31 thg 7, 2015

3 Bài Thơ của Thuyên Huy,Nguyễn Cang,VKP.Đam Phương


1/ Nắng Vội Bỏ Người Đi --  Thuyên Huy


Nửa chiều nắng vội bỏ đi
Cơn mưa ngày cũ tìm về lối quen
Dài tay lùa sợi tóc mềm
Lả lơi nhẹ giọt hứng đêm tạ tình
Cuối đường phố chợt buồn tênh
Hoa ngoài song cửa thôi đành gọi mưa
Đò qua sông vắng người chờ
Chuyến xe thổ mộ khách thưa thớt sầu
Chơ vơ trời đất gọi nhau
Quỳ hôn cát bụi niềm đau tạ từ
Dáng ai gầy tuổi tương tư
Nhà bên ru khúc thương hờ một mai
Nắng đi bỏ nhớ lại đây.
Thuyên Huy




2/ NẮNG VẪN ẤM NỒNG 
vkp Phượng ngày xưa
Cảm tác nhân đọc bài Nắng Vội Bỏ Người Đi
 của Thuyên Huy
***

Nắng đi rồi nắng lại về
Đợi người ở chốn sơn khê mịt mùng
Chân trời rực rỡ vòng cung
Chói chang ngũ sắc không trung tuyệt vời
Trắng vàng đỏ tím xanh trời
Chiều dần buông xuống lả lơi gọi đò
Sang sông lòng vẫn đắn đo
Tim côi rỉ máu, ai dò tình em?
Môi thơm một thuở ngọt mềm
Gió hôn, trăng ngắm, sương thêm gợi sầu
Tương tư nhớ mối tình đầu
Bỏ quên bến cũ, qua cầu... tại ai?
  Bao giờ cho hết đắng cay?
VKP.Đạm Phương


3/Cảm đề bài thơ "Nắng vội bỏ người đi" của Thuyên Huy.
 SAO EM VỘI BỎ ĐI/
 Nguyễn Cang
Ráng chiều,nắng vộị bỏ đi
Cơn mưa ngày cũ còn ghi nỗi lòng
Em đi hiu hắt trời đông
Dài tay tôi níu bóng hồng thướt tha
Gió bay tóc xõa mượt mà
Gục đầu gậm nhấm thiết tha tình đầu 
Vẳng nghe có tiếng kinh cầu
Hoa đào trước ngõ gọi nhau tìm về
Bến đò im vắng ngủ mê
Dòng sông nước chảy tứ bề mênh mông
Người đi tan nát tình nồng
 Tôi ôm giọt đắng chờ mong em về
Tâm tư réo gọi lời thề
Quỳ hôn ảo ảnh, chân lê bước dài

Trần gian để lụy cho ai
Trăm năm biết có một ngày gần nhau?

Xa xa trời đất một màu
Bóng em ẩn hiện dạt dào tương tư
Mưa chiều dứt hột bao chừ?
Sao tôi còn đợi, dật dờ đơn côi
Nhạc buồn ai hát chơi vơi
Nắng đưa nỗi nhớ cho tôi... ngậm ngùi!!!
  
  Nguyễn Cang




Phú Ông và Đại Sư Ngồi Thiền

Nhược điểm chung của nhiều người là luôn trông mong vào thứ mình không thể đạt được, trong khi thứ mình đang có lại không mấy quan tâm. Chỉ khi đánh mất những thứ mình đang có mới nhận ra nó đáng quý, không gì thay thế được.
Câu chuyện 1:

Có câu chuyện “câu lạc bộ tự sát” kể về một câu lạc bộ chuyên phục vụ cho người chuẩn bị tự sát, giúp người trước khi tự sát thụ hưởng được mọi thú vui nhân gian. Một đôi thanh niên nam nữ đang muốn tự sát gặp nhau ở câu lạc bộ. Nhưng trong quá trình tận hưởng thú vui ở nhân gian ở đây thì họ lại yêu nhau. Thế rồi họ nhận ra ý định tự sát thật ngu xuẩn, lúc này họ muốn từ bỏ ý định để sống tiếp.
Rainbow_1372717782_20130702_Sunye
Đáng tiếc là họ đã bị ngấm độc khí, muốn không chết cũng không được. Trước khi chết, mọi chân lý cuộc đời đều hiện lên trong đầu, nhưng hiện thực thật tàn nhẫn: tuy đã ngộ ra nhưng tất cả đã quá muộn. Câu chuyện tuy kể theo hình thức hoang đường nhưng vẫn không khỏi khiến người ta thấy bùi ngùi.
Tại sao nhiều người thường không quý trọng những gì mình đang có mà cứ mơ tưởng về những thứ xa xôi, chưa hiện hữu?
Có lẽ có ba nguyên nhân:
Thứ nhất, con người luôn thấy không đủ. Nhu cầu cũ khi được thỏa mãn, nhu cầu mới lập tức hình thành. Đây là ưu điểm: nó thúc đẩy nhân loại tiến lên, xã hội không ngừng phát triển; nhưng đây cũng là khuyết điểm: nó làm cho tâm lý người ta luôn cảm thấy thiếu thốn.
Thứ hai, mọi người có khuynh hướng nhìn vào những khuyết điểm của sự vật, hạn chế nhìn thấy ưu điểm của sự vật. Họ thấy những thứ mình đạt được là thường tình, đương nhiên; xem những gì mình không đạt được toàn những thứ tốt đẹp, quý báu.
Thứ ba, con người luôn có khát vọng chinh phục.
Những lý do như trên khiến người ta thường quên mất những thứ mình đang có trong hiện tại để mơ tưởng đến những viễn cảnh tốt đẹp xa xôi.
Dần dần, theo sự trưởng thành, khi người ta lấy lại được thứ mà mình để mất, lúc này mới ý thức những gì mình có trước đây là đáng quý biết bao. Võ Tắc Thiên khi về già từng nói với một cung nữ:

“Ta muốn đem toàn bộ quyền lực và của cải của ta để đổi lấy tuổi trẻ của ngươi.”

Trân quý những gì chúng ta đang có, cảm tạ tất cả những gì thượng đế đã cho chúng ta và tận hưởng từng khắc hương vị của nó, có lẽ sẽ giúp bạn hạnh phúc hơn, tâm lý của bạn sẽ cân bằng hơn.
Nếu như một cơ hội thăng chức không đạt được, đây tuyệt nhiên không phải ngày tận thế. Chẳng phải chúng ta đang có một gia đình ấm cúng sao? Chúng ta không phải có con cái đáng yêu sao? Chức vụ không lên thì trách nhiệm cũng không nhiều, bạn không thường xuyên phải đi công tác, hội họp, chẳng phải cuộc sống sẽ thoải mái hơn sao? Như vậy có phải bạn cũng đang có một cuộc sống thành công sao?
Câu chuyện 2:
Có một phú ông vô cùng giàu có, phàm những gì có thể dùng tiền mua được ông đều mua về thụ hưởng. Thế nhưng ông lại chưa bao giờ thấy vui vẻ, hạnh phúc.
Đến một ngày kia phú ông gom tất cả những thứ quý giá trong nhà cho vào một cái túi to, mang theo lên đường. Phú ông tự nhủ ai có thể nói cho ông cách để có hạnh phúc, ông sẽ tặng cái túi cho người đó.
Phú ông tìm mãi, hỏi mãi, cuối cùng khi tới một thôn trang có người nông dân chỉ cho phú ông gặp một đại sư, nếu như sau khi gặp đại sư mà vẫn không giúp được thì khẳng định ông có đi đến chân trời góc biển cũng vô ích!
Thế rồi phú ông trông thấy đại sư đang ngồi thiền, phú ông lại gần nói với tâm trạng háo hức: “Tôi đến đây là có một mục đích! Gia sản cả đời tôi đang ở trong cái túi này. Chỉ cần đại sư nói cho tôi biết làm sao để có hạnh phúc thì cái túi này chính là của ngài.”
Lúc này màn đêm buông xuống, sắc trời đã tối. Đại sư lập tức lấy cái túi trong tay phú ông rồi bỏ chạy đi.
Phú ông đuổi theo vừa khóc vừa gọi to, nhưng cuối cùng cũng bị mất dấu. Phú ông đau buồn than khóc: “Ta bị lừa rồi! Ôi, tâm huyết cả đời ta!”
Sau một lúc cuối cùng đại sư cũng trở lại hoàn trả cái túi cho phú ông. Phú ông vừa nhận lại cái túi liền vui mừng ôm chặt vào lòng: “May quá!”
Lúc này đại sư đến trước mặt phú ông hỏi: “Bây giờ ông thấy thế nào? Có hạnh phúc không?”
Phú ông đáp: “Rất hạnh phúc, tôi thấy rất hạnh phúc!”
20141216113056637
Đại sư khẽ mỉm cười:

Cách để có hạnh phúc không có gì đặc biệt. Do con người luôn xem những gì mình đang có là đương nhiên, vì thế họ không thấy hạnh phúc. Điều thí chủ thiếu chính là cơ hội để mình bị mất mát. Hiện thí chủ đã hiểu những gì mình đang có là vô cùng quan trọng. Cái túi thí chủ đang ôm kia thực ra chính là cái túi trước đây, giờ thí chủ có muốn tặng nó cho tôi không?

Liệu bạn có nhận ra khi bạn mất đi hoặc thiếu một vài thứ bạn luôn thấy nhớ nó, nhưng khi bạn có thì lại xem nhẹ nó, thậm chí có khi còn không thèm để ý đến. Nếu bạn từng trải qua chuyện tình yêu, có lẽ bạn sẽ thấu hiểu điều này!

Tinh Vệ biên dịch

Chùm thơ Lê hà Thăng

NGẪU HỨNG CA DAO 2
Chim Quyên xuống đất ăn trùng

Buồn buồn nhớ chuyện buồn buồn
Anh hùng lỡ vận lên nguồn đốt than
Mười năm một giấc mộng tàn
Bước chân xuống núi ngỡ ngàng tử sinh.


BÀI THƠ TÌNH THUỞ ẤY
Trang sách nhỏ dấu những tờ thư mỏng
Nụ cười xinh, mắt sáng với tay ngoan
Đã qua rồi năm tháng ấy bâng khuâng
Khăn áo mộng giữ lòng ai một nửa

Cũng đôi phen ta về ngang song cửa
Hương ngọc lan còn đậm giữa vườn mơ
Nhưng chỗ ngồi xưa đơn lẻ, ơ hờ
Khi đã vắng bước chân người lui tới.

Ta vẫn biết tình xuân tươi sẵn đợi
Bởi hạ nồng đã nhạt lá thu phai
Thôi cổng trường xưa đoạn tuyệt dấu hài
Chút lưu luyến gởi theo tà áo khép.

Lòng dửng dưng để cho tình thêm đẹp
Để má hồng môi thắm đến mai sau
Cho tóc xanh năm tháng chẳng phai màu
Ta sẽ giữ giữa ngăn đời ký ức.

Tình năm năm chưa đủ dài giấy mực
Nên chiều nay lặng ngắm bóng ai về
Lòng dặn lòng sao vẫn thấy đau tê
Con đường cũ chẳng về qua đó nữa.

Thơ ta viết bởi một thời áo lụa
Mở lồng son đem nhốt gió trăng vào
Nhưng trăng tàn và gió đã lao xao
Nên dang dở bài thơ tình thuở ấy.

MỘT THUỞ YÊU NGƯỜI

Rồi cũng tan theo khói bụi mờ
Chỉ còn im đọng mấy trang thơ
Ngày xanh không thắm trong màu mắt
Không giữ dùm nhau những ước mơ.

Lòng cứ xôn xao đến oặn lòng
Em về, chị có nhắn gì không?
Ngõ hoa vàng ấy đơn sơ quá
Sao cứ bâng khuâng, cứ lạnh lùng.

Thời gian đâu chậm lại hôm sau
Nước có ngừng trôi dưới nhịp cầu
Tuổi tác cũng già theo năm tháng
Hồn ai trẻ mãi để yêu nhau.

Xin giữ cho em chiếc lá vàng
Khi mùa hạ hết gió thu sang
Mai kia bên cõi đời hiu hắt
Còn lại chút gì để nhớ thương.

Đời chẳng dài theo với tháng năm
Lòng ai đẹp mãi tựa trăng rằm
Tóc chỉ xanh riêng thời xuân sắc
Mà sao tình cứ đến vô tâm!

Màu phượng thơ ngây cháy lụi rồi
Như hồn bướm ép giữa trang vui
Tình xưa đã lịm trong khăn áo
Để giữa lòng nhau những ngậm ngùi.

Có ngẩn ngơ buồn những bước đi
Trăng mơ đã hết với xuân thì
Chị ơi hoa bướm ngày xưa ấy
Sẽ chẳng còn đâu với hẹn thề.

CUỐI NĂM GẶP NGƯỜI KHÔNG HẸN ƯỚC

Ta qua thời trai trẻ
Em vừa hết thanh xuân
Ngờ đâu chiều bóng xế
Còn gặp nhau giữa đường

Chuyện xưa ngồi nhắc lại
Bao xa xót ngậm ngùi
Vẫn đôi bàn tay ấy
Bối rối gjữa lòng vui.

Em còn giữ gì không?
Chút tình thơ vụng dại
Ta nhớ đến vô cùng
Nụ cười xinh ngày ấy.

*

Bài dân ca em hát
Lồng lộng giảng đường xưa
Cứ nghĩ đời chân thật
Có hay đâu lọc lừa.

Vẫn biết làm sao hơn
Khi đường chia trăm ngã
Có phải mắt em buồn,
Mà hồng phai đôi má.

Trong cơm áo đời thường
Có riêng ai lận đận
Xin tròn tiếng thủy chung
Xin tròn câu bổn phận.

THÁNG GIÊNG MƠ
Tháng giêng hồng như búp sen thơm
Tỏa vào hồn ta
Tuổi thơ ngây choáng ngợp
Như cánh diều bay giữa tầng không.

Tháng giêng tươi như nụ cười hiền
Trong đôi mắt ta
Giữa ngày xanh oan nghiệt
Chút bùi ngùi còn đọng dấu cô đơn.

***

Tháng giêng trong như màu mắt em nhìn
Xóa sạch buồn đau
Tình ai còn kỷ niệm
Chẳng bóng hình nào soi được cho nhau.

Tháng giêng xanh như mái tóc em dài
Lòng ai vương vấn
Bước chân chiều hôm nay
Để đường về cứ mãi bâng khuâng.

Tháng giêng ngon như đôi môi em gần
Sao ta đành cắn
Sợ phai màu hồng son
Xin giữ cho tình sáng một vầng trăng.

TRĂNG HUYỀN SỬ
Ô hay, trăng huyền sử
Bày giữa chợ trời, đông
Ta, em, người mấy thuở
Vẫn còn nhiều long đong.

Về qua khe đá tạnh
Mặc cả chuyện đời thầm
Trăm năm sau đá lỡ
Ngồi kể chuyện lương tâm ...


Thói quen chết người khi dùng chảo chống dính



Có rất nhiều loại chống dính khác nhau tùy thuộc vào giá tiền mà nó có tốt hay không tốt (xét về mặt tác dụng lẫn ảnh hưởng đến sức khỏe).
Chất chống dính trên nồi, niêu, xoong, chảo... tác dụng không làm dính thức ăn khi nấu nướng, rất tiện ích cho công việc nội trợ. Chất chống dính bản chất hóa học là một loại polyme chịu nhiệt. 
Có rất nhiều loại chống dính khác nhau tùy thuộc vào giá tiền mà nó có tốt hay không tốt (xét về mặt tác dụng lẫn ảnh hưởng đến sức khỏe). Nhưng dưới tác dụng của nhiệt độ cao, khi nó bị bong tróc rất dễ bị trộn lẫn vào thực phẩm.
Đối với những sản phẩm chống dính giả thì khi dùng để nấu nướng dễ gây độc vì nó thường làm từ các loại sơn. Còn với loại chống dính thật thì đến nay chưa có khuyến cáo nào cấm sử dụng. 
Tuy nhiên lại có khá nhiều thông tin về việc khi đốt nóng chất chống dính tạo ra hơi khói gây độc. Theo các nghiên cứu, các loại chất chống dính như teflon thường có nguồn gốc từ polyme có tên Polytetrafluoroethylene PTFE.
Ở nhiệt độ bình thường thì không có hại gì, nhưng khi đốt nóng lên từ 300 - 500oC thì hợp chất chống dính này sẽ tạo ra lớp khói có chứa các phức chất Perfluoisobutylene, Perfluorooctanoic Acid PFOA và Carbonylcloride - là những chất độc gây tức ngực, khó thở..., có thể gây ung thư và sảy thai.
Những sai lầm khi dùng chảo chống dính gây hại cho sức khỏe

Cọ xát kim loại vào lòng chảo
Theo chuyên gia đồ gia dụng của trang about.com – Bà Mariette Mifflin, không nên sử dụng các vật liệu gây mòn như dao, dĩa, kẹp, muỗng kim loại để đảo thức ăn. 
Tuyệt đối không sử dụng dao cắt bánh mì, trứng rán trực tiếp trên chảo. Nên nấu bằng đũa gỗ, tre và rửa bằng miếng bọt biển hoặc khăn mềm.
Chuyên gia kỹ thuật Act Au của hãng chất chống dính Teflon cũng cho hay, kim loại là kẻ thù của lớp chống dính. Ngay cả khi chảo của bạn làm bằng nhôm nguyên chất, có độ dày tiêu chuẩn 2.2 – 3.2mm, phủ 2 hoặc 3 lớp chống dính cao cấp của Teflon thì kim loại vẫn có thể làm xước bề mặt chảo.
Rửa chảo ngay sau khi vừa chiên, rán xong
Chuyên gia Mariette Mifflin lưu ý, không nên rửa chảo khi vừa chiên rán xong, do nhiệt độ thay đổi đột ngột dễ khiến chảo bị biến dạng và bong tróc lớp chống dính. Bạn chỉ nên ngâm nước hoặc rửa khi chảo gần nguội. Việc ngâm giúp cặn muối và thức ăn thừa dễ gột rửa hơn
Cách dùng an toàn Bỏ ít dầu, bơ khi chiên, rán
Một lượng dầu ăn, bơ để chiên rán là cần thiết để tạo hương vị cho món ăn. Bạn thậm chí có thể rán thịt, trứng, nướng bánh mì trên chảo chống dính mà không cần tới môi chất trên, nếu dùng chảo có khả năng chống dính cao.
Lưu ý này còn giúp chị em hạn chế lượng chất béo dung nạp vào cơ thể. Dầu, bơ khi chiên ở nhiệt độ cao dễ chuyển hóa thành các axit có hại cho sức khỏe, gây các bệnh về tim mạch.
Nấu ở nhiệt độ thấp hoặc trung bình
Trên thị trường có khá nhiều loại chảo chống dính bằng sơn tĩnh điện, men sứ, ceramic cách nhiệt, hợp kim allumium... Tùy vào chất lượng lớp chống dính mà các loại chảo có thể chịu được mức nhiệt độ khác nhau.
Ở nhiệt độ cao, chất chống dính bắt đầu bị phân hủy và giải phóng các phân tử độc hại gây ung thư. Vì vậy, nên chú ý điều chỉnh nhiệt độ khi dùng chảo, không nên dùng để nướng, thắng đường hay rang thịt cháy cạnh. Bạn cũng đừng để lửa bén vào lòng chảo, tuyệt đối tránh để chảo không trên bếp nóng khi chưa có dầu, mỡ hoặc thức ăn.
Hiện nay, chỉ có một số lớp chống dính được chứng nhận an toàn cho sức khỏe do các tổ chức uy tín cấp. Tuy nhiên, chị em vẫn nên nấu ăn ở nhiệt độ thấp hoặc trung bình để đảm bảo tuổi thọ của chảo.
Rửa bằng nước ấm
Bạn cần giữ bề mặt lòng chảo hoàn toàn sạch sẽ, bởi dầu mỡ, cặn đường, muối xót lại và thức ăn thừa dễ làm giảm khả năng chống dính của chảo. Chảo sạch hơn khi được vệ sinh bằng dung dịch nước rửa bát ấm.
Chuyên gia Mariette Mifflin lưu ý, không nên rửa chảo khi vừa chiên rán xong, do nhiệt độ thay đổi đột ngột dễ khiến chảo bị biến dạng và bong tróc lớp chống dính. Bạn chỉ nên ngâm nước hoặc rửa khi chảo gần nguội. Việc ngâm giúp cặn muối và thức ăn thừa dễ gột rửa hơn.
Theo phunutoday.vn


Cũng Còn Đó Chút Đời Vui - Thuyên Huy


Sáng sớm thứ bảy, tôi ra xa cảng Phú Lâm đón xe đò đi Cai Lậy. Chiều hôm qua, anh chị
năm Thương nhờ người quen, xuống Sài Gòn ghé nhắn tin là ba mẹ tôi theo chuyến tàu chở
dừa, đang neo ở bến chợ dưới đó. Cuối xuân rồi mà hai bên đường từ cầu Bến Lức xuống,
vẫn còn lưa thưa vài cụm mai vàng nở muộn. Dăm ba câu đối, đã phai màu giấy đỏ, đong
đưa hững hờ theo chiều gió sớm trước cửa hai ba căn nhà ngói cũ. Đám ruộng bên phía
đường vô Cái Bè, mùa này lấp xấp nước trơ gốc rạ. Xuống xe tại ngã ba vào chợ ngay dốc
cầu Long Định, tôi len đám đông đi nhanh xuống bến vựa. Ghe tàu đủ loại, lớn nhỏ bỏ neo
chật cứng cả một khúc sông rộng.

Giờ này nước chưa lớn mấy, đám con nít đi theo ghe tắm sông sớm, ồn ào la hét vang rân
phía sau chợ. Người lên người xuống không ngớt, nhờ một anh khuân vác, đang ngồi nghỉ
chân ngay đầu cái cầu ván mỏng, nối ghe này qua ghe kia, tôi tìm ra ghe dừa mình không
khó. Xuống tới thì ba mẹ tôi và chị năm Thương không có đó, chỉ có chú sáu Chuồng, người
lái ghe cho nhà tôi, đang quét dọn trong khoang trong. Dừa đã giao cho chủ vựa xong xuôi
rồi nên ghe trống trơn nhẹ bổng. Hai chú cháu ngồi trên mui ghe chuyện trò chờ. Nắng lên
trải dài trên sông, dăm ba đám lục bình trôi lặng lờ, theo một vài cơn sóng nhỏ loanh quanh
mạn ghe. Trời đứng gió.

Theo lời chú sáu Chuồng, xế trưa chú sẽ lái ghe về Bến Cầu. Ba mẹ tôi hình như sẽ đi xe đò
ghé Sài Gòn. Mẹ tôi tay cầm hai ba bịch cam đi trước, chị năm Thương tay xách tay quàng gì
đó ì ạch theo sau xuống. Cả hai nhìn tôi cười toe toét. Bà hỏi tôi nhiều thứ mà không cần tôi
phải trả lời. Chú sáu bỏ vào trong khoang ghe, chị năm kéo cái cửa hầm nhỏ phía trước bỏ
vội mớ đồ xuống, rồi thong thả khoát nước sông rửa tay. Hai mẹ con ngồi bên nhau, trên
mui, nhìn trời cao sông rộng không bao lâu thì ba tôi về tới. Trời đã gần giữa trưa, ba mẹ tôi
đi vòng ghe coi lại đồ đạc, dặn dò chú sáu đôi ba việc trước khi chú nhổ neo .Tôi bắt tay, từ
giã hẹn gặp lại chú ở Bến Cầu. Gia đình tôi và chị năm Thương, đi lên khỏi cuối cầu ván chợ
vựa rồi, chú sáu vẫn còn đứng trên đầu ghe nhìn theo. Bóng chú nghiêng nghiêng, nhấp nhô
theo từng con sóng, nước bắt đầu lớn.


Xe đò từ miền Tây lên, bị kẹt tại cầu Bến Lức cũng khá lâu. Trên cầu, chừng mươi anh lính
địa phương quân chạy tới chạy lui, súng bồng súng mang chỉ chỏ dưới sông. Tàu hải quân
VNCH nhấp nhô, quanh mấy đám lục bình rậm lớn, nổi lềnh bềnh quanh chân cầu xi măng.
Khách đi xe đò, nhỏ to bảo nhau, Việt Cộng gài mìn trong lục bình cho sập cầu. Trời lưng
lửng xế trưa thì đường được lưu thông bình thường. Xe đò từng chiếc chầm chậm qua cầu,
anh lính ngồi gát trong cái chòi canh đưa tay chào, cười một cách bình thản. Về đến Sài Gòn,
xuống xe đầu ngã tư Trần Quốc Toản, tôi lửng thửng đi trước, ba mẹ và chị năm Thương
thong thả theo sau, ngó quanh ngó quẩn.

Ông anh họ của Tùng về Long An từ chiều thứ sáu, nhà vắng, Tùng loay hoay quét dọn gì
đó ngoài hiên, thấy ba mẹ tôi chưng hửng, vồn vã chào tiếng một tiếng hai. Tôi chưa kịp sắp
xếp mấy túi xách, vào góc nhà cho gọn thì Tùng đã lăng xăng thúc giục ba mẹ tôi cũng như
chị năm Thương đi rửa tay rửa mặt. Trời cũng lấp xấp về chiều, ba mẹ tôi nằm nghỉ tạm
trong phòng, chị năm bắt ghế, ngồi nhìn người qua kẻ lại trên đường ra chiều thích thú. Tôi
cũng kéo ghế ngồi bên cạnh chị, chị hỏi han đủ chuyện của Sài Gòn từ xe cộ tới đèn đường.

Tùng bỏ đi đâu đó, trong nhà lặng im. Có tiếng mẹ tôi ho khan từ trong, chị năm Thương
đứng dậy đi vào. Nghe tiếng ba tôi hỏi chị năm, tôi đứng dậy, thì ông cũng vừa bước ra.
Trời hâm hấp nóng, tuy là cái nóng gượng cuối ngày, nhưng cũng vừa đủ làm oi bức. Ba tôi
ngồi xuống cái ghế chị năm ngồi khi nãy, tôi đứng tựa vào tường, bên khung cửa sổ. Vẫn
giọng nói ung dung thong thả, ông hỏi đôi câu về chuyện học hành của tôi và của Tùng cũng
như đám bạn bè, trong đó có cả Chiêu. Tuy cung cách ông không khác xưa bao nhiêu nhưng
cố nhìn kỹ thì ba tôi giờ đã già đi lắm rồi, tóc ông bạc trắng không có một chút gì lấm tấm
đen như trước ngày chú Hiếu mất. Tùng trở lại nhà có Chiêu và Thảo Ly theo. Hai cô đẩy xe
honda vào trong sân, cúi đầu chào ông, rồi đứng xớ rớ bên cạnh tôi chờ. Tôi đứng dậy kéo
hai cô vào trong nhà, Tùng ngồi xuống ghế. Chị năm liếc trộm Chiêu nhiều lần, mẹ tôi hỏi
han đủ thứ, tôi im lặng để mặc cho hai cô lời ra lời vào. Từ trong nhà, thỉnh thoảng nghe có
tiếng Tùng cười giòn giã.

Chiều xuống, trời bỗng dưng dịu hẳn, một vài cụm mây xám dật dờ ở phía bên kia sông,
che vội che vàng đôi dăm ba sợi nắng chiều về muộn. Cả nhà thả bộ ra cái quán cơm xích lô
trên đường Cao Đạt mà bọn tôi thường ăn, bà chủ tiệm thấy có người lạ chạy ra vồn vả
chào, cũng như thường lệ, bà ghé tai nói nhỏ mấy câu gì đó với Chiêu rồi cười tũm tĩm. Ba
tôi mời Tùng ly bia, Tùng không dám chối từ năn nỉ tôi chia phân nửa. Mẹ tôi ăn không nhiều
nhưng bà vui ra mặt. Thấy bà vui tôi cũng vui lây. Chị năm cứ thong thả ăn, nhìn người qua
kẻ lại. Đêm đó, gần khuya Chiêu và Thảo Ly mới ra về, tôi và Tùng ngồi lặng im trong bóng
đêm trước hiên nhà, ngọn đèn đường vàng trước căn phố, có cái truyền hình lớn vẫn lờ mờ
như xưa, bên trong nhà đã có tiếng người ngái ngủ. Hai thằng khẽ đẩy cửa vào. Trời vừa có
đôi chút gió đêm, hai ba con chó hoang sủa vài tiếng khô khan trên đường lớn. Xe vẫn còn
chạy ngoài phố dù là đã quá nửa khuya. Sài Gòn hình như chưa chịu ngủ.

Sáng chủ nhật, tôi đưa ba mẹ và chị năm ra bến xe thật sớm vì ông bà muốn đi cho kịp
chuyến xe đầu, giờ này đường xá vắng tanh, phố phường lặng im lờ mờ trong màn sương
cuối đêm lành lạnh. Gần nửa mùa xuân rồi mà trời vẫn thường nắng muộn, ngồi chờ xe
trong dãy quán cốc bên lề bến, nhìn ba mẹ tôi thong thả hớp ngụm cà phê, hơi nóng bốc lên
như khói cơm chiều, chợt dưng tôi thấy thương làm sao, cái hơi nóng mờ đục này, trong
những ngày tôi còn nhỏ xíu ở Bến Cầu. Ba tôi có thói quen thức sớm, đốt ngọn đèn dầu để
trên cái bàn hương trước hiên nhà, rồi thả bộ qua cái quán hủ tiếu của chú ba Xiêng ngồi
uống cà phê với mấy người bạn già quanh xóm. Lần nào tôi thức sớm, thì ông dẫn tôi theo,
tôi ngồi cái ghế cao kế bên, ông sớt chút cà phê sửa vào cái ly nhỏ xíu, tôi vừa ăn khúc giò-
cháo-quẫy nóng vừa uống cà phê ngon lành, cho đến khi dưới bến ghe cuối chợ, người buôn
người bán bắt đầu nhóm và cũng là lúc mặt trời chầm chậm hé lên ở phía bên kia biên giới.

Bàn bên cạnh, anh tài xế và mấy người lơ xe cũng vừa ăn uống xong, tay mồi thuốc lá
miệng mời gọi hành khách lên. Xe từ từ ra bến, quẹo hướng bồn binh ngã sáu, đèn đường
giờ này cũng vừa tắt, chị năm Thương ngồi phía cửa sổ xe vói tay vẫy chào đôi ba cái. Tôi
đứng đó nhìn theo, cho đến khi chiếc xe đò khuất mất, sau dãy nhà lầu đầu công viên. Chiếc
xe buýt sớm vừa ngừng ở trạm bên kia đường, công nhân làm ca đêm xuống đông nghẹt
bên lề. Tôi lửng thửng đi bộ về, làm quen với sáng Sài Gòn xem sao, nhất là một sáng chủ
nhật, dù là từ đây mà về tới chợ Nancy không phải là gần.

Thuyên Huy

30 thg 7, 2015

Các phương pháp chụp hình để chẩn bệnh- BS Hồ Ngọc Minh

 
(máy chụp Xquang Kỷ Thuật số)
1. X-rays (X-quang ) là gì?

Để hiểu X-quang là gì, trước hết hãy tìm hiểu khái niệm về “sóng điện từ trường” (electromagnetic wave, electromagnetic radiation).

Chung quanh chúng ta luôn luôn hiện hữu một không gian năng lượng dưới dạng điện từ trường, trong đó ánh sánh mặt trời, hay ánh sáng mà chúng ta thấy được cũng chỉ là một dạng sóng điện từ trường. Có nhiều loại sóng từ trường, từ yếu đến mạnh theo thứ tự, gồm có: sóng radio, sóng microwaves, sóng hồng ngoại (infared, IR, dùng trong các remote controls), ánh sáng thường, tia cực tím còn gọi là tia tử ngoại (ultraviolet light, UV), tia X-quang, và cuối cùng là gamma-rays. Như thế chỉ có 3 loại sóng mạnh hơn là ánh sáng
thường. Sóng càng mạnh, độ “xuyên thủng” qua tế bào càng nhiều. Ba tia X-rays, UV, và Gamma đều được sử dụng trong y học để truy tầm hay chữa bệnh. Trong khi đó, ánh sáng thường trở xuống, khi đụng vật cản đa phần sẽ bị phản chiếu và ít ảnh hưởng đến cấu trúc hay làm hư hại vật thể bên trong. Mở ngoặc một tí cho vui, tôi nói “đa phần” ở đây vì sóng có thể tồn tại dưới dạng sóng (wave), năng lượng (energy), và vật chất (matter), vì thế năng lượng có khi một phần bị hấp thụ mà không phản chiếu ra. Có thể hiểu, cơ thể chúng ta, có lúc hiện hữu chỉ là một khối lượng sóng và năng lượng trong không gian điện từ trường!.

X-rays được khám phá năm 1895 bởi một giáo sư vật lý người Đức, Wilhelm Conrad Röentgen. Một công dụng thường dùng của X-rays là để “chụp hình quang tuyến”, tuy nhiên X-rays còn dùng để trị ung thư và để dò tìm các thiên thể trong ngành thiên văn (cosmos). X-rays còn được dùng để dò tìm hàng lậu, súng ống ...


2. CT scan là gì?

CT scan còn gọi là CAT scan, viết tắt của hai chữ “computed tomography”, được phát minh năm 1967 bởi một kỹ sư người Anh tên là Godfrey Hounsfield. CT cho ta thấy hình chụp của cơ thể theo dạng mặt cắt, một khối 3 chiều, thể hiện trên những mặt phẳng hai chiều. Mỗi một hình ảnh là tập hợp bởi nhiều tia X-rays, bắn đi từ nhiều hướng khác nhau vòng quanh cơ thể. Khi chụp hình bằng X-ray thường, tia sáng bắn đi một chiều nên hình ảnh chồng lên nhau. Thí dụ chụp hình phổi, ta thấy cả tim phổi xương sườn chồng lên nhau làm cho khó thấy rõ chỗ bị bệnh. CT scan dùng computer để tổng hợp hình X-rays từ nhiều góc độ khác nhau, để có thể để tạo ra hình chụp rõ ràng, giống như cơ thể được cắt ngang từng lát mỏng như những lát chanh trong dĩa bò tái chanh!


3. MRI là gì?

Một hạn chế của X-rays là nó xuyên qua cơ thể và mang theo phóng xạ (radiation) vì thế ngày nay MRI có nhiều lợi thế hơn. MRI viết tắt của ba chữ, Magnetic Resonance Imaging. MRI được sáng chế bởi Paul C. Lauterbur vào năm 1971, nhưng kỹ thuật không được hoàn thiện mãi cho đến những năm 1990’s. Nguyên tắc của MRI là tạo ra một từ trường chung quanh phần cơ thể muốn chụp hình. Vì trong cơ thể chúng ta hầu hết là... nước, mà phân tử nước có chứa nguyên tử Hygrogen mang điện cực dương, còn gọi là proton. Khi bị kích động bởi từ trường, những hạt proton như bị “sắp hàng lại” và rung lên, phát ra sóng radio. Máy computer sẽ ghi nhận sóng radio nầy thành hình ảnh.

Như vậy, chung chung, MRI an toàn, và kỹ thuật càng ngày càng tiến bộ, độ chính xác nhiều hơn là CT.


4. PET scan là gì?

PET scan là chữ viết tắt của Positron Emission Tomography. PET scan là một thử nghiệm dùng chất phóng xạ để truy tầm những đấu hiệu bất bình thường trong cơ thể, hầu hết là truy tầm bệnh ung thư hay ung thư di căn. Tuỳ theo trường hợp, bệnh nhân sẽ được tiêm, uống, hay hít thở hơi có chất phóng xạ, gọi là radiotracer. Nguyên tắc là, các tế bào bất thường, như ung thư chẳng hạn, thường tụ tập thành khối u, và sử dụng nhiều máu, nhiều oxigen, ăn nhiều đường, tiêu hoá và sanh sản nhanh hơn tế bào thường. Như thể nhờ vào chất phóng xạ, những chỗ bất thường nầy sẽ hiện lên hình bất thường ở những tụ điểm. PET scan thường kết hợp với CT hay MRI, vì hai thử nghiệm trên chỉ phát hiện hình ảnh, thí dụ khối u chẳng hạn, trong khi đó PET sẽ cho biết khối u đó là ung thư hay không.


5. Siêu âm, ultrasound là gì?

Ultrasound, còn gọi là sonogram, là thử nghiệm dùng sóng âm thanh, siêu âm để tạo ra hình ảnh. Tương tự như sóng radar mà các loài dơi dùng để định hướng, hay ứng dụng dò tìm tàu ngầm, tìm máy bay cho trạm không lưu, hay tìm... cá cho dân đi câu! Thiết bị phát âm thanh sẽ bắn ra sóng âm thanh, khi đụng vật thể muốn dò tìm sẽ dội lại tạo ra hình ảnh. Trong nghề cấy thai nhân tạo của tôi, máy siêu âm là con mắt thứ ba của tôi mỗi ngày. Nhiều bệnh nhân hỏi tôi có an toàn không. Xin trả lời là rất an toàn, vì nó chỉ là sóng âm thanh, không có phóng xạ gì cả. Chỉ là âm thanh mà chỉ có loài dơi hay những chú chó có thể nghe được mà thôi.


6. Mức độ an toàn của các thử nghiệm?

Như thế, MRI và sonogram có lẽ an toàn nhất vì chẳng dính dáng gì tới phóng xạ, radiation cả. Millisievert (mSv) là đơn vị để đo độ phóng xạ. Mỗi năm, trung bình mỗi người chúng ta chịu độ phóng xa là 3 mSv từ môi trường xung quanh. Trong một chuyến bay 5 tiếng từ Los Angeles qua New York, mỗi hành khách sẽ bị nhiễm phóng xa khoảng 0.03 mSv. Trung bình chụp hình X-rays, tuỳ theo bộ phận của cơ thể, độ nhiễm phóng xạ từ 0.001 mSv cho đến 1.5 mSv, thí dụ chụp hình ngực mammogram là 0.4 mSv và chụp hình phổi là 0.1 mSv, độ nhiễm ít hơn là một ngày phơi nắng ngoài biển! Trong khi đó, CT scan, độ nhiễm phóng xạ từ 2 dến 20 mSv. Còn, mỗi PET scan, sẽ gây ra phóng xạ khoảng 25 mSv.

So ra thì độ nhiễm phóng xạ của các phương pháp chụp hình cũng không đến nỗi nào, vì lâu lâu mới chụp một lần, và nếu cần là chuyện phải làm mà thôi. Nhờ vào những phát minh này mà y khoa có thể dò tìm và chữa trị bệnh mau chóng.
(H.Phi chuyển)