31 thg 12, 2015

Khi rảnh rỗi nhớ day huyệt Hậu khê, bạn sẽ thấy cận thị dần biến mất

cận thị
(Ảnh: Meirihaowen)

Khi rảnh rỗi nhớ day huyệt hậu khê, bạn sẽ phát hiện ra cận thị dần dần biến mất… thậm chí cả cổ, lưng cũng được lợi ích lớn! Hãy tham khảo để áp dụng.
Ngày nay, đa số mọi người đều dùng máy tính để làm việc hoặc đọc sách báo tin tức. Bình thường trong lúc nghỉ ngơi cũng thường sử dụng điện thoại thông minh. Những điều này vô tình khiến cho thị lực ngày càng kém, tỉ lệ cận thị tăng lên.
Thế giới xung quanh phong phú đa dạng bao nhiêu thì có nhiều thứ thu hút chúng ta bấy nhiêu. Những việc cần dùng mắt cũng ngày càng nhiều, vậy nên chiếc kính đã trở thành vật bất li thân của rất nhiều người, đi đâu cũng phải mang theo.
Cận thị khiến chúng ta nhìn mọi vật mơ hồ, không rõ. Do đó rất nhiều người không tiếc tiền đến bệnh viện chữa trị chứng cận thị. Cũng có một số người đeo những cặp kính áp tròng đủ màu sắc để trông đẹp hơn hoặc lựa chọn điều trị bằng tia lazer.
Lại có người coi cận thị là chuyện bình thường, không có gì to tát, đeo kính vào là xong.
Thực ra, không khó để được giữ được đôi mắt sáng, nguyên lý cũng đơn giản đến mức bất ngờ…
can thi 1
(Ảnh: Internet)

Quan điểm của Đông y về cận thị:

Mắt kém đi là do thiếu dương khí.
Cận thị là cách nói của Tây y, còn trong Đông y, cận thị được gọi là “chứng nhìn rõ các vật ở gần mà không nhìn rõ các vật ở xa” hay còn gọi là “tật nhìn nheo mắt”.
Nguyên nhân chủ yếu là do mắt hoạt động quá độ, gây tổn thương can huyết, kinh lạc trong mắt bị tắc nghẽn làm mất đi chức năng thư giãn bình thường. Biểu hiện rõ rệt nhất là nhìn rõ các vật ở gần mà không nhìn rõ các vật ở xa.
Mắt chúng ta phải dựa vào dương khí để bổ trợ và điều tiết. Mắt mệt mỏi thôi vẫn chưa thể gây ra chứng cận thị, mà nguyên nhân gây ra cận thị chính xác là khi mắt thiếu dương khí điều tiết kèm theo mệt mỏi quá độ.
Giữ nguyên mãi một tư thế làm việc sẽ cản trở việc lưu thông dương khí. Khi duy trì cùng một tư thế cúi đầu làm việc hoặc học tập trong thời gian dài, phần cơ thể phía trên đổ về phía trước, xương cổ căng ra, sẽ ép mạch Đốc trước tiên. Do mạch Đốc điều chuyển toàn bộ dương khí của cơ thể, nên khi bị chèn ép thì dương khí của toàn cơ thể cũng bị chèn ép theo. Dương khí không đủ để bổ sung cho mắt, như vậy chức năng thư giãn nghỉ ngơi bình thường của mắt sẽ bị khống chế, dễ gây ra chứng cận thị.
Chúng ta đã biết nguyên nhân dẫn đến cận thị thì cũng có thể tìm ra một huyệt chính xác để điều trị, đó chính là huyệt Hậu khê. Huyệt đạo này khai thông dương khí!
Huyệt Hậu khê, cận thị (Ảnh: Meirihaowen)
Huyệt Hậu khê (Ảnh: Meirihaowen)
Huyệt Hậu khê là huyệt thứ 3 thuộc kinh tiểu trường, khi gấp ngón tay vào bàn tay, sẽ lộ rõ đường chỉ tâm đạo (giống như khe suối = khê), huyệt ở cuối (sau = hậu) của đường vân này.
Vị trí là chỗ lõm phía sau khớp xương ngón và bàn của ngón thứ 5, ngang với đầu trong đường vân tim ở bàn tay, nơi tiếp giáp da mu tay.
Huyệt hậu khê là nơi giao nhau của kỳ kinh bát mạch, là huyệt khai của mạch Đốc, tả Tâm thủy, tăng cường dương khí, điều chỉnh xương cổ, lợi mắt, cột sống.
Như trên đã nói, cận thị là do tư thế làm việc cúi lâu làm đè nén Đốc mạch, cản trở sự phân tán dương khí. Huyệt hậu khê lại có thể tăng cường bổ sung dương khí, làm chức năng thư giãn của mắt hoạt động bình thường trở lại, ngăn chặn cận thị.
(Ảnh Internet: Vị trí huyệt hậu khê)
Khi mát xa huyệt Hậu khê, tốt nhất là dùng ngón tay cái và ngón trỏ cùng lúc ấn nhẹ huyệt. Mọi huyệt vị trên tay đều khá nhạy cảm, nên khi mát xa chú ý dùng lực vừa phải, không được dùng lực quá mạnh sẽ gây tổn thương vùng da trên tay.
Mát xa huyệt hậu khê có thể điều hòa những ảnh hưởng bất lợi do cúi đầu làm việc hoặc học tập trước máy tính trong thời gian dài. Chỉ cần bạn kiên trì, huyệt vị này không chỉ giúp bạn giải quyết những lo ngại trước mắt mà còn đem lại cho bạn những kết quả không ngờ sau này.

(Ảnh: Meirihaowen)

Mẹo mát xa huyệt Hậu khê

Nói đến việc kích thích huyệt hậu khê, ở đây có 1 mẹo nhỏ: khi chúng ta cúi đầu lâu hoặc dùng máy tính một thời gian, nên dừng nghỉ một chút, khi đó hãy thả lỏng tay, để huyệt hậu khê của 2 tay xuống cạnh bàn nắm ra nắm vào hoặc day nhẹ, mỗi lần thực hiện 3-5 phút, mỗi giờ chỉ cần thực hiện 1 lần.
Trong ngày kiên trì làm như vậy, gập duỗi phần thắt lưng và xương cổ, đến khi hết giờ làm bạn sẽ thấy lưng không còn đau, cổ gáy và mắt cũng không bị mỏi, mắt nhìn mọi vật cũng rõ hơn rất nhiều!

Viện Dưỡng Lão : Nỗi Buồn Cuối Năm,Nỗi Buồn Cuối Đời




Cuối tháng 8 năm 2015 vừa qua , nhân dịp các bạn pilot ở Cali tổ chức buổi họp mặt Không Đoàn 51 Chiến Thuật , tôi và bà xã quyết định về tham dự buổi họp mặt để gặp lại bạn bè cũ cùng Phi đoàn xưa ở Đà Nẵng, nhân tiện thăm người chị đang nằm viện Dưỡng lão ở Westminster , Cali . Trước kia tôi thường nói với bà xã rằng , về già tôi sẽ tìm đến một nơi thật xa ,sống ẩn mình ở một nơi xa lạ như con chim ẩn mình chờ chết , khi tôi cảm thấy không còn khả năng để tự lo cho mình nữa , tôi sẽ vào nhà Dưỡng lão , lý do đơn giản là tôi không muốn làm phiền các con tôi , và cũng không muốn người đời dị nghị nếu các con tôi không thể đến thăm tôi được , và hơn hết tôi không muốn các con tôi nhìn thấy ngày tàn của cha nó . Ngày đáp máy bay xuống Los Angeles , vợ chồng đứa cháu gái ra đón , tôi yêu cầu chở đến thăm mẹ ngay . Khi bước vào viện dưỡng lão , tôi thật sự bất ngờ và rất xúc động cái nơi mà tôi tin rằng mình sẽ đến vào những ngày cuối đời và nó sẽ là vườn địa đàng của 2 ông bà Adong và Eva trước khi mình xuôi tay nhắm mắt . Viện dưỡng lão đó chia làm 3 khu , bước vào cửa chính là khu còn khả năng tự ăn uống , nói chuyện con tĩnh táo , đến khu thứ 2 là khu tạm gọi là handicap 50 phần trăm , mọi cử chỉ đều phải có sự giúp đỡ và giám sát , ăn nói bắt đầu lung tung , không còn mạch lạc nữa . Đến khu thứ 3 là khu hoàn toàn bị bất lực , từ ăn uống đến di chuyển phải có nhân viên giúp đỡ . Nhìn chung các nhân viên phục vụ khá chu đáo , thể hiện tình nhân ái , chị tôi nằm ở khu thứ 3 này . Vừa bước vào khu thứ 3 , tôi thật sự hãi hùng , có người nằm yên bất động kể cả đôi mắt cũng không nhấp nháy , có người lại la hét như mê sảng, kẻ la người câm lặng , có một điểm giống nhau là tất cả hình như đã bất động . Tất cả như những kẻ vô hồn , cạnh phòng của chị tôi có một người , chính hoàn cảnh của người này làm cho tôi vô cùng xúc động .... Tôi nghe đứa cháu hỏi một cách bâng quơ , Chị khỏe không ? cháu tôi hỏi vài lần và tôi chẳng nghe ai trả lời , hiểu ý , cháu Hường chỉ về phía người nằm trước mặt và hỏi thêm vài lần nữa ... Chị khỏe không ? Khi chú ý đến người ấy , tôi mới thấy cái