31 thg 7, 2020

#216. Tập trị liệu giảm đau khớp gối

Cây Me Già-Cao Văn Bắc-K13 spsg (KY 60 Năm SPSG )

Cây me ngày ấy nay đã già
Quả không còn ngọt được như xưa
Kẻ đi qua lại nhìn hờ hững
Me cũ người xưa đã nhạt nhoà
Có những buổi chiều về chầm chậm, ngồi bên hiên sau nhà trong một không gian thanh bình tĩnh lặng, nhìn mông lung thả hồn vào cõi xa xăm, ông giáo già đôi đi khi chợt nhớ về cây me già trong sân nhà nơi quê mình.
Cây me có tự bao giờ, ông cũng không nhớ rõ lắm. Khi còn là chàng giáo sinh mơ mộng, đã thấy chú me con mọc trong sân. Thấy hay hay, chàng không nỡ nhổ bỏ một sinh linh bé bỏng mong manh như thế. Có lẽ một cô bé hàng xóm nào đó ăn me, liệng hột vào sân nhà chàng cho bõ ghét vì mặt chàng thuở đó đã khó ưa lại còn tự cho mình đẹp trai quá xá cỡ. Vậy là sân nhà chàng có được cây me dễ thương.
Suốt những năm tháng xa nhà làm anh giáo làng, cây me âm thầm lớn lên từng ngày. Mỗi lần về phép là mỗi lần thấy anh bạn me cao hơn, sức sống mãnh liệt hơn. Khi chàng chuyển về gần nhà thì cây me đã trưởng thành, vạm vỡ, mạnh mẽ và đầy nhựa sống. Những trái me bắt đầu xuất hiện trên cây làm không ít các cô bé đi ngang nhà phải ngước lên nhìn thèm thuồng mà không thèm nhìn chủ của nó đang bâng khuâng đứng dưới gốc me dõi theo. Có một cô trong xóm khi chàng bắt đầu làm anh giáo làng ở huyện miền núi xa xôi thì còn bé lắm. Lúc chàng về đã thành thiếu nữ xinh xinh, muốn tặng nàng những trái me chín để làm quen nhưng rồi lại ngại, thấy mình sao quá đỗi vô duyên ai lại mang me đi dụ dỗ người bao giờ. Nghe đâu nàng cũng chọn nghiệp bảng đen phấn trắng.
REPORT THIS AD

Vào mùa me cho trái, dù sợ ngã chàng vẫn liều mình trèo hái những quả me chín và gần chín. Chàng chọn những quả đẹp, gói ghém cẩn thận giấu giếm vào cái túi vải đựng mìn trong chiến tranh của lính mà chàng dùng làm túi đựng sách vở mang đi dạy. Chàng mời các cô đồng nghiệp trẻ, dễ thương và dĩ nhiên là còn độc thân những quả me nhà chàng. Me ngọt, người ăn thích nhưng không để ý hay đoái hoài gì đến người tặng me, chàng buồn quá đỗi, thất vọng lắm đi thôi. Bạo gan, chàng còn mời cả các cô xuống nhà chàng cho chàng trổ tài leo cây, hái me chín cây ăn. Nhưng rồi công chàng cũng thành công cốc, dã tràng xe cát, chỉ có các trái tim xao xuyến vì những quả me mà không vì chàng. Tim chàng run rẩy đong đưa như những trái me trên cành qua từng cơn gió rồi rơi rụng theo trái me rơi. Lúc me trở nên già, không còn cho những quả ngọt ngào hấp dẫn với vị chua mê hoặc thì chẳng ai thèm me chàng nữa. Chàng cũng trở nên già như me, cằn cỗi nhăn nheo, nét hào hoa lãng tử không còn nên còn quyến rũ được ai nữa đâu, còn trẻ với vẻ đẹp phong trần có vũ khí là những quả me đầy cám dỗ mà còn không một con tim rung động huống chi bây giờ. Thế rồi ông giáo làng gặp may, thánh nhân thường đãi kẻ khờ dại, có một kẻ không thích ăn me nhưng thích ông giáo làng gầy còm xấu xí, nàng bằng lòng về nhà chàng để cùng làm người quét lá me với ông.
Cây me đã cùng chàng giáo làng qua bao thăng trầm biến động đổi thay dâu bể của thời thế và đời người. Me đã đau buồn khóc thương, tiễn biệt má chàng giã từ cuộc đời này đi vào cõi hư vô vĩnh hằng. Lão me cũng chứng kiến các cô em chàng lớn lên, trưởng thành rồi chia tay lão để xây dựng một cuộc sống mới với những người dưng khác họ. Hẳn lão me cũng cảm thông chia sẻ và chung vui với chàng khi có cô người lạ đến ở cùng chàng, quét lá me rơi, nhặt những quả me khô rụng. Cây me già cùng hạnh phúc với ông giáo làng khi các con ông chào đời, lớn lên, nô đùa chạy nhảy dưới bóng mát, thỉnh thoảng ngồi học bài bên gốc me.
Nhớ những buổi trưa mắc võng nằm đong đưa dưới gốc, lão me già thủ thỉ tâm sự với ông giáo làng bao chuyện buồn vui cuộc đời, chuyện nhân sinh, chuyện thời cuộc, chuyện nhân tình thế thái, chuyện buồn vui sướng khổ trong đời. Ông giáo làng với lão me đã là tri kỷ, trải qua bao năm tháng dãi dầu. Đã cùng lớn lên rồi già đi, chia tay lão me ông giáo già buồn lắm. Đành vậy, cuộc đời vốn dĩ nó đã thế, gặp gỡ rồi chia tay, hợp rồi tan.
Cao Văn Bắc-K13 Sư Phạm Saigon

Nghêu sò nhả sạch cát, rau củ và thịt cá cũ trở nên "tươi rói" với phương pháp của người Nhật

Chỉ cần ngâm trong nước ấm 50°C, nghêu sò có dơ đến mấy cũng phải nhả sạch hết cát, rau củ quả dù héo hay thịt cá cũng trở nên tươi rói như mới. Nghe có vẻ viễn vong quá nhỉ?
Từ trước đến nay, chúng ta vẫn hay rửa thực phẩm với nước lạnh thông thường, tuy nhiên với ông Kazumasa Hirayama - đại diện của Hiệp hội nghiên cứu Công nghệ Nấu ăn Nhật Bản, việc rửa thực phẩm trong nước lạnh không mang lại đến hiệu quả tốt bằng việc rửa với nước ấm 50°C. Ông chia sẻ, việc rửa với nước ấm (hay 50 degree washkhông chỉ đơn thuần là làm sạch thực phẩm mà nó còn có nhiều công dụng hay ho khác.

1 / Giúp nghêu, sò, ốc,... nhả sạch cát

Có rất nhiều phương pháp để loại bỏ sạch cát trong những loại hải sản như nghêu, sò, ốc,... chẳng hạn như ngâm trong nước có thêm ớt, ngâm trong nước muối có pha giấm,...Tuy nhiên, ông Kazumasa Hirayama chia sẻ rằng có một bí quyết đơn giản hơn rất nhiều và hiệu quả hơn gấp bội đó chính là ngâm nghêu, sò trong nước ấm 50°C khoảng 5 phút.
Ở mức nhiệt độ này, nghêu sò dù có nhiều cát đến mấy cũng phải nhả sạch không còn một hạt. Không tin thì cứ thử đi nhé!

2 /Giúp rau củ, quả héo trở nên “tươi rói”

Ngâm rau củ trong nước ấm 50°C sẽ giúp rau củ tươi trở lại, nghe thật chẳng đáng tin tí nào. Tuy nhiên, một quán ăn ở Nhật đã áp dụng phương pháp này và kết quả lại không tưởng, chủ quán vui vẻ chia sẻ rằng rau củ, quả sẽ tươi trở lại sau khi ngâm trong nước ấm 50°C khoảng 5 phút.
 Ông Kazumasa Hirayama lý giải rằng, 50°C là mức nhiệt độ trước khi màng tế bào của thực vật bị phá vỡ, nhiệt độ này là hoàn hảo để màng tế bào mở ra, hấp thụ nước và cấp ẩm cho rau tươi mới hơn, ngoài ra mọi bụi bẩn hay các loại côn trùng nhỏ cũng được rửa dễ dàng hơn. Trái cây rửa với nước ấm 50°C sẽ chín mọng và ngọt hơn sau 2 hoặc 3 ngày được làm lạnh.

3 / Giúp thịt, cá tươi và có hương vị ngon hơn

Không dừng lại với các loại rau củ trái cây mà các loại thực phẩm như thịt cá khác khi được rửa trong nước ấm 50°C sẽ trở nên ngon hơn, thời gian sử dụng cũng dài hơn. Lý do là bởi vì nhiệt độ của nước sẽ cuốn đi những chất dầu mỡ bị oxy hóa trên bề mặt của thịt cá, giúp chúng trở nên tươi và ngon hơn.
Ông còn chia sẻ thêm rằng đối với các loại sashimi ông cũng rửa trong nước ấm. Cách này sẽ làm cho hương vị của miếng sashimi trở nên thơm ngon hơn rất nhiều mà không hề làm chín hay mất đi hương vị đặc trưng của món sashimi.

4 / Rã đông thực phẩm

 50°C chính là nhiệt độ lý tưởng nhất để rã đông các loại thực phẩm trong tủ lạnh nhà bạn như thịt, cá, gà,... Với nhiệt độ này thì thịt, cá sẽ được rã đông một cách nhanh chóng mà không hề làm ảnh hưởng đến chất lượng, hương vị của món ăn.
Nhiều bạn thắc mắc rằng làm sao để có được nước ấm chuẩn 50°C để làm theo phương pháp này. Nếu như nhà bạn có dụng cụ đo nhiệt độ thì mọi việc đơn giản hơn rất nhiều rồi, tuy nhiên theo như một số người chia sẻ thì chỉ việc pha nước trong vòi (tầm 20-25°C) với nước sôi (tầm 100°C ) theo tỷ lệ 1:1 là sẽ có được nước ấm 50°C. Nếu không tin thì hãy áp dụng ngay phương pháp này nhé.
Hy vọng qua bài viết này các bạn đã có thêm một mẹo hay thật hữu ích để áp dụng vào công việc nội trợ hàng ngày rồi. Chúc các bạn thành công với phương pháp này nhé!

(H.Phi chuyển)


Địa Linh Nhơn Kiệt Của Nam Kỳ Lục Tỉnh - Lâm Vĩnh Thế

Người Việt Nam ai cũng biết rõ sự trù phú về mặt vật chất của miền đồng bằng Đồng Nai – Cửu Long, miền đất ‘làm chơi ăn thiệt,” với ruộng lúa mênh mông “cò bay thẳng cánh,” với sông rạch chằng chịt nhiều tôm cá đến nổi có nhiều nơi, như trong vùng U Minh chẳng hạn, người dân có thể nói đùa là “muốn múc nước sông thì phải lấy tay vạch cá ra rồi mới múc nước được.” Nhưng có lẽ ít người chịu khó tìm hiểu để biết thêm rằng về mặt đời sống tinh thần, Miền Nam cũng là một vùng “địa linh nhơn kiệt” không kém bất cứ miền đất nào trên lãnh thổ của Việt Nam. Bài viết này cố gắng tìm hiểu sự phong phú của miền đất Nam Kỳ Lục Tỉnh về khía cạnh tinh thần này, xuyên qua tấm gương của một vài nhân vật tiêu biểu.
Lâm Vĩnh Thế - Địa Linh Nhơn Kiệt Của Nam Kỳ Lục Tỉnh

Nhà giáo Võ Trường Toản (?-1792)

Trong thời gian hậu bán thế kỷ thứ 18, đất Nam Kỳ trãi qua một giai đoạn chiến tranh, với những trận đánh gần như liên tục giữa các lực lượng của Chúa Nguyễn và Tây Sơn, với kết quả sau cùng là nhà Tây Sơn bị diệt và Nhà Nguyễn được thiết lập với vị vua đầu tiên là Gia Long (1802-1820).

Chính trong thời gian này, nhà giáo Võ Trường Toản đã có công đào tạo được rất nhiều nhân tài của đất Gia Định về sau sẽ là những bậc khai quốc công thần rất lỗi lạc của triều Nguyễn.

Hiện nay vẫn chưa tìm được đầy đủ thông tin về nguồn gốc gia đình và ngày sanh của cụ Võ. Điều được biết chắc chắn là ông tổ của cụ là người Minh Hương, không chịu thần phục nhà Thanh, đã rời Trung Hoa, di tản sang Đàng Trong, Đại Việt, sinh sống tại làng Thanh Kệ, thuộc Dinh Quảng Đức (về sau là huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên), đến các đời sau thì di chuyển vào Miền Nam, sinh sống tại Bình Dương thuộc Gia Định. Cụ Võ là người tư chất thông minh, học rộng, có tài đức nhưng lúc đó trong nước loạn lạc, chiến tranh liên miên nên Cụ quyết chí dành trọn cuộc đời mình để đào tạo nhân tài cho tương lai, nhứt quyết không chịu ra làm quan dù được Chúa Nguyễn (Nguyễn Phúc Ấnh, sau lên ngôi là vua Gia Long) lúc đó đã cho người đến mời cụ ra giúp. Để đáp lại hảo tâm của Chúa Nguyễn, cụ đã dâng lên cho Chúa một bảng kế hoạch gồm 10 điểm để bình định xứ sở. Cụ mất ngày Bính Tý (mùng 9), tháng Đinh Mùi (tháng 6) năm Nhâm Tý, (nhằm ngày 27-7-1792 dương lịch). Chúa Nguyễn vô cùng thương tiếc, đã ban cho cụ danh hiệu “Gia-ĐỊnh xử-sĩ Sùng-Đức Võ tiên sinh” với một đổi liễn điếu như sau:

Triều hữu huân danh, bán thuộc Hà Phần cựu học;

Đẩu nam phong giáo, tề khâm Nhạc Lộc dư uy.

Xin tạm dịch nghĩa như sau:

Tại triều đình tên đã rực rỡ, nửa phần do sở học từ đất Hà Phần (1)

Việc giáo huấn như ngôi sao sáng tại phương Nam, sánh bằng hương thơm ở đất Nhạc Lộc (2)

(Chú thích: (1) Hà Phần: chỗ ở và nơi dạy học của của Vương Thông (584-617), danh nho đời nhà Tùy; (2) Nhạc Lộc: chỗ ở và nơi dạy học của Chu Hi (1130-1200), danh nho đời Nam Tống)

Cụ được an táng tại làng Hòa Hưng, Gia Định. Sau khi 3 tỉnh Miền Đông Nam Kỳ bị quân Pháp đánh chiếm, do chủ trương của cụ Phan Thanh Giản, Kinh Lược Sứ đất Nam Kỳ và với sự hỗ trợ của cụ Nguyễn Thông, Đốc Học của tỉnh Vĩnh Long, mộ cụ được cải táng về làng Bảo Thạnh, huyện Ba Tri (Bến Tre).[1]

Lúc sinh tiền, tại nơi Cụ Võ dạy học, có lúc số môn sinh lên đến hàng trăm người từ khắp nơi về xin theo học. Một số khá đông môn sinh của Cụ đã trở thành những bậc khai quốc công thần của triều Nhà Nguyễn. Tác giả bài viết này chỉ xin được nêu ra một vài vị tiêu biểu như sau:

Ngô Tùng Châu (?-1801): người gốc Phù Cát, Bình Định, sau vào Nam, sinh sống tại Gia Định, và theo học với Cụ Võ. Sau khi chiếm lại được đất Gia Định từ quân Tây Sơn vào năm 1787, Nguyễn Vương ra sức xây dựng và phát triển vùng đất này để làm cơ sở tiến đánh và tiêu diệt Tây Sơn, thống nhứt đất nước. Nhờ có học, Ngô Tùng Châu được vào làm việc tại Viện Hàn Lâm. Năm 1789, Nguyễn Vương đặt ra chức Điền Tuấn Quan là chức quan có nhiệm vụ “đi về các trấn để khuyến khích, thúc đẩy và giúp đỡ dân làm ruộng.” [2] Ngô Tùng Châu đã được bổ nhiệm vào chức vụ Điền Tuấn Quan này. Ông thăng cấp dần lên đến Tham Tri Bộ Lễ, và được chỉ định làm thầy dạy (Phụ Đạo) cho Đông Cung Cảnh. Năm 1799, Nguyễn Vương đánh chiếm được thành Quy Nhơn, đổi tên lại là thành Bình Định, bổ nhiệm Ngô Tùng Châu làm Hiệp-Trấn cùng cai quản thành với tướng Võ Tánh. Năm 1800, đại quân Tây Sơn, do 2 tướng Võ Văn Dũng và Trần Quang Diệu chỉ huy, kéo đến vây thành Bình Định; viện quân của Nguyễn Vương không giải vây được. Võ Tánh và Ngô Tùng Châu đốc thúc binh sĩ hết sức cố gắng giữ thành được gần một năm. Mùa hạ năm 1801, binh sĩ quá mỏi mệt, lương thực cũng không còn, việc chống giữ thành không còn có thể thực hiện được nữa. Võ Tánh tự thiêu, sau khi quyết định giao thành cho quân Tây Sơn để đổi lấy sự an toàn tính mạng cho binh sĩ. Ngô Tùng Châu cũng quyết định chết theo thành bằng cách uống thuốc độc tự tử. Nguyễn Vương vô cùng thương tiếc. Sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã phong tặng Ngô Tùng Châu làm Tán Tri Công Thần, Đặc Tiến Kim Tử Vinh Lộc Đại Phu, Trụ Quốc, Thái Tử Thái Sư, Quận Công, thụy Trung Ý, để thờ chung với Võ Tánh ở đền Hiển Trung tại Bình Định, và cũng cho được cùng thờ trong Thế Miếu tại Huế.[3]

Ngô Nhơn TỊnh (?-1813): cùng là học trò của Cụ Võ và cũng ra làm quan giúp Nguyễn Vương cùng một lúc với 2 bạn thân là Lê Quang Định và Trịnh Hoài Đức, lúc đầu lãnh chức Hàn Lâm Viện Thị Độc sau thăng dần lên đến chức Hữu Tham Tri Bộ Hình. Năm 1802, ông là Phó sứ cùng với Chánh sứ là Trịnh Hoài Đức sang Nhà Thanh để thông báo việc dứt nhà Tây Sơn và cầu phong. Năm 1811 ông là Hiệp-Trấn Nghệ An và đã vào kinh xin vua hoãn thuế cho dân. Năm sau, 1812, ông thăng lên làm Thượng Thư Bộ Công, và sau đó được bổ nhiệm chức Hiệp-Tổng-Trấn Gia Định Thành, phụ giúp cho Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt. Năm 1813, cùng với Lê Văn Duyệt, ông hộ tống vua Chân Lạp là Nặc Ông Chân về nước. Cũng trong năm này, ông bị gièm pha khiến vua Gia Long nghi ngờ, ông buồn phiền, mang bệnh mà mất, an táng tại làng Chí Hòa ở Gia Định, không được vua Gia Long truy tặng. Mãi đến đời vua Tự Đức ông mới được truy tặng Kim Tử Đại Phu, Chính Trị Vinh Lộc Thượng Khanh, tước Tịnh-Viễn-Hầu, thụy Túc-Gian và được đưa vào thờ tại miếu Trung Hưng Công Thần ở Huế. Lúc sinh thời, ông cùng hai bạn là Lê Quang Định và Trịnh Hoài Đức cùng sinh hoạt văn chương trong nhóm Bình-Dương Thi-Xã, và được dân chúng gọi chung là Gia Định Tam Gia.[4, 5]

Lê Quang Định (1760-1813): ông người Minh Hương, nguyên quán huyện Phú Vang, Thừa Thiên, mồ côi từ nhỏ, theo anh vào Nam, sống tại Bình Dương, theo học với Cụ Võ, và là bạn thân của hai ông Ngô Nhơn Tịnh và Trịnh Hoài Đức. Năm Mậu Thân 1788, khi Nguyễn Vương mở khoa thi chọn nhân tài giúp việc, ông cùng với Lê Quang Định dự thi và đều trúng tuyển. Ông được bổ làm Hàn Lâm Viện Chế Cáo, lo việc văn thư. Sau đó, ông cũng làm Điền Tuấn Quan cùng với Ngô Tùng Châu và Trịnh Hoài Đức một thời gian, sau thăng dần lên đến chức Hữu Tham Tri Bộ Binh, cùng với tướng Nguyễn Văn Nhân giúp Đông Cung Cảnh giữ thành Gia Định. Năm 1801, ông được triệu ra Bắc giữ chức Hiệp-Trấn Thanh Hóa, và năm sau, 1802, vua Gia Long lên ngôi và thăng cho ông lên làm Binh Bộ Thượng Thư, cầm đầu sứ bộ sang Nhà Thanh cầu phong. Sau khi trở về nước, ông tiếp tục giữ chức Binh Bộ Thượng Thư. Trong thời gian này, ông cũng được vua Gia Long giao cho nhiệm vụ biên soạn bộ sách địa dư chí đầu tiên của Nhà Nguyễn là bộ Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí, gồm tất cả 10 quyển, 1268 trang, viết bằng chữ Hán, mà ông đệ trình lên vua Gia Long vào ngày 20 tháng 11 năm Bính Dần, niên hiệu Gia Long thứ 5 (nhằm ngày 29-12-1806).[6] Năm 1809, ông được vua Gia Long chuyển sang làm Thượng Thư Bộ Hộ kiêm quản luôn Khâm Thiên Giám. Ông mất năm 1813, và được đưa vua Gia Long cho đưa vào thờ trong miếu Trung Hưng Công Thần. [7, 8]

Trịnh Hoài Đức (1765-1825): ông cũng là người Minh Hương, cùng theo học cụ Võ Trường Toản với hai người bạn thân là Ngô Nhơn Tịnh và Lê Quang Định. Cùng với Lê Quang Định, ông tham dự và trúng tuyển kỳ thi do Nguyễn Vương tổ chức năm 1788. Khi mới bắt đầu sự nghiệp, ông cũng từng làm Hàn Lâm Viện Chế Cáo và Điền Tuấn Quan như Lê Quang Định, sau đó thăng dần lên đến Hữu Tham Tri Bộ Hộ vào năm 1794. Năm 1801, ông thăng lên Thượng Thư Bộ Hộ, và năm sau, 1802, được cử cầm đầu sứ bộ sang Nhà Thanh để báo đã diệt xong nhà Tây Sơn. Năm 1804, khi sứ đoàn nhà Thanh do sứ thần Tề Bố Sum cầm đầu sang Bắc Thành phong vương cho vua Gia Long, ông cũng chính là Thông Dịch Sứ của cuộc đại lễ này. Với vốn kiến thức cao về chính trị và văn hóa của cả nước nước Việt – Hoa, cùng với bản chất khiêm tốn và trung thành, ông được cả hai vua Gia Long và Minh Mạng rất tin dùng. Ông đã hai lần giữ chức vụ Hiệp-Tổng-Trấn Gia Định Thành (1808 và 1816, cũng như đã từng kiêm giữ chức Thương Thư của hai Bộ cùng một lúc (Bộ Lại và Bộ Binh vào năm 1821; và Bộ Lại và Bộ Lễ vào năm 1823), cai quản cả Khâm Thiên Giám, và Phó Tổng Tài Quốc Sử Quán (1821), Chánh Chủ Khảo Khoa Thi Hội (1822), và Tổng Tài biên soạn Ngọc Phả (1824). Ông mất năm 1825, thọ 61 tuổi, được vua Minh Mạng truy tặng Thiếu Phó Cần Chánh Điện Đại Học Sĩ, thụy Văn Khắc, và cử Hoàng Tử Miên Định làm quan Khâm Sai đến tế.[9, 10] Ngoài những thi văn cá nhân cùng với hai bạn thân Ngô Nhơn Tịnh và Lê Quang Định, trong nhóm Bình Dương Thi Xã, kếp tập trong Gia Định Tam Gia Thi Tập, Trịnh Hoài Đức còn nổi tiếng với tác phẩm Gia Định Thành Thông Chí là một bộ địa chí và văn hóa nổi tiếng của vùng bất phía Nam của đất nước.[11] Riêng trong giới người Minh Hương, ông Trịnh Hoài Đức có một địa vị vô cùng đặc biệt, được mọi người tôn kính, gọi là Ông Trịnh, là người đã đích thân xét duyệt và chuẩn nhận Khoán Ước của Minh Hương Xã,[12] đến nay vẫn còn được thờ tại ngôi Đình Minh Hương Gia Thạnh [13] tọa lạc tại số 380 đường Trần Hưng Đạo B, quận 5, Chợ Lớn (Sài Gòn), với long vị như sau:

Đặc Tấn Vinh Lộc Đại Phu, Hữu Trụ Quốc, Thiếu Bảo Cần Chánh Điện Đại Học Sĩ, Trịnh Văn Cách Công

và đôi liễn thờ như sau:

Yến Bắc Thượng Thơ Hàm, Quang Phân Sở Bửu

Việt Nam Hữu Trụ Quốc, Chủng Tiếp Châu Phan

(có nghĩa như sau:

Yến Bắc, Thượng Thơ hàm, thẳng ngay chói rạng

Việt Nam, Hữu Trụ Quốc, trong sạch noi gương)

Trong lịch sử giáo dục của đất Nam Kỳ Lục Tỉnh chưa từng có một vị tôn sư nào đã đào tạo được nhiều vị khai quốc công thần cho triều đại Nhà Nguyễn như vậy cả. Cụ Võ Trường Toản thật xứng đáng được toàn thể dân chúng Miền Nam tôn là Cụ Tổ Giáo Dục cho toàn đất Nam Kỳ.

Nhà yêu nước Phan Thanh Giản (1796-1867)

Đất Nam Kỳ Lục Tỉnh, với 3 tỉnh Miền Đông (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường) và 3 tỉnh Miền Tây (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên) là phần lãnh thổ của Việt Nam đã bị thực dân Pháp đánh chiếm trước tiên (1862-1867) nên cũng là vùng đất mà các cuộc nổi dậy chống Pháp cũng diễn ra đầu tiên trong nước. Người dân Nam Kỳ Lục Tỉnh rõ ràng đã biểu hiện và tiếp nối truyền thống yêu nước chống ngoại xâm, vốn là một nét văn hóa đặc thù trong lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam. Hàng loạt những cuộc khởi nghĩa đã nổ ra dưới sự lãnh đạo và hy sinh anh dũng của các vị khoa bảng và các tướng lãnh: 1) Nguyễn Trung Trực đốt tàu L’Espérance của Pháp trên sông Nhựt Tảo (1861), tiếp tục chống Pháp ở Kiên Giang cho đến khi bị Pháp bắt và xử tử hình (1868); trước khi thọ án tử, ông còn đủ đảm lược để cảnh cáo giặc Pháp như sau: “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây;” 2) Thủ Khoa Huân, tên thật là Nguyễn Hữu Huân, đậu Thù khoa kỳ thi Hương tại Gia Định (1852), kháng chiến chống Pháp từ 1861 cho đến khi bị Pháp bắt được và xử tử hình (1875); 3) Trương Định, sau khi Pháp chiếm được Gia Định, đã tổ chức kháng chiến chống Pháp trong vùng Gò Công, Mỹ Tho, Tân An, Đồng Tháp Mười (1861-1864), được dân chúng tôn làm Bình Tây Đại Nguyên Soái, cho đến khi ông bị thương nặng và tuẩn tiết tại Gò Công.

Vượt lên trên tất cả những nhà ái quốc đã anh dũng hy sinh vừa kể (và còn nhiều, rất nhiều những vị khác nữa), tên tuổi cụ Phan Thanh Giản mãi mãi được người dân Nam Kỳ Lục Tỉnh tôn kính vì hành trạng hết sức đặc biệt của cụ.

Cụ Phan Thanh Giản sanh vào giờ Thìn, ngày Giáp Thân (ngày 12) tháng Kỷ Hợi (tháng 10) năm Bính Thìn (nhằm ngày 11-11-1796 dương lich) [14] tại xã Bảo Thạnh, huyện Bảo An, tỉnh Vĩnh Long (nay là huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) trong một gia đình nghèo, và mồ côi mẹ vào năm 7 tuổi. Với sự giúp đở về tài chánh của một vị ân nhân, ông cố gắng theo đuổi việc học và đậu Cử Nhân trong kỳ thi Hương khoa Ất Dậu (1825) và trở thành vị Tiến Sĩ đầu tiên của đất Nam Kỳ vào năm sau tại kỳ thi Hội khoa Bính Tuất (1826). Ông làm quan cho Nhà Nguyễn trãi qua 3 triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, thăng đến cấp Hiệp Biện Đại Học Sĩ, và trở thành một đại thần từng giữ những chức vụ rất quan trọng: Thượng Thư càc Bộ Hình và Bộ Hộ, Tổng Tài Quốc Sử Quán, Kinh Lược Sứ Nam Kỳ, cũng như nhiều lần cầm đầu các sứ bộ đi Trung Quốc, Nam Dương, Singapore, Pháp và Tây Ban Nha, và cũng từng là Cơ Mật Viện đại thần.

Năm 1863, sau khi Pháp chiếm 3 tỉnh Miền Đông Nam Kỳ, ông được vua Tự Đức cử làm Chánh Sứ cầm đầu một sứ bộ sang Pháp để điều đình chuộc lại 3 tỉnh đã mất. Ông có dịp trông thấy tận mắt và khâm phục nền văn minh khoa học kỹ thụật, nền tảng của sức mạnh quân sự của Pháp. Do đó ông đã có 2 câu thơ sau đây ca tụng sức mạnh khoa học kỹ thuật của Pháp:

Bá ban xảo kế tề thiên địa

Duy hữu tử sanh tạo hóa quyền

Dịch nghĩa:

Trăm chuyện đều hay tốt bằng trời đất

Chỉ có chuyện chết sống là thuộc quyền tạo hóa

Vì vậy, ông tuyệt đối tin chắc là nước nhà không thể nào thắng được Pháp về quân sự nên sách lược của ông là chủ hòa. Năm 1867, cũng vì lập trường chủ hòa này, ông đã để cho người Pháp chiếm dễ dàng luôn cả 3 tỉnh Miền Tây. Ông tự nhận thấy có tội đối với đất nước và dân tộc nên ông đã chọn cái chết bằng cách uống thuốc độc tự tử vào ngày Bính Thìn (mùng 5), tháng Mậu Thân (tháng7) năm Đinh Mão (nhằm ngày 4-8-1867 dương lich).[15]

Trong hơn 100 năm qua, đã có rất nhiều những lời buộc tôi ông, từ triều đình nhà Nguyễn, từ chính vua Tự Đức, từ những người Cộng sản, nhưng đối với người dân đất Nam Kỳ Lục Tỉnh, cụ Phan vĩnh viễn vẫn được tôn kính như một vị quan thanh liêm, chính trực, thương dân, và một sĩ phu khiêm tốn, yêu nước chân chính. Ngôi mộ của cụ tại làng Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre luôn luôn được giữ gìn và chăm sóc thật tốt, như chúng ta thấy trong tấm ảnh bên dưới đây:

Hình mộ cụ Phan Thanh Giản tại xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre,ảnh LCT

Gần đây, “tại Sài Gòn ngày 16.8.03, tạp chí Xưa & Nay – Hội Khoa học Lịch sử VN, Hội đồng Khoa học Xã hội phối hợp tổ chức tọa đàm khoa học “Thế kỷ XXI nhìn về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản” đã phổ biến một bản văn nói “Ý kiến đồng thuận chung là không thể coi Phan Thanh Giản là ‘kẻ bán nước.’ Nhân cách của Ông, cống hiến của Ông cho đất nước đã chiếm được tấm lòng ngưỡng mộ của nhân dân miền Nam.” Cuộc tọa đàm này là cuộc trao đổi tiếp theo hai cuộc hội nghị về những năm trước (1987 tại Bến Tre và 1994 tại Vĩnh Long) cũng nhằm đánh giá về cụ.” [16] Trong bài viết tổng kết cuộc hội thảo vô cùng quan trọng này, Tiến sĩ Phan Huy Lê, Chủ Tịch Hội Khoa Học Lịch Sử VN, đã có những ghi nhận đáng chú ý như sau: “Trong hội thảo, chúng ta đã chỉ ra trách nhiệm của PTG trong trách nhiệm chủ yếu thuộc về Tự Đức và triều Nguyễn, nhưng tất cả chúng ta đều nhất trí không nên và không thể gán cho ông cái tội "bán nước" hay "phản bội tổ quốc"… Qua cuộc hội thảo này, chúng ta thấy rõ những mặt hạn chế và bế tắc của PTG, nhưng đồng thời chúng ta cũng trân trọng ghi nhận những cống hiến tích cực của ông trong toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp, đánh giá cao nhân cách và phẩm chất cao quý của ông… Kết quả cuộc hội thảo cũng là cơ sở khoa học để Tỉnh uỷ và Uỷ ban Nhân dân hai tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre tham khảo trong biên soạn các sách về danh nhân quê hương, về giáo dục truyền thống, về xử lý những di tích liên quan đến PTG. Chúng tôi trân trọng đề nghị bảo tồn và tôn tạo toàn bộ các di tích về PTG, nhất là ngôi mộ ở Bến Tre, Văn Thánh Miếu và Văn Xương Các ở Vĩnh Long nhằm ghi nhớ và phát huy những phẩm giá, nhân cách cao quý của một người trí thức nặng lòng yêu nước thương dân nhưng cuối đời đã lâm vào cảnh bế tắc, bi kịch trong một bối cảnh gian truân và đau thương của đất nước.” [17]

Cụ Nguyễn,Đình Chiểu  tự là Mạnh Trạch, hiệu là Trọng Phủ, sau đổi lại là Hối Trai, sanh vào giờ Dậu (từ 5 giờ chiều đến 7 giờ tối) ngày Bính Tuất (ngày 13) tháng Bính Ngọ (tháng 5) năm Nhâm Ngọ, tức năm Minh Mạng thứ 3 (nhằm ngày 1-7-1822 dương lịch) tại làng Tân Khánh, tổng Bình Trị Thượng, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định (thuộc về Sài Gòn ngày nay). Thân sinh của Cụ tên Nguyễn Đình Huy, gốc người tỉnh Thừa Thiên, vào Gia Định làm việc cho Tả Quân Lê Văn Duyệt tại Văn Hàn Ty thuộc dinh Tổng Trấn, và lập gia đình với thân mẫu của Cụ là bà Trương Thị Thiệt, và Cụ chính là con trai trưởng của hai người. Cụ Nguyễn có tất cả 6 người em, ba em trai và ba em gái; ba người em trai là Nguyễn Đình Tựu, Nguyễn Đình Tự, và Nguyễn Đình Huân; ba người em gái là Nguyễn Thị Thục, Nguyễn Thị Nữ, và Nguyễn Thị Thành.[18]

Năm 1833, vị vụ nổi loạn của Lê Văn Khôi sau khi Tả Quân Lê Văn Duyệt mất, thân sinh của Cụ tìm cách dưa Cụ về Huế học tập. Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), Cụ được 21 tuổi, trở về Gia Định dự khóa thi Hương (Khóa Quý Mão) tại đây nhưng chỉ đậu được Tú Tài. Cụ tiếp tục cố gắng học. Năm Tự Đức thứ 3 (1849), Cụ trở ra Huế, chờ dự khóa thi Hương (Khóa Kỷ Dậu) một lần nữa, nhưng được tin mẹ mất, Cụ quyết định bỏ thi và trở về Gia Định để cư tang. Trên đường về Nam, vì quá thương mẹ, Cụ khóc quá nhiều, mang bịnh và bị mù cả hai mắt. Trong thời gian này cụ được một danh y hết sức chạy chửa nhưng không thành, tuy vậy, cụ có may mắn là được vị danh y này truyền cho nghề thuốc.[19]

Một năm sau, Cụ mới về đến quê nhà, mở trường day học để kiếm sống, sĩ tử nghe tiếng kéo đến xin thọ giáo rất đông. Từ đó trở đi Cụ nổi danh với tên “Đồ Chiểu” mà dân chúng dùng để gọi Cụ. Khi thành Gia Định thất thủ vào đầu năm 1859, cụ di chuyển về Cần Giuộc, và năm 1862 thì Cụ dọn về ở hẳn tại Ba Tri cho đến khi Cụ qua đời.[20] Cụ mất vào ngày Ất Hợi (ngày 24) tháng Mậu Ngọ (tháng 5) năm Mậu Tý (nhằm ngày 3-7-1888 dương lich, hưởng thọ 66 tuổi.[21] Ngày đưa tang Cụ, cả cánh đồng tại làng An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre trắng xóa khăn tang của bạn bè, môn sinh, cùng thân chủ được Cụ chửa khỏi bệnh và của bao người mến mộ tài năng, đức độ và lòng yêu nước của cụ.[22]

Cụ để lại một sự nghiệp văn chương rất đáng kể với các thi phẩm chữ Nôm lừng danh như Lục Vân Tiên, Dương Từ Hà Mậu, Ngư Tiều Y Thuật Vấn Đáp, và nhiều bài văn tế cũng rất nổi tiếng như Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc, Văn Tế Lục Tỉnh Sĩ Dân Trận Vong.

Biết rõ ảnh hưởng rất lớn của Cụ đối với giới sĩ phu và dân chúng Nam Kỳ Lục TỈnh, chính quyền Pháp đã nhiều lần tìm cách tiếp cận và mua chuộc Cụ nhưng đều không thành vì Cụ cương quyết không hợp tác với họ. Mặc dù vậy, một số khá đông người Pháp rất ngưỡng mộ Cụ và vì vậy họ đã có nhiều cố gắng giúp phổ biến tác phẩm Lục Vân Tiên nổi tiếng của Cụ không những cho người Việt mà còn cho cả người Pháp như chúng ta có thể thấy trong các phần kế tiếp sau đây của bài viết.

Tác phầm nổi tiếng nhứt của cụ, truyện thơ chữ Nôm Lục Vân Tiên, đã được in ra bằng chữ Quốc ngữ hai lần vào hậu bán thế kỷ thứ 19, lần đầu tiên vào năm 1867 (ngay khi Cụ còn tại thế) do một người Pháp là G. Janneau sao lục và chú thích, lần thứ nhì vào năm 1889 do văn hào Petrus Trương Vĩnh Ký sửa chửa. Ngoài ra, tác phẩm này cũng đã được dịch sang tiếng Pháp vào năm 1885 bởi Eugène Bajot, và đã được nhà xuất bản Challamet Ainé in vào năm 1887 tại Paris với nhan đề “Histoire du grand lettré Louc-Van-Te-ien.” [23]

Gần đây nhứt, năm 2010, Trường Viễn Đông Bác Cổ của Pháp (Ėcole française d’Extrême-Orient = EFEO) đã phát hiện được một tài liệu quý hiếm về tác phẩm Lục Vân Tiên đã bị bỏ quên, ngủ yên hơn một trăm năm trong sưu tập của Viện Hàn Lâm Văn Khắc và Văn Chương (Académie des Inscriptions et Belles-Lettres). Đó là tác phẩm Vân Tiên cổ tích truyện, minh họa bằng tranh mầu do Giám Thủ Thư Sử Lê Đức Trạch thực hiện, có đề ngày 18 tháng 6 niên hiệu Thành Thái thứ 9 (nhằm ngày 17-7-1897):

Nguyên văn chữ Hán là như sau:

Cột chữ lớn ở bên trên: Vân Tiên Cổ Tích Truyện

4 cột chữ nhỏ ờ bên dưới, đọc từ phải qua trái và từ trên xuống dưới:

. Thành Thái cửu niên lục nguyệt

. thập bát nhựt Giám thủ

. thư sử Lê Đức Trạch

. chế họa đồ thức

Cuốn truyện tranh mầu này được thực hiện theo yêu cầu của một sĩ quan người Pháp là Đại Úy Pháo Binh Eugène Gibert lúc đó đang phục vụ tại Huế, dựa trên bản dịch ra tiếng Pháp của Abel des Michels do nhà xuất bản Ernest Leroux ấn hành năm 1883 tại Paris. Sau khi trở về Pháp, ông Gibert đã trao tặng tác phẩm này cho Académie des Inscriptions et Belles-Lettres vào ngày 26-5-1899.

