Những cảnh báo về sự cô đơn
Ở Nhật Bản - chết trong cô đơn:
Trong một xã hội đang lão hóa nhanh chóng như tại Nhật Bản, người cao
tuổi vừa là trung tâm chú ý, vừa gây nên những vấn đề khác nhau. Chuyện
người già sống một mình và chết trong cô đơn, không ai hay biết đã xảy
ra rất nhiều ở Nhật Bản. Theo số liệu được Cục Phúc lợi và Sức khỏe Cộng
đồng của thành phố ghi nhận: riêng ở thủ đô Tokyo có hơn 2.200 người
trên 65 tuổi chết trong cô đơn. Còn ông Takako Sodei, một chuyên gia lão
khoa tại Đại học Ochanomizu ở Tokyo, nhận xét: “Các gia đình ba thế hệ
sống chung một mái nhà gần như chỉ còn trong... cổ tích”. Một trong
những nguyên nhân khiến mối quan hệ gia đình ở Nhật không còn gắn bó
được cho là do tác động của xã hội công nghiệp với nhịp sống gấp gáp.
Ảnh minh họa
|
Ở Singapore - cô đơn nên làm việc:
Ít ai nghĩ một xã hội phát triển như Singapore lại có hơn 80% người già
trên 60 tuổi vẫn đi làm. Họ được chính phủ khuyến khích tham gia những
công việc như bán hàng trong siêu thị, lái taxi, dọn vệ sinh toilet, phụ
vụ nhà hàng... Những người già này đi làm không phải vì tiền. Họ chỉ
dùng sức lao động của mình để mua lấy cảm giác được sống hòa nhập cùng
xã hội đang phát triển với tốc độ chóng mặt ở đây. Ông Chan Hunk Leon 65
tuổi làm công việc dọn vệ sinh tại trung tâm mua sắm Paragon trên đại
lộ Ochard cho biết: “Con cháu thì luôn vắng nhà 24/24, nếu không đi làm,
mỗi ngày người già chúng tôi chỉ có thể làm bạn với chiếc tivi”.
Ở Anh - cô đơn do gia đình cô lập: Tổ
chức Help the Aged cho biết cứ bốn công dân ở Anh thì chỉ có một người
tới thăm ông bà họ một lần mỗi năm. Điều này chứng tỏ một số lớn các ông
bà già đang bị cô lập khỏi gia đình mình. Cuộc khảo sát tìm thấy 23%
người đến thăm ông bà mình ít nhất một lần mỗi tuần. Nhưng 24% số người ở
tuổi 16 trở lên cho biết họ chỉ gặp ông bà đúng một lần mỗi năm, và
trong một số trường hợp còn ít hơn. Có hai lý do chính cho xu hướng cô
đơn của người già ở Anh: Một là trình độ dân trí cao và tính lưu động đã
khiến nhiều gia đình sống phân tán trên khắp quốc gia, và trên cả lục
địa. Yếu tố thứ hai là tỷ lệ ly hôn cao, dẫn đến việc nhiều ông bà bị
tách khỏi cuộc sống của các cháu.
Ở Mỹ - cô đơn làm cho người yếu đi: Những
người cao tuổi không có gia đình, người thân hay bạn bè hoặc những
người luôn cảm thấy cô đơn sẽ dần đi đến tình trạng thể chất và tinh
thần ngày càng yếu đi. Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu trên 3.000 người
Mỹ tuổi từ 57-85, những người này có ít các mối quan hệ xã hội và thường
cho biết họ hay gặp các vấn đề về sức khỏe. Ngoài ra, những người hay
sống cô lập, kể cả khi họ có nhiều con cái hay bạn bè thì thể chất và
tinh thần của họ cũng không được tốt. Nghiên cứu này còn chỉ ra sự liên
quan giữa các hoạt động xã hội với tình trạng sức khỏe của người già.
Việt Nam - cô đơn với bệnh trầm cảm: Việt
Nam có trên 8,2 triệu người cao tuổi, chiếm 9,5% dân số. Theo một điều
tra của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (HSPI), Bộ Y tế thì khoảng
20% người cao tuổi có nguy cơ bị trầm cảm. Các yếu tố như góa bụa, độc
thân, điều kiện kinh tế có tác động lớn đến đời sống tinh thần của người
già. Đặc biệt, ở thành thị xu hướng người già bị cô lập, ít được gia
đình, hàng xóm quan tâm, họ sống cô đơn trong căn nhà của mình khi về
già và không có sự giao tiếp, quan tâm của người thân và xung quanh rất
dễ dẫn đến bệnh trầm cảm và các loại bệnh tật… ngày càng gia tăng.
Ảnh minh họa
|
Thoát khỏi cô đơn tuổi già
Sức khỏe tinh thần đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống cô đơn của người già:
Giáo
sư Erin York Cornwell của ĐH Cornell ở New York (Mỹ) cho biết: Những
người cao tuổi sống cô đơn hết ngày này qua ngày khác và cảm thấy không
cần có quá nhiều mối quan hệ xã hội. Chính điều đó làm cho sức khỏe và
tinh thần của họ không được tốt. Cảm giác cô đơn và sự cô lập có thể làm
cho người cao tuổi bị stress nhiều hơn, gây ra trầm cảm và ảnh hưởng
trực tiếp đến sức khỏe. Vì vậy, lời khuyên là chúng ta nên có một thái
độ cởi mở, quan tâm đến những người cao tuổi, khuyến khích họ tham gia
các hoạt động xã hội, tập thể dục thể thao để tránh rơi vào trạng thái
cô đơn.
Còn theo quan điểm của bác sĩ Nguyễn Võ Kỳ
Anh (ĐH Y Hà Nội) người già thường cảm thấy mặc cảm là người vô dụng,
bị gia đình và xã hội xa lánh nên họ dễ co cụm lại nên rất khó tránh
khỏi cảm giác cô độc, cô đơn, trầm cảm, bệnh tật… Vì vậy, đối với họ thì
việc chăm sóc sức khỏe tinh thần trong giai đoạn này là vô cùng cần
thiết. Sức khỏe tinh thần được biểu hiện ở sự sảng khoái, ở cảm giác vui
tươi, thanh thản; ở những ý nghĩ lạc quan, yêu đời; ở những quan niệm
sống tích cực, dũng cảm, chủ động…
TS. Huỳnh Văn
Sơn - Trưởng bộ môn Tâm lý Trường Đại học Sư Phạm Tp.HCM cho biết: Để
thoát khỏi sự cô đơn khi về già thì yếu tố tinh thần là không thể bỏ
qua. Khi người ta càng có tuổi, năm tháng còn lại phía trước rất ngắn
ngủi, cộng với đủ thứ áp lực của gia đình và xã hội đã làm nhiều người
già sống trong im lặng, trầm uất…
Để thoát khỏi
cuộc sống nặng nề này và trở về với đời sống tích cực người ta cần có
một ý chí và sức khỏe tinh thần lành mạnh. Để có sức khỏe tinh thần tốt
thì cần cân bằng cuộc sống và quản lý cuộc sống theo những nguyên tắc
nhất định: làm chủ mục tiêu cuộc sống, thương yêu bản thân, chú trọng
thỏa mãn đầy đủ và đa dạng những nhu cầu của bản thân mình, quản lý cảm
xúc của bản thân, thiết lập quan hệ phù hợp, không quá sa đà vào bất kỳ
một hình thức hoặc một mục tiêu nào đó...
Bên cạnh
đó, cần được chăm sóc tinh thần một cách liên tục và thường xuyên cũng
như nhờ sự hỗ trợ của những chuyên gia có kinh nghiệm. Đó có thể là một
cuộc điện thoại giải tỏa năng lượng hay xúc cảm, là cuộc tham vấn nghề
nghiệp, là một chuyến du lịch độc đáo, là một khóa học ngắn hạn... tất
cả đều là sự lựa chọn đặc biệt của mỗi cá nhân...
Cửu Long
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét