31 thg 12, 2017

PHỎNG DỊCH BÀI THƠ "Nếu thu nầy em có anh" của Emily Elizabeth Dickinson.


Emily Elizabeth Dickinson (1830 – 1886) là một nhà thơ Mỹ. Cùng với Walt Whitman, đã trở thành nhà thơ đặc sắc nhất của Mỹ trong thế kỉ 19 (theo tài liệu Wikipedia). Bà sáng tác rất nhiều và nổi danh nhờ những bài thơ như thế nầy. Tôi chọn bài nầy để phỏng dịch nhưng thấy khó khi muốn diễn thơ cho đúng ý. Cách diễn tả của bà có vài chỗ mới lạ, cầu kỳ như so sánh việc xua đuổi mùa hè giống như việc một bà nội trợ đập (vứt bỏ), đuổi con ruồi trong bếp hay cách đếm thời gian đi qua giống như một người bẻ cụp ngón tay xuống mà những ngón tay nầy là: "những ngón tay rớt( dropped into) xuống, rơi vào miền Van Dieman’s land". Nhưng vì là một nhà văn lớn của nền văn học Mỹ nên tôi xin dành cho bạn dọc nhận định. Và cũng xin đính kèm bản gốc tiếng Anh để bạn đọc tiện dịch và thưởng thức ý nghĩa bài thơ.
     If You Were Coming In The Fall

If you were coming in the Fall
I’d brush the Summer by
With half a smile, and half a spurn,
As housewives do a fly.
If I could see you in a year
I’d wind the months in balls
And put them each in separate Drawers
For fear the numbers fuse

If only Centuries, delayed
I’d count them on my hand
Subtracting, till my fingers dropped
Into Van Dieman’s land.
If certain, when this life was out
That yours and mine should be
I’d toss it yonder, like a rind
And take eternity
But now, uncertain of the length
Of this, that is between
It goads me, like the goblin bee
That will not state its sting.   
 (Emily Elizabeth Dickinson)

Nếu anh đến khi mùa thu tới
Bỏ đi vướng bận không thương tiếc
Theo về miền miên viễn xa xôi


Nhưng giờ chẳng chắc sống dài lâu
Giữa hai ta ai biết ra sao
Tim em nhức nhối như ong đốt
Biết đến bao giờ hết nỗi đau?!

Nguyễn Cang (29/12/2017
Nếu anh đến khi mùa thu tới
Nếu anh đến khi mùa thu tới
Em sẽ tiễn mùa hạ đi mau
Với nửa mỉm cười nửa mai mỉa 
Như người làm bếp vứt con ruồi 

Nếu cả năm em đều gặp anh
Em cuộn tháng ngày trong trái banh
Đặt chúng vào tim từng ngăn nóng
Vì sợ có ngày sẽ mất anh

Nếu chờ anh suốt thế kỷ nầy
Em đếm thời gian trên ngón tay
Trừ đi những ngón vừa rơi xuống
Rớt vào miền đất lạnh gió bay
Nếu biết chắc mai đời chấm dứt
Thì chúng mình cùng chết chung đôi
Bỏ đi vướng bận không thương tiếc
Theo về miền miên viễn xa xôi

Nhưng giờ chẳng chắc sống dài lâu
Giữa hai ta ai biết ra sao
Tim em nhức nhối như ong đốt
Biết đến bao giờ hết nỗi đau?!
Nguyễn Cang


Gởi tiền bối Nguyễn Cang  
Thấy anh dịch bài thơ của thi hào nước Mỹ khiến em cũng muốn dịch , nhưng chắc chắn kg hoa mỹ bằng anh , nhưng cũng đua đòi viết cho vui . 


NẾU ANH ĐẾN MÙA LÁ RƠI 



Nếu biết anh đến vào mùa thu 
Em mĩm cười tiễn hạ qua mau 
Bằng nửa nụ cười nửa , nửa bất cần 
Như người nội trợ đuổi ruồi bay 

Nếu suốt năm gần cạnh bên anh 
Em cuộn tháng ngày vào quả banh 
Và đặt chúng vào ngăn kéo riêng 
Vì em lo sợ sẽ vuột mất anh 

Nếu đợi anh suốt thế kỷ nầy 
Em đếm từng ngón tay tình si 
Trừ bớt những ngón vừa rơi xuống 
Rớt vào vùng đất VAN DIEMEN 

Nếu chắc cuộc đời nầy đã hết 
Thì chúng ta nguyện sẽ cùng chết 
Bỏ đi tạm bợ không thương tiếc 
Hồn quyện vào vĩnh cửu nghìn thu 

Nhưng bây giờ không chắc dài lâu 
Cuộc tình hai ta đang úa sầu 
Tim em đau buốt như ong đốt 
Biết bao giờ mới hết khổ đau . 
HLO ( Jan 1/18 ) 

Sống sao để tránh ung thư

BS Trịnh Ngọc Huy, MD
Inline images 1Nói đến bệnh ung thư ai cũng sợ cầu mong là đừng bao giờ bị cả. Với bệnh ung thư thì chỉ muốn thực hành câu “Tránh voi chẳng xấu mặt nào”. Ðiều nay dễ hiểu vì bệnh nhân bị bệnh ung thư có cảm tưởng như bị án tử hình vì có bệnh chữa không được. Bệnh nhân có thể chết trong thời gian ngắn. Có ung thư chữa được nhưng có thể bị lại sau đó hoặc không chết nhưng làm đau đớn lây lất qua ngày tháng.
Mỗi năm trên 7 triệu người trên thế giới và nửa triệu người ở Hoa Kỳ chết vì bệnh ung thư. Tuy nhiên nhiều bệnh ung thư có thể tránh ngừa được. Ngừa và phòng bệnh có thể làm giảm tỷ lệ tử vong vì bệnh ung thư. Tầm soát ung thư trước khi triệu chứng bệnh phát ra cũng có thể giúp cho việc chữa bệnh được hiệu quả vì bệnh còn trong tình trạng phôi thai.

Ung thư là gì?
Ung thư là căn bệnh gọi chung cho các bệnh mà tế bào sinh trưởng mọc lẹ bất thường không tự kiểm soát được và tế bào ung thư có khả năng sinh sản ăn lan qua các bộ phận khác.
Ung thư là tế bào của bộ phận cơ thể thí dụ như tế bào óc, tế bào phổi, tế bào gan hay ruột bị biến dạng ở di thể (DNA) nên tăng trưởng không bình thường mọc quá mau quá lẹ, không tự hủy diệt được như tế bào bình thường khi hết chu kỳ hoạt động. Các tế bào ung thư mọc quá lẹ tiêu diệt các tế bào bình thường trong cùng bộ phận, tế bào ung thư tăng trưởng và kết hợp làm hủy hoại bộ phận cơ thể và mọc lan ra các bộ phận chung quanh. Tế bào ung thư cũng có thể theo đường hạch tuyến (lymph nodes) và đường máu (vascular circulation) và mọc ra ở các bộ phận khác ở xa. Thí dụ như ung thư ruột thường chạy qua gan.

Tại sao tế bào bị biến dạng thành ung thư?
Cơ thể chúng ta được cấu tạo bởi hàng trăm tỷ tế bào (cells). Các tế bào này chứa được di thể DNA mà kiểm soát sự sinh trưởng cũng như chu kỳ sống của tế bào. Mỗi tế bào của bộ phận cơ thể có một chu kỳ sống. Hết chu kỳ thì tế bào chết đi và thay thế bởi tế bào mới sẽ sinh ra. Tế bào mới được cấu tạo bởi “sao bản” lại từ di thể (DNA) của tế bào cũ trước khi tự hủy diệt cho nên nếu tế bào mới có di thể bị hư hại hay biến dạng trong lúc “sao bản” thì tế bào này có thể biến thành tế bào ung thư. Tế bào ung thư này sẽ tiếp tục sinh ra các tế bào ung thư mới và xâm lấn các tế bào bình thường ở cùng bộ phận cơ thể khi tế bào ung thư chiếm hết bộ phận thì bộ phận hoàn toàn bị hư hỏng và tiêu hủy. Thêm vào đó tế bào ung thư còn lan ra các bộ phận khác khiến cho cơ thể bị suy kiệt và chết. Ung thư mất một thời gian nhiều khi cả năm để tăng trưởng và lớn lên một khi ung thư to để mà tạo ra triệu chứng thì thường là có cả 100 triệu hoặc tỷ tế bào ung thư rồi. Sự sinh trưởng của tế bào được kiểm soát bởi di thể. Nếu di thể bị hư hại và biến đổi thì tế bào sẽ biến dạng và tăng trưởng bất thường.
Các chất hủy hoại (mutagens) trong môi trường sinh sống như một số hóa chất, chất phóng xạ, nhiễm trùng (như bị siêu vi viêm gan B, và C) có thể làm cho di thể tế bào bị biến dạng, bị hư mất đi sự tự kiểm soát tự hủy diệt. Ngược lại, cũng có những chất kích thích (mitogen) làm tế bào mọc lẹ hơn bình thường làm tế bào bị biến dạng thành ung thư. Một số di truyền cũng ảnh hưởng ít nhiều trong yếu tố gây ung thư. Hệ thống kháng thể (immune system) là hệ thống phòng thủ của cơ thể có nhiệm vụ kiểm soát và tiêu diệt các tế bào biến dạng ung thư này. Tuy nhiên hệ thống kháng thể này của các bệnh nhân bị ung thư có thể bị yếu đi không được hoàn hảo nên không tiêu diệt được các tế bào ung thư bất thường. Hoặc tế bào ung thư có khả năng lẩn tránh được hệ thống phòng thủ này.
Y khoa đã tiến bộ khá nhiều trong việc điều trị các bệnh ung thư nhưng chỉ khả quan chứ không hoàn toàn nhất là khi bệnh được khám phá quá trễ…

Các ung thư đứng hàng đầu về tử vong:
Ung thư phổi, ung thư ruột, vú và nhiếp hộ tuyến là những bệnh ung thư dẫn hàng đầu theo thứ tự về số tử vong mỗi năm. Tuy nhiên cho người Việt ở Hoa Kỳ thì ung thư nhiều nhất ở phái nam là ung thư phổi, ung thư gan và ung thư ruột. Khác với dân bản xứ Hoa Kỳ là ung thư phổi, ruột và niệu tuyến. Theo thứ tự cho phái nữ thì người Việt và người Mỹ giống nhau thì ung thư đứng hàng đầu là ung thư vú, ruột và phổi.
Các yếu tố chính có thể ảnh hưởng và gây ra bệnh ung thư là di truyền, tuổi và môi trường sinh sống (environmental factors). Di thể là căn bản của truyền giống từ đời này qua đời khác từ ông bà qua cha mẹ xuống đến con cái. Nếu dòng họ có di thể bị ung thư thì những người trong gia đình dòng họ có thể bị di thể ung thư gây ra bệnh ung thư. Một số bệnh ung thư di truyền như ung thư vú, ung thư ruột. Tuổi là một yếu tố rất quan trọng của bệnh ung thư, càng lớn tuổi thì càng dễ bị ung thư. Ðiều này dễ hiểu vì càng lớn tuổi thì các tế bào và di thể dễ bị hư hỏng, dễ biến chứng cũng như xe cũ thì dễ hư hỏng do máy bị hao mòn. Ðó cũng là quy luật đào thải của tạo hóa.
Môi trường sinh sống ảnh hưởng ít nhiều đến bệnh ung thư. Một số yếu tố trong đời sống đã được y khoa xác định làm tăng nguy cơ bệnh ung thư – thuốc lá, mập, dinh dưỡng xấu, thiếu hoạt động, nhiễm trùng sinh lý, môi trường ô nhiễm.

Thuốc lá dẫn đầu gây ung thư phổi. Thuốc lá là chất độc tố nguy hại nhất mà loài người đã tìm ra. Thuốc lá giết 5 triệu người mỗi năm. 30% lý do chết là vì các bệnh ung thư từ thuốc lá gây ra Thuốc lá tạo ra các biến chứng bệnh ung thư, bệnh tim, bệnh phôỉ và khí quản… Thí dụ thuốc lá làm tăng tỷ lệ ung thư 10-20 lần cho những người hút thuốc so với nguời không hút. Các ung thư liên quan do thuốc lá như bệnh ung thư phổi, thực quản, bọng đái, ung thư máu, miệng, mũi, yết hầu, thực quản, tuỵ tạng, gan, bao tử, thận, ruột già, bọng đái, tử cung. Abestos (chất được dùng để lợp nhà giảm nhiệt, hiện nay không được dùng), chất hơi radon, than cũng gây ra ung thư phổi.
Ra nắng quá nhiều có thể làm bị ung thư da. Mỗi năm hơn một triệu người bị ung thư da. Tia cực tím trong nắng làm hư gene (di thể da) biến dạng đưa đến ung thư và làm suy yếu hệ thống kháng thể tự sửa và hủy diệt các tế bào mọc bất thường.

Dinh dưỡng – nghiên cứu y khoa không có chứng minh chắc chắn nhưng có chiều hướng là thức ăn mỡ làm tăng tỷ lệ bị ung thư ruột và ung thư vú. Thức ăn mỡ làm tăng tỷ lệ nguy cơ ung thư niệu tuyến (prostate cancer). Thịt đỏ gồm thịt bò, heo, cừu có thể làm tăng tỷ lệ bệnh ung thư ruột già và hậu môn. Nhiều nghiên cứu đề nghị trái cây và rau xanh có thể làm giảm ung thư ruột già mặc dầu sự liên hệ không được chặt chẽ cho lắm. Một số nghiên cứu cho thấy thức ăn có nhiều chất xơ (fiber) có thể làm giảm nguy cơ bị bướu và ung thư ruột già. Rất nhiều nghiên cứu khoa học đã đuợc làm về các loại thuốc bổ khác nhau. Tuy nhiên hiện nay các nghiên cứu khoa học vẫn chưa kết luận được hoàn toàn là các thuốc bổ có thể làm giảm các bệnh ung thư như trong quảng cáo của các nhà thương mại là thuốc bổ giúp ngừa ung thư. Một số nghiên cứu đề nghị vitamin D và Calcium có “chiều hướng” là giảm nguy cơ bị bệnh ung thư ruột, niệu tuyến và ung thư vú. Folate có trong rau xanh, trái cây, ngũ cốc có thể giúp làm giảm ung thư vú, ung thư ruột già… Rượu bia làm tăng rủi ro bị ung thư ruột già, vú, miệng, thực quản, gan một khi gan bị chai vì rượu.
Bệnh nhiễm trùng – khoảng 17% các bệnh ung thư trên thế giới là do các bệnh nhiễm trùng. Các virus làm tế bào cơ thể biến dạng và làm yếu hệ thống miễn nhiễm chống ung thư. Human papilomavirus (HPV) gây ra ung thư cổ tử cung và các ung thư bộ phận sinh dục. Virus B và C dẫn hàng đầu về nguyên nhân gây ra bệnh ung thư gan. Virus HIV (AIDS) gây ra ung thư Kaposi sarcoma và ung thư hạch (lymphoma). Virus HTLV 1 gây ra nhiễm ung thư máu. Epstein Barr Virus (EBV) gây ra ung thư ung thư hạch và Burkitt’s lymphoma. Và dĩ nhiên là vi trùng Helicobacter Pylori mà người Việt chúng ta bị rất nhiều gây ra bệnh ung thư bao tử. Vi trùng Helicobacter Pylori truyền nhiễm qua đường ăn uống trong khi đa số các virus kia đa số lây qua đường máu (chích ma túy, xâm mình, châm cứu với kim nhiễm trùng) và đường sinh dục. Thuốc chủng ngừa siêu vi B và HPV giúp ngừa bị nhiễm hai siêu vi này.
Thiếu hoạt động- Nghiên cứu cho thấy năng hoạt động giúp giảm tỷ lệ ung thư vú và ruột già. Nặng ký và mập sẽ dễ bị ung thư ruột già, vú, tử cung, niệu tuyến, gan và túi mật. Một nghiên cứu dịch tễ học (Epidemiology) cho rằng bệnh mập ở Hoa Kỳ gây ra 14% chết vì bệnh ung thư cho đàn ông và 20% cho phái nữ.
Bí quyết làm giảm tỷ lệ nguy cơ bị ung thư :
Có những yếu tố mà mình không thể thay đổi được như bị di truyền qua di thể (DNA) của cha mẹ- “Cha truyền con dính” trốn không được. Tuổi tác cũng không thay đổi được. Mình có thể khai bớt tuổi để trốn lính nhưng tuổi thật trời cho thì không bớt đi được và càng lớn tuổi thì càng dễ bị ung thư. Chúng ta không thể đi ngược thời gian hoặc ca mỗi ngày bài “Ðường xa ướt mưa” của nhạc sĩ Ðức Huy, “xin cho thời gian đứng yên lắng đọng” để đươc trẻ mãi không già.
Tuy nhiên có một số yếu tố nằm trong phạm vi chúng ta có thể kiểm soát hay thay đổi được để làm giúp giảm tỷ lệ rủi ro bị ung thư.
Không nên hút thuốc lá nếu chưa hút; bỏ hút thuốc lá nếu đã lỡ hút. Tránh uống rượu bia nhiều mỗi ngày vì rượu bia làm sưng gan, chai gan và ung thư gan. Tránh chơi bời sinh lý bậy bạ vì có thể bị nhiễm bệnh sinh lý như bệnh AIDS, và siêu vi HIV, HPV, B và C. Không chích cần sa ma tuý vì cũng dễ bị nhiễm các vi khuẩn trên. Tránh đừng để bị mập mà phải giữ trọng lượng cân bình cho cơ thể vì mập gây ra bệnh ung thư vú, ruột; năng hoạt động và tập thể thao cũng giúp giảm tỷ lệ ung thư. Tránh tắm nắng hay ra nắng quá nhiều mà không che đậy cơ thể kỹ càng vì dễ bị ung thư da (melanoma). Tránh đừng ra nắng nhất là khoảng từ 10 giờ sáng tới 3 giờ chiều. Nên đội mũ, đeo kiếng và mặc quần áo kín đáo để bớt tránh da bị nắng nhiều. Nếu thích mặc tiết kiệm vải thì nên ở chỗ tối, tránh ngoài nắng làm cháy da mình, cháy… mắt người.

Nên ăn thức ăn như rau xanh, trái cây và thức ăn có chất xơ, giảm thịt đỏ và thức ăn béo mỡ.
Ðiều cần nhấn mạnh là sự thay đổi này phải càng sớm càng tốt vì cần một thời gian cả chục năm thì sự thay đổi mới giúp làm thuyên giảm của tác hại trên cơ thể không thể một sớm một chiều mà được. Thí dụ như bệnh nhân bị ung thư phổi khai đã ngưng thuốc lá rồi, nhưng chỉ mới ngưng được một tháng khi bắt đầu ho ra máu, một triệu chứng của ung thư phổi. Ngưng thuốc lá lúc này vẫn tốt hơn là tiếp tục hút thuốc nhưng đã là quá trễ.

Vì ung thư ruột, vú có yếu tố di truyền cho nên nếu người thân trong gia đình như cha mẹ anh em bị bệnh ung thư trên thì nên đi tham khảo với bác sĩ để khám định kỳ sớm hơn. Cần khám tổng quát hàng năm khi tuổi trên 40.
Đi khám định kỳ tầm soát ung thư vú, tử cung, niệu tuyến và ung thư ruột theo lịch trình và khuyến cáo của bác sĩ.
Thử máu và chụp hình truy tầm ung thư gan nếu bị siêu vi gan B và C.
BS Trịnh Ngọc Huy, MD
San Jose, California


(Từ Cảnh chuyển)

30 thg 12, 2017

VƯỜN VẮNG THƠ RỒI - Thơ Hồ Nguyễn

VƯỜN VẮNG THƠ RỒI



Một cụm mây đen thoáng góc trời,
Ánh hồng le lói khiến chơi vơi.
Vườn hoa ảm đạm thơ tình vắng,
Bướm bỏ xa rời bay khắp nơi.
Trang giấy lấm lem thơ đứt đoạn,
Bút tưa nét mực khóc chia rời.
Thi nhân ủ rủ tìm thơ sót,
Ngóng gọi mây buồn mau thoáng vơi.


HỒ NGUYỄN (07-8-17)
Kính mong sao vườn thơ không bị cụm mây che nét thắm

Nghệ thuật giáo dục Nhật Bản: ‘Tại sao tôi không bao giờ thấy một đứa trẻ Nhật bị mắng ở nơi công cộng?’

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhoZvsZkrS0f2-IHWJSBKabOk1EXE0ANp2qzHUtpyl6KiOyWcb3hfb_uiFHC2J5_lKNVt-E-FQt3_hQKPlcMN4T3cAdBmJpRI6JxEeThql9arJMLwfttBUgN3131e3laRYzexqjmlP6RlY/s640/00119.jpg
 
Hầu như những bậc làm cha làm mẹ nào cũng sẽ phải đối diện với một vấn đề phiền hà và gây căng thẳng. Đó là các bé thường rất hiếu động và không chịu ngồi yên một chỗ khi ra ngoài chơi. Tuy nhiên, nếu bắt gặp cảnh gia đình người Nhật Bản dù có đến hai, ba đứa trẻ đi cùng cũng không thấy bố mẹ phải bận rộn nhắc nhở gì nhiều, bạn sẽ ước gì được ở vào hoàn cảnh của họ.
 
Gia đình người Nhật rèn giũa cho những đứa trẻ của họ như thế nào? Và làm thế nào để họ hình thành được tác phong tốt cho chúng? Có nhiều người khi nghiên cứu về cách dậy con của các nước đều đặt ra những câu hỏi như vậy khi nhìn biểu hiện của những đứa trẻ Nhật Bản nơi công cộng.
Đôi khi sẽ có một vài nhận định sai lầm khi họ qua tiếp xúc ban đầu mà nói rằng, người Nhật đang biến những đứa trẻ của họ thành những cỗ máy biết vâng lời. Bởi họ cho rằng việc một đứa trẻ hoàn toàn vâng lời cha mẹ ngay từ khi còn nhỏ, nhất mực kính trọng người lớn tuổi là làm mất đi cái tính tự quyết của trẻ, không cho trẻ được bày tỏ quan điểm cá nhân của chúng. Nhưng có vẻ như không phải vậy.
 
Bạn có thể dễ dàng quan sát hành vi của những đứa trẻ, để đưa ra một nhận định về sự khác biệt trong giáo dục chúng ở nơi công cộng. Trên chuyến tàu, một em bé Nhật Bản thường ngồi ngay ngắn và nghiêm chỉnh trong yên lặng trên ghế của mình, trong khi một em bé người Việt sẽ biến nơi đó thành một sân khấu để múa may, chạy nhảy, nói chuyện ồn ào náo nhiệt. Trong khi các bà mẹ Việt Nam đang phải liên tục nhắc nhở con mình, thậm chí còn thì thầm hay lớn tiếng về hình phạt mà con sẽ chịu khi về tới nhà, thì các bà mẹ Nhật lại rất điềm tĩnh, yên lặng, những đứa trẻ của họ ngồi bên cạnh với một sự tự hào nho nhỏ.
 
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEigGXtumSBCx10uE_TuBa6k-RRDLiSFqPySyimeGYVZ7lkND_Qc5zxRFj7u64O7thy49grsBPvCJ7pMuwkOfRa2egNav5Ot-0ugeOKcNLVefePP7iYJBwZ9qX09EK7Wqqa97RzXcevQlpk/s640/00120.jpg
(Ảnh: Savvytokyo)
 
Một câu hỏi đặt ra là tại sao lại có sự khác biệt lớn đến như vậy và người Nhật đã dậy con tuân thủ nguyên tắc như thế nào?
 
“Khủng hoảng tuổi lên 3, lên 5…” – Mọi đứa trẻ đều sẽ trải qua giai đoạn đó và bố mẹ chỉ có thể đơn giản là chấp nhận một cách bình tĩnh nhất
 
Chúng ta sẽ khó mà bắt gặp một đứa trẻ có hành vi tốt ở nơi công cộng, nhiều bà mẹ Việt đã thử đố nhau tìm thấy đứa trẻ như thế, kể cả những đứa trẻ đã trưởng thành. Thường thì chúng ta sẽ dễ dàng thấy hình ảnh đứa trẻ khóc lóc, giận dỗi, yêu sách cha mẹ chúng khi ở sảnh phòng khám bệnh hay ở khu vui chơi, các ông bố bà mẹ thì làm mọi cách để trấn an, chiều chuộng con mình hoặc la hét, dọa nạt, mọi người xung quanh đều coi đó là điều bình thường của con trẻ, và cảm thông cho điều đó. Thế nhưng ở Nhật thì hoàn toàn ngược lại, bạn có thể thấy đứa trẻ lăn lộn, khóc lóc ngay trên bãi cỏ hay ở công viên, nhưng cha mẹ chúng không hề can thiệp tới chúng như thể cha mẹ chẳng liên quan. Đây là cách mà các ông bố bà mẹ Nhật dậy con tự kiểm soát bản thân.
 
Có một lần tôi đã từng nổi giận lôi đình với con trai tôi, và hậu quả của việc đó là chúng tôi đã làm cho các hành khách trên cùng toa xe lửa từ Shinjuku tới Yamanote đó đều bỏ đi, đó thực sự là một sai lầm lớn của tôi. Khi thằng bé nhất quyết không về bằng xe lửa trong khi không còn sự lựa chọn nào khác, tôi đã không thể kiềm chế bởi tôi đang bế con gái sơ sinh, thằng bé làm mọi chiêu trò chỉ để rời khỏi chuyến tàu trong khi nó chuẩn bị khởi hành, tôi chỉ có thể nói lời xin lỗi tới những vị khách đã dũng cảm chịu đựng cảnh tượng này của mẹ con tôi, trong lúc bất lực này, tôi cầu mong có sự cứu viện từ một ai đó, nhưng sau này tôi nhận ra người Nhật sẽ không làm như vậy.
 
Tôi chia sẻ chuyện này cho cô giáo dậy tiếng Nhật của tôi, cô ấy nhắc tới một cụm: “giai đoạn tuổi khủng khoảng”.
 
Cô ấy chia sẻ với một nụ cười: “Những đứa trẻ của chúng tôi cũng như vậy, mọi chuyện rồi sẽ ổn cả thôi”. Tôi hỏi mọi người Nhật mà mình biết về việc sẽ làm gì với cái tuổi khủng hoảng đó, họ chỉ cười và rời đi.
 
Những đứa trẻ Nhật Bản có thể lặn lộn khóc lóc trên đất bẩn, còn bố mẹ thì dường như chả có liên quan gì tới con mình
 
Tôi đã hiểu ra, tuổi khủng hoảng cũng như cơn nhõng nhẽo của con chỉ là nhất thời. Tự bản thân ta phải luôn kiềm chế tâm trạng của mình. Giữ bình tĩnh và phớt lờ chúng đi, đợi lúc con dịu xuống thì mình mới từ từ nói chuyện được.
 
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhkGdMDxMBuj4agKjC9XkD7o9DP1YN0YNK1MWp5fjdVFXQ1xRLLigpmWF3kRVY50AWf-At8vVYc5GfO-rxic3wF6-o_dth9Nl7VcAoeuGibZR0pFa3MOSv7hu7C2vKAyBGG1F80zdKfeYk/s640/00121.jpg
(Ảnh: Savvytokyo)
 
Bên cạnh đó, có thể dùng chiến thuật đánh lạc hướng để làm cho con bị xao lãng khỏi cơn giận của mình. Cách này thường rất hiệu quả vì bọn trẻ có sự tập trung khá ngắn, dễ bị phân tán sự chú ý.
 
Cuối cùng, hãy nhớ là mình không việc gì phải thấy xấu hổ vì con ăn vạ, làm mọi cách để chấm dứt ngay tình trạng đó vì sợ ánh mắt của những người xung quanh. Mọi thứ đều trở nên đơn giản nếu bạn nhìn chúng bằng con mắt nhẹ nhàng, vị tha. Đừng quên, óc hài hước cũng rất cần thiết, giúp sức cho bạn vượt qua giai đoạn “ẩm ương” của bọn trẻ một cách suông sẻ.
 
Nghệ thuật Shitsuke
 
Shitsuke là yếu tố thứ 5 trong nguyên tắc 5S của người Nhật: Seiri (Sàng lọc) – Seiton (Sắp xếp) – Seiso (Sạch sẽ) – Seiketsu (Săn sóc) – Shitsuke (Sẵn sàng). Thật ra từ Shitsuke có nghĩa là duy trì hoặc kỷ luật bền vững, nó mang ý nghĩa văn hóa khá phong phú: Kỷ luật và luyện tập thường xuyên với tất cả mọi người. Hình ảnh người Nhật rất kỷ luật và đầy lễ nghi sẽ khiến bạn hình dung ra cách giáo dục khô cứng và nghiêm khắc. Nhưng Shitsuke cũng cần có nghệ thuật của nó, không chỉ là hình phạt và giáo huấn một cách bừa bãi.
 