Ý thức được giá trị lớn lao của tác phẩm này đối với văn hóa Việt Nam, EFEO đã biên tập và chuyển ngữ tác phẩm để xuất bản tại Pháp và tại Việt Nam. Tác phẩm này đã được EFEO đồng xuất bản với Nhà Xuất Bản Văn Hóa – Văn Nghệ của Việt Nam (bằng ba ngôn ngử Việt-Pháp-Anh, và gồm 2 tập) vào năm 2016:

Sự khám phá quan trọng này đã được công bố trong một buổi lễ long trọng có triển lãm tại Tòa Tổng Lãnh Sự Pháp tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 30-5-2016:[24]

Thay Lời Kết

Vùng đất phía Nam của tổ quốc, tuy là một vùng đất mới, chỉ có lịch sử hơn 300 năm thôi, nhưng đã có những đóng góp rất đáng kể trong lịch sử cận và hiện đại của nước nhà về cả hai phương diện chính trị và kinh tế. Riêng về mặt văn hóa, càng ngày càng có nhiều công trình nghiên cứu phát hiện và xác định rõ ràng những đóng góp lớn lao, không thể chối cải được, của vùng đất Nam Kỳ Lục Tỉnh vào nền văn hóa chung của dân tộc Việt Nam. Bài viết này cố gắng phác họa lại sự nghiệp của một vài nhân vật tiêu biểu cho những đóng góp về mặt văn hóa đó.

https://drive.google.c
om/

30 thg 7, 2020

Giai Thoại Văn Chương : Thi Cuồng HẠ TRI CHƯƠNG

HẠ TRI CHƯƠNG ( 659-744 )

        HẠ TRI CHƯƠNG 賀知章 tự là Quí Chân 季真, về già tự xưng hiệu là "Tứ Minh Cuồng Khách 四明狂客", là thi nhân lại vừa là nhà Thư Pháp nổi tiếng đời Thịnh Đường. Ông người đất Vĩnh Hưng thuộc Việt Châu (Huyện Tiêu Sơn, tỉnh Chiết Giang hiện nay), đậu Trạng Nguyên khoa Ất Mùi (695), được phong là Quốc Tử Tứ Môn Bác Sĩ, Thiên Thái Thường Bác Sĩ. Ông tuần tự giữ các chức vụ Lễ Bộ Thị Lang, Bí Thư Giám, Thái Tử Tân Khách... Ông tính tình khoáng đạt, phóng túng, không thích gò bó, vì xưng hiệu là Tứ Minh Cuồng Khách, nên người đời gọi ông là THI CUỒNG 詩狂, cùng với Lý Bạch 李白, Trương Húc 张旭, Lý Thích Chi 李适之, Tiêu Toại 焦遂, Lý Tấn 李琎, Thôi Tông Chi 崔宗之 và Tô Tấn 苏晋, xưng là "ẨM TRUNG BÁT TIÊN 飲中八仙" (Tám ông tiên trong rượu). Đến 86 tuổi HẠ TRI CHƯƠNG mới cáo lão về quê, rồi mất ở quê cùng năm. Tác phẩm phần nhiều thất tán, chỉ còn lưu lại khoảng 20 bài thơ mà thôi.

        Trong "Ẩm Trung Bát Tiên Ca 飲中八仙歌" Đỗ Phủ đã viết về ông như sau :

                  知章騎馬似乘船,  Tri Chương kỵ mã tự thừa thuyền,
                  眼花落井水底眠.    Nhãn hoa lạc tỉnh thủy để miên.
    Có nghĩa :
                        Tri Chương cưởi ngựa tựa đi thuyền,
                        Lắc lư té giếng vẫn ngủ yên.
                        Ẩm trung bát tiên : Tám ông tiên trong rượu

   ... cho thấy tính tình phóng túng không thích gò bó của ông, mặc dù là quan lớn, ông vẫn thích kết giao với bạn thơ rượu và uống rượu với những người tao nhã phong lưu. Ông nổi tiếng với giai thoại "Kim Quy Hoán Tửu 金龜換酒" sau đây :

       Năm Thiên Bảo nguyên niên đời Đường (742), Lý Bạch cô thân chiếc bóng đến đất Tràng An, không một ai quen biết. Một hôm, ông đến Tử Khách Đạo Quan ( chùa dành cho đạo sĩ tu tiên) để tham quan, tình cờ gặp được Ha Tri Chương cũng đến nơi đó. Đọc thơ và nghe tiếng Bạch đã lâu, Hạ rất ngưỡng mộ tài hoa của Lý, bây giờ gặp mặt, thấy Lý là người tao nhã, dáng vẻ thanh cao như tiên thượng giới, nên mặc dù lớn hơn Lý Bạch đến hơn 40 tuổi vẫn kết bạn vong niên, và cùng đàm đạo với nhau vô cùng tương đắc. Đến khi đọc bài thơ Thục Đạo Nan 蜀道難 của Lý Bạch vừa làm xong đến các câu như : 
                  但見悲鳥號古木,  Đản kiến bi điểu hiệu cổ mộc,
                  雄飛雌從繞林間。  Hùng phi thử tòng nhiểu lâm gian.
                  又聞子規啼夜月,  Hựu văn tử quy đề dạ nguyệt,
                  愁空山...             Sầu không san...
      Có nghĩa :
                     Chim sầu nhớn nhác cành khô,
                     Trống mái lượn lờ đường núi thâm u.
                     Tử quy trăng lạnh kêu thu,
                     Rừng núi vắng mịt mù !...

  ... Hạ Tri Chương đã kinh ngạc nói với Lý Bạch rằng : "Bạn quả là thi tiên từ thượng giới !" Do đó mà mọi người đều gọi Lý bạch là Lý Trích Tiên 李謫仙. Chiều hôm đó, Hạ bèn mời Lý vào quán rượu định uống một bửa cho thỏa thích. Không ngờ khi vừa ngồi xuống ghế, Hạ mới nhớ ra rằng trên mình đã gần hết tiền, không do dự gì cả, Hạ bèn cởi ngay giải túi Kim Quy Đới có thêu hình kim quy của vua ban cho các quan ở hàng tứ phẩm trở lên đeo mỗi khi vào chầu, để trừ tiền rượu. Lý trông thấy cả kinh bảo : "Đây là vật báu của vua ban sao có thể đem đổi rượu mà uống được chứ ?" Hạ cả cười đáp :"Có gì đâu, hôm nay gặp được bạn tiên, không uống với nhau cho say còn đợi đến chừng nào ?". Sau bửa rượu đêm đó, sáng hôm sau vào chầu, Hạ Tri Chương còn tiến cử Lý Bạch với nhà vua, vua cũng đã nghe tiếng Lý từ lâu, bèn triệu kiến và phong cho chức Hàn Lâm Học Sĩ.
                         Hạ Tri Chương lấy giải Kim Quy đổi rượu

        Hạ Tri Chương về già tự xưng là Tứ Minh Cuồng Khách 四明狂客, vì mỗi lần uống rượu say thì ông sẽ phóng bút làm thơ mà không cần phải cân nhắc chọn từ gì cả, nên mới được hiệu là THI CUỒNG 詩狂, và cũng vì thế mà lời thơ của ông rất dung dị bình dân dễ đi vào lòng người. Ta hãy đọc bài "Vịnh Liễu 詠柳" của ông sau đây sẽ rõ :

                       碧玉妝成一樹高,  Bích ngọc trang thành nhất thọ cao,
                       萬條垂下綠絲絛。  Vạn điều thùy hạ lục ty thao.
                       不知細葉誰裁出,  Bất tri tế diệp thùy tài xuất,
                       二月春風似剪刀。  Nhị nguyệt xuân phong tự tiễn đao !
     Có nghĩa :
                          Tạo thành ngọc bích một cây cành,
                          Trông tựa muôn ngàn sợi lụa xanh.
                          Lá nhỏ vươn dài ai khéo cắt,
                          Tháng hai gió tựa kéo qua nhanh !


       Thật nghệ thuật, thật bình dân mà gợi hình một cách tự nhiên : Cây liễu xanh biếc trong mùa xuân như được làm bằng ngọc bích. Ai đã khéo cắt nên những lá nhỏ vươn dài như những dãy lụa xanh rũ xuống một cách thật đều đặn đẹp đẽ kia. Không ai cả, chính do làn gió xuân ấm áp của tháng hai như những nhát kéo của thiên nhiên tạo nên nét đẹp của những lá liễu xanh biếc vươn dài kia ! Cả bài thơ cũng không có nhắc đến một chữ liễu nào cả; bình dân, gợi hình và nghệ thuật biết bao nhiêu !         
       Đọc 2 câu cuối của bài thơ trên lại làm cho ta nhớ đến 2 câu thơ trong bài "Xuân Về" của thi sĩ Nguyễn Bính thời Tiền Chiến :

                         Lá nõn nhành non ai tráng bạc,
                         Gió về từng trận gió bay đi !

      Ai đã "tráng bạc" lá nõn nhành non ? Không ai cả, chính là "Gió xuân" đó ! Chính là thiên nhiên khi mùa xuân về đã đem lại sức sống cho cây lá đâm chồi nẩy lộc !
     
       Năm Đường Thiên Bảo thứ ba (744), Hạ tri Chương mới cáo lão từ quan về quê khi đã 86 tuổi đời, là Thái Tử Tân Khách, là Thẩy dạy học cho đương kim Hoàng thượng khi còn là Thái tử, ông được nhà vua và bá quan văn võ đưa tiễn rất linh đình trọng hậu, nhưng khi về đến Vĩnh Hưng Việt Châu (thuộc Tiêu Sơn Chiết Giang hiện nay) ông lại cảm thấy như bị trêu chọc ngỡ ngàng với lũ trẻ, vì chúng ngỡ ông là khách từ phương xa đến. Sau hơn 50 năm xa quê, người đã già, tóc đã bạc, đã trải qua biết bao là tang thương biến đổi, may mà giọng nói của quê hương vẫn còn nguyên đó, ông rất cảm khái mà làm nên hai bài "Hồi Hương Ngẫu Thư 回鄉偶書" sau đây :

                            其一                                       Kỳ Nhất

                       少小離家老大回,   Thiếu tiểu ly gia lão đại hồi,
                       鄉音無改鬢毛衰。   Hương âm vô cải mấn mao suy.
                       兒童相見不相識,   Nhi đồng tương kiến bất tương thức
                       笑問客從何處來?    Tiếu vấn khách tòng hà xứ lai ?  
     Có nghĩa :
                       Trẻ nhỏ xa nhà, già trở lại,
                       Giọng quê còn đó, tóc như mây.
                       Nhi đồng gặp gỡ không quen biết,
                       Cười hỏi nơi nào khách đến đây ?
Thật mĩa mai và cảm khái biết bao ! Qủa là lở khóc lở cười khi chợt nghĩ rằng, ta là người về thăm lại quê hương hay ta là Khách của quê hương đây ?! Mời đọc tiếp bài 2 mà rất ít người biết đến :

                            其二                                           Kỳ Nhị

                      離別家鄉歲月多,   Ly biệt gia hương tuế nguyệt đa,
                      近來人事半消磨。   Cận lai nhân sự bán tiêu ma.
                      唯有門前鏡湖水,   Duy hữu môn tiền kính hồ thủy ,
                      春風不改就時波。   Xuân phong bất cải cựu thời ba !
      Có nghĩa :
                      Cách biệt quê nhà mấy nắng mưa,
                      Đổi thay thế thái nói sao vừa !
                      Duy chỉ như gương hồ trước ngõ,
                      Gió xuân vẫn gợn sóng ngày xưa !
  Nhân sự thì đã tiêu ma thay đổi cả rồi, cũng may là những gợn sóng lăn tăn trước hồ vẫn còn "lăn tăn như cũ", "Xuân phong bất cải cựu thời ba" mà !. Nhân sự đổi thay nhưng thiên nhiên thì vẫn còn đó, làm ta nhớ lại đoản văn của Thanh Tịnh :"... Nắng ở đây vẫn là nắng ngày xưa và tâm hồn tôi vẫn là tâm hồn tôi năm trước ..." Và cũng chính vì thế mà dù cho có cách trở muôn dặm quan san, dù cho quê hương có thay đổi muôn hình dạng trạng thì người lữ khách, lữ thứ tha hương vẫn muốn tìm về với quê hương cố thổ , vẫn muốn tìm về với nơi chôn nhau cắt rún của ngày xưa !
Cũng trong năm cáo lão về quê  với sự ngỡ ngàng của kẻ tha hương lâu năm tìm về quê cũ, Hạ Tri Chương đã nằm xuống mảnh đất Việt Châu quê nhà với tuổi 86... là tuổi Thượng Thượng Thọ lúc bấy giờ ! 

           Hẹn bài viết tới !
                                    Thi Nô GIẢ ĐẢO

                                                                                                    杜紹德
                                                                                                Đỗ Chiêu Đức
🌸🌸🌸🌸🌸     Mời Xem :Danh Hiệu Thi Nhân

PHÍA CÓ NẮNG (Văn Việt )

Truyện Hà Thúc Sinh   

Đại dịch bùng nổ thì như mọi nơi trên thế giới, thành phố nơi quận hạt nhỏ này cũng sập cửa lại. Mọi hàng quán, cửa tiệm, chợ búa và các nơi sinh hoạt, ngay ngôi thánh đường cũng đều khóa trái và nhạt dần hơi người. Tất cả như bị một tấm màn bao la vô hình trùm kín, không một sinh vật nào dù nhỏ nhất thoát được ra ngoài.
Nhà tôi nằm trong giáo phận Chúa Thánh Linh, nơi có ngôi thánh đường  hơn hai trăm tuổi lọt giữa những con đường trồng toàn thông kim và sồi.
Và từ khi như mọi người thất nghiệp nằm nhà, tôi quen mặt ông cụ. Ngày nào cũng thế, khi nắng mười giờ leo lên hai phần ba tháp chuông thì, với tờ báo cũ bọc cái gì đó kẹp nơi nách, cụ đi qua nhà tôi và tiến về phía ngôi thánh đường. Nhìn bề ngoài cụ gầy nhưng có nét đạo mạo của một cụ già người Á đông với bộ râu bạc ba chòm. Nhưng tôi không đoán được quốc tịch của cụ.
Tôi để ý cụ hay bước lên bệ cửa chính, đứng lặng lẽ lúc lâu  rồi vòng sang bên phải, chỗ sâu phía trong có hang đá và có tượng Đức Mẹ Lộ Đức. Phía trước hang đá xây những trụ xi măng ngang đầu gối, chắc để người vãng lai ngồi nghỉ chân. Và đó cũng là  nơi cụ hay ghé ngồi dù nắng dịu hay nắng gắt.  Chẳng bao giờ thấy cụ ngồi bên cánh trái thánh đường, nơi đầy bóng râm với những gốc sồi cổ thụ, và nhiều khi bầu khí còn có vẻ âm u, lành lạnh.
Để dẫn vào hang đá là vuông sân gạch rất rộng, chỗ lâu lâu lại  có một bầy chim câu đáp xuống kiếm ăn.
Đợi khi có bầy chim đông đảo đáp xuống, cụ mới lấy ra khỏi tờ báo một ổ bánh mì lớn, xé từng miếng nhỏ quăng cho chúng. Lũ chim gù gù chen lấn nhau ăn, và khi chẳng còn gì ném cho chúng nữa cụ mới đứng lên, xốc lại quần áo và rời khỏi chỗ ngồi.
Một sáng, tôi tạt qua thánh đường và trông thấy cụ. Tôi ghé vào, nhưng chưa kịp chào nhau thì trời bất chợt đổ mưa tuy không lớn. Chúng tôi chạy vào nấp mưa nơi hang đá. Tôi lên tiếng trước:
“Morning, sir”.
“Morning”. Cụ khẽ chào lại.
“Tôi thấy cụ ghé đây nhiều lần. Nhà cụ ở đâu?”.
Như miễn cưỡng phải trả lời, cụ chỉ cái tháp nước cũng gần nhà tôi, và nói:
“Chỗ tháp nước”.
“Ngày nào cũng thấy cụ đến ngồi thảy bánh mì cho chim ăn”
“Già nào phải nuôi ai nữa. Nuôi chim cho đỡ buồn”.
“Thế cụ người nước nào?”.
“Việt Nam”.
“Ồ thế thì mình đồng hương rồi”.
“Cũng Việt Nam à?”.
“Dạ vâng. Thế các anh các chị cũng ở đây cả chứ?”.
“Tôi ở với một ông bạn già gần hai mươi năm rồi”.
“Ồ…”.
“Ông sang đây lâu chưa?”.
‘Dạ cũng lâu rồi. Còn cụ thì sao?”.
“Tôi sang diện H.O nhưng chỉ một mình. Thế mà cũng gần ba mươi năm”.
”Ráng thêm nửa cái ba mươi năm nữa cụ nhá”.
“Cám ơn ông. Tôi tám mươi rồi. Chúa gọi lúc nào thì đi lúc đó. Ấy chứ cũng mấy lần Chúa gọi  rồi mà tôi giả điếc đấy chứ. Nhưng nghĩ giả điếc với Chúa là dại. Cứ vâng lời Người lại đỡ khổ thân”.
Một lần tôi hỏi:
“Cụ ơi, sao hình như tôi thấy cụ chỉ ngồi bên phải nhà thờ mà chưa bao giờ thấy ngồi bên trái. Bên trái có những gốc sồi cổ thụ cụ ạ. Mát lắm. Phía bên này lại vào mùa này, mặt trời chói chang. Nóng và lắm khi khó thở”.
Cụ cười khẽ, rồi bảo:
“Tôi khuynh hữu ông ạ. Ghét tả lắm”.
Không quan tâm người đối diện  có hiểu ý mình hay không, cụ tiếp:
“Còn nắng à? Tôi yêu nắng lắm, nhất là mùi nắng trong trẻo và thơm tho của tháng sáu tháng bảy, thứ nắng mai kia làm sao tìm được nữa khi đã nằm dưới đáy mộ!”.
“Đừng bi quan quá cụ ạ”.
“Ồ, những người tuổi ông mà thiếu lạc quan là mang tội đấy. Nhưng những kẻ gần đất xa trời như tôi có bi quan tí chút chắc cũng không sao. Mà ông coi, cứ nhìn vào những huyệt mộ đào sẵn hàng chục ngàn cái, nằm san sát nhau ở Ba Tây, ở Ý, ở Đại Hàn, ở Mỹ… mà không bi quan sao? Tôi cứ thắc mắc sao thằng cộng sản Tàu nó ác thế. Nó thả con virus ra khác nào quỷ Satan mở cửa hỏa ngục xua ma quỷ lên phá nát mọi dấu tích thiên đường trên mặt đất muôn màu này. Nhưng chết ở các nước tự do dân chủ ít nhất mỗi người còn có cái quan tài. Chết ở các nước như Tàu thì chỉ thiêu thôi hay dập vùi tập thể. Rồi đây khi đại dịch qua đi, cả thế giới xúm lại sẽ xét xử nó như thế nào nhỉ?”.
“Chắc phải hơn vua Chu, xé nó ra hàng trăm tiểu quốc, trăm chư hầu chứ không phải năm bảy như thời xa xưa”.
Cụ ngẫm nghĩ  rồi nói:
“Tôi cũng đang nghĩ theo chiều hướng đó”.
***
Một hôm, cụ kể:
“Cạnh nhà tôi có một gia đình Tàu ông ạ. Tôi không biết ông chồng làm nghề gì, nhưng biết bà vợ là một bà giáo. Và bà ta hay nói chuyện với tôi nơi hàng rào sau nhà, lối dẫn vào garage. Một hôm bà ấy hỏi:
“Cụ người nước nào?”.
Tôi nói Việt Nam, và bà ta gật gù, ồ Việt Nam. Thấy thái độ của bà hơi lạ, tôi đâm tò mò muốn biết bà Tàu này nghĩ gì về mình. Và tôi tìm cách bắt chuyện lại với bà ấy.
Tôi hỏi:
“Bà quê quán ở đâu?”.
“Tôi ở Thành Đô, Tứ Xuyên”.
“Ồ, lịch sử lắm. Đất Thục thời xưa đấy”.
“Vâng. Và tôi dạy sử nên biết khá rành về Việt Nam”.
“Cho tôi một ví dụ được không?”.
“Vậy tôi tóm tắt nhé: “Từ ngàn xưa, đất nước ông đã là của chúng tôi. Toàn cõi Biển Đông cũng của chúng tôi. Và chúng tôi sẽ lấy lại hết một ngày không xa”.
Tôi bực và thấy mình lỡ dại bước vào một bãi lầy, nhưng cuối cùng cũng phải nói:
“Tất nhiên là người dạy sử làm sao không rành về một nước láng giềng. Nhưng bà có lưu ý điều này không?”.
“Dạ, điều gì?”.
“Bà là người Hán, mà người Hán gốc ở sa mạc. Lương châu từ còn đó: Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu/ Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi, cho nên cái gì cũng… muối, đúng không? Thịt muối, cá muối, trứng muối, dưa muối… Chúng tôi khác, chúng tôi định cư phía dưới sông Dương Tử, dân đầm lầy, dân biển nên mọi thứ đều ủ lên men: cá mắm, tôm mắm, dưa mắm…
Còn Biển Đông ư? Tổ tiên chúng tôi đã xăm mình tránh giao long khi lặn bắt hải sản vì họ thông minh, gan dạ và thực tiễn; chúng tôi không hề bắt trăm trinh nam, trăm trinh nữ, bỏ lên thuyền xua ra biển đi tìm thuốc trường sinh mơ màng kiểu vua Tàu.
Từ cái ăn cái ở, từ sự hiểu biết về cảnh quan chung quanh, tôi nghĩ bà hơi võ đoán chuyện đất nước Việt Nam là của nước Tàu, và Biển Đông cũng của Tàu nốt!”.
                  ***
Bẵng đi hai tháng nay tôi không thấy ông cụ đi tới nhà thờ nữa. Xứ này gần nhà xa ngõ. Tôi cứ ra sân nhìn cái tháp nước và dặn lòng thế nào cũng đến đó dò hỏi về cụ xem sao.
Một hôm nắng đẹp, tôi đi tới tháp nước. Loanh quanh một hồi rồi ghé vào một gia đình hình như là người Mễ và hỏi thăm về một cụ già người Á châu nhưng họ lắc đầu. Hỏi thêm mấy nhà nữa cũng chẳng ai biết.
Sau cùng thấy có một căn đang có người dọn dẹp, tôi ghé vào hỏi thì hóa ra đó là người chủ nhà, và ông ta đang dọn dẹp căn nhà  của ông  đã cho thuê nhiều năm và giờ đang sơn sửa.
Ông ta hỏi:
“Vậy là ông quen với ông cụ thuê nhà này? Nhưng sorry ông, ông cụ đã qua đời rồi. Căn nhà này hóa ra ông cụ ở gần hai mươi năm, lúc bố tôi còn sống và tôi chưa tốt nghiệp trung học. Bệnh dịch kinh khủng thật. Ông  có biết con số tử vong ở Houston hôm nay là bao nhiêu không? Hơn 3.000 rồi đấy. Không biết những ngày tới con số sẽ lên tới bao nhiêu”.
Lang thang trên đường về, tự nhiên tôi thấy nắng phía phải con đường không còn gay gắt, mà nó như nhạt nhòa hẳn đi trên các mái nhà và trên cả những ngọn cây.
Hay nắng cũng biết buồn khi một người đồng hương  của tôi vừa mới qua đời?
HoustonJune 1, 2020
Hà Thúc Sinh