30 thg 4, 2024

Trên lưng trời

Một thứ mùi đặc biệt như chẹn lấy ngực Duy, thứ mùi nồng nặc, oi ả toát ra từ da thịt, từ lớp lông mịn màng của hàng chục thú rừng nằm gọn trong hàng cũi xếp dọc thân phi cơ.

Đây không phải lần đầu Duy chở súc vật, nhưng lần này, loại hành khách rừng rú hơi nhiều. Cũng chẳng có gì lạ: đi đường biển phải cả tháng trời, trong khi dùng phi cơ chỉ mất chừng 2 ngày; các tay săn thú cho vườn bách thú ngoại quốc luôn luôn nhờ cậy Duy trong việc chuyên chở thứ hàng hóa phải chăm sóc này.

Gã phi công phụ vừa lẩm nhẩm đếm vừa gật gù thán phục:

– 3 con hổ … 4 con beo, không kể đười ươi với rắn … Kể ra bắt sống được của quái này mà không hề hấn gì cũng phải là tay cừ lắm!

Duy mỉm cười:

– Chứ sao!… Can đảm không đủ đâu, còn phải kiên nhẫn ghê gớm nữa kìa!… Chú coi con đười ươi kia: khôn kinh khủng, mà vẫn sa bẫy như thường … Họ đặt cũi tre khuất trong bụi cây, chiếc cửa sập được nối với đống xoài chín thơm phức … Chú khỉ tham ăn chui đầu vào cạm như con chuột!…

Duy quay đầu ra phía sau, nháy mắt cười với 2 đứa bé đang lúi húi bên mấy lồng chim sặc sỡ:

– Sẵn sàng chưa … mấy cháu? Ta lên đường, nghe!

Tom và Mi vẫy tay chào người chú vui tính, mắt ánh lên chút tinh nghịch … Cả hai là con tay thợ săn nổi tiếng trong vùng; lần này anh em Tom mới đi phi cơ là một, nên có chút bỡ ngỡ.

–oOo–

Tiếng động cơ nổ ròn … Phi đạo rút ngắn lại … Con chim sắt lướt lên cao, thân hình óng ả nổi bật trên nền trời xanh màu lơ … Giờ phút đầu tiên thực thú vị: Tom nhìn xuống thành phố nhỏ dần, hàng cây như những vết chìm đậm nhạt, dòng sông bạc lấp lánh quanh co …lòng nhẹ lâng.

Nhưng Duy và người phi công phụ không có được niềm vui thơ ngây của 2 đứa nhỏ. Duy liếc nhìn bàn lái chi chít những mặt kiếng tròn, những máy đo, những nút bấm, băn khoăn:

– Chắc gặp bão mất!… Nhìn phong vũ biểu coi!

Gió bắt đầu mạnh hơn … Từng đợt mây đen kịt mọng hơi nước xuống thấp dần, và vừa lúc chạng vạng tối thì giông bão thực sự bắt đầu.

Anh em Tom đã biết thế nào là bão rừng, nhưng chưa lần nào 2 đứa thấy mưa gió dữ dội tới mức đó.


Trời không tối đen như chúng ta tưởng mà luôn đỏ rực màu lửa lóe ra từ bức thành mây dày đặc… Mưa như trút nước xuống lớp tôn cứng đang rung lên như sợi dây đàn căng thẳng … Tom nghĩ chừng không phải hạt nước mà là hàng ngàn viên đạn rào rào tỉa vào thân phi cơ.

Rồi còn chớp nữa chớ!… Những làn chớp xanh lè, dài vô tận, vạch ngang dọc vòm trời, dữ dằn như thứ dây điện cao thế phát ra từ chiếc máy bao trùm vũ trụ … Mi run lên, ngồi sát vào anh: nó tưởng tượng chỉ một tia lửa xẹt trúng, cũng đủ làm phi cơ bùng cháy như ngọn đuốc!

Thảm thương nhất là đàn thú rừng: hàng cũi sắt lắc lư như sóng nhồi, va chạm vào nhau, xô giạt đàn hổ báo vào một phía; những sợi xích sắt loảng xoảng, quăng lên quật xuống, nhịp với tiếng nổ sấm sét ngoài trời làm chúng gần như điên loạn.

Tom lo xoắn ruột gan: nó chỉ lo một chiếc cũi nào đó sút vài thanh sắt, vài con ác thú xổng ra… Lúc đó chẳng biết xoay xở làm sao!… Nhưng ngoài mặt, thằng bé vẫn thì thào với đứa em mặt xám ngoét, cắt không còn hạt máu:

– Không hề gì đâu, cưng!… Bão sắp tan mà!… Sấm sét thưa rồi đấy nhé! Thấy không!

Thằng Mi thấy gì đâu… Tai nó còn ù lên vì tiếng ì ầm như trọng pháo nổ ngoài trời kia!

–oOo–

Duy nới lỏng cần lái, thở phào nhẹ nhõm … Chiếc phi cơ được điều khiển khéo léo, đã vượt khỏi vùng nguy hiểm… Gió nhẹ dần, mưa cũng tạnh hạt, vòm trời sáng lên đôi chút dưới ánh sao lấp lánh trên từng cao.

Anh nghĩ chừng 2 đứa bé vừa trải cơn giông gió khủng khiếp chắc sợ hãi lắm.

– Bây giờ còn gì đâu mà lo … Nhưng cũng phải cho chúng biết chứ.

Duy với tay cầm chiếc máy nói, giọng vui vẻ:

– Thế nào các cháu?… Phi cơ vừa khiêu vũ một hồi, có cậu nào sợ không?

Anh hơi ngạc nhiên về câu trả lời của Tom: tiếng thằng bé thều thào như hết hơi … Chắc nó còn hốt hoảng về cơn bão vừa qua!… Rõ ràng nó lắp lắp:

– Chú Duy … Chú cho nghe nhạc đi!

Duy phì cười. Anh quay lại phía người phi công phụ:

– Cậu bắt đài phát thanh nào cho nổi nhạc chơi… 2 thằng nhỏ yêu cầu!


Vào giờ đó chỉ còn đài Ấn Độ … Điệu sáo lanh lảnh cất lên, dìu dặt, đều đều … Thứ âm thanh xa lạ gợi cho người nghe cảnh rừng rú man rợ với những phong tục kỳ quái … Nhưng không hiểu sao, Duy vẫn thấy băn khoăn về giọng nói thất thanh của đứa cháu. Anh lẩm bẩm:

– Xưa nay có thấy thằng nhỏ đòi nghe nhạc bao giờ! Phải có chuyện gì đây!

Anh trao cần lái cho bạn, mở cửa bước sang phòng hành khách. Cảnh tượng hiện ra trước mắt khiến Duy sững sờ, người lạnh ngắt, muốn đứng tim: 2 đứa bé co ro trên băng, thằng Tom ngồi phía trước đưa mình che cho em… Nó lặng lẽ nhìn thẳng vào chiếc đầu hình tam giác có cặp mắt vàng khè, long lanh như thứ đồng nguyên chất mới đun chảy… của một con hổ mang đen, loại đặc biệt. Con độc xà quái đản này lắc lư theo nhịp sáo thoát ra từ máy vi âm trên trần … Chiếc cổ có làn da mỏng với vành kính trắng bạnh ra, đu đưa một cách thích thú… Tiếng sáo vẫn lảnh lót đôi lúc vút lên cao …

Duy thoáng nghĩ tới cảnh đàn rắn múa nhảy theo điệu kèn man rợ của gã phù thủy có vành khăn trắng quấn nhiều vòng trên đầu, vẫn thường gặp trên lề đường ở Ấn Độ … Dứt tiếng kèn, lũ rắn ngoan ngoãn chui vào chiếc giỏ tre đặt cạnh đó, hiền lành như rắn nước.

Nhưng anh thừa rõ hành động của con rắn hổ mang đen đang múa men trước mặt: tới lúc không còn nhịp sáo quyến rũ, bản tính hung hãn cố hữu thức tỉnh, và khi đó… Duy rút nhanh khẩu súng lục bên sườn, anh phải hạ ngay con vật, giữa lúc nó chưa kịp tác quái mới được!… Giọng nói bình tĩnh của Tom giữ tay anh lại:

– Đừng bắn, chú!… Nghe cháu!

2 đứa bé nhích từng chút ra khỏi ghế, lùi dần về phía Duy. Con rắn vẫn mê man với nhịp sáo trên cao… Nó vươn mình say sưa uống từng âm thanh tỏa xuống. Duy có cảm tưởng con vật giống sợi thừng ma quái dựng đứng theo tiếng kèn điều khiển của một pháp sư vô hình.

Bàn tay nhỏ nhắn của Tom níu chặt cánh tay cầm súng. Thằng bé vừa nuốt nước bọt một cách khó khăn, vừa nói thực nhanh:

– Con hổ mang này hiếm có lắm… Phải cả tháng trời vất vả Ba cháu mới bắt được nó … Đừng bắn, chú!

Không sao … Duy đã nghĩ được cách hạ nó không cần súng. Anh vuốt lưng đứa bé:

– Yên tâm … Chú cho nó ngủ vậy!… 2 cháu đeo mặt nạ dưỡng khí vào đi… Chú Bích, Bích là tên người phi công phụ, chú kéo cần lái cho lên 10000 bộ coi!

Bích hiểu ngay anh định làm gì. Chú ta cũng chẳng cần hỏi lý do, lẳng lặng làm theo lời Duy, như cái máy.

Chiếc phi cơ lồng lên như ngựa bất kham … Duy nhìn đồng hồ chỉ độ cao: 3000 … 4000 … 6000 bộ… Anh liếc về phía con rắn: nhịp lắc lư của chiếc đầu tam giác dịu dần… Trong phi cơ giá buốt, phần lượng dưỡng khí giảm đi khiến đàn thú rừng hết gầm gừ … Con hổ mang uốn mình xuống thấp, mỏi mệt nằm cuộn tròn, èo uột như nắm giẻ rách trên sàn nhôm bóng loáng.

Duy chưa biết nên làm gì, tất nhiên anh nghĩ tới chuyện nhốt con rắn rồi nhưng biết nó có ngủ say không?… Hay chờ tới khi anh đụng tay vào người còn cố tỉnh để ghim 2 nanh nhọn như mũi kim, bơm vào cơ thể anh cả túi nọc có sức mạnh vật chết con bò mộng trong 2 phút, rồi mới chịu nằm im đây?

Tom tránh cho chú công việc khó khăn ấy: thằng bé nhanh như cắt đã chồm vào con vật, chịt lấy gáy, quăng vào chiếc hộp sắt, đậy lại. Hành động của nó vừa nhanh vừa gọn, thành thạo như tay nhà nghề.

Bây giờ nó mới cười ra tiếng được… Nó kéo tay Duy:

– Chú khoan xuống thấp vội … Để cháu coi lại xem có chiếc cũi nào sút thang không?… Vài ba con hổ mà xổng chuồng thì chú cháu mình mệt!

May quá!… Chỉ có chiếc hộp đựng rắn bị đụng rớt lúc nãy thôi. 2 chú cháu xoa tay hể hả:

– Bình an vô sự, phải không chú?…

Duy nhìn đứa cháu trai mới 12 tuổi, lòng tràn ngập mến phục. Anh quay ra với người phi công phụ:

– Không ngờ thằng bé thế mà gan dạ … Y như ba nó vậy. Của này sau lại nổi tiếng cho coi!

–oOo–

Anh đoán có phần đúng: bình tĩnh và sáng suốt là đức tính hiếm hoi, mà 2 thứ đó Tom đều có, vậy không thành công sao được!

NMT phóng tác

(Theo J.L.Galet)

Trần Vũ đánh máy lại tháng 2-2024 từ tuyển tập 15 Truyện Mạo Hiểm của Nxb Sống Mới in tại Sàigòn trước 75.

 

GIA ĐÌNH SƯ PHẠM SÀI GÒN : TÌNH ĐỒNG MÔN.- Hồ Thị Cẩm Vân Thăm GĐ Bùi Thị Thế (k,11 SPSG )

Sáng nay, 29/4/2024  theo như lời hẹn, các bạn đồng khoá 11-SPSG lên nhà thắp nhang và chia buồn cùng tang quyến chị Buì Thị Thế . 
Với tư cách đại diện khoá 11, Hồ Thị Cẩm Vân đã trao tiền của quỹ tương trợ như chút tấm lòng của thầy cô và đồng Môn GĐ SPSG dành cho GĐ chị.
Căn nhà rộng rãi nằm khiêm tốn cuối đường 30, cây cỏ xơ xác như đang thiếu vắng bàn tay chăm tưới.
Bàn thờ chị nằm lặng lẽ giữa nhà, thấy bạn đồng môn lên, khuôn mặt chị như sáng lên và miệng như đang mĩm cười mừng rỡ. Khi còn sống, chị đã hết lòng với ngành Giáo dục, rồi khi chết chị cũng muốn góp chút công sức cho ngành y nên chị xin hiến xác chị để các SV  y khoa nghiên cứu hầu có kinh nghiệm cứu người.
Nghe anh Lộc chồng chị nói những ngày tháng cuối đời, chị luôn mong ngóng bạn đến chơi hay chờ những cuộc gọi, tin nhắn từ bạn bè.... khi chờ mỗi mòn không thấy, chị buồn hiu nói với chồng : sao không ai lên group nói chuyện cho vui...còn bạn bè chị thì nói, không dám hỏi thăm sợ chị chạnh lòng....vậy là cứ mong ngóng....thương chị.
Chị Nguyệt, bạn cùng lớp đứng trước bàn thờ chị sụt sùi, nước mắt rơi...vì nhớ chị..
Cuộc chia ly nào cũng đau lòng nhưng biết sao bây giờ, quy tắc muôn đời của tạo hoá....vậy đó, sống thương nhau không hết, cho nên khi còn sống hãy sống cho hết lòng bằng chính những tình cảm chân thành để mai nầy có đi xa, sẽ không phải hối tiếc điều gì...
GĐ SPSG xin tiễn biệt chị về với Chúa an yên nghen chị...phù hộ cho chồng con chị, cho thầy cô và cho hết thảy GĐ SPSG nhen chị Bùi Thị Thế.
 
Bài và Ảnh:Hồ Thị Cẩm Vân

Tình Thi Sĩ (1) và (2). Thơ Quách Như Nguyệt, nhạc Phạn Hoành Đệ ,Hòa Âm Video Phan Đệ

 1./Tình Thi Sĩ - Thơ Quách Như Nguyệt - Nhạc Phan Hoành Đệ - Ca sĩ Hà Thảo - Hòa âm & Video Phan Đê

 Tình Thi Sĩ (1)
Anh nói ghét nghĩa là anh thương đó

Em biết mà anh yêu chẳng so đo
Tình thi sĩ cho nên tình rất đẹp!
Rất nên thơ vì yêu để mơ màng

Anh nói ghét, ghét em nhiều lắm lắm!
Còn nói rằng chớ tin những bài thơ
Những bài thơ ôi quá đỗi trữ tình
Anh đã làm tặng em nhiều nhiều lắm!

Anh nói ghét nghĩa là anh thương đó
Em cho là như thế đó anh ơi!
Nếu không thương, thơ không tình đến thế
Nếu không yêu, thơ không nhỏ lệ buồn!

Tình thi sĩ, tình yêu thương bàng bạc
Bay như mây, lãng đãng sợi tơ trời
Thương với ghét, ôi lằn ranh giới mỏng 
Rất nhẹ nhàng nên tình chẳng trông mong

Tình thi sĩ, tình yêu không biên giới!
Ngôn ngữ thơ, ôi nhớ thương vời vợi!
Hiểu đại rằng anh nói ghét là …thương
Anh biết không đời huyễn ảo lẽ thường

Những bài thơ anh làm…thương với ghét!

Những bài thơ anh làm... ghét với thương!
Như Nguyệt

2./Tình Thi Sĩ 2 - Thơ Quách Như Nguyệt - Nhạc Phan Hoành Đệ - Ca sĩ Hà Thảo - Hòa âm & Video Phan Đê


 2./ Tình Thi Sĩ (2)

Sáng nay

Nhận được thơ tình

Thơ anh

Tỏ rõ mối tình thiên thu

*

Đọc rồi

Em khóc hu hu…

Cảm động ghê lắm

Anh ơi…   chẳng ngờ

*

Từ lâu

Lặng lẽ đọc thơ

Là người ái mộ

Đâu ngờ… được thương?

*

Vô thường

Tự nhắc em luôn

Tình anh thi sĩ

Như con chuồn chuồn

*

Chuồn chuồn

Chẳng chấp thị phi

Khi vui nó ở

Khi buồn nó đi

*

Buồn buồn

Em lại đọc thơ

Bài thơ tình quá

Làm mơ mộng hoài

*

Thôn đông ngồi nhớ thôn đoài

Em đây ngồi nhớ, mong tình dài lâu

*

Ấu ờ… tình nghĩa đậm sâu

Tình mình xa lắc, qua thơ ấy mà

Ấy vậy mà rất đậm đà

Cảm ơn anh đã mặn mà yêu em!

Quách Như Nguyệt


Bình Nguyên Lộc – Đại thụ rừng văn chương phương Nam - Nguyễn Thanh

Ở miền Nam, trước năm 1975, sách giáo khoa Việt văn các lớp trung học phổ thông, mà giáo viên văn học đã tham khảo đa phần do tác giả gốc ở miền Bắc biên soạn như Phan Ngô, Đỗ Văn Tú, Nguyễn Duy Diễn, Nguyễn Sỹ Tế… và Thẩm Thệ Hà ở Sài Gòn. Nhờ những bộ sách này, tôi đã biết thêm ngoài các tác giả miền Bắc còn có những nhà văn, nhà thơ uy tín miền Nam như: Sơn Nam (1926-2008), Trang Thế Hy (1924-2015), Lý Văn Sâm (1922-2000), Tô Nguyệt Đình tức là Tiêu Kim Thủy (1920-1988),… và đặc biệt là Bình Nguyên Lộc, một nhà văn có tài, nổi trội với khối tác phẩm đồ sộ và đa dạng.

Bình Nguyên Lộc (1914-1987) tên thật là Tô Văn Tuấn, thường ký với các bút danh: Bình Nguyên Lộc, Phong Ngạn, Phóng Ngang, Phóng Dọc, Trinh Nguyên Tôn Dzật Huân, Hồ Văn Huấn, Diên Quỳnh. Bình Nguyên Lộc xuất thân trong một gia đình trung lưu đã có mười đời sống tại Tân Uyên, Biên Hòa, cha là ông Tô Phương Sâm làm nghề buôn gỗ và mẹ là bà Dương Thị Mão.

Nhà văn Bình Nguyên Lộc

Nhà Bình Nguyên Lộc chỉ cách bờ sông Đồng Nai hơn 100m nên hình ảnh con sông quê hương đã in đậm dấu ấn trong những trang văn sau này của ông ở truyện ngắn Đồng đội (Ký thác), hồi ký Sông vẫn đợi chờ (đăng báo ở hải ngoại). Lên 5 tuổi, Bình Nguyên Lộc bắt đầu đi học chữ Nho với một ông đồ trong làng, sau đó vào học trường tiểu học ở quê nhà (1921-1927).

Năm 1928, ông ở nhà luyện tiếng Pháp để thi vào Trung học Pétrus Ký ở Sài Gòn. Sau 4 năm học (1929-1933) ở Trường Trung học Pétrus Ký, ông đỗ bằng Thành chung (Diplôme d’Études Primaires Supérieures). Năm 1934, sau khi về quê lập gia đình với cô Dương Thị Thiệt, Bình Nguyên Lộc thi đỗ vào ngạch thư ký hành chính nhưng phải một năm sau mới đi làm vì kinh tế nhà nước khủng hoảng. Lúc đầu, ông làm công chức tại Kho Bạc tỉnh Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương).

Năm 1936, Bình Nguyên Lộc đổi về làm nhân viên kế toán ở Kho Bạc Sài Gòn (sau gọi là Tổng nha Ngân khố Sài Gòn) và bắt đầu viết sung sức từ thời điểm này sau một cơ duyên chữ nghĩa khiến ông đến với làng văn. Trong tập hồi ký viết dở dang Nếu tôi nhớ kỹ, khoảng năm 1930, nữ doanh gia Tô Thị Thân, chủ nhân của 20 tiệm cầm đồ tại Sài Gòn bị báo chí chỉ trích là gian thương nên muốn ra một tờ báo để có tiếng nói bênh vực cho mình.

Bà Thân nhờ người thư ký kế toán của bà là ông Tô Văn Giỏi vốn là anh họ của Bình Nguyên Lộc, tìm hộ người phụ trách tờ báo. Ông Giỏi nhờ Bình Nguyên Lộc tìm người làm báo. Từ việc tìm kiếm người làm báo, ông có dịp tới lui với văn nghệ sĩ khiến ông thấy thích nghề cầm bút  và tập viết báo, viết văn. Năm 1942, Bình Nguyên Lộc bắt đầu cộng tác với báo Thanh niên của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát trong ban biên tập có cả Xuân Diệu, Huy Cận, Tố Hữu, giao du với Đỗ Đức Thu, Mặc Đỗ, Nguyễn Văn Bổng,…

Năm 1949, Bình Nguyên Lộc xuống Sài Gòn, thôi làm công chức, sống luôn bằng nghề viết văn và cộng tác với các báo: Lẽ sống, Đời mới, Tin mới, Bách khoa, Văn hóa Ngày nay (của Nhất Linh),… Bình Nguyên Lộc cũng chủ nhiệm tuần báo Vui sống (1959) rồi phụ trách trang Văn nghệ của báo Tiếng chuông (1960-1963) và làm Chủ biên nhật báo Tin sớm (1964-1965). Khi bắt đầu viết dài kỳ cho các báo (1951-1952), Bình Nguyên Lộc viết truyện phiêu lưu, dã sử… rồi sau đó là truyện tình cảm.

Cao điểm có lúc ông viết 11 truyện dài kỳ mỗi ngày. Từ những năm sau 1975, do bệnh cao huyết áp, sức khỏe suy kém, ông không tham gia hoạt động xã hội và văn nghệ. Sang Mỹ định cư (tháng 10.1985), khi đỡ bệnh, Bình Nguyên Lộc vẫn không quên cầm bút viết trở lại truyện ngắn, hồi ký, tiểu thuyết và các loại sách tìm hiểu về nguồn cội và ngôn ngữ dân tộc… cộng tác với các tạp chí văn học ở hải ngoại. Nhiều tiểu thuyết ở dạng bản thảo đang viết dở dang còn được gia đình lưu giữ lại một ít, nhưng phần lớn đã thất lạc sau khi nhà văn qua đời (1987).

Bình Nguyên Lộc để lại một khối tài sản văn hóa đồ sộ (theo Nguyễn Ngu Í) gồm: ngoài bút ký và thơ là khoảng 50 tiểu thuyết, 1.000 truyện ngắn, 4 quyển nghiên cứu độc đáo, mỗi quyển hơn nghìn trang. Ông Bình Nguyên Lộc được coi là một nhà văn lớn, với số lượng tác phẩm vô địch viết theo theo nhiều thể loại.

Tiêu biểu cho sự nghiệp văn chương của Bình Nguyên Lộc trước tiên phải kể cuốn tiểu thuyết Đò dọc đã đoạt giải nhất cuộc thi Văn chương Toàn quốc năm 1959 tại Sài Gòn. Phơi bày bức tranh xã hội của miền Đông Nam Bộ vào giữa thập niên năm 1950, Bình Nguyên Lộc đã thành công nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật trong cuộc sống di dân ngược xuôi như những chuyến đò dọc của ông bà Nam Thành cùng 4 cô con gái: Hương, Hồng, Hoa, Quá. Cuộc chiến tranh diễn ra ác liệt, khiến người gia trưởng cùng vợ con từ Bạc Liêu, Tây Nam bộ lên Sài Gòn sống ở xóm Tây gần thành Ô Ma. Đến ngày Pháp rút khỏi Việt Nam, bốn cô con gái đã học được một ít chữ nghĩa thì cả nhà lại trôi giạt về một sống ở một xóm quê khô cằn ở Thủ Đức, miền Đông Nam bộ.

Cuộc sống đơn điệu với từng ấy gương mặt có nguy cơ biến các cô tiểu thư xinh đẹp thành những cô gái già héo úa. Mỗi cô con gái có một tâm tình riêng, người cha và người mẹ không dễ thấu hiểu và chia sẻ với họ. Viết Đò dọc, tác giả như muốn tôn vinh giá trị gia đình như một nền tảng để con người có thể tựa vào trước bao biến thiên của xã hội. Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng này được Đạo diễn Nguyễn Trọng Nghĩa, hãng phim truyền hình TFS thực hiện vào năm 2013 quay trong 4 tháng ở Gò Công, Long Khánh, Sa Đéc, Bình Dương, Đà Lạt và TP.HCM.

Ngoài tiểu thuyết, truyện ngắn và tùy bút thật hay như: Nhốt gió (1950), Ký thác (1960), Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc (1966), Tình đất (1966), Thầm lặng (1967), Cuốn rún chưa lìa (1969),…

Truyện Nhốt gió nói một thằng bé con có khát vọng nhốt gió lại, để gió đừng bay đi nhưng nhốt không được gió nên nó tìm cách thỏa hiệp với gió, bèn phải chơi với gió. Người đọc chủ quan tự đoán ra ý nghĩa của gió. Phải chăng đây là sự nổi loạn của tuổi trẻ hoặc là sự quật khởi của người dân mất nước. Không nói đến ý nghĩa khách quan toát ra từ hình tượng gió, nghĩ ra được hình tượng đặt vào văn cảnh trong truyện cũng đã là rất tân kỳ.

Tập Ký thác, gồm 16 truyện, trong đó có những truyện ngắn hay như: Rừng mắm, Ba con cáo, Đội bạn mắc hoa vông,.. tiêu biểu cho nghệ thuật truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc. Thằng Cộc theo ông và cha mẹ đến rừng nước mặn mà gia đình nó đặt tên là Ô Heo, chiến đấu với thiên nhiên, lấn biển để giành đất sống, gợi ta nhớ đến cuộc chiến đấu đơn độc giữa Ngư ông và biển cả (The old man and the sea – Ernest Hemingway) hoặc Mai An Tiêm (Quả dưa đỏ – Nguyễn Trọng Thuật), Robinson Crusoe (Daniel Defoe) nơi đảo hoang.

Ở truyện Rừng mắm, ba đời nhà thằng Cộc tượng trưng cho cuộc di dân Nam tiến của người Việt từ Bắc xuống Nam từ thuở xa xưa trong trạng thái thèm người đến cháy bỏng. Trong tác phẩm này, Bình Nguyên Lộc đem đối chiếu bản chất người của con người với thiên nhiên, với đất và nước. Khi đổ bộ xuống vùng đất Ô Heo, cả 3 đời nhà thằng Cộc phải giáp trận với thiên nhiên chiến thắng rừng tràm để lập đất sống lấn ra biển. Ngoài Sơn Nam xuất hiện sau một thập niên, dường như trước Bình Nguyên Lộc, “chưa thấy nhà văn nào viết về sự khai phá đất hoang của dân tộc Việt Nam, về đất và nước một cách bát ngát và sâu xa đến thế” (Thụy Khuê).

Ở truyện Ba con cáo, nhà văn tinh tế phân biệt sau nhân tính với bản năng động vật, là cuộc tranh giành sự sống giữa người và vật trong vật vả, đói khát giữa một bãi tha ma. Cuối cùng, con người cũng chiến thắng về vật chất, nhưng lại trĩu nặng những di chứng tinh thần: “Hồ ly rùng mình một cái, không phải vì lạnh, cũng chẳng phải vì sợ mà vì chỉ bỗng sợ hãi chính mình, sợ hãi con người con người đã vơi cạn hết chất người”.

Từng dòng chữ thể hiện chất nhân văn cũng như óc quan sát chi ly rất chịu khó ở nhà văn như đoạn mở đầu truyện ngắn Rừng mắm mà nhà văn mô tả tâm trạng thằng Cộc chăm chú theo dõi con chim bói cá với vẻ thích thú: “Chim đang bay lượn bỗng đứng khựng lại, khiến thằng Cộc thích chí hết sức. Nó theo dõi con chim thầy bói ấy từ nãy đến giờ, chờ đợi cái phút này đây.

Thật là huyền diệu, sự đứng yên được một chỗ trên không trung, trông như là chim ai treo phơi khô ngoài sân nhà. Chim thầy bói nghiêng đầu dòm xuống mặt rạch giây lát rồi như bị đứt dây treo, nó rơi xuống nước mau lẹ như một hòn đá nặng. Vừa đụng nước, nó lại bị bắn tung trở lên như một cục cao su bị tưng, mỏ ngậm một con cá nhỏ”.

Ngoài những truyện có tính cách kinh dị nhưng kết cục giải mã trên cơ sở thực tế khoa học trong tập Tân Liêu trai (ký Phong Ngạn), truyện Thèm người, Bình Nguyên Lộc viết như một truyện ngụ ngôn. Anh chàng Bùi An Khương bị thất tình, khổ đau, ấm ức đi tìm cách trả thù tình. Khi vào rừng, anh ta bị một con khỉ cái bắt, cặp nách chuyền vùn vụt trên các ngọn cây. Đêm đêm, nó trói chàng vào thân cây, ban ngày tìm hái trái cây ngậm đầy miệng đem về nuôi chàng để mà… hiếp. Chàng trai sống mãi với khỉ đột đến gần mất hết tình người. Võ Phiến cho rằng Bình Nguyên Lộc viết truyện này với hảo ý làm vui người đọc nên không mấy chú ý về bút pháp nghệ thuật.

Đọc lại khối tác phẩm to lớn, đủ thể loại của Bình Nguyên Lộc, ta có thể thấy điểm sáng nổi bật ở hồn cốt nhà văn này. có thể do tính cách giản dị của người Nam bộ hoặc công việc của một cây bút viết chạy feuilleton hằng ngày, lời văn Bình Nguyên Lộc như ngôn ngữ đời thường của đa phần quần chúng lao động, đặc biệt truyện sử dụng nhiều đoạn văn ở hình thức đối thoại. Tác giả viết thoải mái mà không chú ý trau chuốt tỉa gọt, dùng cả đến những tiếng lóng, tiếng địa phương của người dân tộc. Bằng phong cách nghệ thuật đại chúng đó, Bình Nguyên Lộc làm hiển thị lên trong tác phẩm của ông nhiều chủ đề lớn trong nội dung tư tưởng tác phẩm. Trước hết là cảm thức về nguồn với tấm lòng biết ơn tiền nhân đã dày công khai phá vùng đất hoang sơ, chống chọi lại với thiên nhiên khắc nghiệt và thú dữ hại người thể hiện trong những truyện ngắn và tùy bút được coi thể loại sở trường của Bình Nguyên Lộc. Ai cũng biết, Huế, Hà Nội đều có một quá khứ phong phú vàng son đã được bao nhiêu văn nghệ sĩ nói đến qua văn chương nghệ thuật trong khi dĩ vãng của Sài Gòn thì còn rất ít người biết.

Với Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc, nhà văn đã hăm hở đi truy tìm dĩ vãng của nơi ông đến ở gần 40 năm tức là Sài Gòn thành phố mới chưa đọng lớp rêu phong thời gian vì “đất có ở lâu, tình đất mới sâu”. Tư tưởng của nhà văn Bình Nguyên Lộc suy ra cũng khá gần gũi với nhà thơ Chế Lan Viên khi cảm nhận về tình đất tình người: “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn” (Tiếng hát con tàu).

Chưa nói đến 2 tập thơ (Thơ tay trái, Việt sử trường ca) và 1 truyện thơ (Thơ ba Mén) và tác phẩm thuộc loại sưu tầm, chú giải văn học, những quyển kháo cứu đồ sộ của Bình Nguyên Lộc: Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam (1971), Lột trần Việt ngữ (1972) đã nói lên tâm huyết nóng bỏng của nhà văn dành cho ngôn ngữ, văn học nước nhà. Nhưng dường như sự cống hiến không mệt mỏi suốt cuộc đời của Bình Nguyên Lộc chưa được văn học sử quan tâm đánh giá thỏa đáng.

Chính vì vậy, hy vọng các nhà nghiên cứu trong tương lai với lăng kính lịch sử văn học dân tộc sẽ soi sáng, định vị tương xứng với tài năng cho Bình Nguyên Lộc. Với sự nghiệp văn chương đồ sộ, trong đó ngồn ngộn những tri thức văn hóa lịch sử thể hiện một tấm lòng đáng quý của ông với văn hóa dân tộc, ắt hẳn công chúng cả nước sẽ còn giữ lại từ tác phẩm và cuộc đời Bình Nguyên Lộc, một phong cách lục tỉnh xưa với tính bình dị, cởi mở và hiền lành. Như một chú nai đồng – ý nghĩa bút danh của nhà văn – trong tác phẩm văn chương của mình.

Nguyễn Thanh (từ Trang vanhocsaigon )

Hoa cây Sala

 Mời Xem :

Phố của thành phố _ Bình Nguyên Lộc

29 thg 4, 2024

VÌ AI, VÌ SAO THẾ!?- Đặng Việt Lợi

 VÌ AI, VÌ SAO THẾ!?
 
Sáng - men theo suối nắng
Trôi lang thang đầu ngày
Cũng hiền hoà, lãng mạn
Nắng dịu dàng trên vai
 
Trưa - duềnh lên thành biển
Nắng rang khô nụ cười
Lỡ chìm trong biển nắng
Mặn điếng giọt mồ hôi
 
Chiều - đỏ bừng phía ấy
Sót lại chút tà dương
Mặt trời còn ngún cháy
Hoàng hôn vật vã buồn
 
Tối - ủ đầy hương nắng
Giấc mơ đêm rã rời
Sài Gòn hâm hấp sốt
Chiêm bao đầy mưa rơi
 
Sáng trưa chiều tối: Nắng
Cứ miên man cợt đùa
Mưa - cơn mưa lơ đãng
Sao… vẫn chưa về nhà?
 
Làm Sài Gòn ngã bệnh
Ngày - từng ngày mê hoang
Khiến bài thơ cầu đảo
Bỏng rát lời than van?
 
Khuya, thức chờ trăng hỏi
Về cơn mưa phụ phàng
Vì ai, vì sao thế
Mà mưa rơi… muộn màng?
SG_260424
ĐVL
P/s Sáng Trưa Chiều Tối Khuya của một ngày SG đẫm nắng!


Mời Xem :

VỀ ĐI, MƯA ƠI,TA XIN MƯA ĐÂY. - Đặng Việt Lơi

MỘT TRUYỆN NGẮN HAY NHẤT Linh Bảo ( 1926- 22/4/ 2024 Tại Nam Cali )

MỘT TRUYỆN NGẮN HAY NHẤT
Linh Bảo
Sau bữa cơm tối, Quế dọn dẹp phòng mình thực nhanh. Từ hôm trời trở rét,nàng phải mang bao tay cao su để rửa bát, chùi nhà cũng như giặt dũ hay làm những công việc khác. Đó không phải là tính đài các rởm, nhưng trong mùa rét ai cũng làm thế để cho công việc nhanh chóng hơn. Nước lạnh buốt như nước đá mà phải thò tay không vào thì chắc áo quần suốt mùa đông không bao giờ được giặt. Nguyên tắc của Quế là làm thật nhanh để chóng được nghỉ, nên chỉ trong nửa giờ là mọi việc đâu vào đấy cả.
Thấy gian phòng đã sạch sẽ thứ tự lại như cũ, Quế rất bằng lòng. Quế nghĩ đến lời cô em luôn luôn nhắc : Này chị, không phải là " Ở bẩn sống lâu" đâu nhé. "Đói cho sạch, rách cho thơm" mới là văn hóa Việt Nam.
Ở cái thành phố Paris này mà ba chị em được mỗi người một phòng thì thực thần tiên, mặc dầu lầu sáu, nhưng lên 6 lần cầu thang thì có nghĩa lý gì đối với sinh viên. Quế thay quần áo ngủ xong, cho hai chân vào chăn, kéo chăn lên đến ngực, rồi ngồi dựa lưng vào tường. Ngoài chăn, Quế để cái khung nhôm, bên trên gác một tấm ván mỏng. Đó là bàn viết trên giường của cô em gái thương Quế, tính sợ lạnh, nên nhường cho nàng dùng. Bên cạnh, Quế để sẵn một cốc nước thật đầy, đủ uống suốt đêm, trên đầu là ngọn đèn nhỏ có cái chao mầu lá mạ, của một người bạn thân tặng. Ngọn đèn này đã theo nàng đi khắp nơi, và mỗi đêm, lúc Quế thao thức, thế nào cũng bật nó lên xem sách, hay có lúc chỉ nhìn sững ngọn đèn nghĩ ngợi chứ không làm gì cả. Bên cạnh giường là chiếc bàn con, từng trên để máy thu thanh, từng dưới đầy sách vở, giấy viết, máy chữ, Quế nằm trên giường, chỉ việc với tay là cái gì cũng có. Thì ra con người càng lười, cuộc sống tổ chức càng gọn gàng chu đáo.
Không còn thiếu thức gì nữa, Quế để tập giấy lên bàn và ngả đầu vào vách mơ mộng. Đã lâu, Quế có ý định viết truyện ngắn, nhưng có ý định là một việc, thực hành được lại là một việc khác, nhất là muốn viết cho ra hồn, truyện phải thật, phải sống, phải có những cảm xúc chân thành. Quế không biết kiếm đâu ra truyện hay như thế, mà nhất là cái " cảm xúc chân thành", nàng lại càng không biết làm sao có! Quế tự bảo:
- Hay là mình thử bịa xem, tưởng tượng một truyện " có thể được" và đặt tên là " Một truyện ngắn hay nhất". Chỉ hay nhất với mình thôi thì đã làm sao chưa? Mình chỉ viết cho mình đọc. Đâu có ai biết mà sợ người ta cười. Nhưng dù sao, đã gọi là truyện ngắn hay nhất, thì phải tả cái gì đẹp nhất. Mà ở đời, còn gì đẹp hơn tình yêu nữa! Tất cả muôn loài, muôn vật, muốn sống, muốn sinh tồn, đều phải có tình yêu. Người ta đã yêu trong quá khứ, hiện tại, và tương lai cũng còn phải yêu mãi mãi. Chỉ có tình yêu là bất diệt, bất hủ, không bao giờ lỗi thời. Như thế, truyện ngắn hay nhất của Quế phải dành cho tình yêu mới được.
Định nguyên tắc rồi, Quế thấy như trút được một gánh nặng. Bây giờ chỉ còn tìm nhân vật, cố nhiên là một nam một nữ, vì có thế mới yêu nhau được chứ! Quế thấy hình như công việc đã xong một phần mười, nàng tự thưởng cho mình một cốc nước lã.
Cốc nước trong máy mới vặn ra, nên rét buốt cả răng. Quế mới uống lúc đầu rất khó chịu, mãi sau dần dần cũng quen với cái cảm giác tê tái lúc nước đi đến đâu biết đến đấy, không còn khó chịu nữa. Vừa uống nước Quế vừa nghĩ đến nhân vật trong truyện của mình. Nàng không muốn cho vào hạng cao sang quá, vì hạng này trong đầu óc chỉ có phú quí, công danh, và đàn bà đối với họ chỉ là một thứ xa xỉ phẩm họ đủ sức mua sắm, trao đổi một cách dễ dàng; vì thế, rất hiếm có, hay hầu như không thể có chân tình. Quế nghĩ đến hạng bình dân, lao động, nhưng mặc dầu truyện về giới này rất hợp thời, Quế không dám viết bừa về họ. Những người dân lao động phải tranh đấu, vật lộn với cuộc sống vất vả, nên đời tình ái của họ cũng rất giản dị, bình thản. Aùi tình vớiø tất cả những biến chuyển, thắùc mắc của tâm hồn, đối với họ, là một thứ xa xỉ phẩm vô dụng. Quế không thể gán cho họ những ý tưởng họ không có.
Vậy "chàng" phải là một thanh niên trung lưu có học thức, có tâm hồn, có tư tưởng. Chàng cũng phải hơi đứng tuổi mới yêu được, nếu còn trẻ quá, thì sẽ chưa từng hiểu đời, chưa từng sống, chưa từng đắng cay, làm sao có thể đóng vài " chàng" trong truyện của Quế được. Còn " nàng" nữa, nàng phải có giáo dục, thông minh và rất nhiều tình cảm, nhưng không được trẻ lắm. Có bao giờ một cô bé độ mười lăm, mười sáu tuổi, có thể làm cho người ta yêu đến nổi sóng nổi gió trong tâm hồn được đâu! Tuổi dậy thì chỉ là tuổi của những mối tình ngây thơ, tình vớ vẩn, tình vụn buổi ban đầu, tình "bản thảo" của cuộc đời tình ái trọng đại về sau. Chỉ những thiếu nữ đã từng đau khổ, đã hiểu rõ những đức tính dễ thương và dễ ghét của đàn ông, mới biết quí, biết chiều, biết trân trọng tình yêu, biết nắm giữ tâm hồn ai đó.
Nhưng, anh chàng ấy có đủ điều kiện như thế không thể để cho cô đơn đến ngần ấy tuổi? Hơn nữa, câu chuyện đã được đem ra kể, ít nhất cũng phải có cái gì đặc biệt, chứ nếu yêu nhau, cưới nhau, rồi sinh con đàn cháu đống, lên chức bà nội, ông cố, thì có gì đáng nói nữa. Tình yêu của hai người phải trắc trở mới được. Nhưng, thời buổi bây giờ, cha mẹ cũng như tôn giáo, pháp luật, đều không thể cấm được người ta yêu nhau, cưới nhau, rồi "bách niên giai lão" với nhau. Vậy chỉ còn cách là Quế cho anh ta đã có đệ nhất phu nhân ngồi chễm chệ giữ sổ chi tiêu rồi là hợp lý nhất.
Quế nhìn lên trần nhà, thấy một con thạch sùng đang rình mấy con mối. Trong lúc mãi nhìn theo cuộc săn đuổi, Quế hồi hộp từng hồi khi thấy con mối thoát được, bay đi nơi khác, nhưng nó không ngờ góc nào trên trần nhà cũng có những con thạch sùng đang kiếm mồi chờ sẵn. Quế nhìn theo cho đến khi tất cả đàn mối đều dần dần vào bụng đám thạch sùng hết, nàng mới trở lại với câu chuyện tình " lâm ly" của nàng.
Quế tưởng tượng " chàng " và " nàng" sẽ rất yêu nhau. Yêu một cách say mê đắm đuối, tưởng chừng như hai linh hồn đã chờ đợi nhau từ kiếp nảo kiếp nào, mãi đến bây giờ mới được chạm trán . Quế sẽ cho họ nhìn nhau mà đôi mắt sẽ thay họ nói tất cả nhớ mong, chờ đợi. Quế sẽ cho họ cầm tay nhau và nghe hơi thở hòa lẫn như thông cảm đến tận tâm linh, và họ có cảm tưởng như một tư tưởng bé nhỏ nào, hay một cảm xúc rung động gì, cũng là của chung cả. Tóm lại, là họ phải yêu nhau đến cái nhiệt độ cao nhất của tình yêu có thể có được ở trên đời.
Nhưng, phần đông đàn ông, dù là Lưu, Nguyễn hay ai ai đi nữa, dù có lạc vào Thiên Thai, dù có sống với Tiên Nữ, dù có ở cảnh Tiên, bao giờ họ cũng vẫn nhớ đến cõi trần, dù cõi trần phàm tục, đầy những phiền não. Và kết quả, bao giờ cũng chọn con đường trở về trần gian để ngày đêm mơ tưởng cảnh tiên. Vì dù sao, như thế cũng vẫn hợp lý hơn là ở non Tiên mà đêm ngày canh cánh nghĩ đến cảnh trần gian đầy mùi tục lụy thì kỳ quá, coi không được, mà kể lại nghe cũng chẳng thuận tai.
Để cho hai người phải xa nhau ngay, Quế cũng thấy hơi tiếc và cho là mình tàn ác quá. Tại sao trên đời có hai người yêu nhau đến thế, và quyền sanh sát ở trong tay Quế, mà Quế không " gia ân" cho họ được gần nhau, yêu nhau thêm một thời gian nữa? Tại sao trên đời có những đôi ghét nhau như quân thù, thì lại cứ phải ăn với nhau, ngủ với nhau, nhìn nhau hàng tháng, hàng năm, cùng chung một gối màø chỉ mơ những vì sao Cô Thần Quả Tú? Nhưng dù sao Quế cũng phải cho họ xa nhau, nếu không, câu chuyện của nàng sẽ đi đến chỗ bế tắc.
Một khi chàng Lưu hay chàng Nguyễn đã động lòng nhớ phàm gian, thì " Tiên Nữ" dù có yêu đến đâu cũng không giữ làm gì. Nàng nhất định sẽ phải xa chàng, nhưng hai người sẽ xa nhau trong lúc còn yêu nhau, và yêu nồng nàn hơn lúc nào hết. Quế định thầm vì như thế để cho hai người cùng giữ mãi trong lòng cái kỷ niệm đẹp tuyệt vời của nhau, cùng được an ủi khi nghĩ rằng, trong đời, ít ra họ cũng đã gặp được một người xứng đáng cho họ yêu, họ đã từng yêu và được yêu đúng mức, họ sẽ không còn ân hận gì lúc buông xuôi hai tay.
Quế sẽ cho hai người từ giã nhau trong một đêm trời rất đẹp. Họ sẽ không ở nhà, vì nhà nhiều người lắm, làm sao nói chuyện được trong khi đôi mắt nàng lúc nào cũng chỉ rưng rưng rơi lệ. HoÏ cũng không đi lang thang ngoài đường, vì đèn đường sáng một cách trơ trẽn và cũng không hợp với câu chuyện tâm tình. Quế sẽ cho hai người ngồi bên bờ sông nhìn trăng, nhìn sao một lúc lâu, cho họ nói tất cả những lời đáng nói, cần nói, cho đến lúc sương xuống lạnh, họ sẽ vào một tiệm khiêu vũ gần đấy. Họ không nhẩy, nhưng chỉ ngồi trong ánh sáng êm dịu, nghe tiếng nhạc du dương. Họ không nói gì với nhau nữa, chỉ cầm tay nhau và mắt nhìn mắt, cùng thông cảm niềm đau khổ của chia ly đang ray rứt tâm hồn.
Quế bỗng thở dài vì thương nhân vật của mình quá. Nhưng nàng đã trót để họ ở vào cái thế cưỡi hổ mất rồi! Muốn vớt vát bớt sự tàn ác của mình, Quế chỉ có thể cho hai người được ngồi cạnh nhau lâu thêm một chút, hay là để cho đầu nàng gục vào ngực chàng, để cho những giọt nước mắt nóng thấm ướt vai áo chàng. Nhưng như thế cũng không được: Quế còn phải tả tâm tình chàng lúc ấy, bản tính nghịch ngợm, nhỡ Quế lại hạ bút viết rằng: " Chàng thấy nàng gục đầu vào ngực mình, sợ nàng vô ý để son dính vào áo, về nhà sẽ không biết nói sao với vợ, nên hoảng hốt vội xô nàng ra . . ." Nếu Quế tả như thế thì chao ơi! Cái "Truyện ngắn hay nhất" của nàng chỉ còn có việc đem cho gà ăn mà thôi!
Quế định sẽ giữ cho đầu người nữ thực thẳng, không nghiêng một chút nào hết, để chàng được bình tĩnh, yên tâm, khỏi sợ son dính vào áo . . . nhưng như thế lại sợ nhạt nhẽo quá. Hai người yêu nhau điên luôn, mà lúc từ giả nhau một lần cuối để rồi xa nhau mãi mãi, kẻ góc bể người chân trời, lại lạnh lẽo như hai " đồng chí" lúc bàn giao công việc thế không được. Phải cho đậm đà hơn một chút, nếu không, người ngoại cuộc cũng thấy chướng mà phản đối và mất thiện cảm với chàng còn gì. Làm thế nào nhỉ? Quế không cho họ hôn nhau và cũng không muốn thấy họ lãnh đạm với nhau. Nàng không muốn họ có vẻ phàm tục thông thường quá. Tình yêu của hai người rất cao quí, nhất là trong giờ từ giã, niềm đau của chia ly phải dâng lên tràn ngập trong lòng, họ không có cái ý muốn rất người ấy nữa. Những cái hôn nồng cháy biểu lộ ao ước thân cận của thể xác, mà không thể làm giảm bớt chua xót của tâm hồn.
Trong lúc tưởng tượng, Quế như đặt mình vào chính cảnh thật và nàng thấy lòng mình cũng tràn ngập thương cảm. Trong một lúc mềm lòng, nàng định tìm cách vớt vát cho nhân vật của mình bớt khổ, để cho họ thấy cuộc đời có nghĩa lý hơn, đáng sống hơn.
Quế đang đắm mình vào câu chuyện một cách say sưa cảm động, thì bỗng có tiếng cãi nhau ở dãy nhà đối diện. Quế nhìn sang, thấy vợ chồng ông Giáo đang đứng ngoài hiên cãi nhau. Thường thường, hai vợ chồng này bao giờ cãi nhau cũng vào nhà trong và không bao giờ to tiếng như hôm nay. Quế không cần lắng tai cũng nghe rõ, vì giọng bà Giáo the thé quát rất to, át cả những lời khuyên can của ông Giáo. Bà Giáo đang cầm một tấm nệm chà chân, rũ cả bụi xuống hiên từng dưới.
Ông Giáo bảo:
- Sao em không để lúc khác hãy rũ bụi. Giờ này là giờ người ta ngồi ở nhà, em đập bụi như thế không phải.
Bà Giáo cười nhạt:
- À, bây giờ anh phản rồi phải không? Từng dưới là nhà cô ấy, thảo nào mà anh bênh nó. Này, tôi nói cho mà biết, đứa nào cướp chồng bà, bà xé xác nó ra.
Quế thở dài, nguồn văn của nàng thế là đành chết đứng. Theo nguyên tắc của Quế, hàng xóm cãi nhau, bao giờ nàng cũng đứng trung lập, nhưng vẫn phải làm " quan sát viên" xem tình hình và chú ý nghiên cứu thứ văn chương ứng khẩu này, để " tăng gia kiến thức". Quế đành phải dẹp bỏ câu chuyện nàng đang xây dựng để theo dõi tình hình " mặt trận" hình như đã đến lúc căng thẳng.
Cô ở từng dưới là Sâm, ngày thường vẫn hiền lành nhã nhặn, nhưng hôm nay bỗng phát dữ như con chó dại. Cô cũng lên tiếng:
- Bà nói ai đấy? Muốn dạy chồng bà, thì đóng cửa lại mà dạy!
- Bà chửi con nào ngày ngày nhìn chồng bà, ra cũng nhìn, vào cũng nhìn!
- Đi giữa đường, cấm người ta nhìn à? Muốn giấu, sao không gói cho kỹ?
Ông Giáo can:
- Thôi em, láng giềng với nhau cần phải giữ hòa khí. Em đừng ghen bóng ghen gió như thế, mang tiếng cả. Cô ấy cùng dạy một trường với anh, ra vào gặp nhau phải chào hỏi là sự thường và lễ phép bắt buộc. Em đừng nghi bậy.
Bà Giáo quát lên:
- À, bây giờ anh về hùa với nó để mắng tôi đấy à? Bà không phải là đứa dễ bắt nạt đâu! Đứa nào dám động đến chồng bà, bà xé xác ra. Đồ đĩ thõa!
Cô Sâm cũng to tiếng chẳng kém:
- Thế còn bà, đứng đắn lắm đấy hẳn? Chồng vừa ra khỏi cửa đã dắt trai vào nhà. Chồng đi bộ, để xe cho bà chở trai đi dạo, cả con đường này, cả thành phố này, làng trên xóm dưới còn có ai là người không biết! Bà quên thì tôi nhắc cho bà nhớ: nhân tình của bà cũng nhiều không kém gì rác bụi bà mới rũ xuống đâu! Có muốn nghe tên, tôi kể ra cho mà nghe?
Bài ca vọng cổ đang sắp đến đoạn lâm ly nhất, thì bà Giáo đã kéo ông Giáo vào nhà trong, đóng cửa đánh sầm một tiếng. Cô Sâm cũng vào nốt. Thế là hạ màn.
Quế chợt ïnhớ đến lúc thằng em trai sắp cưới vợ thì đạo luật gia đình ra đời. Trong một lúc " cảm khái", hắn đã " cảm đề" luật ấy bằng một bài hát, theo điệu bài " Nếu một mai em sẽ qua đời" của Phạm Duy. Quế chỉ nhớ được một câu :" Nếu một mai anh có mọc sừng . . . thì vuốt mà chơi". Không thể nhịn cười được, Quế gục đầu xuống bàn, ôm ngực cười sằng sặc. Nàng cười đến đau quặn cả bụng khi nhớ đến cái giọng đau thương một cách khôi hài của thằng em.
Xong cơn cười, Quế lại thừ người ra vì buồn. Quế nghe như có cái gì đâm nhói từng cơn trong tim nàng. Câu chuyện của Quế đã bị xuyên tạc một cách mỉa mai. Trong khi xây dựng nhân vật, Quế đã nghĩ đến ông bà Giáo, nàng đã mượn hình ảnh của hai người ấy. Nhưng bây giờ, sự thực trắng trợn đến như thế, còn biện hộ làm sao được nữa! Quế định cho chàng dứt tình vì quí người vợ hiền đức. Sự thực trái lại, vợ chàng cái gì cũng thừa, chỉ thiếu có một điểm hiền đức. Còn chàng, con người như thế mà hơi kém hiên ngang! Chàng " nể vợ" đến nỗi không dám liếc nhìn cô Sâm một cái, nói gì đến chuyện dám yêu " nàng" một cách say đắm! Quế đã mượn hình ảnh Sâm để tạo ra " nàng", nhưng Sâm cũng làm cho Quế thất vọng. Sâm không cao thượng, không hy sinh như Quế định gán cho nàng những đức tính ấy. Lúc Sâm thấy mình bị xúc phạm, nàng trả miếng bằng cách nói toạc ra những hành động ám muội của bà Giáo mà ai cũng biết, chỉ trừ ông Giáo.
Làm thế nào bây giờ? Không, Quế không thể ép buộc nhân vật của mình phải " lý tưởng hóa" một cách giả tạo. Phải để cho họ sống thực và gần với sự thực mới được, dù sự thực có éo le hay " kém mỹ thuật" đến thế nào đi nữa.
Quế lại bắt đầu nghĩ tiếp câu chuyện bỏ dở. À, phải rồi, hai người đang ngồi cạnh nhau rất âu yếm dưới ánh sáng êm dịu, nghe tiếng nhạc du dương. Thế rồi, bên ngoài một cặp nam nữ đi vào. Chàng tinh mắt nhận ra ngay đấy là vợ mình. Vợ đang đi với một thằng bạn. Hai người cắp tay nhau, cũng âu yếm không kém gì chàng và nàng. Họ tìm một chỗ ngồi trong bóng tối, họ nắm tay nhau, họ tựa đầu vào vai nhau. Âm nhạc nổi lên, họ bèn ra sàn nhảy, đôi chân quấn quít, đôi tay ghì chặt, má áp má một cách say sưa . . .Họ nhảy rất đẹp, rất điệu nghệ, rất xứng đôi. Họ lướt qua bàn chàng và nàng đang ngồi. . .Trời ơi! Thật tuyệt vời! . . . Rồi tám mắt nhìn nhau, chẳng còn ai phải nghi ngờ ai điều gì nữa!
Quế nhắm mắt ngả đầu vào tường, không dám nghĩ thêm. Nàng thấy thần kinh căng thẳng, cả người mệt mỏi vô cùng. Mà nào nàng có làm việc gì nặng nề cho cam! Sau bữa cơm tối cho đến bây giờ, nàng chỉ nằm dài trên giường nghĩ vẫn vơ, xem thạch sùng bắt mối trên tường, nghe hàng xóm cãi nhau, lại còn thưởng thức từng câu một cách thú vị. Nhưng Quế đã mệt mỏi thực. Nàng đã chọn một việc làm quá sức mình. Đáng lẽ Quế nên đọc một vài trang sách rồi ngủ một giấc đến sáng cho khỏe thân, khỏe trí, nàng lại chọn cái việc làm khó khăn nhất.
Quế không dám nghĩ thêm nữa. Câu chuyện của nàng định viết và cho mang cái tên " Một truyện ngắn hay nhất" sẽ không bao giờ viết thành. Quế làm sao tả nổi tâm tình chàng lúc " tám mắt nhìn nhau!" Người vợ mà chàng tin tưởng là hiền đức, người vợ chàng chiều quí như bà hoàng và để cho tự do như một người độc thân, người vợ chàng vẫn còn yêu vì nghĩa, vì tình, người vợ chàng không lúc nào kém yêu, ngay cả những lúc ngồi bên cạnh nàng, và một phần mười những lời chàng nói với nàng là lời ca tụng đức tính hiền đức của vợ. Những lời đồn đãi, chàng cũng có nghe nhưng không tin, cho là thiên hạ ganh ghét hạnh phúc của chàng nên bịa đặt để phá hoại. Có một lúc chàng đã tưởng mình là người sung sướng nhất đời, vì có hai người đàn bà nói với chàng:" Em yêu tất cả cái gì anh yêu" và " Em yêu cả vợ anh nữa, bởi vì anh yêu vợ anh!". Chao ơi! Thật là mỉa mai làm sao! Bây giờ, cả hai người ấy, một người ngồi bên cạnh, một người đứng trước mặt, đều như " nước chảy mây trôi" cả!
Quế làm sao diễn tả được cái cảm giác của một người đàn ông lúc thấy rõ ràng mình đã được ở cái cảnh " Nếu một mai . . . ".
Quế làm sao diễn tả nổi tâm tình của nàng lúc nhìn thấy vợ của người yêu. Trong khi nàng tự nghĩ không biết mình còn phải tu đến bao nhiêu kiếp nữa mới " được " chàng, thì kẻ có cái hạnh phúc ấy đã xem thường, xem khinh, đến nỗi chàng " Nếu một mai . . .".
Quế làm sao diễn tả được tâm tình anh chàng ăn cắp vợ bạn bị bắt gặp: sượng sùng, bối rối, trơ trẽn, lưu manh . . .
Quế làm sao diễn tả nổi tâm lý người đàn bà, yêu danh giá, địa vị, tiền bạc, giàu sang của chồng,và cũng yêu cả những anh chàng trai khỏe mạnh khác ngoài chồng ra! Quế làm sao diễn tả nổi cái dáng điệu bẽn lẽn ngượng ngùng của người vợ lúc cắp tay tình nhân, vội vàng ra cửa. Cái bộ mặt vừa tức vừa lo. Tức vì thấy chồng đi với ai khác, và lo vỡ mất nồi gạo, lo nghĩ cách cắt nghĩa cho trôi để lừa người chồng vẫn dễ lừa xưa nay, lo nghĩ mưu " phản công". Chao ơi, thật là ngổn ngang trăm mối ! . . .
Không, nhất định là Quế không thể nào tả nổi đến mức ấy. Quế không tả được tất cả cái mầu nhiệm, bao la, hy sinh, cao quí của tình yêu đẹp đẽ tưởng tượng, mà nàng cũng không tả được cái tình yêu ích kỷ, giả dối, nhỏ mọn, bần tiện của sự thực. Quế đành phải nhìn nhận là ngòi bút non nớt chưa chiều được ý muốn của mình. Quế tự bảo:
- Hay là mình viết một truyện ngắn hay nhì vậy?
Quế mỉm cười vì thấy cái tên ngộ nghĩnh. Nhưng đã thế thì đề tài cũng phải thay đổi hẳn mới được. Ừ, thiếu gì chuyện đáng viết, mà phải viết những cái chuyện tình nhảm nhí ấy.
Quế nghĩ đến những cảnh thiên nhiên nàng đã trải qua, nghĩ đến đèo núi chập chùng, trời bể bao la, Đèo Hải Vân hùng tráng,Vạn Lý Trường Thành vĩ đại, Kim Tự Tháp uy nghi . . . Nhưng một lần nữa, Quế lại thất vọng. Quế thấy mình không thể diễn tả được cái mầu nhiệm của vũ trụ, uy nghi của núi sông, hùng tráng bao la của trời bể. Quế không tả được những cảm xúc đang dào dạt ngay chính trong lòng nàng.
Quế tự cười thầm mình:" ngay chính cảm giác của mình cũng không tả được, còn đòi tả cảm giác của người khác, thật là điên cuồng!" Nhưng có lẽ nào lại hạ xuống một lần nữa, thành " Một truyện ngắn hay ba"? Tên nghe không thuận tai, mà ba cũng có nghĩa là hạng bét nữa. Nếu Quế phải đem hết tâm trí ra, chỉ để viết một truyện ngắn hay hạng bét, thì cũng nên quăng bút về vườn trồng rau, nuôi gà xin hai chữ bình an!
Quế hết nhìn giấy lại nhìn bút. Nàng phải viết, vì theo Quế, đã định viết mà trốn chạy là có lỗi với giấy với bút. Nhưng, chỉ mới viết được mấy dòng, Quế đã mệt mỏi quá gục đầu xuống bàn ngủ thiếp đi lúc nào không biết.
Lúc Quế tỉnh dậy, trời đã gần sáng. Ngọn đèn đêm vẫn còn soi màu lục non êm dịu trên đầu giường. Cái bàn nhôm nhẹ vẫn còn kê ngang trên mình. Quế nhìn trang giấy trắng tinh trên bàn, ngoài đầu đề "Một truyện ngắn hay nhất", chỉ có mấy dòng : " Nếu em chết trước, em sẽ phù hộ anh". Thì ra, Quế đã viết câu Quế định cho " nàng" nói với "chàng" lúc hai người từ giã nhau.

