31 thg 5, 2018

CHIỀU PHỐ CỔ - Thơ Trần Phong Vũ



Chiều thả nắng vàng trên phố cổ
Anh sông nước cũ lặng lờ trôi
Em con đò nhỏ trên bến nhớ
Ai có chờ ai mộng lứa đôi

Mái ngói rêu phong xào xạc gió
Khách vội qua đường khép áo bay
Cô em má thắm ngồi nghiêng ngó
Phố cũ rồi tình ai mới đây

Về bến sông Hoài dầy thương nhớ
Áo trắng ngày xưa tan học về
Xuống thuyền trẩy bến sang sông đó
Giữ hộ dùm ta một ước thệ

Để có một ngày về chốn cũ
Mắt buồn ngồi nhớ áo trắng xưa
Ly cà phê đắng như nghẹn thở
Áo trắng ơi yêu mấy cho vừa
 
TRẦN PHONG VŨ

'Người nhện' - Nghề leo vách đá ở Trung Quốc


Nữ nhân nhện' ở Quý Châu, Trung Quốc

La Đăng Bình còn được gọi bằng một cái tên khác: nữ nhân nhện của Trung Quốc.
Cô kiếm sống bằng nghề leo vách đá dựng đứng ở tỉnh Quý Châu mà không dùng dây, đai bảo hiểm.
Đây là một thói quen truyền thống của tộc người Miêu vốn có từ hàng thế kỷ nay.
Người dân địa phương thường trèo lên các vách đá dựng đứng và đặt quan tài người thân qua đời tại đó. Dân làng về sau còn dùng kỹ năng leo núi để thu lượm phân động vật về làm phân bón, và để lấy các loại thảo mộc về làm thuốc y dược.
Do ngày càng có nhiều người Trung Quốc ưa dùng Tây y, những người leo núi không còn kiếm được nhiều tiền từ việc bán thảo dược nữa.
Thay vào đó, họ được các cơ quan quản lý du lịch địa phương thuê để biểu diễn tiết mục leo núi không cần dây cho du khách xem.
Nghề mới giúp dân làng kiếm tiền đủ sống mà không phải tìm đến các đô thị tìm việc làm.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Capital

Hàn Quốc dạy giới trẻ cách kết hôn và sinh con

Trong một lớp học tại Đại học Dongguk ở Seoul, giáo sư Eun-Joo Lee yêu cầu các sinh viên vẽ một cái chai, sau đó vẽ xe đạp. Nhưng đây không phải lớp học nghệ thuật.
Đây là khóa học “hôn nhân và gia đình”, và Lee đang có bài giảng về những quy tắc giới tính đầy thách thức trong xã hội.
Bà nói rằng cách mọi người vẽ sẽ giúp xác định được độ nữ tính hoặc nam tính trong mỗi sinh viên. Nếu một phụ nữ vẽ xe đạp từ phần trước, thì đây là thể hiện xu hướng nam tính trong cô. Điều này chẳng có gì tiêu cực, bà trấn an sinh viên, đó đơn thuần là xu hướng tính cách mà ta nên chú ý.
Tiếp theo, Lee cho sinh viên xem hình ảnh của những cậu bé đẩy xe đẩy bốn bánh, và những cô bé chơi đồ chơi dạng công cụ. Những quảng cáo đồ chơi kiểu Châu Âu này thách thức các định kiến về giới tính, bà nói với sinh viên.
Kwon Moon
Eun-Joo Lee cho biết vẽ xe đạp giúp sinh viên hiểu hơn về nam tính và nữ tính. Đó là một phần bài giảng trong khóa học hôn nhân và gia đình tại Đại học Dongguk
Lớp học nhằm giúp người trẻ định hướng quan hệ để rồi một ngày nào đó, họ sẽ tìm được một nửa của mình. Đây là một phần trong nỗ lực lớn của Hàn Quốc nhằm giải quyết một vấn đề cực kỳ gai góc – người trẻ không muốn kết hôn, và những người kết hôn không muốn sinh nhiều con.
Đây là đề tài phức tạp ở một quốc gia với lịch sử sâu sắc về truyền thống vai trò giới tính, với nhiều thay đổi kéo theo sự phát triển bùng nổ về kinh tế trong thập niên 1960.

Tỷ lệ sinh sụt giảm

Quan điểm truyền thống bắt rễ từ lâu đời tại Hàn Quốc cho rằng phụ nữ là người xây tổ ấm và đàn ông là người kiếm tiền nuôi gia đình. Điều này tạo ra tác động lớn đến cách phụ nữ trẻ và đàn ông nhìn nhận hôn nhân và cách xây dựng gia đình.
Vào năm 2017, Hàn Quốc có tỷ lệ sinh thấp nhất trong lịch sử, mỗi phụ nữ chỉ sinh 1,05 con, quá thấp so với tỷ lệ lý tưởng là 2,01 để đảm bảo duy trì dân số ổn định.
Tình trạng này xảy ra bất chấp việc chính phủ đã nỗ lực chi hàng tỷ đô la với nhiều chính sách nhằm tăng cường tỷ lệ sinh quốc gia trong thập niên vừa qua, bao gồm tăng thời gian nghỉ hộ sản, chi trả phí điều trị vô sinh, và gia đình có ba con hoặc hơn sẽ được ưu tiên khi cần dịch vụ chăm sóc y tế cho trẻ.
Tỷ lệ sinh cũng giảm ở nhiều nơi khác tại Đông Á và Đông Nam Á, như Đài Loan, Nhật Bản, Hong Kong và Singapore.
Ở Hàn Quốc, có một cụm từ mới đang trở nên phổ biến: Thế hệ Sampo. Từ “Sampo” có nghĩa là “từ bỏ ba điều”: quan hệ lãng mạn, hôn nhân và nuôi con.
Kwon Moon
Chi phí trong cuộc sống tăng cao và áp lực làm việc khiến sinh viên trì hoãn việc kết hôn và xây dựng gia đình, Lee cho biết
Giáo sư Lee nói rằng hội chứng này lan rộng một phần vì người trẻ phải vật lộn để tìm việc làm, để độc lập về tài chính trong một nền kinh tế chậm phát triển và tỷ lệ thất nghiệp tăng.
Nghiên cứu cho thấy với đàn ông, sự lo lắng về mặt tài chính là rào cản lớn nhất với hôn nhân, bà cho biết, và ngày càng có nhiều người coi hôn nhân chỉ là một chọn lựa, thay vì coi đó là điều cần thiết trong đời.
Phụ nữ cũng lo lắng về những hệ quả tài chính.
“Nhiều người quanh tôi không muốn kết hôn vì sinh con và nuôi con ăn học rất tốn kém,” Ji-Won Kim, một sinh viên 24 tuổi trong lớp của giáo sư Lee nói.
“Nhiều bạn bè tôi trong phái nữ có xu hướng suy nghĩ là họ cần kiếm tiền để tự chi trả tiền nhà, mua sắm những thứ đồ họ muốn, và nuôi một chú chó, còn chuyện tình cảm thì chỉ duy trì ở mức hẹn hò thôi, như thế sẽ tốt hơn.”

Hiện đại hóa quá nhanh

Có nhiều yếu tố khác đi kèm với tiền bạc gây ra sự lo lâu. “Người ta thường nói đời bạn coi như xong sau khi bạn kết hôn và có con,” bà cảnh báo.
Một sinh viên 24 tuổi khác tên là J-Myeong Kim, cuối cùng cũng muốn ổn định cuộc sống, nhưng bạn gái hiện tại của anh lại muốn được bảo hộ trong việc ứng xử với gia đình anh.
Trong nhiều thập niên vừa qua, phụ nữ Hàn Quốc khi mới kết hôn sẽ phải rời gia đình để về làm dâu nhà chồng, với vị trí thấp nhất trong gia đình mới. Kim phải nói rõ với bạn gái rằng gia đình anh không câu nệ truyền thống cũ.
Jean Yeung, giáo sư và giám đốc của Trung Tâm Nghiên cứu Gia đình và Dân số ở Đại học Quốc gia Singapore, chỉ ra rằng những quốc gia như Hàn Quốc và Singapore đều đang ở trong “sự hiện đại quá nhanh” – một thời kỳ xã hội chuyển mình nhanh chóng đi kèm những bước tiến lớn về kinh tế.
“Những thay đổi từng xảy ra ở Châu Âu trong ít nhất là một thế kỷ thì giờ đây chỉ xảy ra trong hai đến ba thập niên [ở Châu Á],” bà giải thích. “Ở nhiều góc độ, kinh tế, giáo dục và vai trò của phụ nữ thay đổi quá nhanh, đến mức các tổ chức và quy tắc xã hội không thể theo kịp.”
Một yếu tố quan trọng không phù hợp với gia đình hiện đại đó chính là thế giới của các tập đoàn kinh tế.
Nhiều phụ nữ “không muốn lo lắng về chuyện nuôi nấng con cái trong văn hóa công ty không mấy hỗ trợ cho các bà mẹ nuôi con,” Lee nhận định.
Peter McDonald, giáo sư ngành nhân khẩu học tại Đại học Melbourne, nhận định các công ty không mấy coi trọng đời sống gia đình của nhân viên. “Các tập đoàn ở Đông Á thường đòi hỏi thời gian làm việc rất dài, và phải toàn tâm toàn ý với công việc, phải ưu tiên công việc trước hết,” ông cho biết.
Một rào cản tiềm ẩn khác với hôn nhân ở phụ nữ là sự khác biệt quá lớn về giới trong phân công làm việc nhà. Theo một báo cáo năm 2015 của OECD, trung bình đàn ông Hàn Quốc chỉ dành 45 phút mỗi ngày để làm việc nhà, thấp hơn mức trung bình của OECD đến hơn một phần ba.

Bài tập hẹn hò

Tại khóa học hôn nhân và gia đình, các sinh viên cùng người yêu sẽ làm nhiều bài tập. Sinh viên gọi đây là bài tập “hẹn hò bắt buộc”, và Lee gọi đây là “chơi theo cặp đôi”.
Cặp đôi sẽ được yêu cầu thực hiện một số nhiệm vụ mà họ có thể sẽ gặp phải trong đời sống thực sau này khi yêu nhau, như cùng nhau hẹn hò với chi phí vừa phải, lập kế hoạch cho một đám cưới giả định, và lập cam kết hôn nhân với đầy đủ các vấn đề từ việc phân công làm việc nhà, cách nuôi dạy con cái hoặc cả hai sẽ đến thăm bố mẹ vợ hay bố mẹ chồng khi có kỳ nghỉ.
Họ cũng quay trở lại những bài học căn bản về tình dục.
Giải thích về chu kỳ kinh nguyệt cho những sinh viên ở tuổi 20 có vẻ hơi kỳ quặc, nhưng Lee cho biết trường học chú trọng dạy sinh viên cách tránh thai thay vì chỉ cung cấp cho họ đủ thông tin – kiến thức, khiến họ suy nghĩ tích cực hơn về tình dục và biết cách ngừa việc có thai ngoài ý muốn.
Getty Images
Năm ngoái, Hàn Quốc có tỷ lệ sinh 1,05 đứa trẻ/phụ nữ, thấp nhất trong lịch sử, dù chính phủ đã chi hàng tỷ đô la để tăng tỷ lệ sinh
Những bài học cơ bản này có giúp tăng tỷ lệ sinh hay không vẫn còn phải chờ thời gian. Nhưng nhiều quốc gia khác đang cố gắng thử nhiều phương pháp để tăng tỷ lệ sinh quốc gia lên.
Singapore khuyến khích mọi người sinh con bằng chương trình Baby Bonus, gồm có quà tặng là tiền mặt dành cho mỗi em bé, và kết hợp quỹ tiết kiệm của cha mẹ cho tương lai con cái. Nhưng 5 năm qua, có vẻ như chính sách này không giúp tăng tỷ lệ sinh.
Hàn Quốc cũng rất cố gắng sáng tạo hơn trong các chính sách của mình.
Năm 2010, nhân viên tại Bộ Y tế, An sinh và Gia đình ở Seoul được yêu cầu hãy về nhà sớm một ngày thứ Tư trong tháng và dành thời gian cho gia đình theo sáng kiến có tên gọi “Ngày Gia đình”.
Nhưng dù có tắt điện lúc 7 giờ tối tại văn phòng, thì cơ quan này cũng không thể khiến nhân viên muốn trở về nhà sớm và sinh nở.
Yeung cho biết những sáng kiến ngắn hạn như vậy “thể hiện là quốc gia đó chưa tiếp cận vấn đề cốt lõi nhất và điều chỉnh lại vai trò của từng giới.”
Tương tự, McDonald nhận định nỗ lực của Hàn Quốc trong việc tăng tỷ lệ sinh là vô nghĩa nếu không có thay đổi sâu rộng trong xã hội.
Trong quá khứ, chính phủ nước này từng đổ lỗi cho phụ nữ vì tỷ lệ sinh thấp. Một website có màu hồng minh họa các khu vực có phụ nữ đang trong tuổi sinh nở đã bị gỡ xuống sau nhiều phản đối.
McDonald cho biết những sáng kiến lệch lạc đó có thể khiến phụ nữ càng cố thủ hơn với tỷ lệ sinh thấp.
Với những sinh viên trong khóa học, chương trình nhắm đến giúp họ hiểu bản thân với thái độ tích cực hơn khi nghĩ về cuộc sống gia đình.
“Tôi từng nghĩ cách tôi tiếp xúc, quan tâm bạn gái là bình thường, nhưng bài kiểm tra tính cách cho thấy tôi là người có tâm lý sở hữu bạn gái,” Ji-Myeong Kim thừa nhận. “Tôi là người bảo thủ hơn tôi tưởng.”
Lee cho biết sinh viên được dạy “không phải là tìm người hoàn hảo, mà là tìm người phù hợp với họ nhất” – cách này hy vọng sẽ dẫn đến cuộc hôn nhân hạnh phúc và gia đình hạnh phúc.
Nhưng một số sinh viên vẫn cảm thấy khó khăn trong việc phá bỏ những kỳ vọng của cha mẹ.
“Mẹ tôi nói tôi phải kết hôn với người đàn ông nào có ổn định về kinh tế, người sống trong gia đình hòa hợp, có tính cách tốt và chu đáo với mọi người,” Ji-Won Kim nói.
Nhưng cô cho biết cô ưu tiên một số yếu tố hơn. “Tôi ưu tiên sự ổn định tài chính hơn là vẻ đẹp bề ngoài,” cô cười. “Mẹ tôi nói hình thức không còn là vấn đề một khi mình đã kết hôn.”
(Theo BBC Capital)

THIỆP MỜI HỌP SPSaigon Hải Ngoại 2018


PHILIP ROTH , NGƯỜI MỸ KHÔNG TRẦM LẶNG



Từ Thức

Nhà văn Philip Roth
Mỗi lần một nhà văn nổi tiếng qua đời, người ta thường nói văn học vừa mất nhà văn lớn nhất. Câu đó được nhắc lại, rất nhiều lần, từ khi nghe tin Philip Roth tạ thế. Trong trường hợp này, câu đó không ngoa. Philip Roth quả thực là một trong những nhà văn hàng đầu, nếu không phải là nhà văn hiện đại quan trọng nhất thế giới.

Với ngòi bút táo bạo, khinh bạc, khiêu khích, ngang ngược , châm biếm, khôi hài, Roth là nhân chứng số 1 về nước Mỹ,  xã hội Mỹ, người Mỹ. 


Muốn hiểu thể chế, đời sống chính trị của Hoa Kỳ, chỉ cần đọc Alexis de Tocqueville. Muốn hiểu ảnh hưởng của chính trị, của thời cuộc tới đời sống của mỗi người Mỹ, chỉ cần đọc Roth. 

 Pastor American ( bản tiếng Pháp : Pastorale américaine ) nói lên cái khủng hoảng của xã hội Mỹ, vết thương sâu kín của mỗi gia đình Mỹ từ khi có chiến cuộc VN.

Bối cảnh là một gia đình trưởng giả, thành công về mọi phương diện. Seymour Levov, gốc di dân Do Thái, là điển hình của self-made man, của amrican dream. Nhìn từ ngoài, gia đình Levov  là một tổ ấm hạnh phúc. Vợ là cựu hoa khôi, chồng thành công, có địa vị, được ngưỡng mộ, kính nể.  Nhìn từ bên trong, đó là một bi kịch. Cô con gái  chống chiến tranh Việt Nam, chống xã hội tiêu thụ, tìm mọi cách đạp đổ những giá trị mà Levov tin tưởng. Gia đình mâu thuẫn, không khí ngột ngạt, american dream trở thành ác mộng. Cái thành công bề mặt không che nổi cái rạn nứt bên trong.

MỘT NGƯỜI MỸ DO THÁI


Roth để lại 31 tác phẩm hầu hết đều nói lên cái rạn nứt của xã hội Mỹ, cái bơ vơ của mỗi cá nhân trong những cơn lốc của lịch sử. Roth là một người Mỹ Do Thái ( historiquement juif, profondément Américain, như ông tự nhận trong một cuộc phỏng vấn trên báo Pháp )

Là người Do Thái, ông phơi trần bộ mặt trái của người Do Thái, tới độ cộng đồng Do Thái coi ông là kẻ phản bội. Là người Mỹ, ông diễn tả bộ mặt trái của Amrican dream, khiến có người gọi một người Mỹ không trầm lặng, trái với một quiet American..

Roth là một cái nhìn tỉnh táo, tàn nhẫn, lạnh lùng, không nhân nhượng. Cái nhìn của một nhà văn lớn : Roth viết không phải để chiều lòng độc giả, chiều lòng cộng đồng, chiều lòng người đồng hương. Chỉ chiều lòng văn chương.

Đó là một nhà văn hoàn toàn tự do, không đếm xỉa đến sự phán xét của dư luận. Không có tự kiểm duyệt, nhân danh luân lý, đạo đức, danh dự cộng đồng , tự ái dân tộc , hay bất cứ lý do lỉnh kỉnh gì khác. Roth chỉ tôn trọng một điều : sự thực.

Ông phơi bày trên trang giấy khuôn mặt thực của xã hội. Trong hầu hết 31 tác phẩm, từ Portnoy et son complexe ( nguyên tác Anh ngữ : Portnoy‘s complaint ) tới những cuốn tiểu thuyết cuối cùng, Roth không ngừng đả kích, châm biếm cái đạo đức giả, cái bệnh thời thượng gọi là political correctness.

Roth nói nhà văn chỉ có một bổn phận : trung thực với chính mình và chỉ nên có một ưu tư : phẩm chất của văn chương.

Theo ông, văn chương đóng vai trò quan trọng trong đời sống, nhưng bi quan, không tin văn chương có thể thay đổi cục diện thế giới. Mặc dầu vậy, nhiều người nghĩ Alexandre Portnoy của Roth và Holden Caulfield của Salinger là hai nhân vật có nhiều ảnh hưởng nhất trong hậu bán thế kỷ 20.

Roth không ngồi trong tháp ngà, không phải là một nhà văn thương mây khóc gió, mặc dù ông thích cô đơn, tránh xa những đám hội hè, xã giao. Roth sống với thời đại, quan sát thời cuộc với đôi mắt sác như dao, tìm hiểu thời sự và cảm nhận vết rạn của xã hội, vết thương của con người.

Trong Parlons travail ( Shop Talk ), ông mạn đàm, trao đổi quan điểm, phương pháp làm việc của những nhà văn nhân chứng như ông mà ông cảm phục : Milan Kundera, Primo Levi, Isaac B. Singer, John Updike, Bernard Malamud…

Roth nói, một cách khiêm nhượng : Updike và Bellow, với những những ngọn đèn đã soi sáng, cho thấy thực trạng của thế giới hiện đại. Tôi đào một cái lỗ nhỏ, với ngọn đèn bỏ túi, lúi húi quan sát cái lỗ nhỏ đó.

TỰ KIỂM DUYỆT


 Sau Roth, văn chương thế giới không còn tự do nữa, hoặc bị kiểm duyệt ở những xứ độc tài, hoặc tự kiểm duyệt nhân danh luân lý, đạo đức, nhân danh chủ nghĩa politically correct ở những nơi khác, trong một thời đại đắc thắng của các chế độ mị dân, không có đối thoại, suy nghĩ, phản kháng, không còn ai đặt vấn đề.

Roth nổi tiếng khắp thế giới từ Portnoy et son complexe ( 1969 ). Khởi đầu, người ta choáng váng với một lối hành văn sống sượng, với cách đề cập tới tình dục một cách táo bạo, ngoài sức tưởng tượng của những người táo bạo nhất. Không thua gì một cuốn sách porno. Có những cuộc biểu tình lên án nhà văn porno Philip Roth.

Cuốn tiểu thuyết là lời tâm sự của Alexandre Pornoy, một nhân vật bị tình dục ám ảnh ngày đêm. Mỗi trang sách là một trang sex. Pornoy nghĩ tới sex suốt ngày, thấy đàn bà già trẻ lớn bé là mơ chuyện đè ra làm tình, đàn bà Do Thái và nhất là đàn bà không phải Do Thái. Portnoy thủ dâm trước, trong khi, và sau khi ăn, ngủ. Portnoy thủ dâm ở nhà, trên xe bus, làm tình với một cái găng tay da, làm tình, thủ dâm với một miếng thịt bò. Trong đầu Portnoy, chỉ có một cái sex to tổ bố. Sigmund Freud, nếu nghe Partnoy cũng chào thua.

Cộng đồng Do Thái phẫn nộ : cuốn sách mô tả một nhân vật Do Thái trái hẳn với hình ảnh một người Do Thái kiểu mẫu. Người Do Thái kiểu mẫu sống đạo đức, không ..thủ dâm, chỉ có một ưu tư là hạnh phúc gia đình !. Có người coi Portnoy et son complexe là kẻ thù của dân tộc Do thái, ngang với Mein Kempt của Hitler

Những phong trào nữ quyền kết án ông miệt thị phụ nữ, cũng như đã kết án một bạn văn tâm đắc nhất của ông : Milan Kundera. Ít nhà văn xứng đáng Nobel Văn chương hơn Roth và Kundera, cả hai đều không được giải, một phần lớn vì lý do đó. Năm nào đến muà Nobel , người ta cũng nhắc tới Roth, để cuối cùng trao cho người khác. Roth đã đi trước thời đại quá xa.

Nobel không phải là mối bận tâm của Roth. Nobel đã từng bỏ quên những nhà văn lớn nhất : Proust, Rilke, Joyce, Kafka, Malraux, Orwell,  ( Virginia ) Wolf…


TỰ DO TUYỆT ĐỐI


Cái khiến Roth bực mình là đã nổi tiếng vì những trang viết về sex. Cái làm ông buồn hơn hết là đã bị những người Do Thái kết án ông là kỳ thị Do Thái, cái tội lớn nhất, đáng ghê tởm nhất sau thảm kịch Holocaust.

Với Potnoy et son complexe, Roth chỉ muốn nói về con người muôn mặt, từ cái xấu đến cái tốt, từ bề ngoài tới những ngõ ngách kín đáo nhất của thân xác, của tâm hồn. Portnoy không thoát khỏi sự ngự trị của nhục dục, cũng như tất cả chúng ta, mỗi người, đều bị ràng buộc bởi thân xác, hay những điều mình không kiểm soát được.

Roth không chịu nổi cái xã hội giả dối bao quanh. Ông muốn quẳng sự thực vào mặt mọi người. Gọi con mèo là con mèo, không mầu mè, úp mở. Roth gào thét tự do.

Đối với nhiều nhà văn, Roth mở cho họ một đại lộ, một khung trời : cái tự do không giới hạn.

Không sống ở Hoa Kỳ, tôi không biết giới văn chương Mỹ nghĩ gì về Roth, nhưng tin nhà văn Mỹ Armistead Maupin khi ông nói: ở Pháp, Roth được trọng vọng hơn là ở chính quê hương ông, mặc dầu không ai phủ nhận chỗ ngồi của Roth trong ‘’ liste A ‘’, những nhà văn hàng đầu.

Ở Pháp, nếu hỏi tên nhà văn hiện đại đáng kể nhất, hầu như tất cả giới viết lách đều nghĩ tới Philip Roth. Phải chịu khó kiếm mới tìm ra một người chê Roth như nhà phê bình Angelo Renaldi , thuộc Hàn Lâm Viện

Cách đây vài tháng ( Octobre 2017 ), Gallimard đưa Roth vào tuyển tập Pléiade, một collection dành cho những nhà văn uy tín nhất thế giới.

 Pléiade là một bộ sách quý, mạ vàng, bìa da mỏng, trên giấy đặc biệt, bán giá cao, thường thường in toàn bộ tác phẩm của những nhà văn uy tín nhất đã tạ thế. Nghĩa là tác phẩm đã được thời gian đánh giá.

Trong số 250 tác giả có mặt, từ khi Pléiade ra đời ( 1931 ), chỉ có 18 tác giả được lựa chọn thời sinh tiền : Gide, Claudel, Malraux, Char …và Roth. Cũng như trước đó Roth, cùng với Saul Bellow và Eudora Welty, là 3 nhà văn có tác phẩm được in, thời sinh tiền, trong tuyển tập của Library of American
 

GIÃ TỪ GIẤY BÚT

Roth ngưng viết từ 2010, và tuyên bố bỏ hẳn từ 2012. Ông nói chưa bao giờ sống hạnh phúc hơn những ngày về hưu, vì đã cởi bỏ được một gánh nặng, là cái ưu tư của người cầm bút, coi chuyện viết lách là thiêng liêng.

Ông nói mỗi lần viết là nhẩy vào một thế giới lạ, những năm sau này ông có cảm tưởng nhẩy vào hư không. ‘’ Tôi chỉ có thể viết dở hơn, vì không còn óc sáng tạo nữa. Viết dở hơn để làm gì ? ‘’. Vả lại, nước Mỹ hiện nay, theo Roth, không phải là đất của văn chương, xã hội đi vào ngõ cụt, Trump là một đại họa, nhưng cũng là tiêu biểu cho một thời đại nhiễu nhương.

Qua 31 tác phẩm, đều là best sellers, Roth đã quan sát từng hơi thở của xã hội Mỹ, nhưng người đọc khắp nơi thấy mình qua những dòng chữ của Philip Roth.

La Tache ( The Humain Stain ) là bi kịch của những người đi tìm I.D ( identité, căn cước ) của mình trong một xã hội hợp chủng và kỳ thị chủng tộc. Le Complot contre l’Amérique ( The Plot against America ) một cái nhìn bi quan về chính trường Mỹ.

Hầu hết nhân vật của Philip Roth đều là người Mỹ Do Thái, một phần là chính tác giả, một phần lớn là giả tưởng, nghĩa là thật hơn những nhân vật có thực.

Trong 31 tác phẩm, chỉ có một tự truyện, Roth nói về mình : Parimoine ( Patrimony. A True Story ). Đó cũng là cuốn truyện cảm động nhất, kể lại thời gian tác giả sống với bố khi ông này vùng vẫy chống lại bệnh ung thư óc, trong những ngày cuối cùng. Nói về người cha sắp lìa đời, Roth quên giọng văn khiêu khích để trở nên rất tế nhị, kín đáo..

Nói về tuổi già,  về cái chết, cái cô đơn, về những vết thương của mỗi cá nhân, cái nứt rạn của xã hội, Roth lúc nào cũng không quên vai trò của một nhân chứng. Một nhân chứng đã đứng nhìn, bất lực, những đổi dời ở Newark, New Jersey nơi ông ra đời, ở nước Mỹ nơi ông sinh sống, từ đệ nhị thế chiến cho tới ngày nay.

Sau Saul Bellow, Bernard Malamud, và gần đây, Tom Wolfe, bây giờ tới lượt Philip Roth ra đi. Không còn ai cầm đèn rọi, quan sát một thế giới đang quay cuồng, không biết sẽ đi về phương trời nào.


Từ Thức ( Tuthuc-paris-blog.com )

30 thg 5, 2018

FM974 Úc Châu :Nam Sudan - Uganda: Ở Một Góc Khuất Bên Trong Trại Tỵ Nạn Đông Người Bidi Bidi

Chuyện Thế Giới Trong Tuần
Thứ Hai 28/05/2018

Nắng giữa trưa nóng rát, gió từ xa lùa về mang theo chút bụi đỏ ngang qua phòng học trống trải ở một góc trại, đám trẻ con lớp tiểu học bắt đầu trình diễn màn kịch ngắn:

- Tiền đâu rồi? Salva Kiir, tổng thống Nam Sudan hỏi phó tổng thống Riek Machar.

- Tôi đã mua súng hết rồi, Machar trả lời.

- Súng đâu? Kiir hỏi lại.

- Tôi sẽ cho ông coi, Machar hất hàm.

- Tôi sẽ cách chức ông, Kiir giận dữ.

- Được rồi, chúng ta sẽ gặp nhau trong rừng, Machar cười cười nhún vai.

- Tốt, sẽ gặp nhau trong rừng. Kiir lạnh lùng gằn giọng.

Súng nổ, người chết ngã xuống và cuộc nội chiến Nam Sudan bắt đầu, màn kịch chấm dứt ở đó, như là để giải thích, lý do tại sao người dân Nam Sudan phải lìa bỏ cửa nhà, chạy sang lánh nạn tại trại Bidi Bidi, tây bắc nước láng giềng Uganda, một trại tỵ nạn hiện được xem là có số người tạm cư lớn nhất thế giới. Trong năm năm qua, Nam Sudan quay cuồng trong cuộc nội chiến từ khi tổng thống Kiir, cáo buộc người phụ tá của ông, phó tổng thống Machar đã tìm cách đảo chánh, từ đó khoảng 300 ngàn người dân đã chết và 3, 5 triệu thành người tỵ nạn, trong đó hơn phân nửa chạy trốn tới các nước gần bên, phần nhiều đến các trại tỵ nạn phía bắc Uganda, Bidi Bidi là trại lớn nhất nơi hiện có hơn 300 ngàn người.

Trước hiện tình này, Uganda là quốc gia nhiệt tình nhất, mở rộng vòng tay chào đón người tỵ nạn Nam Sudan, tạo mọi cơ hội cho họ có đời sống bình thường dù đang ở xứ người. Ban ngày, người lớn Nam Sudan cày xới trồng trọt trên những cánh đồng mà chính quyền và cộng đồng dân địa phương cho xử dụng không phải trả tiền thuê tiền mướn, nhiều người làm tình nguyện viên với các tổ chức NGO (Phi chính phủ), vài người khác là chủ vài sạp bán hàng nhỏ, cả một vùng rừng rậm xưa chỉ toàn là rắn rít, giờ không khác gì một khu chợ làng quê tấp nập, trẻ con cắp sách tới trường học, chuẩn bị và hy vọng cho một tương lai nào đó, tốt đẹp hơn cuộc đời của người trốn chạy lánh nạn. Để đến được trại tỵ nạn Bidi Bidi, trẻ con phải đi bộ xuyên qua rừng hoang với cha mẹ chúng hàng chục cây số, nếu may mắn nhưng thường chỉ còn lại một mình khi đến nơi, họ phải dẩm lên xác chết, chôn vội chôn vàng người thân nằm xuống đâu đó tại mấy vũng đất cạn, không theo tục lệ truyền thống, họ đem bán những gì mà họ có để trả tiền quá giang trên những chiếc xe cà tàng, bò lê không chắc là tới được biên giới hay không, họ băng qua sông, qua hồ bằng mấy chiếc ca- nô cũ mèm, nứt nẻ, cuối cùng cũng may là cũng còn những người sống sót.

Ở thời điểm chiến trận bùng nổ trở lại dữ dội tại Nam Sudan năm 2016, trại Bidi Bidi đã tiếp nhận hơn hàng ngàn người tỵ nạn mỗi ngày, khu tạm cư này đã tăng lên dần tới cỡ rộng như thành phố Birmingham của Anh quốc, khoảng hơn 250 cây số vuông với những con đường đất trộn đá nát, quanh co theo từng làng ấp người Ugandan chạy dài tới chân trời, người ta có thể phải mất cả một ngày mới tìm được một chỗ nào đó mà người ta muốn tìm, giữa rừng cây xanh lá là mấy căn nhà tranh từng cụm một, có nhìn thấy những tấm vải bạt dày màu xanh dương làm mái che, phập phòng theo chiều gió cung cấp bởi Cao ủy tỵ nạn LHQ, là văn phòng làm việc và nơi chứa vật liệu, bệnh xá lác đác, người ta mới biết nơi này là một trại tạm cư tỵ nạn.

Nơi góc cuối nhà, chiều xuống, sau một ngày dài, lửa bếp ăn lịm dần chập choạng tối, bà Betty Dawa sửa soạn bữa ăn duy nhất trong một ngày – món posho – cho hai đứa con và chồng, ông Julius Wani, làm thiện nguyện cho tổ chức Fahard, một tổ chức NGO địa phương có hợp đồng với cơ quan Thực phẩm và Canh nông của LHQ, cả nhà quây quầng ca hát cám ơn Chúa, Wani cho biết, gia đình ông không có gì nhiều nhưng có tất cả, họ có tình thương và văn hóa ông cha, ông la lớn bảo mấy đứa con vào nhà làm bài tập trước khi những người mà ông gọi là “người anh em” ông tới, “người anh em” là một nhóm người đàn ông Nam Sudanese, họ thoát khỏi sự kình chống sắc tộc, giữa 60 nhóm sắc tộc của Nam Sudan, tham gia trong cuộc nội chiến từ lúc khởi đầu, giờ họ gọi những người tỵ nạn là anh em ruột thịt. Nhóm “người anh em “ đến, họ ngồi quanh tròn ngoài sân đất, Bosco Yuga, một anh trong nhóm này, bất chợt nói to “anh không tin thượng đế”, mấy người còn lại nghe vậy phá lên cười, Yuga tiếp tục “anh ta nghĩ rằng, khi người ta chết đi thì người ta vẫn nằm mãi dưới lòng đất”, ông Wani phớt lờ coi đó là lời của thằng con nít, Wani quay qua Emmanuel Atilio, cũng cùng 18 tuổi như Yuga, trục trặc trong việc vào trường học ở Uganda, bị cho học thấp hơn ba lớp khi tới Bidi Bidi hai năm trước, Wani hỏi Atilio là “sẽ có một ngày nào đó muốn rời khỏi trai tỵ nạn không”, Atilio chần chừ chốc lát, Wani nói tiếp “ngay cả anh đá banh hay như Lionel Messi, hay hát hay như Chris Brown, sẽ không có ai biết tới nếu cứ ở tại trại Bidi Bidi”, cả nhóm gật đầu, rồi đứng dậy chào ra về.


Tại trại tỵ nạn Bidi Bidi, khi nói về mình, Christine Onzia Wani, đang là một ký giả tại Nam Sudan khi cuộc chiến bùng nổ, giờ lại trở thành người tỵ nạn ở đây, nơi mà đã có lần cô đến viết phóng sự về chuyện những người tỵ nạn. Theo cô, nơi khu nhà Baraka là khu của đàn bà con gái ở, hàng ngày không có biết bao nhiêu chuyện kể đã xãy ra cho người này người nọ, họ gặp gỡ nhau ngày thứ tư hàng tuần để được cố vấn về tâm lý, mấy ngày khác họ khuyến khích nhau làm đồ thủ công, bán túi xách hay chiếu nệm, một số cho biết chứng kiến tận mắt chồng họ bị giết, số khác bị quân lính hiếp dâm trên đường tìm đến trại Bidi Bidi, đặc biệt là có nhiều người vẫn còn bị chồng hiếp dâm khi từ chối chuyện “ăn nằm” họ tin rằng đàn bà không bao giờ nói “không” với chồng vể chuyện này. Một người tỵ nạn khác, cô Ateyi, trước khi tới Ugada, cô là một kế toán viên, cô cho rằng, chuyến đi tỵ nạn của mình không có gì đặc biệt hơn người khác, cũng chuyến đi dài, trải qua nhiều khó khăn nhưng may mắn vẫn sống còn, lính Nam Sudan đã đuổi cô trở lại hai lần khi cố vượt biên giới qua Uganda, lần thứ ba, với bà mẹ chồng già cả, người chồng bệnh tật và ba đứa con mới tới được trại Bidi Bidi, quân lính hỏi tại sao cô lại lìa bỏ cửa nhà tìm cách đến Uganda, Ateyi trả lời không chần chừ “mọi người xung quanh cô đang chết dần, cô không thể nào chịu đựng nổi khi nhìn cảnh chờ chết này nữa”.


Anh Wani, chồng của cô Onzia, là một luật sư và tự nhận mình là người bảo tồn rừng cây, ông cùng vài người khác giúp, trồng một số cây quanh trại, bảo vệ môi trường sinh sống vì số người càng ngày càng đông hơn người ta tưởng tại Bidi Bidi, theo anh, “cây là đời sống, là thực phẩm và là thuốc men, cây là sự kình chống nhưng cây cũng là hòa bình”.

Không giống những người tham gia chương trình Super Talent Uganda hy vọng sẽ có ngày trình diễn trên sân khấu lớn tại thủ đô Kampala, Uganda nhưng với Wani và Onzia, thì họ chỉ yêu thương cuộc đời của mình, và đồng ý ở lại trại cho tới ngày cuộc chiến chấm dứt, họ sẽ trở lại quê hương, họ chỉ muốn về nhà, không là Âu châu, Hoa Kỳ, tai sao họ lại phải đến đó, rữa chén bát dơ cho người, trong khi ở quê hương mình vẫn còn mênh mông rộng đồng chờ tay người cày cấy, nhìn chồng quả quyết, Onzia dịu dàng cười “chúng tôi sẽ về nhà một ngày nào đó, nhất định sẽ về”.
Thuyên Huy

Monday 28.05.2018

Tìm lại dấu tích xưa của Tự Lực Văn Đoàn (Anh Truong Duy Nhat )

Tìm lại dấu tích xưa của Tự Lực Văn Đoàn

 

Trẻ vị thành niên bị bạo hành: Cần được bảo vệ chứ không phải bị truy xét có vu cáo ai hay không



Ảnh: In the Keeper's Shadow


Một thiếu niên 15 tuổi dùng mạng xã hội để tố cáo bị anh rể bạo hành và ngược đãi trong nhiều năm kèm lời khẩn cầu, em cần hệ thống pháp luật bảo vệ cho mình.
Thế nhưng, trong gần hai ngày sau đó, hình ảnh của em với vết thương trên miệng tuy được các cộng đồng thanh thiếu niên trẻ chia sẻ rộng rãi, nhưng hầu hết hệ thống truyền thông lại chỉ quan tâm đến “sự thật” từ phía người anh rể, một MC của Đài Truyền hình VTV.
Và ở đó, người ta đưa ra các thông tin về hạnh kiểm, về học lực và cả thái độ làm người của em từ phía kẻ bị cáo buộc đã ngược đãi em.
Nếu đọc những thông tin này thì sự ẩn ý của người đưa ra thông tin và cả người truyền đạt là khá rõ: Một thiếu niên với nhân cách như thế thì đáng bị ăn đòn.
Có lẽ quan điểm đó vẫn sẽ tìm được sự ủng hộ trong một xã hội mang nặng tính “tam tòng tứ đức” như Việt Nam.
Tuy nhiên, xét về mặt luật pháp, thì liệu việc một học sinh không giỏi, hạnh kiểm không tốt, và hay cãi lời người lớn có phải là cơ sở để chấp nhận rằng, em ấy bị đánh là “đáng” hay không?
Câu trả lời là Không!
Nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ trẻ em không bị ngược đãi, bạo hành về tinh thần và thể lý được cụ thể hóa trong bộ Luật Trẻ em 2016 tại Việt Nam. Không dừng lại ở đó, Nghị định 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ ban hành vào tháng 5/2017 còn hướng dẫn thực thi bộ luật này một cách chi tiết.
Việt Nam có đến 17 cơ quan và tổ chức chính phủ nhận ngân sách nhà nước để làm công việc bảo vệ trẻ em. Luật Trẻ em 2016 cũng không hề giới hạn chỉ có “con ngoan trò giỏi” mới được bảo vệ.
Luật pháp vốn không phân biệt loại trẻ em nào đáng bị ăn đòn, mà tất cả trẻ em đều phải được đảm bảo về an toàn tâm sinh lý như nhau.
Trẻ em sở dĩ phải được sự quan tâm và bảo vệ của cộng đồng là vì các em vẫn chưa đủ trưởng thành về cả tinh thần lẫn thể lý để có thể tự bảo vệ mình.
Những lỗi lầm của các em, nếu có, phải được giáo dục trên tinh thần giúp đỡ các em trở nên hoàn thiện hơn. Đòn roi và bạo lực từ rất lâu đã được nhiều nhà tâm lý học và chuyên gia giáo dục nhi đồng khẳng định là những phương pháp giáo dục không hiệu quả và cần được loại bỏ khỏi xã hội.
Luật Trẻ em 2016 của Việt Nam cũng mang cùng tinh thần phi bạo lực đối với trẻ em như thế.
Điều 4 Luật Trẻ em 2016 định nghĩa bạo lực trẻ em “là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.”
Điều 6 Luật Trẻ em 2016 nghiêm cấm các hành vi bạo lực nói trên.
Thế nhưng, về mặt thực thi pháp luật thì rõ ràng vụ việc được nêu trong bài viết này đã chỉ ra những thiếu sót vẫn còn rất cần được thay đổi khi chúng ta nói đến vấn đề bạo hành trẻ em, đặc biệt là khi nó xảy ra trong gia đình, tại Việt Nam.
Nếu theo dõi vụ việc trên mạng, không khó để thấy được sự khác biệt khá rõ trong nhận thức về bạo hành gia đình giữa các thanh thiếu niên và những thế hệ lớn hơn.
Trong đó, cộng đồng người trẻ có vẻ khá đồng thuận trong việc không đồng tình với việc bạo lực có thể được dùng làm phương pháp giáo dục trẻ em.
Đổi ngược lại, phe “người lớn” luôn có những lập luận như cần phải tìm hiểu đúng sai vụ việc trước, cần phải xem có thật sự xảy ra việc bạo hành hay không, có khi lỗi là ở cả hai phía, hoặc kẻ bị cáo buộc có thể bị oan và cần được bảo vệ, v.v.
Chưa kể, có một số quan điểm thì ngầm giả định rằng, chỉ cần em ấy đang ở cùng gia đình thì nhất định được an toàn. Nhưng đây là một trường hợp mà kẻ bị cáo buộc bạo hành là thành viên của gia đình đó, vậy thì lúc này gia đình liệu có còn là nơi có thể bảo vệ được cho em?
Những lập luận nói trên đã vô tình đặt trách nhiệm của em thiếu niên ngang bằng với một người trưởng thành – kẻ bị cáo buộc – mà vô hình trung quên rằng, điều đáng ra phải được đặt cao hơn hết và trước nhất, đó là đảm bảo cho em không tiếp tục gặp nguy hiểm.
Khi một nạn nhân vẫn còn là trẻ vị thành niên, đã lên tiếng rằng mình bị ngược đãi và bạo hành, thì nghĩa vụ chung của cơ quan điều tra, tổ chức xã hội và cả của cộng đồng là phải bảo vệ sự an toàn cho người bị hại.
Hình thức thông dụng nhất trên thế giới, là cơ quan bảo vệ trẻ em phải lập tức cách ly được nạn nhân khỏi môi trường bị cáo buộc là đã gây ra thương tích cho em, kể cả khi nơi đó là chính gia đình của em.
Đây không phải là lúc để đưa ra nguyên tắc “nghi ngờ hợp lý” để bảo vệ cho bất kỳ ai bị cáo buộc hoặc bị tình nghi đã gây ra thương tích cho nạn nhân.
Nguyên tắc nghi ngờ hợp lý được dùng ở tòa án với quan tòa và bồi thẩm đoàn. Đó là nghĩa vụ chứng minh của bên công tố, rằng người bị cáo buộc đã làm ra hành vi cấu thành tội phạm mà không có bất kỳ nghi ngờ hợp lý nào có thể tồn tại được nữa.
Ngoài ra, đúng là mỗi một người bị cáo buộc với một tội danh thì còn được hưởng quyền lợi của nguyên tắc “suy đoán vô tội,” tức là họ được giả định là vô tội cho đến khi bên công tố chứng minh họ có tội. Ở đây, không ai khẳng định kẻ bị cáo buộc đã vi phạm pháp luật mà chúng ta đang nói đến thái độ của cộng đồng đối với nạn nhân.
Vấn đề ai là kẻ đánh em sẽ giao lại cho cơ quan điều tra, còn trong phạm vi bài viết, tôi sẽ cho rằng em là một nạn nhân vì vết thương được đăng trên mạng, theo tôi, không phải là kiểu em “tự té” gây ra.
Mà một nạn nhân vốn không bao giờ có nghĩa vụ phải chứng minh điều gì cả.
Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Quốc tế về Quyền Trẻ em (Convention on the Rights of the Child) vào năm 1990.
Nghị định 56/2017/NĐ-CP dành hẳn Chương 3 để quy định công tác hỗ trợ trẻ em đối diện nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi, và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Tức là chỉ cần xác định có “nguy cơ” trẻ em có thể đối mặt với hành vi bạo lực là các em sẽ được bảo vệ. Luật không yêu cầu các em phải chứng minh là đã bị bạo hành rồi thì mới nhận được sự bảo vệ của chính quyền và các tổ chức xã hội.
Chiếu theo nội dung của nghị định, ngày 6/12/2017, Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã được thiết lập và đưa vào sử dụng. Theo đó, tổng đài sẽ “tiếp nhận thông báo, tố giác từ bất kỳ cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân” về các hành vi và nguy cơ xâm hại hoặc bạo lực đối với trẻ em.
Thế nhưng, rõ ràng là sau gần ba thập niên tham gia công ước quốc tế với một khung pháp luật khá chi tiết và rõ ràng, cùng 17 tổ chức bảo vệ quyền trẻ em tại Việt Nam, mà một tiếng kêu cứu ngay tại lòng thủ đô Hà Nội với hàng trăm ngàn lượt chia sẻ trên các diễn đàn thanh thiếu niên và mạng xã hội lại phải đợi đến gần ba ngày sau mới được cơ quan chức năng chú ý đến và có hành động.
Điều này cho thấy chúng ta vẫn chưa có một hệ thống đủ tốt để thực sự thi hành các điều luật và nghị định bảo vệ trẻ em, khi mà các thông tin nói trên vẫn chưa có được một kênh truyền tải đủ rộng và có sức lan tỏa.
Những thông tin về các cơ quan chức năng, đường dây nóng, số tổng đài chống bạo hành, v.v. vốn nên được phổ cập đến người dân một cách rộng rãi hơn. Nhà trường và thầy cô cũng nên được hướng dẫn sử dụng các thông tin này một cách có hiệu quả hơn khi nghi ngờ học sinh của mình có thể bị ngược đãi hay bạo hành.
Mặt khác, các kiến thức về chống bạo hành và ngược đãi trẻ em tại Việt Nam phải được đảm bảo là đã đến được với những người cần nó nhất: Chính là các trẻ vị thành niên.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng và những tổ chức bảo vệ trẻ em cần phải vào cuộc càng sớm càng tốt vì mỗi giây phút trôi qua sẽ là thêm một giây mà tinh thần và thể xác của nạn nhân có thể bị tiếp tục xâm hại.
Hãy bảo vệ trẻ em trước các mối nguy cơ tiềm ẩn của bạo hành và ngược đãi, rồi hẵng đưa các quan điểm đạo đức ra bàn luận đúng sai.
(Tap Chí Luật Khoa )

28 thg 5, 2018

TÂM VÔ TRỤ. CHÂN VÀ VỌNG - Đỗ Chiêu Đức


Nhân mùa PHẬT ĐẢN năm nay, để chào mừng đức Như Lai giáng sinh để trải nghiệm cuộc đời Sinh, Lão, Bênh, Tử, mà giác ngộ để độ hóa chúng sinh vượt qua khổ hải trầm luân đồng đăng bỉ ngạn...


Sau đây, xin góp Ý về 4 chữ " THÀNH, TRỤ, HOẠI, KHÔNG " trong bài viết " TÂM VÔ TRỤ. CHÂN VÀ VỌNG 心無住,真與妄 " trong trang nhất của Thầy như sau...




* THÀNH 成: Ở đây là Thành Hình, Thành tựu, Thành đạt, chỉ giai đoạn từ Tiên Thiên ( trong bụng mẹ ) cho đến khi được sanh ra và lớn lên ( Hậu Thiên ).

THÀNH là sự HÌNH THÀNH đời sống của một con người.


* TRỤ 住 : Chữ thuộc dạng Hài Thanh : gồm Bộ NHÂN 人 chỉ Ý và chữ CHỦ 主 chỉ ÂM. Chữ nầy vốn đọc là TRÚ nghĩa là : Ở, chỉ sự CƯ TRÚ của con người. Nghĩa phát sinh dùng để chỉ những gì đã được ỔN ĐỊNH hoặc DỪNG LẠI, và với nghĩa nầy thì TRÚ được đọc là TRỤ. Ví dụ :
TRỤ KHẨU 住口 : là Ngừng nói. Nếu là câu Mệnh Lệnh Cách thì có nghĩa : Câm Miệng lại ! 住口 !. Tương tự ta có từ TRỤ THỦ 住手 : Dừng tay, Dừng tay lại ! 住手 !.
TRÚ BẤT TRỤ 住不住 : là Không thể Ở Yên được nữa !

TRỤ ở sau chữ THÀNH, có nghĩa là giai đoạn đã Trưởng Thành, đã khôn lớn, đã TRỤ được trong cuộc sống ! Không bị chết yểu.


* HOẠI 壞 : Chữ thuộc dạng Hài thanh, bộ Thổ bên trái chỉ Ý, chữ Hoài bên phải chỉ Âm. HOẠI vốn nghĩa Bức tường hoặc Vách bằng đất đã bị mục rã, nên có nghĩa là HƯ, MỤC, THỐI, RÃ, XẤU...
BẠI HOẠI là Xấu Xa hết mức, Thất bại đến cùng.
HỦ HOẠI là Mục rữa đến không còn xài được nữa.


HOẠI là giai đoạn tàn lụi, già nua, vô dụng của đời người.


* KHÔNG 空 : Thuộc Hài Thanh, bộ HUYỆT ( là Hang Động, là Cái Lổ, là Hang Ổ ) ở trên chỉ Ý, chữ Công ở dưới chỉ Âm.
KHÔNG 空 : là Trống lỏng trống trơn, là Không có gì cả. Cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. như THIÊN KHÔNG là Bầu trời ( trống không ). KHÔNG THOẠI : lời nói trống không, lời nói suông ( Chỉ nói cho sướng miệng mà không có làm gì cả ! ).
VẠN NIỆM GIAI KHÔNG : Muôn vàn Ý niệm rốt cuộc rồi cũng chẳng có gì cả !
TỨ ĐẠI GIAI KHÔNG : Tứ Đại là ĐẤT GIÓ NƯỚC LỬA, theo quan niệm của Phật Giáo thì Vạn Vật đều do TỨ ĐẠI kết hợp mà thành, nên khi chết rồi thì " Thân Tứ Đại trả về Tứ Đại ", nên TỨ ĐẠI GIAI KHÔNG có nghĩa là TỨ ĐẠI rốt cuộc cũng ĐỀU là không không, KHÔNG có gì cả !


THÀNH, TRỤ, HOẠI, KHÔNG là 4 giai đoạn trong cuộc sống của MỘT ĐỜI NGƯỜI. Nói theo Nho Giáo là SINH LÃO BỆNH TỬ đó.

Trang 2 : Câu " ƯNG VÔ SỞ TRỤ NHI SANH KỲ TÂM " theo nghĩa đen thui của nó thì như sau :
ƯNG là Phải, VÔ là Không có, SỞ là Cái gì đó, TRỤ là Được giữ lại, NHI là Mà, SANH là Sinh ra, KỲ là Cái đó(đó), TÂM là Cái Tâm, Cái Lòng, Cái Ý niệm.
SỞ và KỲ là 2 Phiếm Chỉ Đại Từ ( pronoun indefinite ), nên nghĩa của câu trên là :
" Phải không có CÁI GÌ ĐÓ được giữ lại ở trong lòng mà sanh ra cái tâm ĐÓ ĐÓ." Nói cho xuôi tai là :


" Khi Cái tâm được sanh ra mà trong lòng không có giữ lại một thiên kiến nào cả !".

Chữ SỞ ở đây là Phiếm Chỉ Đại Từ, chỉ CÁI GÌ ĐÓ. Chứ không phải chỉ Nơi Chốn hay Cơ Sở gì cả !


Về Chữ NIỆM và Chữ NHIỄM ở trang 3.


NIỆM 念 : Chữ thuộc dạng Hội Ý : Phần trên là chữ KIM 今 là Hiện nay, là Bây giờ. Phần dưới là chữ TÂM 心 là Lòng dạ.
NIỆM là Lòng dạ trước mắt, nên có nghĩa là NHỚ, NHẮC NHỞ, NHỦ... như Tưởng Niệm, Hoài Niệm, Tâm Niệm, Ý Niệm ... NIỆM còn có nghĩa là Đọc thầm hoặc Đọc Nhỏ Tiếng, như NIỆM PHẬT, NIỆM KINH, NIỆM THẦN CHÚ... Cho nên, hễ...
NIỆM là phải có CÁI GÌ ĐÓ hiện diện ở trong Tim, trong Lòng. Nên...
VÔ NIỆM là giữ được lòng thanh thản trong sáng, không nhớ thương luyến tiếc vui buồn gì cả !


NHIỄM 染 : là NHUỘM, là NHUỐM, là NHÚNG. Như :
NHIỄM SẮC 染色 là Nhuộm Màu, NHIỄM BỆNH 染病 là Nhuốm Bệnh. NHIỄM CHỈ 染指 là Nhúng Tay Vào.


NHIỄM có nghĩa phát sinh là Vây Vào, Vướng Vào. Như trong câu kệ của Lục Tổ Huệ Năng :
Bổn lai vô nhất vật,

Hà xứ NHIỄM trần ai ?!
Có nghĩa :
Vốn không có một vật nào cả, thì lấy chỗ nào để mà NHUỐM bụi trần đây ?!
Vậy nên...
NIỆM chỉ là cái Ý mới phát sinh ở trong lòng. Còn...
NHIỄM là đã Nhuốm rồi, Ý niệm đã hình thành rồi. Nên...


Có VÔ NIỆM thì mới VÔ NHIỄM được !


Về chữ 惹 trong 2 bài kệ, một của Thần Tú Đại Sư, một của Lục Tổ Huệ Năng, chữ nầy được đọc thành rất nhiều âm...
惹 đọc là NHÁ, NHÃ, NHẠ, các Tự Điển mạnh ai nấy phiên âm. Nhưng theo Hài Thanh thì chữ nầy nên đọc là NHẠ, vì chữ
惹 NHẠ được ghép bởi 2 phần : Phần trên là chữ NHƯỢC chỉ Âm, phần dưới là bộ TÂM chỉ Ý. Trong 2 bài kệ chữ NHẠ đều có nghĩa là : VÂY ĐẾN, VƯỚNG VÀO, NHUỐM, như 2 câu của ngài Thần Tú:
Thời thời thường phất thức, 時時常拂拭,
Vật sử NHẠ trần ai ! 莫使惹塵埃 !
Có nghĩa :
Luôn luôn phải lau phủi,
Đừng để NHUỐM bụi trần.





Và 2 câu của Lục Tổ Huệ Năng là :
Bổn lai vô nhất vật, 本來無一物,
Hà Xứ NHẠ trần ai ?! 何處惹塵埃?
Có nghĩa :
Vốn không có vật gì cả, thì
Lấy chỗ nào để NHUỐM bụi trần ?!





Có bản dùng chữ NHIỄM 染 là NHUỘM, NHUỐM, mà không có dùng chữ NHẠ 惹 , nhưng dùng chữ nào thì nghĩa cũng như nhau mà thôi !

Về từ TIÊN THIÊN và HẬU THIÊN ở trang 5...
TIÊN THIÊN : Nghĩa đen thui là TRƯỚC TRỜI, có nghĩa là : Trước khi thấy được ánh sáng mặt trời, cũng có nghĩa là Trước khi được sanh ra, tức là KHI CÒN NẰM TRONG BỤNG MẸ.
Ta thường nói " Nhân chi sơ, tánh bản thiện ". Còn nằm trong bụng mẹ nên như tờ giấy trắng, chưa bị tiêm nhiễm, ảnh hưởng, chi phối... bởi cuộc sống và hoàn cảnh chung quanh, rất thuần khiết trong trắng không gợn chút...bụi trần nào cả, nên Phật giáo gọi là CHÂN NHƯ.
Tương tự...

HẬU THIÊN : là Sau Trời, là Sau khi đã thấy được ánh mặt trời, có nghĩa là SAU KHI ĐÃ ĐƯỢC SANH RA. Cất tiếng KHÓC chào đời thì đã bắt đầu có DỤC VỌNG, muốn được săn sóc, ẵm bồng, bú mớm... Càng lớn thì những đòi hỏi đó càng nhiều hơn. Phật giáo gọi đó là VỌNG.
Trong Y LÝ Đông Y có câu : " Tiên thiên bất túc, Hậu thiên tất bổ ". Có nghĩa : Khi còn trong bụng mẹ mà không có được đầy đủ dinh dưỡng, thai nhi èo ọt, phát triển không bình thường, thì khi sanh ra rồi cần phải bồi bổ lại những dinh dưỡng thiếu sót đó để bé sơ sinh được phát triển bình thường. Nhưng nếu " Tiên thiên đã Bất túc, thì Hậu Thiên có Bồi Bổ thế nào thì cũng không bằng được ! Đây chỉ nói theo Y LÝ Đông Phương nghe chơi mà thôi !


Về từ GIÁC NGỘ ở trang 6...
GIÁC 覺 : Ta đọc trại ra thành GIẤC, là GIẤC NGỦ, mà cũng là TỈNH GIẤC nữa, là...
...Xuân miên bất GIÁC hiểu ...của Mạnh Hạo NHiên...
GIÁC 覺 có phần trên là đầu của chữ HỌC, phần dưới là chữ KIẾN, nếu hiểu theo nghĩa Hội Ý thì GIÁC là : Thấy được việc gì đó thông qua học tập. GIÁC là Phát Giác là Vỡ Lẽ ra...điều gì hoặc việc gì đó. Nên...
GIÁC là Hiểu ra, Tỉnh ra ( Vì trước đây còn U Mê, còn Mê Muội chưa Hiểu, chưa Tỉnh ).

Còn...
NGỘ 悟 : thuộc dạng Hài Thanh với bộ TÂM được viết đứng để chỉ Ý ở bên Trái, và chữ NGÔ ở bên phải để chỉ ÂM, nên...
NGỘ 悟 : là Chợt hiểu ra, Bất Thình Lình hiểu ra, Hiểu ra một cách Bất Ngờ. Từ kép là ĐỐN NGỘ để chỉ Bỗng nhiên Giác Ngộ ra điều gì đó mà trước đó bị che khuất.
THẬP BÁT LA HÁN tiền thân là mười tám tên cướp núi, chỉ trong một lúc ĐỐN NGỘ mà đều thành Phật cả, điều nầy trong kinh Phật gọi là " Phóng hạ đồ đao, lập địa thành Phật " 放下屠刀,立地成佛。




Có nghĩa :
Vừa buông con dao giết người xuống, thì thành Phật ngay tại chỗ đó luôn ! Ý muốn nói : Chỉ cần trong một cơ duyên tích tắc nào đó, con người ta chợt hiểu ra, tỉnh ra, chợt giác ngộ bất thình lình là có thể thành PHẬT ngay !

Vì thế, nên..
GIÁC hay NGỘ gì đều có nghĩa là : HIỂU ra, VỠ LẼ ra, TỈNH ra. Nhưng...
GIÁC phải qua quá trình tu tập, tìm hiểu nghiền ngẫm... rồi mới Hiểu ra. Còn...
NGỘ là do CƠ DUYÊN bất ngờ đưa đến mà Hiểu ra, Tỉnh ra...Nên :


GIÁC có thể do bản thân rán CẦU HỌC mà có được, còn NGỘ thì không phải ai cũng CẦU mà có được, CƠ DUYÊN đến với người nầy mà không đến với người kia, đến với trường hợp nầy mà không đến với trường hợp khác !





Về từ TỈNH THỨC và VỌNG NGÃ ở trang 7.


TỈNH 省 : Chữ thuộc dạng Hội Ý, phần trên là chữ Thiểu là Thiếu, phần dưới chữ Mục là Mắt. Thiếu mất con Mắt mà vẫn NHÌN ra được sự việc, đó là TỈNH, cho nên...

TỈNH 省 là Hiểu được sự vật sự việc bằng Ý Thức, Hiểu ra sau một quá trình suy gẫm và từng trãi. Vì vậy, TỈNH là Hiểu sự việc một cách Tỉnh Táo Vững Chắc. Từ ta thường hay gặp là TỈNH NGỘ. Còn...

THỨC 識 : là Quen, Biết, Nhận ra... là Nhận Thức, có bộ NGÔN là Lời Nói bên trái, nên THỨC là thông qua lời nói, giải thích mà Hiểu được sự việc một cách thấu đáo chắc chắn, THỨC là Kiến Thức, là sự Hiểu biết. Cho nên...
TỈNH THỨC là Suy Nghiệm một cách Tỉnh Táo, Hiểu biết một cách thấu đáo về cuộc sống của mình và chung quanh. Không bị dao động lung lay bởi những luận điệu khác, không bị chi phối bởi hoàn cảnh chung quanh...
Nhận thức Tỉnh Táo, sống Tự Tin vào niềm tin và sự giác ngộ của mình, đó là Đời sống TỈNH THỨC.


Còn VỌNG NGÃ,
VỌNG 妄 : Chữ thuộc dạng Hài Thanh, với chữ VONG là Chết ở phần trên để chỉ Âm, và bộ Nữ ở phần dưới để chỉ Ý. Vì nữ giới ngày xưa bị xem thường xem khinh, nên hay có những Ý nghĩ bức phá, vượt lên trên, nên ...
VỌNG có nghĩa là NGÔNG CUỒNG, XẰNG BẬY, như VỌNG TƯỞNG là những ước muốn ngông cuồng, muốn những cái mà mình không thể có được. VỌNG NGÔN là những lời nói lớn lối, nói những cái không có thật,hoặc không thể thực hiện được. VỌNG VI là làm bậy làm càn. Cho nên...


VỌNG NGÃ 妄我 là Cái Tôi Ngông Cuồng, là Cái Tôi Buông Thả, Phóng Túng, không có gì kềm chế.


Đời sống VỌNG NGÃ là Đời sống buông thả theo những dục vọng của Bản Ngã, đời sống của " Liệt Mã Vô Cương " của con Ngựa chứng mà không có giây cương để kìm hãm bớt lại !


Thưa Thầy,


Đây chỉ là những góp Ý về các Từ trong bài viết TÂM VÔ TRỤ của Thầy, chỉ lạm bàn về Từ chớ không dám... Đụng chạm gì tới Ý của bài viết cả !

Chúc Thầy Cô và Gia Đình cuối tuần được An Khang, Vui Vẻ !


Nay kính,
Đỗ Chiêu Đức.

Xem Thêm : Bài  Tâm Vũ Trụ.Chân và Vọng của GS.Nguyễn Văn Trường
https://thuvienhoasen.org/a21442/tam-vo-tru-chan-va-vong