chớp mắt , ngụ ý là khỏe , trông cô ấy còn rất trẻ , khoản dưới 40 mươi thôi , nhưng nhìn thấy cô ấy đang nằm với mớ dây ống của giàn máy trợ sức , tôi hiểu cô ta đang trong thời kỳ bi đát , đứa cháu kể vợ chồng cô ấy rất khá giả là những người có trình độ , lợi tức của các bậc trí thức nên rất cao , sau khi bảo lãnh cha mẹ qua Mỹ xong , cô ấy bị stroke , may mắn sống sót nhưng bị bại não , hoàn toàn không ăn uống , không nói năng hay cử động gì được , phải tiếp hơi thở bằng máy trợ dưỡng khí . Cô ấy giờ đây như một cái xác không hồn , chỉ còn đôi mắt là biết cô ấy còn sống . sau hơn 2 năm sống như thực vật , ông chồng đuổi cha mẹ cô ấy đi , cả 2 ông bà già chưa có quốc tịch nên cuộc sống rất khó khăn , phải sống cảnh lang thang nay đây mai đó , tuổi già nên không ai mướn cả , hơn nữa ở Cali việc làm không phải dễ . hai ông bà vẫn cố gắng vào viện Dưỡng lão thăm con , dù cố che giấu con nhưng cũng không thể cầm được giọt nước mắt cho số phận tuổi già xế chiều , lại thêm đứa con đang nằm chờ chết . Đức Phật nói Đời là bể khổ , tình là dây oan , khi còn đương thời thì hạnh phúc , khi vợ xa cơ thì bạc bẽo lạnh lùng . Tôi thật sự đã khóc cho số phận con người , một lời cầu xin làm sao cho cô ấy không còn trí nhớ để khỏi phải đau khổ khi biết cha mẹ mình bị xua đuổi , quên cả tình người của người chồng bất nhân bất nghĩa . Bước chân ra về , bên ngoài cửa Viện Dưỡng lão , tôi đã đánh mất cái thiên đường của tuổi già , cái Thiên đường mà chính tôi đã vẻ ra khi vừa bước vào lúc nãy . Vài giọt nước mắt còn xót lại , đứa cháu chợt nhìn thấy nói trời tháng 8 ở Cali nóng lắm , sợ cậu không quen dễ bị đỏ mắt chảy  nước mắt ... Tôi khẽ gật đầu mà cổ họng đã nghẹn không nói nên lời . một cái gì đó đã bóp nghẹt lồng ngực , những tiếng nấc nhẹ và những giọt nước mắt thầm lặng , tôi đang khóc , khóc cho số phận con người , khóc cho những người đang rên rỉ trong viện dưỡng lão , và có lẽ một vài giọt nước mắt nào đó để khóc thương thân phận tôi sau này ...
                                                              Cali 26 tháng 8  2015..
                                                                         HCT
Tạp Ghi Huy Phương

Câu chuyện đi thăm Tướng Đỗ Kế Giai tại một nhà dưỡng lão ở Garland, Texas, đã ám ảnh tôi suốt một đêm khó ngủ. Đó là một buổi chiều Chủ Nhật vào cuối Tháng Mười Hai Dương Lịch, trời đã bắt đầu se lạnh, bãi đậu xe trống vắng bóng xe, gần như không có một người khách thăm viếng. Nhưng ông bà cụ già, ngồi trên xe lăn, dồn ra phòng khách, trên lối đi vào, với đôi mắt đờ đẫn không nhìn ai, hay gục mặt nhìn xuống thân mình, trong thói quen chờ đợi, hy vọng có một người thân của mình hiện ra trên ngưỡng cửa với một nụ cười, bó hoa hay món quà trên tay.


