31 thg 10, 2017

CHỪNG NHƯ BUỒN BỎ LAI- Thơ Thuyên Huy




Mình gặp lại một chiều mưa cuối hạ

Hiên nhà người hai đứa đứng bên nhau

Cũng mấy năm chốn cũ giờ chắc lạ

Trời buồn thiu quên rụng lá thu đầu



Làng tôi đó rừng cao su Trà Võ

Xóm nhà người sông nước đục Cẫm Giang

Đường đi về ngày xưa không dám ngỏ

Để thương thầm từ đó cứ riêng mang



Người bỏ đi một mình tôi ở lại

Lá  rừng quen cũng mấy độ thay mùa

Gốc phượng già vẫn già như năm ngoái

Ngày qua ngày trông ngóng chuyến đò trưa



Buồn nối buồn ngậm ngùi bờ dốc cũ

Con ngựa đau nặng nhọc chiếc xe gầy

Cũng ngõ về tôi chờ người dưới phố

Chiều qua nhanh bối rối áo thưa bay



Phượng từng cánh tím bầm tơi tả rụng

Đường ngoài kia trời cũng đã thôi mưa

Người cúi đầu nón che vành lúng túng

Tôi nhìn theo sầu chẻ sợi đong đưa

Thuyên Huy

Tháng chín 2017


🍃🍃🍃🍃









Khi chuồn chuồn săn ếch và nhện ăn chuột


Nhện sói (Lycosa erythrognatha) săn một con cóc
Nhện sói (Lycosa erythrognatha) săn một con cóc

Cách đây ít lâu có một video clip lan truyền chóng mặt ghi lại hình ảnh một con nhện thợ săn Úc đang kéo một con chuột lên vách tủ lạnh.
Đoạn video clip đó quả là quá đỉnh. Con nhện thợ săn cho thấy nó có sức mạnh đáng kinh ngạc, với những cái chân có lực quắp phi thường: mặt vách tủ lạnh thì trơn bóng không hề dễ leo chút nào.

Hiện tượng đáng sợ?

Nhưng nếu xét về vấn đề quan trọng nhất thì đoạn video clip đó cũng không phải là gì đáng kể: con nhện đó nhiều khả năng không hề giết chết con chuột. Cái đuôi cứng đờ và cái bụng rũ xuống của con chuột là dấu hiệu cho thấy nó đã chết được một lúc. Do đó, điều mà đoạn phim đó cho chúng ta thấy thật ra chỉ là một thành tích ấn tượng về khả năng ăn xác chết ngoại hạng.
Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn sâu hơn vào thế giới muôn loài thì chúng ta sẽ thấy rất nhiều những loài bò bằng chân đáng sợ, chẳng hạn như những loài nhện có khả năng chế ngự và giết chết con mồi có kích thước lớn hơn chúng nhiều.Một báo cáo khoa học công bố hồi 12/2016 mô tả lại sự việc kinh hoàng ở Brazil: người ta nhìn thấy một con nhện lông (Grammostola quirogai) ăn thịt một con rắn mà rõ ràng là nó đã chộp được rồi giết chết. Con rắn đó có chiều dài 39cm.
Một con nhện tarantula (Grammostola quirogai) ăn thịt con rắn cạn Almaden (Erythrolamprus almadensis)
Một con nhện tarantula (Grammostola quirogai) ăn thịt con rắn cạn Almaden (Erythrolamprus almadensis)
Nhện và côn trùng về cơ bản khác biệt với con người chúng ta ở chỗ chúng không có xương sống. Còn chúng ta và các loài động vật khác như chó, đại bàng, ếch nhái… là những động vật có xương sống.
Động vật xương sống có kích thước lớn hơn nhiều so với động vật không xương sống. Ngoại trừ trong các phim khoa học viễn tưởng, không có con côn trùng nào có thể sánh với kích thước của con voi.
Do đó mà chúng ta vẫn cứ nghĩ rằng động vật xương sống sẽ ăn động vật không xương sống: chim ăn ruồi, tinh tinh ăn mối và loài ăn kiến thì đương nhiên là ăn kiến, chứ không thể có chuyện ngược lại.Ý nghĩ loài không xương sống có thể ăn thịt loài có xương sống thường khiến chúng ta rùng mình kinh sợ.
Tuy nhiên, thế giới tự nhiên thì không hề biết, cũng chẳng bận tâm đến quan niệm của con người.
Một con chim ruồi Acadia (Empidonax virescens) bị mắc vào mạng nhện
Một con chim ruồi Acadia (Empidonax virescens) bị mắc vào mạng nhện
Trong tự nhiên có rất nhiều loài ăn thịt to lớn, nhanh nhẹn và thường là có độc tố mạnh nhưng lại không có xương sống.
Việc con mồi có xương sống đối với chúng không có gì quan trọng: có lẽ phần xương sống chỉ khiến chúng phải mất thêm công nhai nghiền mà thôi.

Ấu trùng chuồn chuồn

Vào 4/2016, các nhà sinh vật học ở Brazil đã lần đầu tiên ghi nhận ấu trùng chuồn chuồn ăn thịt ếch trưởng thành.
Ấu trùng chuồn chuồn là loài ăn thịt dưới nước nổi bật. Chúng thường ăn nòng nọc và điều này buộc các nạn nhân phải phát triển những chiến lược tự vệ tinh vi.
Nòng nọc của loài ếch da beo sẽ đẩy nhanh quá trình trưởng thành nếu ở hồ nước của chúng cũng có mặt ấu trùng chuồn chuồn.
Các loài nòng nọc khác thì giấu mình hay phát triển những bộ phận mang tính trang trí ở phần đuôi để lừa ấu trùng chuồn chuồn tấn công vào những nơi không mấy quan trọng trên cơ thể chúng.Ấu trùng chuồn chuồn có thể được xem là chúa sơn lâm của vùng ‘rừng rậm’ các bụi nước. Tuy nhiên không ai nghĩ rằng chúng có thể tấn công ếch nhái trưởng thành.
Nghiên cứu mới cho thấy chúng có khả năng đó. Những con ấu trùng háu ăn ngoi ra khỏi ao hồ leo lên những cây cỏ trên mặt nước rồi sau đó nhảy lên lưng ếch nhái và bắt đầu ăn sống chúng. Nạn nhân có chống cự cũng vô ích.
Việc chuồn chuồn ăn thịt động vật có xương sống không chỉ dừng ở giai đoạn ấu trùng. Các con chuồn chuồn trưởng thành cũng tham gia vào hành động này.
Chẳng hạn như người ta đã chụp được tấm hình ghi lại một loài chuồn chuồn Canada khổng lồ, được gọi là chuồn chuồn thợ săn, bắt lấy một con chim ruồi cổ hồng giữa không trung rồi ăn thịt.
Tuy nhiên, đây không phải là điều thường gặp: trường hợp duy nhất mà con người biết là vào năm 1977.

Rết Scolopendra

Một số loài không xương sống khác lại thường là loài thường xuyên ăn thịt động vật có xương sống. Trong số đó, đáng chú ý nhất là rết Scolopendra.
A giant centipede (Scolopendra viridicornis) eats an Argentine brown bat (Eptesicus furinalis) (Credit: Ana Carolina Srbek de Araujo)
Con rết khổng lồ (Scolopendra viridicornis) ăn thịt con dơi nâu Argentine (Eptesicus furinalis)
Hầu hết các loài rết đều là động vật ăn thịt, nhưng rết Scolopendra đặc biệt hung hãn. Chúng có thể phát triển dài đến 30cm và có những chiếc răng nanh chắc khoẻ – thật ra những chiếc răng nanh là chân trước của chúng tiến hóa thành.
Ở các xứ nhiệt đới, rết Scolopendra sống ở hang động là sát thủ chính của loài dơi bám vào vách hang.
Rết Scolopendra bò lên trần của hang dơi và dùng nửa phần thân sau để bám vào trần hang.Phần thân này đặc biệt chắc khỏe và to bản với những móng vuốt to lớn và sắc bén ở phía ngoài để giúp chúng có thể bám chặt.
Một khi đã bám chặt được vào vách hang, rết Scolopendra thả phần thân trước đung đưa xuống dưới nằm chờ sẵn ở lối bay của dơi và chụp lấy con nào đó bay ngang qua, hoặc kiếm con dơi nào đang ngủ, lôi nó ra khỏi vách trong quá trình rết leo lên tìm vị trí săn mồi.
Ngoài dơi ra, những con rết có khí giới đầy đủ này còn được biết là cũng ăn chuột, thằn lằn, ếch và thậm chí cả rắn. Không chỉ những con rắn cỏ vô hại, loài rết này thậm chí từng được ghi nhận là hoàn toàn áp đảo loài rắn san hô Ấn Độ vốn rất nhanh nhẹn và rất độc.
Bên cạnh kích thước, một yếu tố nữa cũng làm cho loài rết này trở thành loài săn mồi có sức hấp dẫn đối với Hollywood, đó là nọc độc.
A giant centipede eats a lizard (Cnemidophorus ocellifer) (Credit: Anthony Ferreira)
Con rết khổng lồ ăn thịt con thằn lằn (Cnemidophorus ocellifer)
Nọc độc của rết Scolopendra có chứa từ 10 cho đến 62 loại protein có thể làm tim ngừng đập hay làm rối loạn quá trình trao đổi chất bên cạnh các tác dụng khác. Một số con có nọc độc mạnh đến nỗi có thể giết chết một đứa trẻ hoặc một con chó to. Trong một trường hợp không may, một sỹ quan quân đội vô tình nuốt phải một con rết nhỏ, và ông đã tử vong.
Trong một nghiên cứu được công bố hồi năm 2014, Dragan Arsovski và các đồng sự cho biết họ tìm thấy một con rắn đầu bành cái đã chết với cái bụng bị xé toạc.
A Scolopendra centipede eats its way out of a female horn-nosed viper (Vipera ammodytes) (Credit: Xavier Bonnet)
Con rết Scolopendra chui ra từ bụng con rắn đầu bành cái
Con vật không may này đã nuốt một con rết Scolopendra còn sống dài 15cm. Hành động liều lĩnh này hóa ra là một sai lầm. Con rết kia dường như đã ăn hết toàn bộ nội tạng của con rắn và sau đó còn tìm đường thoát ra bên ngoài bằng cách ăn phần thân rắn.

Bọ cạp nước

Môi trường sống dưới nước cũng có đầy những động vật ăn thịt không xương sống.
Vào mùa hè chỉ cần nhìn vào bất cứ ao hồ nào bạn sẽ thấy những con côn trùng chân dài lượn là đà giữa những lùm bụi trên mặt nước và lấy thăng bằng bằng cách tạo ra những đốm nước trên mặt hồ. Chúng sinh tồn bằng cách hút toàn bộ những chất bên trong cơ thể của những con côn trùng đã chết đuối.
A water beetle (Dytiscus sp.) targets a tadpole (Credit: Josh van Buskirk)
Bọ cạp nước ăn thịt con nòng nọc
Tuy nhiên dưới mặt nước, ẩn giấu trong những lùm cỏ và đám lá mục là nơi trú ngụ của loài bọ cạp nước: chỉ với kích thước dài 2cm nhưng đây là loài ăn thịt chuyên phục kích bất cứ thứ gì rơi vào tầm với của chúng.
Ở những xứ nhiệt đới thì loài côn trùng này phát triển về mặt kích thước và trở thành những con bọ nước khổng lồ. Con to nhất có thể đạt đến chiều dài 12cm.
Chúng giấu mình trong những lùm bụi và sau đó phóng lên. Chúng có những chiếc vòi to như những chiếc ống tiêm, dùng để đâm vào con mồi, tiêm chất dịch tiêu hóa vào trong rồi sau đó hút lấy những phần nội tạng đã bị hóa lỏng. Những chân trước to hình dáng như cái móc để đảm bảo con mồi không có cơ hội trốn thoát.
A giant water bug eats a frog (Credit: Caio A. Figueiredo de Andrade)
Con bọ nước khổng lồ chén thịt con ếch
Loài bọ nước khổng lồ này ăn rất nhiều cá và nòng nọc, kể cả ếch trưởng thành và rắn nước. Thậm chí có người còn nhìn thấy chúng ăn cả rùa con.
Cả hai loài bọ nước khổng lồ và rết Scolopendra đều loài mai phục để săn mồi. Do đó mặc dù chúng ta có thể thấy rằng sự tấn công của chúng là đáng sợ nhưng ít nhất con mồi của chúng đều đã chết trước khi bị ăn.
A giant waterbug tackles a terrapin (Credit: Shin-ya Ohba)
Con rùa non trở thành mồi của con bọ nước khổng lồ

Cua săn ếch

Tuy nhiên, cua thì không “hiền từ” như vậy. Bất kỳ con vật nào “nhầm giờ lạc lối” và không thể kháng cự sẽ không thoát khỏi cái chết trước hàng ngàn cú cắp hay những cú cắn từ những chiếc hàm nhỏ.
Một ví dụ là ở Đài Loan. Một nghiên cứu công bố hồi năm 2005 cho biết một cặp ếch răng nanh Kuhl đang sinh sản đã bị bọn cua Rathbun ăn thịt. Có lẽ chúng đã quá lơ đễnh nên không để ý những con cua đang tiến đến gần.
Một trường hợp tương tự cũng được kể lại ở đảo Broughton nằm về phía bắc Sydney, nước Úc, vào năm 2013.
Giáo sư Graham Pyke thuộc Đại học Kỹ thuật Sydney phát hiện ra rằng loài ếch bụng vàng vốn đã ở trong tình trạng khẩn nguy do mất môi trường sống lại còn phải đối phó với sự xuất hiện ồ ạt hàng năm của loài cua chân nhanh sống ở bờ biển.
Chúng di cư từ những vùng có thủy triều nơi chúng vẫn hay kiếm ăn để đến chỗ có thể tận dụng nguồn thức ăn sẵn có từ cuộc tập hợp hàng năm của những con ếch bụng vàng đến mùa sinh sản và sau đó là nòng nọc mà chúng để lại.
Bạn có thể cho rằng những con nòng nọc sống xa ao hồ sẽ được an toàn, nhưng thật ra không phải như vậy.
Loài ếch độc xanh đen ở Panama đẻ trứng trong những hốc cây có đầy nước. Tuy nhiên, đã có những phát hiện cho thấy ngay cả những nơi được xem là an toàn ở trên ngọn cây cũng bị loài cua nước ngọt tìm thấy và cướp phá.
Những con cua này cũng leo lên những cành mỏng manh của những lùm bụi sát mặt nước để ăn trứng ếch nằm phủ lên những chiếc lá, nơi mà bọn ếch cái đã đẻ trứng với hy vọng rằng trứng của chúng sẽ được nở an toàn.

Bọ và nhện

Tương tự, ở vùng đồng bằng ven biển miền trung Israel, loài bọ Epomis săn tìm những con ếch và thằn lằn con để ăn thịt. Khi tìm thấy nạn nhân, chúng sẽ nhảy lên lưng con mồi và cắn vào phần dưới xương sống. Một khi con mồi không thể di chuyển được nữa thì chúng sẽ bắt đầu ăn thịt. Nghiên cứu của Gil Wizen và Avital Gastith tại Đại học Tel-Aviv cho thấy các loài động vật lưỡng cư chính là thức ăn chủ yếu của chúng.
Một loài bọ trong hang động ở Ba Lan có tên là Pterostichus niger thậm chí còn lười vận động tới mức kiếm thức ăn bằng cách tìm con mồi còn đang ngủ đông dưới lòng đất. Khi nạn nhân còn đang lờ đờ không di chuyển được thì con bọ này lần theo dấu vết chúng và dễ dàng ăn thịt con mồi.
A beetle (Pterostichus niger) feeds on a hibernating newt (Credit: R. Bernard/J. Samolag)
Con bọ đen (Pterostichus niger) bắt và ăn thịt con sa giông đang ngủ đông
Kinh khủng hơn nữa là chuyện phải bỏ mạng dưới tay loài đỉa.
Đã có những bằng chứng ở nhiều nơi từ Brazil, Ấn Độ và miền nam nước Mỹ về loài đỉa bám mình vào những con ếch nhái trưởng thành: chúng giết chết những con mồi không may, ngốn toàn bộ ổ trứng ếch. Chúng thậm chí còn giết chết được cả những con rắn sọc dưới nước.
Và, dĩ nhiên, còn nhện nữa.
Nhiều người sợ nhện ở một mức độ nào đó ngay cả khi tất cả những gì chúng làm chỉ là ăn côn trùng như ruồi chẳng hạn.
A giant fishing spider (Ancylometes rufus) eats an interior treefrog (Dendropsophus melanargyreus) (Credit: Mario Moura)Bản quyền hình ảnhMARIO MOURA
Image captionCon nhện khổng lồ (Ancylometes rufus) ăn thịt con ếch cây (Dendropsophus melanargyreus)
Yếu tố đáng sợ sẽ còn khủng khiếp hơn nếu những con vật lông lá tám chân này ăn thịt những loài động vật gần gũi với con người hơn.
Một báo cáo hồi năm 2012 cho biết chỉ tính riêng ở Mỹ người ta đã ghi nhận có 54 loài chim bị mắc vào mạng nhện, đa số là do những con nhện lớn biết đan mạng hình tròn và thuộc họ Nephila đan lấy.
Nhện cái trưởng thành có kích thước bằng cỡ ngón tay cái và mạng chúng có chiều rộng có thể rộng hơn ba mét.
A common tody-flycatcher (Todirostrum cinereum) being eaten by a spider (Nephilengys cruentata) (Credit: Pedro Luiz Peloso/Valdemir Pereira de Sousa)Bản quyền hình ảnhPEDRO LUIZ PELOSO/VALDEMIR PEREIRA DE SOUSA
Image captionCon chim ruồi (Todirostrum cinereum) bị nhện Nephilengys cruentata) bắt
Đa số con mồi là những con chim ruồi có trọng lượng chưa đến 15g. Khi được phát hiện thì những con chim này đã bị tơ nhện quấn chặt và bị tiêm nọc độc vào. Chúng ở trong tình trạng sắp hóa lỏng và phần cơ thể hóa lỏng này sẽ bị hút sạch.
Nhện cũng có thể săn các loài lưỡng cư. Chẳng hạn như một nghiên cứu hồi năm 2010 mô tả một con nhện sói đang ăn thịt một con cóc vừa rụng đuôi.

Tại sao lại đáng sợ?

Những con nhện có kích thước lớn này nhắc cho chúng ta về tầm quan trọng của kích thước. Trong khi những loài có xương sống lớn nhất áp đảo tất cả những loài không xương sống thì vẫn có những loài không xương sống đủ lớn để ăn thịt loài có xương sống với kích thước nhỏ.
A spider (Argiope savignyi) feeding on a proboscis bat (Rhynchonycteris naso) (Credit: M. Knoernschild)Bản quyền hình ảnhM. KNOERNSCHILD
Image captionCon nhện (Argiope savignyi) ăn thịt con dơi vòi (Rhynchonycteris naso)
Là loài động vật hữu nhũ lớn, chúng ta không quen với việc lạ đời này, nhưng những con vật nhỏ xíu như chim ruồi thì nhìn nhận khác hẳn chúng ta. Con trưởng thành bị bọ ngựa và chuồn chuồn bắt lấy hay bị những con ong vò vẽ đói mật đuổi ra khỏi những bông hoa có mật ngọt.
Thậm chí còn có ghi chép về việc những con chim ruồi đang được ấp trong tổ vốn có kích thước rất nhỏ bị ruồi ong bắt đi và đưa về tổ của chúng để làm thức ăn cho đàn ruồi ong con.
Phần lớn chúng ta đều vui khi thấy động vật có xương sống này săn động vật có xương sống khác.
Nếu một con sư tử giết chết một con hươu cao cổ, chúng ta sẽ thấy buồn nhưng không cảm thấy bất nhẫn và chúng ta sẽ mừng rỡ khi thằn lằn con thoát khỏi con rắn đang săn đuổi.
Tương tự, nếu một loài có xương sống ăn thịt loài không xương sống thì đó là điều bình thường: một con chim bắt sâu đơn giản chỉ là thể hiện khả năng sinh tồn.
Karumampoyil Sakthidas Anoop DasBản quyền hình ảnhKARUMAMPOYIL SAKTHIDAS ANOOP DAS
Loài không xương sống ăn thịt loài có xương sống thì lại là chuyện khác. Chúng ta cảm thấy kinh sợ khi thấy cua ăn thịt rùa con, ong bắp cày tấn công chim non còn trong tổ hay một rết khổng lồ nhai ngồm ngoàm một con dơi.
Vì một lý do nào đó mà chúng thấy cái gì đó không đúng như thể là trật tự tự nhiên bị đảo lộn – nhưng tại sao?
Có lẽ lý do là vì từ trong tiềm thức chúng ta quan niệm một sự thật tiến hóa là những động vật có xương sống khác gần gũi với chúng ta hơn là động vật không xương sống.
William Douglas de Carvalho/Darren Norris/Fernanda MichalskiBản quyền hình ảnhWILLIAM DOUGLAS DE CARVALHO/DARREN NORRIS/FERNANDA
Một con chó thì rõ ràng giống chúng ta nhiều hơn là một con rết khổng lồ. Không chỉ chúng có lông và có tứ chi mà tính tình của chúng chúng ta cũng có thể hiểu được. Chúng thể hiện những cảm xúc quen thuộc như vui mừng và giận dữ.
Đối với con người trong thời tiền sử, việc có thể đoán được cách hành xử của một con vật khiến chúng trở nên an toàn hơn đối với họ.
Tuy nhiên chúng ta không thể hiểu động vật không xương sống như chúng ta hiểu về loài chó, sư tử hay diều hâu.
Đơn giản chúng quá lạ lẫm và xa cách, hành động của chúng quá kỳ lạ và cấu tạo cơ thể chúng quá khác biệt. Chúng không có những chiếc đuôi biết vẫy vẫy và mắt của chúng không bao giờ mở to và có hồn.
Bản tiếng Anh đã đăng trên BBC Earth.


Posted by

Triển lãm về Mata Hari nữ điệp viên đẹp nhất mọi thời đại

mediaNữ điệp viên Mata Hari (1876-1917)Nguồn : Image: Keystone-France/Gamma-Keystone/Getty Images
Kỷ niệm 100 năm vũ nữ người Hà Lan, Mata Hari bị xử bắn vì làm gián điệp hai mang cho Pháp và Đức trong Đệ Nhất Thế Chiến, thành phố Leeuwarden nơi bà sinh ra, tổ chức một cuộc triển lãm về “nữ điệp viên đẹp nhất mọi thời đại”. “Huyền thoại và cô gái” mở ra từ ngày 29/10/2017 đến 02/04/2018.

Lần đầu tiên một viện bảo tàng trưng bày 150 tài liệu hành chính, quân sự cùng nhiều hình ảnh, vật dụng gắn liền với cuộc đời của Mata Hari. Đấy là những chứng vật làm nên huyền thoại Mata Hari, từ một cô gái hiền lãnh trở thành một điệp viên sừng sỏ nổi tiếng của thế kỷ 20.
Trong số những đồ vật được trưng bày, khách tham quan chú ý nhiều đến chiếc ghim gài áo bằng vàng, có nạm hạt trai mà Mata Hari đặc biệt yêu thích và bà đã nhờ một sĩ quan người Đức trao lại cho con gái mình, cuối 1916, khi biết là sẽ không thoát khỏi lưới tư pháp. Bên cạnh món đồ trang sức đó, là phán quyết sau cùng của tòa án, với chữ “Tử Hình” viết bằng tay. Đặt sát bên là lệnh hành quyết được ký vào năm 1917.
Ngược thời gian, bảo tàng Leeuwarden đưa khách tham quan đến với cả cuộc đời của Margaretha, từ thủa thiếu thời là cô học trò không mấy xuất sắc, cho đến lúc cô gái lấy nghệ danh là Mata Hari hay quãng đời cô được làm mẹ và cả những bức thư cuối đời, nói lên niềm tuyệt vọng của một tù nhân trước giờ bị hành quyết.
Tên thật là Margaretha Gertruida Zelle, cô ly hôn với người chồng năm 1902. Một năm sau, cô đặt chân đến Paris và cô vũ nữ từ miền bắc Hà Lan này đã nhanh chóng chính phục Kinh Đô Ánh Sáng. Với cách uốn mình độc đáo, với y phục rất nhẹ nhàng đầy gợi cảm, Margaretha trở thành một chủ đề bất tận của làng báo Paris, làm điên đảo biết bao tâm hồn. Trong số ấy có rất nhiều các bậc vương tôn công tử và kể các các quan chức trong chính quyền Pháp đầy thế lực.
Năm 1916 do mang nợ quá nhiều, Mata Hari chấp nhận để một vị mạnh thường quân người Đức trả nợ cho cô, đổi lấy nhiều thông tin tình báo moi được từ các quan chức Pháp. Từ một vũ nữ có sức quyến rũ khác người, Mata Hari nhẹ nhàng bước vào thế giới của các nhà điệp viên, mang số hiệu H21.
Ngày 15/10/1917 Margaretha bị đem ra xử bắn ở Vincennes vì tội gián điệp. 41 tuổi, Mata Hari vĩnh viễn đi vào huyền thoại.


Posted by

Mời Đọc : Ký Ức Về Viện Hán Học (Huế)

1. Viện Hán Học Huế của VNCH dưới cái nhìn của một trí thức trẻ Miền Bắc
2. Viện Hán Học Huế của VNCH dưới cái nhìn của một trí thức trẻ Miền Bắc (tiếp theo)

Các Giáo Sư và SV Viện Hán Học Huế trong lễ Khai Giảng niên khóa 1961-1962 tại Phủ Nội Vụ - Huế)

30 thg 10, 2017

Hàng xén cũ…ở đâu?...bây giờ? - Đỗ Doãn Phương

Tranh của Phạm Hậu(Chợ Hà Nôi xưa)


Dù ở trong làng quang thúng đi ra hay ở phương xa lần đến, dù là người già hay người trẻ, dù là đàn ông hay đàn bà…cứ nhắc đến họ, trong kí ức của mỗi người, đều thầm thì một cái tên rất thơ: “Cô hàng xén”.

Những thứ đồ lặt vặt đựng trong các hộp vuông vuông bằng bìa cứng hay bằng gỗ. Thôi thì bày ra đủ thứ, thượng vàng hạ cám từ chiếc nhẫn mạ đồng, đôi vành khuyên giả, cái kéo, con dao rồi gói mực tím, mực xanh, vài ba loại lưỡi câu, ngòi bút chấm, ngòi bút máy…và một tấm ni long trải ra một góc chợ hay một mái lều, bộ đồ thúng mẹt….Thế là thành một gánh hàng xén. Thế là xuất hiện thêm một cô hàng xén trong cái chợ quê xiêu vẹo này…

Cái thời cô hàng xén là cái thời hàng hóa còn khan hiếm. Phần lớn các mặt hàng gia dụng được sản xuất từ thủ công. Thô nhưng bền. Cả chợ có vài ba cô hàng xén. Ai mua gì cũng ra bà Cây, ra ông Hiệu, ra bà Ký, cô Thuần…Tưởng như gánh hàng của họ là một kho chứa đầy những thứ cần dùng: cái đinh, cái khuy, con dao, bánh xà phòng…Không có mấy thứ đó thì ra thiếu vào thiếu, cứ như cái gia đình thiếu người đàn ông sắp nếp vậy.

Nhưng có lẽ “yêu” cô hàng xén nhất phải là lũ trẻ con. Ai chẳng có một thời thơ ấu viết mực tím, khoe nhau từng chiếc quản bút xanh đỏ, chung nhau từng sợi cước, từng chiếc lưỡi câu…Lũ trẻ tụ tập bên cô hàng xén vào những giờ tan học. Chúng đến, ầm ĩ một hồi, kháo nhau, khoe nhau, hích nhau…rồi bỏ đi, có khi chẳng mua được cái gì. Nhưng cái còn lại trong đầu chúng là những đồ chơi đẹp đẽ, những món quà bí mật tưởng như có nhét đầy cặp cũng không thỏa.



Cô hàng xén. Tranh: Nguyễn Phan Chánh.
Xem hàng xén còn thích hơn cả chơi trò giấu que trong xóm. Chà! Nhìn vào gánh hàng thì chao ôi, lộn xộn đến hoa cả mắt. Thế mà muốn mua thứ gì chỉ khẽ hỏi, cô hàng xén đã nhắc nó lên như bà tiên hóa ra mọi thứ từ nụ cười hiền dịu và những ngón tay nhiệm màu… Quả thế, bọn trẻ nhìn cái gì cũng thấy lạ, cầm cái gì cũng thấy thích. Những chiếc lưỡi câu sao mà lắm loại thế. Lưỡi tép nhỏ xíu như lưỡi rắn nhưng “mắc” lắm, lưỡi rô nhỉnh hơn một chút, ngạnh dài và sắc như vẩy trê, còn lưỡi trắm thì to đùng như uốn lấy bằng dây thép. Dây cước cũng đủ kiểu. Cứ nhìn nó mà tưởng tượng đến những chú cá đồng đen trũi, giãy đành đạch trên dây câu, cũng đủ sướng rồi. Thèm quá, lũ trẻ đánh cắp! Một đứa có tiền mua dăm ba đứa vào chọn “Lưỡi có gỉ không, cô ơi?”. Vừa nói chúng vừa mài chiếc lưỡi câu lên bộ tóc vàng hoe loang lổ mực tím. Và, họa có trời mới biết những chiếc lưỡi câu có mắc vào bộ tóc rối bù kia không?. Được lưỡi câu rồi, tước thêm sợi dây chuối, hay tháo chiếc nón mê lấy sợi cước nón xoắn tít. Thế cũng đủ một bộ cần câu. Lũ trẻ ầm ĩ kéo nhau ra bờ mương, quên cả tiếng trống trường.

Những cái tên mộc mạc: Bà Cây, Bà Ký, cô Thuần, ông Hiệu…ấy đã đi vào tiềm thức của lũ trẻ con. Để rồi mỗi lần xa quê trở lại, một chiều mùa đông, qua chợ mới giật mình nhìn những dãy lều vắng tanh đã khác xưa…gió lia những nhát chổi dài bên bãi rác bẩn thỉu…lại chạnh lòng ướm hỏi bà Cây, bà Ký, ông Hiệu…đâu rồi, có còn bán ở đây nữa không?... Hiếm khi mới được câu trả lời, mà được câu trả lời mát ruột lại càng hiếm. Hoài vọng bang khuâng trước sự thay đổi của những cái gì thân quen và ấu thơ dù chẳng dây dưa ruột thịt gì, một thoáng đời người, vẫn khiến ta nặng lòng và thấy mằn mặn đầu môi…Phút chốc ta cảm thấy xung quanh ta…một cảm giác gì rất xa lạ, rất lạc lõng dường như ta bị bỏ rơi…

Quả thế, những người hàng xén kia. Họ đến, họ đi lặng lẽ. Họ rút ra khỏi cái chợ nghèo nghèo này vào một buổi chiều chập choạng để đến sáng hôm sau, một vài người chung tình lơ đãng hỏi: bà Cây, ông Hiệu…lớp ấy đâu rồi nhỉ? Trong cuộc sống nhọc nhằn của chúng ta hơi sức đâu mà quan tâm hết những người lướt qua ta. Mỗi buổi sớm đi chợ, thấy cô hàng xén đã ngồi đấy, lâu ngày thành quen. Ta tưởng như sự xuất hiện ấy là một quy luật. Ta lãng quên đi biết bao nhiêu mưa, nắng, giông, bão, những nhọc nhằn và những cặm cụi của họ để duy trì cái nhịp nhàng ấy. Ai buồn để ý đến nỗi thương mẹ, nhớ con của cô hàng xén khi ăn bữa cơm chợ trưa, chơi ván tam cúc với người đồng nghiệp. Ai hiểu những khi đỏ đèn mới đặt được gánh hàng xuống, ăn vội bữa cơm chiều nguội ngắt mà lòng đầy những tính toán, lo âu. Sáng mai lại đi từ gà gáy…

Ta tự hỏi: Bây giờ họ ở đâu? Vâng bây giờ thì có những cô hàng xén đã thành những ông chủ bà chủ rồi. Cửa hàng của họ sáng trưng ở đầu chợ. Ta ngơ ngác đi tìm cái lưỡi tép, đôi mét cước, rồi lại tìm con cá rô lưng đen trùi trũi giãy đành đạch trong tiếng hò reo. Và chỉ gặp nào đài, nào sắt, nào thép, xe đạp, xe máy…Và cũng chẳng còn ai đi mua từng chiếc bút bi, từng ngòi bút chấm như tôi… Chao ôi! Cái ngày cầm trên tay chiếc quản bút mới, nghiêng nghiêng, viết cho thật sạch, thật đẹp…chấm vào lọ mực tím pha cho thật đặc, nổi vân óng ánh. Viết cho thật đậm, chờ cho khô đi…Trang vở lấp lánh những dòng chữ mạ vàng! Xa quá rồi. Nay người ta mua hàng tá bút bi, hàng trăm chiếc túi ni-lông. Người ta viết mực thơm… người ta… ừ nhỉ ta phải mừng cho cuộc sống mới chứ…

Những ông chủ, bà chủ rồi những người bán rong lê la khắp phố chợ… Cái tên thơ mộng cũng mất dần đi…Chỉ còn một vài cụ già tóc bạc răng trắng vẫn kiên nhẫn bám lấy gánh hàng xén năm xưa ở xó chợ, mà mặt hàng thì ngày một hiu hắt, kém người mua. Một lần đi mua mực tím cho đứa em, cụ hàng xén mắt mờ kia phải lục tìm mãi mới rờ thấy. Cầm gói mực tím trên tay tôi chợt nhận ra nó bị lãng quên đã quá lâu rồi. Mầu tím đã ướt nhòe ra giấy gói, có lẽ nó còn vương lại từ thời tôi con ăn trộm lưỡi câu và bôi trốn đỉnh đầu mực tím.

Hỏi ra, tôi mới biết bà cụ định bán nôt số hàng còn lại thì về nhà hẳn, yếu lắm rồi. Nhưng bán mãi mà không hết, nhìn thấy chúng trong nhà không đành lòng. Trong giây lát tôi muốn bỏ ra hai chục ngàn mua tất những cái gì còn sót lại của cuộc đời cô hàng xén, của tuổi thơ tôi. Nhưng tôi biết tôi không sao mua nổi. Rồi mỗi lần về quê, tôi qua lại chợ, tìm đến cụ già ấy,mua đôi gói mực tím và lặng nhìn đôi tay run rẩy của cụ lục tìm. Tôi lại thấy những chiếc quản bút xanh đỏ, vài ba chiếc lưỡi câu, và những gói mực đã bôi tím đầu tôi….

1995




Tương lai giáo dục


Nguyễn Vạn Phú


Giáo dục 10 năm, 20 năm nữa sẽ như thế nào?
Nếu tin lời phân tích của tờ The Economist, nhiều nghề sẽ biến mất trong tương lai gần. Phần mềm khai thác dữ liệu sẽ thế chỗ các trợ lý luật sư vì chúng tìm và phân tích thông tin nhanh hơn con người nhiều lần. Kỹ thuật viên đọc phim chẩn đoán y tế sẽ nhường ghế cho phần mềm xử lý hình ảnh vì chúng cho ra kết quả chính xác hơn con người. Các ứng dụng đa dạng sẽ tước việc của các đại lý du lịch, bán vé máy bay… Đó chỉ là một vài ví dụ.
Còn nếu nghe theo dự báo của các chuyên gia một bàn tròn do BBC tổ chức, không hẳn tự động hóa sẽ chiếm hết việc của con người mà đúng hơn, đến 60% ngành nghề hiện nay sẽ phải nhường hai phần ba các công đoạn của nghề cho máy móc, phần mềm. Tức là có thể công việc không mất đi nhưng cách “hành nghề” sẽ khác trước một trời một vực.
Dù tin theo ai đi nữa, có lẽ chúng ta phải thừa nhận một điều: không ai biết 10 năm nữa, kỹ năng nào sẽ không còn cần thiết, kỹ năng nào sẽ được nhấn mạnh; kiến thức nào sẽ trở nên lạc hậu, điều gì sẽ giúp một người thích nghi với cuộc sống lúc đó. Nhường cho máy làm hai phần ba công việc thì chúng ta sẽ làm gì?
Chúng ta không biết – vậy làm sao chúng ta có thể yên tâmđứng trước các em học sinh hiện nay đang ngồi ở bậc tiểu học và 10 năm, 15 năm nữa sẽ phải ra đời, đối diện với sự bất định đóđể rồi dạy các em những điều đã từng được dạy cho chúng ta? Không lẽ chúng ta cứ loay hoay chuyện thi cử trong khi biết đâu tương lai, máy sẽ tuyển người và máy sẽ không thèm nhìn đến bằng cấp?
Trở lại với dự báo của BBC, lấy nghề báo để minh họa. Nghề báo hiện nay, viết chỉ là công đoạn cuối cùng. Các công đoạn chuẩn bị trước đó cần sự hỗ trợ rất lớn từ máy móc: tìm thông tin nền trên Internet, kiểm tra các tin về cùng đề tài đã được đăng tải, nên hỏi câu hỏi gì trong cuộc họp báo sắp tới, xác định được tranh cãi quanh đề tài được giao thực chất là gì…
Khác với ngày xưa, phóng viên ngày nay phải biết xu hướng người đọc đang quan tâm gì, phải biết khai thác dữ liệu lớn, phải biết “ngửi” tin từ mạng xã hội, từ cái âm thanh ồn ào, râm ran của hàng ngàn ý kiến để sàng lọc các manh mối cần biết. Chẳng khác gì người phóng viên phải hợp tác chặt chẽ với phần mềm, với ứng dụng hay với các công cụ mang tính thông minh nhân tạo, nhường bớt việc cho chúng.
Trường đào tạo các nhà báo tương lai không dạy cụ thể các kỹ năng làm việc theo kiểu hợp tác như thế. Các kỹ năng như đào xới dữ liệu (data mining), nhận biết và tận dụng dữ liệu lớn (big data), viết từ khóa (key words) cho máy tìm kiếm… thường do phóng viên tự tìm hiểu và tự học trong khi hành nghề. Mà dù có muốn tổ chức cũng không biết tìm thầy ở đâu ra trong ngành báo chí để dạy các kỹ năng này. Chỉ mới hình dung đến đó đã thấy tương lai của ngành đào tạo nghề báo phải khác bây giờ nhiều lắm.
Nhìn rộng ra cuộc sống của một người bình thường hiện nay: phải thừa nhận họ tiêu tốn từ vài phút cho đến vài giờ cho mạng xã hội, ở đó, khác với ngày xưa, họ phải có những kỹ năng như viết ngắn gọn, súc tích nhưng mang tính thuyết phục người nghe, đọc hiểu được mọi hình thức biểu cảm để lọc được nội dung thật sự, biết phân biệt được giả chân, ngay cả trong tin tức.
Sẽ có người thấy tiếc vì ngày xưa chỉ biết học viết theo văn mẫu, đẻ ra toàn những câu sáo rỗng, những đoạn văn vô hồn, không thuyết phục được ai. Sẽ có người băn khoăn vì sao ngày xưa mình cũng học phân tích, chứng minh, bình luận đủ cả nhưng đọc một nội dung có linh tính là sai nhưng không biết sai ở đâu, vì sao sai, làm sao để bác bỏ.
Sẽ có người đọc đến đến đây và thốt lên: không lẽ giáo dục mà phải mang nhiệm vụ chuẩn bị cho người ta chơi Facebook à? Nếu đo lường được tác động của các mạng xã hội, trong đó Facebook là một kênh quan trọng, đang ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành vi, quyết định của nhiều người như thế nào, ắt chúng ta sẽ không nghĩ thế.
Quan trọng hơn, sự độc quyền và đôi lúc sự lũng đoạn thông tin của các tay chơi lớn như Google, Facebook, Twitter sẽ bị hạn chế phần nào nếu chúng ta có những kỹ năng chống chọi lại. Và đó chính là nhiệm vụ của giáo dục – trao công cụ để con người tìm tự do, không bị khống chế bởi xu thế chung hay sự xô đẩy của đám đông bị kích động.
Chỉ vài ba năm nữa thôi, cảnh một em học sinh đưa điện thoại di động lên hỏi một câu bất kỳ, máy sẽ trả lời vanh vách không phải là chuyện khoa học viễn tưởng. Kiến thức sẽ không nằm trong bộ nhớ con người nữa, nó sẽ chuyển qua nằm trên máy hay trên mây. Khi tốc độ truy xuấtgiữa bộ nhớ sinh học và bộ nhớ điện tử là gần như nhau thì việc gì không chuyển kiến thức lên mây để não bộ chứa chuyện khác.
Vậy con người tương lai cần gì; trẻ em đang ngồi ghế nhà trường cần học gì trước những thay đổi đó? Chúng ta không biết cụm kỹ năng nào sẽ tối cần, cụm kỹ năng nào sẽ biến mất trong tương lai nhưng việc đó không ngăn cản các nước chuẩn bị cho học sinh của mình. Và các chuyên gia giáo dục hàng đầu cũng gần như đạt sự đồng thuận về tương lai của giáo dục, trong đó ai cũng nhấn mạnh cần nhất là tính sáng tạo, tư duy độc lập và kỹ năng giải quyết vấn đề.
Thế giới hiện nay tràn ngập thông tin nên vấn đề không phải là tiếp nhận hay chia sẻ thông tin mà là ứng xử như thế nào với thông tin, bắt nó phục vụ mình trong thế giới thật. Thật ra trẻ nhỏ bắt đầu những ngày đi học với sự độc lập trong suy nghĩ, óc tưởng tượng của các em tràn ngập sự sáng tạo nhưng nhà trường mài mòn dần các đặc tính đó bằng cách nhồi nhét kiến thức, áp đặt suy nghĩ theo lối mòn và đi kèm là các biện pháp kỹ luật, ít nhất là bằng điểm số. Chỉ cần người lớn tránh sang một bên cho các em sáng tạo cũng đã là một thay đổi lớn trong giáo dục tương lai.
Nhìn ra hơn một chút nữa, người ta đang nói về khả năng thiết kế các chương trình học mang tính cá nhân hóa cho từng em học sinh; một điều hoàn toàn khả thi nhờ tiến bộ công nghệ, lúc đó em giỏi sẽ học nhanh hơn em trung bình trong cùng một lớp. Người ta cũng nói về môi trường học, không chỉ trong lớp học truyền thống mà còn là học bất cứ lúc nào bất cứ ở đâu cũng nhờ tiến bộ công nghệ.
Nói cách khác, học sẽ là phụ, hành (thực hành trong đời thực để giải quyết vấn đề) mới là chính. Kiến thức là phụ, tìm giải pháp cho các dự án thầy cô giao mới là chính. Cũng nhờ thế học sinh sẽ có quyền chọn môn học, chọn tốc độ học, thậm chí tự thiết kế chương trình học cho mình.
Nền giáo dục Việt Nam hiện chỉ mới chú trọng trang bị cho các em kiến thức nền về văn học, toán học, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và một chút kỹ năng công nghệ thông tin, vẫn còn thiếu lãnh vực tài chính, văn hóa và quan hệ dân sự. Các năng lực khác gồm tư duy độc lập, giải quyết vấn đề, cổ súy cho sáng tạo, thực hành giao tiếp, tổ chức hợp tác chưa được chú trọng. Chính vì thế các em thiếu đi sự tò mò, sự chủ động, tính bền bĩ, thích nghi, óc lãnh đạo… toàn là những tố chất cần có của một người sống ở thế kỷ này. Từ đó mới thấy tương lai giáo dục vẫn còn ngổn ngang trăm bề chứ đâu phải chỉ là biên soạn chương trình mới.

CÁCH HƯỞNG NHÀN CỦA THI NHÂN NGÀY XƯA QUA BÀI THƠ "GIANG HỒ TỰ THÍCH" CỦA TUỆ TRUNG THƯỢNG SĨ/ Nguyễn Cang



Các thi nhân ngày xưa hưởng nhàn bằng nhiều cách khác nhau. Họ hầu hết là vua hay quan lại triều đình , sau khi từ quan hoặc về hưu vì già , thường dùng những năm tháng còn lại của cuộc đời để ngao du sơn thủy hoặc đi thăm  bạn bè cùng làm quan chung thuở trước để hàn huyên tâm sự. Để tìm hiểu cách hưởng nhàn của họ , người ta thường dựa vào tài liệu thơ văn để lại, có khi là những giai thoại nữa. Riêng nhà thơ Tuệ Trung Thượng Sĩ có một nhân thân khá đặc biệt : ông vừa là nhà thơ vừa là một quan chức lớn trong triều đình, lại là anh rể vừa là anh họ vua Trần Thánh Tông.
 Sau đây ta tìm hiểu về thú hưởng nhàn của ông qua bài thơ Giang Hồ Tự Thích( Kỳ 2). Tựa bài trên ,kỳ 1, không có gì đặc biệt(4 câu thất ngôn tứ tuyệt) coi như giới thiệu mở bài cho kỳ 2 nên tôi bỏ qua.
Bản chữ Hán:  Phiên âm:
江湖自適 (其二) Giang hồ tự thích (kỳ II)
湖海初心未始磨  Hồ hải sơ tâm vị thuỷ ma,
光陰如箭又如梭  Quang âm như tiễn hựu như thoa.
清風明月生涯足  Thanh phong minh nguyệt sinh nhai túc,
綠水青山活計多  Lục thuỷ thanh sơn hoạt kế đa.
曉掛孤帆淩汗漫  Hiểu quải cô phàm lăng hãn mạn,
晚橫短笛弄煙  Vãn hoành đoản địch lộng yên ba.
謝三今已無消息  Tạ Tam kim dĩ vô tiêu tức,

. Lưu đắc không thuyền các thiển sa.

(慧中上士)       (Tuệ Trung Thượng Sĩ)

     Chú thích từ ngữ :
thích(
): ham, muốn , sở thích.
hồ(
): ao( mcó bộ thủy, là nước)
sơ(
): lúc sơ khởi, ban đầu.
thủy(
): mới , trước. Một âm nữa là thí. Vị thí : chưa từng.
ma(
): mài
quang âm(
光陰): thời gian
tiễn(
): mũi tên
thoa(
): con thoi
sinh nhai(
生涯): kiếm sống, sinh kế.
túc(
): đầy đủ
hoạt(
): năng động.
hiểu(
): sớm mai, buổi sáng (có bộ nhật đứng trước chỉ ban ngày, mặt trời).
quái(
): treo lên , cũng đọc là quải.
lăng(
): trải qua, vượt qua. Lăng sơn : vượt qua núi.
hãn(
): mồ hôi,tan lở, cái gì đã ra không trở lại được nữa.
mạn(
): nước tràn đầy , không bó buộc.
lăng hãn mạn(
淩汗漫): đã nhiều khi đi lang bang.
vãn(
): buổi chiều.
địch(
): ống sáo( bộ trúc trên đầu, chỉ cây tre, trúc).
Tạ Tam (
謝三): tên người, không rõ là ai.
tiêu tức(
消息,): tin tức
không(
): trống rỗng.
thiển(
): mỏng

    Đôi dòng về tiểu sử tác giả:
Tuệ Trung Thượng Sĩ (
慧中上士; 1230 - 1291) tên thật là Trần Tung (陳嵩, hay Trần Quốc Tung, là con trưởng An Sinh Vương Trần Liễu, là một thành viên trong hoàng tộc nhà Trần với tước hiệu Hưng Ninh Vương ( anh ruột Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và hoàng hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm, vợ vua Trần Thánh Tông), và là một thiền sư Việt Nam. Ông là người hướng dẫn vua Trần Nhân Tông vào cửa Thiền và có nhiều ảnh hưởng đến tư tưởng của vị vua sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Ông là người Tức Mặc phủ Thiên Trường nay thuộc tỉnh Nam Định. Ông tham gia 3 cuộc kháng chiến chống Mông- Nguyên(1257,1285,1287).
Từ nhỏ chuộng cửa Khổng sân Trình,tham vấn thiền sư Tiêu dao. Sau lùi về ấp Tịnh Bang lập Dưỡng Chân Trang để tu tập Phật pháp.
Được vua Trần Thánh Tông mời vào bàn về đạo ,tôn làm sư huynh, hiệu Thượng Sĩ.Vua Trần Nhân Tông tôn ông làm thầy.

Sáng tác được gom lại trong sách Thượng Sĩ Ngữ Lục, gồm các bài giảng do sư Pháp Loa ghi lại và 47 bài thơ.


     Dịch nghĩa:

Tấm lòng hồ hải trước đây chưa từng bị tiêu mòn,
Thời gian vun vút như tên lại như thoi.
Gió mát trăng thanh, sinh nhai đủ,
Non xanh nước biếc, kế sống dồi dào.
Buổi sớm, kéo cánh buồm cô đơn băng mặt nước mênh mông,
Chiều hôm, cầm ngang chiếc sáo ngắn, đùa với khói sóng.
Tạ Tam nay đã không còn tăm hơi gì nữa,
Chỉ còn lưu lại chiếc thuyền trống không, ghếch đầu lên bãi cát.


   
 Phân tích và những lời bình:


Đây là bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật, luật trắc vần bằng. Thời điểm sáng tác chưa xác định rõ nhưng có thể biết được là sau năm 1287,khi Tuệ Trung Thượng Sĩ(TTTS) hoàn tất trách nhiệm nam nhi là giúp vua nhà Trần đánh tan quân xăm lược Mông-Nguyên. Tác giả và tác phẩm được xếp vào nền văn học thời thịnh Trần.

TTTS, như đã trình bày trong phần tiểu sử , có một cuộc sống rất đầy đủ. Ông không phải lăn lóc vật lộn với cuộc sống hằng ngày như một số thi nhân khác. Ông thăng quan tiến chức một cách nhanh chóng do tài năng của mình , bên cạnh đó là gia tộc quyền quý, tạo cho ông uy tín đựơc vua khen ngợi, coi trọng như thầy. Ông lại là người dấn thân tham gia trực tiếp vào binh lữa, chống ngoại xăm, nên có nhiều suy nghĩ về cuộc sống khác hẳn với quan lại trong triều. Ông sớm từ giã quan trường để lập thiền  viện Dưỡng Chân Trang tu Phật pháp. Những khi nhà rỗi ông đi ngao du sơn thủy , mà thích nhất là đi bằng thuyền. Đặc biệt ông đi một mình bằng thuyền độc mộc vượt qua sông suối ghềnh thác mênh mông. Sở thích nầy ông mơ ước từ nhỏ, mãi về sau , khi làm xong bổn phận nam nhi ông mới thực hiện mộng ước của mình, ông nhũ thầm thời gian sao nhanh quá như tên bay như thoi đưa, mới đó mà ta đã già :

Hồ hải sơ tâm vị thuỷ ma,

Quang âm như tiễn hựu như thoa.

(Tấm lòng hồ hải trước đây chưa từng bị tiêu mòn,
Thời gian vun vút như tên lại như thoi).

TTTS đã nhận ra đựoc cuộc đời ngắn ngủi của kiếp nhân sinh mà đời nầy là cõi tạm.

Còn Nguyễn Công Trứ ( 阮公著, 17781858), cảm thán:

“ Ôi ! Nhân sinh là thế, như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao…”

 Và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì:

“ Ta nay ở trọ trần gian, mai kia về chốn xa xôi cuối nguồn"

TTTS có một cuộc sống sung túc nên khi đi du ngoạn đó đây ông không  bận tâm về hao tốn, thiếu thốn. Sự sung túc khiến ông phấn chấn tinh thần nhất là những đêm trăng thanh gió mát ngồi uống rượu hoặc trà rồi ngâm thơ thì tuyệt biết chừng nào! trái hẳn với cái nghèo của Nguyễn Công Trứ, thuở hàn vi, được miêu tả như sau:

"Bốn vách tường mo,

Ba gian nhà cỏ .

Đầu kèo mọt đục vẽ sao,

Trước cửa nhện giăng màn gió .

Phên trúc ngăn nửa bếp nửa buồng,

Ống nứa đựng đầu kê đầu đỗ..."

(Hàn nho phong vị phú/ Nguyễn Công Trứ)

     Còn đối với Cao Bá Quát , cảnh nghèo còn thê thảm hơn nhiều nên chắc ông không có hứng thú để chèo thuyền du ngoạn ngắm hang động:

"Lều nho nhỏ kéo tấm tranh lướp tướp, ngày thê lương hạt nặng giọt mưa sa;

Đèn cỏn con co chiếc chiếu loi thoi, đêm tịch mịch soi chung vừng trăng tỏ ..."

(Tài tử đa cùng phú/Cao bá Quát)

      Cảnh non xanh nứơc biếc hữu tình gợi cho TTTS tình cảm thiết tha yêu mến quê hương đất nước :

Thanh phong minh nguyệt sinh nhai túc,

Lục thuỷ thanh sơn hoạt kế đa.

(Gió mát trăng thanh, sinh nhai đủ,

Non xanh nước biếc, kế sống dồi dào).

Khắp nước Việt Nam nơi nào cũng có nhiều danh lam thắng cảnh. Sáng sớm TTTS quải thuyền con ra bến sông, đưa thuyền xuống nước, chèo lướt qua hang động, đâm ra cửa sông lớn, rộng mênh mông mờ sương khói của buổi ban mai hay len lỏi qua ghềnh thác dưới màng nước đổ. Ban chiều ngồi trên thuyền , cầm ngang chiếc sáo trúc thổi vi vu đùa cùng khói sóng mù mịt trên sông:

Hiểu quải cô phàm lăng hãn mạn,

Vãn hoành đoản địch lộng yên ba.

(Buổi sớm, kéo cánh buồm cô đơn băng mặt nước mênh mông,

Chiều hôm, cầm ngang chiếc sáo ngắn, đùa với khói sóng).

    Với quan Tư đồ Trần Nguyên Đán 陳元旦(1325-1390),  ông thưởng thức thú vui bằng cách đi thăm núi Chí Linh có đỉnh Phượng Hoàng miền Bắc Việt Nam :

      雙鳳悠然望杳冥 

      鳳凰萬古愛芳名 

      (Song Phượng du nhiên vọng liểu minh,

      Phượng Hoàng vạn cổ ái phương danh).

(Tạm dịch: Từ xa thấy thấp thoáng đỉnh Song Phượng mịt mù

Núi Phượng Hoàng nổi tiếng từ ngàn xưa).

     Tác giả giới thiệu phong cảnh núi Chí Linh, nhìn từ xa, trông thật hùng vĩ, có đỉnh Song Phượng sừng sửng giữa khung trời bao la mây phủ mịt mù bao trùm cả đỉnh. Đứng trước cảnh hùng vĩ của đất trời, con người trở nên nhỏ bé lạ thường. Núi Phựợng Hoàng là một danh lam thắng cảnh của Việt Nam đã nổi tiếng tự ngàn xưa vì vẻ đẹp của nó.

Tiếp theo cũng trong bài nầy, Trần Nguyên Đán tả cảnh hùng vĩ của ngọn tháp Lân Phong:     

       麟峰塔倒如虹影 

       鱉水泉鳴作雨聲 

       (Lân Phong tháp đảo như hồng ảnh,

       Miết Thuỷ tuyền minh tác vũ thanh)

(Tạm dịch: Tháp trên núi Lân Phong nghiêng xuống như bóng cầu vồng,

Suối Miết Thủy chảy róc rách tựa tiếng mưa rơi).

     Hai câu thơ thật xuất sắc khi tả ngọn tháp Lân Phong cao vút  trong cảnh trời chiều, bóng nó nghiêng, đổ xuống như chiếc cầu vồng tuyệt đẹp của môt bức tranh thủy mặc. Nhìn xuống thung lũng thấy suối Miết thủy chảy róc rách tựa tiếng mưa rơi. Hai câu thơ vừa có hình ảnh vùa có âm hanh thật tuyệt vời. Nghệ thuật tả cảnh thật điêu luyện khiến người đọc cảm thấy như mình đang đứng trước cảnh núi non hùng vĩ, tai nghe tiếng suối reo chảy quanh đây.

Tới đây xin được nói qua về thú hưởng nhàn của nhà thơ  Vương Duy 王維 (699-759) thời Thịnh Đường bên Trung Quốc khi ông từ quan về sống ẩn dật nơi quê nhà, vì cuộc đời ông nầy có nhiều điểm giống Trần Nguyên Đán. Trong một lần ngao du sơn thủy, Vương Duy dùng thuyền băng qua sông Hoàng Hoa (giống cách tiêu khiển của TTTS) để tiến vào vùng suối nước Thanh Khê. Ngồi trên phiến đá phẳng lì, ông ngắm dòng suối trong vắt cạnh rừng thông vắng lặng, sâu hun hút trong màn sương rồi buông cần câu chờ thời vận, cũng để quên hết sự đời.

    Trở lại bài thơ của TTTS, hai câu kết:

Tạ Tam kim dĩ vô tiêu tức,

Lưu đắc không thuyền các thiển sa.

(Tạ Tam nay đã không còn tăm hơi gì nữa,

Chỉ còn lưu lại chiếc thuyền trống không, ghếch mình lên bãi cát).

Chiều tàn rên bãi vắng , TTTS chợt nhớ tới Tạ Tam , không biết bây giờ ra sao? Người còn đó hay đã về với cát bụi? Lâu rồi không còn nghe tin tức !

Còn lại nơi đây chỉ là chiếc buồm trống không rách nát ghếch đầu trên bãi cát buồn thiu !

Khi tuổi về chiều tác giả nhìn về quá khứ thấy mình đã hưởng đủ mọi thứ vui vật chất cũng như ngao du đó đây nên cảm thấy không còn gì luyến tiếc hay ước mơ nữa. Tất cả đã đi qua như một giấc mộng, tác giả cảm thấy lòng se thắt ngậm ngùi. Nỗi buồn hiu hắt còn đọng lại trong 2 câu thơ cuối:

"Tạ Tam giờ tìm đâu thấy

Chỉ thấy thuyền không gác bãi nông".

   

    Dịch thơ:

1/    Vui thú sông hồ

Mộng hải hồ lòng vẫn ước mong

Tháng ngày vun vút lướt qua song

Trăng thanh gió mát sinh nhai đủ

Nước biếc non xanh lạc thú cùng

Sáng kéo buồm côi băng sóng cả

Chiều nâng sáo ngắn đuổi mây lồng

Tạ Tam nay đã tăm hơi biệt

Thuyền trống nằm trơ ghếch bãi nông.

(Nguyễn Cang)

2/ Bản dịch của Nguyễn Tấn Hưng:

Ước mơ hồ hải nặng bên lòng,
Ngày tháng thoi đưa những uổng công.
Gió mát trăng trong sinh kế đủ
Non xanh nước biếc thú vui cùng.
Sớm tếch buồm côi sông nước rộng
Chiều nâng sáo nhỏ khói mây lồng.
Tạ Tam nay đã tăm hơi bặt
Thuyền rạn nằm trơ gối bãi nông.

3/ Phỏng dịch:

Tuổi xanh trăng hồ hải

Bây giờ tóc muối tiêu

Còn có chi mơ nữa?

Tương cà chỉ bấy nhiêu!

Sáng lênh đênh thuyền liễu

Chiều nổi sáo trong sương

Tìm Tạ Tam đâu thấy

Chỉ thấy thuyền không gác bãi nương.

(V. Ng)

Nguyễn Cang(25/10/2017)