cho tâm hồn trẻ phát triển lành mạnh, các thành viên trong gia đình cảm nhận niềm hạnh phúc, nhất là trong những hoàn cảnh khó khăn.
Thiếu lòng yêu thương và tâm hồn cởi mở, dân chủ, bình đẳng, vị tha thì dẫu quyền cao chức trọng, xe hơi nhà lầu, tiền của đầy nhà, cũng không tạo ra
gia đình có tình yêu thương tha thiết sẽ luôn nảy ra trăm ngàn sáng kiến để tạo nên BKKTLTC trong gia đình. Đó là môi trường cho tâm hồn trẻ phát triển lành mạnh, các thành viên trong gia đình cảm nhận niềm hạnh phúc, nhất là trong những hoàn cảnh khó khăn.
Thiếu lòng yêu thương và tâm hồn cởi mở, dân chủ, bình đẳng, vị tha thì dẫu quyền cao chức trọng, xe hơi nhà lầu, tiền của đầy nhà, cũng không tạo ra được bầu KKTLTC trong mái ấm gia đình.
Chúc mọi gia đình xây dựng được BKKTLTC để không những ta vượt qua đại dịch, mà trong khó khăn gia đình lại càng yêu thương, gắn bó nhau hơn.

Đại dịch COVID-19, đọc lại La Peste của Albert Camus

Nằm nhà rảnh rỗi suốt những ngày đại dịch Coronavirus Disease-2019 (COVID-19) hoành hành khắp nơi trên thế giới, tôi lại kệ sách lấy xuống cuốn tiểu thuyết La Peste của Albert Camus đọc lại, và sau khi đọc tôi bỗng giật mình vì những gì đang xảy ra quanh tôi ngày nay đã được Camus miêu tả thật chính xác cách đây trên 70 năm.

Trong cuốn tiểu thuyết này, xuất bản năm 1947, với bối cảnh là thị trấn Oran, xứ Algerie – lúc đó còn là thuộc địa Pháp – Camus thuật câu chuyện xoay quanh một trận dịch hạch khủng khiếp, tàn phá tan hoang cả thị trấn, và khi trận dịch chấm dứt thì không một ai trong thị trấn không bị ảnh hưởng, nặng là cái chết, nhẹ tuy may mắn sống sót nhưng cả thể xác lẫn tâm hồn chẳng còn như cũ nữa. Cuốn sách hiển nhiên hàm chứa nhiều tư tưởng Hiện sinh, nhiều ẩn dụ, thậm chí có những câu văn đa nghĩa, và tất cả hình như quy chiếu vào tính cách, định mệnh và thân phận con người trong một thế giới phi lý, biểu hiện bởi thần thoại Sisyphus – kiên trì lăn tảng đá lên đỉnh núi, để tảng đá lăn xuống chân núi, rồi lại bắt đầu ra sức lăn lên.
Bạn hãy cùng tôi đọc lại cuốn tiểu thuyết quan trọng này của Camus để biết đâu chúng ta tìm ra được những điểm song song giữa cuốn tiểu thuyết hư cấu và những sự kiện thực tại đã và đang xảy ra trong cuộc sống vào những năm đầu của thiên niên kỷ thứ ba này.
Camus thuật, tại thị trấn Oran, thoạt đầu có hàng nghìn con chuột chết ngoài đường phố, nhưng mọi người chẳng ai lưu tâm và chỉ hốt hoảng sau khi báo chí loan tin. Chính quyền địa phương, do áp lực của công luận, phản ứng bằng cách cho nhân viên hốt xác chuột đem đi đốt, mà không biết là làm như thế chỉ khiến dịch bệnh nhiễm truyền nhanh hơn và tác hại khủng khiếp hơn.
Tự phủ nhận hình như là một thuộc tính của con người, nhất là những con người nắm trong tay quyền lực. Không một chính quyền nào, xưa cũng như nay, dân chủ hay độc tài, muốn một xã hội hoảng loạn. Bằng mọi cách, nhiều khi bằng mọi giá, họ phải bưng bít sự thật, phủ nhận sự thật, cùng lúc che giấu càng nhiều càng tốt những khiếm khuyết, sai lầm với hy vọng mọi chuyện sẽ êm thắm trôi qua trong bóng tối và lãng quên. Đó là cái gì xảy ra tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, tháng 11, 12 năm 2019, khi COVID-19 mới được phát hiện. Có bao nhiêu mạng người chết oan vì quyết định vô luân này của nhà nước Cộng sản Trung Quốc? Và nếu thế giới biết sớm hơn thì có lẽ tình trạng ngày nay, như bên Italy, bên Iran, không đến nỗi nguy khổn trăm bề. Chỉ là một giả định, nhưng là giả định đầy thuyết phục.
Trong cuốn La Peste, khi bác sĩ Bernard Rieux, nhân vật chính diện trong cuốn sách, đi gặp nhà cầm quyền để trình bày về tình trạng khẩn cấp của cơn dịch thì chẳng ai tin, chẳng ai thèm quan tâm. Bác sĩ Rieux chính là bác sĩ Lý Văn Lượng bằng xương bằng thịt có thật ngoài đời. Sự khác biệt là bác sĩ Rieux sống sót sau trận dịch, còn bác sĩ Lượng thì chết trong oan khiên và đau đớn. Kẻ cầm quyền, mặc dù là thủ phạm gây nên những cái chết như vậy, nhưng để phủ nhận và che lấp tội ác, họ đề cao cái chết như một hành vi hy sinh cho nước nhà, cho chế độ, cần được tuyên dương, và với một mảnh giấy xanh xanh đỏ đỏ ghi tên người chết là anh hùng, liệt sĩ gì đó, lương tâm họ hoàn toàn yên ổn. Họ phủi tay quay lại với công việc dang dở, tiếp tục che mắt người dân.
Họ chỉ kéo màn để hở một nửa sau khi không thể bưng bít sự thật được nữa.
Chính quyền Trump của Hoa Kỳ thoạt tiên cũng không muốn xé to chuyện. Chính Tổng thống Trump, trong một bản tweet, còn bảo người dân là mỗi năm nước Mỹ có cả chục nghìn người chết vì cảm cúm thương hàn thì ba con vi khuẩn Corona này có gì phải đáng lo. Rất may, bên cạnh Tổng thống có những cố vấn hiểu biết và kinh nghiệm đầy mình (như bác sĩ Anthony Fauci với âm giọng New Yorker đặc sệt) khuyến nghị, nên chính quyền Trump đã kịp thời (dù khá muộn) có những biện pháp gắt gao nhằm chế ngự cơn đại dịch.
Hãy nhìn vào xứ Nam Hàn. Tuy bị khá nặng, nhưng chính quyền ở đó đã thẳng thắn nhận lãnh trách nhiệm với toàn dân, sớm dốc toàn lực ra đề kháng, và có thể còn quá sớm để biết kết quả tối hậu sẽ ra sao, nhưng chí ít ở giai đoạn đầu của trận chiến, chỉ sau một thời gian ngắn, người dân Hàn đã thành công chế ngự phần nào con vi khuẩn đáng sợ.
Nhà cầm quyền phải minh bạch, thẳng thắn nhận trách nhiệm, tạo niềm tin nơi dân chúng, đưa ra những biện pháp tuy gắt gao nhưng hợp lý, thì chẳng có lý do nào cơn đại dịch sẽ không trôi qua, trả lại nếp sống bình ổn cho người dân.
Camus nói rõ như thế trong tác phẩm của ông, nhưng hơn 70 năm qua hình như chẳng ai thèm lưu tâm.
Camus thuật tiếp, nhà chức trách của thị trấn Oran đã chần chừ, không nhìn thấy sự khẩn trương của trận dịch đang lan tràn một cách khiếp hãi, lại còn cãi vã nhau ỏm tỏi về những biện pháp thích nghi để đối phó. Một biệt khu được thiết lập trong bệnh viện nhưng chỉ có 80 giường, và trong vòng ba hôm người bệnh chở vào đông nghẹt, không có giường nằm. Số người chết gia tăng khủng khiếp, thế là có lệnh cách ly, ai ở nhà nấy, tuyệt đối không ai được ra khỏi chỗ ở, thậm chí chôn người chết phải có nhân viên hữu trách giám sát.
Khi số người chết lên quá cao thì có lệnh phong tỏa cả thị trấn. Y như Vũ Hán trong trận dịch COVID-19 này. Mọi cửa ngõ ra vào thị trấn đều bị đóng chặt, tàu hỏa không hoạt động, không thư tín, không điện thoại ngoại trừ những trường hợp khẩn cấp, điện tín là phương tiện liên lạc duy nhất với thế giới bên ngoài.
Trong tình huống ấy, con người cảm thấy như bị tù hãm, trở nên trầm cảm, thậm chí hoảng loạn, và bắt đầu có những ý nghĩ, hành động bất bình thường. Ông Raymond Rambert xin đi Paris gặp vợ không được, bèn mưu toan tính kế với một băng đầu gấu nhờ bọn này tìm đường trốn thoát ra ngoài. Linh mục Paneloux nhân dịp này thuyết giảng cho con chiên nghe rằng vì ta phạm tội lỗi quá nhiều nên bây giờ bị Chúa phạt. Gã Cottard thì gian xảo hơn, bỏ túi khối tiền nhờ buôn lậu.
Tôi không ngạc nhiên với những điều Camus viết trong cuốn tiểu thuyết. Toàn những con người điển hình trong bất cứ thời-không-gian nào giữa hoàn cảnh như thế. Hiện tại, trong cơn đại dịch này, chính bản thân tôi cũng gặp phải những con người bất bình thường, những tình huống mà trước đây tôi không bao giờ ngờ có thể xảy ra.
Hôm qua, tôi lái xe ra chợ mua ít thực phẩm dùng trong những ngày bị nằm nhà do luật tiểu bang, nơi tôi hiện cư ngụ, mới ban hành tuần này: tuyệt đối không được ra khỏi nhà, ngoại trừ đi chợ, ra tiệm thuốc, gặp bác sĩ, vào bệnh viện cấp cứu, và dĩ nhiên nằm bất động trong quan tài cho người khiêng vào nghĩa trang.
Đường sá trống trơn, khác hẳn ngày thường, các khu nhà hàng, mua sắm không bóng người, không xe đậu, quang cảnh lạ lùng đến độ surreal, như trong một cuốn phim khoa học giả tưởng nói về ngày tận thế. Đến một ngã tư, tôi dừng xe chờ đèn xanh. Bỗng có chiếc xe khác trờ tới đậu sát bên cạnh. Có hai gã đàn ông ngồi trên xe, gã ngồi bên ghế hành khách thò hẳn đầu ra ngoài nói gì đó với tôi. Nghe không rõ, tôi bấm nút quay kính xuống. Ngay lúc đó gã nói như quát vào mặt tôi, “Fuck you, Chinaman! Get back to China!” Đoạn chiếc xe gầm rú, vọt lên mặc dù đèn vẫn đỏ.
Sự việc xảy ra, tuy bất ngờ, nhưng nằm trong dự liệu của tôi, và tôi chẳng thấy thương tổn chút nào. Cái xấu nhất, tồi tệ nhất, cũng như cái đẹp nhất, cao quý nhất, nơi con người, hiện ra rõ rệt nhất trong những tình huống không bình thường. Và chúng ta đang lâm vào một tình huống không bình thường.
Camus có lẽ cũng nghĩ như thế nên bên cạnh những con người ích kỷ chỉ biết bo bo thủ lợi, lo nghĩ cho bản thân, còn có những người như bác sĩ Rieux, bác sĩ Castel, ông Jean Tarrou, ông Joseph Grand, những con người tốt lành không quản ngại xả thân cứu giúp những bệnh nhân khốn khổ đang cố nắm lấy tia hy vọng mong manh vào sự sống. Họ là hiện thân những chiến sĩ áo trắng ngày nay trong cơn đại dịch khiếp hãi này, và có không ít người hy sinh mạng sống mình để cứu tha nhân.
Vào hè, tình hình dịch bệnh tại thị trấn Oran càng lúc càng bi đát. Bạo loạn xảy ra, cướp bóc tràn lan khắp nẻo, có vài kẻ bỏ trốn bị lính canh bắn chết ngoài bờ rào, thiết quân luật ban hành, người chết chôn không kịp, dân chúng ai nấy nép mình cắn răng chịu đựng dưới cơn thịnh nộ tai quái của trận dịch. Càng lúc càng tuyệt vọng, con người trở nên điên cuồng, phí phạm sức mạnh cả tinh thần lẫn thể xác cho những chuyện không đâu. Tuy vậy người sống vẫn thu gom sức mạnh chăm sóc người bệnh, chôn cất người chết.
Tình hình chỉ bắt đầu có vẻ khả quan, hy vọng le lói nhúm lên vào cuối tháng Mười khi thuốc chữa của bác sĩ Castel có hiệu nghiệm. Ông Rambert quyết định ở lại thị trấn mặc dù đã thương lượng được với bọn lính canh. Mức độ sát hại của trận dịch giảm dần và cuối tháng Giêng thì gần như dứt hẳn. Kẻ mất người còn gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Bác sĩ Rieux, ông Grand đều sống sót. Gã Cottard thì lên cơn điên, từ trong nhà xách súng bắn loạn xạ và bị bắt bỏ tù. Cha Paneloux suốt thời gian chống dịch đã hăng hái xông xáo giúp người, lại bất ngờ từ trần vào phút chót. Số phận cũng không may mắn đến với ông Tarrou.
Phần kết cuốn tiểu thuyết, những người sống sót nắm tay nhau ăn mừng. Riêng bác sĩ Rieux thì vẫn ưu tư bởi ông biết rõ những con vi trùng dịch bệnh đó chẳng tiêu tan đi đâu mà vẫn nằm ẩn nấp đâu đó trong nhà ngoài ngõ, chỉ chờ cơ hội lại bùng lên hoành hành dữ dội có thể còn hơn trước. Chẳng cần tìm hiểu đâu xa, hình ảnh bác sĩ Rieux lúc này chính là thần thoại Sisyphus – kiên trì lăn tảng đá lên đỉnh núi, để tảng đá lăn xuống chân núi, rồi lại bắt đầu ra sức lăn lên. Cứ thế con người sống mãi trong phi lý vô vọng trong lúc hoàng hôn đỏ như máu của lịch sử từ từ phủ xuống.
Trận dịch COVID-19 không phải là trận dịch đầu tiên của nhân loại, và có lẽ cũng không đến nỗi kinh hoàng như trận dịch năm 1918 với 100 triệu người thiệt mạng, khoa học và y học ngày nay tiến bộ nhiều lắm sau 100 năm, nhưng nó là trận dịch đầu tiên mà gần như toàn thể nhân loại khắp năm châu bốn biển bị ảnh hưởng, bởi thế giới ngày nay thu hẹp lại thành một cái “làng,” một cái làng có lẽ còn “bé” hơn cái thị trấn Oran của Camus. Những gì xảy ra bên trong thị trấn rất có thể sẽ tương tự xảy ra cho cả thế giới hiện tại. Cái khác biệt là, ông Rambert và những kẻ tuyệt vọng khác còn tí hy vọng bỏ trốn ra ngoài đi lánh nạn sau khi bị cách ly, còn tôi với bạn thì làm sao chúng ta bỏ trốn cái hành tinh này đi đâu đây? Và tôi dám đánh cá một ăn mười thua với bạn là, trong tương lai, không gần thì xa, chắc chắn nhân loại sẽ lại bị một trận dịch khác, tương tự hoặc thảm thiết hơn trận này.
Gọi La Peste là một kiệt tác văn chương, có lẽ chưa đủ. Không thèm để ý đến nó, “là hành vi báng bổ cái human spirit,” như tay viết phê bình nào đó phát biểu trên tờ New York Times. Với tôi, human spirit không hẳn chỉ đơn thuần là tinh thần, khí thế hay sự can trường của con người, nó còn là biểu hiệu cho “lòng khao khát muốn sống và được sống như con người.”
Tôi không rõ trận dịch COVID-19 này sẽ đi tới đâu, nhưng tôi tin tưởng vào cái tốt lành và sức mạnh sống còn của con người, vào cái human spirit nói bên trên, và tôi vững tâm.