Tôi biết trên thế giới Tây phương có nhiều đứa con không dám đi du lịch xa, vì sợ con mèo, con chó hay bầy cá ở nhà không ai cho chúng ăn hay săn sóc, nhưng cha mẹ già thì đã có những nhà dưỡng lão. Thậm chí trong tình vợ chồng, người vợ còn mạnh khỏe, siêng đi lễ hay lên chùa, nhưng chồng thì cô đơn, trên chiếc xe lăn trong một nhà già quạnh hiu nào đó.

Chúng ta có bao nhiêu lý do để bào chữa, biện minh cho việc bỏ bê cha mẹ già trong một cơ quan y tế, được cho ăn mỗi bữa, áo quần có người giặt, vài ba ngày được đẩy xe vào phòng tắm, trần truồng và được cô y tá hay một nam nhân viên dội nước, xát xà phòng, vo đầu. Những việc săn sóc này dù có mang chút tình người đi nữa thì cũng là những công việc hằng ngày bắt buộc, thương ghét hay xúc động chỉ là những cảm tính vô ích.

Có những đứa con nại cớ bù đầu với công việc ở sở, và việc con cái bếp núc ở nhà nên không có thời gian dành cho cha mẹ già, đành phải đưa cha mẹ vào nhà dưỡng lão. Gần đây người ta lên tiếng hoan nghênh những người phụ nữ hy sinh lợi tức để ở nhà toàn thời gian chăm nom, săn sóc con cái, nhưng nào có ai nghe chuyện có những đứa con bỏ việc làm vì còn cha mẹ cần sự giúp đỡ lúc về già! Người ta thường kêu than không có thời giờ, “đầu tắt, mặt tối” nhưng còn có thời gian mua sắm trong các cửa hàng thời trang, mất một hai tiếng đồng hồ trong gym mỗi ngày, năm giờ cho một chương trình ca nhạc ở sòng bài, không tính thời giờ đi về. Đó là chưa kể thời gian “bắt buộc” phải ngồi trước máy điện toán, vào Facebook, hay trao đổi tin nhắn với bạn bè.
Người ta có thể mỗi năm tổ chức những chuyến du lịch bắt buộc, ra ngoài để mở tầm mắt trước thế giới, nhưng “nhắm mắt” làm ngơ về một lần sắp xếp thời gian đi thăm cha mẹ già.

Ngày xưa một người mẹ nuôi được năm mười đứa con, ngày nay cả năm mười đứa con không nuôi nổi được một mẹ, phải chăng vì vậy mà phải đẩy mẹ vào nhà dưỡng lão, để cho những người xa lạ trông coi. Ở đây có khi mẹ thiếu ăn, cơ thể mất nước, dơ bẩn trong mớ phân và nước tiểu, bị đối xử tàn tệ, cũng chẳng hề ai biết đến. Ngày xưa “bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn,” không có bậc cha mẹ nào có thể ngoảnh mặt trước cảnh con đói khát hay bị lăng nhục bởi một người khác.

Con biết giờ đây, “một ông già bằng ba đứa trẻ” cha “lẩm cẩm” bước đi, và mẹ phải nương lưng nhờ gậy chống.
Xưa kia khi các con còn thơ ấu, thân xác chưa trưởng thành và tâm hồn con yếu đuối, điều một điều hai vẫn là mẹ. Một đứa trẻ có thể biết lạnh, biết nóng, biết đói, biết khát, biết đau, nên khóc la, nhưng chóng quên, khóc đó rồi cười đó. Trái lại, một ông già còn biết buồn, biết tủi thân, biết xót xa mà chỉ biết gậm nhấm mang lấy nỗi buồn của riêng của mình, nên tuổi già cũng cần chăm sóc, gần gũi, ân cần như là một đứa trẻ, có khi còn hơn thế nữa!
Thói quen của người đời, người ta thường hỏi nhau có được mấy con, mấy ai quan tâm xem song thân còn hay mất! Đối với cha mẹ, con là tất cả, nhưng đối với con, cha mẹ là một thứ quá khứ cần xếp lại.

Ngày xưa, niềm vui của cha mẹ là nghe tiếng đứa con chập chững bi bô, hay toét miệng cười, ngày nay cha mẹ về già, các con ở xa, chỉ mong nghe tiếng điện thoại reo vui vào những ngày lễ, Tết, và đầu điện thoại bên kia có tiếng nói: “Mẹ ơi!” hay “Mẹ đó hả?”Trong cái tổ ấm cúng ngày xưa, và là cái tổ trống hoác ngày nay, khi các con đã đi xa, những cái phòng của các con vẫn để trống, biết đâu có ngày con về thăm bố mẹ. Con búp bê bằng nhựa, con gấu nhồi bông vẫn còn trên chiếc dương cầm phủ bụi của con gái, tủ sách, nhiều giải thưởng và những lá cờ kỷ niệm của trường đại học vẫn còn gắn trên bức tường trong phòng đứa con trai. Và ngôi vườn kia, đã đầy lớp lá vàng vào Thu hay phủ tuyết mùa Đông, cái ghế xích đu ngoài vườn ngày trước con thích ngồi, vẫn rung khẽ cùng cơn gió nhẹ.

Nhiều lúc cha mẹ muốn bán ngôi nhà cũ đầy ắp kỷ niệm, nhiều phòng, để đi tìm một cái condo, nhưng cứ nghĩ khi con về, và còn những đứa cháu nữa, sẽ ở đâu?
Cha mẹ Việt Nam tự an ủi, ru mình bằng bốn tiếng “nước mắt chảy xuôi” là mọi chuyện đều cho qua, nhận thức đời sống một phần cũng cho là duyên, là phước. Phải chi cha mẹ như cha mẹ nơi quê người, không hề lưu luyến, bịn rịn, ngay từ lúc đứa con đã trưởng thành rời mái ấm ra đi.
Nhưng có lẽ mọi điều không phải như vậy, dù bên trời Tây hay bên phương Đông.
Chúng tôi vừa được xem một đoạn phim rất ngắn kể chuyện một người già cô đơn ở phương Tây.
Những ngày lễ lớn năm nay, cô con gái tin cho biết là cô không về thăm cha được vì bận việc. Ông cụ lủi thủi một mình, cô đơn trong căn nhà nhỏ với những bữa cơm lặng lẽ hàng ngày. Nhưng rồi, cô con gái nhận được tin cha mình qua đời đột ngột, cô thu xếp cùng chồng trở về nhà.

Trên bậc cửa, cô thấy người cha thân yêu của cô hiện ra với tấm lưng còng và mái tóc bạc phơ. Cô bật khóc. Phải chăng vì nghe tin cha chết, cô mới trở về, trong khi còn sống, người cha cần có con, thì không có cô bên cạnh.

Nhưng cũng còn may. Cách đây mười mấy năm ở Paris, vào mùa Hè, có một trận nóng kinh khủng giết hàng trăm cụ già trong nhà dưỡng lão. Nhà nước thông báo cho những đứa con trở về lo chôn cất. Nhưng chúng, nhiều đứa đành xin lỗi, vì đang kẹt trong chuyến du lịch dài ngày ở xa!

Huy Phương.
Ảnh: Wikipedia : Viện Dưởng Lão.
(Hoa Huỳnh chuyển)

NHỮNG DÒNG THƠ BẤT HỦ CỦA "LANGSTON HUGHES"/ Phỏng dịch: Nguyễn Cang

Tóm tắt tiểu sử Langston Hughes (1/2/1902-22/5/1967):

