30 thg 11, 2022

100 bài Waka của thiền sư Nhật Bản Ryokan Taigu (Lương Khoan Đại Ngu, 良寛大愚; 1758–1831)


Pháp Hoan (法 歡) chuyển ngữ.

Thế gian đầy buồn đau
nếu như tôi hiểu rõ
ngay từ buổi ban đầu
tôi đã làm cây cỏ
trong một miền núi sâu.
*
Giữa một chiều mùa thu
vị sư già đứng đó
lắng nghe tiếng dế ru
đằng xa ngôi làng nhỏ
đã chìm trong sương mù.
*
Trong bình bát cúng dường
bồ công anh hoà quyện
với đồng thảo ngát hương
thành tâm tôi dâng tiến
lên chư Phật mười phương.
*
Ngôi làng trong núi xa
lá phong rơi lả tả
thật khó để nhận ra
trong những ngày lạnh giá
cơn mưa nào ghé qua.
*
Đi vào miền núi sâu
chỉ vì tôi muốn tránh
tiếng sóng giữa đêm thâu
thế nhưng sao cô quạnh
khi thông réo trên đầu.
*
Xin vì tôi thương tình!
thổi nhẹ thôi giông bão
đêm giữa cuộc hành trình
tôi ngủ trên tay áo
của tăng phục trắng tinh.
*
Thời gian đà trôi xa
không một ai có thể
giữ được tháng ngày qua
vậy mà sao ý nghĩ
vấn vương hoài bên ta?
*
Chúng ta đã hứa rằng
sẽ gặp nhau lần nữa
khi mạ vừa gieo xong
nhưng giờ đây lá úa
bay trong gió mịt mùng.
*
Người đã quên tôi rồi
hay là người lạc lối?
lặng lẽ tháng ngày trôi
nơi này tôi chờ đợi
một dáng hình xa xôi.
*
Bây giờ đã canh ba
và tiếng cơn mưa đá
đánh vào cội tre già
trên giường tôi nằm thức
lắng nghe đời đi qua.
*
Cuộc đời của con người
như cỏ bên bờ suối
bị dòng nước cuốn trôi
đôi khi được chiếu rọi
bởi vầng trăng rạng ngời.
*
Thế gian này hỡi ôi
không có gì trường cửu
mọi thứ luôn đổi dời
hoa nở sớm hay muộn
cũng lụi tàn cả thôi.
*
Nào khác gì đám mây
trôi về nơi viễn xứ
tôi để tấm thân này
bay theo muôn ngọn gió
giữa đất trời mê say.
*
Thế giới của con người
nào khác gì tiếng vọng
xa xôi của núi đồi
bản chất là trống rỗng
và hư ảo mà thôi.
*
Vẫn chưa hề biến tan
như sương đầu ngọn cỏ
phù ảo cõi thế gian
tôi vẫn còn ở đó
giữa trời vầng trăng non.
*
Dẫu tôi đã biết rằng
cuộc đời này huyễn mộng
tất cả trôi theo dòng
phù du của kiếp sống
cớ sao tôi nặng lòng?
*
Trong khi tôi lang thang
gom củi và cỏ dại
ở trên ngọn đồi hoang
chư Phật đang trẩy hội
khắp thế giới ba ngàn.
*
Tay áo choàng của tôi
đã nhuộm đen màu mực
giá như đủ rộng dài
để có thể chứa được
chúng sanh trên cõi đời.
*
Trên lối về xa xôi
lạc bước trong bóng tối
âm thầm chỉ mình tôi
dõi nhìn vầng trăng sáng
lặn phía sau ngọn đồi.
*
Vừa đến ngôi làng xa
dọc hai bờ sông vắng
những cây đào bung hoa
nhuốm một màu đỏ thắm
trên mặt nước hiền hoà.
*
Gió giữa trời bao la
và trăng khuya chiếu rạng
nào ta hãy múa ca
cho đến khi trời sáng
để chia tay tuổi già.
*
Ngỗng hoang và vịt trời
đã bay đi trốn lạnh
bỏ mặc tôi ngậm ngùi
đậu phụ mà có cánh
cũng bay mất tiêu rồi!
*
Nếu như anh một lòng
theo lời nguyện đức Phật
giáo chủ cõi Tây Phương
anh sẽ không lạc mất
ở giữa ngã tư đường.
*
Rực rỡ giữa ban mai
những đoá mẫu đơn dại
đang ở độ mãn khai
quá quý để mà hái
quá quý để mà thôi.
*
Nếu có kẻ phương xa
hỏi nơi Lương Khoan sống
hãy trả lời rằng ta
cư ngụ sau cánh cổng
dưới chân dải ngân hà.
*
Ôi bình bát đáng thương
ta lỡ bỏ mi lại
trên bãi cỏ ven đường
khi hái hoa đồng thảo
dâng chư Phật mười phương.
*
Vào buổi sáng hôm nay
mưa mùa đông đã tạnh
tôi phải làm gì đây?
hái rau, đi lấy nước?
hay chẻ củi đầu ngày?
*
Dẫu từ buổi ban đầu
tôi biết rằng thế giới
chẳng có gì dài lâu
nhưng cớ sao lệ thắm
cứ đẫm tràng áo nâu.
*
Hãy thăm thiền thất ta
khi hoàng hôn buông xuống
để nghe tiếng dế ca
và ngắm vầng trăng sáng
trên rừng thu nhạt nhoà.
*
Nước chẳng bao giờ đi
trăng chẳng bao giờ đến
vậy mà bóng trăng kia
lấp lánh trên sóng biển
muôn ánh sáng diệu kỳ.
*
Sao ta cứ nhớ về
những lần hứng hoa mận
trong chén rượu sa kê
bây giờ hoa rơi lạnh
trên nền đất não nề.
*
Có tiếng sáo tiếng đàn
nơi phồn hoa đô thị
nhưng ở trong ngôi làng
nơi núi sâu sẽ chỉ
có tiếng tùng reo vang.
*
Tôi không nghĩ cuộc đời
của tôi thật thiếu thốn
bên trong cánh cửa sài
có vầng trăng chiếu rạng
và có cả hoa tươi.
*
Làm sao ngủ được đây
giữa trăng thanh gió mát
bạn ơi hãy đến đây
cùng nhau ta múa hát
cho qua hết đêm này.
*
Những thiếu nữ cúi đầu
trên cánh đồng trồng lúa
trong một miền núi sâu
lời ca nào cũng chứa
biết bao nỗi u sầu.
*
Di sản nào tôi đang
để lại cho hậu thế?
Hoa nở lúc xuân sang.
Chim cu khi hè đến.
Lá phong giữa thu vàng.
*
Xin từ giã thế gian--
bây giờ tôi sẽ nhảy
lên trên một lá sen
dẫu gọi tôi là ếch
tôi cũng không muộn phiền.
*
Nón lá bay lên trời
dép cỏ trên mặt đất
áo tơi về xa xôi
thân thể tôi là vật
duy nhất còn lại thôi.
*
Bạn sẽ hát thật say?
Còn tôi sẽ nhảy múa.
Làm sao ngủ được đây
khi vầng trăng thiên cổ
ngự giữa trời tối nay?
*
Trên gối cỏ nằm yên,
chỗ dừng chân cô quạnh
cứ thay đổi mỗi đêm
nhưng giấc mơ cố quận
vẫn trước sau vẹn tuyền.
*
Mưa đổ và tuyết rơi
làm áo tôi ướt đẫm
các cụ bà đem phơi
trong những ngày nắng ấm,
rồi chuyền đến tay tôi.
*
Mùa thu đã đến gần
và nỗi lòng cô quạnh
một thoáng lướt qua nhanh
khi tôi đóng cánh cổng
dẫn lối vào am tranh.
*
Phải chăng là giấc mơ
hay chính là thực tại?
làm sao biết bây giờ?
rời xa người mãi mãi
khiến tim tôi thẫn thờ.
*
Tôi không hiểu vì đâu
trái tim tôi xao xuyến
trằn trọc suốt đêm thâu
biết rằng ngày mai đến
năm mới sẽ bắt đầu.
*
Này lũ trẻ kia ơi
mau mau đi vào núi
ngắm hoa đồng thảo thôi
thời không sẽ tiếc nuối
nếu mai này hoa rơi.
*
Nếu như bản thân tôi
được phúc phần ở lại
thiền thất này là nơi
vào mùa hè năm tới
dưới bóng cây tôi ngồi.
*
Dù đứng hay là ngồi
bên trong căn lều cỏ
cũng không thể vãn hồi
ý nghĩ rằng tôi đã
lâu nay chưa gặp người.
*
Nếu có ai về thăm
quê nhà tôi ở đó
làm ơn nhắn hộ rằng
Lương Khoan nay đã ở
tỉnh Omi xa xăm.
*
Cha Mẹ ơi làm ơn!
ở trên miền cực lạc
xin hãy đợi chờ con
nhỡ hôm nay phận bạc
kiếp sống con không còn.
*
Nhìn lũ trẻ vui ca
bên trong ngôi làng nhỏ
tôi không hề nhận ra
rằng ở trên mi mắt
giọt lệ kia đã nhoà.
*
Chìm vào những giấc mơ
sớm mai và chiều tối
tôi thấy đảo Sado
cùng khuôn mặt của mẹ
trong gió sương mịt mờ.
*
Chỉ cần thấy người thôi
hỡi người em gái nhỏ,
đủ khiến tôi bồi hồi
hối tiếc nào tôi sẽ
để lại khi lìa đời?
*
Họ bảo xuân đến rồi
trời phủ đầy sương gió
thế nhưng khắp núi đồi
không một bông hoa cỏ
chỉ tuyết trắng mà thôi.
*
Cái lạnh đánh thức tôi
tuyết vẫn còn rơi mãi;
tiếng kêu loài ngỗng trời
qua bao nhiêu khổ ải
trở về từ xa xôi.
*
Mùa mưa đã qua rồi
và bầu trời quang đãng
tôi cất bước ra ngoài
trên cánh đồng buổi sáng
gió mát lành nơi nơi.
*
Mây trên trời đã tan
và bầu trời quang đãng
cầm bát đi vào làng
với trái tim trong sáng
chẳng hạnh phúc nào bằng.
*
Thế gian này hỡi ôi
mỗi khi tôi nghĩ đến
nỗi khổ của con người
khổ của người chợt biến
thành khổ của riêng tôi.
*
Trong thiền thất lạnh căm
không thể nào ngủ được
chỉ tiếng thác xa xăm
từ núi cao nghìn thước
vọng đến chỗ ta nằm.
*
Bên dưới nhành liễu xanh
cười đùa và ca hát
cùng những người bạn thân
ngày mùa xuân thấm thoát
niềm hân hoan tuyệt trần.
*
Nếu tăng bào của tôi
có thể vừa đủ rộng
để chứa được muôn người
đang khổ đau tuyệt vọng
khắp nơi trên cõi đời.
*
Chẳng có gì khiến ta
hạnh phúc hơn lời nguyện
của Đức Phật Di Đà
độ chúng sanh tất cả
khắp thế giới Ta Bà.
*
Đôi khi ngồi lặng thinh
nghe lá rơi về cội
đời tăng lữ an bình
cách xa rồi thế giới
sao lệ dâng mắt mình?
*
Làm thế nào mà ta
bàn về điều tất yếu
mà không hề nhận ra
thế giới này phản chiếu
trong hạt ngọc trắng ngà.
*
Nếu trên thế gian này
có một người nào đó
cảm nhận giống tôi đây
thời ở trong lều cỏ
trò chuyện suốt đêm dài.
*
Giữa những thông và sồi
mọc ở trên vách đá
mùa xuân đã đến rồi
khoác lên mình sương giá
một màu trắng tinh khôi.
*
Ôi cây tùng cô đơn
ta vui lòng hiến tặng
cho mi chiếc nón rơm
và áo tơi để tránh
những cơn mưa đầu nguồn.
*
Sau một chuyến hành trình
đến ngôi làng trong núi
tôi trở về am tranh
nơi những bông cúc cuối
bên dậu thưa nghiêng mình.
*
Đợi cho trăng tròn đầy
xua tan đi bóng tối
rồi hẵng rời khỏi đây
bởi lối đi xuống núi
hạt dẻ gai rơi dầy.
*
Đời người như sương sa
vô thường và trống rỗng
năm tháng đã dần qua
đến lúc phải tan biến
vào hư vô nhạt nhoà…
*
Ôm bình bát cúng dường
đi vào ngôi làng nhỏ
nhưng kìa đám đinh hương
trên đá đang nở rộ
khiến cho ta lạc đường.
*
Phải làm thế nào đây
để có thể sống sót
qua mùa đông năm nay
khi tiết trời khắc nghiệt
cho đến tận lúc này.
*
Đèn đuốc và hương hoa
người người mang đi lễ
nhưng chốn này của ta
chỉ có chiếc bánh vẽ
để dâng lên Phật Đà.
*
Đi vào ngôi làng này
cốt để xem đào đỏ
nhưng cả ngày hôm nay
ta chỉ nhìn hoa cỏ
dọc bờ sông nở đầy.
*
Mùa xuân giờ đã sang
lá mùa thu biến mất
chim chóc hót ca vang-
phải mau lên để gặp
lũ trẻ con trong làng.
*
Chiều nay ngồi trước sân
uống dăm ba chén rượu
cùng các bác nông dân
đến khi lông mày phủ
bởi tuyết sương trắng ngần.
*
Tuyết phủ trắng cả rồi
trên lối đi mờ tối
nhưng ý nghĩ về người
khiến đôi chân mệt mỏi
vẫn bước hoài không thôi.
*
Khắp nơi tuyết phủ dày
sau một cơn bão lớn
vậy tin tức từ nay
phải chờ khi xuân đến
mới truyền sang xứ này.
*
Đến Iwamura
vào một ngày mưa gió
trên cánh đồng bao la
chỉ mình tôi đứng đó
cùng với cây tùng già.
*
Mưa tuyết phủ khắp nơi
nằm trong đêm tôi nghĩ
về tháng ngày xa xôi
phải chăng tất cả chỉ
là một giấc mộng đời?
*
Này đỗ quyên kia ơi
cớ chi lại than khóc
trong khu vườn của tôi
phải chăng vì thấy được
mọi khổ đau trên đời?
*
Thảo am chốn đồng quê
tường được xây bằng rạ
cột được dựng bằng tre
làm ơn, ai đó hãy
ném vào bình sake.
*
Chim trong lồng kia ơi
phải chăng mi cũng nhớ
chốn núi đồi xa xôi
nơi có chiếc tổ nhỏ
năm xưa mi chào đời.
*
Một trăm nhành cỏ tươi
năm xưa được trồng trước
thảo am này của tôi
tất cả giờ phụ thuộc
vào ý cơn gió trời.
*
Mùa thu đã đến gần
ngay cả bầy đom đóm
cũng chẳng còn trước sân
làm ơn, ai đó ném
cho ta hũ rượu cần.
*
Bóng tối tràn khắp nơi
làm sao người đến được
giấc mộng này của tôi
vượt qua màn tuyết trắng
phủ bên trên ngọn đồi?
*
Nếu người đời hỏi qua
về bài thơ từ thế
nói với họ rằng ta:
‘’Quay về và nương tựa
đức Phật A-Di-Đà’’.
*
Nếu tiếng vọng thung xa
không làm người sợ hãi
vậy sao chẳng đi qua
bóng hàng cây trắc bá
để đến thăm lão già.
*
Nếu trái tim ban đầu
của người không thay đổi
thời ta sẽ cùng nhau
như dây leo quấn chặt
đến muôn nghìn kiếp sau.
*
Trời thật đẹp và ta
có dăm ba vị khách
đến viếng từ phương xa.
Ai dư chút mận muối
cho lão mang về nhà?
*
Ôi độc ác làm sao
vào ngày người đến viếng
đứng dưới bầu trời cao
ngóng hoài nhưng chẳng thấy
được một bông tuyết nào.
*
Ở bên trên cánh đồng
khi hái đoá hồng dại
lũ ếch kêu không ngừng:
”hãy bỏ vào chén rượu
và thưởng thức hết lòng.”
*
Trong khi hái rau lê
tôi nghe tiếng chim trĩ
thổn thức giữa đồng quê
ký ức ngày xưa ấy
bỗng theo nhau ùa về.
*
Mùa xuân nhẹ nhàng trôi
mận ra hoa trắng toát.
Bây giờ cánh hoa rơi
hoà tiếng kêu thánh thót
của chim oanh giữa trời.
*
Khi mạ vừa cấy xong
tôi ngồi trong thiền thất
nghĩ về các lão nông
và cầu xin chư Phật
ban ân cho cánh đồng.
*
Khi gió mưa vừa ngừng
tôi cùng lũ trẻ bước
dọc theo con đường rừng
vạt áo tràng đẫm ướt
bởi sương giăng mịt mùng.
*
Chốn núi rừng xa xôi
nếu dựng lên am cỏ
hẳn những đoá hoa tươi
trăng vàng và phong đỏ
là bạn thân của người.
*
Mùa thu lần lữa qua
núi đồi khoe sắc thắm
giấy, rượu đã bày ra
nhưng chẳng người nào đến
để viếng thăm lão già.
*
Kìa cây mận trắng phau
cùng với vầng trăng bạc
nở sáng ở trên đầu
chốn ấy tôi nán lại
cho đến chiều hôm sau.
*
Mưa phùn vào mùa xuân
mưa rào vào mùa hạ
thu đến trời khô hanh
nguyện cầu cho tất cả
được ấm no an lành.
____________
* Pháp Hoan dịch từ bản dịch tiếng Anh của John Stevens trong Dewdrops on a Lotus Leaf. Zen Poems of Ryokan. Translated and Introduced by John Steven và bản dịch tiếng Anh của John Stevens trong One Robe, One Bowl. Zen Poems of Ryokan. Translated and Introduced by John Steven. Nguyên tác thơ Ryokan Taigu (Lương Khoan Đại Ngu, 良寛大愚).

Vui lethi chuyển

TIN BUỒN VÀ PHÂN ƯU (GS.Trần Hửu Tá Tạ Thế 27/11/2022 )

Được Tin :
 

GS TRÀN HỬU TÁ

là phu quân của chị Dương Ngọc Diệp,GV  tổ Văn trường CĐSP.Mẫu Giáo Trung Ương 3,182 Nguyễn Chí Thanh -P.3,Q.10 đã tạ thế ngày 27/11/2022 tại TP. HCM

Xin thành kính Phân Ưu cùng Tang Quyến

Cầu Nguyện Cho Hương Linh Người Quá Cố Được AN NGHĨ NƠI CÕI 

VỈNH HẰNG


Mời Xem : 1./ Với thầy Trần Hữu Tá- Nguyễn Thị Bình 

                2./  Một tấm lòng nhân hậu - Nguyễn Trọng Chức

Một tấm lòng nhân hậu - Nguyễn Trọng Chức (Văn Việt )


Nhìn lại quãng đời làm báo mấy mươi năm, những dấu ấn nghề nghiệp quan trọng đối với tôi là được gặp gỡ, quen biết rồi trở thành thân thiết với khá nhiều người nổi tiếng trong hầu hết các lĩnh vực hoạt động xã hội. Riêng với nhà giáo Trần Hữu Tá, nhờ công việc và cả cơ duyên nên tôi có cơ hội tiếp xúc với ông từ rất sớm.

Nhiều năm được gần gũi với ông trong mối quan hệ giữa người làm báo và người viết báo, rồi có duyên may được ngồi cùng ông trong ban chấp hành Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học TP. Hồ Chí Minh suốt ba khóa liền, đối với tôi ông là hình ảnh mẫu mực về nhân cách cũng như về những cống hiến lớn lao suốt gần sáu thập niên với tư cách một người thầy cũng như một nhà nghiên cứu văn học. Trong bài viết này, tôi muốn được gọi ông thật giản dị là “thầy Tá”.

Tôi không nhớ thật chính xác thời điểm nào được làm quen với thầy Tá, có lẽ vào khoảng năm 1983. Trong mối quan hệ những ngày đầu tiên giữa ông và tôi có một nhân vật đã gây “bão” dư luận lúc ấy với một dự án về hàng không dân dụng được gọi tắt là Vueta: cựu phi công Mai Trọng Tuấn. Khi dự án Vueta được thông tin khá nhiều trên báo Tuổi Trẻ, tôi có vài bận đến thăm nhà ông Mai Trọng Tuấn, và ở đó tôi gặp nhà giáo Trần Hữu Tá khi ông và gia đình mới vào miền Nam, đang tá túc tạm tại nhà ông Tuấn ở Tân Định.

Những lần gặp thầy Tá tôi đã sớm “bị” ông thuyết phục bởi kho tàng tri thức mà ông sở đắc, đi cùng sự cẩn trọng, chu đáo của một nhà giáo thâm niên gắn bó với bục giảng. Tôi được nghe ông kể những câu chuyện về những nhà văn, nhà giáo sống và làm việc ở miền Bắc mà ông thân quen, tri kỷ – những người mà hồi đó tôi không được biết nhiều về cuộc đời và trước tác của họ. Nhưng quan trọng hơn là cách ông đối nhân xử thế: thái độ luôn ân cần, niềm nở, thân ái và bao dung của ông đối với nhiều người mà tôi được chứng kiến, thường là học trò thuộc nhiều thế hệ của ông. Có một từ đã được nhiều người dùng để mô tả một trong những nét tính cách của thầy Tá, đó là lòng “nhân hậu”. Quả là không có từ nào thích hợp hơn “nhân hậu” khi nói về ông. Trong suốt hơn ba mươi năm được biết ông, rồi trở thành một người bạn vong niên của ông, tôi luôn thấy được sự nhân hậu đó toát lên ở từng cử chỉ, từng lời nói và trong những bài viết, những công trình nghiên cứu của ông.

Bài viết đầu tiên tôi “đặt hàng” thầy Tá là về nhà nghiên cứu văn học Vũ Ngọc Phan, nhưng với thời hạn thật gấp gáp. Sau này, ông kể với tôi bài viết ấy đã “hành” ông như thế nào. Do mấy tập “Nhà văn hiện đại” cũng như toàn bộ sách và tài liệu của ông lúc đó vẫn còn để ở Hà Nội, thầy Tá đã phải đạp xe đến nhà giáo sư Nguyễn Văn Trung trên đường Bà Huyện Thanh Quan để mượn sách về tham khảo trước khi viết. Không may là tối hôm ấy lại cúp điện, mượn được sách về ông phải lọ mọ đọc và viết trong ánh đèn dầu gần như suốt đêm để kịp giao bài đúng hẹn vào sáng hôm sau. Tôi vẫn còn giữ được bản thảo bài viết được ông viết tay, chữ đều tăm tắp, những đoạn cần nhấn mạnh (để tòa soạn dùng co chữ đậm, chữ nghiêng khi cần) được ông nắn nót kẻ bằng bút khác màu.

Cũng từ ngày đó, tờ Tuổi Trẻ Chủ Nhật có một công tác viên thân thiết bậc nhất là cây bút Trần Hữu Tá. “Ỷ” vào mối quan hệ thân thiết với ông, sau này tôi thường xuyên đặt bài của ông. Hầu như thầy Tá không bao giờ từ chối những yêu cầu, có khi thúc bách, của tòa soạn. Cũng có lúc ông trực tiếp đề nghị bài muốn viết. Thường thì chúng tôi trao đổi về đề tài qua điện thoại hoặc tôi trực tiếp đến chỗ ông ở, có thời gian là một góc khá bề bộn của khu tập thể Trường Đại học Sư phạm. Bên cạnh những tác gia miền Bắc nổi tiếng, thầy Tá còn viết về nhiều khuôn mặt văn chương miền Nam như Thẩm Thệ Hà, Tô Nguyệt Đình, Võ Hồng, Trang Thế Hy… Ông cũng là người đã rất sớm định danh, định vị lại những tên tuổi lớn như Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Trường Tộ… mà vào lúc đó còn nhiều đánh giá trái chiều, thậm chí có cả những lên án rất bất công, cố chấp và phản khoa học. Tôi gần như tin cậy tuyệt đối vào những thẩm định, đánh giá của ông chung quanh những tác gia miền Nam từng được coi là “có vấn đề”, “phức tạp”.

Từ mối quan hệ thân tình giữa người viết báo và người làm báo, khi Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học TP. Hồ Chí Minh ra đời năm 1988, thầy Tá đã “rủ rê” tôi tham gia Ban chấp hành Hội khóa đầu tiên và liên tiếp trong hai khóa sau, tính ra là tròn mười lăm năm tôi gắn bó với tổ chức nghề nghiệp này. Đó là những năm tôi có dịp được gần gũi với rất nhiều nhà giáo, nhà văn hóa, nhà nghiên cứu có uy tín như cố giáo sư Hoàng Như Mai, giáo sư Nguyễn Văn Hạnh, giáo sư Nguyễn Lộc, giáo sư Lương Duy Trung, nhà giáo Trần Phò…; với những người thầy cũng là những bạn văn cùng thế hệ với tôi như Huỳnh Như Phương, Nguyễn Ngọc Quang, Lê Tiến Dũng, Nguyễn Thành Thi… Biết bao kỷ niệm trong mười lăm năm ấy mà tôi có được với Hội cũng nhờ thầy Tá với vai trò người hướng đạo, người dẫn dắt tôi vào một sinh hoạt bổ ích và tích cực cho nghề làm báo. Tôi mãi mãi biết ơn ông điều đó.

Tôi còn có những kỷ niệm nhớ đời với thầy Tá và hai tác giả văn học mà tôi hết sức yêu mến, quý trọng – đó là hai nhà văn Võ Hồng và Trang Thế Hy. Những năm bác Võ Hồng còn khỏe mạnh, mỗi lần ra Nha Trang gần như tôi luôn tìm đến ngôi nhà số 51 Hồng Bàng để thăm hỏi, trò chuyện với ông. Một lần gặp nhà văn lão thành của xứ Trầm Hương, ông vui mừng kể với tôi rằng vừa tiếp chuyện Trần Hữu Tá từ Sài Gòn ra thăm và cho biết sẽ viết bài về ông trên tờ Tuổi Trẻ Chủ Nhật. Lần khác, tôi nhận được hai cuộc điện thoại từ Bến Tre, trước là của thầy Tá, sau là của chú Tư Sâm – cách tôi thường gọi nhà văn Trang Thế Hy. Hóa ra hai ông đang ngồi bên nhau trong vườn nhà chú Tư ở Bến Tre; ông nhà văn già của xứ dừa Trúc Giang khoe với vị khách chiếc áo sơ-mi ngắn tay màu xanh dương đang mặc (có thêu logo báo Tuổi Trẻ trên ngực áo) là quà tặng của tôi dịp tết trước đó mà ông rất thích, thường mặc mỗi khi đón khách quí đến thăm. Những kỷ niệm như vậy in dấu suốt cuộc đời người và luôn khiến tôi bồi hồi mỗi khi nhớ lại.

Nghỉ hưu, rời khỏi công việc đã đeo đuổi suốt mấy thập niên, cũng không còn tham gia sinh hoạt Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học, tôi đã không còn nhiều dịp gặp thầy Tá như trước nữa dù vẫn thi thoảng được trò chuyện với ông qua điện thoại, và thi thoảng mới đến thăm ông ở ngôi nhà mới khang trang trên đường Trần Hưng Đạo. Bước sang tuổi tám mươi với nhiều chứng bệnh đã khiến ông không còn nhanh nhẹn như ngày nào, lại thêm bệnh Parkinson gây nhiều phiền toái cho ông trong sinh hoạt. Nhưng ông không đem đến cảm giác bi quan, ảm đạm của một người đang phải sống với sự mệt mỏi, suy kiệt. Thầy Tá vẫn tươi tỉnh, vẫn hóm hỉnh trong những câu chuyện về một thời đã xa. Chúng tôi cùng nhớ lại những bài viết của ông dành riêng cho tờ Tuổi Trẻ Chủ Nhật. Ông nhắc đến những chi tiết trong các bài viết về nhân vật này, nhân vật khác mà tôi thú thật đã quên mất từ lâu. Chúng tôi cùng nhớ lại những buổi sáng chủ nhật mấy anh em: Trần Hữu Tá, Trương Nhơn, Nguyễn Ngọc Quang và Nguyễn Trọng Chức rủ nhau đi ăn phở khi chỗ này, lúc chỗ khác để đánh giá quán phở nào khá nhất, sau đó kéo nhau vào vườn Tao Đàn uống cà phê và nghe chim hót rộn ràng. Cùng nhớ lại những kỳ đại hội Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học, những cuộc họp chấp hành bàn luận bao nhiêu việc, từ đó ra đời những tập sách, những tập kỷ yếu nghiên cứu và giảng dạy môn văn… Rồi cùng nhắc nhớ một chuyến đi Tây nguyên vào mùa hoa cà phê nở nhưng dù đã hò hẹn, sắp xếp bao lần mà vẫn không thành! Lần cuối gặp thầy Tá khi ông đã gần như bất động trên giường bệnh, nhưng vẫn ra dấu bằng ánh mắt rằng vẫn nhận ra tôi…

Những kỷ niệm đẹp đẽ luôn tươi xanh, không già đi, hư hao theo tháng năm. Năm 2016, khi viết bài cho tập kỷ yếu mừng thượng thọ nhà giáo Trần Hữu Tá, tôi đã lục tìm lại những tư liệu, hình ảnh về ông tôi còn lưu giữ được. Đọc lại những lá thư ông gửi cho tôi, có khi chỉ là vài dòng nhắn tin chớ quên cuộc họp chấp hành ngày mai, nhớ đến dự bữa liên hoan tất niên của Hội… và đọc lại những trang bản thảo viết tay của ông, tôi chợt có cảm giác dường như thời gian đã ngưng đọng lại ở những dòng chữ, những con chữ quen thuộc của ông. Biết là không thể nhưng tôi vẫn cứ ước muốn, giá như có phép màu nào đó để tìm lại thời gian đã mất, để tôi được trở về với thuở mới gặp thầy Tá và đặt bài đầu tiên của ông cho tờ báo thân yêu…

317096512_5671297972959480_2080665715945501359_n

Tổng kết hoạt động Hội Nghiên cứu – giảng dạy văn học TP. HCM năm 2005

316554921_5671298122959465_5187670180425118164_n

Với hai nhà giáo Hoàng Như Mai và Trần Hữu Tá (khoảng năm 2003, 2004)