21 thg 5, 2024

PHỐ XƯA PHỐ HAO GẦY - Thơ Thuyên Huy



 Mời Xem :

CỬA VÔ THƯỜNG - Thơ Thuyên Huy

RẢI TRO THEO GIÓ - Nguyễn Tường Thiết


Rãi tro theo gió

Tặng Nhung, “đứa con đầu lòng” của nhà văn Thạch Lam.

Tôi gặp anh tất cả bốn lần. Bốn lần đó trải dài hơn ba thập
niên. Không nhiều. Đã thế dường như trong cả bốn lần đó
ngoài cái gật đầu chào chúng tôi không hề trao đổi với nhau
lấy một tiếng. Anh vốn ít lời. Còn tôi thì e dè. Tôi vốn có tính
rất ngại bắt chuyện với một người nổi tiếng, đặc biệt nếu
người ấy lại là người có quyền thế. Trong thâm tâm tôi biết
nếu tôi mở chuyện thì anh cũng sẽ vui vẻ bắt chuyện ngay.
Đằng sau gương mặt lầm lì ít nói ấy anh là người rất bình dị.
Nhưng lần nào cũng thế sau cái gật đầu chào, tôi không bao
giờ cất tiếng. Để đến bây giờ ngồi trước bàn máy vi tính một
buổi sáng mùa thu miền Tây Bắc nước Mỹ, tôi viết đôi dòng
về anh mà lòng không khỏi gợn chút nuối tiếc: bài viết của tôi
vì thế sẽ không ghi lại một mẩu đối thoại nào, dù ngắn, để
làm kỷ niệm giữa anh và tôi. Mà nào giữa chúng tôi đâu có phải người xa lạ gì cho cam? Anh là nguời rất thân cận trong đại gia đình Nguyễn Tường chúng tôi, là chồng của người em họ tôi,trưởng nữ của nhà văn Thạch Lam.

Tôi nhớ lại hình ảnh anh trong bốn lần gặp ấy. Bốn lần thì có đến ba anh hiện lên trước ly rượu.
Đó cũng là hình ảnh cha tôi thường thoáng hiện mỗi lần tôi nhớ về ông. Trước ly rượu anh trầm ngâm yên lặng. Cha tôi cũng thế. Và bao giờ cũng vậy mỗi lần nghĩ về anh lòng tôi không khỏi có ngầm một sự hãnh diện thầm kín rằng dòng họ tôi có được một người rể như anh nổi tiếng là người thanh liêm. Cách đây sáu năm khi tái bản cuốn truyện của cha tôi, cuốn Giòng Sông Thanh Thủy, tôi đã viết lời đề tặng anh trên trang đầu cuốn sách những lời thật lòng: “Tặng anh Ngô Quang Trưởng, với cả tấm lòng quí mến và ngưỡng mộ”.
Cơ duyên nào mà một vị tướng lừng danh của quân lực miền Nam Việt Nam lại kết duyên với cô con gái lớn của nhà văn tài hoa nhất Tự Lực Văn Đoàn? Tôi không biết nhiều để trả lời thật đúng cho câu hỏi này. Người có thẩm quyền trả lời là bà Trưởng. Mang dòng máu của nhà văn Thạch Lam tôi nghĩ Nhung nếu muốn viết cũng sẽ dễ thôi. Tôi cũng không có ý định viết hồi ký về anh vì thật tình tôi không biết nhiều. Chỉ xin ghi lại đây đôi chút kỷ niệm với anh trong dăm lần gặp gỡ hiếm hoi.
Trước khi gặp anh lần đầu tiên vào năm 1962 tôi đã nghe lan truyền câu chuyện về một mối tình tay ba của hai sĩ quan trẻ thuộc hai binh chủng khác nhau của QLVNCH, một không quân và một nhẩy dù, với cô con gái lớn của một nhà văn nổi tiếng. Hai quân nhân cùng yêu một cô gái. Đó là chuyện thường tình trong cuộc chiến. Điểm đặc biệt họ lại là đôi bạn rất thân nhau.
Trước cái chết có thể đến bất cứ khi nào, họ giao ước với nhau trong tình bạn là nếu người nào nằm xuống trước thì người kia nguyện sẽ suốt đời chăm lo cho cô gái kia. Người phi công sau đó tử nạn máy bay và định mệnh đã đẩy cô em họ tôi gắn liền cuộc đời với anh Trưởng. Sau này nhiều lần gặp Nhung tôi toan hỏi Nhung về câu chuyện tình này có đúng sự thực hay không, nhưng tôi lại thôi không hỏi. Với tôi đó là một huyền thoại đẹp, hãy cứ để nguyên vẹn như thế trong trí tưởng tượng của tôi.
Năm 1962 tôi ở Sài Gòn và dậy học tại trường trung học Minh Tân ở Biên Hòa. Một bữa anh Triệu tôi, hiệu trưởng trường Minh Tân, chở tôi từ Biên Hòa về Sài Gòn trên chiếc xe lambretta của anh. Đến Thủ Đức anh tôi đề nghị ghé thăm Nhung lúc này đang ở đó. Trong lúc nói chuyện với Nhung thì có tiếng xe đỗ ở ngoài cửa. Tôi nhìn ra. Từ trên xe jeep một sĩ quan bận đồ dù nhẩy xuống. Hai bông mai trên ve áo trận. Anh Trưởng lúc ấy cấp bậc Trung úy giữ chức vụ Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 5 Nhẩy Dù. Anh người tầm thước, nước da ngâm đen, khuôn mặt
sần sùi khắc khổ. Cảm tưởng đầu tiên của tôi là anh không những không đẹp trai, lại không có cái “tướng” hùng của một quân nhân. Trí tôi lúc ấy thoáng hiện câu chuyện tình tay ba và tôi hình dung khuôn mặt anh chàng phi công tử trận chắc là phải hào hoa và đẹp trai hơn anh Trưởng.
Năm 1967 tôi gặp anh Trưởng lần thứ nhì ở Huế thì trên ve áo trận của anh hai bông mai đã thay thế bằng một ngôi sao. Anh đã lên tướng! Người sĩ quan tôi trông không có “tướng” ấy, năm năm sau đã được thăng tướng trong một thời gian ngắn kỷ lục. Trong họ tôi bắt đầu có lời đồn đãi là từ khi anh Trưởng lấy Nhung thì như diều gặp gió đường binh nghiệp của anh lên vùn vụt. Từ một Trung úy Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 5 Nhẩy Dù anh bây giờ là Chuẩn tướng Sư đoàn trưởng Sư đoàn 1 Bộ Binh. Năm ấy từ Sài Gòn tôi bay ra Huế hai tuần lễ và tá túc tại đại học xá Nam Giao, nơi mà hai năm trước tôi đã từng là sinh viên nội trú để theo học ở Đại Học Khoa Học Huế. Từ Nam Giao tôi đi bộ đến thăm cô em họ, lúc này đã khó gặp vì ở một nơi rất
“kín cổng cao tường”. Tư dinh của tướng Trưởng là một biệt thự trên đường Lê Thánh Tôn gần nhà bưu điện Huế. Chung quanh tòa nhà giây thép gai giăng đầy, ở bốn góc là bốn lô cốt thiết lập bằng những bao cát với những họng súng chĩa ra từ lỗ châu mai. Người lính gác cổng vào trong nhà báo và Nhung đã ra tận cổng để tiếp tôi. Chúng tôi đang nói chuyện ở sa lông thì anh Trưởng về. Trông anh mệt nhọc nhưng oai phong hơn hẳn lần tôi gặp anh 5 năm trước. Thuở ấy tôi chưa nhập ngũ, vẫn còn là sinh viên, dù vậy trông anh tôi cũng có cảm giác hơi khớp.
Không biết có phải vì ngôi sao trên ve áo anh khiến tôi thấy anh oai vệ hơn không. Tôi đứng dậy chào anh trong lúc Nhung nói với anh Trưởng: “Anh Thiết, con bác Tam đấy!”. Anh không nói gì, chỉ khẽ gật đầu, rồi lẳng lặng ra chỗ quầy rượu nơi có đặt mấy chai Martell có ngâm những củ sâm bên trong, anh rót rượu vào ly rồi cầm ly rượu trên tay không uống, anh chậm rãi bước tới bước lui trong phòng khách, đầu cúi nhìn sàn nhà vẻ mặt đăm chiêu suy nghĩ.