Xem Thêm :

1./ 

 Những cánh diều

 

2./ 

Linh Bảo - Tâm tình cố hương

 

3./ 

Vĩnh biệt nhà văn Linh Bảo, vĩnh biệt 'Mây Tần'


28 thg 4, 2024

Nhớ về Thầy_Tuyết Liên




Bài Thơ Của 1 học sinh cũ hải ngoại  gởi thầy Trần Lăm Phát

Nhớ về Thầy 

Dáng Thầy em vẫn không quên

Môn Văn em học nhớ tên rành rành

Công Thầy như đấng sinh thành

Lời thơ có lỗi xin đành nhận sai

Không quên Thầy dạy những ngày

Giữ gìn tiếng Mẹ chớ rày bỏ quên

Chúc Thầy sức khỏe bình yên

Sống vui sống khỏe hàn huyên với trò 

Tuyết Liên

IOWA April 21, 2024

Lớp 10 D1 Trung Học Thống Nhất A, Hố nai, 1978

THỜI GIAN VÀ KHOẢNG CÁCH - Thơ Gió Biển


THỜI GIAN VÀ KHOẢNG CÁCH
 
Bao giờ em gặp lại anh
Lá xanh rớt rụng phai nhanh úa vàng
Ước mong vượt khoảng thời gian
Phôi pha ngày tháng bàng hoàng thiếu nhau
Yêu anh nén chặt buồn đau
Tình em giữ vẹn sắc màu hồng tươi
Dù môi héo hắt nụ cười
Chân tình không đổi trao người thủy chung
Xa nhau khoảng cách muôn trùng
Gần nhau chờ lượng bao dung đất trời
Xa nhau mỗi kẻ một nơi
Gần trong tâm tưởng giữ đời cho nhau
Xa nhau nỗi nhớ dâng trào
Yêu vòng tay ấm xiết bao ân tình
Yêu anh ánh mắt anh nhìn
Dẫu cho khoảng cách dặm nghìn chia xa
Thời gian thiếu vắng chóng qua
Lấp đầy khoảng cách thiết tha về gần
Chỉ là một thoáng bâng khuâng
Thời gian – khoảng cách dương trần song song
Tình anh biển rộng mênh mông
Đón em về giữa cõi lòng yêu thương
Gió Biển


 Mời Xem :

Phà sang BRUNY Island - Bích Hải Trần