Ông là người Mỹ da đen gốc Phi Châu, sinh tại Joplin, Missouri, Mỹ. Ông  có chân trong Phong trào Văn học nghệ thuật của người Mỹ gốc Phi Châu của thập niên 1920, mệnh danh là Phong trào Phục Hưng Harlem (Harlem Renaissance), trong đó ông là cây bút trụ cột. Thiên tài thơ văn Langston Hughes thuở nhỏ sống tại khu Harlem, là một khu phối xập xệ, bẩn thỉu, nghèo nàn ở New York. Qua thi ca, tiểu thuyết, kịch, sách thiếu nhi , ông đã nói lên tiếng nói tranh đấu cho cho bình đẳng xã hội, chỉ trích sự kỳ thị người da đen, và những bất công xã hội thời bấy giờ. Ông yêu nhạc Blues và Jazz, vì thể loại nầy thích hợp với tình cảm, cá tính của người da đen. Âm thanh những bản nhạc nầy ảnh hưởng đến Hughes nên ông có cảm hứng để sáng tác bản trường thi "Montagne of a dream deferred" mô tả cuộc sống gian nan, cực khổ của người dân da đen gốc Phi Châu ở những vùng ngoại ô thành phố. Lời thơ nói lên tâm tư và khát vọng của người da đen.

 Xin trích ba bài thơ, trong nhiều bài hay khác của tác giả để bạn đọc thưởng thức nguyên bản:

    Bài 1: DREAMS

Hold fast to dreams
For if dreams die
Life is a broken winged bird
That cannot fly

Hold fast to dreams
For when dreams go
Life is a barren field
Frozen with snow
(Langston Hughes)
      ƯỚC MƠ
Ước mơ xin nắm chặt

Nếu để nó tàn phai

Đời như chim gãy cánh
Mong gì cất cánh bay

Ước mơ xin nắm chặt
Một khi nó bỏ đi
Đời như cánh đồng cỗi

Băng tuyết lạnh tư bề.

   (Nguyễn Cang)


    Bài 2: DREAM DEFERRED *

What happens to a dream deferred?
Does it dry up
Like a raisin in the sun?
Or fester like a sore--
And then run?

Does it stink like rotten meat?
Or crust and sugar over--
like a syrupy sweet?

Maybe it just sags
like a heavy load.
Or does it explode?
(Langston Hughes)
GIẤC MƠ BỊ HOÃN
Chuyện gì xảy ra khi giấc mơ bị hoãn?
Nó có bị khô cạn đi

Như chùm nho tươi phơi nắng cháy?

Hay sưng tấy như một vết thương
Rồi chảy mủ ra?
Nó có bốc mùi như miếng thịt ôi?
Hay đặc quánh như nước si- rô

Có thể nó chỉ lún xuống

Như có vật nặng đè lên

Hoặc nó sẽ nổ tung?

  (Nguyễn Cang)

*Bài thơ nầy Hughes viết năm 1950, như một báo hiệu cho những cuộc nổi loạn thập niên 1960 của người da đen đòi quyền sống, xảy ra tại các thành phố lớn của Mỹ như: Watts, Newark, Chicago...



Bài 3: NEGRO  SPEAKS  OF  RIVERS


I’ve known rivers:
I’ve known rivers ancient as the world and older than the
flow of human blood in human veins
My soul has grown deep like the rivers.

I bathed in the Euphrates when dawns were young
I built my hut near the Congo and it lulled me to sleep.
I looked upon the Nile and raised the Pyramids above it.
I heard the singing of the Mississippi when Abe Lincoln
went down to New Orleans, and I’ve seen its muddy
bosom turn all golden in the sunset

I’ve known rivers:
Ancient, dusky rivers.
My soul has grown deep like the rivers.
(Langston Hughes)

NGƯỜI DA ĐEN NÓI VỀ NHỮNG DÒNG SÔNG
Tôi đã qua những dòng sông:

Những dòng sông cổ xưa như trái đất nầy

Và xưa hơn cả dòng máu, chảy trong cơ thể con người

Mà hồn tôi, hóa ra sâu thẳm tợ những dòng sông.

Tôi từng tắm trên dòng sông Euphrates khi bình minh vừa hé,

Dựng lều cạnh sông Congo và sóng nước ru tôi ngủ.

Tôi từng ngước nhìn dòng sông Nile, ở đó sừng sững dâng cao những Kim tự tháp

Cũng từng nghe tiếng hát của dòng sông Mississipi khi Lincoln xuôi dòng  xuống New Orleans, và thấy cả bùn đục dưới sông ngã màu vàng chói lúc chiều tàn.

Tôi biết có những dòng sông:

Những dòng sông cổ xưa tăm tối

Mà hồn tôi, hóa ra sâu thẳm tợ những dòng sông!

   (Nguyễn Cang)

    (12/15/15)