31 thg 3, 2015

Thơ Gió Biển : Nợ em và Bao Giờ


NỢ EM 

Nhớ chăng lời hứa chóng quên
Nợ em cùng ngắm bên thềm - ánh trăng
Thắp đèn dự hội Hoa Đăng
Tin yêu gắn bó đêm rằm tháng giêng

Dòng sông lơ đãng nỗi niềm
Nợ em bóng thái dương chìm - hoàng hôn
Chiều mơ hòa nhịp tâm hồn
Bờ môi dẫn dắt ngụ ngôn men tình

Vầng mây hờ hững bình minh
Nợ em se kết bóng hình chung đôi
Tàn đêm chờ ánh mặt trời
Bờ vai gối lã một đời yêu thương

Đèn hoa rực sáng - chiều sương
Nợ em chiêm ngưỡng thánh đường Giáng sinh
Phất phơ tà áo trắng tinh
Vòng tay giữ chặt cuộc tình hương hoa

Ưu tư  vóc ngọc thân ngà
Nợ em chưa trả chưa qua kiếp này
Nợ duyên tạo hóa an bày
Để ta còn mãi chuỗi ngày chung đôi

Gió Biển 25-03-2015

BAO GIỜ 

Rạng ngày ánh sáng giao thoa
Ngàn mây hồng tía sắc hòa thiên thanh
Bao giờ trả nợ hỡi anh
Vầng dương vừa nhú biển xanh tuyệt vời

Long lanh mắt sáng rạng ngời
Bờ vai yêu dấu một đời ước ao
Bao giờ nợ trả ngọt ngào
Hoàng hôn chung bóng xôn xao sóng lòng

Ngắm trăng đêm đến hừng đông
Thủy triều lên xuống mênh mông đất trời
Bao giờ tính nợ tính lời
Ngày đêm chồng chất mấy đời trả xong

Chiều xoay trái đất tròn vòng
Niềm thương sâu nỗi nhớ không bến bờ
Bao giờ hết nợ đợi chờ
Tháng năm chia cách ngẩn ngơ bao chiều

Đôi tim chung một tiếng yêu
Đường đời anh đón cầu kiều anh đưa
Đền em biết mấy cho vừa
Bao giờ sạch nợ vẫn chưa cạn tình

Tìm nhau trong cuộc điêu linh
Phải qua mấy kiếp - giữ gìn muôn thu

Gió Biển
27-03-2015

(ảnh:Google)

10 tháp truyền hình cao nhất thế giới - Huỳnh Phương

TTO - Trang 10mosttoday.com giới thiệu top 10 tháp truyền hình cao nhất thế giới. Đây là các tòa tháp “mang tính biểu tượng của thành phố hay của một quốc gia” và hầu hết đều là các nước giàu hơn VN.
Tháp truyền hình Tokyo Skytree, Tokyo, Nhật cao 634m - Ảnh: lawlormediagroup.com
Tháp truyền hình Tokyo Skytree, Tokyo, Nhật cao 634m - Ảnh: lawlormediagroup.com
Danh hiệu tòa tháp truyền hình cao nhất thế giới hiện nay thuộc về tháp Tokyo Skytree - biểu tượng của thủ đô Tokyo (Nhật) và là biểu tượng cho trình độ khoa học công nghệ của đất nước mặt trời mọc.
Tháp Tokyo Skytree cao 634 m, được khánh thành năm 2012 với kết cấu được làm bằng thép, xung quanh là một khu tổ hợp trung tâm thương mại, vui chơi và giải trí phục vụ cho du khách tham quan. Các chuyên gia kiến trúc gọi Tokyo Skytree là “một tổ hợp du lịch siêu hạng” với chi phí đầu tư xây dựng 806 triệu USD.
“Á quân” tháp truyền hình cao nhất thế giới là tháp Quảng Châu, Trung Quốc cao 600 m, được khánh thành năm 2010.
Đây là “tháp đa mục đích” - phục vụ du lịch, vui chơi, giải trí và truyền tín hiệu phát thanh truyền hình. Tháp Quảng Châu được xem là “biểu tượng của sự lớn mạnh và những tham vọng của thành phố thịnh vượng Quảng Châu” với chi phí xây dựng 450 triệu USD.
Trong khi đó, tháp truyền hình CN cao 553,3 m xây dựng hoàn thành năm 1976 được xem là biểu tượng của thành phố Toronto nói riêng và một trong những biểu tượng của Canada nói chung, với chi phí xây dựng 249 triệu USD. Tháp thu hút khoảng 2 triệu khách du lịch một năm.
Như vậy, tháp truyền hình VN dự kiến cao 636m sẽ trở thành tháp truyền hình cao nhất thế giới.
Liệu danh hiệu “tháp truyền hình cao nhất thế giới này” trụ vững được bao nhiêu năm trong khi các quốc gia giàu sẽ phá vỡ “kỷ lục” này bất cứ năm nào trong thời gian tới?
Dưới đây là top 10 tháp truyền hình  cao nhất thế giới:
Tháp Tokyo Skytree, Tokyo, Nhật cao 634m, khánh thành năm 2012 - Ảnh: Telegraph
Tháp Tokyo Skytree, Tokyo, Nhật cao 634m, khánh thành năm 2012 - Ảnh: Telegraph
Tháp Quảng Châu, Trung Quốc cao 600m, khánh thành năm 2010 - Ảnh: xcitefun.net
Tháp Quảng Châu, Trung Quốc cao 600m, khánh thành năm 2010 - Ảnh: xcitefun.net
Tháp CN, Toronto, Canada cao 553,3m, khánh thành năm 1976 - Ảnh: travelthee.com
Tháp CN, Toronto, Canada cao 553,3m, khánh thành năm 1976 - Ảnh: travelthee.com
Tháp Ostankino, Matxcova, Nga cao 540,1m, khánh thành năm 1967 - Ảnh: minaberksan.com
Tháp Ostankino, Matxcova, Nga cao 540,1m, khánh thành năm 1967 - Ảnh: minaberksan.com
Tháp Minh châu phương Đông, Thượng Hải, Trung Quốc cao 468m, khánh thành năm 1994 - Ảnh: china-tour.cn
Tháp Minh châu phương Đông, Thượng Hải, Trung Quốc cao 468m, khánh thành năm 1994 - Ảnh: china-tour.cn
Tháp Milad, Iran cao 435m, khánh thành năm 2007 - Ảnh: ihr.org
Tháp Milad, Iran cao 435m, khánh thành năm 2007 - Ảnh: ihr.org
Tháp KL, Kuala Lumpur, Malaysia cao 421m, khánh thành năm 1995 - Ảnh: mapsofworld.com
Tháp KL, Kuala Lumpur, Malaysia cao 421m, khánh thành năm 1995 - Ảnh: mapsofworld.com
Tháp Thiên Tân, Trung Quốc cao 415,2m, khánh thành năm 1991 - Ảnh: urdu-mag.com
Tháp Thiên Tân, Trung Quốc cao 415,2m, khánh thành năm 1991 - Ảnh: urdu-mag.com
Tháp Zhongyuan, Trịnh Châu, Trung Quốc cao 388m, khánh thành năm 2011 - Ảnh: pinterest.com
Tháp Zhongyuan, Trịnh Châu, Trung Quốc cao 388m, khánh thành năm 2011 - Ảnh: pinterest.com

30 thg 3, 2015

Giá không có cuộc đời- Đức Hoàng

Đức Hoàng
Azit Nexin từng kể một câu chuyện nổi tiếng tên là “Giá không có ruồi”, về một tay nhà văn loay hoay cả đời không viết được tác phẩm của mình, nại hết lý do này tới lý do khác. Thật ra, ai trong chúng ta cũng có thể trở thành một tay nhà văn như thế, với cuốn tiểu thuyết riêng của cuộc đời mình.

