27 thg 12, 2015

7 thảm kịch gây kinh động quốc tế của Trung Quốc Đại Lục năm 2015

Lở đất ở Thâm Quyến. (Ảnh: Internet)
Lở đất ở Thâm Quyến. (Ảnh: Internet)

Năm 2015 là một năm xảy ra rất nhiều thảm họa ở Trung Quốc Đại Lục: sự cố giẫm đạp tại Thượng Hải, tàu du lịch Ngôi sao Phương Đông bị lật, vụ nổ nhà kho hóa chất ở Thiên Tân, nổ bưu phẩm ở Quảng Tây, hỏa hoạn mỏ than ở Hắc Long Giang… thêm vào sự cố lở núi ở Thẩm Quyến mới xảy ra vài ngày qua có thể nói vô cùng đáng sợ. Dư luận Trung Quốc cho rằng những thiên tai nhân họa này là do chính quyền quản lý yếu kém và không thực sự quan tâm đến đời sống cũng như sự an toàn của người dân.

Sự cố lở núi ở Thâm Quyến

Sáng ngày 20/12, sự cố lở núi tại khu công nghiệp Liễu Khê thuộc quận Quang Minh, thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông đã vùi lấp nhiều nhà cửa. Bùn đất từ sườn núi đổ xuống vùi lấp khoảng diện tích hơn 100 ngàn m2 khu công nghiệp. Theo thông tin từ truyền thông Trung Quốc Đại Lục, diện tích khu bùn đất ở sườn núi trút xuống vào khoảng 380 ngàn m2, tương đương 53 sân bóng đá, độ dày vùi lấp khi trút xuống cao đến cả chục mét làm chôn vùi 33 tòa nhà. Tai nạn làm 76 người mất tích.
Theo phân tích của chuyên gia, nguyên nhân chính gây ra thảm họa là do đống đất phế liệu tích tụ lâu ngày và chất lên quá cao, không có hệ thống phòng hộ nào trụ giữ khối đất khổng lồ này.
Được biết, trước hai năm trước khi xảy ra sự cố, người dân đã thường xuyên kiến nghị phản ánh thực trạng lên chính quyền nhưng không ai quan tâm. Nhiều người dân rất tức giận và bất bình về cách làm việc tắc trách của chính quyền để mặc cho đống rác phế thải xây dựng tích trữ với mức độ khổng lồ và chất ở độ cao quá nguy hiểm.


Liên tục hai lần xảy ra sự cố hỏa hoạn và cháy nổ mỏ than ở Hắc Long Giang trong thời gian cách nhau chưa tới một tháng, tổng cộng có 41 người thiệt mạng. (Ảnh: Internet)
Liên tục hai lần xảy ra sự cố hỏa hoạn và cháy nổ mỏ than ở Hắc Long Giang trong thời gian cách nhau chưa tới một tháng, tổng cộng có 41 người thiệt mạng. (Ảnh: Internet)

Hỏa hoạn mỏ than ở Hắc Long Giang

Ngày 16/12 đã xảy ra sự cố nổ khí ga tại mỏ than tư nhân ở thị trấn Hạc Cương làm 19 công nhân thiệt mạng. Ngày 20/11, một công ty than đá của nhà nước ở thị trấn Kê Tây cũng đã xảy ra hỏa hoạn làm 22 người thiệt mạng. Hai sự cố nghiêm trọng này chỉ cách nhau một tháng, tổng cộng có 41 người thiệt mạng.
Theo các chuyên gia phân tích sự cố, nguyên nhân gây ra sự cố này đều là do công tác quản lý an toàn quá kém, không chỉ thế, đến 9 tiếng đồng hồ sau khi thảm họa xảy ra mới có báo cáo lên chính quyền.


17 vụ nổ liên hoàn ở huyện Liễu Thành tỉnh Quảng Tây làm 11 người thiệt mạng, 51 người bị thương. (Ảnh: Internet)
17 vụ nổ liên hoàn ở huyện Liễu Thành tỉnh Quảng Tây làm 11 người thiệt mạng, 51 người bị thương. (Ảnh: Internet)

Nổ liên hoàn nhiều bưu phẩm ở Quảng Tây

Ngay trước thềm ngày nhạy cảm Quốc khánh Trung Quốc 1/10, chiều ngày 30/10 tại huyện Liễu Thành tỉnh Quảng Tây đã xảy ra liên tiếp 17 vụ nổ tại những địa điểm khác nhau làm 11 người thiệt mạng, 51 người bị trọng thương.
Theo phân tích của giới truyền thông, nguyên nhân xảy ra vụ nổ này là do một người dân tộc Choang từng bị bắt đi cải tạo lao động đã âm thầm thực hiện trước thềm ngày Quốc khánh, mục đích để trả thù chính quyền.


Vụ nổ nhà kho hóa chất ở Thiên Tân làm 150 người thiệt mạng, khoảng 700 người bị thương. (Ảnh: Internet)
Vụ nổ nhà kho hóa chất ở Thiên Tân làm 150 người thiệt mạng, khoảng 700 người bị thương. (Ảnh: Internet)

Vụ nổ kinh hoàng ở Thiên Tân

Ngày 12/8, một nhà kho hóa chất ở Thiên Tân đã bị nổ làm 150 người thiệt mạng, khoảng 700 người bị thương, trong đó nhiều nhân viên phòng chữa cháy bị thương, cả một khu cảng rộng lớn bị biến thành bình địa. Theo tính toán, tổn thất do vụ nổ này gây ra lên đến 70 tỷ nhân dân tệ (khoảng 10,8 tỷ đô la Mỹ).
Bốn tháng sau khi xảy ra vụ nổ, chính quyền vẫn chưa công bố kết quả điều tra. Theo truyền thông hải ngoại, trong thời gian ông Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị Trương Cao Lệ nắm quyền ở Thiên Tân đã cho ông thông gia giành quyền mở nhà kho hóa chất này và tránh được cơ quan bảo vệ môi trường thẩm tra giám sát. Có thể nói nhiều tấm màn đen vẫn còn chưa được hé mở phía sau vụ nổ này.
Sau vụ nổ Thiên Tân, một giáo sư của Đại học Pontoise (Pháp) đã chia sẻ với BBC rằng, bất kể chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) giải thích thế nào thì qua sự việc này cũng cho thấy sự tệ hại của thể chế ĐCSTQ lại tiếp tục hiện lồ lộ trước mắt chúng ta.


Sự cố lật tàu du lịch Ngôi sao Phương Đông làm hơn 440 người thiệt mạng, chỉ có 12 người thoát chết. (Ảnh: Internet)
Sự cố lật tàu du lịch Ngôi sao Phương Đông làm hơn 440 người thiệt mạng, chỉ có 12 người thoát chết. (Ảnh: Internet)

Sự cố lật tàu du lịch Ngôi sao Phương Đông

Con tàu Ngôi sao Phương Đông đi trên sông Trường Giang bất ngờ bị lật ngày 1/6. Sự cố xảy ra tại huyện Giám Lợi tỉnh Hồ Bắc này được xem là sự cố đường thủy nghiêm trọng nhất trong lịch sử ĐCSTQ. Vụ tai nạn làm hơn 440 người thiệt mạng, chỉ có 12 người may mắn thoát chết. Theo điều tra, con tàu đã vi phạm quy định về an toàn đường thủy.
Theo phân tích của học giả Vero người Đức, vụ tai nạn kinh hoàng này chắc chắn có liên quan đến hoạt động của đập nước lớn Tam Hiệp, sau khi con đập này được xây dựng đã làm dòng chảy của sông Trường Giang có nhiều biến động rất nguy hiểm, khó lường.


Thảm họa đám đông chen chúc dẫm đạp tại Thượng Hải làm 36 người thiệt mạng, 49 người bị thương. (Ảnh: Internet)
Thảm họa đám đông chen chúc dẫm đạp tại Thượng Hải làm 36 người thiệt mạng, 49 người bị thương. (Ảnh: Internet)

Thảm họa đám đông dẫm đạp lên nhau vào năm mới 2015

Ngay trước hồi chuông chào đón năm mới 2015, hàng trăm ngàn người ở Thượng Hải đã chen nhau ra ngoài xem đèn. Khoảng 23:35 ngày 31/12/2014, tại khu bậc thang ở quảng trường Trần Nghị (Chenyi) đám đông đã chen chúc và dẫm đạp lên nhau. Theo công bố của chính quyền thì có 36 người thiệt mạng, 49 người bị thương.
Nguyên nhân xảy ra thảm họa này là do công tác chuẩn bị phòng ngừa đối với những hoạt động mang tính quần chúng quá yếu kém, hầu như là bất lực về quản lý và không có biện pháp gì ứng phó.
Ngoại giới phân tích có ba nguyên nhân: một là việc tắt đèn ở bãi ngoài nhưng không thông báo cho mọi người. Người dân ban đầu tập trung ở bãi ngoài nhưng sau khi phát hiện không có đèn thì thi nhau bỏ đi, sau đó kéo nhau vào xem ở khu đài Cảnh Bình và chen chúc nhau khiến tình hình không kiểm soát được; hai là công tác chuẩn bị đề phòng ứng phó với dòng người đông quá kém; ba là cảnh sát không đủ và thiếu khả năng ứng biến.


Những ngày chớm đông năm 2015, nhiều khu vực ở Hoa Trung và vùng đông bắc Hoa Bắc Trung Quốc cùng nội thành Bắc Kinh bị báo động đỏ vì sương mù ô nhiễm. (Ảnh: Internet)
Những ngày chớm đông năm 2015, nhiều khu vực ở Hoa Trung và vùng đông bắc Hoa Bắc Trung Quốc cùng nội thành Bắc Kinh bị báo động đỏ vì sương mù ô nhiễm. (Ảnh: Internet)

Trung Quốc chìm trong sương mù ô nhiễm

Những ngày chớm Đông năm 2015, nhiều khu vực ở Hoa Trung và vùng đông bắc Hoa Bắc Trung Quốc cùng nội thành Bắc Kinh bị báo động đỏ vì sương mù ô nhiễm.
Ngày 8/12/2015, lần đầu tiên Bắc Kinh công bố báo động cấp cao nhất vì tình trạng sương mù trong thời hạn 3 ngày. Tiếp đó, ngày 20/12 vừa qua, Bắc Kinh lại tiếp tục có báo động đỏ. Trong cảnh sương mù dày đặc, toàn khu quảng trường Thiên An Môn như bị biến mất…
Đa số các chuyên gia đều phân tích cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này cũng lại xuất phát từ vấn đề thể chế của Trung Quốc. Vì chính thể chuyên chế của Trung Quốc không chịu giám sát của tổ chức đối lập hay giới truyền thông báo chí, dẫn đến quan chức cấu kết với giới kinh doanh làm ăn bừa bãi, hoạt động chỉ biết đến lợi nhuận, không có ý thức trách nhiệm về môi trường.
Theo Secretchina
Tinh Vệ biên dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét