30 thg 6, 2019

TRỐNG RỖNG - Mai Sơn (Văn Việt )


Phòng tôi ở thuê chung vách với phòng của một cặp vợ chồng trẻ. Người chồng rất kín tiếng, mặt mũi lầm lì, đi đứng khó khăn, nghe nói mình mẩy đầy thương tích, không rõ vì những trận đánh thời chiến tranh hay vì những trận đòn thù giang hồ thời hòa bình. Thật không thể biết được. Cũng nghe phong phanh người vợ vốn là nữ sinh nhà nghèo, bỏ học giữa chừng đi bán cà phê đèn mờ và được người đàn ông ra tay nghĩa hiệp, yêu thương, rồi cưới làm vợ. Những ngày đầu về với nhau, họ tạo nên những chuỗi âm-thanh-con-người khoái lạc bất tận. Tôi phải mở nhạc từ chiếc cát-xét to lên để át bớt đi… Lâu dần tôi quên rằng bên kia tấm vách gỗ ván có một suối nguồn hạnh phúc hân hoan đang chảy.
Bỗng một sáng sớm tôi bị đánh thức dậy bởi những tiếng rên rỉ. Tôi định lờ đi thì nghe rõ hơn đó là tiếng rên rỉ vì đau đớn, vì bị hành hạ thể xác chứ không phải tiếng rên rỉ của hoan lạc. Thoạt tiên tôi chạnh lòng, nghĩ ngợi đôi chút. Nhưng rồi tôi chắc lưỡi… và để át đi tiếng rên-đau đó, tôi mở cát-xét. Nhưng ngày hôm sau, những tiếng động bạo hành từ người chồng và những âm-thanh-bị-hành-hạ từ người vợ vang lên lớn hơn, dồn dập hơn. Tôi bắt đầu thấy mình thở gấp, mặt nóng bừng. Và tôi quyết định gõ cửa căn hộ láng giềng. Người đàn ông mệt mỏi mở cửa ra, ngạc nhiên nhìn tôi:
-Ông muốn gì?
Tôi hỏi thật rành rọt:
-Anh đánh vợ anh, phải không?
Sự kinh ngạc trong mắt người đàn ông biến thành sự khiêu khích:
-Chuyện riêng của vợ chồng tôi, ông hỏi làm gì?
Tự dưng tôi nổi nóng, không kềm chế được. Tôi nói gằn giọng từng tiếng:
-Tôi chỉ muốn hỏi có phải mấy ngày nay anh đánh vợ anh không?
-Nếu tôi không trả lời thì sao?
-Không được, anh phải trả lời chứ!
-Ông có điên không? Tôi không trả lời. Xin ông tránh ra cho tôi đóng cửa.
Người đàn ông đưa tay định kéo cửa; tôi giữ tay anh ta lại. Và tôi bỗng ôn tồn:
-Tôi đề nghị anh dừng chuyện đánh đập vợ anh đi. Đó là cách gián tiếp tôi tự trả lời câu hỏi do tôi mới đặt ra. Rõ ràng là mấy ngày nay anh đánh vợ anh, và tiếng rên la, khóc lóc của chị ấy đã lọt qua nhà tôi.
Vẻ khinh ngạo và tức tối hiện rõ trên mặt người đàn ông:
-Ông thật là tò mò.
Tự nhiên tôi mất bình tĩnh, buột miệng:
-Tôi thề tôi không tò mò, không biết mảy may chuyện gì diễn ra giữa hai vợ chồng anh từ khi tôi đến đây ở. Chỉ hai ba ngày nay tôi mới thấy khó chịu vì tiếng khóc của vợ anh…
-Đây là chuyện riêng tư của gia đình tôi. Yêu cầu ông để cho chúng tôi tự giải quyết… Ông không có quyền can thiệp.
-Không, tôi có quyền chứ. Tôi không phá đám hạnh phúc của anh, tôi không có bổn phận phải chia sẻ hạnh phúc với gia đình anh; nhưng khi tôi nghe thấy tiếng khóc, là dấu hiệu của kẻ yếu bị đàn áp, thì tự nhiên, phải, rất tự nhiên, như anh thấy, tôi phải gõ cửa nhà anh thôi.
Người đàn ông hét lên:
-Nó là vợ tôi. Tôi là chồng nó. Đây là sự va chạm của chén đũa chung đụng.
-Không được. Ngay cả khi tôi biết anh đang tự hành hạ mình, anh tự ép xác mình đến chết, anh tự làm khổ nhục mình thì tôi vẫn gõ cửa nhà anh như thường, để ngăn chặn cơn điên loạn làm hư hỏng hiện hữu của anh.
-Ông đang nói huyên thuyên, vớ vẩn, ông biết không? Ông mới là điên.
-Tôi không muốn nói gì với anh nữa. Chỉ yêu cầu anh ngưng dùng bạo lực với vợ anh. Nếu tôi điếc, hoặc nếu tôi nghe tiếng khóc đau đớn mà tưởng là tiếng khóc hạnh phúc thì tự nhiên anh sẽ được quyền làm tất cả những gì anh muốn làm, như không có người hàng xóm là tôi bên kia vách. Nhưng tôi không điếc, cũng không lầm lẫn. Rõ ràng là vợ anh bị bạo hành.
-Thôi được, ông về đi.
Suốt thời gian trò chuyện tôi không thấy vợ anh ta đâu cả.
Từ sau hôm đó, tôi không nghe thấy tiếng rên đau đớn của người phụ nữ bên kia vách ván. Tôi cũng không thoáng nghe những tiếng rên rỉ hoan lạc như ngày nào. (Điều này tôi nhận ra một cách tình cờ sau này khi không nghe chiếc cát-xét trong nhà tôi phát ra tiếng nhạc xập xình).
Nhiều ngày và nhiều ngày sau… Một tối, mùi hôi thối từ đâu ập vào nhà tôi… Linh tính mách bảo tôi có người chết ở phòng bên. Tôi vội chạy sang…
Xác người phụ nữ khoảng hăm lăm tuổi, miệng bị nhét đầy giẻ, nằm sóng soài dưới nền nhà.
Trong giờ phút kinh hoàng đó, không hiểu tại sao bộ máy mỹ cảm trong tôi lại cắc cớ nổi lên hoạt động để tôi rùng mình nhận ra đây là người phụ nữ đẹp nhất mà tôi từng trông thấy.
Một cảm giác bất lực xâm chiếm tâm hồn tôi.
Tôi bải hoải chân tay, đứng chôn chân nhìn.
Trong đầu không hề có ý nghĩ phải tìm người đàn ông chồng của người phụ nữ này.
Không có ý nghĩ phải đi báo công an.
Không có ý nghĩ về bất cứ điều gì.
Trống rỗng. Trống rỗng để cho cái gì đó đổ vào.
Và cảm giác phạm tội dâng lên, lớn dần trong tôi. Tôi chạy về phòng, thu dọn quần áo cùng mấy thứ linh tinh, vội vã chạy đi trước khi có người nào chứng kiến vụ án.

Sài Gòn, 2003

Trưởng nứ của vua Duy Tân

Mathilde Tuyết Trần
(Nghiên Cứu Quốc Tế )

Công chúa Suzy VINH SAN, ảnh do MTT chụp vào tháng 10-2016 tại Pháp

Một ngày đầu thu, lá vàng bắt đầu rơi, dọc đường các rặng cây đổi mầu từ xanh sang muôn sắc lả úa vàng cho đến đỏ thẫm, tiết trời thay đổi từ lạnh (9°) cho đến dễ chịu (19°), trong cơn mưa tầm tã, tôi lên đường đi thăm công chúa Suzy theo lời « kêu gọi » của bà. Bà bảo tôi gọi thế cho thân mật, cũng như đến thăm bà cho đỡ buồn. Tên của bà, cũng như hoàn cảnh của bà, là cả một sự rắc rối lịch sử. Bà là một trong những con số ít ỏi công chúa triều Nguyễn còn sống, và là trưởng nữ của vua Duy Tân. Cuộc đời của bà, dù muốn dù không, mang dấu ấn của vua Duy Tân, gắn liền với những trang sử Việt Nam. Bà sinh ngày 06.09.1929, năm nay tròn 87 tuổi, tại Saint Denis đảo Ile de la Réunion, nơi vua Duy Tân bị Pháp đày đi từ năm 1916, lúc vua mới được 16 tuổi, giữa khi Đại chiến thứ nhất đang bùng nổ.Gặp lại bà, tay bắt mặt mừng, bà hỏi chuyện về chuyến thăm nhà vừa qua của tôi, khi nào tôi lại về lần tới, thời tiết ở Việt Nam, nhất là sự ngập lụt vừa qua ở thành phố Hồ Chí Minh và rồi đến b.o lụt ở miền Trung. Bà nhắc nhở Tết Việt sắp đến và phong tục Tết, lì xì, chúc Tết, và hỏi tôi Tết năm nay rơi vào tháng nào, tháng một hay tháng hai.
Bà ở một mình trong căn hộ nhỏ, có hai phòng, gần một thành phố cảng nhỏ ở vùng phía bắc biển Đại Tây Dương Pháp. Nơi này khí hậu ôn hòa hơn là ở sâu trong lục địa, ấm áp hơn, nhiều ngày nắng hơn, lại có ít nhiều du khách ghé thăm nên đông đúc nhộn nhịp hơn. Xưa kia, xuất phát từ những cảng biển của vùng Bretagne, tàu thuyền của nước Pháp đi chinh phục thế giới. Những thành phố ở Bretagne vì thế giầu có lên tột bực nhờ vảo kỹ nghệ hàng hải, buôn bán nô lệ, gia vị, trà, cà phê, gỗ, ngà voi, vàng bạc…chiếm được với giá rẻ từ những nước kém phát triển.
Căn nhà được trang trí xinh xắn, trên vách là các tấm ảnh của vua Duy Tân, của mẹ, của gia đình, các bức tranh sơn mài cẩn xà cừ. Trong một góc phòng khách được dùng làm bếp, chất chứa những đồ vật kỷ niệm từ đảo Réunion.
Giọng bà trầm, vang rõ nội lực. Bà đi đứng còn vững, tuy phải chống gậy, nhưng chỉ đi được hai, ba trăm thước là mệt, phải nghỉ. Tinh thần còn minh mẫn, nhưng với thời gian nhiều kỷ niệm đã bị quên lãng. Cách đây hai năm, bà bị đột quỵ, bởi vậy nên con cháu mới đưa vào chung cư cho người già ở, thường xuyên có người gác để phòng khi. Phải rời căn nhà ấm cúng có vườn hồng thật đẹp ở trước nhà bà tiếc nuối lắm, căn nhà chứa đựng bao nhiêu là kỷ niệm của một gia đình lớn với 9 đứa con, và người chồng yêu quí đã qua đời.
Bà kể:
» Mấy tháng đầu tôi buồn lắm, chưa quen ở đây, nhưng mà cuộc đời đ. sang một giai đoạn mới, phải không cháu ! Bây giờ tôi lại thấy thích ở đây, cảm thấy được nhẹ gánh nặng. Những công việc hàng ngày, chợ búa, cơm nước, quét dọn, giặt giũ…tôi không phải lo nữa. »
Chúng tôi đi ra bến cảng, nơi những chiếc thuyền du lịch đậu mùa đông. Gió biển thổi lạnh ngắt ! Tôi đã nhỏ người, bà lại còn nhỏ hơn tôi, bà bám chặt tay tôi, bước từng bước một, thật chậm. Chúng tôi co ro, dìu nhau đi vào một quán bên cạnh bến càng, mọi người đang ngồi trong gió lạnh sát cạnh vào nhau để cho ấm.
Câu chuyện xoay quanh chủ đề Việt Nam có những gì mới, những gì vui, rồi lại trở về quá khứ, về chuyện cũ, chuyện của vua Duy Tân và của bà.
Bỗng dưng, bà nói, như vẫn nghĩ trong đầu:
« Cháu biết không ? Chưa chắc gì cha tôi, nếu về được Việt Nam, lại thành công ! »
Cuộc đời nổi trôi đã đưa bà từ đảo Réunion, sang Madagasca, rồi về Pháp định cư. Sau những lần dọn nhà như thế là những sự mất mát đồ đạc và kỷ niệm. Bà cho tôi xem vài tấm ảnh của gia đình, phần lớn là ảnh sau khi vua Duy Tân đã qua đời. Trong thời gian ở đảo Réunion, hầu như không có mấy, có lẽ vì cuộc sống yếu kém vật chất.
Lúc sinh ra đời, bà mang họ mẹ là Antier. Cho đến khi vua Duy Tân tử nạn máy bay trên bầu trời nước Cộng hòa Trung phi, sau cuộc gặp gỡ với tướng De Gaulle vào ngày 14.12.1945, trên đường từ Paris trở về đảo Ile de la Réunion để thăm gia đình vảo dịp lễ Giáng Sinh, máy bay rớt xuống ngày 26.12.1945 tại làng Bossako, thuộc vùng M’Baiki, La Lobaye, trên lãnh thổ Oubangui-Chari.
Ngày 22.07.1946 tòa án Saint Denis nhìn nhận những người con này là con đẻ của vua Duy Tân, và cho phép được mang họ cha. Nhưng vì sự không thông hiểu phép tắc đặt tên trong triều đình nhà Nguyễn nên trong sổ hộ tịch Pháp chỉ ghi tên vua Duy Tân là Hoàng tử VINH-SAN, chức vị là Hoàng tử An Nam, cho phép các con vua Duy Tân mang họ Vinh-San, lại không kèm theo chức tước, khiến cho bà và các em không được mang chức vị công chúa và hoàng tử nhà Nguyễn.
Vì thế, bà buồn bã nói:
» Năm tôi lên tám, một hôm cha tôi hỏi tôi rằng: « Con có muốn được cha nhìn nhận không ? » Với sự ngây thơ của một đứa trẻ con tám tuổi, tôi đâu biết phải trả lời cha tôi như thế nào ?! Bây giờ hối tiếc thì đã muộn. »
Trong thời gian ở đảo, vua Duy Tân lần lượt có 3 người vợ, không hôn thú, đó là các bà Anne-Marie Viale, bà Fernande Antier và bà Ernestine Yvette Maillot, khiến cho tất cả các con đều mang họ mẹ. Phong tục « Nạp phi » của triều đình nhả Nguyễn là lễ cưới của các vua, sau đó các bà vợ được tấn phong Đệ nhất giai phi (Hoàng quí phi), đệ nhị giai phi…, và phải được Tôn nhơn Phủ , Hội đồng Phụ chính, các bà hoàng mẹ và Cơ mật viện công nhận. Hoàng quí phi lúc bấy giờ của vua Duy Tân là bà Mai thị Vàng, con gái quan phụ đạo Mai Khắc Đôn.
Sau khi cuộc khởi nghĩa chống Pháp thất bại vì bị Võ An, Trần Quang Trứ và Trùm Tồn tố giác, khiến cho các quan Thái Phiên, Trần Cao Vân…và nhiều người nữa bị Pháp xử tử hình, vua Duy Tân khẳng khái nhận tội cầm đầu cuộc khởi loạn, được quan đại thần Hồ Đắc Trung cứu khỏi tội tử h.nh, nhưng bị Tôn Nhơn Phủ, Cơ Mật Viện và Pháp xử phải bị truất phế và bị đi đày biệt xứ cùng với cha là vua Thành Thái.

Bà Suzy kể rằng:
» Gia đình cha mẹ tôi sống thanh bạch. Con cái không được hưởng quyền lợi gì cả. Cha tôi luôn từ chối tất cả hậu đãi của người Pháp. Chúng tôi không sống trong lâu đài, nhà chỉ là nhà thuê. Khi cha tôi chết, là cả một bầu trời sụp đổ. «
Ngày 03.11.1916, chiếc tàu Pháp mang tên « Guadiana » đem hai vua, Thành Thái và Duy Tân cùng với người thân, đến đảo La Réunion đi đày, và cặp bến Points des Galles (Réunion) ngày 20.11.1916.
Khác với sự đối đãi với vua Hàm Nghi, đi đày ở Alger (Algérie) vào năm 1889 cho đến khi vua Hàm Nghi qua đời ở Alger năm 1944, vua Hàm Nghi được xã hội Algérie và người Pháp trọng vọng, tuy ngài cũng bị hạ xuống thành Hoàng tử An Nam, như Thành Thái và Duy Tân. Vua Hàm Nghi sống trong biệt thự, lâu đài, cưới con gái của ông chánh án tòa thượng thẩm Alger là bà Marcelle Laloe làm chánh phi, các con của vua đểu mang tước vị hoàng tử, công chúa, cuộc sống sung túc, đầy đủ, đem lại cho vua Hàm Nghi nhiều cảm hứng vẽ tranh, điêu khắc. Vua Hàm Nghi lại còn được phép đi Pháp, đi Paris. Mỗi năm, vua Hàm Nghi được Pháp cấp dưỡng 80.000 quan, trong khi vua Thành Thái chỉ được 30.000, còn vua Duy Tân bị ngược đãi nhất, vua chỉ nhận được 12.000 quan Pháp. Những số tiền ấy lấy ra ở ngân sách thuộc địa Đông Dương.
Cùng đi đày với vua Duy Tân, có mẹ là bà Nguyễn thị Định, em gái là công chúa Lương Nhàn (Mệ Cưỡi) 10 tuổi, và bà hoàng quí phi Mai thị Vàng. Nhưng bà Mai thị Vàng không chịu nổi cuộc sống xa quê hương, khi hậu của đảo và cuộc đời nghèo khó. (Theo Hồ sơ Duy Tân, Hoàng Trọng Thược). Nhà vua xin cho bà, mẹ và em gái hồi hương, chỉ sau mấy tháng, cả ba bà về Huế.

Vua Duy Tân ở lại một mình trên đảo, tách ly với cha là vua Thành Thái. Vua Thành Thái sống biệt lập với hai bà vợ, và các con, nhất quyết cự tuyệt mọi quan hệ với người Pháp, mặc dù trên quan điểm chính trị, hai cha con Thành Thái-Duy Tân đều cắt tóc ngắn theo phương Tây, chứng tỏ ý chí « thoát Hán », truyền bá chữ quốc ngữ. Vua Thành Thái là người đã ký đạo dụ, cho giảng dạy chữ quốc ngữ ở các trường học.
Vua Duy Tân, khi ở Huế đã được giáo dục bằng chữ quốc ngữ và tiếng Pháp, tiếp tục học hết bậc trung học ở trường Leconte de Lisle trên đảo, thi đậu bằng Tú tài Pháp, và tiếp tục theo học về Hiến pháp Luật và Dân luật.
Nhưng để đương đầu với nghịch cảnh, vua Duy Tân, trở thành chuyên viên vô tuyến điện, mở một cửa hàng sứa chữa, buôn bán dụng cụ vô tuyến điện, điện thoại, radio…ở số 41 đường Labourdonnais…
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho ký giả Pháp Wateblet, vua Duy Tân nói » Bị đày đến đảo Réunion khi mới 17 tuổi, tôi rất bỡ ngỡ, lạc lõng, không hạp thủy thổ nên bị sốt hoài, đã ba lần tôi bị chứng tiểu tiện ra máu, nhưng lần lần rồi cũng qua khỏi. Người dân bản xứ đối với tôi rất tốt. Phong cảnh của Réunion đẹp tuyệt, tôi đã đi viếng tất cả các thắng cảnh. Nhưng tất cả các thứ ấy không thể nào làm cho tôi quên được quê hương Việt Nam của tôi. » (trích Thái Văn Kiểm)
Bà Suzy thở dài:
« Cha tôi có quan hệ với những người luật sư, thi sĩ, quan lại hành chính Pháp. Raoul Nativel, một nhà thơ, là bạn của cha tôi. Mỗi buổi chiều cha tôi đều dành để tiếp khách...

Tôi thích nhất là cha tôi đàn vĩ cầm cho một mình nghe. Lúc cha tôi chết, tôi được 16 tuổi…Giáng sinh năm ấy chờ mãi không thấy cha tôi về, mãi sau mới được tin dữ. Giấy báo tử chính thức được gửi về cho Prince Bửu Lân ( Vua Thành Thái.). Gia đình không còn thu nhập của cha tôi cấp dưỡng. Tôi phải bỏ học ngay, tìm việc làm. Mà lúc ấy lương một tháng của tôi chỉ có 5 quan Pháp, một tháng, cháu biết không, 5 quan ! Gia đỉnh rất túng quẫn. «
Bà Fernande Antier, khi gặp vua Duy Tân thì mới có 14 tuổi (năm 1927). Trong khoảng 18 năm chung sống với vua Duy Tân bà hạ sinh tổng cộng 8 người con: Thérèse, Solange, André, Ginette, Suzy, Georges, Claude, và Roger, nhưng chỉ còn sống có 4 người con, mà Suzy là trưởng nữ.

Bả Suzy kể:
» Tôi tên là Rita Suzy Georgette Vinh-San, khi lấy chồng thì mang họ chồng là Rita Beauval theo hành chánh. Vua Thành Thái đặt tên Việt cho ba người con trai, không đặt tên cho tôi, nhưng tôi lấy tên Việt Nam là Nguyễn Phúc Lương Bình, vì tôi thích cười, thích hòa bình, hòa hợp. Các em tôi được ông nội đặt cho tên là Bảo Ngọc (Georges), Bảo Vàng (Claude) và Bảo Quý (Roger).
Bây giờ, hoàn cảnh đã làm cho mỗi người một nơi, cha tôi an nghỉ ở Huế, mẹ tôi được chôn cất ở Ruffec (Pháp). Claude vừa mới qua đời ở đảo Réunion. Lần thứ nhất tôi về Việt Nam là lần đưa hài cốt cha tôi về Huế, tôi được làm quen với Huế và Việt Nam. Sau đó, tôi có về Việt Nam bốn lần nữa, kể cả với chồng tôi. Tôi đã được đi thăm Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Huế, thăm mộ cha tôi, ngôi mộ đã phủ rêu đen ngòm…
Tôi yêu Việt Nam, muốn về thăm lần nữa, nhưng không thể đi được nữa rồi, tuổi đã lớn, các con tôi không cho đi xa. Cha tôi đã trở về Huế, trở về với lịch sử Việt Nam, còn chúng tôi thì ở Pháp…. »
Vua Duy Tân được an táng cùng với những người tử nạn máy bay tại nghĩa trang M’Baiki. Bốn mươi hai năm sau, năm 1987, hài cốt của vua Duy Tân được bốc từ nghĩa trang M’Baiki để chuyển về Huế, thể theo nguyện vọng của Vua và gia đình.
Một buổi lễ cầu siêu cho Vua Duy Tân được tổ chức tại chùa Vincennes ngày 28.03.1987 với sự tham dự đông đảo của nhiều nhân vật Pháp, Việt. Ngày 06.04.1987 vua Duy Tân an nghỉ vĩnh viễn tại An Lăng, Huế, cùng với cha là vua Thành Thái và ông nội là vua Dục Đức.

Sau khi người em gái cùng cha khác mẹ là Marie Gisèle Andrée Vinh San qua đời năm 2011 vì tai nạn đất sụp lở trên đảo Réunion, thì bà Suzy là người con gái ruột của vua Duy Tân duy nhất còn sống. Tôi thấy bà và các con bà sinh ra đều có nét rất rõ của vua Duy Tân, nét Việt Nam, như một nửa của vua Duy Tân vẫn còn sống. Sau buổi trò chuyện, cuối cùng bà Suzy hỏi tôi về cách luộc gà của người Việt Nam, bà ở một minh, vẫn tự nấu ăn lấy mỗi chiều, và thố lộ món yêu thích nhất của bà là nem chua Huế.

(Từ Cảnh chuyển )

TÀI KHOẢN VÔ GIÁ

 Có một ngân hang , mỗi buổi sáng, cung cấp vào tài khoản của bạn 86.400 USD.
Số dư trong tài khoản không được phép chuyển từ ngày này qua ngày khác !

     Mỗi buổi chiều, ngân hàng sẽ hủy bỏ hết số dư còn lại mà bạn đã không dùng hết tron

     Bạn sẽ phải làm gì ? 
     Sử dụng hết số tiền đó, dĩ nhiên! Mỗi người trong chúng ta đều có một ngân hàng như vậy !!! 
 
   
Tên ngân-hàng là:  THỜI-GIAN.
     Mỗi buổi sáng, ngân hàng này cung cấp cho bạn 86.400 giây.

    Vào mỗi buổi tối, ngân hàng sẽ xóa bỏ, coi như bạn mất,
thời gian mà bạn không đầu tư được vào các mục đích tốt!

    Ngân hàng không cho phép bạn được để lại số dư trong tài khoản!
Cũng không cho phép bạn bội chi !!! 

    Mỗi ngày, ngân hàng lại mở một tài khoản mới cho bạn.

    Mỗi tối nó lại hủy hết những gì còn lại trong ngày ! 

    Nếu bạn không dùng được hết thời gian mà bạn có trong ngày,
người bị mất chính là bạn ! 

    Không có chuyện quay lại ngày hôm qua ! 

    Không có chuyện tiêu trước cho
 "ngày mai" !!! 

    Bạn phải sống bằng những gì bạn có trong tài khoản ngày hôm nay ! 

    Hãy đầu tư vào đấy bằng cách nào đó, để bạn có thể nhận được nhiều sức khỏe, hạnh phúc, và thành công nhất !!! 

    Đồng hồ vẫn đang chạy.

    Hãy cố thực hiện thật nhiều trong ngày hôm nay !!! 
                                                            
    Để biết được giá trị của MỘT NĂM, hãy hỏi một học sinh bị ở lại một lớp ! 
 
    Để biết được giá trị của MỘT THÁNG, hãy hỏi một người mẹ sinh con thiếu tháng ! 
 
    Để biết được giá trị của MỘT TUẦN, hãy hỏi biên tập viên của một tuần báo !
 
    Để biết được giá trị của MỘT GIỜ, hãy hỏi những người yêu nhau đang mong chờ được gặp nhau ! 
  
    Để biết được giá trị của MỘT PHÚT, hãy hỏi một người bị lỡ chuyến tàu ! 
 
    Để biết được giá trị của MỘT GIÂY, hãy hỏi một người vừa thoát khỏi một tai nạn ! 

    Để biết được giá trị của
 MỘT PHẦN NGÀN GIÂY, hãy hỏi người vừa nhận được huy chương bạc trong kỳ thi Olympic ! 
  
   Hãy quý trọng từng giây phút mà bạn có! Và hãy nên quý thời gian hơn nữa!
Bởi vì bạn đang chia sẻ thời gian đó với ai đấy thật đặc biệt đối với bạn, đủ đặc biệt để có thể chia sẻ thời gian của bạn. Và hãy nhớ rằng thời gian chẳng chờ đợi ai cả !!!