Trịnh Y Thư
(3/2020, giữa cơn đại dịch COVID-19)

30 thg 3, 2020

Góc Đường Thi : HIỆP KHÁCH HÀNH

Góc Đường Thi :

       Mọi người đều biết LÝ BẠCH là THI TIÊN, là ông tiên trong rượu, như lời thơ của Thi Thánh Đỗ Phủ đã viết về ông như sau :

                 李白一斗詩百篇,  Lý Bạch đẩu tửu thi bách thiên,
                 長安市上酒家眠。  Trường An thị thượng tửu gia miên.
                 天子呼來不上船,  Thiên tử hô lai bất thượng thuyền,
                 自稱臣是酒中仙。  Tự xưng thần thị tửu trung tiên.
Có nghĩa :
                   Lý Bạch rượu vào trăm thơ ra,
                  Trường An quán rượu ngủ như nhà.
                  Vua đòi cũng mặc thuyền không xuống,
                  Xưng "Tiên Trong Rượu" chính là ta !
               
    Nhưng...
            Ít ai biết LÝ BẠCH còn được người đời sau xưng tụng là THI HIỆP 詩俠, là Thi sĩ có lòng hiệp nghĩa trong thơ. Bản thân Lý cũng là một kiếm khách có lòng hiệp nghĩa, hay cứu khổn phò nguy... Khi đi ngang qua đất Yên, Triệu là nơi có nhiều hiệp khách ngày xưa, Lý đã cảm khái mà viết nên bài thơ cổ phong trường thiên HIỆP KHÁCH HÀNH 俠客行, mà sau nầy đã làm nguồn cảm hứng cho đại tiểu thuyết gia võ hiệp Kim Dung 金庸 viết nên tác phẩm võ hiệp nổi tiếng cùng tên HIỆP KHÁCH HÀNH.
          Dưới đây là bài thơ nổi tiếng Hiệp Khách Hành của Lý Bạch.

  俠客行          HIỆP KHÁCH HÀNH

趙客縵胡纓,     Triệu khách mạn Hồ anh.
吳鉤霜雪明。    Ngô câu sương tuyết minh.
銀鞍照白馬,    Ngân yên chiếu bạch mã,
颯沓如流星。    Táp đạp như lưu tinh.

十步殺一人,    Thập bộ sát nhất nhân,
千里不留行。    Thiên lý bất lưu hành.
事了拂衣去,    Sự liễu phất y khứ,
深藏身與名。    Thâm tàng thân dữ danh.

閒過信陵飲,    Nhàn quá Tín lăng ẩm,
脫劍膝前橫。    Thoát kiếm tất tiền hoành.
將炙啖朱亥,    Tương chích đạm Chu Hợi,
持觴勸侯嬴。    Trì trường khuyến Hầu Doanh.

三杯吐然諾,    Tam bôi thổ nhiên nặc,
五嶽倒爲輕。    Ngũ nhạc đão vi khinh.
眼花耳熱後,    Nhãn hoa nhĩ nhiệt hậu,
意氣素霓生。    Ý khí tố nghê sinh.

救趙揮金槌,    Cứu Triệu huy kim chùy,
邯鄲先震驚。    Hàm Đan tiên chấn kinh.
千秋二壯士,    Thiên thu nhị tráng sĩ,
烜赫大梁城。    Huyên hách Đại lương thành.

縱死俠骨香,    Túng tử hiệp cốt hương,
不慚世上英。    Bất tàm thế thượng anh.
誰能書閣下,    Thùy năng thư các hạ,
白首太玄經。    Bạch thủ Thái Huyền Kinh.
              李白                                     Lý Bạch
              Thi Hiệp LÝ BẠCH

* Chú Thích :

  - Hiệp Khách Hành 侠客行 : HÀNH 行 là một thể loại văn học xưa, có vần điệu là một thể thơ trường thiên trong Nhạc phủ, có thể phổ nhạc và hát được.
  - Triệu Khách 趙客 : Chỉ các hiệp khách đất Yên Triệu ngày xưa.
  - Mạn Hồ Anh 縵胡纓 : MẠN là không có hoa văn. HỒ là xứ Hố. ANH là Dây cột mão đội trên đầu cho chắc. Nên MẠN HỒ ANH là chỉ chung loại mão (nón) dùng để chụp cái búi tóc trên đầu của các hiệp sĩ, có hai sợi dây thòng xuống hai bên để buộc vào dưới cằm cho chắc.           
                   
                                                            Mạn Hồ Anh của Hiệp Khách
        

   - Ngô Câu 吳鉤 : Tên một loại bảo đao xưa.
   - Sương Tuyết Minh 霜雪明 : Chỉ vũ khí sắc bén sáng loáng và lạnh lùng như sương tuyết.
   - Táp Đạp 颯沓 : Hình dung từ chỉ ngựa phi dồn dập.
   - Hai câu "Thập bộ sát nhất nhân, Thiên lý bất lưu hành 十步殺一人,千里不留行 : Có xuất xứ từ chương Thuyết Kiếm trong sách Trang Tử, chỉ sự sắc bén của thanh kiếm và sự dũng mãnh của người hiệp khách : Trong vòng mười bước sẽ giết chếy một người và ngoài ngàn dặm không chừa ai cả.
   - Tín Lăng 信陵 :là Tín Lăng Quân, tức Ngụy Vô Kỵ, hợp cùng với Mạnh Thường Quân, Xuân Thân Quân và Bình Nguyên Quân thành TỨ CÔNG TỬ thời Chiến Quốc, chiêu hiền đãi sĩ, trong nhà luôn có ba ngàn thực khách, trong số đó có rất nhiều hiệp khách giang hồ.
   - Chu Hợi, Hầu Doanh 朱亥、侯嬴 : đều là những hiệp khách thời Chiến quốc, là môn khách của Tín Lăng Quân.
   - Hai câu "Tam bôi thổ nhiên nặc, Ngũ nhạc đão vi khinh 三杯吐然諾,五嶽倒爲輕" Có nghĩa : Chỉ cần có ba ly rượu vào bụng là sẽ có lời hứa hẹn, và đã hứa hẹn thì sẽ xem lời hưa còn nặng hơn là núi Ngũ Nhạc nữa.(Nói thêm, Ngũ Nhạc gồm có  Đông Nhạc Thái Sơn, Tây Nhạc Hoa Sơn, Nam Nhạc Hành Sơn, Bắc Nhạc Hằng Sơn và Trung Nhạc Tung Sơn 东岳山東的泰山、西岳陝西的华山、中岳河南的嵩山、北岳山西的恒山、南岳湖南的衡山).
   - Tố Nghê 素霓 : TỐ là Màu Trắng, NGHÊ là Mây màu buổi sáng hoặc buổi chiều; nên TỐ NGHÊ còn gọi là BẠCH HỒNG 白虹 là Cầu vòng màu trắng quanh mặt trời, chỉ những hiện tượng thiên nhiên đặc biệt khi có những sự kiện đặc biệt trong đời sống; trong bài thơ chỉ những sự việc khác người, kinh thiên động địa mà người hiệp sĩ hứa sẽ làm.
   - Hai Câu "Cứu Triệu huy kim Chùy, Hàm Đan tiên chấn kinh 救趙揮金槌,邯鄲先震驚" là nhắc lại tích Tín Lăng Quân cứu Triệu : Quân Tần công phá Hàm Đan là kinh đô của nước Triệu. Bình Nguyên Quân của Triệu cầu cứu với Tín Lăng Quân của Ngụy. Tín Lăng Quân theo kế của Hầu Doanh, trộm được binh phù của Ngụy Vương, Chu Hợi lại dùng chùy giết tướng Ngụy là Tấn Bỉ, rồi tự cầm quân đi cứu Triệu và đã giải vây được cho thành Hàm Đan.
                                                      
                                       Chùy giết Tấn Bỉ              Cướp Phù Cứu Triệu

   - Huyên Hách 烜赫 : HUYÊN là Rực rỡ, HÁCH là Hiển Hách, chỉ sự việc hoặc chiến công rực rỡ hiển hách.
   - Đại Lương Thành 大梁城 :Thành Đại Lương là kinh đô của nước Ngụy, thuộc huyên Khai Phong tỉnh Hà Nam hiện nay.
   - Thái Huyền Kinh 太玄經 : là quyển kinh sách triết học của nhà tư tưởng Dương Hùng đời Tây Hán, ông từng giữ chức Hiệu San trong Tàng Thư Thiên Lộc Các của nhà vua.

* Nghĩa Bài Thơ :
                                         HIỆP KHÁCH HÀNH

          Hiệp khách nước Triệu chỉ đội mão Hồ anh giản dị, nhưng bảo đao bảo kiếm đeo bên mình lại sáng lắp lánh như sương tuyết. Trên lưng bạch mã với yên cương bằng bạc băng lướt dặm trường chớp giật như gió cuốn sao sa.Trong vòng mười bước đã giết chết một mạng người, dù cho ngoài quan ải ngàn dặm cũng chẳng để thoát bao giờ. Khi việc nghĩa đã làm xong thì dứt áo ra đi, không màng tất cả mà ẩn tích mai danh. Khi nhàn rỗi thì tạt qua nhà Tín Lăng Quân uống vài chung rượu, cởi kiếm ra gát ngang trước gối. Cùng bốc thịt ăn với Chu Hợi và cùng nâng chén rượu nốc cạn với Hầu Doanh. Chỉ cần có ba chung rượu vào bụng là sẽ có những lời hứa hẹn nặng hơn cả dãy núi Ngũ Nhạc. Sau khi rượu đã ngà say, mặt đã đỏ tai đã nóng mắt đã long lên sòng sọc, thì cái hào khí bốc cao có thể nuốt cả sao Đẩu sao Ngưu, như Hầu Doanh và Chu Hợi đã hưu chùy giết chết đại tướng của Ngụy cướp binh phù đi cứu Triệu, thanh danh hiễn hách làm chấn động cả thành Hàm Đan. Tên tuổi của hai tráng sĩ ấy ngàn thu sau vẫn còn vang vội ở thành Đại Lương. Là một hiệp sĩ dù cho có chết thì cái khí cốt của hiệp khách vẫn còn lưu lại tiếng thơm đến ngàn sau và không hỗ danh của một anh hùng hào kiệt. Đã mang cái hào khí của hiệp khách thì không ai có thể vùi đầu suốt đời trên gác sách, cho đến đầu bạc như Dương Hùng đời Hán vẫn còn miệt mài mà viết quyển Thái Huyền Kinh.  


         Lý Bạch là một Thi Tiên, là một người học rộng biết nhiều, như "Lý Bạch túy Hách Man Thư" làm khiếp đãm các Phiên Vương. Nhưng khi mười lăm tuổi ông cũng đã học kiếm thuật, nên cũng tôn trọng tính cách của những hiệp khách giang hồ, với lòng hiệp nghĩa cứu khổn phò nguy mà không cần phải nhai văn nhá chữ như những con mọt sách chỉ toàn nói những lời saó ngữ đẹp đẽ mà không thực tế với cuộc sống trước mắt. Nhà văn Kim Dung cũng nhằm vào quan điểm thực tế nầy mà viết nên tác phẩm võ hiệp cùng tên HIỆP KHÁCH HÀNH. Không cần phải được giáo dục theo lối hủ Nho bằng tứ thư ngũ kinh như Thạch Trung Ngọc mà gian dối xảo biện, làm những chuyện trái luân thường đạo lý, thà dốt như Cẩu Tạp Chủng Thạch Phá Thiên mà chân thật trượng nghĩa, dám nghĩ dám làm dám đương đầu với những thế lực đen tối để cứu khổn phò nguy, chỉ bằng vào hình tuợng của những con nòng nọc cũng luyên nên được cái thế thần công mà không cần biết đến nghĩa lý của các chữ khoa đẩu đã nói gì. Đoạn kết của truyện Hiệp Khách Hành cũng là câu kết của bài thơ của Lý Bạch : Thà ăn thô uống bạo như những hiệp khách hiệp nghĩa chớ không thèm như nhà tư tưởng đời Tây Hán là Dương Hùng đến già đầu vẫn còn miệt mài chưa viết xong được quyển Thái Huyền Kinh !

* Diễn Nôm :
                                           
                                  HIỆP KHÁCH HÀNH
                                     Giải mũ Hồ phất phơ Triệu khách,
                           Gươm sáng choang đao sạch tợ sương.
                           Ngân yên bạch mã lên đường,
                           Thế như điện chớp nhanh dường sao sa !

                           Trong mười bước gian tà đều chết,
                           Ngàn dặm đường giết hết chẳng tha.
                           Xong xuôi dứt áo đi xa,
                           Chẳng màng danh lợi lọ là họ tên !

                           Khi rảnh rổi cùng lên Tín phủ,
                           Gát ngang gươm chén rượu khề khà.
                           Ba chung hơi rượu ngà ngà,
                           Nhẹ xem Ngũ Nhạc như là cỏ cây !

                           Cùng Chu Hợi bạn bầy nhai thịt,
                           Với Hầu Doanh chuốt chén nâng ly.
                           Cướp phù cứu Triệu hưu chùy,
                           Hàm Đan giải thoát người thì reo vui !

                           Ngàn thu vẫn bùi ngùi nhị khách,
                           Đại Lương thành hiển hách uy danh.
                           Nắm xương hiệp nghĩa rành rành,
                           Anh hùng chẳng thẹn, lưu danh muôn đời !

                           Chẳng như ai vùi đầu gác vắng,
                           Thái Huyền Kinh bạc trắng mái đầu.
                           Tàn đời có được gì đâu !!!
                                                                                                                    Đỗ Chiêu Đức
Mời Xem : 🍄🍄DANH HIỆU THI NHÂN 


28 thg 3, 2020

Đối mặt với COVID-19: Sự yếu đuối, cô độc và bất lực của văn học

Diêm Liên Khoa (Nhà văn Trung Quốc)
Châu Hải Đường (dịch)
Tôi vẫn luôn hoài nghi cái ý nghĩa lớn lao của văn học ngày nay mà người ta từng nói. Nguyên do bắt nguồn từ hai điểm: một là, những gì đáng viết thì tựa hồ tiền nhân đã viết cả rồi; hai là, văn học vĩ đại tất nhiên được sinh ra trong thời đại phù hợp với nó, ngày nay lại là thời của mạng và khoa học kỹ thuật, văn học chỉ là một diễn viên phụ, không giống giai đoạn cuối thế kỷ XVIII đến thập niên 70 của thế kỷ XX – khi văn học là một diễn viên chính, một trụ cột văn hóa chiếm một góc trên vũ đài thế giới.


Nhà văn Diêm Liên Khoa
Nhà văn Diêm Liên Khoa
Sự yếu đuối và cô độc của văn học
Thời đại sản sinh ra nền văn học vĩ đại đã qua rồi. Chỉ thiên tài mới có thể được ông trời nhìn đến mà viết ra những tác phẩm kinh thiên động địa. Nhưng với tình thế và hiện thực ngày nay, thật khó có thể sản sinh ra những tác phẩm vĩ đại.
Văn học thế giới đã có trọn vẹn hai trăm năm huy hoàng của thế kỷ XIX và XX, lịch sử nhân loại đã không phụ văn học. Việc những nhà văn còn sót lại nên làm, chính là diễn xuất một cách hết sức vẻ vang vai diễn phụ của mình. Trong rất nhiều tiểu thuyết, phim truyện, ký kịch, sự vinh quang của vai phụ còn hơn cả vai diễn chính – chúng ta không ngừng cần mẫn tìm tòi và viết lách, đại khái cũng vì sự vĩ đại bất ngờ đó mà sáng tác.
Nhưng chúng ta cũng chớ quên diễn viên chính vẫn là diễn viên chính, diễn viên phụ vẫn phải diễn vai phụ mà lịch sử đã phân công. Chấp nhận sự bên lề của văn học chẳng phải một việc tồi tệ. Nó khiến chúng ta biết trong thời đại này, nhà văn chỉ là nhà văn, biết họ muốn làm gì và họ chỉ có thể làm gì.
Bệnh viêm phổi do vi-rút Corona chủng mới đã đến.
Nó quả thực giống như một cuộc chiến không đáng có, nhưng tiếng súng lại đột nhiên vang lên bốn bề. Chẳng phải chỉ một Vũ Hán, Hồ Bắc và Trung Quốc, mà toàn thế giới dần bị kéo vào tai họa ấy. Vũ Hán – thành phố nằm sâu trong đại lục Trung Quốc, trung tâm của nạn dịch ấy, kiếp nạn của bệnh tật và tử vong, tựa như tâm của cơn sóng thần vươn đổ ra bốn bên. Các nước trên thế giới đều không ngờ rằng, chúng ta lại lấy cách đó để chứng minh: nhân loại là một cộng đồng chung.
Hoang đường và trái ngược luôn là một bộ phận của lịch sử nhân loại. Ở đó, sinh mệnh của người chết vẫn còn chưa nhắm mắt, nước mắt và tiếng than khóc bi thương vẫn vang vọng khắp nơi. Mấy vạn nhân viên y tế Trung Quốc bỏ lại con cái và gia đình luân phiên lao tới Vũ Hán, Hồ Bắc xông pha cứu chữa. Khi những nhân viên y tế đem mạng sống ra chống lại dịch bệnh, rất nhiều người đã trở thành một phần trong số những người đã chết. Có thể nói không chút nghi ngờ rằng, bất luận khởi nguồn của dịch bệnh ở đâu, nhưng sự lan tràn của nó bộc phát từ những kẽ hở trong kết cấu xã hội đặc thù của Trung Quốc.
Nhưng, từ sau khi phong tỏa Vũ Hán, thì cả Trung Quốc rất nhanh chóng kết lại làm một, tựa như những thanh củi lẻ tẻ được bó thành một bó bốc cháy. Vào lúc ấy, những thói xấu trong nhân tính giống như khói đen của bó củi ướt cuộn quanh chúng ta, đồng thời những ánh sáng và sự thuần khiết của nhân tính cũng giống như ánh lửa chói mắt, soi sáng sưởi ấm thế giới, đất trời, con người.
Đó cũng chính là sức mạnh dân tộc như người ta vẫn nói. Cũng chính là hy vọng dân tộc ta đang nói đây.
Giữa sức mạnh và hy vọng ấy, ở điểm xung động giữa sự xa mờ của văn học với sự bức thiết cận kề của nạn dịch, chúng ta lại một lần nữa nhận ra sự yếu đuối và cô độc của văn học. Nó chẳng những không thể biến thành khẩu trang để đưa đến vùng dịch, mà cũng không thể trở thành một bộ quần áo bảo hộ y tế. Lúc cần ăn uống, nó không phải là sữa và bánh mì; khi cần rau cỏ, nó không phải là củ cải và cần tây. Thậm chí, khi mọi người sợ hãi, lo lắng bất an, nó cũng không thể trở thành một viên giả dược.
Vì sao, trong tiếng nói của một bộ phận truyền thông chính thức của Trung Quốc, và hầu như toàn bộ người dân có suy nghĩ, không hẹn mà cùng gọi Vũ Hán bị phong tỏa là “Auschwitz” (trại tập trung của Đức Quốc xã ở Ba Lan – người dịch)? Vì sao người ta liên tưởng giữa Auschwitz và “Thơ”?
Vì bệnh viêm phổi do virus corona chủng mới ở Vũ Hán đã trở thành một ẩn dụ. Vì trong kiếp nạn đột nhiên xảy đến này, xã hội Trung Quốc lại một lần nữa thể nghiệm được tính trọng yếu của việc bao dung những tiếng nói khác biệt. Cũng một lần nữa đem sự sống và cái chết để chứng minh, ở trong trại tập trung Auschwitz khi có thể viết thơ thì hãy viết thơ.
Bởi vì bài thơ lúc này, nó không phải là thơ, mà là tiếng nói khác biệt, truyền gửi và sống động. Nếu như năm xưa, trong trại Auschwitz, có người có thể viết thơ, và đem bài thơ ấy truyền ra ngoài, thì trại Auschwitz sẽ không kéo dài lâu như thế, sẽ không có những sinh mệnh vô tội bị phát xít giày xéo dưới gót chân như con sâu cái kiến nhiều đến thế.
Bệnh nhân khỏi bệnh vẫy tay chào đội ngũ y bác sĩ ở Bệnh viện Dã chiến Lôi Thần Sơn, Vũ Hán ngày 1/3 - Ảnh: Reuters
Bệnh nhân khỏi bệnh vẫy tay chào đội ngũ y bác sĩ ở Bệnh viện Dã chiến Lôi Thần Sơn, Vũ Hán ngày 1/3 – Ảnh: Reuters
Trong giá lạnh, nhà văn vẫn nhiều hơn người khác một chiếc áo bông
Trong chiến tranh nếu không có mặt những phóng viên chiến trường coi sự thật như mạng sống của mình thì điều ấy thực sự là ngu xuẩn và đáng sợ.
Nhân loại đối mặt với kiếp nạn mà không tồn tại những tiếng nói khác biệt thì đó mới là kiếp nạn lớn nhất vậy.
Khi chiến tranh và nạn dịch xuất hiện, có những nhà văn có thể trở thành “chiến sĩ” và “phóng viên chiến trường”. Tiếng nói của họ còn vang xa hơn tiếng súng. Âm thanh của tiếng vang khác biệt ấy nhiều khi có thể khiến mũi dao trước mặt phải chùn lại, khiến tiếng đại bác của đối phương phải câm nín, giống như Isaac Babel và Hemingway, Norman Mailer, Singer và George Orwell.
Nói vậy không phải nhà văn trong chiến tranh nhất định phải thành phóng viên mới là nhà văn giỏi, mà là, một nhà văn trong chiến tranh nhưng không nhìn thấy cái chết, không nghe thấy tiếng súng, là một chuyện vô cùng hoang đường. Thậm chí, anh ta rõ ràng đã nhìn thấy cái chết, đã nghe thấy tiếng súng, nhưng lại nói tiếng súng ấy là tiếng pháo hoa mừng khải hoàn sắp tới, thì còn hoang đường gấp bội, và nó còn đáng sợ hơn cả chiến tranh hay dịch bệnh.
Dẫu rằng, Kafka trong nhật ký của mình có viết: “buổi sáng chiến tranh nổ ra, buổi chiều đi tắm”, nhưng chúng ta nhất định không được quên rằng ông ấy vô cùng mẫn cảm với sự hoang đường, và thực sự viết ra những con người hoang đường. Nhưng chúng ta, lại thường là người coi tiếng súng nổ là tiếng pháo hoa, thậm chí còn cầm cây bút của mình lên để chứng minh sự bình thường của hoang đường cũng như tiếng súng đích thực chính là tiếng pháo hoa.
Không ai có quyền khiển trách khi giữa những tiếng khóc than, có người trở thành kẻ gào thét hay vung tay hô lớn; cũng không nên khiển trách khi vô số chân tướng còn chưa rõ ràng. Đã có những nhà thơ, nhà văn, giáo sư và những trí thức trong sự lựa chọn chính xác của chính trị, rất sớm đã tuyên bố sự lựa chọn, lập trường và quyết định của họ.
Trên thế giới rất ít người có thể hiểu nổi sự khiếp nhược và bất lực của nhà văn Trung Quốc, giống như những con chim cánh cụt yếu đuối ở Nam Cực chỉ có thể sống được trong giá lạnh. Cảnh ngộ thường quyết định sự cao thấp và khác biệt rõ ràng giữa nhà văn với nhà văn, văn học với văn học.
Ở Trung Quốc, việc cho phép tồn tại những tiếng nói khác còn cấp bách và quan trọng hơn nhiều việc sản sinh ra một hay vài tác phẩm vĩ đại ngoài ý muốn. Không ai có thể hiểu nổi sự yếu đuối, cô độc và bất lực của nhà văn Trung Quốc. Cũng không ai có thể hiểu, nhà văn Trung Quốc không hoàn toàn trân quý hay cần thiết sự bao dung và tự do kiểu “anh có thể thế này, tôi có thể thế kia”.
Nhân loại đều có tâm lý muôn người như một: trời lạnh mọi người cùng lạnh, trời ấm mọi người cùng ấm. Nhưng thực sự có đúng vậy không? Với một tập hợp mờ nhạt của nhà văn, văn đàn mà nói, khi mùa đông lạnh giá thực sự tới rồi, trên mình tôi vẫn còn nhiều hơn anh một cái áo bông được người ta phát cho. Đó cũng chính là sự vi diệu, bối rối và thê lương của nhà văn và văn học Trung Quốc ngày nay. Bởi trong cái giá lạnh ấy, phần lớn các nhà văn vẫn nhiều hơn so với người khác một cái áo bông chống rét

Y tá với dòng chữ “Có tôi đây đừng sợ” trên tay áo – Ảnh: Chinanews
Đừng biến văn học thành tội ác
Trong hai cuộc chiến tranh thế giới, không phải tất cả những nhà văn đều ra tiền tuyến, đều cầm bút trên chiến trường như Babel, Hemingway và Orwell. Nhưng nếu Tolstoy chưa từng là một người lính, ông viết Chiến tranh và hòa bình thế nào? Nếu Remarque không tham chiến và bị thương trong Thế chiến I, ông viết Phía tây không có gì lạ thế nào? Và đến Joseph Heller với Bẫy số 22, Vonnegut với Bữa sáng của nhà vô địch, lại còn Albert Camus với Dịch hạch, José Saramago với Mù lòa
Những tác giả nêu ở trước đều từng là lính không quân hoặc tù binh, còn những tác giả kể sau lại là người có hiểu biết và cảm nhận rất sâu về dịch bệnh của nhân loại. Từ góc độ ấy mà nói, ở tình cảnh hôm nay, đến lượt những nhà văn Trung Quốc nên viết cái gì? Họ nên viết ra những con người cá biệt đau đớn nhất, lịch sử hoang đường bất kham nhất, tác phẩm sáng tạo riêng biệt nhất.
Trong lịch sử và hiện thực của đất nước, nhà văn Trung Quốc đã tự mình trải qua, trông thấy quá nhiều sự hoang đường: tử vong và tai nạn; sự bộc phát của dịch bệnh, và sau khi quên đi kiếp nạn rồi nó lại nổ ra. Trải qua những điều ấy rồi, chúng ta có suy nghĩ về sự cô độc, ký ức của con người, và tình cảnh khốn khổ của nhân loại như Camus và Saramago không? Có đối diện với chân tướng của con người, hiện thực và thế giới mà dùng sự sáng tạo để đi tới một sự thực nào đó sâu sắc hơn giống như họ không? Viết hay không viết? Viết thì sẽ viết những gì?
Nói thật, ở Trung Quốc có rất nhiều nhà văn vô cùng tài hoa. Nhưng cái khó của văn học Trung Quốc không hoàn toàn ở chỗ, người ta cho chúng ta viết gì và không viết gì, mà còn ở bản thân chúng ta muốn viết gì và phải viết gì. Qua loa sống tạm là một việc, không thể không sống tạm lại là một chuyện khác. Nhưng tỉnh táo và tự nguyện sống tạm bợ lại là một cái khác trong số những cái khác ấy. Tôi biết, tôi là kẻ sống tạm, nhưng có thể từ trong cuộc sống tạm bợ ấy giành được hạnh phúc và niềm vui, đó là một bẩm tính và văn hóa của người Trung Quốc ngày nay, là một loại đặc chất di truyền.
Văn học yếu đuối, cô độc và bất lực, nhưng nhà văn chẳng những không suy nghĩ về điều đó, mà có thể lại dùng bút mực, tiếng nói và quyền lực của mình để phổ lên những khúc nhạc, cất lên lời thơ ca ngợi hiện thực được tạo nên từ những hoang đường, chết chóc. Để sống tạm, họ lại mang những cái giày của anh hùng để che phủ lên những dấu chân đi đến mộ phần của người chết. Điều ấy khiến cho văn học chẳng những yếu đuối, cô độc và bất lực, mà hơn nữa còn khiến văn học biến thành tội ác. Khiến văn học không còn là văn học nữa.
Điều đáng sợ, không phải là vai trò của văn học trong lịch sử đã bị thay thế và đẩy ra ngoài lề, mà nhà văn biết rõ điều đó nhưng lại vỗ tay cho sự yếu đuối và cô độc, lớn tiếng khen hay cho những sáng tác yếu đuối và cô độc ấy, và lột nốt cái giày cuối cùng của văn học ra, để nó đi chân trần trên gai góc, nhìn văn học gục xuống chết, mà cho rằng mình là nhà văn, là tấm gương đã cứu vớt văn học.
Đó cũng chính là một loại của văn học Trung Quốc hiện nay, là tên đao phủ của văn học mà nhà văn đã tự mình đảm nhận. Bi kịch của văn học Trung Quốc ở chỗ, rất nhiều nhà văn trong cơn giá lạnh đều mặc nhiều hơn người khác một chiếc áo bông. Và khi ra đường, đứng giữa mọi người đều rét mướt, những người mặc hơn người khác một cái áo bông ấy, có thể cởi áo bông của mình ra không? Nếu không, thì văn học sẽ là vô vọng, hoặc thậm chí là tội ác.