Tranh: Lê Thiết Cương
Nhân vật của Azit Nexin từ năm lên 10 bắt đầu mơ ước, những ước mơ thuần khiết và không vụ lợi. Đầu tiên, hắn ta ước mình học giỏi. Sau đó, đến tuổi thanh niên thì mơ ước viết được một quyển tiểu thuyết để đời. Nhưng cứ mỗi lần nói về ước mơ, gã lại viện ra một lý do gì đó: lúc thì không có cặp xách đẹp, khi thì thiếu tiền, thiếu nhà, thiếu người yêu, lúc đầy đủ cả thì lại con cái... Cuối cùng, khi không còn biết viện ra lý do gì nữa, gã bèn nhủ: tất cả là tại lũ ruồi cứ vo ve bên tai. Giá không có ruồi thì gã đã viết xong cuốn tiểu thuyết để đời.
Cuối cùng thì tất cả chúng ta đều có thể trở thành “hắn” của Azit Nexin, bởi vì ai trong chúng ta cũng có những mơ ước, và ai trong chúng ta rồi cũng sẽ bị cuộc đời quàng vào cổ những gánh nặng cơm áo, những nghĩa vụ với vợ chồng con cái, và ai trong chúng ta cũng có thể tặc lưỡi “giá không có ruồi” thì tôi đã thực hiện ước mơ. Ruồi ở đây chính là khế ước xã hội.
Tuần trước, lá thư từ chức của giám đốc tài chính Google Patrick Pichette gây xôn xao dư luận, xuất hiện trên khắp các mặt báo. Ông này, ở độ tuổi 52, không cần nói cũng biết lương cao ngất, chịu trách nhiệm với hàng vạn nhân sự, quyết định từ bỏ tất cả để đi vòng quanh thế giới cùng vợ. Chỉ vì vợ ông hỏi: Vậy bao giờ mới đến lúc cho chúng ta?
Khi chuyện này lan ra, một số xúc động ngợi ca ông là người dám xé bỏ khế ước xã hội để sống cho bản thân. Một số ngay lập tức biện luận: vì ông ấy có quá nhiều tiền rồi, nên có thể làm điều mình muốn. Lại vẫn là luận điệu “có ruồi hay không có ruồi”.
Không ai có thể hoàn thành khế ước xã hội, đặc biệt là ở nước ta, nơi mà sự gắn kết gia đình mạnh hơn trong văn hóa phương Tây: Đến năm 70 tuổi, nếu may mắn lắm thì nhiều người lo xong cho hai đứa con mỗi đứa một cái sổ đỏ, còn chưa kịp thở hắt ra thì chúng đã có kế hoạch mua xe hơi và ông bà đành dốc nốt tiền tiết kiệm ra hỗ trợ, cho thằng đích tôn đi học đỡ mưa đỡ nắng.
Nhưng trong khi chúng ta chỉ trích mấy vị lãnh đạo vì giải quyết theo sự vụ, hễ có xảy ra bất cập ở đâu thì xuất hiện hô hào chỉ đạo chứ không giải quyết bằng chính sách, thì chính bản thân chúng ta cũng giải quyết đời mình theo sự vụ. Hết công ăn việc làm lại đến nhà chung cư, hết nhà lại đến xe rồi nhà cho con, cứ thế mà sống. Rồi tất nhiên là nếu có điều kiện khai man tuổi để chậm nghỉ hưu thì cũng phải làm thôi, vì lo thế thì đến bao giờ lo cho hết được.
Vào website của Bộ Lao động Hoa Kỳ, thấy người ta liệt kê đến 10 cách để lên kế hoạch nghỉ hưu cho người lao động. Trong website của Sở Thuế vụ Hoa Kỳ còn thấy cung cấp biểu mẫu cho cả chục loại kế hoạch nghỉ hưu khác nhau. Năm nay tôi tiết kiệm được bao nhiêu tiền thì ghi vào đây. Nếu đầu tư cổ phần ở đâu thì ghi vào đây. Hãy đặt ra một mục tiêu rồi sau đó thực hiện theo các bước này. Họ hướng dẫn người lao động như thế, thậm chí yêu cầu doanh nghiệp nếu người lao động chưa có kế hoạch thì phải khuyên họ đi.
“Nghỉ hưu” ở nước ta vốn được hiểu là hết tuổi lao động của Nhà nước, về nhà chơi, họp tổ hưu, nhận lương hưu từ quỹ bảo hiểm xã hội (lương này khéo co kéo thì đủ tiền đong gạo), chứ chưa bao giờ là một kế hoạch. Một kế hoạch mà trong đó, khi họ đã hòm hòm cái “khế ước xã hội” sau bao nhiêu năm lao động, thì còn đôi chục năm để nghĩ đến những ước mơ thuần khiết mà mình còn chưa làm được trong đời. Một kế hoạch bao gồm cả tài chính, chuẩn bị tinh thần cho mình và những người xung quanh, một cái kế hoạch có mục tiêu và đường hướng thực hiện, có cả file máy tính thống kê lộ trình đàng hoàng.
Không có một thứ như thế, đến cuối ngày, đàn ông và phụ nữ nước ta vẫn liên tục tranh luận rằng ai khổ hơn, lo những cái nhà cửa, con cái, cháu chắt ai góp nhiều phần hơn. Vì một lý do nào đó, cái sự khổ nhọc vì những thứ “khế ước” này lại trở thành huy chương duy nhất mà người ta có vào cuối đời.
Thật ra, không phải là bởi vì người Việt không biết tiết kiệm. Người Việt không cần đến một biểu mẫu của sở thuế cho để lên kế hoạch tiết kiệm. Toàn những bậc thầy trữ vàng, trữ đôla cả. Chỉ có điều, chúng ta thường tiết kiệm để mua những thứ mang tính phương tiện: cái nhà, cái xe chỉ là phương tiện để ta sống cho riêng mình, thì lại trở thành mục đích cuối cùng của đời người. Còn cái mục đích thật sự, đôi khi chỉ là đi học đàn, một chuyến du lịch dài ngày hay viết một quyển sách, thì bị xếp xó vì lối biện minh “vẫn còn nhiều ruồi quá”.
Cứ nghĩ như thế, để thực hiện ước mơ có lẽ ta phải ước rằng “giá không có cuộc đời”, bởi cái gì trong đời cũng có thể trở thành “ruồi” để ngăn anh lại.
Đức Hoàng

29 thg 3, 2015

Thư giản cuối tuần



Thưa sếp, có một cô gái xin quá giang xe mình để về thành phố ạ. Sếp ngồi im nhưng vẫn đáp:

- Tốt, sắp xếp cho cô ấy cẩn thận và lịch thiệp vào nhé.
Người tài xế lại thưa:
- Dạ, còn có một đứa bé đi theo nữa, vậy cho cả hai lên xe chứ ạ.
Sếp mắt trợn dọc bảo:
- Ô hay, cái anh này lạ chưa... tôi cứ tưởng... thôi thôi, ra bảo hai mẹ con kiếm xe khác đi nhờ.
Anh tài xế ý nhị giải thích:
- Thưa sếp, không phải hai mẹ con đâu ạ, đứa bé là cháu của cô ấy, vừa trẻ vừa đẹp hơn cô ấy nhiều lắm ạ.
- Ô hay, cái cậu này, như vậy càng phải lịch thiệp vào, mời cả hai lên xe đi kẻo... tội nghiệp cháu bé.


Cướp ngân hàng
Một tên cướp đột nhập vào ngân hàng thét :
- Tất cả giơ tay lên, không được nhúc nhích !
Một lát sau, hắn nói với giọng thiểu não :
- Thế nào tất cả giơ tay lên hết chưa ? Tôi bỏ quên cái kính cận ở nhà chẳng trông thấy gì cả


Một câu
MR1 : Mỗi lần tao lên trả bài là thầy chỉ hói có một câu rồi cho về !
MR2 : Sướng thế ! Câu gì ?
MR1 : Đây là lần không thuộc bài thứ mấy rồi ?




Tin tức nguồn: http://www.xaluan.com
ảnh:saoonline

Những câu chuyện Thiền

*
  *CHÁNH ĐẠO

Ngay trước khi Ninakawa từ trần thiền sư Ikkyu đến thăm ông ta. "Tôi sẽ tiếp dẫn cho ông nhé?" Ikkyu hỏi.
Ninakawa trả lời: "Tôi đến đây một mình và tôi ra đi một mình. Ông có thể giúp đỡ được gì cho tôiđây?"
Ikkyu trả lời: "Nếu ông nghĩ rằng ông thực sự đến và đi, điều đó là vọng tưởng của ông. Để tôi chỉ cho ông thấy con đường trên đó không có đến và chẳng có đi."
Với những lời của mình, Ikkyu đã vạch ra cho thấy con đường sáng tỏ khiến Ninakawa mỉm cười và lìa đời.
*
*  *CỬA THIÊN ĐƯỜNG

Một chàng lính tên là Nobushige tìm tới Hakuin và hỏi: "Thật sự là có một thiên đường và một địa ngục hay không?"
"Anh là ai?" Hakuin hỏi.
"Tôi là một hiệp sĩ," chàng chiến sĩ trả lời.
"Anh mà là lính à!" Hakuin kêu lên. "Loại giới chức nào mà lại nhờ anh làm kẻ hộ vệ cho mình? Mặt anh trông giống như mặt của một tên ăn mày."
Nobushige nổi cơn tức giận đến độ bắt đầu rút kiếm của chàng ta ra, nhưng Hakuin nói tiếp: "Vậy là anh có một thanh kiếm! Khí giới của anh có lẽ quá cùn lụt làm sao chém được đầu của ta."
Khi Nobushige rút kiếm của chàng Hakuin chỉ trích: "Cửa địa ngục mở ra đây này!"
Với những lời này chàng hiệp sĩ, nhận thức ra được phương pháp giáo huấn của thiền sư, tra kiếm vào trong bao và cúi chào.
"Cửa thiên đường mở ra đấy thôi," Hakuin nói.
*
*  *BẮT GIỮ ÔNG PHẬT ĐÁ

Một người lái buôn mang năm mươi cuộn hàng bông gòn trên vai dừng chân lại nghỉ để tránh cái nóng ban ngày dưới một nơi cư trú ở đó có dựng một tượng Phật lớn bằng đá. Tại đó ông ta ngủ thiếp đi, và khi ông tỉnh giấc dậy thì hàng hóa của ông đã biến đi mất. Ông lập tức trình báo sự việc cho cảnh sát.
Một quan tòa tên là O-oka mở phiên tòa để cứu xét. "Ông Phật bằng đá đó có thể đã lấy trộm số hàng hóa," quan tòa kết luận. "Ông ta chính ra phải chăm lo cho hạnh phúc của người dân, nhưng ông đã không hoàn thành nhiệm vụ thánh thiện của ông. Hãy bắt giữ ông ấy."
Cảnh sát bắt giữ ông Phật bằng đá và khiêng tượng vào trong tòa án. Một đám đông huyên náo theo sau pho tượng, tò mò muốn hay biết xem loại phán quyết nào mà quan tòa sẽ tuyên xử.
Khi O-oka ra ngồi trên ghế thẩm phán, ông liền khiển trách đám thính giả ồn ào. "Các ngươi có quyền gì mà ra trước tòa án cười cợt và đùa bỡn như thế này? Các ngươi phạm tội khinh thường tòa án nên phải bị phạt tiền và tù giam."
Mọi người vội vàng xin lỗi. "Ta sẽ phải phạt các ngươi một khoản tiền," quan tòa nói, "nhưng ta sẽ khoan hồng khoản đó miễn là mỗi người trong đám các ngươi phải mang một cuộn bông gòn đến nạp tòa trong hạn ba ngày. Ai không thi hành lệnh này sẽ bị bắt giữ."
Một trong những cuộn hàng mà người dân mang tới liền ngay tức khắc được ông lái buôn nhận ra là của riêng ông, và do đó tên kẻ trộm đã bị khám phá ra một cách dễ dàng. Ông lái buôn thâu hồi lại hàng hóa của ông ta và các cuộn bông gòn được trả lại cho dân chúng.
*
*  *NHỮNG CHIẾN SĨ NHÂN ĐẠO

Có lần một sư đoàn quân đội Nhật Bản tập trận giả và vài người trong đám sĩ quan thấy cần thiết phải đặt bộ tham mưu của họ trong thiền viện của Gasan.
Gasan bảo nhà bếp của ông: "Chỉ dọn cho các sĩ quan ăn cùng một món thanh đạm mà chúng ta ăn."
Điều này làm cho đám người trong quân đội nổi giận, vì họ thường được hưởng một sự đối đãi rất là tôn kính. Một người đến gặp Gasan và nói: "Ông nghĩ chúng tôi là ai? Chúng tôi là chiến sĩ, hy sinh mạng sống của chúng tôi cho đất nước chúng ta. Tại sao ông không đối xử với chúng tôi một cách tương xứng chứ?"
Gasan trả lời một cách nghiêm nghị: "Ông nghĩ chúng tôi là ai? Chúng tôi là những chiến sĩ nhân đạo, nhắm mục tiêu cứu vớt tất cả chúng sinh."
*
*  *CON ĐƯỜNG HẦM

Zenkai, con trai của một hiệp sĩ, du hành tới Edo và ở đó trở thành người hầu cận của một viên chức cao cấp. Chàng yêu bà vợ của viên chức và chuyện này bị khám phá ra. Để tự vệ, chàng hạ sát viên chức. Rồi chàng trốn đi với người vợ.
Cả hai người về sau này trở thành những tên trộm cắp. Nhưng người đàn bà tham lam quá đáng khiến cho Zenkai trở nên khinh ghét. Cuối cùng, bỏ rơi bà ta, chàng du hành tới phương xa tận tỉnh Buzen, ở đó chàng trở nên một kẻ hành khất lang thang.
Để chuộc lại dĩ vãng của chàng, Zenkai quyết định thực hiện một vài hành vi tốt đẹp trong cuộc đời chàng. Biết được rằng có một con đường nguy hiểm băng qua một dốc núi đã gây ra chuyện chết chóc và thương tích cho nhiều người, chàng quyết chí đào một con đường hầm xuyên qua núi tại chỗđó.
Đi xin ăn vào ban ngày, Zenkai làm việc đào hầm vào ban đêm. Khi ba mươi năm trời đã trôi qua,đường hầm dài 2,280 bộ, cao 20 bộ, và rộng 30 bộ.
Hai năm trước khi công việc hoàn tất, anh con trai viên chức bị chàng hạ sát trước đây, nay đã là một tay kiếm điêu luyện, kiếm được ra Zenkai và tìm tới để giết chàng hầu trả thù.
"Ta sẽ nộp mạng của ta cho anh một cách tự nguyện," Zenkai nói. "Chỉ xin để cho ta làm xong công trình này. Vào ngày mà công việc hoàn tất, lúc đó anh có thể giết ta."
Do đó người con chờ đợi đến ngày. Vài tháng đã qua đi và Zenkai tiếp tục đào. Anh con trai trở nên chán nản vì chẳng làm gì cả nên bắt đầu giúp để đào. Sau khi anh ta đã giúp được hơn một năm trời, anh trở nên khâm phục ý chí dũng mãnh và tư cách của Zenkai.
Cuối cùng đường hầm đã hoàn tất và mọi người có thể xử dụng được nó và qua lại an toàn.
"Bây giờ hãy chém đầu ta đi," Zenkai nói. "Công trình của ta đã xong rồi."
"Làm sao con lại có thể chém đầu của chính thầy mình được?" người thanh niên hỏi với lệ tràn trên mắt anh.
https://facebook.com/TanManDoDay
 (Xuân Lộc st)

28 thg 3, 2015

Thơ Hồ thi Hoàng Oanh : Có những ngày buồn


Còn Có Chỗ Nhánh Sông Rẽ Muộn - Thuyên Huy


Để tặng người có tên PTTQ
1.
    Thằng bé đứng lấp ló từ xa, bên cạnh cái giường ngủ nhỏ kê đầu đường ra vào, lấm lét nhìn, không như những đứa trẻ khác, trai có gái có, ồn ào nói cười, lăng xăng vây quanh đám người vừa xuống chiếc xe đò lớn đậu ngoài sân rộng, đang bận rộn hối hả, sắp xếp mấy cái túi xách đầy ắp đồ đạc trên hai cái bàn dài, được đặt dọc theo tường vào lúc sáng sớm. Hậu lấy làm lạ, đưa mắt nhìn bà sư cô trọng tuổi hướng dẩn ngầm hỏi, bà mĩm cười, rồi bỏ đi lại gần nó, nói gì đó, nó tủm tỉm theo sau bà. Bà cho biết nó tên Minh, sắp tròn ba tuổi, ít nói, nhút nhát và ít khi chơi đùa như những đứa khác, kể từ ngày người ta đưa nó về Làng cô nhi Long Thành lúc mới lên hai. Không giống như những người bạn khác, họ lập nhóm thăm viếng trẻ em mồ côi ở đây từ năm đầu đại học, nhất là mấy chị bên trường Quốc Gia Sư Phạm, họ nhanh nhẹn, chạy tới chạy lui, kéo em này em kia ra sắp hàng ngay ngắn để nhận quà, vì mới lên đây lần đầu nên Hậu có phần lúng túng, nhưng rồi mọi việc đâu cũng vào đó. Theo lời sư cô, ở khu này có tất cả ba mươi mấy em, đứa lớn nhất lên năm, đứa nhỏ nhất lên ba và cùng được xếp học chung một lớp mẫu giáo.
    Nắng lên dần từ phía dưới xa, cuối con đường ngoằn ngoèo chạy ra quốc lộ đi Vũng Tàu, ở trên đồi trời đã có chút hơi ấm đầu ngày. Bên dãy nhà trong, chuông chùa chầm chậm đổ từng tiếng kéo dài theo bóng mặt trời lên. Đám trẻ theo người lớn chạy túa ra sân, từng đôi từng cặp ríu rít tươi cười, mặt mày hớn hở, tay cầm gói quà mới được, mở ra đưa cho nhau xem hộp bánh tây, cây kẹo ngọt mà chúng nó có. Bà sư cô đứng trò chuyện với vài anh chị ở một góc sân. Đám trẻ vừa ăn vừa chạy đuổi nhau theo bóng mình rung rinh dưới nắng sớm. Hậu nhìn quanh, thằng bé Minh tay cầm gói quà chưa mở, đứng sớ rớ một mình ngay bìa cửa ra vào, miệng cười nhẹ mà không chịu nhập bọn với các em khác. Hậu đi lại, ngồi xếp bằng dưới thềm xi măng, thằng bé Minh đứng yên nhìn, Hậu nhẹ nhàng kéo nó ngồi xuống sát bên mình, lấy gói quà của nó đang có trên tay mở ra, xé hộp bánh tây đưa cho nó, thằng bé cầm lấy một cái đưa lên miệng, nhìn ra sân nắng ăn một cách ngon lành. Nhìn kỹ hơn, Hậu thấy thằng bé dễ thương quá nhất là cặp mắt to đen thăm thẳm và cái miệng như lúc nào cũng muốn cười. Hậu hỏi han thằng bé này nọ, nó gật đầu lắc đầu, trả lời tiếng được tiếng không ngoại trừ hai tiếng chú Hậu thật rõ, không bao lâu hai chú cháu nắm tay, đi qua đi lại chỉ chỏ chỗ này chỗ nọ, thằng bé cười khục khặc.
    Ở lại đó tới sau giờ ăn trưa, nhóm người thăm viếng lục đục ra về, nắng hậm hực lên  cao, trời đã nóng gắt từ lúc giữa ngày, ở một phía thấp lưng chừng đồi hiện rõ một màu cây cỏ úa của những ngày đầu Thu. Không khác gì những lần trước, cũng bịn rịn cũng buồn buồn, mấy đứa bé vây quanh chiếc xe đò, bóng duỗi mình theo chiều nắng vắt ngang xe, khoanh tay cúi đầu dạ chào cô chào chú, những bàn tay nhỏ nhắn nằm gọn trong tay người lớn chưa chịu buông. Hậu bồng thằng bé Minh lên, hôn trên cái má căng tròn, một cái hôn thật dài mang theo mùi thơm của nắng cháy từ cánh đồng vàng một màu hoa cỏ dại. Hậu là người cuối cùng lên xe, bà sư cô nắm tay thằng Minh đứng ra xa, chiếc xe nổ máy rồi chậm chạp, trở đầu lăn bánh xuống đồi, để lại phía sau những cái vẫy tay, chưa biết mõi của đám trẻ, mờ khuất dần theo từng khúc quanh ngoằn ngoèo chạy dài trên con đường vừa có chút bụi đỏ.
    Hậu mượn xe Honda của Tuấn, thằng bạn con nhà giàu nhà ở Biên Hòa, cùng học năm thứ ba, trở lại làng cô nhi Long Thành vào sáng thứ bảy một tuần sau đó, thăm thằng bé Minh lần nữa với bộ quần áo mới, mà anh đã mua từ sạp bán vải quen của chị Hòa trên lề đường Lê Lợi, gần ngã tư có xe nước mía Viễn Đông. Từ sau ngày ở trên đó về, hình ảnh thằng bé Minh, đứng lủi thủi một mình trong góc phòng với cái nhìn ngơ ngác, ngây thơ cứ loanh quanh đâu đó trong đầu, Hậu bổng dưng thương và buồn cho nó, giống cái buồn đã đeo đuổi chuỗi ngày đơn độc mồ côi nghèo khó của mình từ những ngày bằng tuổi nó. Hậu quyết định nhận thằng bé Minh làm con đở đầu, mà không nói gì với ai. Ngoài những lúc đi chung với nhóm bạn độ ba bốn tháng một lần, cứ cách hai ba tuần là Hậu mượn xe Honda chạy lên Long Thành, hai chú cháu chơi đùa, tập viết tập đồ chữ này chữ kia cả buổi trời. Rồi thằng bé bớt đi nhút nhát, nó cao lớn dần, nói năng nhiều hơn, biết hỏi chú Hậu câu này câu nọ, cũng như không còn đứng ở góc phòng như những ngày trước kia nữa. Hôm sinh nhật mừng bốn tuổi, với số tiền đi dạy kèm, để dành mấy tháng qua, Hậu ra sạp bán đồ chơi ngoài chợ Bến Thành mua cho thằng bé Minh chiếc xe chữa lửa có còi hụ khi đẩy nó chạy.  Nhìn thằng bé ôm nó khư khư trong tay, cầm chạy vòng quanh khoe đám bạn Hậu thấy lòng mình tràn ngập một niềm vui khó tả.
    Mùa hè năm nay qua mau hơn năm ngoái, hàng Phượng già dọc theo đường Cộng Hòa xem ra không còn cánh hoa nào chịu làm đời nở muộn. Đường về bỗng vội vã thiếu cái nắng “tím chiều hoang biền biệt” đón đưa của trời Sài Gòn, thường có đôi ba cơn mưa về ngang  bất chợt. Sách vở vẫy tay chào nhau, kỷ niệm một thời áo trắng mực đen trả lại ghế giảng đường sau những năm dài miệt mài ôm giấc mơ “công hầu khanh tướng”. Tốt nghiệp, Hậu được bổ nhiệm về dạy Việt Văn cho lớp đệ nhị của trường trung học Tống Phước Hiệp ở mãi tận Vĩnh Long, đường dài sông nước. Hôm lên Long Thành thăm thằng bé Minh trước ngày đi, Hậu mang theo cái hộp giấy cạt-tông cứng, gói quà cho nó, đựng bộ đồ bi-da-ma mới, đôi giày săn-đan da nhỏ nhắn màu nâu đậm, hai ba hộp bánh lạt và hộp bi đá đủ màu mà anh ta mất mấy ngày lòng vòng chọn tới lựa lui ngoài chợ Bến Thành. Cũng như mọi lần, dựng cái xe Honda dưới bóng cây trước khu nhà của đám trẻ xong, Hậu nhanh chân đi đến dãy giường ngủ, không thấy thằng bé Minh ở đó, Hậu loanh quanh tìm kiếm nhưng vẫn không thấy nó đâu đây. Trên đường ngược lên chỗ làm việc của bà sư cô, Hậu được chị quét dọn cho hay, sáng nay bà có xuống dẩn thằng bé đi lên văn phòng chính rồi mà chưa thấy trở lại.
    Nghe tiếng bà sư cô gọi, Hậu lùi lại nhìn vào trong, thằng bé Minh đang ngồi bên cạnh một người con gái trẻ tóc dài khá đẹp, miệng bi bô gì đó, không có vẻ gì buồn trong phòng tiếp khách. Bước vào, chưa kịp bỏ thùng quà xuống thì thằng bé bỏ chạy ùa tới nắm tay Hậu lắc qua lắc lại như mọi lần. Hậu bồng nó lên, nó ôm cổ anh ta cười thành tiếng. Bà sư cô, theo sau ông Tư Sử, người giám đốc của làng cô nhi, từ trong phòng làm việc bước ra, ông bắt tay Hậu cám ơn chuyện nhận thằng bé Minh làm con đở đầu và lo lắng cho nó suốt một năm qua. Hậu bỏ thằng bé xuống, ông xoa đầu nó khen giỏi, nhìn về hướng người con gái lạ, ông chưa kịp nói gì thì bà sư cô đã lên tiếng trước, giới thiệu cô con gái là mẹ ruột của thằng bé Minh, ông Tư Sử gật đầu cười nhẹ mà không nói gì thêm, chào mọi người rồi bỏ đi ra ngoài. Ngoài sân nắng lên cao từ lâu, lưa thưa đâu đó một vài cụm mây xám nhỏ đong đưa theo chiều gió sớm trên bầu trời xanh biếc một màu của ngày cuối Hạ. Bà sư cô cũng đi ra sau đó không lâu trước khi nhắc, nếu Hậu có cần gì thì gặp bà dưới khu nhà của đám trẻ. Hậu gật đầu chào nhìn theo, chưa biết phải bắt đầu câu chuyện với người con gái chỗ nào vì cái ngạc nhiên bất chợt cộng một chút ngỡ ngàng, vẫn còn đang quẩn quanh đâu đó trong đầu, từ khi được giới thiệu cô là mẹ của thằng bé Minh.
    Quyên, mẹ của thằng bé Minh, tuổi độ chừng không quá hai mươi, là học sinh giỏi lớp đệ nhị ban C của trường nử trung học Lê Văn Duyệt, gần ngã tư Bảy Hiền một vài năm trước. Sau lần sinh hoạt chung, làm báo Xuân với trường trung học Mạc Đĩnh Chi ở Phú Lâm, Quyên gặp Thế , anh học trò lớp đệ nhất, chủ bút của đặc san năm đó, rồi hai người yêu nhau. Cũng như những mối tình được đất trời tạo nên từ thuở “tạo thiên lập địa”, họ cũng có hẹn hò, có thề nguyện chuyện trăm năm cho riêng mình ở ngày mai ngày mốt. Họ góp nhặt những kỷ niệm tình, từ con đường đi bên nhau dưới mưa lá me bay đến những chiều ngồi tay nắm tay, ở một quán nước bên lề, thầm mong màn đêm đừng xuống, xếp kín vào đôi tim đong đầy thiên đường mơ ước.  Cuối mùa thi năm đó, trên gác trọ của Thế ở đầu chợ đường Hậu Giang, trong một chiều mưa dầm, trời đất mù mờ như sương khói từ giữa trưa, Quyên đã trao cho Thế những gì quý nhất của đời người con gái hòa cùng nhịp thở tận cùng và ngút ngàn hạnh phúc như một cơn bão nổi.
    Sài Gòn lại bắt đầu có biểu tình chống chánh quyền do một số các nhóm hay phong trào thiên tả, thân cộng, thành phần thứ ba thứ tư, trong đó có sinh viên học sinh gây ra trên nhiều đường phố, nhất là sau những ngày của mùa hè đỏ lửa. Ngày có kết quả tú tài hai, Thế có mặt trong đám đông người, biểu tình vây kín trụ sở Ủy Ban Quốc tế Kiểm soát Đình chiến ở góc đường Lý Thái Tổ và Nguyễn Hoàng, xế phía bên này của Tổng nha Cảnh sát Đô Thành, hô hào phản chiến đuổi Mỹ. Cảnh sát Dã chiến được huy động đến giải tỏa, có dùi cui, xô xát và có súng nổ. Thế không may bị thương nặng vì trúng đạn, được xe cứu thương đưa vào bệnh viện Bình Dân trên đường Phan Thanh Giản nhưng đã chết vài giờ sau đó. Gia đình đem Thế về chôn ở quê nhà, cuối đường ngã ba Chợ Đệm. Quyên đau đớn tột cùng, mang theo cái bào thai chưa tròn ba tháng, lặng lẻ theo sau đám đông học sinh trường Mạc Đĩnh Chi đưa Thế ra nghĩa địa nghèo nàn, cây lá cằn cổi giữa cánh đồng nằm quanh, mùa nào cũng lấp sấp phèn chua nước mặn. Chuyến xe đò cuối cùng, Long An về Sài Gòn đã chạy ngang qua từ lâu lắm rồi, Quyên vẫn còn đứng khóc sụt sùi trước mộ, Quyên đã mất đi một người tình, một người chồng mà chỉ có mỗi riêng mình cô ta hiểu.
    Quyên thôi học, bỏ trường, khăn gói về nhà người dì ở quê mẹ tại Chợ Bún, Bình Dương chờ ngày sinh nở, sau khi nói dối với gia đình là lên Đà Lạt làm cho một công ty tư nhân lớn, sẽ về thăm khi được nghỉ phép. Sau ngày thằng bé Minh chào đời, nhờ phụ giúp người dì trong những ngày chờ sinh, với số tiền dành dụm được, Quyên gởi con vài ngày, trở lại thăm nhà như đã hứa với chút quà mua từ chợ Bá Chiểu. Năm thằng bé Minh sắp tròn hai tuổi, lần này Quyên bồng thằng bé theo, cũng nói về thăm bà ngoại, nhưng mang con đến làng cô nhi Long Thành như quyết định mà cô đã giữ kín từ lâu.
    Giờ cơm trưa, Quyên chạy đi chạy lại, đút cơm cho con, vì thằng bé Minh không chịu ngồi yên một chỗ, trông cô vui ra mặt. Hậu gặp bà sư cô, hai người đứng ở một góc sân, dưới mái hiên nhìn vào, bà cho biết là thằng bé Minh được Quyên rước về chiều này, không còn ở đây nữa, mọi thủ tục đã làm xong. Hậu bổng dưng thấy lòng chợt như muốn khóc, khóc vì không biết là có còn dịp để nhìn thấy lại thằng bé nữa hay không, nhưng cũng bổng dưng vui, vì rồi từ nay, thằng bé đã có mẹ, cái hạnh phúc nhất của đời người mà đám bạn của nó ở đây khó tìm ra được. Cơm nước xong, biết là có nấn ná lâu hơn cũng không được gì, Hậu gọi, thằng bé Minh chạy ùa lại, Hậu bồng nó lên, hôn vào má, cái hôn từ biệt rất dài trong hy vọng nó sẽ không là cái hôn lần cuối, thằng bé Minh ngây thơ cười chúm chím như ngày hai chú cháu mới gặp nhau. Xin bà sư cô tờ giấy nhỏ, Quyên viết vội địa chỉ nhà, rồi nói khẻ hy vọng có ngày nào đó mời Hậu ghé qua, Hậu đưa thùng quà cho cô ta rồi cầm lấy tờ giấy cám ơn mà không hẹn. Hậu chào ra về, thằng bé Minh lững thững nắm tay Quyên và bà sư cô đi theo sau một đoạn đường, cho tới chỗ dựng xe Honda đầu cổng. Trời ngấp nghé xế chiều, nắng bùi ngùi trãi dài, bóng ba người nghiêng nghiêng đổ trên cái sân rộng giữa đồi, gần tới ngã rẽ ra quốc lộ Hậu quay lại nhìn, họ vẫn còn đứng ở đó.
    Trên đường trở xuống Vĩnh Long sau mấy ngày về Gò Dầu nghỉ Tết, ngồi uống cà phê tại cái quán quen cũ trên đường Vạn Hạnh, chờ người bạn đưa ra xa cảng Phú Lâm, người đàn bà trẻ có mái tóc dài khỏi vai, dẩn thằng bé trai dễ thương cười nói với nhau, thong thả ngang qua, Hậu chợt dưng thấy lòng mình ray rứt nhớ thằng bé Minh quá. Đã hơn nửa năm, kể từ ngày không còn trở lại làng cô nhi Long Thành, bận bịu với công việc của một ông thầy giáo mới ra trường, Hậu quên bẳng đi chuyện thằng con đở đầu mà ngày nào đây, không thấy nó thì nhớ gay nhớ gắt, đếm ngày đếm giờ mong đi gặp cho được. Bây giờ nhớ thì nhớ để mà buồn vậy thôi. Thằng bé Minh chắc có lẽ cũng đã quên dần hình dáng chú Hậu trong cái đầu non nớt dễ quên hơn là dễ nhớ. Miếng giấy nhỏ có địa chỉ nhà Quyên, vẫn còn nằm yên, giữa một trang nào đó của cuốn sách vứt đâu đây trong phòng trọ, hình như chưa có lần nào Hậu định tìm xem lại. Trời bổng dưng mát, nắng trở mình dịu dàng đâu đó rồi bỏ đi, mưa về ngang lất phất bay man mác như bụi phấn. Chuyến xe đò chót về Vĩnh Long trở mình ra khỏi bến, bỏ lại Sài Gòn sau lưng không một chút gì bịn rịn, luyến tiếc. 

2. 
    Buổi sáng, trời không mưa như những ngày qua nhưng sương mù giăng kín, từ ngoài phía biển vào, vắt ngang đầu dãy nhà ngoài của trại tỵ nạn tạm cư Kijiang, nằm sát cạnh ven bờ. Chưa kịp uống xong ly cà phê đen, nghe tiếng người nhốn nhào ồn ào, Hậu vừa định đứng dậy xem, vợ chồng chị Tươi, ở căn nhà bên cạnh nói vọng qua là có một chiếc tàu của người mình mới tấp vô, cảnh sát Nam Dương đang kiểm soát ở dưới. Gọi là trại tỵ nạn cho có vẻ xôm tụ, thật ra nơi này chỉ là khu đất nối dài từ phía trong phố quận nhô ra bờ biển, ngó ra năm ba cái đảo nhỏ khác xa xa, cũng có người dân địa phương sinh sống, lác đác chung quanh. Trừ cái nhà lợp tôn rộng lớn, trước là kho hàng bỏ hoang của một công ty khai phá chất bô-xít, được sửa sang, sắp xếp lại cho người ở, phần còn lại là các dãy nhà dựng san sát nhau bằng cây với ván, dọc theo đám đất cao, chạy dài quanh ven bờ và mấy con đường đất mòn bằng phẳng ở giữa, vốn đã có từ lâu lắm rồi, cho con số khoảng trên dưới gần bảy tám trăm người. Lưa thưa vài chục cây cao lớn, xen kẻ đâu đó như cố che cho người ta một chút bóng mát dưới cái nóng hừng hực của đất trời Nam Dương. Người đến trại này là những người trên các chiếc tàu đánh cá nhỏ từ miệt bờ biển phía Nam miền Nam ra đi, sau những ngày nhấp nhô trên sóng lớn, trong mưa sa gió gào. Trại không có rào, ai muốn lội bộ ra phố xá của quận hay lên chợ tỉnh trên Tanjung Ungat, cứ tự nhiên đón xe taxi mà đi, không ai làm khó làm dễ.
    Bỏ ly cà phê xuống cái ghế cây ọp ẹp, cũng như mọi lần, kể từ ngày đến trại gần hơn một năm qua, không có gì làm, Hậu lửng thửng  cùng mấy anh chàng độc thân đi câu cá biển sớm về ngang, ra đứng trên mõm đồi cao nhìn xuống bên dưới bờ cát. Đám người của chiếc ghe mới tới, già trẻ lớn bé, chừng độ sáu bảy chục, bồng bế nhau, rã rời, mõi mệt sắp thành hàng dài theo sau anh cảnh sát Nam Dương đi lên chỗ căn lều từ dưới bờ biển, bỏ lại chiếc tàu bạc màu, cũ kỹ, nằm nghiêng qua ngã lại, chòng chành theo chiều con sóng buổi sáng vừa lên. Người trong trại, trên dưới gọi nhau ơi ới, chạy tới ngồi đứng đông nghẹt xung quanh căn lều, mặc sức mặc tình hỏi thăm đủ chuyện. Trời bắt đầu có một vài vạt nắng giữa trưa, thêm đôi chút bụi đất đỏ, lác đác trên một khoảng sân rộng giữa trại, đong đưa nhè nhẹ theo chiều gió từ ngoài biển vào.
    Nghe có tiếng người mình hỏi nhau, đi ra từ tiệm bán đồ nhà bếp sát bên, Hậu chần chừ, tò mò đứng lại trước cửa bưu điện quận Kijiang thay vì định đi về trại ngay như đã tính. Đám người chừng bốn năm cô gái dắt một thằng bé trai khoảng năm sáu tuổi, cười cười nói nói đi ngang qua, chăm chú chỉ chỏ vào mấy tấm ảnh lớn, dán trên cửa kiếng của một tiệm chụp hình bên kia đường. Hậu lững thững đi sau họ một khoảng không mấy xa, thằng bé buông tay chạy trước, tiếng ai đó trong đám gọi lớn “Quyên coi chừng thằng Minh” làm Hậu đứng khựng lại, giựt thót mình, nói thầm “không lẽ là thằng bé Minh”. Cùng lúc mấy người con gái đi chậm lại thì Hậu cũng vừa đến gần, Quyên ngờ ngợ nhận ra, cô nắm tay thằng bé kéo về phía Hậu đứng, mừng rỡ nói như nghèn nghẹn “Minh ơi, chú Hậu, chú Hậu”. Hậu ngồi xuống thấp, thằng bé bỏ tay mẹ ra, chạy ùa tới, ôm chầm lấy, Quyên lặng thinh, những người còn lại trố mắt ngạc nhiên nhìn, không ai nói một lời. Quyên nhìn Hậu rồi nhìn con, mắt cô rươm rướm đỏ, Hậu cũng không khác gì hơn, hình như mình đã khóc. Thằng bé Minh nắm tay Hậu cười khúc khích bỏ đi trước, đám con gái chầm chậm phía sau chờ qua đường. Ở một phía xa, trời có chút khói lam, tỏa ra lờ mờ,  quyện vào cái lạnh nhè nhẹ của sương chiều, từ ngoài biển về ngang, đan thành từng vệt ở cuối đường về lại trại Kijiang. Đêm đó, lần đầu trong những ngày sống tạm ở đây, Hậu đã thức một đêm dài, chờ sáng.
    Gió biển từ ngoài khơi thổi vào, làm dịu đi phần nào cái nắng nung người của những ngày giữa mùa Hạ. Hậu xách túi đồ vừa đủ nặng đi trước, hai mẹ con thằng bé Minh phía sau, hối hả theo nhóm người vừa xuống chuyến xe buýt, chỡ người tỵ nạn có tên trong danh sách đi định cư ở Pháp từ trại Kujiang lên Tanjung Ungat đến trễ giờ, xuống chiếc tàu lớn như chiếc phà du lịch, có nhân viên của phái đoàn Pháp đứng chờ, đưa họ qua Tân Gia Ba, chuẩn bị đón chuyến máy bay Air France đi Ba Lê sáng sớm ngày mai. Người sĩ quan cảnh sát Nam Dương đứng ở một phía gần cuối cầu tàu vẫy tay chào, tàu chầm chậm tách bến, nhấp nhô theo từng con sóng lớn ngoài biển vỗ thành tiếng. Hậu nắm tay Quyên, nhìn nhau rồi cùng nhìn ở một phía xa xa, thành phố Tân Gia Ba hiện rõ dần trong tầm mắt, Hậu kéo thằng bé Minh vào giữa người, thằng bé ôm lấy Hậu nũng nịu hai tiếng “chú Hậu” dễ thương của những ngày ở Long Thành năm đó. Quyên đứng bên, mĩm cười nhìn, gió ngoài kia lùa tóc nàng bay dài từng sợi lẻ, bồng bềnh theo những con sóng biển san sát nhau, gọi nhau về bờ, nơi ở đằng sau đó cũng còn có chỗ nhánh sông rẽ muộn.
     
