31 thg 5, 2015

Bay theo giọt nắng đời - Thuyên Huy


Mượn một phần bối cảnh có thật, chuyện viết bằng tưởng tượng, để nhớ Nguyễn Ngọc T & Huỳnh Lâm T, đã mất từ những năm đổi đời một chín bảy sáu.
Để kính dâng hương hồn hai bác Nguyễn N A, người nhân từ phúc hậu, đã cho không biết bao nhiêu nhưng chưa có lần nào nhận.
   
    Chờ xe tới phiên qua, vì còn đậu khá xa, hai thằng, cũng như một số lớn hành khách khác, xuống thả bộ theo chuyến Phà trước qua bờ bên kia Bắc Mỹ Thuận. Trời ngấp nghé giữa trưa, nắng rực lên cả một khoảng phố xá mênh mông rộng, đứng bóng người, hanh hanh nóng, lấp xấp trải dài trên những chùm hoa tím ngắt của mấy mảng lục bình, lặng lờ trôi theo từng cơn sóng vỗ vào hông thành chiếc phà cũ kỷ, chưa thấy màu sơn mới. Tiếng rao hàng lanh lảnh của đám đàn bà con gái từng chập vọng ra xa, lấn át tiếng máy nổ đều đều, ngái ngủ, lướt nhẹ trên nước, con sông hửng hờ, đã quá quen rồi cảnh ngày nào vẫn vậy, lặng lẽ đi về đôi bờ, không buồn có thêm chút sóng lớn. Hiển bỏ đi trước khá xa, Nguyên thủng thỉnh phía sau, dọc theo bên này con đường lên tới ngã ba Vĩnh Long-Sa Đéc tìm quán ngồi ăn trưa. Đứng đâu cũng có mùi thịt nướng thơm từ đầu sông tới cuối đường. Quán nào quán nấy, chật ních người vào ra nói nói cười cười. Hiển vẫn tiếp tục đi trước, mất hút trong giòng người xuôi ngược rồi trở lại đứng chờ, ra tay làm dấu gọi Nguyên lẹ lên. Lưa thưa đâu đó, ở phía ngoài vàm sông rộng, vài đám mây xám đen lẻ loi, lửng lờ xuống thấp theo chiều gió xế trưa, hừng hực nóng.
    Vào quán, vừa ngồi xuống, Hiển chưa kịp nói gì thì đã có tiếng con gái chào Nguyên từ phía bàn cuối cùng. Cả hai cùng quay lại nhìn, Nguyên chưng hửng, không ngờ lại gặp lại Khánh ở đây. Khánh là cô học trò lớp mười hai của trường trung học Tống Phước Hiệp mà anh ta đã gặp tại hành lang văn phòng ty Hành Chánh trong Tòa Hành Chánh Vĩnh Long chừng vài tuần trước đây. Hiển cũng trố mắt ngạc nhiên, quay qua nói nhỏ với Nguyên, sở dĩ hắn réo anh đi lẹ lên là vì tìm thấy Khánh cùng hai cô bạn khác vào quán này. Khánh giới thiệu, hai cô bạn đi chung bẽn lẽn gật đầu, hai thằngcười chào đáp, rồi ra dấu được nhập bọn ngồi cùng bàn, vì bên đó vẫn còn chỗ trống. Khánh và hai cô bạn lên Sài Gòn từ sáng hôm qua, hỏi han người quen chỗ ăn chỗ ở trước khi mùa thi tú tài Hai tới. Cả bọn vừa ăn vừa nói đủ thứ chuyện làm quen, từ chuyện chợ Trường An, Long Hồ của Vĩnh Long tới chuyện ngày mai ngày sau. Hiển biết ra, Nguyên, Khánh biết nhau rồi nên chỉ ngồi chậm rãi ăn, thỉnh thoảng gục gặc đầu ra chiều thích thú. Đoàn xe đò qua bên này bờ, đậu nối đuôi dài gần lên tới ngã ba, mấy anh lơ, chạy lăng xăng lên xuống thúc hối hành khách của mình trở lên xe, nhất là mấy chị bạn hàng, của các chuyến đi Cần Thơ, Long xuyên, cứ nhũng nha nhũng nhẵn tìm tìm kiếm kiếm. Nắng có phần dịu bớt, trời đã có nhiều mây đen ở phía xa miệt Sa Đéc theo chiều gió về ngang. Xe đò từng chiếc uể oải, lần lượt rời bến Bắc Mỹ Thuận, người bán người buôn vẫn còn đông nghẹt trên đường hai bên bờ, chờ chuyến Phà chót cuối ngày. Nguyên chào tạm biệt Khánh, hứa sẽ đến nhà thăm như đã nói hôm trước, Hiển dài dòng gì đó với hai cô kia, xe chuyển bánh rồi mà hắn vẫn còn nói với theo tiếng mất tiếng còn.
    Buổi sáng, trước đây vài tuần, đám bạn cùng xuống thực tập ở Vĩnh Long, khoái chuyện nhậu nhẹt, trong đó có Hiển, nên kéo nhau đi Chợ Lách, vì bây giờ là mùa ốc gạo với ông đàn anh Phó Quận. Biết Nguyên không uống rượu được nên bọn họ cũng chẳng màng ép uổng. Ăn sáng xong, Nguyên thả bộ dọc theo hông nhà thờ Chánh tòa, qua cầu, giờ này nhánh sông nhỏ chảy ngang vẫn chưa chịu thay nước lớn. Đến tòa Hành Chánh thì ông trưởng ty Hành Chánh khóa đàn anh, nơi Nguyên đang thực tập tháng này, không biết vội vã chuyện gì, bắt tay hỏi ăn sáng chưa rồi bỏ đi một mạch hẹn chiều trở lại, không buồn nghe trả lời. Người đến có việc hay xin giấy tờ, ngồi chờ cũng khá đông trên mấy cái băng ghế dài, trước hành lang. Đọc sơ mấy cái văn thư thường nhật xong, cô thư ký nhận giấy tờ làm dấu chưa có gì cả, ông Chủ sự được lệnh lên gặp ông Chánh Văn Phòng nên cũng đã đi rồi, Nguyên bỏ ra ngoài, ngồi chổ cái băng ghế trống, tán dốc với mấy anh làm việc bên Hội Đồng Tỉnh đang chờ gì đó ở ty Nội An, nằm kế liền bên.
    Không lâu sau, ông bác trông lớn tuổi, người xem ra phúc hậu, tóc bạc hoa râm, đi cùng với một cô con mặc gái áo dài trắng, tuổi trạc mười bảy mười tám, tóc xõa dài ngang lưng, khá đẹp, đến bàn cô thư ký, đưa xấp giấy mỏng, nói gì đó, nhỏ nhẹ cười rồi cả hai lùi lại, ngồi chờ ngay phía đầu còn trống của cái băng dài mà Nguyên đang ngồi tự nãy giờ. Nguyên ngừng nói, quay qua chào, ông bác nhìn vào trong, về phía bàn nhận giấy tờ, cười nhẹ. Cô thư ký đứng lên ngồi xuống, ngó ra phía Nguyên. Có lẽ thấy hơi lâu, ông bác đứng lên, đi đến hỏi đôi câu rồi trở lại chỗ cũ. Định trở vào phòng thì nghe tiếng ông trưởng ty Nội An kêu mình khi ông bước ra, theo sau dặn dò mấy anh bên Hội Đồng Tỉnh, nên Nguyên nấn ná chưa đi. Hai người kéo nhau ra ngoài bực thềm có nắng sáng, cười nói luôn miệng. Giờ này người ra người vô, càng lúc càng nhiều hơn trong sân tòa Hành Chánh, trời hâm hấp ấm dần dù vẫn còn có đôi ba cụm mây màu xám nhạt lang thang, che ngang lưng trời.
    Thấy ái náy sao đó, cô thư ký ngài ngại cầm xấp giấy mà cô gái đưa hổi nãy, đi ra chỗ Nguyên đứng. Cả hai, ngưng câu chuyện, Nguyên bước vội, bỏ theo cô quay lại chỗ hai cha con đang ngồi, ông trưởng ty Nội An cũng không còn đứng đó. Nguyên cầm xấp giấy, ngồi xuống kế bên ông bác, nhỏ nhẹ:
-Dạ xin lỗi bác, cháu vô ý quá, không nghĩ là bác đang chờ ký mấy cái bản sao cho em, nên để bác phải chờ hơi lâu.
   Hai cha con ngạc nhiên trố mắt nhìn mà không nói được gì. Cô thư ký, lúc bây giờ mới lên tiếng:
-Bác thấy hông, con cũng sốt ruột nhưng không dám, vì ông trưởng ty đang nói chuyện, nên đành chờ như bác thôi.
   Cô đưa cây viết cho Nguyên, chào hai người rồi trở vào trong văn phòng. Nguyên vừa ký vừa đọc sơ, tờ giấy chứng chỉ Tú Tài Một cấp cho “Trần Thị Khánh” còn in rõ mực và thơm mùi giấy mới. Đưa lại cho cô con gái, một lần nữa, Nguyên xin lỗi, định đứng dậy cáo từ, thì ông bác lên tiếng:
-Xin cho tôi hỏi, ông đến thay cho ông trưởng ty cũ hả?
-Dạ không có, con là sinh viên xuống tập sự thôi bác à, nhưng hôm nay nhận nhiệm vụ làm trưởng ty một bửa.
    Nguyên vừa nói vừa nhìn hai người cười, cô gái bẽn lẽn, ôm cái cặp da đi học cười khẻ theo. Ông bác tiếp lời, cùng một lúc ngó qua cô gái:
-Hân hạnh đươc biết ông, còn trẻ quá, đây là em Khánh, con gái thứ hai của gia đình tôi, vừa đậu Tú Tài Một năm nay, tôi là Hậu, thứ tư.
    Nguyên xoa tay đứng dậy:
-Dạ, con là Nguyên, bác tư Hậu cứ gọi Nguyên được rồi. Con chỉ còn thực tập tại tòa Hành Chánh vài tuần nữa thôi, cuối tháng là phải đi xuống quận Minh Đức. Nay mai, nếu bác còn cần gì, thì cứ tự nhiên đến tìm con ở đây, xem con có thể giúp gì không.
    Khánh nhẹ cúi đầu chào, ông bác bắt tay Nguyên:
-Nhà tôi ở ngã ba Long Hồ, căn nhà có vườn cây sân trước và cái cổng  phủ đầy bông Giấy đỏ, xế chỗ bến xe hay ngừng, cũng ngang trên đường đi Cái Nhum, hôm nào tiện, rãnh rỗi, mời ông, ủa quên, mời cháu ghé chơi. Cứ xuống chỗ bến xe là tìm được ngay, không lộn nhà ai đâu.
   Nguyên gật đầu cám ơn và hứa sẽ đến thăm rồi theo tiễn hai người ra tới ngoài cổng tòa Hành Chánh. Đi khỏi một đoạn xa, Nguyên vẫn còn đứng đó, bác Tư Hậu và Khánh quay lại vẫy tay, hai cha con nhìn nhau cười. Bất chợt, Nguyên cảm thấy lòng mình có cái gì là lạ, cái là lạ mà suốt hơn hai năm qua anh chưa hề có, Nguyên trở ngược vào trong, bóng người cảnh sát gát cổng gật đầu chào, trải dài khẳng khiu theo chiều nắng lên giữa ngày, bắt đầu chói chang và gay gắt nóng.
    Sáng thứ bảy, chuyện đi theo ông đàn anh Phó quận Minh Đức, thăm cái xã bên kia sông để xem vụ bầu cử Hội Đồng Xã bị đình lại. Nguyên đón xe về Vĩnh Long sớm hơn mọi bữa, chiếc xe đò nhỏ cũ cũng không có mấy người đi, trời chưa đủ nắng, mưa mù mờ ở phía đường chân trời xa xa. Xuống xe tại ngã ba Long Hồ, ngay chỗ bến ngừng đón khách, Nguyên lửng thửng băng qua đường, tới trước cổng nhà gọi vọng vào trong, đứng chờ, xác bông Giấy đỏ úa, khô gầy rụng đầy một khoảng lớn trong sân. Bác Tư Hậu mừng rỡ, bắt tay Nguyên, mời vô nhà. Ở một phía đầu vườn, sát mái hiên trước, cụm hoa Sứ già lưa thưa vài nụ hoa mới nở. Bác tư gái ân cần, thân mật, hỏi han Nguyên đủ điều, từ chuyện nhà cửa chuyện học hành, đến tương lai trước mặt. Bác Tư Hậu, là công chức hỏa xa thời Pháp đã hồi hưu từ lâu, hai vợ chồng về lại quê nhà, cất căn nhà ngói mái âm dương kiểu xưa ở ngã ba Long Hồ từ những năm có hiệp định Geneve chia đôi đất nước. Gia đình có hai cô con gái, người chị lớn đã lập gia đình, chồng chị là sĩ quan cấp úy của sư đoàn 9, bị thương trong trận Thất Sơn nặng nên đã  được cho giải ngủ, có tiệm bán sách trên đường chính ngang qua chợ tỉnh. Hai vợ chồng ở nhà riêng, nằm đối diện văn phòng ty Thuế Vụ. Khánh là con út, đang học lớp đệ nhất mà Nguyên đã gặp hôm trước. Hai bác có  vườn trồng chôm chôm “java” bên cái cồn nhỏ ở Chợ Lách, Nguyên ở  không lâu rồi ra về, Khánh cùng mấy cô bạn đi chơi bên vườn từ lúc sáng sớm. Hai bác tư đưa Nguyên ra tới cổng, nhắc đi nhắc lại lời mời, tuần sau đến ăn cơm trưa một bữa cho vui.
    Sau lần, có Hiển cùng đi, theo gia đình bác tư Hậu qua thăm vườn chôm chôm bên cù lao, Nguyên mang “cái gì là lạ mà anh đã chưa hề có trong suốt hơn hai năm qua” nói thật lòng mình với chị Thảo, chị của Khánh, hôm ngang qua tiệm sách, sau giờ ăn cơm trưa về lại tòa Hành Chánh gặp ông Phó Tỉnh. Nguyên đã thương Khánh ngay từ lần gặp cô ta ở ty Hành Chánh buổi sáng hôm đó. Hiển là thằng bạn khá thân, thân từ ngày hắn lang thang bỏ Phan Thiết vào Sài Gòn, rớt tú tài hai như Nguyên, rồi theo Nguyên về ở trọ trên căn gác cây, tại một cái hẽm nhỏ đầu đường Cộng Hòa, gần chợ Nancy, sau hôm hai thằng gặp nhau trong quán cơm chay đường Hàm Nghi, ngó qua ga xe lửa, cũng là ngày Mai Anh rời Sài Gòn đi du học. Chuyện tình giữa Nguyên và Mai Anh kết thúc không có chia tay, không có đưa tiễn, không còn gì để lại, ngoài lá thư ngắn của cô mà anh nhận được qua đường bưu điện với lời xin lỗi. Cả hai người ngồi cùng một phía bàn ngó ra ngoài, xe cộ và người chen lấn nhau, xen kẻ nhau trên đường xuôi ngược. Cơn bão tình, chấp vá những đớn đau, ngậm ngùi trong lòng Nguyên từ bao nhiêu ngày qua chợt như đã bỏ đời bay theo từng giọt nắng chiều thoi thóp nóng, lưa thưa len nhẹ ở phía cuối sông khi Nguyên nói cho Hiển nghe chuyện đời mình, buồn nhiều vui ít.  
    Nguyên quen Mai Anh, trong sân trường Hưng Đạo, hôm đi theo chị Tú, học cùng lớp với cô ta, con của người bạn thân, ân nghĩa gì đó với mẹ mình, nhà ở gần rạp hát Long Vân, khi hai người còn bôn ba đâu đó ở miệt Mỹ Tho Cai Lậy, xem kết quả tú tài một, ngày xuống Sài Gòn bằng chuyến xe đò sớm nhất từ Tây Ninh. Nhà Mai Anh là căn phố lầu, bên dưới là tiệm sách Toàn Văn, ở ngã tư Lê Văn Duyệt – Trần Quý Cáp, ngó xế qua khu chơ Đũi. Giữa nửa năm đệ nhất, mẹ Nguyên trở bệnh, căn bệnh lao phổi đã nằm im một thời gian khá lâu, nay bộc phát, làm bà yếu đi và không còn đủ sức ngày hai buổi đi xe lôi máy, từ Trâm Vàng ra ngồi bán sạp rau cải nhỏ, ngoài chợ Gò Dầu nữa. Nguyên định thôi học, tìm kiếm việc làm gì đó, nuôi bệnh mẹ, một thân một mình bà, một đời góa bụa, tần tão gánh gồng nuôi con khôn lớn, học hành như vầy là quá đủ cho Nguyên rồi. Hôm đưa mẹ xuống nằm ở bệnh viện Hồng Bàng, theo lời bà, Nguyên đến báo tin cho mẹ chị Tú biết. Vài hôm sau, mẹ chị Tú vào thăm, hai người nắm tay nhau sụt sùi khóc. Biết tánh mẹ, không bao giờ chịu nhờ vã ai, nghe lời khuyên của mẹ chị Tú, Nguyên xuống Sài Gòn ghi học tiếp nửa năm đệ nhất tại trường Văn Học, làm phụ công ban đêm cho tiệm bánh tây của mẹ chị Tú ở đường Phan Đình Phùng, vừa có tiền đóng học phí vừa săn sóc được mẹ mình. Từ đó, Nguyên thường gặp lại Mai Anh và cuối cùng, như cái định luật yêu thương mà đường đời đã có của trời đất, hai người yêu nhau, cũng có nhớ nhung, có kỷ niệm, có mộng mơ hẹn ước với đôi ba lần nắm tay và vài cái hôn thẹn thùng nhè nhẹ trên môi trên mắt, rồi dừng ở đó không hơn không kém. Nửa năm đó, có lẽ, là những ngày tháng vui nhất của đời mình, đời của một thằng con nhà nghèo, cơm nguội cải chua, cá rô ruộng muối kho, chưa hề dám nghĩ tới.
    Trước ngày thi tú tài hai vài hôm, mẹ Nguyên rời bệnh viện trở về Trâm Vàng, bác sĩ ở đây cho biết bà đã khỏi bệnh. Hai mẹ con tay xách tay mang về nhà, có Mai Anh, chị Tú và mẹ chị theo ra đưa ở bến xe Tây Ninh, đường Phạm Hồng Thái. Mẹ chị Tú, dúi vào tay Nguyên cái bao thư dầy, bảo cất nó, lựa lúc nào thuận tiện đưa cho mẹ mình, đừng nói là của bà. Căn nhà tranh nhỏ được người quen bên ngoại coi giùm, vẫn lặng thinh trên nền đất như trước, đám cải xanh trước sân, không người tưới từ gần sáu tháng qua, hình như đang cố gượng mình sống lại sau mấy đám mưa muộn cuối mùa.
    Thi rớt, Nguyên không đành để mẹ buồn, nên nói dối bà là đang chuẩn bị lo lên đại học. Nguyên ở lại Sài Gòn, xin được một việc làm ở công ty Sakibomi bên bến Bình Đông, thôi không còn làm ở tiệm bánh của mẹ chị Tú nữa. Nguyên chán nản, thất vọng, gặp lại Mai Anh lần cuối bên ngoài sân trường Luật trong ngày đầu của năm học mới rồi thôi. Dường như cả hai người đã quên không hứa nhau chờ lần hẹn tới như những ngày trước nữa. Sau ngày Mai Anh đi, Nguyên mang buồn tan tác theo giòng đời ngược xuôi, đem chút còn lại của tình yêu như một phần của kiếp người, chôn kín vào những trang sách trong mỗi đêm khuya dài chờ sáng. Từ đó, Nguyên tự bảo lòng mình, thôi không còn dám tìm ai để mà thương, nếu một mai, tình cờ gặp một người nào mà anh cảm thấy tim lâng lâng, hồn náo nức, thì người đó sẽ là cuộc tình duy nhất và cuối cùng của đời mình. Cuối năm, Nguyên đậu tú tài hai cùng với Hiển, rồi ghi danh học Luật và may mắn hơn, là cả hai lại được vào Học viện Quốc Gia Hành Chánh cùng một khóa năm sau đó. Lý do tại sao Hiển đã thúc Nguyên đi lẹ lên, khi hai người chờ xe qua Bắc Mỹ Thuận, ba năm cùng nếm buồn vui tình bạn, hơn hai năm qua, quả thật Nguyên chưa hề nhắc hay nói về đàn bà con gái, Nguyên vô tư như một người lạnh cảm, Hiển có linh tính cho biết, đã tìm ra người của cuộc tình cuối đời chàng Nguyên nhưng không ngờ là họ đã gặp nhau rồi.
    Nguyên cũng như Hiển lúc này ít khi về Sài Gòn, căn phòng hai người ở chung trong khu ký túc xá vẫn đóng cửa để đó, vắng tanh và không có ánh đèn học bài khuya. Hiển đã có cô bạn gái khá xinh, Hương, là thư ký của ty tài chánh nơi anh ta đang thực tập, hai người không rời nhau nửa bước, hắn giờ này thường ăn cơm nhà con gái người ta hơn là ngồi chờ ba món mặn xào, ở tiệm cơm trên con đường cạnh bờ nhánh sông nhỏ như mấy anh chàng khác. Sau Tết ta, từ ngày trở xuống Vĩnh Long, ông đàn anh Phó quận Minh Đức để Nguyên mặc tình đi trễ về sớm, cho nên anh thường đến cùng Khánh thả bộ bên nhau trên đường đến tiệm sách chị Thảo, những chiều trường tan học, đôi ba lần, khi tiệm đóng cửa chị Thảo để Nguyên lấy xe Honda của chị đưa Khánh về nhà. Lần nào cũng vậy, thấy Nguyên là bác tư gái một hai biểu phải vào nhà, ở lại ăn cơm chiều cho bằng được. Con đường lạ từ trường Tống Phước Hiệp về nhà Khánh, giờ là con đường quen, quen từ gốc cây già tới viên gạch vụn nằm lẻ loi một mình ở lề ngã tư tự hồi nào không ai biết, và họ nhìn nhau hỏi thầm, sao đường về không dài thêm chút nữa. Giờ thì Nguyên cũng không khác gì Hiển, cũng thường ăn cơm nhà con gái người ta hơn là ăn tiệm.
    Xong năm thực tập, Nguyên cũng như đám bạn ở các tỉnh khác lần lượt về lại trường học năm thứ ba. Khánh đậu tú tài hai, lên Sài Gòn ở tại nhà người dì bà con, bắt đầu năm thứ nhất trường Luật. Nhờ số tiền trường cấp cho hàng tháng, tạm gọi tiền lương cộng với số tiền đi dạy thêm một số giờ ở một trường tư thục trên đường Hậu Giang, Chợ Lớn, với bản tính không phung phí, Nguyên không phải vất vả chuyện tiền bạc. Thỉnh thoảng anh cũng ghé qua thăm mẹ chị Tú, lần nào bà cũng hỏi han có thiếu thốn gì không rồi thì đưa cho mấy túi đầy ắp trái cây, bánh ngọt mang về, đám bạn ở ký túc xá ăn một hai ngày chưa hết. Nguyên cũng đưa Khánh đến làm quen chị Tú, năm cuối đại học Sư Phạm sắp ra trường, hai mẹ con khen Khánh tiếng một tiếng hai làm Nguyên vui lây. Lần nào Khánh về Vĩnh Long, hai bác tư Hậu cũng nhắn lên, nhắc Nguyên về chơi, ở dưới đó trông lắm. Khánh cũng thường theo Nguyên lên Gò Dầu thăm mẹ, bệnh tuy có thuyên giảm hai năm qua, nhưng xem ra bà  còn yếu và xanh xao như màu lá trầu úa nắng cuối sân nhà sau. Tuy yếu lắm, nhưng bà vẫn nhờ mấy chị bà con quanh nhà, đở đưa, đón xe lôi máy đi chùa Thạnh Lâm vài lần trong năm, đọc kinh, đốt nhang cầu nguyện. Ước mơ có ngày Nguyên công thành danh toại, đã xem như xong rồi, còn chuyện trăm năm thì đang nhìn thấy đâu đó nhưng ai biết được, bà cầu trời Phật, đã trót phù hộ cho cuộc đời khốn khó, nghèo nàn của hai mẹ con thì xin thương cho trọn vẹn, ngày đi theo ông bà, bà không còn gì để hối tiếc.
    Đầu hè, cuối năm thứ ba, sau ngày ba mẹ Khánh từ Vĩnh Long lên Gò Dầu thăm, chừng vài hôm, mẹ Nguyên trở xuống bệnh viện Hồng Bàng vì bệnh lại tái phát, rồi mất ở đó, ra đi thanh thản. Nguyên đau đớn tột cùng, không làm gì khác hơn được, vì biết rằng trước sau nó cũng phải tới. Khánh đã về Vĩnh Long rồi, Nguyên chỉ còn đủ thời giờ đón xe xích lô qua nhà chị Tú báo tin, trước khi theo chuyến xe đưa xác bà về Trâm Vàng chiều hôm đó. Đám tang nghèo nàn, không ngựa xe, không kèn trống, không cành hoa, bà con trong xóm phụ nhau, người khiêng người kéo, cái quan tài lưa thưa gỗ vụng, đưa mẹ Nguyên ra chôn ở  nghĩa địa của giòng họ xa gần cuối ấp, giữa khu đất hoang, quanh năm chỉ có trời và đất. Hiển từ Phan Thiết vào Sài Gòn, được tin, theo chị Tú và mẹ đón xe đò lên Gò Dầu, trễ không kịp rãi chút đất tiễn bà đi. Trước mộ, mẹ chị Tú ngồi nâng niu nấm mồ mới đấp hôm trước, thì thầm, nước mắt tuôn từng giọt dài, Hiển đứng lặng thinh nhìn, lòng trĩu nặng nổi đau thương bạn. Mưa bất chợt lất phất, man mác tiếng chuông lễ chiều của nhà thờ họ Bình Nguyên về ngang, ray rứt, xua nắng úa màu lác đác rụng. Hiển ngủ lại đêm đó với Nguyên, sáng hôm sau về Sài Gòn trên chuyến xe đò sớm, Nguyên ở lại Trâm Vàng, không nói chừng nào trở xuống trường, Hiển cũng chẳng buồn hỏi.
    Trưa chủ nhật, trời dạo này hay mưa, không lớn nhưng bất chợt, từ chùa Thạnh Lâm về, sau khi gởi tấm hình đen trắng của mẹ mình, nhờ ông sư già trụ trì, đọc kinh cầu siêu giùm mỗi khi có lễ, vừa xuống xe lôi máy quen ở đầu ngỏ đường đất vào xóm, thì đám con nít đang chơi đâu đó túa ra, hô to cùng lượt, cho biết ở nhà có ai tới chờ từ nãy giờ. Khánh ôm chầm lấy Nguyên đỏ hoe mắt, bác tư trai đứng lặng thinh, bác tư gái bùi ngùi, cố vịn tay Hiển để đứng vững. Hiển đi Vĩnh Long ngay hôm sau ngày xuống Sài gòn, ghé qua nhà Khánh báo tin rồi hẹn Hương, cô bạn gái sẽ trở trở lại, sau khi đưa ba mẹ Khánh đi Gò Dầu. Khánh cùng ba mẹ đốt nhang, ngồi trước mộ thật lâu, bác gái nói thầm “thôi chị hãy yên lòng ra đi, tôi nhận thằng Nguyên là con rể rồi”, nắng lên thấp thỏm có chút mùi đất ướt sau cơn mưa vừa dứt.  Đám cải xanh có bông vàng nho nhỏ, loại rau mẹ Nguyên thường bày bán trên sạp ngoài chợ, trồng quanh nơi bà nằm, mới vài ngày qua giờ hình như đang trở mình nhìn trời cao, một màu lá non xanh mướt. Mọi người trở lại nhà, giữa nghĩa địa buồn thiu cuối xóm nghèo, quạnh hiu một mình mẹ Nguyên ở lại, lẻ loi như cái lẻ loi mà bà đã mang theo suốt đời người, sau ngày ba bỏ bà đi về với đất.
    Nguyên ngồi trong văn phòng quận Minh Đức nhìn ra, chợ quận trưa rồi mà chỉ có chừng vài chục người bán, lúp súp người lên bờ xuống ghe, tàu nhỏ tàu lớn, ra sức nhấp nhô, lắc lư theo chiều con nước vừa lên với đám lục bình đầy hoa tím ngắt trên sông, đám học trò trong sân trường tiểu học tụm năm tụm ba, tóc tay màu bùn, suýt xoa chờ nắng ấm. Cũng đã được hơn nửa năm, từ ngày trở lại Vĩnh Long, thay chỗ cho ông Phó quận khóa đàn anh đi Long Xuyên lên chức, nhận nhiệm vụ mới, Nguyên ở tại căn cư xá mà năm trước anh đã ở  trong năm thực tập, được tỉnh cấp cho cái xe jeep còn khá tốt đi về hai buổi. Cơm nước trưa ở dưới quận, có mấy cô nhân viên lo, chiều về Vĩnh Long thì khi ăn nhà chị Thảo khi thì ở nhà ba mẹ Khánh. Căn nhà vẫn vậy nhưng vắng hơn vì giờ chỉ có một mình, cuối tuần thì có Hiển cũng đở buồn, đám giây leo hoa trắng không biết tên, cứ lạnh lùng bám tường mà leo lên, không màng ai đi ai ở. Tiếng hát của chị em, con gái ông chủ tịch Hội Đồng tỉnh nhà bên, đã lên lớp mười một mười hai gì đó, với bài tình ca quen quen, vẫn chưa hay hơn xưa. Không may mắn, đành chịu, Hiển sang Sa Đéc nhận chức trưởng ty Tài Chánh, thứ bảy chủ nhật mới qua Vĩnh Long với Hương, đường không xa mấy. Gia đình ba mẹ Khánh, bàn tính với Nguyên chuyện cưới hỏi tới đây, bên đàn trai, thì mẹ chị Tú đã vui vẻ tán thành và nhận lời từ lâu rồi, giờ chỉ còn chọn ngày lành tháng tốt thôi. Vườn chôm chôm bên cù lao nhỏ giờ thì không còn ai thăm trừ mấy người bạn hàng từ chợ qua, trên Trung Lương hay Sài Gòn xuống đôi ngày tới mùa. Cuối tuần, Khánh về Vĩnh Long, vẫn thích thả bộ bên nhau trên những con đường cũ, chuyện này chuyện nọ, nói nhiều lắm nhưng chưa hết những gì muốn nói nhứt là mơ ước của ngày mai. Với người quen, bạn bè trong chợ tỉnh, Khánh không còn là cô Khánh ngày xưa mà tiếng một tiếng hai, “bà Phó quận”.
    Sáng thứ hai, sau khi đưa Khánh trở lên trường, trên đường xuống quận, Nguyên ghé ngang cho ba mẹ Khánh biết, có thể anh về trễ, nên đừng chờ cơm vì sẽ đi thăm một người bạn bên Vũng Liêm. Triệu, thằng bạn thân quen, từng ở truồng tắm mưa chiều giữa chợ xã, ngày chưa được đi học, còn đứng ngoài rào, nhìn học trò lớn nhỏ sắp hát hàng chào cờ hát quốc ca, thèm chảy nước miếng, dưới cây điệp khẳng khiu trụi lá trong những ngày đầu hạ, cùng học chung một lớp đệ nhất ở Gò Dầu, rớt tú tài cùng năm, vào lính, giờ mang lon trung úy, đang làm việc ở chi khu bên đó. Lái xe qua tới chợ Vũng Liêm, trời vừa quá giữa trưa, nắng hâm hấp nóng như những ngày đầu Hạ dù bây giờ đang ngấp nghé cuối Thu, cũng giống như bên Minh Đức, Vũng Liêm lên xuống cũng bấy nhiêu con đường, đất nhiều hơn đá. Chợ không còn mấy ai qua lại, Nguyên bỏ xe tại một khoảng đất trống trước cửa chi khu, hỏi người lính gát cổng tìm Triệu. Hai người kéo nhau ra cái quán ăn, cuối dãy phố gạch đầu chợ, kiếm cơm trưa, tay bắt tay mừng, mặc tình kể lể chuyện đời xuôi ngược, chuyện tình dở tình dang của ngày xưa “em tan trường về” và của bây giờ “công hầu khanh tướng”rồi theo Triệu vào phòng làm việc trong chi khu, tiếp tục chuyện xưa tích cũ và tạm dừng ở đoạn mẹ Nguyên đã mất. Trời nhá nhem chiều từ lâu, Nguyên giựt mình lo ngại, giờ này đường không mấy an ninh, nhút là khúc giáp ranh hai quận Vũng Liêm – Cái Nhum, thường có du kích Việt Cộng mò ra lúc tối trời, đấp mô gài mìn, đôi ba lần đụng nhau với lính Địa Phương quân, bỏ lại vài ba xác. Vội vã về, Nguyên lái chạy vụt đi không buồn vẫy tay chào. Triệu đứng bên người lính gát cổng nhìn theo, ngoài đường chính, chiếc xe jeep khuất mất trong cái mù mờ của vài ba tia nắng chiều lẻ loi, lưa thưa xuống thấp còn sót lại.
    Trời tối hẳn, đen một màu mù mờ như bùn trên đám ruộng dài lấp xấp nước, sau mùa gặt, hai bên đường, Thiếu Tá Thuận, Quận trưởng Minh Đức, ra lệnh một trung đội lính Địa Phương quân, dùng xe cứu thương, có anh y tá trưởng bên bệnh viện quận theo, đưa Nguyên về tỉnh vì vết thương nhiều chỗ và quá nặng. Chiếc xe jeep của Nguyên đã bị trúng mìn của du kích Việt Cộng trên khúc đường, xế ngã ba Cái Nhum chừng vài cây số, vừa lúc tiểu đội đi nằm đường đêm của chi khu tới. Toàn thân người của Nguyên, từ trên ngực xuống tới chân, đâu đâu cũng thấy máu, Nguyên nằm bất động bên lề đường nhựa, lõm chõm đá, cách bờ đê ruộng không xa. Nhân viên trực bệnh viện tỉnh, đẩy Nguyên vào phòng cấp cứu, chai nước biển không kịp treo lên, nằm trên tay cô y tá mặt mày hớt hãi.
    Nguyên nằm đó, trên giường bệnh, cả đầu quấn kín băng cứu thương trắng, mắt nhắm nghiền, hai bờ môi khô đầy kẻ nứt, vài ba vết máu đỏ bầm, lau sót, còn dính ở gò má,  có hơi thở nhưng dường như không đủ bình thường và đứt quảng. Quá nửa khuya, anh chị Thảo vẫn còn ngồi quanh giường, chị Thảo cứ khóc sướt mướt, nhìn gọi “Nguyên hởi Nguyên ơi” trong ánh đèn điện vàng như màu vàng của lá úa trời Thu. Trời gần sáng, người y tá tới thay băng, Nguyên vẫn còn hôn mê, chị Thảo chạy vội vã ra bến xe đi Sài Gòn, nhờ anh lơ quen chuyến đầu tiên, đưa lá thư tay báo tin cho Khánh trên đó, đếm tiền công như tiền mua vé xe cho hai ghế ngồi, trao cho anh ta, hai bàn tay lạnh cóng, rồi quày trở lại bệnh viện, kịp lúc anh Thảo vừa vào cùng với hai bác tư Hậu. Tấm khăn trắng đắp người không thấy một vết nhăn, chứng tỏ Nguyên không động đậy từ đầu hôm tới bây giờ. Chị Thảo ôm bác gái òa lên khóc, bác gái cũng khóc theo “con ơi, trời ơi”. Bác trai kéo cái ghế ngồi cạnh mép giường bệnh, đưa tay rưng rưng xoa qua xoa lại trên đầu Nguyên, băng cứu thương vừa thay, lắc đầu chết lặng.
    Khánh tức tưởi khóc nức nở, đau đớn, ngất xỉu trong tay chị Thảo, hai bác tư Hậu, cùng một lượt, ôm chầm lấy con, rấm rứt khóc theo. Chồng chị Thảo đứng ở một góc phòng bệnh, ngậm ngùi chết trân, không nói được lời nào. Chị y tá chưa kịp lau rửa vết thương trước khi hết phiên trực, Nguyên duỗi người lần cuối, rồi ngừng thở.  Chuyến xe chiều về Vĩnh Long muộn đã không đủ nhanh hơn, cho Khánh được nghe Nguyên hẹn, thứ bảy này sẽ chờ đón cô đi qua vườn chôm chôm, xem bạn hàng giành nhau mua những chùm trái đầu mùa.
    Gia đình hai bác tư Hậu, sắp xếp với mẹ chị Tú đưa xác Nguyên về Trâm Vàng, chôn nằm cạnh mẹ. Cũng như bà, đám tang Nguyên không mấy người đưa, cũng không ngựa xe, không kèn trống. Chừng đó người, hai bác tư, anh chị Thảo, mẹ con chị Tú và Hiển, ngồi sụp quanh nấm mộ, Khánh ôm chầm lấy đất, rã rời không còn nước mắt để mà khóc thêm nữa. Ở lưng chừng trời, những giọt nắng trăng trắng chấp nối nhau như một dãy khăn tang, đong đưa như nhịp võng,  giữa trời sắp về chiều, đâu đây loáng thoáng có tiếng chuông lễ từ nhà thờ họ Bình Nguyên len theo chiều gió ngược về ngang nghĩa địa như lần trước.


Thuyên Huy

Chuyện Cười



Hai linh mục đi nghỉ ở Hawaii. Họ quyết định sẽ biến nó thành một chuyến đi nghỉ thực sự bằng cách không mặc bất cứ thứ gì để có thể nhận ra rằng họ thuộc giới linh mục. 
Ngay khi máy bay hạ cánh, họ tới thẳng một cửa hàng và mua một số áo chim cò, quần soóc, dép xăng đan, kính đeo mắt...
Sáng hôm sau, họ tới bãi biển, mặc bộ đồ "du lịch". Họ đang ngồi trên ghế, thưởng thức đồ uống, thưởng thức ánh mặt trời và phong cảnh trên bãi biển thì một cô gái tóc vàng đẹp chết người để ngực trần và đi ngang trước mặt.
Họ không thể nào không nhìn chằm chằm. Khi cô gái tóc vàng đi ngang, cô ta mỉm cười và nói:
- Chào buổi sáng, thưa cha, chào cha nữa nhé. - Cô gật đầu với mỗi vị linh mục và đi tiếp.
Cả hai vị linh mục choáng nặng. Tại sao mà cô ta lại biết họ là linh mục được nhỉ?
Thế là ngày hôm sau, họ quay trở lại cửa hàng và mua những bộ đồ sành điệu hơn nữa. Ngày tiếp theo hai vị linh mục trong bộ quần áo mới ngồi trên bãi biển và tận hưởng ánh nắng mặt trời. Sau một lúc, lại cô gái tóc vàng để ngực trần hôm trước lại đi về phía họ. Cô ta lại gật đầu với mỗi vị linh mục và nói
- Xin chào cha - và tiếp tục bước đi.
Một linh mục không chịu được nữa và nói.
- Xin chờ một chút thưa cô.
- Vâng, làm sao ạ? - Cô kia đáp.
- Chúng tôi là những linh mục và chúng tôi tự hào về điều đó. Nhưng tôi muốn biết là làm thế nào cô biết được chúng tôi là linh mục khi mà chúng tôi đã ăn mặc như thế này? - Ơ, cha không nhận ra tôi à, sơ Angela đây mà - cô gái đáp. 




Một hôm bác Tám đi Saigon thăm cháu . 
Sau khi tới xa cảng , bác lên xe bus ngồi thảnh thơi ngắm cảnh . 
Xe chạy được một đoạn , người bán vé hô to :
- Nguyễn đình Chiểu ... xuống ... 
Xe bus từ từ ngừng lại và có một người khách đi xuống . 
Xe tiếp tục chạy , vài phút sau bác Tám lại nghe :
- Phan đăng Lưu ... xuống . 
Xe lại ngừng và có người bước xuống cứ thế bác Tám nghe liên tục :
- Hai bà Trưng ... Xuống ...
- Ngô gia Tự ... xuống ...
- Lê thánh Tôn ... xuống ... 
Cứ thế xe tiếp tục cuộc hành trình . 
Tới tối khi xe về bãi đậu , người bán vé ngạc nhiên khi thấy bác vẫn còn ngồi trên xe , hỏi :
- Sao bác còn ngồi đây ???
- Thằng mắc dịch từ sớm tới giờ mầy có kêu tên tao đâu mà tao biết đường mà xuống !!!



Nha sĩ đang cắm cúi làm răng cho một khách nữ, đột nhiên la lên:
- Xin lỗi bà, cái mà bà đang bấu tay vào là bộ phận riêng tư của tôi chứ không phải thành ghế đâu.
- Tôi biết, thế thì cả hai chúng ta sẽ cố gắng nhẹ tay để không làm đau nhau nhé?


Hai khách bộ hành đi ngược chiều nhau trên một đường mòn hẹp.
Khi lại gần nhau, người nọ thấy người kia có dáng đi y hệt mình, kéo lê một chân dưới đất. 
Tới lúc giáp mặt, một người chỉ xuống cẳng chân tật nguyền của mình, cất giọng đầy cảm xúc:
- Chiến tranh vùng Vịnh! 1991, cách đây 15 năm.
Người kia gật đầu tỏ vẻ thông cảm, rồi cũng chỉ xuống cái chân đang kéo lê trên mặt đường của mình, thở dài:
- Cứt chó! Cách đây 20 mét.


Hai cụ ông ngồi trò chuyện trong công viên. 
Một cụ than thở vì sức khỏe dạo này giảm sút trầm trọng, mọi khi đi bộ hàng chục cây số mà chưa thấy mệt nhưng nay chỉ đi vài bước đã bở hơi tai rồi.
Cụ ông thứ hai tiếp lời:
- Còn tôi sức khỏe vẫn như xưa chẳng suy suyển chút nào.
Hồi trẻ, tôi không thể nào vác nổi một bao tạ gạo. Bây giờ ... vẫn thế!


Hai anh em nhà Mít nọ vào rừng bắn chim, thấy trên cây có chim, thằng em liền dùng tiếng Anh nói to:
- Birds ... birds on the trees, quick, quick, shoot them! 
Chim nghe động liền hoảng hốt bay mất.
Người anh nói:  
- Tiếc quá, mày làm nó bay mất rồi!
Người em nói: 
- Em sợ chim nó hiểu tiếng Việt, nên mới dùng tiếng Anh để nói, ai ngờ nó cũng hiểu tiếng Anh luôn.
(Từ Cảnh st)




30 thg 5, 2015

Đi Về- Thơ Thái văn Tươi,Phan Trần Đức


Ta về mà ngỡ như đi
Ngập ngừng bước mỏi, ta đi hay về ?
Quê người thôi cũng là quê
Một đời lãng tử, ta về hay đi ?
Thái văn Tươi



Ta về quê cũ năm xưa
Quê ta mà ngỡ xa xưa ? chốn nào ?
Một đời phiêu bạt, lao đao
Bây giờ trở lại, hư hao nỗi sầu
Phan Trần

29 thg 5, 2015

MƯA THÁNG 5 - Thơ Nguyễn Cang


Để tưởng nhớ người chị Hai kính yêu của tôi) 
*
Tháng sáu sắp đến ngày giỗ chị 
Lần nầy tính nhẫm nữa là hai 
Chị đi thanh thản không hờn tủi 
Con cái nên người chị xuôi tay 


Nhớ thuở xưa em còn nhỏ dại 
Chị theo mẹ quảy gánh đi buôn 
Rừng Dầu* xa tít theo chân bước 
Khập khễnh bờ đê khuất cuối thôn 



Thời gian mới đó mà trôi nhanh 
Vạn nẽo đường đời biệt tuổi xanh 
Gian khổ cuộc đời chị nếm trải 
Nuôi con cho đến lúc trưởng thành... 
Nhớ lúc tiễn em qua bến mới 
Bùi ngùi chị nắm chặt bàn tay 
Cầu mong em được nhiều may mắn 
Xứ lạ quê người biết cậy ai? 



Giây phút chạnh lòng em đứng lặng 
Biệt ly giờ biết nói năng chi 
Nhắc rằng mẹ yếu chị chăm sóc 
Mãi mãi đời nầy em khắc ghi 



Có lần nhớ chị gọi về thăm 
Nghe tiếng bên kia giọng thật trầm 
Lời chị thều thào hơi thở yếu 
Như hồn còn ở cõi xa xăm ! 



Một hôm nóng bức buồn hiu hắt 
Bỗng nhận tin nhà chị mất đi 
Trời đất bỗng dưng mưa thác đổ 
Nghe lòng đau xót lệ tràn mi 



Chị ơi ! sao chị đi nhanh thế 
Chưa đáp đền ơn chị kính yêu 
Hai mươi năm bão đời ngăn cách 
Nhìn về quê cũ nhớ bao nhiêu! 



Hình chụp gởi qua em xót dạ 
Trần gian chị để ngậm ngùi thương 
Cháu con mấy đứa sụt sùi khóc 
Đốt nén hương lòng lệ vấn vương! 



Nguyễn Cang 
(05/25/2015) 
Rừng Dầu*: một làng nhỏ nằm giữa làng tôi (Rừng Da) và quận Bến Cầu, cách xa nhà 6 cây số.
(ảnh: Google)

Về câu :"Quân sử thần tử"....Nguyễn văn Nghệ

 Khi tôi còn ngồi trên ghế nhà trường, mỗi khi phê phán Nho giáo và chế độ phong kiến, thầy cô thường đem câu nói: “ Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung; Phụ sử tử vong, tử bất vong bất hiếu” (Vua khiến bề tôi chết mà bề tôi không chết là bất trung; Cha khiến con chết mà con không chết là bất hiếu) và cho rằng Nho giáo dạy con người những điều hết sức là phi nhân bản.( Đại đa số các bài viết trên sách báo cũng như trên google hiện nay đều ghi “ Quânxử…Phụ xử…”, đúng nguyên văn chữ Hán ghi là “Quânsử…Phụ sử…”. Khiến, sai khiến người gọi là Sử. Quân sửthần tử: Vua khiến bề tôi chết; Phụ sử tử vong: Cha khiến con chết).
Trong các vở tuồng, chèo … hiện nay khi phê phán, đả kích Nho giáo hay phong kiến, các nhà biên soạn thường đem câu: “ Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung…” để mà chế giễu.
Giai thoại văn chương Việt Nam có kể về tài ứng đối của Đinh Nhật Thận. Đinh Nhật Thận sinh năm Ất Hợi (1815) tại làng Thanh Lạo, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, đỗ cử nhân khoa Đinh Dậu (1837), đỗ tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1838) được bổ làm Tri phủ. Ông thường giao du với Cao Bá Quát và Nguyễn Hàm Ninh. Sau Cao Bá Quát dấy binh chống lại triều đình, Đinh Nhật Thận bị tình nghi, bắt giải về kinh giam, sau được thả ra (Quốc triều hương khoa lục chép về Đinh Nhật Thận: “ Vì là bạn cũ của tên giặc Cao bá Quát nên bị bắt giam, sau được thả” ( Cao Xuân Dục, Quốc triều hương khoa lục, Nxb TPHCM, trang 191). Vì mến tài ông, vua Tự Đức lưu ông lại ở kinh đô để dạy con em trong hoàng tộc và cũng là một kế để dễ bề kiềm tỏa ông. Ông mất năm Bính Dần (1866). Quốc triều đăng khoa lục chép về ông: “Ông đọc sách qua một lượt là nhớ. Làm văn, cất bút là xong, không cần phải nháp, í tứ mới lạ, phần nhiều không theo khuôn sáo lối văn thời bấy giờ. văn thơ ông làm xong là bỏ qua, không lưu lại bài nào” ( Cao Xuân Dục, Quốc triều đăng khoa lục, Nxb Văn học, trang 69).
Tục truyền khi ở kinh đô, một hôm Đinh Nhật Thận cùng các quan đại đại thần theo thuyền ngự đi ngoạn cảnh trên sông Hương. Nhân bàn luận về Nho giáo, ông nhắc đến câu:“Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung; Phụ sử tử vong, tử bất vong bất hiếu” và cho đó là một câu chí lí. Nghe xong vua Tự Đức phán: Vậy trẫm truyền cho khanh nhảy xuống sông này chết đi!
Nghe vua phán vậy, các quan trên thuyền đều lo sợ thay cho ông, vì không nhảy xuống sông thì không được, mà nhảy xuống thì bị chết một cách oan uổng. Ấy vậy mà ông vẫn bình tĩnh lạy nhà vua xong đâu vào đấy rồi lao mình xuống dòng sông. Mọi người tưởng đây là nơi an nghỉ ngàn thu của ông. Nhưng chỉ trong giây lát ,ông ngoi đầu lên khỏi mặt nước và tay bám vào thuyền ngự. Vua Tự Đức hỏi: Sao khanh không ở dưới đó luôn mà còn trở lên đây? Ông đáp: Thần định ở luôn dưới đó, nhưng khi vừa xuống đến đáy sông thì thần gặp ông Khuất Nguyên, ông ấy đuổi thần lên và mắng thần như sau: “Ngã phùng ám chúa hàm oan nhẫn/ Nhữ ngộ minh quân nịch tử hà?” (Ta gặp ám chúa phải chịu oan đã đành/ Còn ngươi gặp được minh quân sao lại trầm mình?), hạ thần nghe ông ấy mắng quá đúng cho nên phải ngoi lên tâu để bệ hạ rõ!
Vua Tự Đức cả cười, sai thị vệ kéo ông lên thuyền ngự, lấy quần áo cho ông thay rồi đích thân rót một chén rượu để khen thưởng cho cái tài ứng đối mẫn tiệp, mặc dù biết đó là một câu chuyện hoàn toàn bịa đặt.
Giai thoại nghe qua thì rất hay, nhưng giai thoại này chỉ dành cho những người không am tường Nho giáo kể cho nhau nghe lúc “trà dư tửu hậu” mà thôi!. Vì một người như Đinh Nhật Thận đã nhuần nhuyễn Tứ thư, Ngũ kinh, sách Bách gia chư tử…mà lại tán dương một câu hết sức là phi nhân bản như thế!
Nho giáo chỉ trung với ông vua có đủ tư cách, đáng cho mình thờ; nếu không thì có thể bỏ mà thờ ông vua khác, như Khổng tử đã bỏ vua nước Lỗ. Nghĩa Quân – Thần trong Nho giáo có định phận rõ ràng: Định công vấn: “ Quân sử thần, thần sự quân, như chi hà?” Khổng tử đối viết: “Quân sử thần dĩ lễ, thần sự quân dĩ trung” (Vua Định công nước Lỗ hỏi Khổng tử rằng: “Vua khiến bề tôi, bề tôi thờ vua, phải thế nào?” Khổng tử đáp rằng: “ Vua lấy lễ mà đãi bề tôi, bề tôi lấy trung mà thờ vua” – Luận ngữ : Bát dật ,19).Vua phải có đức độ, phải biết tu thân: “ Tự thiên tử dĩ chí ư thứ nhơn, nhứt thị giai dĩ tu thân vi bổn” (Trên từ bực thiên tử lần xuống cho đến hạng dân thường đều phải lấy sự tu thân làm gốc – Đại học). Bởi thế Mạnh tử bảo Tề Tuyên vương rằng:“Quân chi thị thần như thủ túc, tắc thần thi quân như phúc tâm. Quân chi thị thần như khuyển mã, tắc thần thị quân như quốc nhân. Quân chi thần thị như thổ giới, tắc thần thị quân như khấu thù”(Vua xem bề tôi như tay chân, thì bề tôi xem vua như bụng như lòng. Vua xem bề tôi như chó ngựa, thì bề tôi xem vua như người lạ trong nước. Vua xem bề tôi như đất như cỏ thì bề tôi xem vua như giặc như thù- Mạnh tử: Ly lâu ,Chương cú hạ,3).
Tề Tuyên vương hỏi Mạnh tử: “ Thần thí kỳ quân khả hồ?” Viết: “ Tặc nhân giả, vị chi tặc; tặc nghĩa , vị chi tàn; tàn tặc chi nhơn, vị chi nhứt phu. Văn tru nhứt phu Trụ hỹ, vị văn thí quân dã” ( “Bề tôi mà giết vua, có nên chăng?”. Mạnh tử đáp rằng: “ Kẻ làm hại đức nhân gọi là tặc; kẻ làm hại đức nghĩa gọi là tàn. Kẻ tàn, kẻ tặc chẳng qua là một người thường mà thôi. Tôi từng nghe vua Võ vương chỉ giết một người thường là Trụ mà thôi, chớ tôi chưa hề nghe giết vua”-  Mạnh tử, Lương Huệ vương, Chương cú hạ, 8). Tuân tử cũng nói : “ Tru bạo quốc chi quân, nhược tru độc phu” ( Giết một ông vua tàn bạo của một nước cũng như giết một kẻ độc phu –  Vua cũng chẳng phải thần thánh gì!)
Mạnh tử khẳng định: “ Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” ( dân là quí, thứ đến là xã tắc, vua là khinh – Mạnh tử ,Tận tâm, Chương cú hạ , 14)
Mối quan hệ Phụ – Tử trên tinh thần “ Phụ từ, tử hiếu”. Bổn phận làm con là phải hiếu với cha mẹ. Khổng tử giải thích: “ Sanh, sự chi dĩ lễ; tử, táng chi dĩ lễ; tế chi dĩ lễ” (Hễ làm con, khi cha mẹ còn sống, phải phụng sự cho có lễ, khi cha mẹ chết, phải chôn cất cho có lễ, rồi những khi cúng giỗ, cũng phải giữ đủ lễ –  Luận ngữ : Vi chính II, 5)
Lấy LỄ mà thờ cha mẹ không phải cha mẹ làm điều gì trái đạo cũng theo. Khổng tử nói: “ Sự phụ mẫu cơ gián,kiến chí bất tòng, hựu kính bất vi, lao nhi bất oán” ( làm con thờ cha mẹ, như thấy cha mẹ lầm lỗi thì nên can gián một cách dịu ngọt. Như thấy í tứ cha mẹ chẳng thuận theo lời khuyên của mình, thì mình vẫn một lòng cung kính và chẳng trái nghịch. Như cha mẹ giận mà khiến mình làm công việc cực khổ, chớ có đem dạ oán hờn – Luận ngữ: Lí nhân IV, 18)
Khổng tử khuyên người ta thờ cha mẹ một cách sáng suốt. Không phải bất kỳ điều gì cha mẹ sai khiến đều vâng theo, gọi là có hiếu. Người có hiếu nên biết phân biệt những điều lành của cha mẹ mà tuân theo, những điều dữ của cha mẹ mà can gián.
Vua Ai công nước Lỗ hỏi Khổng tử rằng: “ Con theo mệnh cha có phải là hiếu không? Tôi theo mệnh vua có phải là trung không?”. Hỏi ba lần mà Khổng tử không trả lời. Lúc Khổng tử ra ngoài, Khổng tử đem chuyện ấy nói với Tử Cống và hỏi í Tử Cống thế nào. Tử Cống thưa: “ Con theo mệnh cha là hiếu, tôi theo mệnh vua là trung, còn ngờ gì nữa?” – Khổng tử nói: “Ngươi không biết gì. Đời xưa đấng minh quân làm vua nước vạn thặng có tránh thần bảy người thì vua không làm điều lỗi; làm vua nước thiên thặng có tránh thần năm người, thì xã tắc không nguy; làm chủ một nhà, có tránh thần ba người thì lộc vị không suy. Cha có tránh tử, thì không hãm vào điều vô lễ; kẻ sĩ có tránh hữu, thì không làm điều bất nghĩa. Cho nên con theo mệnh cha há đã là hiếu, tôi theo mệnh vua há đã là trung. Chỉ có biết xét cái đáng theo mà theo, mới gọi là hiếu, là trung vậy” (Khổng tử gia ngữ: Tam thứ, IX). Xem thế làm điều hiếu, không phải cha làm thế nào cũng phải theo. Có khi cha làm điều gì trái lẽ, thì phải hết sức can ngăn, để cho cha khỏi bị những điều lầm lỗi. Nhưng chỉ cốt phải theo lễ mà can ngăn. Hiếu có hợp lễ mới thật là hiếu.( xem Trần Trọng Kim, Nho giáo,quyển thượng – in lần thứ tư, Nxb Tân Việt- Sài Gòn, trang 142-143).
Vì nghe qua trong câu: “Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung; Phụ sử tử vong tử bất vong bất hiếu” xuất hiện những từ “Quân”; “Thần”; “Phụ”; “Tử” có âm hưởng của Nho giáo nên quy nạp câu nói ấy là của Nho gia. Câu nói ấy chính là của Thái tử Phù Tô nói khi nhận lệnh vua cha là Tần Thủy Hoàng bắt phải chết do Lý Tư ngụy tạo di chiếu. Tướng Mông Điềm đề nghị đem quân về kinh đô xem có thực là di chiếu của Tần Thủy Hoàng nhưng Thái tử Phù Tô cản lại bằng câu nói: “Quân sử thần tử ,thần bất tử bất trung; Phụ sử tử vong,tử bất vong bất hiếu”
Như chúng ta biết nhà Tần theo chế độ Pháp gia chứ không phải Nho gia. Quản tử chủ trương: “ Tôn quân ti thần, dĩ thế thắng dã” (Tôn vua lên, hạ quan xuống, lấy cái uy thế mà thắng lướt), thế là đặt vua trên luật, mở đường cho hơn 2000 năm chuyên chế. Chính Pháp gia mới đưa ra quan niệm: “ Trung thần bất sự nhị quân” (tôi trung không thờ hai vua). Hơn nữa họ trọng cái “thế”(quyền thế) của vua khiến vua hóa ra độc tài, bắt bề tôi chết thì chẳng kể phải trái, bề tôi cũng phải chết, không chết thì không trung (Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung). Từ Hán Võ đế trở đi, quan niệm đó được các vua chấp nhận, và hình như không có nhà Nho nào phản đối, mà nền quân chủ của Trung Hoa hóa ra chuyên chế (Nguyễn Hiến Lê, Sử Trung Quốc tập 1. Nxb Văn hóa, trang 191)
Nhà nghiên cứu Kim Định nhắc nhở chúng ta: “…cái bổn gốc của Nho giáo là “chí  trung” mà trung là không cậy dựa = “ trung lập nhi bất ỷ cường tai kiểu”. Đó là cốt yếu những bài học dạy học của ông ( Khổng tử- TG). Đừng đem những câu Hán học như “trung thần bất sự nhị quân” hay “quân sử thần tử, thần bất tử bất trung” mà gán vào miệng ông. Làm thế là thiếu óc khoa học. Cha ông ta tuy về phê bình chưa đạt cao lắm nhưng không để cho những câu tầm gửi kiểu trên làm thui chột chí bất khuất” ( Kim Định , Căn bản trong triết lí văn hóa Việt Nam..https://www.catholic.org.tw/vntaiwan/kimdinh2/00kim.htm. Xem chương VI : Từ Văn tổ tới Văn miếu; mục 6e: Vạn thế sư biểu)
Một vấn đề mà được “ chúng khẩu đồng từ” (đông người cùng nói một lời) chưa hẳn là sự thật. Sự thật không hẳn thuộc về số đông cho dù trong số đông có cả Ban Tuyên giáo Trung ương !
Nguyễn Văn Nghệ
Tổ dân phố Phú Lộc Tây I , Thị trấn Diên Khánh-  Khánh Hòa.

Nguồn: khoahocnet.com