27 thg 4, 2024

TIM QUÊ HƯƠNG - Thơ Mỷ Trinh

 TIM QUÊ HƯƠNG
 
Nửa thế kỷ tôi đi còn để lại
Trái tim quê miền thổn thức ân tình
Mỗi chiều về là giọt máu nguyên trinh
Căng niềm nhớ đan mạch hồng dấu ái
 
Nửa thế kỷ vẫn tim còn khắc khoải
Nhoi nhói buồn mưa xứ lạ hoài mong
Dòng sông quê chảy suốt ở trong lòng
Thương con nước ngược dòng xanh thể kỷ
 
Tôi còn đi biết bao giờ ngơi nghỉ
Còn tìm hoài thơ ấu bóng Mẹ Cha
Mái nhà xưa kỷ niệm đó thiết tha
Xa xa lắm mà gần trong tim nhỏ
 
Khói lam chiều trên bờ đê bãi cỏ
Mùi gạo thơm Mẹ nấu cho đàn con
Cả đời Mẹ không hề biết phấn son
Cha lam lũ đến mỏi mòn tuổi hạc
 
Nửa thế kỷ tim này như ghềnh thác
Ngược xuôi dòng con tạo vẫn còn xoay
Định mệnh nào làm ngang trái ly tan
Cho rạng nứt trái tim này vụn vỡ…
 
Tôi đi rồi vẫn lòng còn nặng nợ
Quê hương ơi đây bóng dáng hình hài
Nếu lỡ một ngày không gặp lại ai
Hồn vẫn vậy xin về nơi quê cũ…
Mỹ Trinh

Mời Xem :


TÌNH MẸ - Thơ Mỷ Trinh 

Mời Xem :Cây Cầu Dài Nhất Hoa Kỳ

Bạn có biết?
 
Cây cầu đắp cao Pontchartrain ở Louisiana là cây cầu dài nhất ở Hoa Kỳ, trải dài 23,79 dặm qua Hồ Pontchartrain.
Đây cũng là cây cầu liên tục trên mặt nước dài nhất thế giới. Cây cầu nối New Orleans với các cộng đồng nhỏ hơn ở bờ phía bắc của hồ. Nó được tạo thành từ hai cây cầu song song được hỗ trợ bởi 9.500 cọc bê tông.
 
The Lake Pontchartrain Causeway in Louisiana is the longest bridge in the United States, spanning 23.79 miles across Lake Pontchartrain. It's also the longest continuous bridge over water in the world. The bridge connects New Orleans with smaller communities on the north shore of the lake. It's made up of two parallel bridges supported by 9,500 concrete pilings.
 
L. Nguyen


 

26 thg 4, 2024

Nghĩa Trang Chiều - Nguyễn Đạm Luân

 


Chiều hiu hắt nghĩa trang

Buồn cũng buồn ngày cũ

Nắng ngã bóng thu vàng

Lẻ loi người nằm đó

 

Người đi trời vào thu

Mang theo sầu vạn cổ

Chôn sâu đáy huyệt mồ

Ngậm ngùi vàng là đổ

 

Hôm tôi tiễn người đi

Sụt sùi mưa thu khóc

Vĩnh biệt tuổi xuân thì

Nảo nề thiên thu khúc

 

Đêm nằm nghe tiếng mưa

Ngỡ người về đâu đó

Gác trọ bóng trăng xưa

Chênh chếch mờ không tỏ

 

Người dưới đó lạnh không

Trên này cuồng gió hú

Nghĩa trang chiều lạnh lùng

Nghẹn ngào mưa lệ đổ

 

Nguyễn Đạm Luân


Mời Xem :

Phố Chiều Theo Em Về - Nguyễn Đạm Luân


Biến đổi khí hậu đang gây tổn hại cho sức khỏe của chúng ta như thế nào?

Biến đổi khí hậu không chỉ gây ra những cơn bão, những đợt nắng nóng mà còn đang khiến tất cả chúng ta ốm yếu hơn. Từ hen suyễn, dị ứng theo mùa, bệnh tim mạch, bệnh phổi cho đến cả nguy cơ chấn thương và rủi ro y tế đều được thúc đẩy bởi biến đối khí hậu.

Trẻ em, phụ nữ mang thai và người già là những đối tượng có nguy cơ cao nhất từ ​​thời tiết khắc nghiệt và nhiệt độ tăng cao. Ngày càng rõ ràng, biến đổi khí hậu đang tác động lên mọi khía cạnh sức khỏe và chăm sóc y tế.

"Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các toa thuốc và liệu trình điều trị có thể gây hại cho bệnh nhân khi nhiệt độ thay đổi", Aaron Bernstein, giám đốc của Trung tâm Khí hậu, Sức khỏe và Môi trường Toàn cầu tại Đại học Harvard cho biết.

"Ngoài ra, có bằng chứng cho thấy các sự kiện thời tiết khắc nghiệt đang ảnh hưởng đến nhiều nguồn cung cấp y tế quan trọng của chúng ta".

Trẻ em, phụ nữ mang thai và người già là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nhất từ biến đổi khí hậu.

Lấy ví dụ nó có thể làm cạn kiệt nguồn cung chất truyền dịch. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão lũ gây mất điện có thể là một vấn đề lớn, ảnh hưởng tới tính mạng nhiều bệnh nhân.

Một nghiên cứu trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ gần đây cho thấy bệnh nhân ung thư phổi xạ trị có tỷ lệ sống sót giảm xuống khi bị ảnh hưởng bởi bão.

Một bài báo tháng 8 trên Tạp chí Y học New England đưa ra hàng chục nghiên cứu tương tự, cho thấy biến đổi khí hậu ảnh hưởng vào từng ngóc ngách của ngành y như thế nào.

Renee Salas, đồng tác giả của báo cáo đến từ Trường Y Harvard, nói: "Cuộc khủng hoảng khí hậu không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân, mà còn ảnh hưởng tới cả cách chúng tôi chăm sóc họ và khả năng mà chúng tôi làm được".

"Và điều đó đang xảy ra ngay lúc này", Salas nói. Chỉ có điều bạn có đủ tinh tế để nhận ra hay không mà thôi:

1. Biến đổi khí hậu kéo dài mùa dị ứng, làm trầm trọng thêm các triệu chứng

Biến đổi khí hậu sẽ làm cho các dạng dị ứng con người gặp phải trở nên tồi tệ hơn. Khi nhiệt độ tăng, cây cối sẽ tạo ra nhiều phấn hoa hơn trong khoảng thời gian dài hơn. Mùa dị ứng vì vậy cũng kéo dài ra.

Nồng độ CO2 trong khí quyển tăng lên cũng thúc đẩy nhiều loại thực vật phát triển, trong đó có các loại cỏ sinh phấn gây dị ứng cho khoảng 20% dân số. Ngoài ra, bản thân CO2 cũng có thể làm tăng tác dụng gây dị ứng của phấn hoa.

Neelu Tummala, một chuyên gia tai mũi họng tại Hiệp hội Y khoa George Washington ở Washington DC, cho biết cô thấy ngày càng nhiều bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng hoặc viêm khoang mũi, nghẹt mũi và chảy nước mũi sau.

"Trước đây, phấn hoa chỉ có vào mùa xuân, phấn cỏ chỉ có vào mùa hè, cỏ phấn hương chỉ có vào mùa thu", Tummala nói. "Nhưng bây giờ mùa của những tác nhân gây dị ứng đó bắt đầu chồng chéo lên nhau".

Một trong những bệnh nhân của Tummala, Kelly Kenney chỉ bị dị ứng theo mùa dạng nhẹ khi còn nhỏ. Nhưng bây giờ, cô ấy bắt đầu bị đau xoang, ù tai và nghẹt mũi quanh năm.

"Bốn năm qua, các triệu chứng của tôi ngày càng trở nên tồi tệ hơn", Kenney nói.

Biến đổi khí hậu khiến mùa của những tác nhân gây dị ứng bắt đầu chồng chéo lên nhau.

2. Biến đổi khí hậu gây biến chứng thai kỳ và ảnh hưởng tới sức khỏe thai nhi

Phụ nữ mang thai là đối tượng rất dễ bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ và ô nhiễm không khí, hai vấn đề đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn trong làn sóng biến đổi khí hậu.

Đó là một phần lý do thôi thúc Bruce Bekkar, một bác sĩ phụ sản ở San Diego nghỉ việc 6 năm về trước, để chuyển sang làm việc như một nhà hoạt động khí hậu. Ông đã tổng hợp 68 nghiên cứu ở Hoa Kỳ để minh chứng mối liên hệ giữa nhiệt độ, khói bụi, các hạt ô nhiễm siêu nhỏ xuất phát từ hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch với những ca sinh non, trẻ nhẹ cân và thai chết lưu.

Nhiều khói bụi hình thành khi trời nóng, và một số nghiên cứu cho thấy các hạt vật chất này đang gia tăng trong làn sóng khủng hoảng khí hậu. Bekkar cho biết ông và các đồng tác giả đã tìm thấy một mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và sức khỏe sinh sản trong 58/68 nghiên cứu. Đó là một cơ sở dữ liệu của khoảng 30 triệu ca sinh ở Hoa Kỳ.

Bekkar khuyến cáo các bác sĩ nên tư vấn cho bệnh nhân của mình về việc sóng nhiệt có thể dẫn đến sinh non, và tránh xa ô nhiễm không khí có thể giúp họ giữ con mình khỏe mạnh hơn.

"Chúng tôi thấy ngày càng nhiều trẻ em sinh ra trong tình trạng suy yếu do ô nhiễm nhiệt và không khí. Đó là một câu chuyện hoàn toàn khác so với suy nghĩ về biến đổi khí hậu là nguyên nhân của những cơn bão đổ bộ vào Florida. Sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên sức khỏe sinh sản sâu rộng và liên tục hơn nhiều", Bekkar nói.

Ở các nước đang phát triển, biến đổi khí hậu nhiều khi có thể đẩy phụ nữ mang thai vào tình trạng khan hiếm thực phẩm và nước uống. Các bệnh lây truyền qua côn trùng, ví dụ như Zika, được thúc đẩy bởi biến đổi khí hậu cũng là một mối nguy hiểm cho thai nhi khi ở trong bụng mẹ.


Nhiệt độ gia tăng, khói bụi, các hạt ô nhiễm siêu nhỏ xuất phát từ hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch có liên quan với những ca sinh non, trẻ nhẹ cân và thai chết lưu.

3. Biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch và bệnh phổi

Ô nhiễm không khí trở nên tồi tệ hơn khi nhiệt độ gia tăng, gây căng thẳng lên cả trái tim và lá phổi của bạn. Ô nhiễm nhiên liệu hóa thạch gây ra khủng hoảng khí hậu có liên quan đến những ca nhập viện và tử vong do bệnh tim mạch. Nó cũng liên quan một cách hiển nhiên đến số bệnh nhân mắc hen suyễn và các vấn đề về hô hấp khác.

Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ mô tả tình trạng khói bụi trong những ngày nắng nóng "giống như một vết cháy nắng trên lá phổi của bạn và nó có thể làm khởi phát cơn hen suyễn".

4. Rủi ro cho sức khỏe của trẻ nhỏ

Theo báo cáo của Salas, trẻ em dưới 5 tuổi là đối tượng phải gánh phần lớn gánh nặng sức khỏe gây ra bởi biến đổi khí hậu.

Samantha Ahdoot, một bác sĩ nhi khoa ở Alexandria, Virginia, gần đây tiếp nhận điều trị cho một đứa trẻ 11 tuổi và một đứa trẻ 13 tuổi chuyển tới từ Florida. Nguyên nhân những đứa trẻ phải chuyển viện là một cơn bão đi qua đã làm hư hỏng bệnh viện và cả hồ sơ y tế ở Florida.

Một trong hai đứa trẻ cần phẫu thuật tim, thật nguy hiểm khi hồ sơ y tế của đứa trẻ đã không còn và Ahdoot gần như bắt đầu từ con số không để tìm hiểu về bệnh nhi của mình.

Nhưng có một điều mà cô biết, đó là cả hai đứa trẻ đều mắc rối loạn thiếu tập trung và hiếu động thái quá (ADHD). Tình trạng này cũng trở nên khó điều trị khi thiếu hồ sơ điều chỉnh liều lượng thuốc trước đó và những đảo lộn cuộc sống mà những đứa trẻ phải chịu sau cơn bão.

Ahdoot cho biết trong sự nghiệp của mình cô đã chứng kiến ​​một loạt các gia đình phải di cư vì thảm họa thời tiết.

5. Biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới dinh dưỡng

Lượng khí thải CO2 đang làm giảm mật độ dinh dưỡng của cây lương thực, làm giảm hàm lượng protein, kẽm và sắt của thực vật và dễ dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng hơn. Nguồn cung cấp thực phẩm cũng bị gián đoạn do hạn hán, mất ổn định xã hội và bất bình đẳng liên quan đến biến đổi khí hậu.

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới dinh dưỡng và an ninh lương thực.

6. Biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ mất nước và bệnh thận

Nhiệt độ tăng do biến đổi khí hậu sẽ làm tăng nguy cơ mất nước của cơ thể. Điều này còn liên quan đến sự mất cân bằng điện giải, sỏi thận và suy thận.

Ngoài ra, trong các sự kiện thời tiết khắc nghiệt như bão hoặc nắng nóng, điện có thể bị cắt khiến các bệnh nhân suy thận cần lọc máu có thể gặp rủi ro hoặc khó khăn đáng kể.

7. Các căn bệnh về da

Nhiệt độ tăng cao cùng với sự suy giảm của tầng ozone sẽ làm tăng nguy cơ ung thư da do tiếp xúc với tia cực tím và các bức xạ gây hại khác. Con người đang sử dụng ngày càng nhiều điều hòa nhiệt độ và các thiết bị làm lạnh, các chất khí mà chúng thải ra có thể làm trầm trọng thêm sự suy giảm của tầng ozone.

8. Bệnh đường tiêu hóa

Nhiệt độ gia tăng cũng làm tăng nguy cơ bùng phát các dịch salmonella và campylobacter. Hai loại vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm và bệnh đường ruột này có thể phát triển nhanh hơn trong thực phẩm, nếu bạn không bảo quản đúng cách.

Ngược lại, mưa lũ có thể làm ô nhiễm nguồn nước uống. Tảo nở hoa phát triển mạnh khi nước biển ấm lên cũng có thể gây ra các vấn đề về đường tiêu hóa.

9. Bệnh truyền nhiễm

Thay đổi nhiệt độ và mô hình mưa cho phép một số côn trùng mở rộng khu vực sống của chúng và truyền nhiều bệnh bao gồm sốt rét, sốt xuất huyết, bệnh Lyme và virus West Nile. Dịch tả và bệnh cryptosporidiosis lây truyền qua nước ô nhiễm cũng tăng lên cùng với hạn hán và mưa lũ.


Thay đổi nhiệt độ và mô hình mưa cho phép một số côn trùng mở rộng khu vực sống của chúng và lây truyền nhiều bệnh.

10. Biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần

Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ trước đây đã làm hẳn một tài liệu hướng dẫn dài 69 trang, trong đó cảnh báo về biến đổi khí hậu có thể gây ra căng thẳng, trầm cảm và rối loạn lo âu. Các chuyên gia cho ngại rằng nhiều cuộc thảo luận về biến đổi khí hậu chưa bao gồm sự ảnh hưởng của nó tới sức khỏe tâm thần, trong khi đó là một sự thật đáng ngại đang xảy ra.

Những người tiếp xúc hoặc bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt phải di dời nhà cửa có nguy cơ cao hơn đối với các vấn đề sức khỏe tâm thần. Nhiệt độ cực cao cũng có thể làm cho một số bệnh tâm thần trở nên tồi tệ hơn.

Trung tâm Báo chí Điều tra của Đại học Maryland đã tìm thấy các cuộc gọi khẩn cấp liên quan đến tình trạng tâm thần tăng khoảng 40% ở Baltimore vào mùa hè 2018, trùng với khoảng thời gian chỉ số nhiệt tăng cao hơn 39 độ.

Ngoài ra, một số loại thuốc điều trị tâm thần có thể gây sốt, và điều này khiến bệnh nhân càng bị ảnh hưởng nặng hơn.

11. Bệnh não – thần kinh

Ô nhiễm nhiên liệu hóa thạch có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Quá trình đốt than cũng tạo ra thủy ngân - một chất độc thần kinh cho thai nhi.

Sự gia tăng của các bệnh lây truyền qua muỗi cũng gián tiếp làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng thần kinh. Trong khi vào những ngày nhiệt độ cực cao, nhiều người dễ bị rối loạn tuần hoàn máu não.

           Ô nhiễm nhiên liệu hóa thạch có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.

12. Thương tích

Các sự kiện thời tiết cực đoan, bao gồm bão, lũ lụt và hỏa hoạn, thường gây ra nhiều thương tích. Nhiệt độ cực cao cũng liên quan đến tình trạng bạo lực gia tăng. Trên quy mô lớn, khủng hoảng khí hậu cũng có liên quan đến những làn sóng di cư và xung đột bạo lực giữa các khu vực trên thế giới, chẳng hạn như xung đột nguồn nước.


25 thg 4, 2024

DỰ BÁO ĐỢT NẮNG NÓNG ĐẶC BIỆT GAY GẮT TRÊN PHẠM VI TOÀN QUỐC

DỰ BÁO ĐỢT NẮNG NÓNG ĐẶC BIỆT GAY GẮT TRÊN PHẠM VI TOÀN QUỐC
 
Đợt nắng nóng đặc biệt gay gắt lần này sẽ kéo dài từ hôm nay 25/4 đến hết ngày 30/4 trên phạm vi toàn quốc. Trong đó khu vực miền Trung có khả năng kéo dài lâu hơn.
Các ngày nắng nóng nhất sẽ vào ngày 29/4 và 30/4. Nhiệt độ khí tượng có thể vượt kỷ lục từng được ghi nhận trước đây.
Dự báo nhiệt độ khung giờ 13h đến 15 giờ ngày 30/4 ở một số khu vực như sau:
- Hà Nội: 40⁰C
- Thanh Hóa: 41,5- 43⁰C
- Nghệ An: 44,4⁰C và có thể cao hơn
- Hà Tĩnh: 43,5⁰C
- Đồng Hới: 41-42⁰C
- Quảng Trị: 42,8⁰C
- Huế: 41 - 42⁰C
- Đà Nẵng và Quảng Nam: 39 - 41,9⁰C
- Các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ: 41⁰C
- Tây Nguyên: 36 - 37⁰C
- Tp Hồ Chí Minh và vùng lân cận: 39⁰C
- ĐB Sông Cửu Long: 38-39⁰C.
 
KHUYẾN CÁO: ĐỀ PHÒNG SỐC NHIỆT:
 
Mọi người lưu ý nếu có đi chơi dịp nghỉ lễ này thì hạn chế ra ngoài trời trong khung giờ từ 11 giờ trưa đến 16 giờ chiều trong các ngày 29 và 30/4. Đối với các tỉnh Miền Trung nắng nóng có thể kéo dài sau dịp nghỉ lễ.
Khi sử dụng điều hòa, mọi người lưu ý không nên để nhiệt độ thấp hơn 26⁰C vì sẽ tạo sự chênh lệch nhiệt độ lớn trong phòng và ngoài trời, gây sốc nhiệt
Hạn chế uống nước đá dễ gây viêm họng cấp.
Sau đợt nắng nóng có thể có mưa dông cục bộ gây nên hiện tượng bốc hơi ẩm nóng từ mặt đất. Hơi ẩm này khá độc trong các cơn mưa đầu mùa vì chứa khí lưu huỳnh và metan. Vì vậy mọi người tránh ra ngoài trời trong lúc mưa và sau khi mưa. Hãy để hơi ẩm bốc hơi hết sau 1-2 giờ hãy ra ngoài trời.
 
-Huy Nguyen-

Vui Lethi chuyển

HÈ ĐỎ, KHÔNG ĐỀ ,MƯA ƠI! MƯA ĐÂU RỒI ? - Hathuthuy


HÈ ĐỎ
Hoa phượng choàng tỉnh giấc
Thấy nắng đổ đầy cành
Áo bỗng dưng đỏ rực
Nổi bật giữa cành xanh.
Chưa kịp hết bàng hoàng
Thì tiếng đàn rộn rã
Tấu nhạc khúc hè sang
Nghe quen quen là lạ.
Ẩn mình sau tán lá
Chú ve nhỏ tròn xinh
Nhìn anh chị đàn hát
Cười hồn nhiên một mình.
Phượng cảm ơn nắng hè
Tặng áo đỏ mới tinh
Cảm ơn các chú ve
Râm ran khúc nhạc mừng
Chào tháng tư hè đỏ.
hathuthuy 


2./ KHÔNG ĐỀ *

Làm sao để trở lại ngày xưa ấy
Ngồi trên cỏ xanh đón giọt nắng vàng
Hạnh phúc thay thời tuổi hồng thơ dại
Có thiên đường quanh gót nhỏ thênh thang.
Hãy gửi sắc màu vào mây lãng đãng
Nhé vòm hoa trâm ổi đỏ nồng nàn
Trên thinh không chan hòa vào sắc trắng
Rủ chim ngàn theo muôn dặm đường bay.
hathuthuy
 

 
3./ MƯA ƠI! MƯA ĐÂU RỒI?
 
Trời chang chang nắng đổ
Mưa quên mất lối về
Ruộng đồng khô héo rũ
Cây cỏ buồn ủ ê.
Gió dong ruỗi tìm mưa
Đem về cho nương rẫy
Rừng gầy guộc lá thưa
Tựa nhau chia hơi thở.
Từ không gian xa xăm
Mây ngược xuôi tìm nước
Nơi nào xa thăm thẳm
Về đi Mưa ơi!...Mưa.
hathuthuy
 

 Mời Xem :

Võ Quang Yến (1928-2024) - ( N. N. G.- Diển Đàn Forum )

                                  Liliane Võ Quang (1934-2021) và Võ Quang Yến (1928-2024)

Người đam mê khoa học và yêu Huế

Thưở học sinh những năm 50 ở Sài Gòn, tôi được đọc nhiều bài của tác giả Võ Quang Yến trên tạp chí Bách Khoa. Sang Pháp được vài năm, tôi tập tành viết cho tạp chí Khoa học Kỹ thuật của Hội cùng tên mà anh Yến làm chủ tịch, được mời tham gia đại hội của Hội dự trù ở nhà Đông Dương, cư xá quốc tế đại học, đường Jourdan, quận 14. Chỉ thoáng gặp anh : cuộc đại hội không thành, Hội bị chính quyền De Gaulle giải tán. Đó là khoảng cuối năm 1960, nếu tôi nhớ không lầm. Trước đó, năm 1959, họ đã giải tán hội Liên hiệp Việt kiều, trong khi suốt những năm kháng chiến, phong trào Việt kiều vẫn hoạt động mạnh mẽ, khi công khai, lúc bán công khai hay trong vòng bí mật. Lý do “dễ hiểu” : chính quyền Pháp muốn giao hảo với chính quyền Ngô Đình Diệm, muốn bảo vệ quyền lợi kinh tế và văn hóa của Pháp ở miền Nam nước ta. Nhưng từ đó mà giải tán cả một hiệp hội thuần túy khoa học kỹ thuật thì cũng hơi bị “khó hiểu”. 

Biết đâu nhờ thế mà anh Yến có thời giờ tập trung nghiên cứu trong ngành hóa học hữu cơ. Năm 1962, anh bảo vệ luận án tiến sĩ “Contribution à l’étude des additions sur les composés acétyléniques : chloroformylation des arylacétyléniques : hydratation des diacétyléniques” (mà Google dịch là : Góp phần nghiên cứu việc bổ sung các hợp chất acetylenic: cloroformylation của arylacetylenics: hydrat hóa diacetyls). Đặc nhiệm nghiên cứu rồi giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học (CNRS), anh giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu tại trường Cao đẳng quốc gia hóa học Paris (ENSCP). Đam mê khoa học gắn kết với tình nghĩa phu thê : chị Liliane Kouscher là đồng nghiệp, cùng lãnh vực, giáo sư trường ENSCP, rồi Đại học Pierre & Marie Curie (Paris VI), và say mê ngôn ngữ & văn hóa Việt Nam, say mê quê hương xứ Huế của chồng. Anh Võ Quang Yến là sáng lập viên và nhiều năm làm chủ tịch Hội những người yêu Huế.

Cùng với những bài phổ biến khoa học và văn hóa đăng trên các báo, Võ Quang Yến là tác giả của nhiều cuốn sách :

    - Nói chuyện khoa học, Saigon, Cơ sở Phạm Quang Khai, Tủ sách Tiến Bộ, 1968.
    - Vũ trụ và không gian, Saigon, Cơ sở Phạm Quang Khai, Tủ sách Tiến Bộ, 1968.
    - Giáo dục tính phái, Saigon, Lửa Thiêng, 1973.
    - Gửi thương về Huế, Hà Nội, Văn Học, 2006.
    - Cây nhà lá vườn, Đà Nẵng, 2014-2015.
    - Champa một thuở, Paris, Chim Việt Cành Nam , 2018.-
    - L’alimentation de la salangane à nid blanc Aerodramus fuciphagus germani au Viêt Nam, 28ème Colloque francophone d’ornithologie, Namur 28-30 nov. 2003 (viết chung với J.F. Voisin và Nguyễn Quang Phách)

Anh là cộng tác viên thường trực của trang mạng Chim Việt Cành Nam (gần 100 bài viết) cũng như của Diễn Đàn (hơn 90 bài).

Anh viết không ngừng nghỉ, ngay cả trong những năm anh chị vào sống ở Viện dưỡng lão Sceaux (mà anh gọi là Xô Thành), và sau ngày chị Liliane từ trần (năm 2021). 

N. N. G.

 Mời Xem :

Thư khóc tiễn vợ về nơi chín suối - Võ Quang Yến (Diển Đàn Forum )

HÀNH TRÌNH QUA THẾ GIỚI BÊN KIA -Võ Quang Yến  

https://www.rongmotamhon.net/static/chimviet/tacgia/voquangyen.htm

24 thg 4, 2024

Phố Và Người - Thuyên Huy

 

Mời Xem :Không Là Nắng Gò Dầu - Thuyên Huy

 

Ảnh Nguyễn Minh Thiện :  Hồ  Đá Ma Thiên Lãnh Tây Ninh

Ngày Hôm Nay 24/4/2024 Dương Lich

Nhằm Âm Lich là  y 16 Trăng Tròn
 

TIẾT 9 – TÂM TỨ ĐOAN (Diển Đàn Khai Phóng )

Tác giả: ITÔ JINSAI (*)
Người dịch: Nguyễn Sơn Hùng

Lời thưa trước

Itô Jinsai khuyên nên tìm hiểu nội dung sách Mạnh Tử trước vì sách này là sách giải thích sách Luận Ngữ. Theo người dịch, về mặt đạo đức làm người thì một trong những điểm quan trọng nổi bật của học thuyết Mạnh tử là ông chủ trương “bản tính con người vốn thiện lương từ lúc chào đời”. Do đó, người dịch chọn tiết “Tâm tứ đoan” để mở đầu loạt bài giới thiệu chi tiết nội dung của sách “Ngữ Mạnh Tự Nghĩa” của Itô Jinsai (Y Đằng Nhân Trai). Trong tác phẩm tác giả ghi tên là Itô Itei (Y Đằng Duy Trinh), tên hiệu lúc sáng tác nhưng ở đây ghi tên hiệu sau cùng của ông để quý độc giả dễ tìm hiểu tra cứu thêm.

Điều 1

Theo sách chú thích và giải nghĩa của ngày xưa (cổ chú) (1) cho những kinh sách cổ điển thì “đoan” là “bản本”, có nghĩa “nguồn gốc”. “Tâm tứ đoan” là nguồn gốc xuất phát ra nhân nghĩa lễ trí. Từ điển chữ Hán giải thích “đoan” là “bắt đầu” (thủy始) hoặc là “mối (manh)” (tự緒). Cả 3 đều cùng một ý.

Tuy nhiên Khảo Đình (tức Chu Hy) đặc biệt dùng từ “đoan” với nghĩa “đầu mối (đoan tự端緒)”, nói rằng ““đoan” giống như vật có ở bên trong và mối (tự緒) của vật lộ ra bên ngoài”. Trong khi đó các thí dụ giải thích nghĩa của chữ “đoan” mặc dù có nhiều nghĩa nhưng đều quy về một ý như đã trình bày ở trên. Chữ “tự緒” phải xem đồng nghĩa với chữ “bản thủy本始” nghĩa “nguồn gốc ban đầu”.

Tôi nghĩ rằng cái kén của con tằm có “đầu mối” (đoan tự) , và nếu kéo cứ kéo ra mãi không ngừng thì sẽ thành lụa dày (tăng繒) hoặc lụa tơ trần (bạch帛) dài khoảng 2 trượng (khoảng 6 m). Nghĩa là từ “đoan tự” hàm chứa ý “kéo và làm cho dài ra”. Nói như Khảo Đình thì trái ngược với nghĩa “nguồn gốc ban đầu” (bản thủy), không phải như nghĩa của các thí dụ giải thích nghĩa của chữ.

Tôi nghĩ rằng ý muốn nói của Mạnh tử là con người có tâm tứ đoan giống như thân thể có 2 tay 2 chân (tứ chi) (Bài 6 chương 3 Công Tôn Sửu, sách Mạnh Tử). Con người ai cũng có tâm tứ đoan đàng hoàng, không cần phải tìm kiếm hoặc vay mượn từ bên ngoài. Nếu như biết khuếch sung (làm cho đầy đủ và làm to lớn thêm) tâm tứ đoan này thì giống như lửa cháy lan rộng, nước suối chảy lan rộng, cuối cùng có được đức của nhân nghĩa lễ trí. Do đó mới lấy tâm tứ đoan làm nguồn gốc ban đầu của nhân nghĩa lễ trí. Đây là chủ ý căn bản của Mạnh tử, và các Nho gia đời Hán lấy nội dung này truyền đạt cho nhau.

Tưởng cũng nên nói thêm các điều sau. Sách Trung Dung nói “Đạo của người quân tử bắt đầu (đoan) từ (việc xử sự tốt trong) quan hệ vợ chồng” (2). Tả Thị Truyện (tức sách Xuân Thu) nói: “Làm lịch (lịch xem ngày tháng năm) cần phải bắt đầu đúng từ khởi điểm (đoan) rồi cứ vậy mà tiếp tục” (3). Người xưa dùng “đoan” trong các từ ngữ như “hấn đoan” (4), “họa đoan” (5), “khai đoan” (6), “phát đoan” (7) đều với nghĩa “nguồn gốc ban đầu” (bản thủy) (8). Trong trường hợp để hiểu nghĩa của tâm tứ đoan càng không thể không tuân theo nội dung chú thích giải nghĩa của ngày xưa.

Phần phụ thêm

“Đạo quân tử bắt đầu từ quan hệ vợ chồng” (chương 12 Trung Dung)

Tìm thấy trên Internet tiếng Nhật có nội dung dịch ra tiếng Nhật hiện đại dễ hiểu nên dịch lại ở đây để giới thiệu độc giả biết thêm về sách Trung Dung.

“Đạo của người quân tử có phạm vi rất to lớn ai cũng có thể áp dụng nhưng nội dung hàm chứa mức khó khăn vi diệu. Ngay cả vợ chồng ngu muội cũng có thể biết giữ đạo là gì. Tuy nhiên nói đến đỉnh cao tận cùng của đạo thì ngay cả thánh nhân cũng có điều chưa biết được.

Ngay cả vợ chồng không học cũng có thể thực hành một phần của đạo. Tuy nhiên đối với đỉnh cao tận cùng của đạo thì ngay cả thánh nhân cũng không thể thực hành đầy đủ trọn vẹn. Đối với nhiều việc làm của trời đất rộng lớn (hiện tượng tự nhiên), con người cũng có những điều căm ghét như đối với thời tiết quá lạnh quá nóng so với bình thường, mất mùa nặng nề, bão tố, động đất, sóng thần to lớn đến mức kinh thiên động địa….

Do đó nếu nói sự to lớn của đạo quân tử thì trong thiên hạ không có gì để có thể đặt lên hoặc chứa đựng được; còn nói đến mức độ nhỏ của đạo thì trong thiên hạ không có gì nhỏ hơn. Thiên Đại Nhã Hạn Lộc trong kinh Thi viết: “Diên phi ngư dược”, nghĩa là “Diều hâu bay trên trời cao, cá tung tăng dưới hố nước sâu”. Trình độ cao thấp của đạo quân tử biểu hiện trong hoạt động của diều hâu và cá. Mặc dù nói là đạo của người quân tử nhưng điểm xuất phát của đạo là bắt đầu từ vợ chồng không học. Còn nếu như truy cứu đến đỉnh cao tận cùng của đạo thì đạo biểu hiện ở trong mọi sự việc, mọi hiện tượng của trời đất”.

“Trên là chương 12, lời của Tử Tư làm rõ ý của câu “Đạo không thể tách rời” trong chương đầu của Trung Dung. Trong 8 chương tiếp theo là do Chu Hy trích dẫn các lời của Khổng tử để làm rõ hơn”.

Ghi chú

– Nội dung trong ( ) với khổ chữ nhỏ là của người dịch thêm vào cho dễ hiểu hoặc ghi lại từ Hán Việt của nguyên văn.

(1) Theo Nhật Bản Quốc Ngữ Đại Từ Điển, ở Trung Quốc các chú thích giải nghĩa kinh sách từ đời Hán đến đời Đường gọi là “cổ chú”, các chú giải từ đời Tống trở về sau gọi là “tân chú”. Ở Nhật Bản, mốc thời gian để phân biệt là thời kỳ thành lập “quốc học” (1688~1704). Bốn nhà quốc học tiêu biểu của Nhật Bản: Kada no Azumamaro (1669~1736), Kamono Mabuchi (1697~1769), Motoori Norinaga (1730~1801), Hirata Atsutane (1776~1843).

(2) Nguyên văn chữ Hán: 君子之道, 造端乎夫婦 trong chương 12 của Trung Dung.

 (3) Trong phần “Văn Công Nguyên Niên” của sách Xuân Thu Tả Thị Truyện. Nguyên văn chữ Hán: 履端於始.

(4) Hấn đoan釁端: nguồn gốc ban đầu của hiềm khích, bất hòa. (Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh, dưới đây viết tắt ĐDA: Nguyên nhân việc tranh chấp, hiềm khích.)

(5) Họa đoan: bắt đầu, triệu chứng của tai họa. (Không có trong ĐDA)

(6) Khai đoan: khởi điểm, bắt đầu.(ĐDA: mở mối đầu (commencement))

(7) Phát đoan: bắt đầu của sự việc.(ĐDA: mở mối (commmencer))

(8) Trong ĐDA, bản thủy: lúc ban đầu; bản nguyên: gốc nguồn = căn bản.

Tham khảo thêm

(1) Trong Mạnh Tử Quốc Văn Giải Thích, Đông Hồ Nguyễn Hữu Tiến dịch “đoan” là “căn”. Trong Tứ Thư Bình Giải, Lý Mạnh Tuấn dịch là “đầu mối”.

(2) Theo Nhật Bản Quốc Ngữ Đại Từ Điển (phiên bản Tinh tuyển bản: Bản thủy là bắt đầu của ban đầu; bản nguyên. Đoan tự là manh mối của sự vật.

Theo Tự Thông (phổ cập bản) của Heibonsha do Shirokawa Shizuka biên soạn: Bản thủy là bắt đầu của sự việc. Đoan tự là bắt đầu, manh mối.

Nhận xét

(1) Người dịch chưa hiểu rõ lý do Jinsai không đồng ý nội dung giải thích của Chu Hy đến mức mạnh như vậy? Không biết các lý do sau có giải thích được không: (1) Theo cách giải thích của Chu Hy, có thể gây hiểu lầm là phải có người bên ngoài “kéo dài” tâm tứ đoan ra mới có được nhân nghĩa. Tuy nhiên, không phải vậy mà phải tự mình tu dưỡng mới được, do đó Jinsai không đồng ý ? (2) Lập ra nghĩa mới khác với cách hiểu của số đông lúc đương thời sẽ sinh ra hiểu sai, và dễ làm người khác bắt chước theo gây ra rối loạn cho việc học tập của người đời.

(2) Tiếng Hán thật rắc rối khó hiểu chính xác! Do đó hãy thử suy nghĩ xem xét nghĩa của chữ “đoan” từ ý muốn nói của Mạnh tử. Ý Mạnh tử muốn nói là nhân nghĩa lễ trí (sau đây viết ngắn là nhân nghĩa) bắt nguồn từ tâm tứ đoan. Do đó, “đoan” ở đây để nơi chốn chứ không phải thời gian vì nhân nghĩa không phải chỉ xuất phát từ tâm tứ đoan ở thời điểm ban đầu nào đó thôi mà luôn luôn xuất từ đây. Do đó hiểu “đoan” là “nguồn”, là “cội” (gốc) là đúng nhất, không phải là “manh mối”. Có “nguồn”, “gốc” sẵn thì chỉ cần giữ gìn cho không bị che lấp, và nuôi dưỡng thì “đoan” sẽ sinh trưởng ra và phát triển. Do lý do này mà Mạnh tử nói nên “tồn tâm, dưỡng tính” (Bài 1 chương 13 Tận Tâm thượng) . Gìn giữ tâm có nghĩa là gìn giữ “nguồn” của nhân nghĩa, bồi dưỡng tính có nghĩa là nuôi dưỡng “nguồn” nhân nghĩa. Tóm lại, hiểu “đoan” là “nguồn” thì thích hợp với điều Mạnh tử muốn nói. Tuy nhiên, nếu dịch “đoan” là “nguồn” hoặc “gốc” thì “tâm tứ đoan” phải dịch “tâm có/của 4 nguồn” hoặc “tâm có/của 4 gốc” trở nên rất khó hiểu và khó nghe!

Viết đến đây người dịch không biết phải giải quyết thế nào cho ổn nên xem xét lại nguyên văn của sách Mạnh Tử thì thấy ông chỉ dùng từ “tứ đoan” 3 lần trong bài 6 của chương 3 Công Tôn Sửu với cách nói “con người có tứ đoan” chứ không có từ “tâm của tư đoan”, từ này do Jinsai dùng để đặt tựa cho hạng mục này. Với từ “đoan” Mạnh tử dùng như sau: “Tâm của trắc ẩn (thương xót) là “đoan” của nhân (tình thương). Tâm của hổ thẹn (tu ố) là “đoan” của nghĩa….”.  Có nghĩa là “đoan” trong sách Mạnh Tử để nói “đoan” của nhân nghĩa chứ không phải của tâm. Do đó nếu dịch câu trên như “Lòng thương xót là nguồn phát sinh của nhân. Lòng hổ thẹn là nguồn phát sinh của nghĩa…” thì đúng ý của Mạnh tử muốn nói lại dễ hiểu. Đối với từ “tâm tứ đoan” hoặc không dùng cách nói này hoặc dịch là “tâm có/của 4 nguồn phát sinh nhân nghĩa lễ trí”. 

Người dịch lại nhớ Jinsai thường dùng từ “dị đoan” để chỉ các tư tưởng, học thuyết không phải của thánh nhân, không phải của Khổng Mạnh, hoặc để chỉ tà thuyết. Từ điển tiếng Nhật giải thích “dị đoan” là không thuộc “chính thống” hoặc để chỉ các tôn giáo hoặc học thuyết được một số ít người tin với tính cách ngoại lệ so với những tôn giáo hoặc học thuyết được nhiều người công nhận là chính thống vào thời đại dó. Đào Duy Anh giải thích “dị đoan” là 1) Những điều tín ngưỡng lạ lùng, 2) Dị giáo (superstition, hétérodoxe, hérésie). (Ông giải thích “dị giáo” là tôn giáo không phải thứ mình tin tưởng). Xem ra, từ điển tiếng Nhật giải thích rõ ràng và khách quan nhất. Trong trường hợp từ “dị đoan”, hiểu “đoan” là “nguồn hoặc gốc phát sinh” vẫn hợp nghĩa, và “dị” nghĩa là “khác với chính thống”.

Đối với chữ “thủy始” thường cho chúng ta hình ảnh “bắt đầu” (của thời gian) hơn là hình ảnh của nơi xuất phát (không gian). Nếu dùng từ “nhân” có nghĩa là “hạt giống” thì có thể sinh ra hiểu nhầm vì “giống” thì có tốt có xấu, ở đây Mạnh tử muốn nói là “nguồn phát sinh “tính thiện” của con người” và tất cả mọi người đều có như nhau. 

Sau khi viết nhận xét (2) này xong, người dịch cảm thấy hiểu hơn lý do mà Jinsai không đồng ý cách giải thích từ “đoan” của Chu Hy: không phải là những lý do viết ở nhận xét (1). Khi dịch Điều 2 của tiết này và đọc Tiết 5 Đức người dịch hiểu ra rằng: hiểu sai nghĩa của chữ hoặc của từ ngữ thì sinh ra hiểu sai cả ý rồi đưa đến việc áp dụng sai và triển khai sai. Khi triển khai sai thì không những hại bản thân mà hại cả người khác. Phải chăng đây là lý do phê bình nghiêm khắc của Jinsai?

Thật ra Jinsai đã viết ý trên trong “Lời tựa” của sách nhưng người dịch vô ý không đọc trước, đến sáng ngày 2/2/2024 khi sắp hoàn thành bản dịch tiết này mới đọc tới!

Điều 2

Trong Mạnh Tử Tập Chú (sách chú thích và giảng nghĩa nội dung sách Mạnh Tử của Chu Hy) viết “Tứ đoan (4 nguồn phát sinh nhân nghĩa lễ trí, nói theo Chu Hy là 4 “manh mối” của nhân nghĩa lễ trí) có trong con người (chúng ta) và tùy theo nơi hoặc trường hợp mà (chúng ta) phát hiện ra chúng. Nếu ai biết làm chúng sung mãn đến mức lượng có sẵn từ đầu của chúng (bản nhiên chi lượng) thì chúng mỗi ngày mỗi mới (1) đến mức độ chính bản thân mình cũng không có thể dừng lại được”. Ý muốn nói của “phát hiện ra” trong lời nói trên là “Nếu thấy được điều đúng nên thương xót thì (chúng ta) thương xót, nếu thấy đúng điều phải hổ thẹn thì hổ thẹn, nếu thấy điều đúng phải khiêm nhường (khiêm tốn và nhường nhịn) thì khiêm nhường, nếu thấy điều đúng phải phân biệt đúng sai thì phân biệt đúng sai”.

Nếu như Chu Hy giải thích, thì rõ ràng là, nếu không thấy được những điều đúng phải thương xót, đúng phải hổ thẹn, đúng phải khiêm nhường, đúng phải phân biệt đúng sai thì lòng thương xót, lòng hổ thẹn, lòng khiêm nhường và lòng phân biệt đúng sai không có dịp (cơ hội) phát sinh ra. Tuy nhiên, số cơ hội (chúng ta) gặp được việc đúng phải thương xót trong một ngày không phải nhiều. Đôi lúc suốt trong 10 ngày trôi qua, cũng có thể không gặp được trường hợp nào đáng thương xót. Đối với trường hợp của việc hổ thẹn, khiêm nhường và phân biệt phải trái cũng tương tự. Như vậy, số ngày (chúng ta) dùng sức để phát hiện tứ đoan thường ít ỏi mà số ngày không làm gì lại nhiều hơn. Như thế, dù (chúng ta) có muốn dùng sức khuếch sung tứ đoan để đi nữa thì phải làm bằng cách nào để thực hiện được đây? Ngoài ra, ngay cả trường hợp (chúng ta) chỉ muốn khuếch sung lòng thương xót (tâm trắc ẩn), (chúng ta) cũng còn lo sợ mình không đủ khả năng nói chi đến việc khuếch sung “từng thứ một của tất cả 4 thứ đoan” (Jinsai ý thức chủ trương của Lục Tượng Sơn nên nói điều này). Do đó, nổi lo sợ khi gặp người khác, (chúng ta) phải nhìn trước xem sau, không còn thời giờ ứng tiếp thật là khó tránh được phiền não khó đam nỗi.

Trong khi đó, nội dung mà Mạnh tử truyền đạt thật sự không phải khổ cực như vậy mới thực hiện được. Nội dung đó là tứ đoan có sẵn trong con người chúng ta giống như chúng ta sinh ra có sẵn 2 tay và 2 chân; không nghe người khác dạy cũng hiểu, không nghĩ tới chúng cũng tự nhiên đến (Bài 6 chương 11 Cáo Tử thượng), tại sao lại cần phải chờ phát hiện ra chúng! Tại sao lại cần phải tập trung tinh thần chú ý nhận thức mới phát hiện ra được chúng! Đúng là thật sự không lĩnh hội được ý của Mạnh tử một chút nào cả!

Tượng Sơn (2) nói: “Các người luận về học thuyết gần đây (3) cần phải bổ sung từng thứ một của tất cả 4 thứ đoan khi khuếch sung chúng”.

Tại sao lại phải có cái lý luận như vậy? Chẳng phải lúc đương thời Mạnh tử đã từng làm sáng tỏ rằng con người lúc chào đời đã có sẵn tứ đoan, và đó là đặc tính tốt lành (tính thiện) của con người; do đó (chúng ta) không nên tự cho mình không có khả năng làm điều thiện, điều tốt mà tự hủy hoại bản thân mình (Bài 6 chương 3 Công Tôn Sửu), đó sao?

Một khi tứ đoan có ở trong tâm tức là cái lý (có thể hiểu là quy luật, việc tất nhiên) của tứ đoan tự nó sẽ rõ ràng, nghĩa là đối với điều thật sự đáng thương xót thì con người tự nhiên sẽ thương xót; đối với điều thật sự đáng xấu hổ thì tự nhiên xấu hổ, đối với điều thật sự đáng khiêm nhường thì tự nhiên sẽ khiêm nhường, nếu điều thật sự phải phân biệt đúng sai xảy ra trước mặt thì con người tự nhiên sẽ phân biệt đúng sai. Lời này thật quá rõ ràng. (Thế mà Tượng Sơn nói như trên,) Chẳng khác gì không hiểu được ý của Mạnh tử!

Mạnh tử nói “Con người ai cũng có lòng thương xót (trắc ẩn), khi thấy người khác bị tai hại thì không nỡ (bất nhẫn) bỏ qua, việc khuếch sung (nguyên văn chữ Hán là “đạt”) lòng thương xót này chính là nhân (của nhân nghĩa lễ trí). Con người ai cũng có lòng hổ thẹn (tu ố) không muốn làm việc bất nghĩa, bất chính, việc khuếch sung (nguyên văn chữ Hán là “đạt”) lòng không muốn làm việc hổ thẹn này chính là nghĩa” (4) (Bài 31 chương 14 Tận Tâm hạ). Các từ “không nỡ (bất nhẫn)”, “không làm (bất vi)” này là “lòng thương xót (trắc ẩn)”, “lòng hổ thẹn (tu ố)”, theo thứ tự. Từ “đạt” trong nguyên văn ý nói “khuếch sung”. Tôi cho rằng lòng thương xót, lòng không muốn làm việc hổ thẹn không có chỗ nào mà không tiếp nhận (nghĩa là chắn chắn được tiếp nhận ở mọi nơi). Chẳng phải ý tưởng muốn truyền đạt của Mạnh tử thật là rõ ràng, thích đáng, và hiệu quả (của ý tưởng này) thật là giản dị và gần gũi (thân thiết) sao?

Tôi nghĩ rằng mặc dù 2 tiên sinh Chu và Lục đều rất tôn kính và tin tưởng Mạnh tử nhưng Hối Am (tức Chu tử) thì chuyên lấy “trì kính” (phương pháp tu dưỡng bằng tập trung ý thức) làm chủ yếu, còn Tượng Sơn thì trước hết lấy việc thành lập “cái to lớn ấy” (5) (ý nói lý luận, lý thuyết của tính thiện v.v…) làm chủ yếu nhưng đối với nghiên cứu phương pháp khuếch sung (ý nói phương pháp thực dụng) thì thật sự chưa hề bỏ công sức lần nào. Té ra thất bại (của ông) to lớn như thế này!

(*) Nguồn: Itô Jinsai (1683): Ngữ Mạnh Tự Nghĩa (語孟字義)

Ghi chú

(1) “Mỗi ngày mỗi mới”: Trích từ sách Đại Học, câu châm ngôn mà vua Thang cho khắc ở bồn tắm của ông để cảnh giác bản thân.

(2) Trích từ Ngôn Lục thượng của Tượng Sơn Tiên Sinh Toàn Tập quyển 34 nhưng Jinsai viết lại cho dễ hiểu. Lục Tượng Sơn (1139~ 1193), tên Cửu Uyên, đậu Tiến sĩ ra làm quan nhưng lúc 49 tuổi mở trường dạy học. Ông cùng thời với Chu Hy.

(3) Ý nói các người trong học phái của Chu tử.

(4) Nếu dịch sát nguyên văn câu này rất khó hiểu nên ở đây dùng nội dung dịch tiếng Nhật hiện đại của Tanaka Netarô, dễ hiểu và đúng ý.

(5) Dùng từ “Kỳ đại giả” trong Bài 14 chương 11 Cáo Tử thượng: “Dưỡng kỳ tiểu giả, vi tiểu nhân; dưỡng kỳ đại giả, vi đại nhân” (Nuôi dưỡng điều (cái) nhỏ (việc không quan trọng) thì làm tiểu nhân; nuôi dưỡng điều (cái) lớn (việc quan trọng) thì làm đại nhân).

Nhận xét

(1) Để thực hiện nhân nghĩa lễ trí, theo Chu Hy thì quá khó, theo Jinsai thì quá dễ! Tuy nhiên cách viết của Jinsai “Một khi tứ đoan….. đúng sai. Lời này thật quá rõ ràng” có thể gây hiểu lầm lớn hoặc có thể do người dịch chưa nắm được ý của ông? Theo ý của đoạn văn này thì để thực hiện nhân nghĩa thì cứ giao phó cho bản tính tự nhiên của mình. Nếu như vậy tại sao Mạnh tử lại nói cần phải “khuếch sung”? Không biết trong tiết khác hoặc trong tác phẩm khác, ông có đề cập cụ thể làm thế nào để khuếch sung không? Nếu không thì ông chẳng khác với Tượng Sơn, vì phê bình người khác mà không đưa cách giải quyết.

Theo người dịch nghĩ rằng trước khi khuếch sung, ít nhất cần phải gìn giữ tâm để “nguồn phát sinh tứ đoan” không bị che lấp. Một phương pháp thực hiện điều này là tập luyện được “sunao na kokoro” (người dịch dịch là tâm tự nhiên) của Matsushita Kônosuke. Một phương pháp dễ dàng hơn mà người dịch mới nghĩ ra là “không bỏ quên lòng biết ơn”. Hãy luôn luôn ghi nhớ rằng “con người không thể tồn tại nếu không có sự giúp đỡ hoặc làm việc của người khác”. Người dịch tin rằng nhờ lòng biết ơn chúng ta có thể không để cho tự ái cá nhân, lợi ích cá nhân và nhiều thứ khác che lấp lên nguồn phát sinh tính thiện của con người, là tứ đoan. Ngoài ra, việc học, việc đọc sách cũng ích lợi, giúp chúng ta biết những trường hợp chưa từng gặp qua để suy nghĩ, xem xét trước để khi gặp phải có thể ứng xử đúng đắn.

Nếu chỉ giao phó cho bản tính tự nhiên mà không cố gắng tập luyện gì cả trong cuộc sống ngày thì tứ đoan chỉ phát sinh ở những trường hợp sự kiện bên ngoài có tác dụng rất mãnh liệt như “cắn rứt lương tâm” làm cho các cặn bã che lấp nguồn phát sinh tính thiện bay mất đi để cho tứ đoan phát sinh trở lại.

Tài liệu tham khảo

(1) Yoshikawa Kôjirô & Shimizu Shigeru (1971): Nhật Bản tư tưởng đại hệ 33- Itô Jinsai và Itô Tôgai (tiếng Nhật), nhà xuất bản Iwanamishoten.

(2) Tanaka Netarô (2021): Mạnh Tử (sách điện tử, tiếng Nhật), nhà xuất bản Seibundo Shinkosha.

Nguyễn Sơn Hùng

Mời Xem :

 

TẠI SAO DƯƠNG MINH HỌC ẢNH HƯỞNG MẠNH ĐẾN CÁC CHÍ SĨ NHẬT BẢN THỜI MINH TRỊ DUY TÂN? Bài 2  


 

ÔNG BA BỊ LÀ AI?

 Theo mô tả dân gian, ông Ba Bị là một người đàn ông cao to nhưng đen đúa, xấu xí, mang theo mình 3 chiếc bị lớn, thường bắt cóc trẻ em hư bỏ vào bị đem đi không cho ở với bố mẹ nữa. Chuyện kể rằng, do mất mùa nên nhiều kẻ đã đi bắt cóc trẻ con đem bán lấy tiền, chúng thường đi thành tốp 6 người, cứ 2 người thì vác 1 cái túi cói rất to nên có tên là "Ba Bị".

(Ảnh: Di Kon)

Mặt khác mỗi cái bị lại có 3 quai, nên cả tốp 6 người gọi là "9 quai, 12 con mắt". Chúng thường đi lượn lờ tại các làng ven biển, rình rập để bắt lấy những đứa trẻ lang thang chơi một mình, sau đó chạy nhanh lên thuyền rồi cao chạy xa bay.

Thực tế, ông Ba Bị là một người có thật, đó chính là ông Phạm Đăng Hưng, người từng làm quan đến chức Lễ Bộ Thượng Thư dưới triều vua Gia Long. Ông có người con gái lấy vua Thiệu Trị tên là Từ Dũ và người cháu ngoại là Hồng Nhậm (sau lên ngôi lấy niên hiệu là Tự Đức). Bà Từ Dũ được nhiều người biết đến là vị hoàng thái hậu đức hạnh, yêu thương dân chúng, người phụ nữ quyền lực duy nhất sống qua 10 đời vua.

Sách Hương Giang cố sự của tác giả Nguyễn Đắc Xuân ghi: “...Ông Ba Bị chính là cụ Phạm Đăng Hưng, người Gò Công (Nam bộ), có thân hình cao lớn với bộ râu rậm và cứng như râu Trương Phi. Ông làm quan trải qua các triều Gia Long và Minh Mạng, nổi tiếng là quang minh chính trực.”
Vua Tự Đức là cháu ngoại của ông Phạm Đăng Hưng.

Ông Phạm Đăng Hưng nổi tiếng thương dân nghèo, thời Gia Long bấy giờ thiên tai, hạn hán ập đến. Ông đang giữ chức Điền Tuần Quan, đi đâu ông cũng mang theo ba bị hạt ngũ cốc để phát cho dân nghèo và hướng dẫn họ cách trồng, nhà nào quá nghèo ông mang gạo tới giúp.

Những nơi nào có quan tham ô lại, gian thương bóc lột dân chúng, ông thẳng tay trừng trị. Vì thế những người dân lương thiện có cảm tình với ông Phạm Đăng Hưng. Những người xấu mới thấy bóng vị quan này thoáng qua đều run sợ. Có lẽ cũng vì vậy mà hình tượng “ông ba bị” bắt đầu từ đây. 

Nhưng tại sao người ta lại dùng hình ảnh một vị quan thanh liêm để doạ con nít? Điều này có lẽ là theo thời gian, gốc gác ông Ba Bị phai mờ dần, và người ta đã căn cứ vào chữ “bị” để cho rằng ông là một người ăn mày. Về điều này, học giả An Chi có phân tích thêm: “Ăn xin là một cái “nghề” hoàn toàn tiêu cực, chẳng giúp ích được gì cho sự phát triển của xã hội, ngoại trừ việc hù doạ con nít”. Từ đây, ông Ba Bị thanh liêm ngày nào trở thành ông Ba Bị làm nghề ăn xin chuyên dọa nạt trẻ con.

Vậy còn hình dáng quái dị của ông Ba Bị là từ đâu ra? Điều này có lẽ xuất phát từ câu “Ba bị, chín quai, mười hai con mắt”. Đây vốn là một câu đồng dao dùng để đếm đồ vật. Quai ở đây là quai bị, còn mắt là mắt bị. Từ điển do Hoàng Phê chủ biên có cho một nghĩa của từ “mắt” là “lỗ hở, khe hở đều đặn ở các đồ đan – mắt lưới, rổ đan thưa mắt”, cũng chính là “mắt” trong trường hợp này. 

(Ảnh: Truyện xưa tích cũ)

Ở đây ta có ba cái bị, mỗi bị gồm ba quai và bốn con mắt, nên mới có cách đếm: “Ba bị, chín quai, mười hai con mắt”. Tiếc rằng nhiều người hiểu nhầm “ba bị” là ông Ba Bị, “quai” là “quai hàm” và “mắt” là “con mắt người”. Với số lượng “chín quai”, “mười hai mắt”, người ta hình dung ông Ba Bị là một giống quái dị, gớm ghiếc, dù thực sự ông chẳng liên quan gì đến câu đồng dao này cả.
Như vậy do hiện tượng tam sao thất bản mà ông Ba Bị từ một vị quan thanh liêm đã trở thành nhân vật có hình thù quái dị, chuyên dọa trẻ con.

CERSEI(Tổng hợp) / Theo: VTC News
Copy từ https://eu10.proxysite.com/process.php?d=gDLOunmDllPpasGEmOlclR2oo%2Boox0O8LR%2Fe0%2BYwqLiMAAqMDRZOuZUvX28pNZPGFJq1PXCFF%2Fxy&b=1

Xem Thêm :