 Thuyên Huy
(Người viết tự dựng bối cảnh và nhân vật, xin thứ lổi cho những trùng hợp vô tình nếu có)


Chuyện về cây xanh ở Đức-Hoàng Thao

Chuyện này có lẽ sẽ mãi mãi nằm yên trong ký ức của tôi và một vài người bạn Đức, nếu không xảy ra chuyện chặt hàng loạt cây ở Hà Nội.
Tôi xuất thân từ Hà Nội. Dù cư trú ở Đức đã hơn 20 năm nhưng vẫn gắn bó với thủ đô Hà Nội, đặc biệt là với những đường phố rợp bóng cây. Nay xem những hình ảnh hàng loạt cây ở Hà Nội bị chặt hạ tôi vô cùng đau xót. Tôi xin kể một chuyện có thật sau đây ở Đức mà tôi đã trực tiếp tham gia và chứng kiến để các bạn xem về quản lý cây xanh ở xứ người.

Vườn nhà ông bà Schulz
Tôi quen gia đình ông bà Schuhmacher ở Bonn (thủ đô cũ của Tây Đức) đã gần 20 năm nay, từ ngày ông bà mới mua ngôi nhà trên một mảnh đất gần 400 m². Hàng xóm của gia đình ông bà là ông bà Schulz, cũng sở hữu một cơ ngơi tương tự như vậy. Bẵng đi bao nhiêu năm trời không gặp lại vì mưu sinh, cách đây 3 năm tôi mới có dịp về thăm lại gia đình ông bà Schuhmacher.
Thành phố Bonn giờ đây yên lắng hơn vì thủ đô đã chuyển về Berlin. Con người ở Bonn cũng trầm lắng hơn. Mảnh vườn nhà ông bà Schuhmacher giờ khó mà nhận ra vì hàng cây cối ven rào giờ đã vươn cao và tỏa bóng mát xuống già nửa diện tích. Có những cây đã gần thành cổ thụ, cao tới 7-8m. Về thăm lại gia đình ông bà Schuhmacher lần này, tôi đã tình cờ chứng kiến và tham dự một vụ việc để lại kỷ niệm sâu sắc có lẽ có một không hai trong đời.
Số là khi hai gia đình Schuhmacher và Schulz cùng mua 2 lô đất kia cách đây gần 20 năm, ông bà Schuhmacher quyết định trồng mấy cây giẻ ở sát hàng rào để lấy bóng mát, còn ông bà Schulz xây một gara ô tô ở ven rào sát đó.
Trong suốt ngần ấy năm trời, hai gia đình vẫn giữ tình cảm hàng xóm láng giềng gắn bó và thân mật. Nhưng năm tháng qua đi, cây giẻ bên nhà ông bà Schuhmacher ngày càng lớn, rễ cây vượt địa giới, xuyên sang lô đất bên ông bà Schulz, thậm chí còn làm nứt cả nền và tường gara.
Ban đầu, ông Schulz còn cố dùng xi măng để trát lại tường và nền gara nhà ông, nhưng rồi vết nứt ngày càng trầm trọng, hai gia đình Schuhmacher và Schulz đã gặp gỡ nhau, bàn bạc nhiều lần để cùng tìm giải pháp, những tưởng rằng chỉ có cách chặt hạ cây giẻ kia để cứu chiếc gara ô tô. Nhưng theo bộ luật môi trường và bộ luật bảo vệ thiên nhiên của Cộng hòa Liên bang Đức nói chung cũng như của các tiểu bang nói riêng, vấn đề chặt hạ cây không phải là đơn giản.
Luật của Đức quy định:
- Tất cả những cây cho bóng mát và cây thuộc họ tùng đều nằm trong diện cây được bảo vệ, cho dù cây đó nằm ở đường phố, công viên hay trong vườn thuộc sở hữu của cá nhân.
- Những cây có chu vi gốc trên 80cm và cao trên 1m không được phép chặt, trừ khi có giấy phép của chính quyền. Ai chặt cây trái phép, làm cho cây tổn hại hoặc bị chết có thể bị phạt tiền tới 50.000 euro.
- Bộ luật bảo vệ cây quy định rõ: chỉ có cây bị bệnh nặng mới được cấp phép để chặt hạ. Mức độ bệnh của cây được quy định theo những tiêu chí cụ thể (bệnh về tán lá, về thân, về rễ cây) và chia làm 5 mức khác nhau.
- Khi một cây cần thiết phải chặt, nhất thiết phải có giấy phép của nhiều cơ qua đương cục (Cục bảo tồn di tích đối với những cây đã được xếp hạng, Sở bảo vệ thiên nhiên và môi trường, Sở trật tự công cộng và Công ty cây xanh với những cây còn lại.)
Thế là hai gia đình Schuhmacher và Schulz phải mời các nhà đương cục vào cuộc để bàn thảo tìm giải pháp thích đáng. Tham gia cuộc bàn thảo, ngoài đại diện của Sở bảo vệ thiên nhiên và môi trường, Sở trật tự công cộng và Công ty cây xanh còn có giám định viên của Sở xây dựng để đánh giá mức độ thiệt của gara do cây giẻ gây ra.
Tôi nghe ông bà Schuhmacher kể lại, cuộc họp đầu tiên được tổ chức 3 tuần trước khi tôi về thăm lại ông bà Schuhmacher. Hôm đó tất cả mọi người đều khẳng định: Cây giẻ trên mảnh đất nhà ông bà Schuhmacher quá lớn, rễ cây làm nứt tường và nền gara ô tô nhà ông bà Schulz. Chỉ có thể có một trong hai giải pháp: hoặc là dỡ bỏ gara chuyển đi vị trí khác hoặc đốn hạ cây giẻ để cứu gara.
Hôm đó, đại diện của Sở xây dựng và Công ty cây xanh khẳng định rằng: Nếu chặt hạ cây giẻ thì đấy là một việc làm đúng luật vì trong trường hợp này cây đã làm tổn hại đến gara nhà hàng xóm. Nhưng làm như vậy thì ta sẽ mất đi một sinh mạng của một cây gần 20 năm tuổi. Còn nếu muốn giữ cây thì phải chuyển vị trí của gara nhà ông Schulz, mà việc này liên quan tới chi phí, liệu gia đình ông Schulz có sẵn lòng tự chịu kinh phí này không?
Cả phòng im lặng hồi lâu, rồi bỗng ông đại diện của Sở bảo vệ thiên nhiên và môi trường đề xuất: Vì lợi ích thiên nhiên và môi trường nói chung, tôi mạnh dạn đề nghị, chúng ta giữ lại cây giẻ và di chuyển gara nhà ông Schulz, cá nhân tôi sẽ báo cáo với lãnh đạo để Sở chịu một phần kinh phí.
Mọi người thật bất ngờ với ý kiến chưa hề có tiền lệ. Sau một hồi suy nghĩ và cân nhắc, đại diện của các cơ quan còn lại cũng ủng hộ ý kiến đó và hứa sẽ báo cáo lãnh đạo cơ quan mình về việc cùng chịu chi phí. Ông Schuhmacher cũng sẵn sàng cùng chịu một phần chi phí cho gia đình ông Schulz.
Sau một hồi phân tích và bàn bạc, cuối cùng mọi người đã thống nhất ghi vào biên bản cuộc họp: Đại diện Sở xây dựng cùng gia đình ông Schulz xác định chi phí cho việc di chuyển vị trí gara và thông báo cho các bên liên quan để báo cáo và trình lãnh đạo. Nếu lđạo các sở đồng ý thì chi phí được chia đều cho 6 bên (Sở bảo vệ thiên nhiên và môi trường, Sở xây dựng, Sở trật tự công cộng, Công ty cây xanh và hai gia đình Schuhmacher, Schulz). Sau 3 tuần, các bên sẽ họp mặt lần hai để thông báo quyết định.
Ba tuần sau đó, tôi tình cờ có mặt trong cuộc họp lần hai tại nhà ông Schuhmacher. Tôi đã định tìm cách rút lui nhưng ông Schuhmacher đã nói với tất cả những người có mặt: Tuy không phải là người trong cuộc, nhưng chúng tôi coi ông Hoàng Thao như là người trong gia đình nên cứ để ông ấy dự cuộc họp này.
Cuộc họp diễn ra thật chóng vánh ngoài sức tưởng tượng của tôi. Ông đại diện Sở bảo vệ thiên nhiên và môi trường tuyên bố: Lãnh đạo Sở chúng tôi đã quyết định cùng chịu chi phí với gia đình ông Schulz để di chuyển gara nhà ông và không chặt hạ cây giẻ bên nhà ông Schuhmacher. Đại diện các cơ quan còn lại cũng tuyên bố tương tự như vậy. Đại diện cho Sở xây dựng đưa ra bản chào của một Công ty xây dựng dự toán chi phí cho việc di chuyển gara ở mức 12.250 euro. Khoản chi phí này sẽ được chia cho 6 bên như theo quyết định của cuộc họp lần trước.
Tôi thật sự bất ngờ về kết quả của cuộc họp và rụt rè lấy từ trong ví của mình ra 250 euro và khẽ nói: Xin cho cá nhân tôi được đóng góp một phần nhỏ của mình. Tôi thật sự ấn tượng về quyết định của các vị. Mọi người đều ngỡ ngàng về việc làm của tôi và lần lượt bắt tay tôi, ôm lấy tôi và cám ơn.
Chuyện này có lẽ sẽ mãi mãi nằm yên trong ký ức của tôi và một vài người bạn Đức, nếu không xảy ra chuyện chặt hàng loạt cây ở Hà Nội, thủ đô thân yêu của tôi và của chúng ta.
Theo Hoàng Thao/Vietnamnet (từ Berlin)