Nhiều cá nhân chỉ là người lao động bình thường, thậm chí thuộc diện nghèo lại có tiền mua hàng chục lô "đất vàng" ở khu vực nhạy cảm ven biển Đà Nẵng.
Ngày 17/12, trao đổi với Zing.vn, ông Lê Tấn Nghĩa, Chủ tịch UBND phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng), thốt lên: "Tôi rất bất ngờ vì chỉ có 26 người nhưng họ đứng tên mua 74 lô đất ở khu vực ven biển Đà Nẵng".
Bất thường những người mua đất ven biển
Ông Tăng Hà Vinh - Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai quận Ngũ Hành Sơn, cho biết có 246 lô đất ở sát sân bay Nước Mặn (đường Võ Nguyên Giáp, quận Ngũ Hành Sơn) với diện tích gần 40.000 m2 nghi đã rơi vào tay người Trung Quốc.
Trong 26 cá nhân đứng tên mua đất ven biển, chỉ 15 người có hộ khẩu tại Đà Nẵng, các cá nhân còn lại ở Hà Nội và TP HCM.
Hàng trăm lô đất (đánh dấu vàng) ven biển đã được các cá nhân đứng tên sở hữu nhưng nhà chức trách nghi ngờ đứng sau là các ông chủ người Trung Quốc. Ảnh:Đ.Nguyên. |
Theo lãnh đạo và người dân địa phương, hầu hết những cá nhân trên đều là người lao động chân tay với mức thu nhập đủ sống. Thế nhưng, giờ họ lại có tiền mua hàng chục lô "đất vàng" ven biển.
Ví dụ, ông Lý Phước Cang (thôn Dương Sơn, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), mua tới 12 lô đất rộng khoảng 2.000 m2. Tính theo giá đất hiện hành, số tiền ông này bỏ ra để mua 12 lô đất trên khoảng 60 tỷ đồng.
Chủ nhiều lô đất là bảo vệ cho công ty Trung Quốc
Trước thông tin này, bà Nguyễn Thị Tấn, Trưởng thôn Dương Sơn tỏ ra bất ngờ: "Gia đình ông Cang nghèo đến mức cha ốm nặng không có tiền đi chữa bệnh. Ba năm trước, tôi xin cho ông ấy đi làm bảo vệ. Vợ ông này làm công nhân, thu nhập của hai người không đủ nuôi con ăn học thì lấy đâu ra tiền mua 12 lô đất".
Ông Nguyễn Đức Thành, Bí thư chi bộ thôn Dương Sơn cũng cho biết, ông Cang lấy vợ được hơn 10 năm, sinh 2 người con. Gia đình ông Cang thuộc diện nghèo nhất thôn và đang phải ở nhờ nhà cấp 4 của người chú họ.
"Nhà bị xuống cấp lâu rồi mà không sửa được thì lấy đâu ra tiền để mua đất. 12 lô đất ven biển chắc là tiền của người khác nhờ ông ấy đứng tên mua hộ", ông Thành khẳng định.
Ngay sau các khách sạn cao tầng do người Trung Quốc làm chủ là sân bay Nước Mặn. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Tương tự, ông Trách Duy Phúc (tổ 96, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) làm bảo vệ nhưng cũng mua 3 lô đất. Ông Nghĩa cho hay, ông Phúc người Cao Bằng, gốc Hoa đến làm việc tự do ở phường Khuê Mỹ hơn mười năm nay.
Trước đây, ông Phúc là đội trưởng đội bảo vệ Công ty Silver Shores (Trung Quốc). Năm 2014, nghỉ việc chưa được bao lâu, ông này mua 3 lô đất tổng diện tích gần 500 m2 ở đường Võ Nguyên Giáp.
"Ông Phúc có một nhà trọ ở đường Nguyễn Đức Thuận (gần sân bay Nước Mặn) cho người Trung Quốc thuê. Với thu nhập của ông ấy rất khó để mua 3 lô đất ở ven biển", vị lãnh đạo này nói.
Trao đổi qua điện thoại, ông Phúc thừa nhận các lô đất ông mua ở gần sân bay Nước Mặn có sự hợp tác đầu tư của người Trung Quốc.
“Chúng tôi mua đất để đầu tư kinh doanh, việc này đúng luật. Khi đầu tư, tôi cũng nói với phía đối tác là phải tuân thủ nghiêm các quy định của luật pháp Việt Nam. Gần đây, dư luận râm ran về việc những lô đất này thuộc vùng nhạy cảm gì đó. Tuy nhiên chúng tôi đầu tư làm ăn kinh tế, đâu có nghĩ gì sâu xa”, ông Phúc nói rồi tắt điện thoại.
Người Việt không có vai trò trong công ty cổ phần
Ông Vinh cho biết, các lô đất biệt thự ở đường Võ Nguyên Giáp thuộc quyền quản lý, sử dụng của UBND TP Đà Nẵng. Các tập thể, cá nhân mua đất thì giao dịch với lãnh đạo Công ty khai thác quỹ đất (trực thuộc Sở TN - MT TP) và làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất một cửa.
Trên giấy tờ, các lô đất này do người Việt đứng tên nhưng sau khi xây khách sạn, ông chủ lại là người Trung Quốc. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Trước đây, một số người dân mua đất ở khu vực này. Sau đó, họ không có nhu cầu sử dụng nên chuyển nhượng cho người khác. “Khi thấy hồ sơ hợp lệ thì chúng tôi làm thủ tục sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định”, ông Vinh cho hay.
Còn ông Nguyễn Điểu - Giám đốc Sở TN - MT Đà Nẵng cho rằng, đứng đằng sau các cá nhân này có khả năng là những ông chủ nhiều tiền người Trung Quốc. Hiện, phần lớn các lô đất này đều được xây dựng khách sạn, nhà hàng mang tên Trung Quốc.
"Diện tích không lớn nhưng sau này cụm ấy có thể ở được cả trăm nghìn người. Cả khu vực Silver Shores và xung quanh phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) hiện nay người Trung Quốc ở rất đông”, ông Điểu cho hay.
Vị lãnh đạo này kể, vừa rồi đích thân ông đã rà soát những công ty cổ phần xin phép thành lập trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn. Kết quả, nhiều doanh nghiệp có người Việt Nam đứng tên chung với người Trung Quốc nhưng cổ phần rất ít.
Thậm chí ngay cả các quán massage, người Việt cũng rất khó tiếp cận. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
"Quyền quyết định ở các doanh nghiệp này thuộc về người Trung Quốc. Người Việt chỉ làm thuê và hưởng lợi nhuận theo mức độ đóng góp cổ phần", ông Điểu cho hay.
Khách sạn, nhà hàng chỉ dành cho người Trung Quốc
Theo tìm hiểu của Zing.vn, các nhà hàng, khách sạn có ông chủ là người Trung Quốc, hầu như chỉ dành cho người Trung Quốc đến ăn uống và thuê trọ.
Anh Trần Văn Khánh, một hướng dẫn viên du lịch kể, cách đây gần tháng, anh dẫn đoàn 7 khách người Việt đến thuê phòng ở khách sạn trên đường Võ Nguyên Giáp có chủ là người Trung Quốc.
"Thấy chúng tôi, cô lễ tân nói: Đã hết phòng. Ra đến cửa, tôi thấy có 3 vị khách người Trung Quốc đến thuê phòng thì vẫn còn", anh Khánh kể.
Giám đốc một ty du lịch ở Đà Nẵng cho biết thêm, ngay cả khu giải trí casino cao cấp Silver Shores cũng không nhận người Việt đến lưu trú.
"Công ty của tụi tôi mỗi lần đưa khách đến thì tuyệt đối họ không hợp tác. Mấy nhà hàng, khách sạn ngay cạnh sân bay Nước Mặn cũng làm ăn khép kín. Đa số người Trung Quốc, Hồng Kông thuê ở chứ người Việt mình thì không thể bén mảng đến được", vị giám đốc này nói.
Để xác minh thông tin trên, phóng viên đã đóng giả du khách đến các khách sạn trên đặt phòng nhưng đều nhận được câu trả lời: hết phòng..
Từ Zing.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét