30 thg 9, 2022

Đâu mới là nghỉ ngơi thật sự? Chuyên gia tiết lộ cách thức nghỉ ngơi mang lại lợi ích to lớn nhất cho sức khỏe

VÕ LINH (DNK.News)

Nghỉ ngơi thật sự là thế nào? Làm một giấc thật ngon vào mỗi dịp cuối tuần? Làm một chuyến du lịch để giải tỏa căng thẳng trong một tuần làm việc? Nhưng thực tế, thường thì càng nghỉ ngơi ta lại càng cảm thấy mệt mỏi. Tại sao như vậy? Có lẽ chúng ta đã hiểu sai về việc nghỉ ngơi, bài viết này sẽ phân tích cho chúng ta hiểu nên nghỉ ngơi thế nào để mang lại lợi ích lớn nhất cho sức khỏe.

Tại sao bạn vẫn cảm thấy mệt mỏi dù đã ngủ một giấc kéo dài 11 giờ? Tại sao bạn tiêu một khoản tiền lớn cho những kỳ nghỉ lên rừng xuống biển, nhưng vẫn không tăng thêm nhiệt huyết cho cuộc sống?

Cũng có người bảo rằng nếu bạn đi hát Karaoke, hộp đêm, hoặc công viên giải trí, bạn có thể quên đi nỗi buồn của mình và bắt đầu một ngày mới với nhiều năng lượng hơn, nhưng sau khi bạn thỏa sức đam mê, trở về nhà lại cảm thấy không có gì ngoài sự trống rỗng trong tâm?

Liệu chúng ta có thực sự hiểu được hàm nghĩa của nghỉ ngơi là gì? Liệu rằng chúng ta đã nghỉ ngơi đúng cách chưa? Đó là ngủ một giấc cho đã, hoặc vui chơi cho thật thỏa thích? Cùng nhóm bạn đi hát Karaoke giải tỏa cảm xúc sau khi đã chén một bữa no căng?

Kỳ thực, hàm nghĩa thật sự của nghỉ ngơi là khôi phục thể trạng, thả lỏng đầu óc, thoải mái tinh thần, khi bạn lần nữa bước vào công việc hay học tập liền cảm thấy mình như một con người mới với tinh lực tràn trề. 

Nếu phương thức nghỉ ngơi của bạn không mang lại cho bạn những điều này, thế thì dù cái tên của những hoạt động này nghe có vẻ thoải mái, hay tuyệt vời đến đâu, thì nó đều là một sai lầm.

Trước tiên, hãy xem chúng ta có những ngộ nhận nào về việc nghỉ ngơi.

Người lao động trí óc, việc ngủ bù với bạn là không có ích gì

Bạn soạn thảo văn bản cả một ngày, chủ trì cuộc họp cả một ngày, và khi tất cả đều xong xuôi, bạn thở dài: “Mệt quá! Hôm nay mình phải ngủ một giấc cho đã mới được”. Hiểu biết thông thường khiến phản ứng đầu tiên của chúng ta mỗi khi cảm thấy mệt mỏi là “đi nằm tý đã”. Nhưng đây lại là một cái bẫy.

Ngủ đúng là một hình thức nghỉ ngơi hữu hiệu, nhưng nó chủ yếu phù hợp với những người thiếu ngủ hoặc những người lao động chân tay. Đối với những người lao động chân tay mà nói, “mệt mỏi” chủ yếu là do cơ thể sản sinh ra một lượng lớn acid, nếu trong người cảm thấy rất mệt thì nên áp dụng phương thức nghỉ ngơi tĩnh lặng. Bằng cách ngủ, có thể khiến năng lượng đã mất được bổ sung và loại bỏ chất thải được tích tụ. Nếu không mệt quá, bạn cũng có thể nằm xuống giường một lúc, nhắm mắt nghỉ ngơi, để các cơ và dây thần kinh toàn thân thả lỏng hoàn toàn rồi mới đứng dậy vận động.

Ảnh: Freepik.

Nhưng nếu bạn đang ngồi trong văn phòng làm việc, phần vỏ bộ não cực kỳ hưng phấn, trong khi thân thể lại ở trạng thái hưng phấn thấp, đối với loại mệt mỏi này, giấc ngủ không khởi được tác dụng gì lớn (trừ khi bạn thức khuya tăng ca không thể ngủ đủ giấc như người bình thường). Vì điều bạn cần không phải là phục hồi năng lượng thân thể thông qua sự “tĩnh chỉ” (yên lặng), mà là tìm việc gì đó để thả lỏng đầu não. Bằng cách đó, bạn có thể hiểu tại sao bạn vẫn uể oải trong người dù không đi chơi hai ngày cuối tuần, nhưng bạn chỉ cần bơi nửa tiếng sau khi tan ca liền cảm thấy tinh thần phấn chấn hẳn.

Không cần phải dừng lại, chỉ cần thay đổi

Nếu giấc ngủ đã không thể giúp đầu não chúng ta nghỉ ngơi, vậy chúng ta có thể làm cách gì? Câu trả lời là không phải dừng hoạt động, mà chỉ thay đổi nội dung của hoạt động. Hơn mười tỷ tế bào thần kinh trong vỏ não có các chức năng khác nhau, và chúng được sắp xếp để tạo thành các vùng chức năng kết hợp khác nhau, vùng này hoạt động thì vùng kia nghỉ ngơi.

Vì vậy, bằng cách thay đổi nội dung hoạt động, có thể khiến các vùng khác của đầu não được nghỉ ngơi. Nhà tâm sinh lý học Ivan Sechenov đã thực hiện một thí nghiệm. Để loại bỏ tình trạng mệt mỏi cánh tay phải, ông áp dụng hai phương pháp – một là để hai tay nghỉ ngơi trong yên lặng, cách kia là cho phép tay trái di chuyển đúng cách trong khi tay phải để yên, sau đó kiểm tra sức nắm của tay phải trên máy đo độ mỏi. Kết quả cho thấy tình trạng mỏi tay phải được giải quyết mau lẹ hơn trong tình huống tay trái hoạt động. Điều này chứng tỏ việc thay đổi nội dung hoạt động của con người quả thực là phương thức nghỉ ngơi tích cực.

Ví dụ, nếu bạn viết một văn bản thiết kế kéo dài 5 giờ vào thứ Sáu, thì tốt hơn là bạn nên cắt tỉa những chậu cây của mình vào ngày hôm sau thay vì ngủ nướng đến trưa. Còn có một điểm, khi bạn không thể chuyển từ công việc trí óc sang công việc chân tay, nếu không ngại thì bạn hãy chuyển sang phần công việc trí óc khác.

Jean-Jacques Rousseau, nhà tư tưởng khai sáng xuất sắc của Pháp, đã nói về kinh nghiệm của mình như sau: “Tôi vốn không phải là người sinh ra để nghiên cứu học vấn, bởi tôi chỉ cần động não lâu một chút liền cảm thấy mệt mỏi, và tôi thậm chí không thể tập trung tinh lực vào một vấn đề duy nhất trong nửa giờ đồng hồ. Tuy nhiên, tôi đã giải quyết mấy vấn đề khác nhau liên tiếp và thậm chí không bị gián đoạn, tôi có thể suy ngẫm mỗi từng vấn đề một cách thoải mái và vui vẻ, nhờ vậy mà tôi có thể loại bỏ sự mệt mỏi mà không cần phải nghỉ ngơi đầu óc một lúc. Vì vậy, tôi đã sử dụng đầy đủ đặc điểm mà tôi tìm thấy này vào trong nghiên cứu học vấn của mình, tiến hành nghiên cứu luân phiên đối với một vài vấn đề. Như vậy thì dù làm việc cật lực cả ngày cũng không cảm thấy mệt mỏi”. 

Vì vậy, nếu bạn có một số vấn đề cần giải quyết, tốt hơn là bạn nên xen kẽ chúng hơn là hoàn thành một vấn đề và bắt đầu vấn đề thứ hai, vì điều đó sẽ nhanh chóng cạn kiệt tinh lực.

Nghỉ ngơi tốt nhất là để bạn thắp lại niềm vui đối với cuộc sống

Ảnh: Freepik.

Sự kiệt sức của chúng ta chủ yếu đến từ việc cảm thấy nhàm chán với thói quen sống không chút thay đổi của mình. Vì vậy, những hạng mục nghỉ ngơi tốt nhất chính là những hoạt động cho phép chúng ta tìm lại niềm đam mê của mình đối với cuộc sống và công việc. Nếu như bạn làm xong một việc mà có thể reo lên một cách vui sướng rằng “ngày mai lại là một ngày mới”. Thì đây là cách tốt nhất để bạn khôi phục lại nhiệt huyết và điều tiết cảm xúc. Nhưng đáng tiếc, chúng ta lại thường thiếu trí tưởng tượng về sự “nghỉ ngơi”, các phương pháp mà chúng ta có thể nghĩ đến nếu không phải là ngủ cho đã thì là vui chơi cho thật thỏa thích.

Chúng tôi cung cấp cho bạn danh sách một số hoạt động dưới đây, ý tưởng cơ bản là để giải quyết “mệt mỏi” bằng cách “làm”, dùng nghỉ ngơi tích cực để thay thế buông thả tiêu cực. Tất nhiên, phương pháp nào phù hợp nhất với bạn vẫn tùy thuộc vào bạn khám phá. Trên thực tế, nếu bạn nghĩ rằng quét dọn nhà cửa là cách nghỉ ngơi thoải mái hơn là chơi tàu lượn siêu tốc, thế thì bạn cứ làm đi, đừng để ý người khác đang chơi gì.

Bạn có thể:

1. Dành 2 giờ để xem hoạt hình, tiểu thuyết hoặc truyện cười khiến bạn vui vẻ thay vì đi hát Karaoke.

2. Cố gắng từ bỏ việc đi đến quán bar vào tối thứ bảy, đi ngủ lúc 10 giờ, sau đó thức dậy lúc 7 giờ, đi bộ xuống phố đi dạo hoặc tập thể dục buổi sáng mà bạn chưa bao giờ tập thử, bạn sẽ thấy rằng ngày này có thể khác với hàng trăm hàng nghìn ngày cuối tuần trước đây.

3. Ngừng tìm niềm vui ở những khu nghỉ dưỡng mà bạn đã đến không biết bao nhiêu lần. Tìm một con phố mà bạn chưa từng đến và đi bộ qua đó, bạn sẽ nhận thấy trong thành phố mà bạn phát ngán này cũng có chỗ hay mà bạn chưa từng biết đến.

4. Đi du lịch, mà không thay đổi địa điểm để giải trí. Rồi đi đến một nơi và tò mò về chính nơi đó, cảm thấy hài lòng về chuyến đi của bạn và cảm nhận cuộc sống bên ngoài như thế nào so với trải nghiệm của chính bạn. Thay vì một chuyến bay dài 5 giờ, chẳng qua là đổi nơi chơi mạt chược, đổi nơi bơi lội, đổi nơi chơi bóng …

5. Học một kỹ năng mới từ cuối tuần này, chẳng hạn như chơi đàn điện tử, đánh trống … Thực hành hơn 1 giờ vào mỗi ngày cuối tuần.

6. Đi xã giao. Đừng nghĩ rằng việc đó luôn khiến người ta mệt mỏi. Mặc dù nó hơi căng thẳng hơn so với đọc sách, nhưng nó cũng có thể khiến bạn phấn khích hơn và nhận được nhiều sự đồng cảm hơn. Bạn nên dành hai hoặc ba ngày một tuần để giao thiệp với những người bên ngoài vòng tròn công việc và người thân của bạn. Nó giúp bạn không đến nỗi mất đi bản tính hoạt bát của mình trong vận hành máy móc với công việc buồn tẻ ngày qua ngày. Các bạn nữ rất cần đi ra ngoài và gặp gỡ bạn bè, những khoảnh khắc này bạn sẽ trở thành tâm điểm với những chiếc váy bay bổng.

7, Hãy làm chút chuyện khó khăn, nếu tinh thần của bạn đang rất khẩn trương. Các nhà tâm lý học đã phát hiện ra rằng cách giải tỏa căng thẳng là giải quyết những vấn đề đòi hỏi thần kinh khẩn trương mới có thể giải quyết. Có lần một vị tổng giám đốc sắp bị suy nhược thần kinh đến gặp bác sĩ để tư vấn cách chữa trị, ông ta nhận được đơn thuốc là đến sở thú và trở thành người huấn luyện sư tử. Kết quả sau một tháng ông đã phục hồi hoàn toàn. Cho nên khi áp lực đặc biệt cao, bạn có thể tìm một công việc khác cho mình, nhưng không phải là một công việc tương tự như bạn vẫn đang làm. Ví dụ, làm tình nguyện viên tại một trại trẻ mồ côi, hoặc bắt đầu với tư cách là người học việc trong một nhà máy cơ khí phức tạp, hoặc làm một bài toán siêu phức tạp.

Khi cần nghỉ ngơi thì hãy nghỉ ngơi

Những người trân trọng cuộc sống thường tìm kiếm sự nghỉ ngơi bằng bất cứ giá nào. Nghỉ ngơi 10 ngày, nửa tháng, rồi họ trở lại. Khi nhìn lại lần nữa, thật là một sự thay đổi đáng kinh ngạc! Họ như một người mới được sinh ra, tràn trề sức sống, tinh thần sung mãn với những kế hoạch mới và khát vọng mới về cuộc sống. Họ đã tiếp thêm nhiên liệu, xóa tan mệt mỏi và có thêm động lực để ra khơi.

Dành một chút thời gian để nghỉ ngơi có thể cung cấp cho bạn rất nhiều năng lượng, thể lực và sức mạnh để làm bất kỳ công việc nào, đối phó với mọi loại vấn đề, để bạn có thể hiểu đúng và hạnh phúc về cuộc sống. Trên thế giới còn có khoản đầu tư thời gian nào khác có lợi hơn như vậy không?

Ảnh: Freepik.

Khi nghe ai đó nói rằng anh ta quá bận rộn với công việc và không có thời gian để nghỉ ngơi, thì cảm thấy người này có chút không bình thường. Hoặc khả năng của anh ta không đủ để đương đầu với nghiệp vụ của mình, hoặc công việc của anh ta thiếu tính hệ thống; hoặc anh ta quản lý nhân viên quá tệ đến nỗi khi anh ta rời đi, công việc không cách nào vận hành; hoặc có thể do anh ta sống quá ích kỷ nên không có cấp dưới hay đồng đội, thậm chí anh ta không chịu hy sinh thời gian để đi vệ sinh. Đương nhiên, nếu công việc của anh ta không có kế hoạch và không có hệ thống, ngay khi anh ta rời cương vị thì mọi việc không cách nào vận hành, tự nhiên anh ta sẽ không thể nghỉ ngơi.

Nhưng nếu anh ta là một người có tổ chức, nếu công việc của anh ta có hệ thống, có kế hoạch giúp anh ta được nghỉ ngơi đầy đủ thì đây là một khoản đầu tư tốt cho công việc kinh doanh. Bởi vì được nghỉ ngơi, tư duy của anh ta sẽ tập trung hơn, tinh thần của anh ta sẽ sung mãn hơn, nhờ đó, tuổi thọ của anh ta sẽ kéo dài hơn, giá trị của cuộc sống có thể được phản ánh và phát huy đầy đủ hơn. 

Mọi người nên bỏ tư tưởng chỉ lo công việc không để ý nghỉ ngơi. Quan niệm “mạng sống chưa hết, phấn đấu không ngừng” là sai lầm, và cần được loại bỏ khỏi tâm trí bạn ngay lập tức. Nếu không, bạn chưa kịp đi hết tiến trình sinh mạng mà bạn muốn đi hết thì đã an nghỉ dưới lòng đất rồi. Đến lúc đó, bao nhiêu lý tưởng, tương lai và sự nghiệp của bạn chẳng phải đều tan thành bọt nước cả sao? Vì vậy, một người không nỡ bỏ thời gian nghỉ ngơi chắc chắn không phải là người thông minh.

Nói từ góc độ nhân tính thì việc nghỉ ngơi có lợi nhiều hơn là bất lợi, người xưa có câu: “Những lúc mắc bệnh, bất kỳ người nào cũng là người xấu”. Ngay cả những người hiền lành nhất cũng có thể trở nên vô lý và cáu kỉnh khi họ kiệt quệ về thể chất và suy nhược về tinh thần. Do đó, khi cần nghỉ ngơi thì bạn hãy nghỉ ngơi.

Theo Sound of Hope
Vũ Dương biên dịch


 

Cá lóc nướng trui – Ara Phat


Cá lóc nướng trui

Ara

Cám ơn TQD có lời khen cho hắn với đĩa « gà xối mỡ », TQD lại đáp lễ với món « cá lóc nướng trui » với hình ảnh lộng lẫy. Nhận được hắn cũng đôi lời với nguòi bạn già cũng có gốc gác ruộng đồng nam bộ này.

 Cuộc sống của hắn trong những năm còn ở Việt Nam đã nhiều lúc đưa đẩy đến nơi đồng bằng của hai nhánh sông Cửu, nhờ vậy hắn biét mỗi nơi cũng có đặc sản về ăn uống riêng, nhưng đặc biệt, món cá lóc nướng trui này ruộng đồng vùng nào cũng thấy, dân quê nào sau ngày lao động mệt mỏi đều có hưởng thụ giống nhau là món cá lóc nướng trui, có khác là khác mùi vị của xị đế, của bàn nhậu, chứ mùi nướng trui thì như nhau, vì thế gọi món này dành cho người đồng ruộng là đúng lắm.

Ngày nay nghệ thuật ẩm thực thành phố lại đem những món của lục lâm đồng ruộng vào những nhà hàng để gợi khêu lại dĩ vãng của những thực khách đã lâu năm xa vắng quê nhà, khác là có người phục vụ, từ cách bày biện trang trí đến có cả người đẹp gỡ xương cá, còn cuốn bánh tráng, để vào chén cho thực khách, có khi còn được đưa đến tận miệng . Khách khỏi mất công, tay khỏi dính thức ăn. Nhìn thì thấy đưa nghệ thuật phục vụ ăn uống lên cao, nhưng tận cùng tháy nó mất đi cái đặc thù của nó.

Cũng đúng kiểu ruộng đồng, cá được đặt trên tấm lá chuối lót trên một cái nia đan tre, mây; rau ghém bày biện đẹp mắt….đã có lần hắn về Saigon, một người bạn « tháo giày » đồng môn mời hắn, hỏi hắn ý kiến. Hắn có bảo là « đẹp, sạch thì có đẹp sạch, nhưng thiếu cái hồn của món nhậu dân dã, cho dù cố gắng bày biện theo phong cách ruộng đồng.

 Nhà quê nắm đậu phọng đâu cần có chén đựng, nó đặt vương vãi trên tấm lá chuối như một nét chấm phá độc đáo thể hiện tính phóng khoáng của dân nhậu, những cọng rau thơm cũng vậy tuy không thứ tự lớp lang nhưng xếp đặt nhìn vào thấy rõ từng thứ cần, cầm nguyên cọng rau đưa vào miệng sau tiếng khà, kẹp thêm khoanh chuối chát hay thò tay nhón miếng điều lộn hột đỏ vàng chấm vào chén mắm nêm, độc đáo của mắm nêm là phá tan chất chát của chuối chát, điều lộn hột nếu ăn không thì chát ngầm mà đi với chút mắm nêm sẽ tạo mọt vị ngon ngọt đặc biệt chẳng cái vị ngọt nào khác so sánh được.

Cũng mảnh bánh tráng, lót thêm miếng rau diếp và những mùi rau thơm khác, xắn một miếng cá, quấn lại, chấm vào mắm, rồi nhẩn nha ăn, kèm thêm chung rượu đưa cay.

Đây chỉ là hình thức ăn uống, cái quan trọng nhất nơi các nhà hàng thành phố không có, hắn bảo đảm là không có chứ không phải thiếu, thiếu thì thêm vào dễ dàng, cái hắn muốn nói là cách nướng cá. Nhìn con cá trong hình của một nhà hàng thành phố bày biện, bảo đảm là cá được nướng vỉ, trên lửa than, cũng cháy xém cạnh mà không thể gọi là nướng trui như quảng cáo. Giữa hai loại nướng cá có mùi hương hoàn toàn khác nhau, cái thơm của cá nướng vỉ than thiếu cái mùi đặc biệt đồng ruộng là mùi khói của rơm rạ, của lá dừa lá chuối khô.

Các bạn đã thưởng thức món jambon hun khói của Âu châu chưa, cũng là hun khói nhưng hun bằng gỗ quý như Chêne(sồi) có mùi khác bằng khói cây hêtre, cây thông có mùi khác và hun 3 tháng khác với hun 9 tháng, 1 năm; những người sành ăn họ nhận ra ngay. Giá cả cũng tùy theo loại.

Hắn kể lại một bữa được nhậu món cá lóc nướng trui này tại nơi tận cùng của đất nước.

Lần đó theo chân người bạn đồng nghiệp về Cà Mau dự đám cưới em bà con nó. Ra xa cảng Phú Lâm từ tờ mờ sáng, hai đứa mua vé đi theo chiéc « xe thơ ». Có thể có người chưa biết chữ xe thơ, cũng là xe đò lớn nhưng nhận đem thơ của Bưu điện về Cà Mau, chữ xe thơ được viết trên kính trước, và được ưu tiên qua phà, sẽ đến nơi nhanh hơn các xe khác, chắc khoảng cũng tròm trèm 300 cây số mà đến 5 giờ chiều mới đến bến xe Cà Mau, thời điểm đó Cà Mau được gọi là tỉnh An Xuyên, sau năm 75 đổi thành Minh Hải rồi đổi lại là Cà Mau, còn Ba Xuyên là tỉnh Sóc Trăng. Gia đình người bạn ở ngay ấp tỉnh lỵ cha của anh ta là giám đốc Tín Nghĩa ngân hàng .

Từ bến xe thả bộ đến nhà anh ta chỉ khoảng 10′. Vừa đi vừa trò chuyện với người bạn, anh ta tên Nhuận, quay sang tôi nó bảo « Chỉ đi 10 phút là đến nhà tao mà tao đố mày về được đến nhà trước 10 giờ đêm ». Đang thắc mắc thì có tiếng kêu « Cậu út! mới về hả; vô đây làm bậy một hớp rồi về « 

Các bạn nghe đấy, chỉ làm bậy một hớp ; hai thằng bước vào đã thấy trên bộ ván bên hông nhà có độ ba bốn người ngồi sẵn, bình trà và mấy cái ly, những người này cũng trên dưới 30 tuổi nhưng vai vế gọi thằng Nhuận bằng cậu.

Vừa ngồi xuống, nó đã kháy gia chủ « bộ vô uống trà sao », ông kia mỉm cười gọi con dọn dẹp bình trà và thế vào đó 1 chai đế. Thằng Nhuận chưa tha « Có 1 lít ai uống ai nhịn ». Chủ nhà chỉ cười rồi chỉ vào bụi chuối gần đó, thấy một người đang loay hoay dọn bãi hỏi, » anh Năm được chưa ».

Anh Năm cũng rổn rảng « chờ chút là có mồi ». Bên cạnh anh là một chiếc khạp, nghe đùng đùng bên trong, thì ra chiéc khạp này đang « rộng » cá, nhìn vào thấy độ năm sáu con cá lóc khá lớn, bên cạnh còn những « ống trúm » chứa lươn, thứ này để nấu nồi cháo ăn cho giã rượu.

Cá lóc được anh Năm nắm ngay mang lôi ra khỏi khạp, còn đang dãy dụa thì « bốp », cá lóc hết dãy, kế đó là một khúc tre dài thọc thằng từ miệng cá đến đuôi cá. Cá được quấn chung quanh bằng lá dừa khô và rơm rạ, đầu khúc tre còn lại được ghim chặt xuống đất .

 Chuyện kế tiếp là anh Năm chất bẹ dừa, lá dừa khô chung quanh và nổi lửa, như Khổng Minh châm lửa thiêu cháy Tư Mã Ý trong hang . Khói lửa quện vào cá bóc lên mùi thơm đặc biêt. Lửa tàn chỉ còn than chung quanh, một lúc sau tro tàn được cời ra và nguyên nhánh tre dính cá được đặt trên cái nong có lót lá chuối.

Một tay dùng đũa kẹp chặt chỗ mang cá, tay kia  cũng với đôi đũa gỡ những mảng vẩy cá cháy khét xuống rồi kẹp đôi đũa hai bên thân cá phía dưới mang và vuốt đến đuôi . Vuốt đến đâu thịt hai bên thân cá rời ra đến đó, thịt trắng phau, thơm lừng dưới lớp hành mỡ rưới lên trên. Những da vẩy , đầu cá xương cá anh bỏ vào chiếc rọ gần đó và bảo là để bẫy lươn. Sẵn tay anh làm vài con lươn nhanh cấp kỳ để chị Năm chuẩn bị nồi cháo.

Hắn thấy chỉ có lít đế cũng không ngán lắm, nhưng cứ hết chai này lại đong đầy chai khác bằng cái bong bóng bò chứa rượu dưới bộ ván. Hắn đã chuẩn bị tinh thần tử thủ, ly tới hắn « dô » . Rượu vào lời ra, hắn kể chuyện xưa tích cũ với mọi người và ly tới hắn nghinh đón. Hắn uống trong tinh thần vui với bằng hữu chứ đâu phải là uống kiểu « sầu thành dục phá tửu vi binh » (để phá thành sầu, dùng đến binh rượu). Không biết đến đợt thứ mấy hắn lật nhào, cũng không biết ai kè hắn vào bên trong cạo gió. Chỉ biết sáng hôm sau thức giấc ở nhà thằng Nhuận, nó cũng hì hì bảo rằng  » kè mày về tới đây tao cũng gục », thôi tắm rửa theo tao đi ăn « bún nước lèo » món đặc sản của Cà Mau.

Cũng còn vài dịp nơi vườn chuối khác ăn cá lóc nướng trui mà lần nào hắn cũng lao đao với xị rượu và con cá lóc nướng trui.

Không vùi cá vào trong lửa sao gọi là trui. Có trui mới rèn thành được, chứ xem trên Youtube, cá đặt trên vỉ nướng than, lật qua lật lại sao gọi là « nướng trui » được.

Ara


cá lóc nướng trui – BingIntelligent search from Bing makes it easier to quickly find what you’re looking for and rewards you.www.bing.com



 

Những câu chuyện có thật về "chữ hiếu" hôm nay. - Chu tất Tiến

Một người bạn kể cho tôi nghe câu chuyện bà mẹ và con gái ở VN. Bà góa chồng từ hồi còn trẻ ở vậy nuôi con. Con gái lấy chồng, thằng rể lười biếng nên bà hay la con gái. Khu vực bà ở phóng đường, có đền bù phần đất bị lấy. Bà không biết chữ nên con gái kêu ký chỗ nào thì bà ký. Sau đó con gái hay nói hỗn, bà giận đuổi nó đi.
Nó dọn đi, sau một tháng thì có người đến đưa ra giấy tờ chủ quyền nhà. Yêu cầu bà ra khỏi nhà, không sẽ bị cưỡng chế. Bà dọn ra khỏi nhà và ở ngay tại vỉa hè căn nhà của mình và nhờ luật sư can thiệp. Luật sư cũng bó tay, vì bà đã ký giấy cho con gái toàn bộ căn nhà. Bà không biết chữ.
🗨 Tại trước khu chợ Phúc Lộc Thọ, California, Phuc Jean cũng đã gặp một bà mẹ Việt Nam lụ khụ ngả nón ăn mày. Không biết bà sang Mỹ đã lâu hay bây giờ mới qua? Tại sao bà lại phải ăn mày ở cái xứ người già có tiền trợ cấp xã hội đàng hoàng? Ôi, vì sao? tại sao? làm sao?
🗨 Trong giờ lễ Chủ Nhật, tại Nhà Thờ Saint Columban, Linh Mục T. đã làm nhiều người nghe phải nhỏ lệ khi ông kể một câu chuyện về một người mẹ đã nuôi cả mười đứa con thành công về tài chánh, đứa bác sĩ, đứa kỹ sư, dược sĩ, nhưng rồi cả mười đứa con ấy, không nuôi nổi một bà mẹ già. Đứa nào cũng có lý do để từ chối không muốn ở với mẹ.
🗨 Linh Mục T. cũng kể lại: lúc ông còn ở Chicago, có một lần trong thời tiết lạnh giá, đến thăm một bà Mẹ, thấy căn nhà rộng mông mênh, không có ai, vì hai vợ chồng đứa con đi làm cả. Điều ông quan tâm là thấy trong nhà rất lạnh, bà mẹ phải mặc hai áo nhưng vẫn lạnh cóng. Ông có hỏi bà mẹ tại sao không mở máy sưởi, thì bà mẹ cho biết là không dám mở vì sợ khi con đi làm về, sẽ càm ràm là “tốn tiền điện quá!” .
Những đứa con sang trọng kia, có thể chờ đến ngày Lễ Mẹ, thì đưa mẹ ra ăn tô phở, hoặc gọi điện thoại về nhà, nói: “I love you, mom!” Thế là đủ bổn phận của một đứa con thành công ở Mỹ đối với người mẹ yêu dấu của mình.
🗨 Một bà mẹ đã dành dụm bao năm buôn gánh bán bưng để cho con vượt biên một mình. Sau đó, khi đưa được mẹ qua đến Mỹ, thằng con sợ vợ quá, không dám để mẹ ngủ trong phòng, mà bảo mẹ phải ngủ dưới đất trong phòng khách. Một lần, con chó xù của hai vợ chồng đứng đái ngay vào đầu mẹ. Bà mẹ kêu lên, thì đứa con dâu cười, trong khi chồng đứng yên, chẳng dám nói gì.
🗨 Bà mẹ khác, không được ở chung với con trai, phải thuê một phòng của người bạn, vì sức khoẻ yếu, lúc nào cũng lo là chết không có ai chôn. Khi nghe nói về bảo hiểm nhân thọ, bà có năn nỉ thằng con trai đứng tên mua giùm, để bà bớt chút tiền già và đóng hàng tháng để mai sau con có tiền lo hậu sự cho bà, nhưng đứa con dâu nhất định không chịu, cho rằng “tốn tiền vô ích, chết thì thiêu, liệng tro xuống biển là xong, chôn làm gì cho mất thời giờ đi chăm sóc”. Bà cụ uất quá, phát bệnh và qua đời. Không biết rồi bà có được chôn cất đàng hoàng theo ý muốn, hay lại bị cô con dâu vứt tro ra biển.
🗨 Không thiếu những bà mẹ khi đến thăm con trai, phải ngồi nhìn vợ chồng ăn uống ríu rít với nhau, vì con dâu không chịu dọn thêm một chén cơm mời mẹ.
🗨 Một bà mẹ nhớ con nhớ cháu quá, đến thăm con, nhưng sợ con dâu sẽ nhiếc móc thằng chồng, nên vừa vào tới cửa đã vội thanh minh: “Mẹ không ăn cơm đâu! Mẹ vừa ăn phở xong, còn no đầy bụng. Mẹ chỉ đến cho thằng cháu nội món quà thôi rồi về !”
🗨 Không thiếu những bà mẹ vì lỡ đánh đổ một chút nước trên thảm mà bị con nhiếc móc tơi bời. “Trời đất ơi! Cái thảm của người ta cả vài ngàn bạc mà đánh đổ đánh tháo ra thế thì có chết không?”
🗨 Có bà mẹ bị bệnh ung thư, biết là sắp chết, mong được con gái đưa về Việt Nam, nhưng con đổ thừa chồng không cho phép về, rồi biến mất tăm, sợ trách nhiệm. Bà Mẹ phải nhờ người đưa ra phi trường, nhờ người dưng đi cùng chuyến bay chăm sóc cho đến khi về tới nhà. Từ lúc đó đến lúc mẹ mất, cả con gái lẫn con rể, cháu chắt cũng chẳng hề gọi điện thoại hỏi thăm một lần.
🗨 Một bà mẹ già trên 70 tuổi rồi, có thằng con trai thành công lẫy lừng, bốn, năm căn nhà cho thuê, nhưng bà mẹ phải lụm cụm đi giữ trẻ, nói đúng ra là đi ở đợ vì phải lau nhà, rửa chén, nấu cơm, để có tiền tiêu vặt gộp với tiền già. Mỗi khi gặp bà con quên, chưa cần hỏi, bà đã vội thanh minh:
“Ấy, tôi ngồi không cũng chả biết làm gì, thôi thì đi làm cho nó qua ngày, kẻo ở nhà rộng quá, một mình buồn lắm!”
🗨 Trong một cuộc hội thoại, một bà mẹ đã khóc nức nở vì chỉ đứa con gái phụ rẫy, bỏ bà một mình cô đơn. Bà chỉ có một đứa con gái duy nhất, chồng chết trong trại cải tạo. Trong bao nhiêu năm, bà đã gồng gánh nuôi con, rồi cùng vượt biên với con, tưởng mang hạnh phúc cho hai mẹ con, ai ngờ cô con gái chờ đúng 18 tuổi là lẳng lặng xách vali ra đi.. Nước mắt bà đã chảy cho chồng giờ lại chảy hết cho con.,
🗨 Tại những nhà dưỡng lão gần trung tâm Thủ Đô Tị Nạn, có biết bao nhiêu bà mẹ ngày đêm ngóng con đến thăm nhưng vẫn biệt vô âm tín. Một bà cụ suốt ba năm dài, không bao giờ chịu bước xuống giường, vì biết rằng chẳng bao giờ có đứa con nào đến thăm. Bà đã lẳng lặng nằm suốt ngày trên giường như một sự trừng phạt chính mình vì đã thương yêu con cái quá sức để đến tình trạng bị bỏ bê như hiện tại. Sau ba năm, bà mất vì các vết lở, vì nỗi u uất, mà những người chăm sóc bà vẫn không biết gia cảnh bà như thế nào, vì bà không hề nhắc đến. Có điều chắc chắn là khi bà còn là một thiếu nữ, bà phải là một mẫu người làm cho nhiều người theo đuổi, quyến luyến, tôn sùng. Chắc chắn bà đã trải qua bao năm tháng thật tươi đẹp, vì cho đến khi mất, khuôn mặt bà, những ngón tay bà, và dáng dấp bà vẫn khoan thai, dịu dàng, pha một chút quý phái. Nhưng tất cả những bí ẩn đó đã được bà mang xuống mồ một cách trầm lặng.
🗨 Một buổi chiều tháng 5, tại một tiệm phở Việt Nam, một mẹ già đứng tần ngần bên cánh cửa. Khi được mời vào, mẹ cho biết mẹ không đói, nhưng chỉ muốn đứng nhìn những khuôn mặt vui vẻ, để nhớ đến con mình, đứa con đã bỏ bà đi tiểu bang khác, để mẹ ở với đứa cháu là một tên nghiện rượu, đã hăm doạ đánh bà hoài. Hắn đã lấy hết tiền trợ cấp của bà , lại còn xua đuổi bà như cùi hủi. Hôm nay, hắn lái xe chở bà đến đầu chợ, đẩy bà xuống và bảo bà cút đi! Bà biết đi đâu bây giờ?
🗨 Trong một căn phòng điều trị tại bệnh viện Ung Thư, một bà cụ đã gào lên nức nở khi người bệnh nằm bên được chuyển đi nơi khác. “Bà ơi! Bà bỏ tôi sao? Bà ơi! Đừng đi! Đừng bỏ tôi nằm một mình! Tôi sợ lắm, bà ơi!”
Những tiếng kêu, tiếng khóc nấc nghẹn đó lặp đi lặp lại làm người bệnh sắp chuyển đi cũng khóc theo. Người y tá cũng khóc lặng lẽ. Anh con trai của người sắp đi xa, không cầm được giọt lệ, cũng đứng nức nở. Cả căn phòng như ngập nước mắt. Mầu trắng của những tấm trải giường, mầu trắng tấm áo cánh của bà cụ như những tấm khăn liệm, tự nhiên sáng lên, buồn bã. Bà cụ nằm lại đó đã không có đứa con nào ở gần đây. Chúng đã mỗi đứa mỗi nơi, như những cánh chim không bao giờ trở lại.
🗨 Trên đại lộ Bolsa, thỉnh thoảng người ta thấy một bà mẹ già, đẩy chiếc xe chợ trên chứa đầy đồ linh tinh. Mẹ chỉ có một cái nón lá để che nắng che mưa. Khuôn mặt khắc khổ của mẹ như những đường rãnh bùn lầy nước đọng.
🗨 Và đâu đó ở chợ Cầu Ông Lãnh, Thủ Thiêm, gần bến Ninh Kiều, Bắc Mỹ Thuận hay ở gần cầu Tràng Tiền, Chợ Đông Ba? Có những bà mẹ rách rưới lang thang. Mẹ ơi! Mẹ đi về đâu, hỡi mẹ?😢
Những đứa con của mẹ giờ chắc đang vui vầy..
Những bà mẹ ở trên là hiện thân của những bà mẹ Việt Nam đau khổ, đã hy sinh cả cuộc đời cho con cái, nhưng khi con cái phụ rẫy, bỏ bê cũng im lặng chấp nhận cho đến hết cuộc đời. Có biết bao nhiêu trường hợp như thế ở trong cộng đồng Việt Nam Hải ngoại và ở Việt Nam ta. Biết bao bà mẹ âm thầm lặng lẽ chịu đựng tất cả những đau khổ từ khi lấy chồng, sinh con rồi ráng nuôi dạy con nên người, sau đó lại chấp nhận những đứa con bất hiếu như một định mệnh mà không hề thốt lời than vãn ?
🛑Ban tôi ơi! Mẹ là người duy nhất trên thế giới này có thể hy sinh cuộc sống của mình cho bạn vô điều kiện. Mẹ không bỏ bạn khi bạn còn bé. Vì vậy bạn đừng rời bỏ họ khi họ về già bạn nhé!
 
Chu Tất Tiến.
Ảnh minh họa.

 

Tuyến đường sắt tốc độ cao tách rời các nước Baltic khỏi Nga và quá khứ Liên Xô của họ- Callum Tennent

Phong cách nghệ thuật của mô hình nhà ga tương lai dọc theo tuyến đường sắt Baltica. - Real Baltica

Dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất ở vùng Baltic trong một trăm năm đang được tiến hành.
Dự án Đường sắt Baltica dài 870 km sẽ kết nối các thủ đô của Lithuania, Latvia và Estonia với Warsaw và phần còn lại của châu Âu, cho phép các chuyến tàu từ lục địa này chạy liên tục.

Tuy nhiên, dự án mang tính biểu tượng cũng như vật chất.

Đối với EU, đó là một tuyên bố về việc các quốc gia Baltic trở lại châu Âu và tách họ khỏi quá khứ Xô Viết.

Một dự án đầy tham vọng


 
Thảo luận về một dự án đường sắt liên Baltic đã rộ lên từ cuối những năm 1990, với một thỏa thuận hợp tác được ký kết bởi các bộ trưởng giao thông Estonia, Latvia và Litva vào năm 2001.


Tuy nhiên, phải đến năm 2010, một bản ghi nhớ mới được ký kết bởi đại diện các bộ giao thông vận tải của Ba Lan, Litva, Latvia, Estonia và Phần Lan.

Mặc dù hiện tại phải mất bảy giờ lái xe từ thủ đô của Lithuania đến Estonia, tuyến mới sẽ gần như giảm một nửa con số đó xuống chỉ còn ba giờ 38 phút.

Tuyến đường sắt sẽ bắt đầu ở Tallinn trước khi đi qua Pärnu, Rīga, Panevėžys và Kaunas trước khi đến biên giới Litva-Ba Lan; cũng sẽ có một kết nối với Vilnius từ Kaunas.

Sau khi hoàn thành, các đoàn tàu sẽ có thể đi đến Baltics từ Ba Lan, với các đoàn tàu chở khách hoạt động ở tốc độ tối đa 234 km / h.

Lợi ích kinh tế

Mặc dù dự án không hề rẻ với chi phí ước tính là 5,8 tỷ euro, nhưng phân tích chi phí - lợi ích của dự án dự đoán dự án sẽ mang lại lợi ích có thể định lượng lên tới 16,2 tỷ euro.

Chi phí của dự án cho các nước Baltic được giảm bớt do EU tài trợ tới 85% cho dự án thông qua công cụ Quỹ Kết nối Châu Âu (CEF).

Cho đến nay, quỹ CEF của EU đã đóng góp 824 triệu euro cho dây chuyền mới.

Kế hoạch này khổng lồ đến mức chỉ riêng việc xây dựng nó được kỳ vọng sẽ tạo ra 13.000 việc làm toàn thời gian trực tiếp và 24.000 việc làm gián tiếp khác.

Sau khi hoàn thành, tuyến sẽ tạo thành sự bổ sung mới nhất cho Hành lang Biển Bắc-Baltic của EU, một tuyến đường xuyên châu Âu bao gồm các thành phố quan trọng như Rotterdam, Berlin và Warsaw.

Đối với hành khách, sẽ có các kết nối thường xuyên với ít nhất một dịch vụ tàu quốc tế cứ sau hai giờ, dẫn đến tám đôi tàu hàng ngày trên mỗi hướng.

Ngoài việc giúp hành trình của hành khách trở nên nhanh chóng hơn, dự án cũng sẽ giảm chi phí vận chuyển hàng hóa và cung cấp một phương thức vận chuyển hàng khối lượng lớn hiệu quả về mặt thời gian.

Tuyên bố chính trị

Có lẽ điều quan trọng hơn đối với EU so với lời hứa kinh tế của dự án là thông điệp chính trị của nó.

Trong khi Baltics từng được kết nối theo tiêu chuẩn đường sắt châu Âu khổ 1435 mm, kể từ khi Liên Xô chiếm đóng, hệ thống đường sắt của khu vực đã áp dụng khổ đường sắt của Nga là 1524 mm.

Sự khác biệt này đã hạn chế nghiêm trọng khả năng kết nối với châu Âu bằng đường sắt của Baltics, vì hành khách hoặc hàng hóa sẽ cần phải được tải lại lên một chuyến tàu mới ở biên giới Ba Lan trước khi tiếp tục đi.

Do có kích thước bằng đường sắt của Nga, vùng Baltic thường phụ thuộc vào trục Tây-Đông, với phần lớn thương mại đường sắt đến từ Nga.

Tuy nhiên, kể từ khi giành được độc lập vào những năm 1990, các nước Baltic đã quay sang Brussels và rời xa Moscow.

Các nước gia nhập NATO vào tháng 3 năm 2004, và gia nhập EU nhanh chóng sau đó vào tháng 5; cả hai động thái đều khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin tức giận.

Trước sự hung hăng ngày càng tăng của Nga, cả ba nước đều đang tìm cách tăng cường khả năng tương tác với phần còn lại của EU, nhưng cuộc xâm lược Ukraine của Putin càng làm tăng thêm tính cấp thiết.

Vào tháng 8, dự án đã thu hút tài trợ di chuyển quân sự từ quỹ của Latvia, thể hiện các đặc điểm dân sự và quân sự của kế hoạch.

"Trong điều kiện địa chính trị hiện nay, ý nghĩa chiến lược của dự án Rail Baltica ngày càng tăng", Bộ trưởng Giao thông Latvia cho biết vào thời điểm đó.

"Điều đặc biệt quan trọng là đảm bảo kết nối đáng tin cậy với Tây Âu và sử dụng đầy đủ kết nối giao thông đường sắt mới với châu Âu để tăng khả năng quốc phòng của nước ta".

Việc tách mạng lưới đường sắt của quốc gia Baltic khỏi Nga không phải là lĩnh vực duy nhất mà các nước đang cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga.

Một di sản khác của sự chiếm đóng của Liên Xô là mạng lưới điện của Baltics được đồng bộ hóa với mạng lưới do Nga kiểm soát tập trung, làm dấy lên lo ngại rằng Nga có thể cắt điện cho các nước này.

Các quốc gia Baltic đã đồng ý hoàn thành việc khử đồng bộ từ lưới điện của Nga và đồng bộ hóa với các mạng của châu Âu vào năm 2025.

Tuy nhiên, vào tháng 7, Reuters đưa tin rằng mạng lưới điện châu Âu ENTSO-E sẽ kết nối lưới điện của các quốc gia Baltic trong vòng 24 giờ nếu các quốc gia này bị Nga ngắt kết nối.

Phê bình dự án

Giống như tất cả các dự án lớn, Rail Baltica không phải là không có các nhà phê bình của nó.

Phát biểu với Châu Âu mới nổi vào năm ngoái, Priit Humal, thành viên hội đồng quản trị của phong trào dân sự Avalikult Rail Balticust (Công khai về Rail Baltica), giải thích rằng Rail Baltica gây tranh cãi ở Baltics như HS2 ở Anh.

Ông tiếp tục nói rằng sự khác biệt lớn liên quan đến chênh lệch trong GDP, nói rằng Rail Baltica ở Estonia đắt hơn gấp ba lần so với HS2 ở Anh.

Cũng đã có những lo ngại về sự chắc chắn của các quỹ của EU.

Bất kỳ sự sụt giảm nào trong nguồn tài trợ của EU sẽ cần được các chính phủ quốc gia giải quyết, điều này có thể dẫn đến sự phản đối của công chúng đối với kế hoạch này.

Tuy nhiên, với nhiều phần của dự án hiện đang được xây dựng, có vẻ như kế hoạch sẽ không đạt được bộ đệm trước khi hoàn thành dự đoán vào năm 2026.
 

29 thg 9, 2022

Thơ Lê Hà Thăng : NGẨM NGHĨ,KHÔNG ĐỀ


 
1 /NGẪM NGHĨ
 
1/ Cả một đời tần tảo
Lo cho con nên người
Cha mẹ nào tính toán
Công sinh thành dưỡng nuôi.
2/ Khi mẹ cha còn sống
Không một lời hỏi han
Đến khi Người nằm xuống
Có cần gì khói nhang.
13092022lht


2/ KHÔNG ĐỀ

Có những mùa trăng qua thật mau
Như dòng nước cuốn dưới chân cầu
Ta giăng thương nhớ vào muôn hướng
Chẳng một dư âm ở phía nào.
Ta vẫn như xưa vốn thật thà
Chưa từng lừa phỉnh chẳng điêu ngoa
Một hôm thức dậy ta ngồi khóc
Em bảo rằng yêu ta thiết tha.
Ta chẳng có chi đối đãi nàng
Chỉ như lòng giấy lật từng trang
Cũng chưa hề biết câu thề hẹn
Chỉ yêu thôi rất đỗi nồng nàn.
Tình cứ đầy vơi theo tháng năm
Lưng linh sáng đẹp tựa trăng rằm
Nhưng đâu ai biết đời sâu rộng
Ta còn đây Người đã xa xăm.
Xưa rót vào nhau những nhớ thương
Giờ ta ngồi rót những đêm trường
Thấp thoáng em về như buổi trước
Rất hồn nhiên chưa lấm bụi đường.
Lê Hà Thăng 

Mời Xem :
 
 
 

Khăn trùm đầu – Biểu tượng tự do hay mông muội? - Nguyễn Phương Mai


BẠN LÀ AI?

Hãy tưởng tượng bạn là một cô gái 22 tuổi, xinh đẹp, thông minh với tương lai hứa hẹn. Vào một ngày đẹp trời, bạn bị cảnh sát bắt vì tội ăn mặc phản cảm. Bạn bị đưa tới một lớp học vài giờ để cải tạo tư tưởng. Bạn rời “lớp học” trên băng ca và được đưa thẳng tới bệnh viện. Chính quyền nói rằng bạn bị suy tim. Hai ngày sau, bạn từ giã cõi đời.

Tội ăn mặc phản cảm của bạn là việc chiếc khăn đội đầu hơi trễ ra sau gáy. Lớp học mà bạn buộc phải đến là những cú nện trời giáng vào đầu trên xe áp giải. Bạn bị nói là suy tim nhưng bệnh viện tuyên bố bạn thật ra bị chết não, máu chảy từ tai, phổi ứ nước, mắt thâm đen và chân sưng tím.

Bạn tên là Mahsa Amini. Quốc gia bạn đang sống là Iran.

Cái chết của bạn ngày 16/9 tạo ra một làn sóng biểu tình mạnh mẽ trên khắp cả nước. Khi bóng tối phủ xuống, già trẻ trai gái đổ xuống đường. Họ nhóm lên những đống lửa lớn để các cô gái tháo bỏ khăn hijab choàng đầu và thiêu rụi trong tiếng hò reo. Họ xé ảnh của nhà lãnh đạo tôn giáo tối cao. Họ đòi quyền tự do cho phụ nữ. Họ hô vang khẩu hiệu: “Những kẻ độc tài hãy chết đi”.

Chính quyền cắt toàn bộ internet để cô lập người biểu tình. Nhiều người đã hy sinh. Trong tiếng tụng kinh, người ta nghe thấy lời thì thầm cầu mong Chúa hãy ban phước cho một cuộc cách mạng được ra đời.

HIJAB – BIỂU TƯỢNG CỦA VĂN HÓA

Chiếc khăn trùm đầu vốn đã luôn là trang phục thiết yếu của loài người để che nắng che mưa.

Nó xuất hiện lần đầu trong các văn bản pháp luật hơn 3000 năm trước ở nền văn minh Assyrian tại Trung Đông. Phụ nữ phải trùm kín đầu để đề cao đức khiêm nhường. Những người thuộc tầng lớp lao động hay gái điếm không được phép dùng khăn, bởi đây được coi là tín hiệu của một người đáng trọng. Kẻ “tiện dân” nào dám trùm khăn sẽ bị bắt giữ và sỉ nhục cho chừa thói dám trèo cao.

Ở châu Á xưa, phụ nữ quý phái khi tiếp khách hay ra phố thường ngồi sau rèm trướng, bởi được nhìn thấy mặt rồng được coi là diễm phúc. Vào thập kỷ 40, chiếc khăn phổ biến trong giới thượng lưu, gồm cả nữ hoàng Anh Elizabeth, đệ nhất phu nhân Mỹ Kennedy và công chúa xứ Monaco. Nó cũng được bình dân và nghệ thuật hóa, gắn liền với trào lưu hippie, nhạc hiphop và R&B.

HIJAB – BIỂU TƯỢNG CỦA TÔN GIÁO

Như vậy, chiếc khăn đã luôn là một phần của cuộc sống thường nhật từ trước khi tôn giáo ra đời. Tôn giáo chỉ dùng những yếu tố văn hóa đã có sẵn và nối thêm vào một tầng ý nghĩa mới.

Ví dụ trong Thiên Chúa giáo, vì Chúa tạo nên người đàn ông từ hình ảnh của mình, toàn bộ cơ thể anh là hào quang của Chúa. Anh phải sống cho xứng với Chúa. Vì người phụ nữ được tạo ra cho đàn ông, cô là hào quang của đàn ông. Cô phải sống cho xứng, và trùm khăn như một cách để nhắc nhở về nghĩa vụ đạo đức của mình (1 Corinthians 11:6-7).

Ta có thể để ý thấy đức Mẹ Đồng Trinh luôn choàng khăn. Cho đến ngày nay, nhiều phụ nữ Thiên Chúa và Do Thái vẫn coi chiếc khăn trùm đầu là biểu tượng của đức hạnh và đức tin.

Còn trong Hồi giáo thì sao?

Hãy cùng đọc lại kinh Quran (24:31) với yêu cầu nữ tín đồ dùng khăn (khimar) che kín khe ngực (juyub) và chỉ để lộ những phần cơ thể “bình thường” (zahara minha, “normally apparent”). Tuy nhiên, những phần nào là “bình thường”, tóc, cổ, mặt mũi, chân tay… thì Quran không hề nói rõ.

Có thể thấy cả trong Thiên Chúa lẫn Hồi giáo, chiếc khăn che đầu được xác nhận là một phần văn hóa đã sẵn có từ trước. Nó được nối dài thêm ý nghĩa tôn giáo khi trở thành biểu tượng của đức hạnh (che đi phần cơ thể cần che) và đức tin (phụ nữ là hào quang của đàn ông).

Tuy nhiên, chiếc khăn lại chưa bao giờ là biểu tượng chính thức của Hồi giáo. Nếu “cây thập giá” tượng trưng cho Thiên Chúa giáo, “ngôi sao David” tượng trưng cho Do Thái giáo, thì “vầng trăng khuyết” chứ không phải chiếc khăn mới tượng trưng cho Hồi giáo.

Vậy tại sao chiếc khăn lại trở thành vật thể với sức mạnh tượng trưng có phần còn lấn át cả vầng trăng lưỡi liềm trên nóc thánh đường Hồi giáo?

HIJAB – BIỂU TƯỢNG CỦA “MÔNG MUỘI”

Để hiểu được sự “thiên vị” này, hãy nhìn lại 500 năm của Golden Age. Đây là thời kỳ vàng son khi nền văn minh Hồi giáo lan tỏa đến tận châu Âu, phát triển rực rỡ, thống trị thế giới về cả khoa học, nghệ thuật lẫn kinh tế.

Thế rồi vào thế kỷ thứ 13, tất cả bỗng biến thành tro bụi dưới vó ngựa của quân Nguyên Mông. Đế chế Hồi giáo chói lọi một thời bỗng dưng sụp đổ. Trung Đông dần đắm chìm trong nghèo đói, trở thành thuộc địa của thực dân Anh Pháp Ý.

Sự khao khát được quay lại thời kỳ vàng son xưa dẫn đến sự ra đời của hai tư tưởng chính trị đối lập nhau.

Một bên là tư tưởng thế tục (secular), học tập văn minh phương Tây để tiến bộ. Tại Thổ Nhĩ Kỳ chẳng hạn, xã hội cải tổ với luật kinh doanh mượn của Đức, luật tố tụng mượn của Ý, luật dân sự mượn của Thụy Sĩ. Phụ nữ có quyền bầu cử và ứng cử từ năm 1935, trước nhiều nước châu Âu và đương nhiên trước cả Việt Nam.

Nhiều tập tục tôn giáo bị coi là rào cản của sự phát triển. Khăn trùm đầu bị dán nhãn là tàn dư của xã hội bộ lạc sa mạc Ả Rập mông muội, ký sinh theo Hồi giáo như một yếu tố ngoại lai, đi ngược lại với bản chất văn hóa và truyền thống, và vì thế, chiếc khăn bị cấm ở Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.

Tuy nhiên, khi chọn cho mình con đường thế tục, các quốc gia ở Trung Đông không tách rời tôn giáo ra khỏi nhà nước như châu Âu mà là đè bẹp tôn giáo dưới bàn tay độc tài. Đó là sự cưỡng bức thủ tiêu các yếu tố tôn giáo bị coi là hủ lậu (khăn trùm đầu cho phụ nữ, tục đa thê, đàn ông để râu rậm) và các tổ chức tôn giáo bất đồng chính kiến.

Ở châu Âu, thế tục là chuyển quyền lực từ nhà thờ sang tay chế độ dân chủ. Ở Trung Đông, thế tục là chuyển quyền lực từ thánh đường Hồi giáo sang tay các nhà độc tài.

HIJAB – BIỂU TƯỢNG CỦA TỰ DO

Bên cạnh chủ nghĩa thế tục, niềm khao khát quay lại thời kỳ vàng son dẫn đến sự ra đời của tư tưởng thứ hai, chủ nghĩa Hồi giáo (Islamism).

Nếu thế tục nhìn vào hiện tại và kẻ thống trị để học hỏi thì Chủ nghĩa Hồi giáo nhìn vào quá khứ và chính mình. Đó là niềm tin mãnh liệt rằng đạo Hồi chính là nguyên nhân tạo nên thời kỳ vàng son đã qua. Bằng cách chính trị hóa tôn giáo, Islamism chống lại ảnh hưởng của thực dân Anh Pháp Ý, khôi phục thời kỳ vàng son trên nền tảng tôn giáo, dùng đạo Hồi làm kim chỉ nam cho cuộc sống cá nhân và chính trị của toàn xã hội.

Sức mạnh của chủ nghĩa Hồi giáo thể hiện rõ nhất ở Iran. Vào năm 1979, Iran là một quốc gia quân chủ, thế tục, thân phương Tây, kinh tế đang đà đi lên, xã hội tương đối cấp tiến. Trên các tờ tạp chí, Iran dễ bị nhầm với châu Âu bởi hình ảnh các cô gái mặc áo vest đến công sở, mặc váy ngắn trên đường phố hay mặc bikini trên bãi biển.

Tuy nhiên, đạo luật cấm triệt để chiếc khăn trùm đầu lại lấy đi tự do của những tín đồ bảo thủ. Nhiều phụ nữ chẳng còn lựa chọn nào khác là bỏ đi học, bỏ đi làm và bỏ các hoạt động xã hội. Nếu phải ra đường mà không choàng khăn, họ cảm thấy như mình đang trần truồng vậy.

Chính sách độc tài này khiến sự phản kháng trong tầng lớp trí thức và cánh tả ngày càng lên cao. Các tiếng nói bất đồng càng mạnh mẽ hơn trước việc nhà vua ăn chơi sa đọa, quá dựa dẫm vào phương Tây và sự thất bại của chính quyền trong nhiều dự án kinh tế quan trọng.

Tất cả những bức xúc đó bùng nổ khi một nhà lãnh đạo tôn giáo tên là Khomeini khởi xướng cuộc cách mạng lật đổ chính quyền. Là một tín đồ cực đoan, nhưng ông ta che giấu ý đồ của mình và kêu gọi những phụ nữ cấp tiến đứng lên bảo vệ tự do và dân chủ:

“Chính phụ nữ là người hành động, và hành động đáng chú ý nhất của họ là phản kháng. Phụ nữ Iran có thể châm ngòi những cuộc cách mạng, đảo chiều xu thế chính trị, đấu tranh cho niềm tin của mình. Phụ nữ chưa bao giờ đứng sau hay thụt lùi trên bất kỳ chiến tuyến nào”.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Khomeini, hàng nghìn phụ nữ vốn không bao giờ trùm đầu đã tự nguyện đội khăn trong các cuộc biểu tình để thể hiện sự phản kháng. Đây cũng là tinh thần của ngày Hijab Thế giới (World Hijab Day) vào 1 tháng 2 hàng năm. Hàng trăm phụ nữ Mỹ và châu Âu đổ ra đường trong chiếc khăn trùm đầu để bày tỏ tình đoàn kết với những tín đồ Hồi giáo trùm khăn là nạn nhân của phân biệt và kỳ thị.

HIJAB – VŨ KHÍ CHÍNH TRỊ VÀ QUYỀN TỰ DO CHỌN LỰA

Cũng như hàng triệu người có tư tưởng cánh tả cấp tiến khác, những phụ nữ Iran tự nguyện trùm khăn năm 1979 không thể tưởng tượng được rằng cuộc cách mạng của họ sẽ bị đánh cắp.

Không ai có thể ngờ những thầy tu tôn giáo khi thắng trận sẽ trực tiếp điều hành đất nước, biến Iran thành quốc gia thần quyền, biến chiếc khăn họ tự nguyện trùm đầu trong cuộc cách mạng thành chiếc khăn họ bắt buộc phải trùm nếu không muốn bị đánh 74 roi hoặc bị cầm tù.

Một phụ nữ không choàng khăn bị ví như sự băng hoại đạo đức của việc cô ta làm điếm. Việc đăng ảnh không trùm khăn trên mạng xã hội sẽ bị đuổi việc và tước bỏ nhiều quyền công dân trong vòng 1 năm. Công nghệ nhận diện qua camera được dùng để truy đuổi những người không tuân thủ.

Trong 40 năm thần quyền, vô số các nhà hoạt động, gồm cả nam giới và phụ nữ, đã bị đánh đòn, tra tấn, cầm tù hàng chục năm chỉ vì dám phản đối đạo luật này.

Vì đạo Hồi trở thành kim chỉ nam, từng câu chữ trong Quran được mổ xẻ và tuân thủ nghiêm ngặt. Nó khiến sự mơ hồ của những câu chữ (chỉ để lộ những phần cơ thể “bình thường”) bỗng trở nên lý tưởng để có thể áp dụng tùy tâm, tùy vào khát vọng muốn thống trị và quản lý phụ nữ của mỗi nhà cầm quyền.

Vùng xám phức tạp khiến việc lý giải kiểu nào cũng đúng ấy cho phép Ả rập Saudi và Yemen khuyến khích phụ nữ trùm kín bưng, chỉ hở hai con mắt. Taliban ở Afghanistan thậm chí muốn hai con mắt ấy phải nhìn xuyên qua một miếng vải hình chữ nhật như cái chấn song thưa.

Vì đạo Hồi là kim chỉ nam, chiếc khăn vốn được kinh Quran nhắc đến với tư cách là một phần văn hóa từ trước khi tôn giáo ra đời bỗng dưng thay đổi bản chất, trở thành một phần tất yếu của tôn giáo.

Ở Iran, sự “tất yếu” ấy được áp dụng cho cả những phụ nữ không theo đạo Hồi, cho khách du lịch, thậm chí các chính khách nước ngoài.

Đó là khi một nghệ sĩ trống Trung Quốc trong khi say mê biểu diễn ở Iran đã bị rơi chiếc khăn. Cô bị yêu cầu dừng lại để người ta trùm lại chiếc khăn lên đầu rồi mới cho cô tiếp tục. Cách đây vài ngày, nhà báo nổi tiếng Amanpour đã bị từ chối phỏng vấn với Tổng thống Iran vào phút cuối khi bà không chịu trùm khăn. Lưu ý là cuộc phỏng vấn này ở Mỹ chứ không phải Iran.

Chiếc khăn không còn là biểu tượng của tôn giáo mà là biểu tượng của sự thu phục và thần phục, của một tư tưởng thống trị, của thứ quyền lực mà nhà nước có thể áp đặt lên cơ thể phụ nữ, chính trị hóa hình hài của họ, bất kể họ có phải là tín đồ Hồi giáo hoặc công dân Iran hay không.

PHẢN ĐỐI HIJAB HAY PHẢN ĐỐI CHÍNH QUYỀN?

Tuy nhiên, những cuộc biểu tình đang diễn ra ở Iran không chỉ đơn giản là vấn đề chiếc khăn trùm đầu có nên bị bắt buộc hay không. Đa số dân Iran, thậm chí cả cảnh sát đạo đức và nhiều chính trị gia đều phản đối đạo luật này.

Nhưng chính quyền có thể sẽ không khoan nhượng. Bởi chiếc khăn đã trở thành một biểu tượng chính trị. Việc xóa bỏ nó tương đồng với sự chấp nhận thua cuộc, chấp nhận buông bỏ quyền lực của chế độ.

Khi những cô gái dũng cảm đốt chiếc khăn, họ không đơn giản là tiêu hủy một chiếc gông cùm, họ đòi tiêu hủy một chế độ độc tài.

Khi hàng nghìn người đổi xuống đường để ủng hộ những cô gái ấy, họ không đơn giản là đòi quyền tự do chọn lựa có trùm khăn hay không. Đó còn là sự lũy tích của giận giữ, thất vọng và bất lực, là khát vọng được nhìn thấy cuộc sống về tổng thể phải trở nên tốt đẹp hơn.

Bài học từ Iran là cái giá của sự đàn áp thường lợi bất cập hại. Cũng như việc cấm hay ép trùm khăn, sự chuyên quyền nào cũng có tiềm năng âm ỉ lớn dần và trở thành một dòng chảy phản kháng. Bất chấp những lần vùi dập, một ngày nào đó, nó sẽ hội tụ với nhiều dòng chảy ức chế khác mà biến thành một cơn thác lũ.-

(Báo Tiếng Dân ) 

 

Xem Thêm :FM974 Úc Châu :Ba Tư: Mahsa Amini - Cô Gái Người Kurdish Chết Dưới Tay Cảnh Sát Tehran