Một lần tôi vô tình khám phá ra lý do tại sao tôi không bao giờ nhìn thấy một đứa trẻ Nhật bị trách mắng ở nơi công cộng. Trong một chuyến tàu đông đúc, tôi thấy một đứa bé đang có biểu hiện giận dỗi trên đường về nhà, người cha nhanh chóng kéo toàn bộ gia đình xuống khỏi toa xe lửa để cánh cửa kịp thời đóng lại và đoàn tàu kịp chuyển bánh, mặc dù có lẽ đó chưa phải là ga mà gia đình ông cần tới.
 
Sau đó ông ấy cúi xuống và bắt đầu nói chuyện một cách nghiêm khắc về hành vi cư xử không đúng đắn của cậu bé. Điều đó hoàn toàn khác hẳn với cách hành xử của tôi trong trường hợp tương tự với con trai ở trên tàu điện ngầm. Cha mẹ Nhật sẽ tự giải quyết vấn đề của họ mà không làm ảnh hưởng tới người xung quanh, đồng thời, quan trọng nhất chính là phải giữ thể diện cho đứa trẻ. Tôi đã bất ngờ khám phá được nguyên tắc trong cách phạt con của họ: Không trách mắng con chỗ đông người.
 
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEh8n2Og1kTHgBpUL4wtkCEfctVlUxDHB_MfMu3zPy4tDemF6smpWt3lzDckp6HUqoH6GA_xXNcBvL2GBAjIO2L0DvyeXvS_sQ2AQtEsskvrA6Usfsa2FNxTsooln2VjkjmxGiY4sjjlPUM/s640/00122.jpg
Hãy nói chuyện riêng với con bạn về những hành xử không đúng của bé, tránh làm mất thể diện của bé chỗ đông người. (Ảnh: Healthyway)
 
Khi tôi muốn tìm hiểu sâu thêm về những gì mà cha mẹ Nhật thường làm với con cái họ, tôi khám phá ra rằng, họ thường có những cuộc trao đổi riêng với nhau ở bất kì nơi đâu, ở công viên hay các ga tàu. Bên cạnh việc tôn trọng con thì các bậc cha mẹ coi con cái có kỷ luật là một niềm tự hào của họ, bởi cha mẹ là hình ảnh mà đứa trẻ sẽ học hỏi theo trong suốt cuộc đời của nó, nên họ sẽ rất kiên trì dậy bảo đức tính kỷ luật cho trẻ.
 
Đối với con trẻ không đơn giản chỉ là nuôi dưỡng mà việc quan trọng hơn cả chính là dậy và dỗ, khi nào dùng kỷ luật để dậy con, và kỷ luật như thế nào, khi nào thì dỗ dành động viên trong yêu thương, đó đều có nguyên tắc.
 
Khi thực hành kỷ luật với con cái, điều quan trọng nhất là phải giữ thể diện cho đứa trẻ
 
Giáo dục đạo đức là điều đầu tiên và cơ bản nhất
 
Việc giáo dục con nhỏ không phải là xây dựng cho con một nền tảng kiến thức phong phú, biến con trở thành một tài năng, mà nó là sự giáo dục từ những cử chỉ, hành vi, lời nói hay một lối sống đạo đức lành mạnh. Người Nhật rất coi trọng đạo đức, đặc biệt là những năm tháng đầu đời, ngay từ các trường mẫu giáo, cô giáo sẽ dậy trẻ từ cách xếp dép, để đồ dùng cá nhân sao cho đúng chỗ, đúng quy cách.
 
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjFn_czJAFTYZR5r9gOsxIv3q0x2ajdez1JpEWn2GUTtz2mFplehJOlIrUjJ8zQDt-4CL4kg5PlyAfiWGac91HQKkcIi4UiIMSS-xowWUC_3OlAEGLKSbFjZ5rYi7GuNFGtwsWeNtiALpw/s640/00123.jpg
(Ảnh: Savvytokyo)
 
Giáo viên tại trường tập trung vào việc dạy trẻ tác phong kỷ luật để hành xử đúng đắn bằng cách lặp đi lặp lại các bài học hành vi thích hợp và sửa chữa cá nhân cho tới khi chúng trở nên thành thạo thì mới chuyển hướng sang bài học khác. Các bé sẽ được tham gia các trò chơi và học về hành vi lịch sự nhỏ như cách cởi giày ra sao cho gọn gàng và ngồi im lặng cho đến khi nó trở thành thói quen.
 
Các em nhỏ phải thực hành các bài học về nề nếp lặp đi lặp lại cho đến bao giờ thành thói quen
 
Một buổi chiều đầy nắng ở trường mẫu giáo, cô giáo của con tôi đã gặp tôi sau giờ học. Cô nói rằng hai ngày gần đây cô không thể áp dụng kỷ luật với con trai tôi do bất đồng ngôn ngữ, nó thường lặp lại lời nói và cử chỉ của cô như một sự chế nhạo. Cuối cùng, cô ấy phải hét vào mặt con tôi như cách tôi đã làm thì cháu mới hợp tác. Tôi đã thực sự cảm thấy xấu hổ vì cách hành xử thiếu kiên nhẫn của mình với con cái lại chính là dậy con một lối sống thô lỗ. Giáo dục trẻ nhỏ cũng là một hành trình học hỏi của chính các bậc làm cha làm mẹ.
 
Khi tôi tức giận và làm mọi cách để con mình tuân theo ý muốn của mình, đó là áp đặt, không đặt mình vào vị trí người khác, thiếu kiên nhẫn và để cho cảm xúc của con chi phối mình mà không có được sự an hòa tự tại –  đó là thiếu cả Nhẫn và Thiện.
 
Khi tôi sợ bị mọi người xung quanh đánh giá là không biết dậy con, “con hư tại mẹ”, chỉ muốn lấp liếm vấn đề và giữ thể diện cho bản thân – đó là thiếu cả Chân và Thiện.
 
Và khi tôi học cách giáo dục con mình, tôi nhận ra đó là cả một hành trình, hành trình dùng Chân – Thiện – Nhẫn để dẫn dắt một sinh linh nhỏ bé thành người tốt bụng, nhân hậu và có ích cho xã hội.
 
Tịnh Tâm
 
 
(Đại Kỷ Nguyên)

29 thg 12, 2017

KHÔNG BẾN - Thơ Chân Dung

Mời bạn đọc 1 bài thơ tình "Không Bến" của nhà thơ Chân Dung, một thi hữu của SPSG.
Một chuyện tình ngỡ bế tắc, thương đau,
Ai biết được sau mưa rào nắng ấm...
                              *


                    Không Bến
Tháng năm dài giờ chỉ là khoảnh khắc,
Mòn mỏi bơ vơ khôn nhắc đôi chân,
Biết tìm đâu thoang thoảng chút dư âm ,
Giai khúc ấy tuyêt vời trong cảm xúc!
                       *
Cay đôi mắt, đọng, đọng từng giot lệ...
Lăn, lăn tăn, nghe mặn mặn bờ môi,
Hạt sương nào lóng lánh cánh hoa tươi,
Nghe tê tái không tên, đời quạnh quẽ !
                       *
Sầu chất ngất nghe cõi lòng thổn thức,
Vì yêu ai hay vì chẳng dám yêu?!
Duyên gì không, sao bỗng đến cùng nhau?
Trong giây phút, mà thành sầu ngăn cách....
                         *
Vòng tay yêu anh và em vẫn biết,
Bến tình còn xa lắc cuối chân trời,
Cho đêm buồn in sóng bước chơi vơi,
Trăng ngây ngất đỏ như tim rướm máu.!!
                         *
Như giấc mộng vàng, bẽ bàng quên lãng.
Bản tình ca, không điệp khúc vấn vương
Đàn ngang cung, dây đã chùng, phím lạc!!?,
Đọng mãi hồn em điệu nhạc, nhớ thương.!!!
Chân Dung
23/12/1997.

(Ngân Triều chuyển)

Luật HỎI NGÃ

Trong tiếng Việt chúng ta sử dụng tất cả 1270 âm tiết với dấu hỏi hoặc với dấu ngã, trong đó có 793 âm tiết (chiếm 62%) viết dấu hỏi, 477 âm tiết (38%) viết dấu ngã. Việc nắm được quy luật dấu hỏi và dấu ngã của lớp từ láy và lớp từ Hán Việt sẽ giúp ta giảm được nhiều lỗi chính tả.

I. TỪ LÁY & TỪ CÓ DẠNG LÁY:

• Các thanh ngang (viết không có dấu) và sắc đi với thanh hỏi, ví dụ như: dư dả, lửng lơ, nóng nẩy, vất vả...

• Các thanh huyền và nặng đi với thanh ngã, ví dụ như: tầm tã, lững lờ, vội vã, gọn ghẽ...

Quy tắc từ láy chỉ cho phép viết đúng chính tả 44 âm tiết dấu ngã sau đây:

- ã ầm ã, ồn ã
- sã suồng sã
- thãi thưà thãi
- vãnh vặt vãnh
- đẵng đằng đẵng
- ẫm ẫm ờ
- dẫm dựa dẫm, dọa dẫm, dò dẫm
- gẫm gạ gẫm
- rẫm rờ rẫm
- đẫn đờ đẫn
- thẫn thờ thẫn
- đẽ đẹp đẽ
- ghẽ gọn ghẽ
- quẽ quạnh quẽ
- kẽo kẽo kẹt
- nghẽo ngặt nghẽo
- nghễ ngạo nghễ
- nhễ nhễ nhại
- chễm chiễm chệ
- khễng khập khễng
- tễng tập tễnh
- nghễu nghễu nghện
- hĩ hậu hĩ
- ĩ ầm ĩ
- rĩ rầu rĩ, rầm rĩ
- hĩnh hậu hĩnh, hợm hĩnh
- nghĩng ngộ nghĩnh
- trĩnh tròn trĩnh
- xĩnh xoàng xĩnh
- kĩu kĩu kịt
- tĩu tục tĩu
- nhõm nhẹ nhõm
- lõng lạc lõng
- õng õng ẹo
- ngỗ ngỗ nghịch, ngỗ ngược
- sỗ sỗ sàng
- chỗm chồm chỗm
- sỡ sặc sỡ, sàm sỡ
- cỡm kệch cỡm
- ỡm ỡm ờ
- phỡn phè phỡn
- phũ phũ phàng
- gũi gần gũi
- hững hờ hững

Ngoài ra còn có 19 âm tiết dấu ngã khác dùng như từ đơn tiết mà có dạng láy ví dụ như:

- cãi cọ
- giãy giụa
- sẵn sàng
- nẫu nà
- đẫy đà
- vẫy vùng
- bẽ bàng
- dễ dàng
- nghĩ ngợi
- khập khiễng
- rõ ràng
- nõn nà
- thõng thượt
- ngỡ ngàng
- cũ kỹ
- nũng nịu
- sững sờ
- sừng sững
- vững vàng
- ưỡn ẹo

Cần phải nhớ cãi cọ khác với củ cải, nghĩ ngợi khác với nghỉ ngơi, nghỉ học.

Như vậy quy tắc hài thanh cho phép viết đúng chính tả 63 âm tiết dấu ngã. Ngoài ra còn có 81 âm tiết dấu ngã dưới đây thuộc loại ít dùng:

Ngãi, tãi, giãn (dãn), ngão, bẵm, đẵm (đẫm), giẵm (giẫm), gẵng, nhẵng, trẫm, nẫng, dẫy (dãy), gẫy (gãy), nẫy (nãy), dẽ, nhẽ (lẽ), thẽ, trẽ, hẽm (hẻm), trẽn, ẽo, xẽo, chễng, lĩ, nhĩ, quĩ, thĩ, miễu, hĩm, dĩnh, đĩnh, phĩnh, đõ, ngoã, choãi,doãi, doãn, noãn, hoãng, hoẵng, ngoẵng, chõm, tõm, trõm, bõng, ngõng, sõng, chỗi (trỗi), giỗi (dỗi), thỗn, nỗng, hỡ, xỡ, lỡi, lỡm, nỡm, nhỡn, rỡn (giỡn), xũ, lũa, rũa (rữa), chũi, lũi, hũm, tũm, vũm, lũn (nhũn), cuỗm, muỗm, đuỗn, luỗng, thưỡi, đưỡn, phưỡn, thưỡn, chưỡng, gưỡng, khưỡng, trưỡng, mưỡu.

Tôi để ý thấy rất nhiều lỗi chính tả ở những âm tiết rất thường dùng sau đây: đã (đã rồi), sẽ (mai sẽ đi), cũng (cũng thế), vẫn (vẫn thế), dẫu (dẫu sao), mãi (mãi mãi), mỗi, những, hễ (hễ nói là lam), hỡi (hỡi ai), hãy, hẵng. Cũng có những trường hợp ngoại lệ như:

1. Dấu ngã: đối đãi (từ Hán Việt), sư sãi (từ Hán Việt), vung vãi (từ ghép), hung hàn (từ Hán Việt), than vãn, ve vãn, nhão nhoét (so sánh: nhão nhẹt), minh mẫn (từ Hán Việt), khe khẽ (so sánh: khẽ khàng), riêng rẽ, ễng ương, ngoan ngoãn, nông nỗi, rảnh rỗi, ủ rũ . . .

2. Dấu hỏi: sàng sảy (từ ghép), lẳng lặng, mình mẩy, vẻn vẹn, bền bỉ, nài nỉ, viển vông, chò hỏ, nhỏ nhặt, nhỏ nhẹ, sừng sỏ, học hỏi, luồn lỏi, sành sỏi, vỏn vẹn, mềm mỏng, bồi bỏ, chồm hổm, niềm nở, hồ hởi...

II. TỪ HÁN VIỆT:

a) Dùng dấu hỏi khi có phụ âm đầu là:

• Ch-: chuẩn, chỉ, chỉnh, chủ, chuẩn, chủng, chuyển, chưởng.
• Gi-: giả, giải, giảm, giản, giảng, giảo.
• Kh-: khả, khải, khảm, khảng, khảo, khẳng, khẩn, khẩu, khiển, khoả, khoản, khoảnh, khổ, khổng, khởi, khuẩn, khủng, khuyển, khử.
• Và các từ không có phụ âm đầu như: ải, ảm, ảnh, ảo, ẩm, ấn, ẩu, ổn, uẩn, ủng, uổng, uỷ, uyển, ỷ, yểm, yểu.

b) Dùng dấu ngã khi có phụ âm đầu là:

• D-: dã, dẫn, dĩ, diễm, diễn, diễu, dĩnh, doãn, dõng, dũng, dữ, dưỡng.
• L-: lãm, lãn, lãng, lãnh, lão, lẫm, lễ, liễm, liễu, lĩnh, lõa, lỗi, lỗ, lũ, lũng, luỹ, lữ, lưỡng.
• M-: mã, mãi, mãn, mãng, mãnh, mão, mẫn, mẫu, mỹ, miễn.
• N-(kể cả NH-NG): nã, não, ngã, ngãi, ngẫu, nghĩa, nghiễm, ngỗ, ngũ, ngữ, ngưỡng, nhã, nhãn, nhẫn, nhĩ, nhiễm, nhiễu, nhỡn, nhũ, nhũng, nhuyễn, nhưỡng, noãn, nỗ, nữ.
• V-: vãn, vãng, vẫn, vĩ, viễn, vĩnh, võ, võng, vũ.

c) 33 từ tố Hán-Việt có dấu ngã cần ghi nhớ (đối chiếu với bản dấu hỏi bên cạnh):

- Bãi: bãi công, bãi miễn.
- Bảo: bảo quản, bảo thủ. Bão: hoài bão, bão ho
- Bỉ: bỉ ổi, thô bỉ Bĩ: vận bĩ, bĩ cực thái lai
- Cưỡng: cưỡng bức, miễn cưỡng
- Cửu: cửu trùnh, vĩnh cửu Cữu: linh cữu
- Đãi: đối đãi, đãi ngộ
- Đảng: đảng phái Đãng: quang đãng, dâm đãng
- Để: đại để, đáo để, triệt để Đễ: hiếu đễ
- Đỗ: đỗ quyên
- Hải: hải cảng, hàng hải Hãi: kinh hãi
- Hãm: kìm hãm, hãm hại
- Hãn: hãn hữu, hung hãn
- Hãnh: hãnh diện, kiêu hãnh
- Hoãn: hoãn binh, hoà hoãn
- Hổ: hổ cốt, hổ phách Hỗ: hỗ trợ
- Hỗn: hỗn hợp, hỗn độn
- Huyễn: huyễn hoặc
- Hữu: tả hữu, hữu ích
- Kỷ: kỷ luật, kỷ niệm, ích kỷ, thế kỷ Kỹ: kỹ thuật, kỹ nữ
- Phẫn: phẫn nộ
- Phẫu: giải phẫu
- Quẫn: quẫn bách, quẫn trí
- Quỷ: quỷ quái, quỷ quyệt Quỹ: công quỹ, quỹ đạo
- Sỉ: sỉ nhục, liêm sỉ Sĩ: sĩ diện, chiến sĩ, nghệ sĩ
- Tể: tể tướng, chúa tể, đồ tể Tễ: dịch tễ
- Thuẫn: hậu thuẫn, mâu thuẩn
- Tiễn: tiễn biệt, thực tiễn, hoả tiễn
- Tiểu: tiểu đội, tiểu học Tiễu: tuần tiễu, tiễu phỉ
- Tỉnh: tỉnh ngộ, tỉnh thành Tĩnh: bình tĩnh, yên tĩnh
- Trĩ: ấu trĩ
- Trữ: tích trữ, trữ tình
- Tuẫn: tuẫn nạn, tuẫn tiết
- Xả: xả thân Xã: xã hội, xã giao, thị xã

III. TÓM LẠI:

1. Từ láy: Các thanh ngang và sắc đi với thanh hỏi. Các thanh huyền và nặng đi với thanh ngã. Để cho dễ nhớ chúng ta có thể tóm gọn trong hai câu thơ sau:

Chị Huyền vác nặng ngã đau
Anh Sắc không hỏi một câu được là (Hoàng Anh Tuấn).

2. Từ Hán Việt phần lớn viết với dấu hỏi (trong tổng số yếu tố Hán-Việt, có 176 yếu tố viết dấu hỏi, chiếm 62%; 107 yếu tố viết dấu ngã, chiếm 38%), (Hoàng Phê, 6).

• Dùng dấu hỏi khi có phụ âm đầu là CH, GI, KH và các từ khởi đầu bằng nguyên âm hoặc bán nguyên âm như ải, ảm, ảnh, ảo, ẩm, ấn, ẩu, ổn, uẩn, ủng, uổng, uỷ, uyển, ỷ, yểm, yểu.

• Dùng dấu ngã khi có phụ âm đầu là M, N(NH-NG), V, L, D, N (cho dễ nhớ tôi viết thành Mình Nên Viết Là Dãu Ngã) (Hoàng Anh Tuấn).

Như vậy chỉ cần nắm các qui tắc trên và nhớ 33 trường hợp đặc biệt viết với dấu ngã là có thể viết đúng chính tả toàn bộ 283 yếu tố Hán-Việt có vấn đề hỏi ngã cũng coi như nắm được căn bản chính tả DẤU HỎI HAY DẤU NGÃ trong tiếng Việt (Hoàng Phê, 1).

Phần 1: Các lỗi về dấu câu và cách trình bày:
Các dấu dùng để kết thúc câu (dấu chấm, dấu chấm hỏi, dấu chấm than, dấu ba chấm) phải viết DÍNH LIỀN với chữ cuối cùng của câu.

Ví dụ cách viết đúng:

- Hôm nay là thứ mấy? (dấu chấm hỏi viết sát chữ y)

Ví dụ cách viết sai:

- Hôm nay là thứ mấy ? (dấu chấm hỏi viết cách chữ y một khoảng trắng)

Các dấu dùng để ngăn cách giữa câu như dấu phẩy, dấu chấm phẩy và dấu hai chấm phải DÍNH LIỀN với vế trước của câu và CÁCH vế sau của câu một khoảng trắng.

Ví dụ cách viết đúng:

- Đây là vế trước, còn đây là vế sau.

Ví dụ cách viết sai:

- Đây là vế trước , còn đây là vế sau.

Dấu ngoặc đơn và dấu ngoặc kép phải DÍNH LIỀN với phần văn bản mà nó bao bọc.

Ví dụ cách viết đúng:

- Hắn nhìn tôi và nói “Chuyện này không liên quan đến anh!”

Ví dụ cách viết sai:

- Hắn nhìn tôi và nói “ Chuyện này không liên quan đến anh! ”

Phần 2: Những từ nhiều người thường viết sai:

- “Dành” và “giành”:

Dành: động từ mang nghĩa tiết kiệm, cất giữ hoặc xác định quyền sở hữu, chia phần cho ai đó. Ví dụ: để dành, phần này dành cho bạn (tương đương với “phần này thuộc về bạn”).

Giành: động từ chỉ sự tranh đoạt. Ví dụ: giành giật, giành chính quyền.

- “Dữ” và “giữ”:

“Dữ” là tính từ chỉ tính cách. Ví dụ: dữ dằn, giận dữ, dữ tợn, hung dữ, dữ dội…

“Giữ” là động từ chỉ việc sở hữu, bảo vệ. Ví dụ: giữ của, giữ gìn, giữ xe, giữ đồ…

- “Khoảng” và :khoản”:

“Khoảng” để chỉ một vùng không gian, thời gian, độ dài bị giới hạn. Vi dụ: khoảng cách, khoảng không, khoảng thời gian.

“Khoảng” cũng có khi được dùng để chỉ sự ước lượng. Ví dụ: Nhóm người đó có khoảng chục người.

“Khoản” là một mục, một bộ phận. Ví dụ: tài khoản, điều khoản, khoản tiền.

- Số chẵn, số lẻ:

Chẵn dấu ngã, lẻ dấu hỏi là đúng.

- Bán sỉ, bán lẻ:

Cách viết đúng: Cả sỉ và lẻ đều là dấu hỏi.

- “Chẳng lẽ” (một từ thường đặt ở đầu câu, dùng để diễn tả suy đoán về một khả năng mà bản thân không muốn tin hoặc không muốn nó xảy ra):

Chẳng dấu hỏi, lẽ dấu ngã. Cái này ngược lại hoàn toàn với “số chẵn, số lẻ”.

- “Chuyện” và “truyện”:

“Chuyện” là thứ được kể bằng miệng. “Truyện” là chuyện được viết ra và được đọc.

Ví dụ: “chuyện cổ tích” được kể dựa theo trí nhớ nhưng khi chuyện cổ tích được in vào sách thì nội dung được in đó gọi là “truyện cổ tích”. Và nếu có người đọc cuốn sách đó thì người đó đang đọc “truyện cổ tích”.

- “Sửa” và “sữa”:

Sửa xe, sửa máy móc, sửa chữa là dấu hỏi.

Sữa bò, sữa mẹ, sữa tươi, sữa chua là dấu ngã.

- “Chửa” và “chữa”:

Chửa: đồng nghĩa với mang thai, là dấu hỏi.

Chữa: đồng nghĩa với “sửa”, thường ghép với nhau thành từ ghép “sửa chữa” (lưu ý: sửa dấu hỏi, chữa dấu ngã mặc dù hai từ này đồng nghĩa)

- “Dục” và “giục”:

“Dục” nói về chức năng sinh lý của cơ thể hoặc ham muốn. Ví dụ: thể dục, giáo dục, tình dục, dục vọng.

“Giục” nói về sự hối thúc. Ví dụ: giục giã, xúi giục, thúc giục.

- “Giả”, “giã” và “dã”:

“Giả”: không phải thật nhưng trông giống thật. Ví dụ: hàng giả, giả dối, giả vờ

“Giả” còn là một từ gốc Hán mang nghĩa “người”. Ví dụ: tác giả (người tạo ra), cường giả (kẻ mạnh), khán giả (người xem), diễn giả (người nói trước công chúng về một chủ đề nào đó).

“Giã”: thường ghép với các từ khác. Ví dụ: giục giã, giã từ.

“Dã”: mang tính chất rừng rú, hoang sơ, chưa thuần hóa. Ví dụ: dã thú, hoang dã, dã tính, dã man.

- “Sương” và “xương”:

“Sương”: hơi nước xuất hiện vào buổi sáng sớm hoặc trong những hoàn cảnh thời tiết đặc biệt. Ví dụ: sương mù, giọt sương, hơi sương, sương muối.

“Xương”: phần khung nâng đỡ cơ thể động vật. Ví dụ: bộ xương, xương bò, xương hầm.

- “Xán lạn”:

“Xán lạn” là cách viết đúng. Cả “xán” và “lạn” đều là những từ gốc Hán. “Xán” là rực rỡ, “lạn” là sáng sủa. Tất cả các cách viết khác như “sáng lạn”, “sáng lạng”, “sán lạn”… đều là những cách viết sai. Đây là một từ khó, khó đến nỗi rất nhiều bài báo cũng dùng sai.

- “Rốt cuộc”:

“Rốt cuộc” là cách viết đúng. Nhiều người thường hay viết sai từ này thành “rốt cục” hoặc “rút cục”.

- “Kết cục”:

“Kết cục” là cách viết đúng. “Kết cuộc” là cách viết sai.

- “Xuất” và “suất”:

“Xuất” là động từ có nghĩa là ra. Ví dụ: sản xuất, xuất hiện, xuất bản, xuất khẩu, xuất hành, xuất phát, xuất xứ, xuất nhập… “Xuất” còn có nghĩa là vượt trội, siêu việt. Ví dụ: xuất sắc, xuất chúng…

“Suất” là danh từ có nghĩa là phần được chia. Ví dụ: suất ăn, tỉ suất, hiệu suất…

- “Yếu điểm” và “điểm yếu”:

“Yếu điểm”: có nghĩa là điểm quan trọng. “Yếu điểm” đồng nghĩa với “trọng điểm”.

“Điểm yếu”: đồng nghĩa với “nhược điểm”.

- “Tham quan”:

"Tham quan" nghĩa là xem tận mắt để mở rộng hiểu biết. “Tham quan” là cách viết đúng, “thăm quan” là cách viết sai.

Phần 3: Một số quy tắc chính tả:

- Ch/tr:

Chữ tr không đứng đầu các tiếng có vần có âm đệm như oa, oă, oe, uê. Do đó nếu gặp các vần này, ta dùng ch. Ví dụ: sáng choang, áo choàng, chích chòe, loắt choắt, chuệch choạc, chuếnh choáng…

Những từ Hán Việt có thanh nặng hoặc thanh huyền thường có âm đầu tr. Ví dụ: trịnh trọng, trình tự, trừ phi, giá trị, trào lưu...

Những từ chỉ vật dụng quen thuộc hoặc các mối quan hệ trong gia đình thường có âm đầu là ch. Những từ mang nghĩa phủ định cũng có âm đầu là ch. Ví dụ: chăn, chiếu, chai, chén, chổi, chum, chạn, chõng, chảo,... chuối, chanh, chôm chôm, cháo, chè, chả, chạy, chặt, chắn, chẻ,... cha, chú, chị, chồng, cháu, chắt,… chẳng, chưa, chớ, chả.

- R/d/gi:

Chữ r và gi không đứng đầu các tiếng có vần có âm đệm (oa, oe, uê, uy). Do đó gặp các tiếng dạng này thì ta chọn d để viết, không chọn r hoặc gi. Ví dụ: dọa nạt, kinh doanh, duy trì, hậu duệ…

Trong các từ Hán Việt:

+ Các tiếng có thanh ngã hoặc thanh nặng thường viết với âm đầu d.

Ví dụ: diễn viên, hấp dẫn, bình dị, mậu dịch, kì diệu...

+ Các tiếng có thanh sắc hoặc thanh hỏi thường viết gi.

Ví dụ: giải thích, giá cả, giám sát, giới thiệu, tam giác...

+ Các tiếng có thanh huyền hoặc thanh ngang thường viết với âm đầu gi khi vần có âm đầu a và viết với âm đầu d khi vần có âm đầu khác a.

Ví dụ: gian xảo, giao chiến, giai nhân, tăng gia, gia nhân, du dương, do thám, dương liễu, dư dật, ung dung...

Phần 4: Bí quyết viết đúng chính tả:

Có những lỗi chính tả chúng ta viết sai mà không biết mình viết sai. Những lỗi này thường do bạn đã quen thuộc với chúng trong thời gian dài nên dù sau khi viết xong đọc lại bạn cũng không phát hiện ra.

Tốt nhất hãy để người khác đọc bài viết của bạn và nhờ họ góp ý, sau khi đã biết được lỗi sai thì hãy ghi nhớ chúng để không phạm phải lần sau.

Tra từ điển tiếng Việt (nếu không có từ điển giấy, có thể tra từ điển online trên mạng) để kiểm tra những từ mà bạn không nhớ rõ cách viết hoặc những từ mà bạn nghi ngờ.

Có một số lỗi không phải do bạn sai chính tả mà là do lỗi đánh máy. Sau khi viết, hãy kiểm tra lại cẩn thận bài viết của bạn để tìm và sửa những lỗi này.


(H.Phi chuyển)