29 thg 12, 2015

4 người Việt vào tốp nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới 2015

Đây là các nhà khoa học có công bố được trích dẫn cao (Highly Cited Papers) thuộc lĩnh vực nghiên cứu của họ.


GS. TS Nguyễn Sơn Bình (ĐH Northwestern, Mỹ), GS. TS Nguyễn Thục Quyên (ĐH Univ Calif Santa Barbara, Mỹ), GS. TS Võ Văn Ánh (ĐH Công nghệ Queensland, Australia) và PGS. TS Nguyễn Xuân Hùng (ĐH Công nghệ TPHCM) vừa được nêu tên trong danh sách các nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2015, theo công bố của hãng Thomson Reuters. Đây là năm thứ hai liên tiếp, GS. TS Nguyễn Sơn Bình và PGS. TS Nguyễn Xuân Hùng nằm trong vào danh sách này.

Thomson Reuters công bố trên trang web highlycited.com danh sách 3.126 nhà khoa học thuộc 21 lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội có công bố được trích dẫn cao (Highly Cited Papers) thuộc lĩnh vực nghiên cứu của họ.
các nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới, đại học
PGS Nguyễn Xuân Hùng (giữa)
Giáo sư Nguyễn Sơn Bình giảng dạy tại Khoa Hóa, trường ĐH Northwestern và là thành viên chính của phòng thí nghiệm quốc gia Mỹ Argonne. Nghiên cứu hiện nay của ông tập trung vào thiết kế các vật liệu mềm (soft materials) dành cho các ứng dụng trong hóa học xúc tác, y học và khoa học vật liệu. Đặc biệt phòng thí nghiệm của ông hiện nghiên cứu cả về sự tổng hợp và ứng dụng của các vật liệu hữu cơ mềm, bao gồm cấu trúc lai hữu cơ – DNA, cấu trúc liposome, vật liệu xốp như vật liệu khung hữu cơ kim loại (MOFs), polimer hữu cơ xốp (POPs) và các loại vật liệu nanocomposite liên quan như graphene và graphene oxide.
Giáo sư Nguyễn Thục Quyên hiện giảng dạy tại Khoa Hóa và Hóa sinh trường ĐH California. Năm 2001, bà hoàn thành chương trình tiến sỹ tại trường dưới sự hướng dẫn của GS Benjamin J. Schwartz. Kể từ năm 2011, bà được phong chức danh GS Khoa Hóa và Hóa sinh. Nhóm nghiên cứu do bà thành lập tập trung nghiên cứu về các dụng cụ điện tử hữu cơ như quang điện (photovoltaics), LED (light-emitting diodes – điốt phát quang), Transistor hiệu ứng trường (field-effect transistors). Trong nhóm nghiên cứu của bà hiện có một thành viên Việt Nam, Phan Hùng, cựu sinh viên khoa Hóa trường ĐH Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.  
Giáo sư Võ Văn Ánh giảng dạy tại Khoa Khoa học và Kỹ thuật, ĐH Công nghệ Queensland, Australia, chuyên ngành Khoa học toán học, Toán học tính toán và ứng dụng. Lĩnh vực nghiên cứu của ông bao gồm mô hình ngẫu nhiên của quá trình khuếch tán phi tuyến (spatiotemporal nonlinear diffusion processes) với những đặc điểm đa hệ fractal; ước lượng thống kê và phép xấp xỉ của khuếch tán dị thường (anomalous diffusion); sự khuếch tán và vận chuyển của nước mặn trong tầng ngậm nước vùng duyên hải. 
Phó giáo sư Nguyễn Xuân Hùng là giảng viên trường ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH) và Đại học Y Khoa CMU Taichung (Đài Loan). Nghiên cứu của anh tập trung vào phát triển các công cụ tính toán mạnh và mô phỏng trên máy tính,  đang được ứng dụng vào lĩnh vực Cơ Kỹ thuật, Cơ Sinh học, Vật liệu... Trong tháng 7-2015, anh còn đón nhận thêm một vinh dự khác: là một trong bốn nhà khoa học được trao giải thưởng Georg Forster Research Award của Quỹ Alexander von Humboldt (Đức). Giải thưởng này dành cho những nhà nghiên cứu đến từ hơn 120 quốc gia theo qui định của Quỹ. Giải thưởng sẽ được trao chính thức trong tháng 3-2016 tại Đức. 
Trước đó, trong danh sách các nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2014 có ba người Việt: GS. TS Đàm Thanh Sơn (ĐH Chicago, Mỹ), GS. TS Nguyễn Sơn Bình và PGS. TS Nguyễn Xuân Hùng. 
(Theo Thanh Nhàn - Tia Sáng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét