31 thg 3, 2017

Sự thành tín trong xã hội Mỹ



Dưới đây là bài viết kể về những trải nghiệm của một người Trung Quốc khi chuyển đến Mỹ sinh sống và làm việc, được đăng tải trên trang Vision Times. 

Ở nước Mỹ hầu hết mọi người đều tin tưởng lẫn nhau, khiến cho “sự tin tưởng” dường như trở thành một “quy tắc ngầm” quan trọng ở đất nước này. 

Giáo viên xin nghỉ việc để giữ “thành tín”

Thời gian trước, trên tờ “New York Times” có đăng một bài báo, đưa tin: 118 em học sinh trường trung học Piper, thuộc vùng ngoại ô Kansas, Mỹ được yêu cầu hoàn thành bài tập sinh vật của mình nhưng trong đó có 28 em học sinh đã sao chép bài có sẵn trên internet. Sự việc này bị cô giáo Christine Pelton phát hiện ra, cô đã phán định rằng, 28 em học sinh này “ăn cắp bản quyền” và cho điểm “0”, đồng thời 28 em này còn phải đối mặt với nguy cơ bị lưu ban. Cha mẹ của các em này sau khi biết sự việc đã vô cùng phẫn nộ và phản đối quyết định của cô Pelton. Dưới tình huống ấy, hiệu trưởng trường đã yêu cầu cô Pelton nâng điểm số của 28 em học sinh lên, nhưng cô Pelton – 27 tuổi đã cương quyết từ chối và xin nghỉ việc.
Đối mặt với áp lực của dư luận xã hội, hội đồng nhà trường đã tổ chức một cuộc họp công khai, nghe ý kiến từ nhiều nơi để đưa ra quyết định. Kết quả là tuyệt đại đa số người tham gia đã ủng hộ ý kiến của cô Pelton. Thậm chí gần một nửa số giáo viên của trường bày tỏ ý kiến rằng, nếu hiệu trưởng vì để thỏa mãn yêu cầu của những phụ huynh này mà sửa chữa thành tích thì họ cũng sẽ nghỉ việc. Họ cho rằng, giáo dục học sinh trở thành một công dân thành thật là việc quan trọng hơn rất nhiều so với việc vượt qua được môn sinh vật. Cô Pelton cho biết, ngay ngày đầu tiên tiếp nhận lớp, cô đã cùng học sinh thảo luận một bản quy định trong đó có sự ký tên đồng ý của các cha mẹ. Trong bản quy định có ghi chép: “Tất cả các bài tập đều phải hoàn toàn do học sinh độc lập hoàn thành, ‘lừa gạt’ hoặc ‘lấy cắp bản quyền’ sẽ làm cho chương trình học bị thất bại.” Cuối cùng, sau khi trải qua những buổi thảo luận, tranh cãi kịch liệt, nhóm cha mẹ những học sinh “không thành thật” này đã phải nhượng bộ, đồng ý với quyết định xử phạt lưu ban.
Sau sự việc ấy, mỗi ngày cô giáo Pelton đều nhận được rất nhiều cuộc gọi ủng hộ và những lời mời tuyển dụng từ nhiều cá nhân và tổ chức khác nhau. Thậm chí, một số công ty còn muốn có ảnh chân dung của những học sinh không thành thật này để bảo đảm rằng sẽ vĩnh viễn không tuyển dụng họ. Một người phụ nữ đã bày tỏ nỗi lo lắng của bản thân với phóng viên đài truyền hình rằng: “Tôi vô cùng lo lắng rằng, những người sinh sống ở khu vực, sau này đi ra ngoài sẽ bị gán nhãn ‘không thành thật’.” Một vị thương nhân, trong bài diễn thuyết của mình cũng nói: “Một người có thể mất đi tài phú, mất đi nghề nghiệp, mất đi cơ hội, nhưng ngàn vạn lần không thể mất đi danh dự. Một người không giữ chữ tín thì sẽ rất khó khăn để bước đi trong xã hội này.”
Có thể có người sẽ cảm thấy người Mỹ thật là “cường điệu hóa”, thật là “việc bé xé ra to”, nhưng nếu một người mất đi thành tín, người ấy sẽ biến thành một kẻ lừa gạt. Một công ty, xí nghiệp mất đi thành tín sẽ sản xuất ra những sản phẩm giả, kém chất lượng. Một xã hội mất đi thành tín, thì nơi nơi sẽ đều có tiểu nhân gian trá lừa gạt người.
Người Mỹ coi trọng chữ tín bởi vì họ hiểu được rằng giữ chữ tín là nền tảng để một xã hội sống an bình, để người thủ tín có chỗ đứng trong xã hội.
Ảnh minh họa. Nguồn: Youtopiaproject.com

Chỉ cần lời nói, không cần giấy tờ xác nhận

Tôi từng đưa cha mẹ tôi đến tham quan một thắng cảnh ở Manhattan. Sau khi mua vé vào rồi, tôi mới chợt nghĩ ra rằng người già có thể được ưu đãi nên vội vàng quay lại hỏi nhân viên. Người bán vé là một cô gái trẻ tuổi, nghe thấy tôi hỏi, một mặt nói lời xin lỗi, một mặt lấy khoản tiền ữu đãi đưa cho tôi. Điều khiến tôi ngạc nhiên là, cô ấy cũng không cần xem xét giấy tờ chứng nhận, thậm chí không đi nhìn xem cha mẹ tôi có đúng là đã thực sự phải người già hay chưa (người hơn 62 tuổi mới được ưu đãi giảm giá). Điều này khiến tôi thầm hiểu rằng: “Đây đúng là làm theo nguyên tắc “tin người”.
Về sau, tôi lại phát hiện ra rằng, gần như ở tất cả các nơi công cộng, phàm là có ưu đãi giảm giá cho người già và trẻ nhỏ thì đều không cần xem giấy tờ chứng nhận. Họ chỉ cần lời nói là sẽ tin mà không sợ “người già nhưng nhìn rất trẻ” và “trẻ con nhưng nhìn rất cao lớn”.
Kỳ thực, khi đã tiếp xúc với nhiều trường hợp như vậy, tôi phát hiện ra rằng: Người ta đã tin mình như vậy mà mình lại đi nói dối hoặc giả mạo với người ta thì quả là chuyện đáng xấu hổ. Một lần khác tôi đưa con gái đến tham quan nhà bảo tàng. Ngay chỗ bán vé người ta ghi rằng: “Trẻ em từ 6 tuổi trở xuống được miễn phí!” Con gái tôi năm nay vừa tròn 7 tuổi.  Người bán vé mỉm cười hỏi: “Con gái chị mấy tuổi?”
Tôi hơi do dự một chút, nhưng vẫn trả lời thật: “Cháu 7 tuổi!” và mua một vé vào như quy định. Về sau, mỗi khi nghĩ lại phút do dự đó của mình, tôi lại cảm thấy xấu hổ vô cùng.
Có một lần, tôi đi photo một quyển sách, cuốn sách dày hơn 200 trang. Nhưng khi tôi ra thanh toán tiền, người chủ cũng không kiểm tra số trang, mà tin luôn lời tôi nói với vẻ mặt không một chút hoài nghi. Tôi thầm nghĩ: “Chẳng phải là dễ mắc lừa quá sao?”

Đã hẹn trước thì tuyệt đối không thất tín

Ở Mỹ, việc tuân thủ nghiêm ngặt chữ tín trong việc hẹn ngày phỏng vấn cũng khiến tôi vô cùng cảm động. Thời gian đầu khi mới chuyển đến Mỹ sinh sống, tôi thường phải đi phỏng vấn xin việc. Những buổi phỏng vấn ở đây, thông thường họ đều hẹn trước tôi khoảng một tháng và thời gian hẹn là chính xác đến số phút.
Bạn thử nghĩ xem, trong thời gian một tháng, sẽ có biết bao việc phát sinh? Theo kinh nghiệm làm báo của bản thân, tôi luôn thấy khối lượng công việc của người Tổng biên tập là rất lớn, còn phải đối mặt với rất nhiều việc không như ý, bất cứ lúc nào cũng phải đưa ra phán đoán và quyết sách để thực thi. Quả thực là, nếu so ra thì những cuộc hẹn của tôi chỉ là một việc rất thứ yếu. Tôi luôn tự hỏi: “Liệu trong một tháng có xảy ra biến cố gì để thay đổi cuộc hẹn phỏng vấn không?”
Nhưng, thực tế đã chứng minh rằng, lo lắng của tôi là dư thừa. Các cuộc phỏng vấn, một khi đã có hẹn trước thì tuyệt đối không thay đổi. Có những lần tôi lo lắng, trước buổi phỏng vấn thường gọi điện đến tòa soạn hỏi họ có thay đổi lịch gì không. Nhưng họ luôn giật mình hỏi lại: “Sao? Bạn có dự định thay đổi thời gian phỏng vấn sao?”

Ở môi trường bưu chính, đâu đâu cũng gặp “chữ tín”

Nhiều năm qua ở Trung Quốc, bởi vì bưu cục yêu cầu nghiêm ngặt về gửi bưu phẩm, thư, thậm chí nhiều khi gửi còn bị mất, nên việc giao dịch qua con đường bưu điện của tôi ngày càng thưa thớt. Nhưng không ngờ khi đến Mỹ sinh sống, do đặc thù công việc, mỗi ngày tôi đều phải tiếp xúc với bưu chính, hầu như mỗi ngày đều nhận được bưu phẩm. Tôi nhận thấy, có rất nhiều thứ quan trọng, nhưng người Mỹ cũng chỉ dùng loại dịch vụ thư tín thông thường.
Ở Mỹ người ta vẫn dùng đủ loại phong bì to nhỏ khác nhau. Thậm chí một số người vì để gửi những thứ đồ đặc thù còn có thể tự chế ra phong bì và cũng được chấp nhận. Nếu như trong phong bì, bạn để những thứ căng phồng như cuộn phim, đĩa hát…cũng có thể gửi được.
Tất cả những giấy tờ như thẻ bảo hiểm, chi phiếu ngân hàng, thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng, thẻ thư viện, hóa đơn…tôi đều gửi qua đường bưu điện. Các hộp thư gia đình ở đây, thường được đặt ở ngoài cổng, hơn nữa còn không khóa. Các bưu phẩm, thư được đặt vào trong, chờ đợi người đưa thư tới lấy. Nhưng vô luận là bưu kiện quan trọng cỡ nào cũng không bị mất đi. Hồi đầu, tôi đặt cuộn phim vào trong hòm thư còn có chút lo lắng (bởi vì cuộn phim rất quan trọng, nếu mất đi thì thiệt hại là khó cứu vãn được), nhưng sau này thì rất tin tưởng và không còn chút lo lắng nào nữa. Thậm chí, trong một năm tôi gửi đi hơn 50 chi phiếu nhưng tất cả đều an toàn.

Công ty tuyển dụng người thành thật

Trên thực tế, hiện tượng mất Sự thành tín cao độ trong xã hội Nhật Bảnở các siêu thị nước Mỹ cũng là có. Nhưng khi thảo luận vấn đề này với những người bạn Mỹ, họ đều nhún vai, nói: “Đây là không có cách nào!” Nhưng họ cũng nói: “Cái giá mà người ăn trộm phải trả là rất đắt, cho dù là ăn trộm một thứ nhỏ, một khi bị phát hiện thì sẽ bị ghi lại và đi theo người ấy suốt đời.”
Tôi tin lời họ nói. Trong một lần tham gia hoạt động tuyển dụng nhân tài của một công ty, tôi phát hiện, trong đó có không ít chức vụ đều có quy định: Trong vòng 15 năm gần đây không bị ghi nhận là có hành vi trộm cắp, lừa đảo và những hành vi phạm tội khác.
Bạn thử nghĩ xem, trong 15 năm, một người có tà tâm có thể thủ giữ được sao? Bởi vậy, người Mỹ đều coi việc giáo dục một đứa trẻ trở thành một người thành thật, giữ chữ tín là trách nhiệm quan trọng.
Những ví dụ tôi đã kể phía trên, không có nghĩa rằng tôi muốn nói nước Mỹ là một đất nước không biết đến “lừa gạt” và “dối trá”. Nước Mỹ cũng có những phần tử lừa đảo và phạm pháp đủ loại, nhưng nói chung, nước Mỹ là một đất nước rất coi trọng danh dự, mọi người hầu hết tin tưởng lẫn nhau, điều này đáng giá để học tập.
Tri Thức Việt Nam.
An Hòa biên dịch

Xem thêm:Sự Thành Tín Cao Độ Trong Văn Hóa Nhật Bản



TRÒN GIẤC CHIÊM BAO - Thơ Sông Trăng


Em hãy ngủ nhẹ nhàng ru giấc ngủ Môi dịu dàng quyến rũ ước mơ ngoan Gió xôn xao hương dạ lý nồng nàn Mi ẩn dấu trời xanh trong đáy mắt
Em hãy ngủ mặc chiều vàng héo hắt Trời hoang vu cây cỏ rạp gió đùa Dệt mộng đời dù ngày nắng ngày mưa Lời ru khẽ đêm chiêm bao tròn giấc
Em hãy ngủ dù nhớ thương chất ngất Người xa xăm sao nỗi nhớ thật gần Giọt lệ mừng chưa kịp dấu bâng khuâng Đã vội vã tháng năm dài ngăn cách
Em hãy ngủ đêm với ngày tách bạch Biển bình yên dù sóng mãi thét gào Tình bên tình ru tròn giấc chiêm bao Vòng tay ấm xóa niềm đau hờn dỗi
Ngủ đi em cõi địa đàng rong ruổi Giấc mơ chung còn ta với đất trời Nụ hồng tươi, ánh mắt nói thay lời Tình miên viễn dành riêng nàng, Công chúa
Sông Trăng 03-17

30 thg 3, 2017

BỬA CƠM TRƯA - Chuyện Ngắn của Nguyễn Thị Vinh



Nguyễn Thị Vinh


(trong tự lực văn đoàn)

Sinh ngày 15.7.1924 tại làng Vân Hoàng tỉnh Hà Ðông;
chủ bút tạp chí Tân Phong (Sàigòn).
Chủ nhiệm báo Ðông Phương (sàigòn).
Ðịnh cư tại Na Uy từ năm 1984

Tác phẩm đã xuất bản:

· Hai Chị Em (truyện dài, Phượng Giang, Saigon 1953)
· Thương Yêu (truyện dài, Phượng Giang, Saigon 1955)
· Xóm Nghèo (truyện dài, Phượng Giang, Saigon 1958)
· Men Chiều (truyện dài, Phượng Giang, Saigon 1960)
· Thơ Nguyễn Thị Vinh (1972)
Cô Mai (1972)
· Vết Chàm (1973)
· Na Uy Và Tôi (1994)


Cánh cửa hé mở lộ ra khung trời bên ngoài . Vào mùa này mặt trời lên muộn . Đã gần sáu giờ sáng rồi mà mây vẫn xẫm không khí mới mờ mờ, trắng đục mầu sữa loãng . Hơi sương quện theo trong gió lùa qua cửa sổ, pha vào ngươi bà Mùi , làm ớn lạnh hai bả vai , chạy dài suốt sống lưng .

Bà rùng mình , kéo vội chiếc chăn lên đắp kín người . Suốt cả đêm , bà trằn trọc , ngủ không đầy giấc. Có mệt lắm chỉ chớp đi được một lát , rồi lại thức chong mắt ra . Tới bây giờ trời đã bắt đầu vào ngày thì suốt người bải hoải , đau nhức từng khớp xương, cứ như kẻ bị đánh đòn thù ấỵ

Bà thầm nghĩ "Thì ra tinh thần và thể chất liên hệ mật thiết thật" . Câu chuyện xẩy ra từ bữa cơm trưa hôm qua , nó còn "hành" bà tới giờ . Bà nghĩ đến con gái lớn của bà , cô Bích đang còn ngủ với chồng con ở căn gác ngoài .

" Không biết đêm qua nó có ngủ được không , có còn " đau đớn " vì thấy mẹ bị chồng "khinh miệt " không ? " Lúc xẩy ra câu chuyện vào bữa cơm trưa , ăn xong , bà buông đũa lên ngay đây nằm khóc thầm . Hình như con gái bà nói gì với chồng nó ở phòng ngoài . Cô Bích cố sức nói nhỏ giọng như sợ bà nghe .

Nhưng thằng chồng nó chốc chốc lại lớn tiếng " tôi xử đến vậy thôi chứ , bộ muốn tôi phải lậy nữa hả … " Yên lặng một lát , nhưng bà biết trong phút giây yên lặng đó cô Bích vẫn cằn nhằn chồng vì tiếng thằng Sâm con rể bà lại cất lên " Bảo bà ấy ở đây một mình đi , nếu có phải " cung phụng " thì tôi cũng chỉ " cung phụng " bà ấy thôi , chứ bắt tôi phải nuôi " lũ kia " thì không khi nào ".

Nghĩ tới đây bà lại ứa nước mắt . Lũ kia là con người chồng sau của bà . Thằng Ái và con Ly . Chúng là em khác cha với cô Bích . Hồi Bích mới ba tuổi đã mồ côi bố , bà tái giá và sinh thêm hai đứa này đây . Chúng nó đang nằm kia , trên mảnh chiếu trải lên sàn gỗ của căn gác nhỏ , cất thêm trên mé nhà bếp . Từ một năm nay , cha chúng nó mất , bà buôn bán thua lỗ , nên phải về ở với con gái lớn và con rể .

Mấy tháng đầu còn " dễ thở " ! Lần lần mỗi ngày một chuyện, nay thì không khí trong nhà đặc quánh lại rồi ! Mỗi ngày một chút , những chuyện gì ở đâu , cứ bất ngờ xẩy ra thật ngột ngạt hết sức . Bà đã cố gắng nhẫn nhục , trong khi con rể bà cố tình gây . Thằng Ái và con Ly luôn luôn là " đề tài " của mọi chuyện . Bà có mình Ái là con trai nên rất thương yêu . Thấy Ái và Ly bị hất hủi bà lại càng xót đem hết tình thương để bảo bọc cho hai đứa . Ái mới có mười lăm tuổi , nhưng người cao tồng ngồng . Chân tay dài quá khổ . Đã nhiều lần bà xót xa khi bắt chợt Sâm " lườm lườm " nhìn Ái , lẩm bẩm nói : " Bất thành nhân dạng , thứ này chỉ sớm thành du đãng chứ gì " . Bà không hiểu sao rể bà lại ghét thằng Ái đến thế . Hình như cái vóc người cao " lêu nghêu " của nó mỗi khi ra vào làm vướng ca gian nhà này . Chắc Ái cũng cảm thấy thế , nên nó ít dám xuống nhà , cả ngày cứ ngồi thu mình trên căn gác "xê'p " , hoặc lỉnh ra phố , có hôm nó vê` vào lúc cả nhà đang ăn cơm , bà đã thoáng thấy nó , nhưng nó không dám vào ngay . Đôi lúc ăn xong , anh chị nó đi ngủ trưa ,mới len lẻn về , xúc chén cơm chan nước mắm lên gác ngồi ăn . Bà trông mà ứa nước mắt nhưng chả biết làm sao !

Bà cũng biết cô Bích vì bênh vực bà mà hàng ngày vẫn ngấm ngầm gây gổ với chồng . Từ ngày bà về đây , gia đình này cũng mất cả nếp sống bình thường , mọi th*' , mọi chuyện , đều thay đổi . Trước kia cô Bích vẫn mua gạo " nàng hương " cho chồng con ăn . Giờ phải đổi ăn thứ gạo Mỹ hạt tròn cho đỡ tốn . Cả thức ăn nữa chứ , mọi thư mọi giảm . Phần tại lúc này quá đắt đỏ , phần nhà đông miệng ăn , cô Bích cố sức tằn tiện . Tô canh nho nhỏ ngọt chất thịt , trước kia cô vẫn nấu cho chồng con ăn , nay thành tô canh rau lớn , những đĩa sào thơm ngút , không còn được "trình diễn " thường xuyên trên bàn ăn nữa , mà chỉ còn là đĩa đồ khô cho mặn miệng . Cốt sao cả nhà ăn cho no bụng , qua bữa là được . Bà Mùi cũng không mong gì hơn thế . Nhưng khổ nỗi không khí trong nhà các bữa ăn cứ nặng chịch . Như vừa mới trưa hôm qua , cả nhà đã ngồi quanh bàn ăn , cơm đã sơi ra bát rồi , mà rể bà cứ cố tình đi ra đi vào , rót chén nước ,rửa cái tay . Cô Bích có vẻ tức cất tiếng giục thì chồng cô nói " Ai muốn ăn trước thì ăn đi , việc gì phải đợi " . Thế nhưng lúc con Ly mới cầm đữa gắp miếng dậu rán , bà Mùi chưa kịp đưa mắt cản thì nó đã bỏ vào mồm . Vừa đúng lúc Sâm ra tới , Sâm nói trống không : " Cứ như đồ mất dạy " . Con Ly biết Sâm nói nó , đã mười hai tuổi rồi nên cũng biết tủi thân , nó cúi gầm mă.t xuống chén cơm , mắt rưng rưng , miệng nó ngậm miếng đậu , nhai chệu chạo . Bà Mùi thắt cả ruột lại , ngây dại như kẻ mất hồn . Cô Bích cất tiếng cố gắng làm ra vẻ bình thường để xóa không khí căng thẳng .

- "Cụ " ăn cơm đi chứ , hôm nay chị Ba "trổ tài" nấu món cà bung , cụ thử coi có ngon không ?

Bà Mùi gượng cười :

- Ừ … thì … cứ ăn đi , hôm nay ta chóng mặt quá , nó làm như muốn cảm .

Chị Ba " người làm " biết bà Mùi buồn , cầm bát cơm dặt hẳn vào tay bà Mùi :

- Bà ăn đi mà , con mới học bà Kim nấu cà bung lối Bắc đấy .

Cô Bích lại tiếp giọng có vẻ van lơn :

- Mẹ ăn đi , hay nếu mẹ mệt để con bảo nấu cháo mẹ húp cho khỏe .

Bà Mùi bắt chợt ánh mắt của cô Bích nhìn bà , nửa thương xót ,nửa an ủi , làm bà suýt bật khóc . bà cầm vội bát cơm cười cười :

- Nào thì ăn , nấu cháo .. làm gì …

Giọng bà nghẹn lại , bà cầm đũa đưa mấy hạt cơm lên miệng cố nuốt cho trôi tủi cực .

Trong khi đó Sâm ngồi ăn như không cần biết có sự hiện diện của mẹ vợ , không cất được một tiếng mời , thản nhiên nói với bé Ánh :

- Con chan canh không ? Đưa bố chan ăn cho mau nào .

Không khí trong bữa cơm dù nặng nề đến đâu rồi cũng phải qua . Sau đấy bà lên nằm vùi trên này , lấy cớ là "ốm" bỏ bữa cơm chiều không xuống . Thằng Ái và con Ly cũng ở luôn với bà . Chiều tối cô Bích đem lên cho mẹ và các em mấy miếng bánh mì chả . Cô bùi ngùi bảo mẹ :

- Hay … mẹ tìm chỗ cho các em … ở đỡ đâu ít ngày . Để con "tính " với Sâm … cho ngã ngũ ra . Con thật hết chịu được rồi … Muốn ra sao thì ra chứ .

Bà cố khuyên con gái :

- Thôi con , một đời người rồi cũng qua đi mau lắm . Con cố gắng chịu đựng cho con con nó hưởng . Con đừng trách chồng con , cũng tại mẹ tới đây làm sáo trộn …

Cô Bích chậm nước mắt :

- Gì thì chứ , con có một mẹ mà anh ấy xử như vậy , đâu con có chịu . Mẹ còn nhớ hôm tuần trước cái vụ con chó con đấy không ? Mỗi ngày mỗi gây , mình có muốn nhịn cũng không được mà …

Bà Mùi ậm ừ … bà quên sao được cái chuyện ấy chứ . Hình như Sâm cố tình gây không cho mẹ con bà ở thêm ngày nào nữa .

Một hôm Sâm đi xin đâu được con chó con mới sinh . Suốt đêm suốt ngày con chó kêu ăng ẳng " làm xấu " vung vít đầy nhà . Mẹ con cô Bích cố nhịn , được hai ngày , hết chịu nổi cô Bích bảo chồng :

- Anh đem con chó về nuôi làm gì , nhà đã chật , lại có mình chị Ba dọn dẹp sao cho hết việc …

Sâm quắc mắt ,ngắt lời vợ :

- A … à , nhà chật hả , nuôi một con chó không có chổ hả …

Sâm tiếp cười khan :

- Thế mà tôi tưởng nuôi đến ba bốn con cũng còn được cơ đấy …

Biết chồng ám chỉ mẹ và em mình , cô Bích nổi giận . Bất chợt , cầm tách nước đang uống dở ném vào Sâm , không kể phải trái , cô hét lên :

- Đồ khốn , ăn nói đểu cáng thế mà nghe được à ! Tôi nói cho mà biết dù tôi có nuôi mẹ tôi đi nữa , cũng không ai có quyền nói tôi . Đã " ai " nuôi tôi ngày nào đâu . Hay lại chính tôi phải làm nuôi " báo cô " bao nhiêu năm rồi . Giờ có phải anh "ghen " ăn với mẹ tôi không , thì anh nói trắng ra đi !

Bốp … Bốp … Hai cái tát như trời giáng vào mặt . Cô Bích sợ mẹ chạy xuống trông thấy lại khổ cho mẹ . Cô cắn răng nhịn , một vệt máu rỉ ra bên khóe môi cô .

Sâm buông vợ vào túm lấy con chó thẳng tay đập , con chó trược còn kêu ăng ẳng , sau lịm dần . Con Ánh còn nhỏ quá , mới sáu tuổi đầu , phải chứng kiến chuyện này nó đứng chết run ở kẹt cửa , không khóc nổi … , mắt mở lớn nhìn bố đánh con chó . Trên căn gác xếp , thằng Ái và con Ly đang quýnh lên lay bà Mùi . " Mẹ ơi … Mẹ … Mẹ ơi …." Bà Mùi từ từ mở mắt nhìn hai con ứa nước mắt . " Mẹ không sao đâu đừng sợ " .

Nghĩ đến đây bà Mùi thở dài nói nho nhỏ :

- Người thương người phải xa nhau cũng khổ . Mà người ghét người , phải ở với nhau lại càng khổ hơn .

NGUYỄN THỊ VINH

(Đầu thu 1973).
(Từ trang phunuviet.org)

Giáo sư D.G.Faust, Hiệu trưởng ĐH Harvard: “Cuộc chiến đã qua đi: Hồi ức và bài học lịch sử”

Đại học KHXH&NV
24-3-2017


Giáo sư Drew Gilpin Faust thuyết trình trước giảng viên, sinh viên Trường ĐH KHXH&NV. Ảnh: Việt Thành

Sáng ngày 23-3, Giáo sư Drew Gilpin Faust, Hiệu trưởng ĐH Harvard, Giáo sư sử học danh hiệu Lincoln đã thuyết trình trước giảng viên, sinh viên trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐHQG-HCM) với chủ đề “Cuộc chiến đã qua đi: Hồi ức và bài học lịch sử”. Cổng thông tin điện tử xin giới thiệu toàn văn nội dung bài thuyết trình:
Trước khi trở thành Hiệu trưởng Đại học Harvard, tôi là một học giả và giảng viên lịch sử trong suốt hơn ba mươi năm. Vì vậy, tôi đặc biệt vui mừng được có mặt tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, một trung tâm nghiên cứu lịch sử hàng đầu của Việt Nam.
Việc có mặt tại đây, ở đất nước các bạn, đối với tôi mang rất nhiều ý nghĩa, bởi vì nhiều giai đoạn lịch sử quan trọng của hai quốc gia đã quyện chặt vào nhau và ảnh hưởng tới tất cả chúng ta. Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước theo cách nói của các bạn –và “Chiến tranh Việt Nam” theo cách gọi của chúng tôi – đã mãi mãi định hình thế hệ chúng tôi, những người trưởng thành trong thập niên 1960-1970. Dù rằng suốt những năm tháng đó, tôi chưa từng vượt 8000 dặm để đặt chân đến nơi này, nhưng những địa danh như Khe Sanh, Pleiku, Ấp Bắc, Điện Biên Phủ, Vịnh Bắc Bộ, Đà Nẵng, Huế, Sài Gòn, Hà Nội luôn không ngừng vang vọng trong tâm trí tôi trong suốt mấy thập kỷ qua. Tôi đã hằng mong ít nhất một vài địa danh trong số này không chỉ dừng ở con chữ.
Các bạn có một khẩu hiệu nhắn gửi khách du lịch rằng “Việt Nam là một đất nước chứ không phải một cuộc chiến tranh.” Giống như rất nhiều người Mỹ khác từng đến đây, tôi vẫn hằng mong đến một ngày nào đó, Việt Nam trong tâm trí tôi không phải tên gọi của một cuộc xung đột bất ngờ ập đến với thế hệ chúng tôi, mà là một quốc gia và xã hội với tất cả sự phức hợp, vẻ đẹp, lịch sử, sự sống động và triển vọng của nó.
Và không hiểu sao, dường như đối với tôi, tìm hiểu đất nước của các bạn trở thành điều cần thiết để hiểu chính đất nước của tôi.Thanh niên trai tráng trong thế hệ chúng tôi đã phải đối diện với giấy gọi nghĩa vụ quân sự, khiến nhiều người phải đấu tranh nội tâm xem họ có nên tuân thủ pháp luật, phụng sự cuộc chiến mà họ cho rằng vừa không khôn ngoan vừa bất chính. Đối với lớp phụ nữ trẻ như tôi thời bấy giờ, tình thế tiến thoái lưỡng nan đỡ mang tính trực diện cá nhân hơn, nhưng nó thôi thúc chúng tôi đặt câu hỏi nghi ngờ về quốc gia của mình, về nên dân chủ và về tính nhân văn của chúng tôi. Michael Herr, một nhà báo Mỹ chuyên viết về cuộc chiến này đã từng viết rằng Việt Nam là những gì tất cả chúng tôi đã có thay vì một tuổi thơ hạnh phúc.
Ở Harvard, hằng năm cứ đến tháng 5 là hàng trăm cựu sinh viên sẽ về lại trường để kỷ niệm 50 năm ngày ra trường của họ. Đây là một nghi lễ quan trọng,và vào mùa xuân này, một sự kiện đặc biệt sẽ diễn ra trong khuôn khổ các buổi lễ. Các thành viên của khóa 1967 – cả nam và nữ – sẽ dành một phần thời gian để cùng nhau tưởng nhớ lại cách thức Cuộc chiến đã định hình những tháng năm đại học của họ, và thảo luận xem “Chiến tranh Việt Nam” đã ảnh hưởng đến họ hơn nửa thế kỷ ra sao.Một thành viên khóa nàytừng là lính thủy đánh bộ đã viết “rất nhiều người thế hệ tôi… đã phải có những lựa chọn về Việt Nam khiến chúng tôi bị ám ảnh suốt quãng đời còn lại của mình, cả lúc tỉnh cũng như khi mơ”.
Cuộc chiến ở ngoài nước Mỹ, 3 triệu tấn bom và 11 triệu gallon thuốc diệt cỏ đã không rơi trên đất nước chúng tôi; 58.220 lính Mỹ hy sinh, so với con số ước tính khoảng hơn 3 triệu quân và dân Việt Nam thiệt mạng trong“Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai”. Nhưng cả hai xã hội của chúng ta đều sống với những bóng ma, với ký ức và với những di sản. Với hậu quả chiến tranh.
Tôi không phải là thành viên của khóa sinh viên Harvard sẽ hội ngộ vào mùa xuân này, nhưng tôi cùng trang lứa với họ, và cũng như họ, tôi đã bị định hình bởi chiến tranh Việt Nam theo những cách mà đến tận bây giờ tôi vẫn chưa hoàn toàn thấu hiểu. Nhưng một ảnh hưởng mà tôi có thể xác định rõ ràng là về công việc của tôi với tư cách một sử gia. Việc trưởng thành trong thập niên 1960 đã tạo ra trong tôi sự cuốn hút dai dẳng với chiến tranh, với cách mà những đòi hỏi khủng khiếp của nó có thể nhào nặn các cá nhân và xã hội, với sự khúc xạ không tránh khỏi của quan điểm và lý tưởng chiến tranh, với những áp lực tột cùng của nó. Chiến tranh có thể ví như “lửa thử vàng”thuần chất, đối với mỗi cá nhân cũng như cho toàn xã hội.
Trong lịch sử chiến tranh Hoa Kỳ, cuộc Nội chiến kéo dài từ năm 1861 đến năm 1865 giữ vị trí cốt lõi trong căn tính quốc gia. Sự tàn bạo và ý nghĩa sống còn của cuộc Nội chiến khiến nó, cho đến tận ngày hôm nay, vẫn choán một mảng lớn trong tâm thức dân tộc, và nó cũng là trọng tâm nghiên cứu và viết sử của tôi.
Rất nhiều tranh luận quan trọng về cuộc chiến – về công lý, bình đẳng, dân quyền, dân chủ và trung tâm quyền lực quốc gia – tiếp tục định hình các chính sách của nước Mỹ cả một thế kỷ rưỡi sau khi chiến tranh kết thúc. Và chúng tôi vẫn tiếp tục tự vấn một cách nhọc nhằn về ý nghĩa của cuộc chiến đối với tình trạng phân biệt chủng tộc vẫn tồn tại cho đến tận bây giờ. Người Mỹ vẫn vật lộn với việc sử dụng lá cờ liên minh miền Nam (Confederate flag), biểu tượng của phần lãnh thổ sẽ là quốc gia da trắng phương Nam, đấu tranh để giữ chế độ nô lệ da đen, một biểu tượng ngày nay được đa số người Mỹ nhìn nhận như là một sự sỉ nhục và rào cản của bình đẳng sắc tộc.
Thông thường, bên thắng cuộc viết nên lịch sử cuộc chiến. Nhưng vào cuối thế kỷ 19, Liên bang miền Bắc – người chiến thắng – đã chọn “phiên bản chiến tranh” như là sự mất mát chung của cả hai phía, sự đau đớn mà cả người Mỹ da trắng phương Bắc và phương Nam cùng chia sẻ, qua đó cố gắng hòa giải sự chia rẽ dân tộc. Cái giá cho sự hòa hợp này là nước Mỹ đã từ bỏ cam kết của Liên bang miền Bắc về giải phóng nô lệ, về “một nền tự do mới”, bỏ rơi 4 triệu nô lệ cũ cùng với con cháu của họ, đẩy họ vào cảnh bị kỳ thị và phân biệt đối xử trong hơn một thế kỷ tiếp theo. Các nền tảng pháp lý của chế độ nô lệ đã chấm dứt, nhưng tầm nhìn về tự do thực sự cho người Mỹ gốc Phi đã bị gạt sang một bên để cho Bắc và Nam hòa giải trong một tâm trạng chungvề mất mát và tang tóc.
Quả thực, cuộc Nội chiến đòi hỏi sự hy sinh to lớn. Khoảng 750.000 người đã chết – nhiều hơn thương vong của tất cả các cuộc chiến tranh từ trước gộp lại cho tới Chiến tranh Việt Nam. Mất mát này chiếm tới 2,5% dân số. Nếu tính cho dân số Hoa Kỳ ngày nay, tỷ lệ tử vong tương tự sẽ ứng với gần 7 triệu nhân mạng.
Người Mỹ đã không được chuẩn bị cho cuộc Nội chiến này. Cả hai bên đều nghĩ rằng, nếu có phải đổ máu đi chăng nữa thì cũng chỉ cần một trận đánh để kết thúc chiến tranh. Trừ một vài ngoại lệ, đây là cuộc chiến có tổ chức chứ không phải chiến tranh du kích hay chiến tranh bất thường. Nhưng quy mô của cuộc xung đột — gần 3 triệu đàn ông tham gia — vượt xa những gì quân đội từng chứng kiến, thách thức trí tưởng tượng cũng như năng lực hậu cần của cả hai phía.
Quy mô vượt quá kỳ vọng của cuộc chiến đem đến nhiều hệ lụy, nhưng một điều đặc biệt thu hút sự chú ý của tôi là ý nghĩa và tác động của những cái chết hàng loạt. Chết chóc, mối đe dọa đi cùng với nó, cận kề nó và hiện thực của nó trở thành những kinh nghiệm chiến tranh được chia sẻ rộng rãi nhất.Làm thế nào để quốc gia đương đầu với những tổn thất này?Tôi đã cố gắng đặt câu hỏi đó ở mọi cấp độ, từ hậu cần – họ đã làm gì với những xác chết – cho tới tâm lý, chính trị và tinh thần.
Cả quân đội miền Bắc lẫn miền Nam đều không có thông tin chi tiết về an táng liệt sỹ, không có các đơn vị chuyên ghi chép mộ chí, không cóphù hiệu như thẻ bài quân nhân, và cũng không có thông báo chính thức cho thân nhân liệt sỹ. Việc chôn cất chỉ có tính tình thế.Sau mỗi trận đánh, bên thắng cuộc chiếm giữ trận địa phải chịu trách nhiệm giải quyết các thi thể để lại trên chiến trường. Điều này thường dẫn đến những hầm chôn tập thể vô danh, đặc biệt đối với thi thể của phía bên kia. Hiếm khi có quan tài, ngoại trừ cho các sĩ quan.
Cả quân nhân và dân thường đều bị sốc bởi cách thức đối xử vô nhân đạo với người chết. Người Mỹ thế kỷ 19 chia sẻ một cách sâu sắc quan điểm về cái gì tạo thành một “cái chết đẹp”, có thể quyết định số phận của mỗi người ở cõi bên kia ra sao. Giờ đây, các hành xử trên chiến trường dường như tung hê hầu hết mọi hy vọng và trông đợi đối xử đúng mực với người chết. Một người lính quan sát rằng đàn ông được chôn cất như thể họ chỉ là con “gà toi” không hơn không kém. Đối diện với hoàn cảnh mọi giả định cơ bản về nhân phẩm và nhân dạng bị xói mòn, cả dân thường và binh lính về mặt hình thức đều cố giữ một vài đức tin và tập quán của họ. Binh lính cố gắng xác định danh tính đồng đội, đào và dánh dấu mồ mả từng người hoặc chôn những người không quen biết với một số chỉ dấu – có thể là tên và giấy tờ để trong chai lọ – để sau này có thể tìm lại được. Nhiều tổ chức thiện nguyện được hình thành để đảm nhận công việc mà chính quyền không làm – lập bản đồ vị trí các ngôi mộ và ghi lại tên của những người bị giết. Đồng đội tổ chức tang lễ tạm thời, tìm cách giữ gìn vẻ tôn kính và ý nghĩa ngay cả trong điều kiện đầy bi thảm. [Hôm qua tôi có vinh dự to lớn được thăm nghĩa trang quân đội tại Ấp Bắc. Được hình thành một thập kỷ sau cuộc Nội chiến của chúng tôi, ở nơi cách xa nửa vòng trái đất, nghĩa trang này cũng thể hiện cùng một nhu cầu nhân văn cấp bách vinh danh người chết và sự hy sinh của họ].
Mặc dù có những nỗ lực như vậy, trong cuộc nội chiến Mỹ, hàng trăm ngàn người — hơn 40% người Yankee và một tỷ lệ lớn hơn rất nhiều những người lính Liên minh miền Nam – đã bỏ mạng mà không có tên tuổi gì, bị nhận dạng là “vô danh”. Với người Mỹ hiện đại, điều này dường như không thể tưởng tượng nổi. Đối với đất nước các bạn, điều này chẳng xa lạ gì bởi con số những người mất tích và không xác định được danh tính trong cuộc nội chiến của chúng tôi – ước chừng 300 ngàn người – có thể là khá gần với số mất tích của người Việt trong chiến tranh Đông Dương 2. Ngày nay, hàng năm Hoa kỳ chi hơn 100 triệu đô-la cho nỗ lực tìm kiếm và nhận dạng những người mất tích trong Chiến tranh thế giới thứ II, Chiến tranh Hàn Quốc và Chiến tranh Việt Nam. Tôi tin rằng các bạn đều rất quen thuộc với hoạt động tích cực của MIA sau năm 1975. Nhưng sự thừa nhận rằng nước Mỹ có trách nhiệm phải giải trình và hồi hương – dù đã chết hay còn sống – mọi binh sĩ đang thực hiện nhiệm vụ chỉ mới bắt đầu gần đây.Chỉ từ chiến tranh Hàn Quốc, Hoa Kỳ mới thiết lập chính sách nhận dạng và hồi hương mọi liệt sỹ. Phải đến Thế chiến thứ nhất binh sĩ mới bắt đầu đeo phù hiệu nhận dạng chính thức – cái mà ngày nay chúng ta gọi là thẻ bài quân nhân.Nhưng cuộc cách mạng cả về tâm thức và thực hành này thực tế đã bắt đầu từ Nội chiến. Hệ thống ghi sổ mồ mả trong quân đội bắt đầu xuất hiện vào cuối cuộc chiến, và khi chiến tranh kết thúc, chính phủ Hoa kỳ đã bắt đầu thiết lập hệ thống nghĩa trang quốc gia, một nghĩa vụ trọng đại của nhà nước để ghi nhận công lao của những người đã ngã xuống bảo vệ đất nước.
Trong khoảng thời gian từ 1866 đến 1871, khi chiến sự hoàn toàn lắng xuống, quân sỹ Liên bang miền Bắc được cử đi khắp các miền quê bị chiến tranh giày xéo để tìm thi thể đồng đội. Cuối cùng, họ định vị và an táng được 303 ngàn người trong 74 nghĩa trang quốc gia mới và nhận dạng thành công hơn một nửa số họ tìm được. So với trước chiến tranh, khi khi quyền lực và chương trình hành động của chính quyền rất hạn chế, thì những nỗ lực vô cùng to lớn này là điều không thể tưởng tượng nổi. Dự án an táng liệt sỹ định nghĩa một kiểu quốc gia dân tộc khác trước, một chính quyền mới cống hiến cho phẩm giá của mỗi con người còn sống hay đã chết, một chính quyên của dân, do dân và vì dân, những người đã đứng lên để bảo vệ đất nước.
Nhưng ngay cả những sáng kiến liên bang chưa từng có tiền lệ này cũng không thể làm dịu cảm giác mất mát và tang tóc bao trùm đất nước. Hàng trăm ngàn người Mỹ bị bỏ lại với khoảng trống khủng khiếp của sự không chắc chắn về số phận vẫn chưa được sáng tỏ của những người thân yêu. Trong suốt quãng đời còn lại, thân nhân của họ vẫn luôn tự hỏi về số phận của người chồng, người cha, hay người con trai mất tích. Một người phụ nữ đau đớn kể lại “phải mất nhiều năm tôi mới từ bỏ hy vọng rằng một ngày nào đó ông ấy sẽ xuất hiện. Trong đầu tôi luôn nghĩ rằng ông ấy bị bắt làm tù binh và giải đi, nhưng ông ấy sẽ tìm đường trở về với tôi”. Thi thể không được nhận dạng khiến gia đình mất người thân đeo đẳng với sự không chắc chắn, đồng thời hy vọng vào điều kỳ diệu, tuy là ảo tưởng, để cuộc sống trở nên dễ chịu hơn.
Hậu quả của chiến tranh. Thách thức lâu dài làm thế nào sống với tàn dư của chiến tranh. Ambrose Bierce, một nhà văn từng phục vụ trong quân đội Liên bang miền Bắc, đã viết về việc thường xuyên bị ám ảnh bởi “ảo mộng về người chết và sự chết chóc”, và tự cảm thấymình “bị kết án phải sống”, và lý giải những cái chết trong cuộc Nội chiến đã định nghĩa lại cuộc sống như thế nào. Năm 1875, Sydney Lanier, một nhà thơ Liên minh miền Nam, vừa là chiến sĩ vừa là tù nhân chiến tranh, đã nhận xét rằng đối với phần lớn “kể từ cuộc chiến, đối với thế hệ của ông ở miền Nam, toàn bộ cuộc đời gần như chỉ là sự ngắc-ngoải”. Một kiểu mặc cảm tội lỗi của người sống sót. Một phiên bản của tình trạng căng thẳng hậu sang chấn đè nặng không chỉ lên mỗi cá nhân mà toàn xã hội.
Hậu quả chiến tranh là tàn phá – con người bị thương và biến dạng; trẻ em trở thành mồ côi; tài sản và nguồn sinh kế bị phá hủy; kinh tế đảo lộn; dân chúng chia rẽ.Nhưng hậu quả không chỉ dừng lại ở cơ thể, mà còn nằm trong tâm hồn, thậm chí trong tâm hồn của những người sinh ra rất lâu sau khi tiếng súng đã tắt. Đó là vì sao cuộc nội chiến Mỹ và cái giá to lớn của nó tiếp tục ảnh hưởng đến các tranh luận của chúng tôi ngày nay. Đó là vì sao các thành viên Harvard niên khóa 1967, các ông bà nay đã ở độ tuổi 70, cảm thấy sự cấp thiết phải đối diện với những kinh nghiệm từ hơn năm thập kỷ trước, những ký ức của một thời khi “Việt Nam” đòi hỏi họ phải định nghĩa chính họ và quốc gia của họ. Đó là vì sao tôi hết sức vui mừng cuối cùng cũng đã được đặt chân đến đất nước các bạn, bởi tôi cũng cùng thế hệ với họ.
“Tại sao lựa chọn chiến tranh? Tại sao anh phải viết về cuộc chiến?” nhân vật Kiên trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh tự vấn. Ngay cả khi anh ta cố gắng hết sức để tìm một chủ đề khác, anh cũng “không thể thôi viết về chiến tranh”. Cũng như anh, chúng ta viết, chúng ta trò chuyện và chúng ta ghi nhớ bởi chúng ta đều cố gắng để hiểu chiến tranh đã nhào nhặn chúng ta ra sao. Việt Nam và Hoa Kỳ đã đối đầu nhau trong một cuộc chiến kéo dài và tàn phá nặng nề. Giờ đây, riêng cũng như chung, chúng ta đang đối diện với hậu quả của nó.
Trong nỗ lực này, lịch sử là điều không thể thiếu. Lịch sử giúp chúng ta đối diện với những vong hồn và ma quỷ mà bi kịch quá khứ để lại như một di sản cho hiện tại. Nó soi rọi những sự mù quáng và tàn bạo đã làm nên chiến tranh. Nó giúp chúng ta hình dung và đấu tranh cho hòa bình.
GS Drew Gilpin Faust, Hiệu trưởng ĐH Harvard
Giáo sư Drew Gilpin Faust, Hiệu trưởng ĐH Harvard. Ảnh: Việt Thành

CHỮ NHO DỄ HỌC ...MÀ HỌC KHÔNG DỄ (Bài 32) - Đỗ Chiêu Đức

                     CHỮ NHO... DỄ HỌC (Bài 32) 
                                     Các bộ 11 nét
                                    鹿       

         Như thường lệ, trước khi bắt đầu bài viết mới, ta giải đoán câu đố của bài viết trước:
               Hữu thủ, hoài bão lý.            有手懷抱裡,
               Hữu cước, bào thiên lý.         有腳跑千里。
               Hữu thủy, thành bào ảnh,     有水成泡影,
               Hữu hỏa, hưởng liên thiên.    有火響連天。
Có nghĩa :
                  Có tay, trong vòng tay,
                  Có chân, co giò chạy.
                  Có nước, tan thành bọt,
                  Có lửa, nổ vang trời !
Giải Đáp :
       Hoài Bão 懷抱 là cái mà mình "Ôm Ấp" ở trong lòng, Chữ BÃO 抱 là ÔM, bỏ bộ THỦ 扌đi còn lại chữ BAO 包.
       Hữu Cước 有腳 là Có Chân là có bộ TÚC 足 bên trái. Chữ BÀO 跑 là Chạy, bỏ đi bộ TÚC 足 bên trái cũng còn lại chữ BAO 包.
       Chữ BÀO 泡 là bọt nước, nếu không có 3 chấm thủy 氵bên trái thi cũng còn lại chữ BAO 包.
       Chữ PHÁO 炮 là Pháo nổ, nếu không có bộ HỎA 火 là Lửa bên trái thì cũng còn lại chữ BAO 包.
       4 câu trên xoay quanh chữ BAO 包 :
     * BAO 包 thêm THỦ 扌 thành  BÃO  là Ôm.
     * BAO 包 thêm TÚC 足 thành BÀO  là Chạy.
     * BAO 包 thêm 3 chấm THỦY 氵thành BÀO  là Bọt Nước.
     * BAO 包 thêm HỎA  thành PHÁO  là Pháo Nổ.
    BAO 包 là chữ Tượng Hình, là Gói lại, Bọc lại, Vây quanh, như:
    BAO TRANG 包装 : là Đóng Gói, BAO VI 包圍: Ta nói là Bao Vây.
    BAO 包 là cái Gói, Cái Ví, Cái Bóp, như:
    TIỀN BAO 錢包 là Cái Ví, cái bóp đựng tiền; THƯ BAO 書包 là cái Cặp Da, cái Cặp đựng sách học, BỐI BAO 背包: là Cái Ba-Lô, Cái Bị đeo ở sau lưng.
    BAO 包 còn có nghĩa là " Mão hết " như : BAO BIỆN 包辦 là Lãnh làm hết tất cả công việc gì đó. Ta nói là Bao Thầu hết. BAO TIÊU 包銷 : là chịu trách nhiệm tiêu thụ hết hàng hóa, hoặc  tìm cách bán hết hàng hoá ra ngoài thị trường.
    BAO 包 là Chiụ đựng, chứa hết những điều bực bội không vui, nên có nghĩa là Tha Thứ hết, như BAO DUNG 包容, BAO HÀM 包涵 : Hàm là HẢI HÀM 海涵 : Chỉ lòng dạ rộng rãi mênh mông như biển cả, như Hoạn Thư sau khi nhận tội còn kêu nài là "Chồng chung ai dễ đã chìu cho ai?" và đã rất thẳng thắn rằng:
                       Trót đà gây việc chông gai,
               Còn nhờ LƯỢNG BỂ thương bài nào chăng?!

    BAO LA VẠN TƯỢNG 包羅萬象: là Bao gồm tất cả mọi hiện tượng, thành ngữ nầy còn được nói là BAO LA VẠN HỮU 包羅萬有 Cái gì cũng có hết, bao gồm tất cả!
    BAO 包 là một trong Bách Gia Tính: họ BAO. Người họ Bao nổi tiếng mà ai cũng biết đến là BAO CHUẪN 包拯 (999—1062), còn được gọi là Bao Công. Ông là người đất Hợp Phì, thuộc Lư Châu, thời Bắc Tống. Ông đậu Tiến Sĩ năm Thiên Thánh đời Tống Nhân Tông, từng giữ các chức vụ Giám Sát Ngự Sử, Thiên Chương Các Thị Chế, Long Đồ các trực Học Sĩ, làm quan đến chức Khu Mật Phó Sứ. Ông rất thanh liêm chính trực, chấp pháp nghiêm minh, chí công vô tư, được các sử quan đánh giá cao, và dân gian truyền tụng là ông quan thanh liêm chính trực nhất đương thời, được mọi người xưng tụng là "Bao Thanh Thiên 包青天" (là ông quan họ Bao như trời xanh ở trên cao soi xét hết các oan tình của dân chúng). 
        Image result for 包青天 Image result for 包青天   
                Bao Chuẫn, Bao Thanh Thiên qua điện ảnh

1. BỘ HUỲNH  : Còn đọc là Hoàng.
    HUỲNH  : là Màu Vàng. HUỲNH 黃 là chữ Tượng Hình theo diễn tiến của chữ viết như sau :
    Giáp Cốt Văn  Kim Văn    Đại Triện   Tiểu Triện     Nét bút
甲骨文金文金文大篆小篆
繁体楷書
Ta thấy :
     Từ Giáp Cốt Văn cho đến Kim Văn Đại Triện đều là hình tượng của con Cào Cào Châu Chấu, đầu có cái Xúc biện hàm phía trước, đuôi có 2 nhánh chẻ ở phía sau, nên Nghĩa gốc của chữ HOÀNG 黃 là con HOÀNG TRÙNG 蝗虫 tục gọi là Châu Chấu. Sau mới dùng để chỉ màu VÀNG của Hoa Hướng Dương (Hoa Qùy) và màu vàng của Kim loại VÀNG, ta gọi là HOÀNG KIM 黃金: là Vàng Ròng!

      Hồi xưa học chữ Nho, sau quyển TAM TỰ KINH 三字經 mỗi câu 3 chữ, là quyển THIÊN TỰ VĂN 千字文 mỗi câu 4 chữ. Hai câu mở đầu của THIÊN TỰ VĂN là:
                     Thiên địa huyền hoàng,   天地玄黃,
                     Vũ trụ hồng hoang.         宇宙洪荒。
Có nghĩa là :
            Trời thì màu đen, đất thì màu vàng.
            Bầu trời vũ trụ rộng lớn mà hoang vu.
   HOÀNG HÔN 黃昏 : là Lúc trời đã về chiều, mặt trời vừa chen lặn, bầu trời ngã màu vàng chuẩn bị sụp tối.   
   HOÀNG HÀ 黃河 : Con sông lớn thứ hai của Trung Hoa sau Trường Giang, dài 5464 km, phát nguyên từ Cao nguyên Thanh Tạng, qua Cao nguyên Hoàng Thổ ( đất đỏ ), vòng lên cao nguyên Nội Mông rồi đổ xuống đồng bằng Hoa Bắc, vòng vèo qua 9 tỉnh và cuối cùng đổ ra Bột Hải ở gần thành phố Đông Dinh thuộc tỉnh Sơn Đông. Hoàng Hà với thế nước cuồn cuộn như từ trên trời đổ xuống. Trong bài XUẤT TÁI Vương Chi Hoán đã mở đầu bằng câu :
            黃河遠上白雲間, Hoàng Hà viễn thượng bạch vân gian,
Có nghĩa :
                Hoàng Hà xa vút trong mây trắng. Ý nói ...
       Hoàng Hà như từ trong mây trắng trên trời đổ xuống vậy!
       Cho thấy cái thế nước của Hoàng Hà hùng vĩ biết là bao. Trong bài Tương Tiến Tửu của Lý Bạch cũng mở đầu bằng câu:
                   君不見黃河之水天上來奔流到海不復回 ?!
     Quân bất kiến Hoàng Hà chi thủy, thiên thượng lai bôn lưu
                         đáo hải bất phục hồi?!
Có nghĩa :
     Bạn không thấy sao? Nước sông Hoàng Hà như từ trên trời đổ xuống, chảy cuồn cuồn ra biển rồi không bao giờ trở lại nữa?!

     Image result for 黃河 Image result for 黃河 
                  Quân bất kiến Hoàng Hà chi thủy ...

     HUỲNH ĐẾ 黃帝 : Là Ông Vua đứng đầu trong Ngũ Đế của thần thoại Trung Hoa. Huỳnh Đế vốn họ Công Tôn, vì ở Hiên Viên chi khâu, nên lấy hiệu là HIÊN VIÊN 軒轅, lại trường kỳ sống bên dòng Cơ Thủy, nên đổi họ CƠ , tên nước là Hữu Hùng, nên lại xưng là HỮU HÙNG THỊ 有熊氏. Các đời vua sau của Trung Hoa đều có lập Tôn Miếu để tôn thờ Huỳnh Đế như là một thiên tử chính thống và được tôn xưng như là Ông Thuỷ Tổ của dân tộc Trung Hoa. Huỳnh Đế của Trung Hoa giống như là Hùng Vương của Việt Nam vậy!
     HOÀNG HOA 黄花 : là Hoa Màu Vàng. Thường dùng để chỉ hoa Cúc, nên CÚC TỬU 菊酒 còn gọi là HOÀNG HOA TỬU 黃花酒, một trong 4 món ăn chơi bốn mùa của các cụ ngày xưa:
                Xuân du phương thảo địa,    春遊芳草地,
                Hạ thưởng lục hà trì.            夏賞綠荷池。
                Thu ẩm HOÀNG HOA TỬU,    秋飲黃花酒,
                Đông ngâm bạch tuyết thi.   冬吟白雪詩。
Có nghĩa :
                Xuân du trên thảm cỏ non,
                Hè thì thưởng ngoạn sen tròn trên ao.
                Thu nhâm nhi rượu cúc đào,
                Đông ngâm thơ tuyết thú nào hơn ta ?!

     HOÀNG HOA 黄花 : còn chỉ hoa KIM CHÂM 金針 có màu vàng, nấu canh ăn được , là hoa của loại cỏ Huyên 萱草, tượng trưng cho người mẹ, nên gọi mẹ là HUYÊN ĐƯỜNG 萱堂.
     HOÀNG HOA KHUÊ NỮ 黃花閨女 : Chỉ các cô gái còn trinh trắng chưa biết chuyện nam nữ.
     HOÀNG MAO A ĐẦU 黃毛丫頭 : là Con bé tóc vàng non, còn chưa đen, ý chỉ Con bé con, ta nói " Con bé miệng còn hôi sửa !"
     HOÀNG QUA 黃瓜 : Không phải dưa màu vàng, mà là Dưa Leo.
     HOÀNG ĐẬU 黃豆 : Không phải đậu vàng, mà là Đậu Nành. 
     HOÀNG NGƯU 黃牛 : Không phải là Trâu Vàng, mà là Con Bò.
     HOÀNG SÀO 黄巢 (835-884)Người tỉnh Sơn Đông, chuyên bán muối lậu. Cuối đời Đường, năm 875 Hoàng Sào lãnh đạo nông dân phất cờ khởi nghĩa, với khẩu hiệu QUÂN BÌNH (mọi người đều ngang bằng nhau). Năm 881 đánh chiếm Trường An của nhà Đường, lập nên nước Đại Tề, xưng là Thừa Thiên Ứng Vận Khải Thánh Tuấn Văn Tuyên Võ Hoàng Đế 承天应运启圣睿文宣武皇帝. Sau tuy bị nhà Đường trấn áp, nhưng từ đó về sau, nhà Đường cũng dần dần đi vào con đường diệt vong. Sử gọi sự kiện nầy là "Hoàng Sào chi loạn" (Cuộc nổi loạn của Hoàng Sào).
      Tương truyền, Hoàng Sào tướng mạo xấu xa, nên khi thi đậu Võ Trạng Nguyên, nhà vua chê xấu không phong cho quan chức. SÀO đã nổi giận mà viết 2 câu thơ:
      Đản đắc mã tiền tam thiên tốt,        但得馬前三千卒,
      Thu đoạt Đường triều tứ bách châu. 收奪唐朝四百州。
Có nghĩa :
     Nếu ta có được ba ngàn quân sĩ trước ngựa, thì ta sẽ...
     Đánh chiếm bốn trăm châu quận của nhà Đường như chơi!
     Trong khi Từ Hải đang:
                    Nghênh ngang một cõi biên thùy, 
                    Thiếu gì cô qủa thiếu gì đế vương.   
                    Trước cờ ai dám tranh cường
                    Năm năm hùng cứ một phương hải tần.
... thì cô kiều đã khuyên Từ Hải quy hàng với lời mĩa mai Hoàng Sào như sau:
                       Làm chi để tiếng về sau,
               Ngàn năm ai có khen đâu Hoàng Sào?!
... chỉ vì lời khuyên đó mà Từ Hải phải chết đứng... "giữa làn tên đá bời bời, Thấy Từ còn đứng giữa trời trơ trơ!". Qủa thật, "đằng sau cái chết của một người đàn ông, cũng có bóng dáng của một người đàn bà!" Qủa không sai chút nào!

               
                      Cuộc khởi nghĩa của Hoàng Sào
 
     HUỲNH LIÊN, HUỲNH BÁ, HUỲNH CẦM 黃蓮, 黃柏, 黄芩: là Ba vị thuốc chủ yếu trong thang thuốc trị Thanh nhiệt, giải độc, mát gan, có vị đắng khó uống. Bà con Lục Tỉnh hay nói chơi rằng:
                      Huỳnh liên huỳnh bá huỳnh cầm,
                   Uống vô một miếng thì nằm ngay đơ!
                      Huỳnh liên huỳnh bá huỳnh kỳ,
                   Uống vô một miếng đạo tì nó khiêng!

    HUỲNH TUYỀN 黄泉 : là Suối Vàng, theo mê tín Á Đông thì nơi người chết ở có con suối màu vàng. Theo Tả Truyện, Ẩn Công Nguyên Niên có câu:
                   Bất cập huỳnh tuyền, vô tương kiến dã !
                     不  及    黄     泉  ,     無   相     見   也  !
Có nghĩa :
         Chưa đến được suối vàng thì sẽ không gặp nhau!
     Khi biết mả Đạm Tiên không ai cúng quải gì cả, cô Kiều mới "Sẵn đây ta thắp một vài nén nhang":
                         Gọi là gặp gỡ giữa đàng,
                  Họa là người dưới SUỐI VÀNG thấu cho!

      Có tất cả 10 chữ được ghép bởi bộ HUỲNH nầy, tiêu biểu có chữ :
     HUỲNH 黌 : là Tên gọi trường học ngày xưa. Ngày xưa gọi nơi học trò tụ tập lại để học là HUỲNH MÔN 黌門, HUỲNH VŨ 黌宇 hoặc HUỲNH CUNG 黌宮. Gọi học trò là HUỲNH MÔN KHÁCH 黌門客. Trong tuồng tích "Hoàn Hồn Ký 還魂記 " (còn có tên là Mẫu Đơn Đình 牡丹亭 của Thang Hiển Tổ đời Minh có câu:
      黄門舊是黌門客,   Hoàng môn cựu thị huỳnh môn khách,
      藍袍新作紫袍仙。 Lam bào tân tác tử bào tiên.
Có nghĩa :
      Cũng là học trò của trường học ngày xưa, chỉ khác là...
      Áo bào xanh của thư sinh đã đổi thành áo bào tía của quan rồi. 
             
                 Hoàn Hồn Ký ( Mẫu Đơn Đình )
 
2. BỘ LỔ  :
    LỔ   : là Đất mặn, là Bã Muối. LỔ 鹵 là chữ Tượng Hình theo diễn tiến của chữ viết như sau:

  楷書
金文金文大篆小篆繁体隶书
Ta thấy :
     Từ Kim Văn cho đến Đại Tiểu Triện đều là hình tượng của một ruộng muối được phân ô hẵn hoi; bốn chấm ở phần giữa là các bã muối còn đọng lại; phần Lệ Thư có thêm 3 chấm Thủy 氵để chỉ là phải có nước biển chảy vào, nên ...
     LỔ 鹵 là Muối thiên nhiên, còn khi đã qua tay người bào chế thành MUỐI thì gọi là DIÊM 鹽 .
     LỔ 滷 có 3 chấm thủy là Nước Kho, Nước Khìa, Nước Phá Lấu.
    * PHÁ LẤU 打滷 là Âm TRIỀU CHÂU, là một hình thức KHO theo kiểu của người Tiều Châu: Có nước Tương, Tỏi, Riềng, Ngũ Vị Hương... Ta quen gọi là KHÌA, sau vì khẩu vị mỗi địa phương một khác, nên mặn nhạt gia giảm khác nhau, lại phát sinh thêm món PHÁ LẤU. Chớ thật ra Phá Lấu là Khìa, Khìa là Phá Lấu, nhưng bây giờ lại thành 2 món khác nhau!

         Image result for 滷蛋,滷肉,滷水。
              Gia vị, Trứng và thịt Phá Lấu kiểu Tiều Châu

     LỔ 鹵 còn được thông dụng với LỔ là LỔ MẢNG 魯莽.
     LỔ 櫓 là Cây Dằm, cây Chèo.
     LỔ 擄 là Bắt bớ, Chiếm đoạt.  
     Có tất cả 9 chữ được ghép bởi bộ LỔ nầy, tiêu biểu có:
     DIÊM 鹽 : là Muối. DIÊM ĐIỀN 鹽田 là Ruộng Muối. Câu đầu tiên trong "bài thơ TỨ KHOÁI" là: Cửu hạn phùng cam võ 久旱逢甘雨 là  Hạn lâu ngày gặp mưa ngọt đổ xuống. Nhưng nếu như muốn diễn tả bực mình mà Chẳng Khoái chút nào, thì phía trước thêm 2 chữ nữa thành: DIÊM ĐIỀN cửu hạn phùng cam võ 鹽田久旱逢甘雨. Có nghĩa là Ruộng Muối nắng lâu gặp mưa ngọt đổ xuống! Muối sẽ chảy tiêu tan hết cả!
     SÀI MỄ DU DIÊM 柴米油鹽: là Củi, Gạo, Dầu, Muối: 4 thứ không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của con người. Còn muốn diễn tả cuộc sống phong lưu hơn một chút nữa, gọi là " Khai môn thất kiện sự 開門七件事: là 7 chuyện phải lo khi sáng sớm mở cửa nhà ra,  đó chính là:
            柴米油鹽醬醋茶  Sài Mễ Du Diêm Tương Thố Trà
Có nghĩa là :
                   Củi, Gạo, Dầu, Muối, Tương, Giấm, Trà  
     SÀI MỄ PHU THÊ 柴米夫妻 : Vợ chồng vì củi gạo mà kết hợp nhau, chỉ mức sống vật chất căn bản tối thiểu để vợ chồng nương tựa với nhau mà sống. Vợ chồng nghèo chung lưng nhau để kiếm miếng ăn qua ngày.
     Ngày xưa, chỉ có các tỉnh vùng duyên hải là ăn muối rẻ thôi, còn các tỉnh sâu trong lục địa thì giá muối rất mắc, vì thuế mắc. Sử Ký -Hóa Thực Liệt Truyện có câu: Sơn Đông thực hải diêm, Sơn Tây thực diêm lổ 山東食海鹽,山西食鹽鹵。——《史記·貨殖列傳》Có nghĩa: Ở tỉnh Sơn Đông vì sát biển nên ăn muối bọt, muối trắng; Ở tỉnh Sơn Tây xa biển nên ăn muối cục, muối cặn. Vì thế mà có rất nhiều người buôn muối lậu để làm giàu. Tội buôn muối lậu là tội rất nặng, nên ông bà ta mới có câu nói là:
              Nam đại bất hôn như liệt mã vô cương,
                男   大   不   婚    如   劣  馬  無   韁,
              Nữ đại bất giá như tư diêm phạm thủ.
                女 大  不   嫁   如   私   鹽    犯    首。
Có nghĩa :
     Con trai lớn mà không cưới vợ thì như là con ngựa chứng không có dây cương vậy. (Cứ mặc sức mà phóng càn phóng ẩu phóng ... túng, vì không có con vợ cằn nhằn kềm chế!)
    Còn con gái lớn mà không lấy chồng thì như tên cầm đầu của bọn buôn muối lậu vậy! (Không biết lúc nào bị bể ra, bị bắt bỏ tù xấu hổ!)  Dân Nam Kỳ Lục Tỉnh thì nói là: "Có con gái lớn trong nhà, như có hủ mắm treo giàn bếp"  Không biết chừng nào nó rớt xuống, bể ra, sẽ thối om cả xóm!
     HÀM 鹹 : là Mặn. HÀM NGƯ 鹹魚 là Cá mặn. HÀM NHỤC 鹹肉 là Thịt muối. HÀM THÁI 鹹菜 là Cải muối .
     HÀM 鹹 đồng âm và thông dụng với chữ HÀM 咸 là Đều, là Toàn Bộ, là Phổ biến, như HÀM LAI VẤN TÍN 咸來問訊 : là Đều đến để hỏi thăm tin tức.
     HÀM DƯƠNG 咸陽 là Kinh đô của nước Tần thời Chiến Quốc (năm 350 trước Công Nguyên) và  cả sau nầy nữa. Đến năm 206 trước Công Nguyên bị Hạng Võ Sở Bá Vương đốt sạch. Trong Chinh Phụ Ngâm khúc tả người Chinh Phụ trông ngóng khi đưa tiễn chồng lên đường chinh chiến:
                   ...Bến Tiêu Tương cách HÀM DƯƠNG,
                 Cây HÀM DƯƠNG cách Tiêu Tương mấy trùng.
                        Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy,
                      Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu,
                        Ngàn dâu xanh ngắt một màu,
                      Tình chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?!

     Image result for  Cây HÀM DƯƠNG cách tiêu Tương mấy trùng   
                   Tình chàng ý thiếp ai sầu hơn ai ?

3. BỘ LỘC 鹿 :
    LỘC  鹿 : là Con NAI. LỘC 鹿 là chữ Tượng Hình, theo diễn tiến của chữ viết như sau:

甲骨文金文金文大篆小篆繁体隶书
Ta thấy :
    Từ Giáp Cốt Văn cho đến Kim Văn Đại Tiểu Triện đều là hình tượng của một con hươu, con nai vàng ngơ ngác có sừng có gạc có cái đuôi ngắn và có 4 chân hẵn hoi, nên...
    LỘC 鹿 là một loại thú hoang hiền lành, có khứu giác và thính giác rất nhạy vì bản năng sinh tồn, nên chỉ cần một tiếng động nhỏ cũng dễ dàng khiến cho chúng... nhảy nai! LỘC có rất nhiều chủng loại, nhưng thường gặp là 4 loại sau đây: THỦY LỘC 水鹿, BẠCH THẦN LỘC 白唇鹿, MAI HOA LỘC 梅花鹿 và MÃ LỘC 馬鹿.
    Nhắc đến MÃ LỘC làm ta lại nhớ đến câu thành ngữ:
    CHỈ LỘC VI MÃ 指鹿為馬 : là "Chỉ con Nai bảo là con Ngựa!"
    Theo SỬ KÝ, đời Tần Nhị Thế (con của Tần Thủy Hoàng), Hoạn  Quan TRIỆU CAO chuyên quyền, luôn muốn tìm cách soán đoạt ngôi vua, nhưng còn ngại bá quan có người phản đối. Một hôm, đang thiết triều, Cao cho người dẫn đến một "con nai", rồi tâu với vua rằng mình tặng cho vua một con "tuấn mã". Tần Nhị Thế cười bảo: "Thừa Tướng sai rồi. Đó rõ ràng là con nai mà, ngựa thì làm sao có sừng có gạc cho được?"  Triệu Cao sa sầm mặt xuống bảo rằng: "Đó chính là con Thiên lý mã. Không tin, Bệ Hạ cứ hỏi các quan bên dưới xem sao?!" Đoạn quay xuống quắc mắt hỏi bá quan rằng: "Con nầy là Ngựa hay Nai?"  Bá quan có người nín thinh không dám trả lời, có người cương trực thì bảo đó là Nai, nhưng đa số vì khiếp sợ trước uy quyền của Triệu Cao đều trả lời là "Ngựa"  khiến cho Tần Nhị Thế cũng ngẩn ngơ bẽn lẽn. Những người nín thinh và trả lời là Nai trước sau đều bị Triệu Cao tìm cách hại cho tan nhà nát cửa, cả Thừa Tướng Lý Tư cũng bị chết chém. Cuối cùng Tần Nhị Thế bị ép thoái vị và tự sát.
        Sau nầy, hễ người nào hay ăn nói lật lọng, ỷ quyền ỷ thế, điên đão thị phi, thay trắng đổi đen thì đều gọi là CHỈ LỘC VI MÃ 指鹿為馬.
              
                        Chỉ  LỘC Vi Mà 指鹿為馬.   

      Đời Tần nầy cũng phát xuất một câu nói rất nổi tiếng về con Mai Hoa Lộc mà các tiểu thuyết võ hiệp, tiểu thuyết lịch sử Trung Hoa thường hay nhắc tới, đó là câu: "Đuổi bắt Hươu ở Trung Nguyên". Theo SỬ KÝ- Hoài Âm Hầu Liệt Truyện có câu: 秦失其鹿, 天下共逐之. 史 记·淮阴侯列传.  Tần thất kỳ lộc, thiên hạ cộng trục chi. Có nghĩa: Nước Tần để xẩy mất con nai, thiên hạ đua nhau đuổi bắt. Ý chỉ: Tần để mất nước, nên thiên hạ đua nhau giành lấy. Theo tích sau đây:
       Sau khi diệt Trần Hi, Lưu Bang về đến kinh thành thì Lữ Hậu đã giết Hàn Tín rồi. Lưu Bang hỏi trước khi chết Hàn Tín có nói gì không?  Lữ Hậu đáp là: Trước khi chết, Hàn Tín đã ngước mặt lên trời than rằng: "Ta rất hối hận vì đã không nghe theo kế của Khoái Thông!"  Khoái Thông là mưu sĩ của đất Tề. Lưu Bang nghe nói, bèn cho người triệu Khoái Thông đến hỏi rằng: "Nghe nói nhà ngươi xui Hàn Tín tự lập làm Vua, có không?"  Khoái Thông đáp rằng: "Đúng vậy, Tiểu tử đó không nghe theo lời tôi khuyên, nếu nghe theo tôi, thì ngày nay ông có còn làm vua được hay sao?"  Lưu Bang giận, ra lệnh vứt Khoái Thông vào vạc dầu. Khoái Thông la lớn: "Oan cho tôi!"  Lưu Bang hỏi: "Rõ ràng ngươi xúi hắn phản ta, còn kêu oan nổi gì?"  Khoái Thông đáp rằng: "Tần thất kỳ lộc, thiên hạ cộng trục chi, ư thị cao tài tật túc giả tiên đắc yên.  秦失其鹿,天下共逐之,於是高材疾足者先得焉".  Có nghĩa: "Nước Tần để xẩy mất con Hươu, thiên hạ cùng tranh nhau giành bắt lấy. Ai cao lớn giò dài chạy nhanh thì bắt được mà thôi."  Đuổi bắt hươu ở Trung Nguyên là thế.  Ai cũng có quyền tranh giành bắt lấy nó, các lộ anh hùng đều có binh mã riêng của mình. Ai vì chúa nấy mà không cần biết đến người khác. Lúc đó tôi đang theo phò Hàn Tín, nên chỉ biết có Hàn Tín mà thôi, đâu biết có Ngài. Tôi khuyên Hàn Tín xưng vương đó là lòng trung thành của tôi đối với Hàn Tín, sao lại nói là có tội? Vả lại, lúc bấy giờ rất nhiều lộ quân nổi dậy để tranh giang sơn của nhà Tần, bây giờ, họ cũng đã quy thuận, chẳng lẽ Bệ Hạ còn muốn bắt họ về để giết hết hay sao?  Lưu Bang nghe nói chí lý, bèn ra lệnh tha cho Khoái Thông không giết.
         Truyện nầy cho ta đến mấy thành ngữ sau đây:
    TẦN THẤT KỲ LỘC 秦失其鹿 : là Nhà Tần đánh mất con hươu, tức là Nhà Tần để mất thiên hạ.  
    TRỤC LỘC TRUNG NGUYÊN 逐鹿中原 : là Đuổi bắt con hươu ở đất Trung Nguyên, tức là chiếm lấy đất Trung Nguyên.
    QUẦN HÙNG TRỤC LỘC 群雄逐鹿 : là Các lộ anh hùng khắp nơi đều đuổi bắt hươu, đều muốn làm vua Trung Nguyên.
    CAO TÀI TẬT TÚC 高材疾足 : là Thân thể cao to, giò cẳng mau lẹ, chỉ những người có tài và nhanh nhẹn nắm bắt thời cơ.
    TIỆP TÚC TIÊN ĐĂNG 捷足先登 : là Nhanh chân thì lên trước, nghĩa là: Ai đến trước chiếm được ưu thế trước. Dân Nam Kỳ Lục Tỉnh nói là: Thằng nào tới trước thì làm cha!

      Image result for 秦失其鹿,天下共逐之,於是高材疾足者先得焉。
                Tiệp túc tiên đăng : Nhanh chân thì lên trước
 
       Có tất cả 38 chữ được ghép bởi bộ LỘC nầy, tiêu biểu có :
    XẠ 麝 : là Một loại Hươu nhỏ, không có sừng, có túi tiết ra mùi thơm ở phía trước bụng, gọi là XẠ LỘC 麝鹿. Ta thường nghe câu nói: HỮU XẠ TỰ NHIÊN HƯƠNG 有麝自然香: là Nơi nào có con XẠ thì nơi đó tự nhiên sẽ có mùi thơm. Sau dùng rộng ra để chỉ: Nếu ai làm việc thiện thì tự nhiên sẽ được tiếng tốt, và nếu là người tốt thì tự nhiên sẽ có tiếng lành đồn xa mà thôi! Nhưng ...
    XẠ THỬ 麝鼠 : là con Chuột Chù, Chuột Xạ thì lại có mùi... không thơm tí nào cả, khác với ...
    XẠ HỒ 麝狐 : là con Chồn Hương thì lại có mùi thơm... thoang thoảng. Người Hoa gọi những người HÔI NÁCH là HỒ XÚ 狐臭: là có mùi hôi của loài chồn.
           Tiêu biểu cho bộ LỘC còn có chữ :
    KỲ LÂN 麒麟 : Tên của một trong 2 con vật thần thoại của Tứ Linh là: Long, Lân, Qui, Phụng. Chỉ có Qui và Phụng là có thật, còn Long (Rồng) và Lân (Kỳ Lân) là hai con vật chỉ có trong truyền thuyết.
    KỲ LÂN 麒麟 tượng trưng cho các bậc thánh nhân, theo truyền thuyết, trước khi bà Nhan Thị sinh ra đức Khổng Tử thì có Kỳ Lân xuất hiện ở nước Lổ. Kỳ Lân còn tượng trưng cho các bậc minh quân thánh chúa, cho những người tài giỏi, cho con trai, nên trong ngày thành hôn, trước tân phòng của cô dâu chú rể thường được dán 4 chữ: KỲ LÂN ĐÁO THỬ 麒麟到此 để mong ước cho sớm sanh Con Trai qúy hiển, nên...
    LÂN TỬ 麟子 : là Chỉ con trai của các bậc quyền quý, hay sẽ trở nên quyền qúy. Sau dân gian dùng rộng ra đều gọi con trai là Lân Tử, tức là Qúy Tử 貴子 đó vậy!
    KỲ LÂN là con thú nhân từ, mang lại điềm lành cho phong hòa vũ thuận, có câu: Kỳ Lân xuất thế là điềm của thiên hạ thái bình, nên hằng năm vào ngày Tết Nguyên Đán ta có tục lệ múa Lân là muốn cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, và các đoàn lân sau khi múa xong thường để lại tấm thiệp chúc xuân có 4 chữ:
    LÂN CHỈ TRÌNH TƯỜNG 麟趾呈祥 : có nghĩa là: Dấu chân của con lân đi tới đâu là để lại điềm lành, điềm cát tường cho nơi đó.
    KỲ LÂN CÁC 麒麟閣 : là Dãy lầu có trạm trổ hình Kỳ Lân và hai bên có tượng Kỳ Lân đứng chắn hai bên phía trước do  vua Hán Tuyên Đế xây nên để trưng các hình đồ họa của các bậc công thần có công với vua với nước.
        
               Múa Lân và Lân Chỉ Trình Tường   -   Kỳ Lân      
      Tiêu biểu cho bộ LỘC 鹿 còn có chữ :
      LỆ 麗 : là Đẹp rực rỡ.  Đi với chữ MỸ để cho từ kép MỸ LỆ 美麗 là  Đẹp Đẽ, chỉ vẻ đẹp hoàn hảo không chê vào đâu được. MỸ NHÂN 美人 là Người đẹp bình thường, nhưng LỆ NHÂN 麗人 là Người đẹp rực rỡ. LỆ NHẬT 麗日 Không phải chỉ Mặt Trời đẹp, mà là chỉ Nắng đẹp rực rỡ. Ta có thành ngữ PHONG HÒA NHẬT LỆ 風和日麗 để chỉ thời tiết đẹp đẽ của mùa xuân: Gió xuân hòa dịu, nắng xuân rực rỡ làm say đắm lòng người. Nhớ năm 27 tuổi, khi cưới vợ tôi đã tự mình viết câu đối dán 2 bên của chữ TÂN HÔN như sau:
                   Nhựt lệ phong hòa, môn đình hữu hỉ;
                     日   麗    風     和,  門   庭    有   喜;
                   Nguyệt viên hoa hảo, gia thất hàm nghi.
                     月       園    花   好, 家    室   咸    宜。
Có nghĩa :
           Nắng đẹp gió hòa, đúng lúc gia đình có hỉ sự;
           Trăng tròn hoa đẹp, gia đạo mọi việc đều tốt lành.
      26 năm sau, con trai tôi cưới vợ, thấy cuộc sống của vợ chồng tôi cũng tốt đẹp yên vui, nên tôi viết lại câu đối trên cho hôn lễ của con tôi. Đến nay cũng đã 17 năm rồi. Hi vọng mười năm sau thằng cháu nội cưới vợ, lại có dịp viết lại câu đối trên cho nó đủ... 3 đời hôn lễ.

          Image may contain: 2 people, people standing and wedding  Image may contain: 12 people, people smiling, people standing, wedding and outdoor
             26 năm trước (1974)          26 năm sau (2000).
           ( Phóng lớn hình của 2 cặp đứng dưới chữ Tân Hôn
                       sẽ thấy hai đôi liễn giống nhau.)
          
      Cuối cùng là một chữ nhiều nét nhất trong bộ LỘC 鹿 mà cũng là chữ nhiều nét nhất trong chữ NHO xưa, đó là chữ :
     THÔ 麤 : gồm có 3 chữ LỘC 鹿  chồng lên nhau, mỗi chữ LỘC có 11 nét, vị chi là 33 nét, là chữ nhiều nét nhất trong Hệ Thống chữ Hán cổ.
     THÔ 麤 : là Thô Kệch, là Kềnh Càng, là Không khéo léo chút nào cả! THÔ 麤 nầy cũng thông dụng với chữ THÔ 粗 là THÔ TỤC 粗俗, THÔ LỔ 粗魯, THÔ BẠO 粗暴, THÔ THIỂN 粗淺...
     THÔ TÂM 粗心 : là Lơ Là không để ý, Ta có thành ngữ THÔ TÂM  ĐẠI Ý 粗心大意 là Lơ đểnh không tập trung, giới bình dân gọi là Lơ lơ Láo láo, là Xớn xa xớn Xác.
     THÔ TRÀ ĐẠM PHẠN 粗茶淡飯 : là Trà Thô Cơm Lạt, ta nói là Cơm Canh Đạm Bạc, Dưa Muối Qua Ngày.
     THÔ CHI ĐẠI DIỆP 粗枝大葉 : là Cành Thô Lá Lớn, chỉ các loại cây kềng càng, Cành To Lá Lớn, đồng thời cũng dùng để chỉ những người Thô Kệch, Cao Lớn Dềnh Dàng, Lớn xác. Thành ngữ nầy trái với thành ngữ KIM CHI NGỌC DIỆP 金枝玉葉 là Cành Vàng Lá Ngọc: dùng để chỉ Con cái thân tộc của vua chúa ngày xưa. Ngày nay dùng để chỉ những người cao sang quyền qúy, mảnh mai ẻo lả. 

           Inline image  Inline image
                Thô chi đại diệp                 Kim chi ngọc diệp
 
      Như thường lệ, trước khi kết thúc bài viết nầy, mời tất cả cùng đoán một chữ cho vui:
                    Ngã vô tha hữu,     我無他有,
                    Thiên vô địa hữu.   天無地有。
                    Hồ vô trì hữu,        湖無池有,
                    Dĩ lệ dã hữu !        迤邐也有。
Có nghĩa :
                      Ta không có hắn có,
                      Trời không có đất có.
                      Hồ không có ao có,
                      Lần lược rồi cũng sẽ có!

                 Đoán một chữ với 4 câu trên!

          Hẹn bài viết tới : Các bộ 11 nét (tt và hết).

                                   Đỗ Chiêu Đức

Mời xem : Chữ Nho Dễ Học - Bài 31