   Ngày hôm qua dã là lịch sử! Ngày mai là một bí ẩn! Hôm nay là quà tặng ! Cũng vì vậy mà nó được gọi là 
PRESENT(có nghĩa là HIỆN-TẠI, mà cũng có nghĩa là QUÀ TẶNG).

    Bạn bè thật sự là một loại nữ trang quý hiếm! Họ khiến bạn mĩm cười và khuyến khích bạn thành công !!! Họ lắng nghe bạn, họ chia sẻ với bạn những lời khen tặng,
và họ luôn muốn mở trái tim ra với chúng ta !!! 

    Hãy gởi những lời này đến với ai mà bạn xem như 
BẠN MÌNH ! Và nếu những dòng này lại trở về với bạn, bạn ắt biết rằng bạn đang có một vòng tròn bạn hữu !!!  


(Từ Cảnh chuyển)









29 thg 6, 2019

NHỚ HUẾ - Thơ TRẦN PHONG VŨ


Chẳng phải Huế hiền hòa hay thôn Vĩ dạ
Khóm trúc đâu che ngang mặt chữ điền
Tôi vẫn nép mình trong thơ ngắm nhìn em xa lạ
Có nét gì thơ mộng của Huế quen

Rồi bất giác muốn quay về khu cổ tích
Tiếng đò trưa sông Hương vắng nao lòng
Câu mái đẩy ru hồn người u tịch
Ngẩn ngơ tôi, em nữa dọc triền sông
Muốn trở lại ngồi câu bên nhà thủy tạ
Nỗi nước tình non nặng gánh cương thường
18, 20 hay dù đã vàng phai như chiếc lá
Vẫn hát tình ca để tặng một Huế thương
Ơi cái đuôi mắt bồ câu lẫn sau kẻ lá
Cô gái tôi quen vẫn thich gọi bằng dì
Tôi chỉ nhớ mầu sen xanh mọc ven hồ đá
Của một ngày rời xứ Huế tôi đi

TRẦN PHONG VŨ

Những cử chỉ khiếm nhã nhất thế giới

Trong khi nhiều cử chỉ thô lỗ có tầm ảnh hưởng ở mức toàn cầu, thì số khác chỉ phổ biến ở một số quốc gia nhất định, gây khó khăn cho khách nước ngoài.
Những cử chỉ khiếm nhã nhất thế giới

Người Nhật làm gì khi bị lấy cắp đồ?

Trộm cắp là một hành vi rất xấu không thể bỏ qua được, điều đáng buồn là nơi đâu có người sinh sống thì ở đó có thể có trộm cắp, ngay cả ở đất nước văn minh số một thế giới như Nhật Bản. Bạn có thể không mất ví tiền của mình, nhưng hãy cẩn thận…chiếc ô của bạn đấy!
Nhật Bản được biết đến như là một trong những quốc gia có tỷ lệ tội phạm thấp nhất thế giới, khiến đất nước này trở thành nơi an toàn và thoải mái không chỉ cho công dân Nhật mà còn cho cả khách du lịch nước ngoài.
Ở Nhật Bản, ngay cả khi bạn bị rớt ví xuống đường, hay lơ đãng bỏ quên túi xách du lịch, tài liệu nào đó tại nhà hàng hoặc trong taxi, bạn sẽ có cơ hội khá cao để lấy lại đồ của mình. So với nhiều quốc gia khác, khách du lịch ít phải lo lắng hơn về những tệ nạn như bị móc túi, bị mất hay thất lạc đồ,…ngay cả khi họ tham gia các chuyến tàu chật kín người vào giờ cao điểm.
Tuy nhiên, một điều đáng tiếc là bạn có khả năng bị mất những thứ nho nhỏ như chiếc ô của mình, nếu bạn để bên ngoài một cửa hàng tiện lợi vào một ngày mưa gió. Đó là những trường hợp trộm cắp vặt ở các khu vực dân cư địa phương, đặc biệt là khi mùa mưa đến. Những món đồ đắt tiền như ví và xe hơi không bị đánh cắp, nhưng những thứ như ô dù lại bị mất cắp. Tuy chúng là những món đồ rẻ tiền nhưng lại mang giá trị sử dụng cao khi trời đột nhiên đổ mưa lớn.
Quá nhiều chiếc ô giống nhau để chung nên lấy nhầm, hay có người cố tình lấy cắp?

Một tình huống thường xảy ra khác là mọi người sẽ để ô của họ trong khu vực để ô dù, ngay cạnh lối vào của tòa nhà công ty, trước khi họ vào trong để giải quyết công việc hay đi làm. Nhiều khi họ rơi vào tình huống rất không may khi đến lúc ra khỏi tòa nhà, họ phát hiện ra chiếc ô của mình đã bị lấy mất bởi một đồng nghiệp “vô tư” nào đó.
Mặc dù hành vi xấu này có thể nhỏ nhặt, nhưng tính chất nghiêm trọng không nhỏ, và bản chất xấu cần được nghiêm khắc ngăn chặn khi mới bắt đầu. Không giống như ô tô, ô dù đương nhiên không có hệ thống chống trộm tích hợp. Vậy nên, các công dân Nhật Bản đã nghĩ ra những cách độc đáo của riêng họ để chống lại những tên trộm vặt:
Chọn chiếc ô có màu sắc sặc sỡ đặc biệt.

  • Chỉ cần “dán nhãn” cho chiếc ô của bạn bằng chữ “nguyền rủa” sẽ làm giảm nguy cơ trộm cắp ô.
  • Vẽ thêm một khuôn mặt “đáng sợ” để cảnh báo “kẻ trộm”.
Viết vài lời cảnh báo.

  • “Dán nhãn” chiếc ô với dòng chữ “Sở Cảnh sát XXX” cũng sẽ khiến “kẻ trộm” lo lắng.
  • Viết dòng chữ “Bạn là chú heo cái” ngay trên chiếc ô chắc chắn sẽ làm giảm “mong muốn” của những kẻ trộm vặt, nhưng nó có thể khiến bạn bị chú ý một cách không mong muốn mỗi khi bạn sử dụng nó.
  • Vẽ những bức tranh minh họa để xua đuổi những kẻ trộm ô.
Viết hàng chữ nhắn nhủ: “Tôi đang ở đây!”.

Ngoài ô, một vật dụng khác thường bị mất cắp là xe đạp, hoặc phụ tùng xe đạp. Mất một chiếc ô thì không đáng giá mấy, nhưng việc mất một chiếc xe đạp sẽ khiến bạn vừa buồn, vừa giận, lại vừa tốn không ít tiền mua xe mới. Thế nên, ngoài ổ khóa và dây xích xe có thể góp phần ngăn chặn kẻ trộm xe đạp địa phương, người dân nơi đây vẫn sáng tạo thêm biện pháp nào đó, như là:
  • Trang trí xe đạp của bạn bằng đề can làm cho nó dễ nhận diện trong trường hợp nó bị đánh cắp.
  • Tạo điểm nhấn của bạn bằng sơn phun màu với dòng chữ “Tôi ở ngay đây!”
  • Nếu khóa và xích chiếc xe đạp riêng biệt không mang lại hiệu quả, hãy khóa tất cả các xe đạp của gia đình bạn lại với nhau!
  • Có lẽ ngay cả những tên trộm xe đạp cũng không muốn đánh cắp một chiếc xe có dòng chữ “yên xe” được viết ngay trên yên xe. Những tên trộm sẽ bối rối và sợ bị nghi ngờ.
  • Có một cách tiếp cận đơn giản hơn là bạn có thể mang theo yên xe của bạn bất cứ khi nào bạn đỗ xe lại.
  • Buộc dây ràng trên giỏ xe để ngăn mọi người vứt rác vào đó, và để một vài vật cứng, hoặc phát âm thanh trên yên xe để ngăn chặn hành vi trộm cắp.
Khóa móc xe đạp lại với nhau.

Những phương pháp chống trộm đơn giản với chi phí thấp này có vẻ hơi ngớ ngẩn, nhưng rõ ràng chúng đã giúp nhiều người ngăn chặn được hành vi trộm cắp.
Trộm cắp là hành vi không thể chấp nhận, cho dù là trộm vặt, trộm vật không đáng giá. Những gì người dân ở đây làm không chỉ đơn thuần ngăn chặn việc mất trộm, mà còn gửi thông điệp cảnh báo, thức tỉnh những người “vô tư”, tiện tay sử dụng đồ của người khác.
Có thể khi bạn muốn “thuận tiện” sử dụng chiếc dụng chiếc ô của người khác, lúc đó bạn sẽ thấy khuôn mặt “ma quái” của chính mình được vẽ ngay trên chiếc ô, và bạn sẽ dừng hành vi của mình lại kịp lúc. Đó là biện pháp mang tính nhân văn và giáo dục của các công dân Nhật Bản.
Theo Soranews24,
Tâm An biên dịch(daikynguyen.com)