Năm 1970 khi tôi gặp lại anh lần thứ ba thì tôi đã là một quân nhân. Sau biến cố Tết Mậu Thân tôi nhập ngũ khóa 2/68 Thủ Đức. Ra trường tôi phục vụ ngành Chiến Tranh Chính Trị tại Tổng Cục CTCT ở Sài Gòn. Năm ấy khoảng gần tết thím Sáu tôi tức là bà Thạch Lam mất tôi đi viếng thím trong bộ quân phục. Quan tài thím đặt tại tư dinh tướng Trưởng trong cư xá sĩ quan Chí Hòa. Họ hàng chúng tôi đứng chật hai bên quan tài đặt chính giữa phòng khách. Xe jeep đậu trước cửa. Anh Trưởng bước vào. Bỏ chiếc mũ lưỡi trai cặp tay – chiếc mũ gắn hai ngôi sao đen – anh đứng yên lặng trước quan tài mẹ vợ cúi đầu. Đứng ở bên này quan tài, đối mặt anh lần đầu trong tư thế một quân nhân, một Thiếu úy trước một Thiếu tướng, tôi cảm nhận tất cả
cái trọng trách lớn lao của vị tướng Tư Lệnh Quân Đoàn IV, quân khu IV, hằn trên gương mặt khắc khổ của anh. Hai phút sau anh đội mũ lên đầu rồi vội vã bước ra xe đi mất.
Năm 1972 sau “mùa hè đỏ lửa” tôi là một trong ba sĩ quan của Khối Kế Hoạch/ Tổng Cục CTCT đi thanh tra vùng giới tuyến. Ba người ấy là Trung tá Vĩnh Huyền, Thiếu tá Nguyễn Công Luận và tôi với cập bậc Trung úy. Phái đoàn bay ra Huế trú đóng hai tuần lễ ở Mang Cá trong cổ thành Đại Nội. Không khí nơi đây đượm mùi chiến tranh. Lần đầu tiên kể từ ngày ra trường tôi trực diện với cuộc chiến. Cộng quân lúc này thỉnh thoảng vẫn tiếp tục nã pháo vào cổ thành Huế. Mỗi lần nghe tiếng đạn rít trên không trung tôi quơ nón sắt chụp lên đầu nhào xuống giao thông hào nơi hàng trăm binh sĩ thuộc đủ loại binh chủng và cấp bực cùng nhào xuống trú pháo. Theo bản năng tự nhiên mỗi lần nghe tiếng đạn pháo rít trên cao là tôi lại chúi đầu xuống
đất mặc dù tôi biết rằng nghe được tiếng đạn rít tức là mình đã thoát chết vì đạn đã bay qua khỏi đầu. Chính trong lúc trú pháo này mà tôi hiểu được nỗi kinh hoàng mà anh vợ tôi Trung úy Nguyễn Thái Hòa và những chiến sĩ sư đoàn 5 Bộ Binh tử thủ An Lộc đã phải hứng chịu trước những trận mưa pháo dữ dội hơn gấp cả ngàn lần. Trước khi ra Huế lần này tôi đã đi chôn anh Hòa tại nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa. Anh tử trận ngày 7-7-1972 đúng ngày Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bay xuống An Lộc gắn lon Đại úy cho anh và ngay đêm đó anh bị pháo chết.
Nội trong 24 tiếng đồng hồ ông anh vợ tôi đã lên chức hai lần, từ Trung úy lên cố Thiếu tá. Và cũng chính trong lần ra Huế này mà tôi được nghe được rất nhiều giai thoại về anh Trưởng, “người hùng tái chiếm Quảng Trị” lúc này đã được vinh thăng Trung tướng với ba sao trên ve áo và giữ chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn I, Quân khu I. Tất cả những giai thoại đó nếu được ghi lại đầy đủ tôi nghĩ có thể viết thành một quyển sách. Giai thoại về sự thanh liêm trong sạch của anh cũng có. Giai thoại về tác phong chỉ huy của anh cũng có. Giai thoại về lòng thương lính dưới quyền của anh cũng có.
Tôi nhớ là trong giao thông hào giữa hai đợt pháo kích một vị sĩ quan cạnh tôi sau khi biết sự liên hệ rất gần giữa tôi với anh Trưởng hỏi tôi có đi thăm tướng Trưởng trong lần ra Huế này không. Tôi trả lời không. Rồi tôi nói thêm: “Mình chả dại. Đang ngon lành trong ngành CTCT lại ở hậu cứ, gặp ổng nhỡ ổng lại ký giấy tống mình ra tiền tuyến thì mệt lắm. Mà không phải tôi nói giỡn đâu. Một người anh họ tôi cùng khoá với tôi 2/68 đã bị lãnh búa rồi. Ông tướng hãnh diện đi khoe với cố vấn Mỹ là có người anh họ đang chiến đấu ở ngay tuyến đầu!”
Lần thứ tư tôi gặp anh Trưởng là vào tháng 7 năm 1993 tại Virginia, tiểu bang êm đềm của nước Mỹ. Như một khúc phim được quay nhanh, hai mươi ba năm sau ngày tôi gặp anh lần chót ở Việt Nam tôi lại thăm anh Trưởng tại tư gia, một căn nhà khiêm nhường tại vùng thủ đô Hoa Kỳ. Cuộc chiến Việt Nam như một giấc mơ hãi hùng nhưng không thực lúc này đã trở thành dĩ vãng. Năm đó vào tháng 7 chúng tôi bay qua miền Đông nhân ngày giỗ thứ 30 của cha tôi được tổ chức tại nhà anh cả tôi, anh Việt, ở Virginia. Lần đầu tiên gặp anh Trưởng trong bộ thường phục, trông anh là lạ. Anh bận chiếc áo mông-ta-gu màu đỏ trông anh mập ra, trẻ trung và khỏe mạnh. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy ở anh vẻ an bình hiện trên gương mặt. Nhưng đó
chắc chỉ là bề ngoài. Bên trong chắc hẳn anh mang nặng nỗi đau và niềm cay đắng của một vị tướng bại trận sẽ mang theo anh cho đến tận cuối đời. Anh đích thân rót rượu và ân cần mời tất cả mọi người. Tôi toan tiến lại gần anh, nói với anh vài lời, đặc biệt là bầy tỏ tấm lòng của tôi đối với anh, nhưng tôi lại thôi. Tôi nghĩ trong bụng anh có thể đã nghe những lời bầy tỏ tương tự như thế rất nhiều lần rồi, nói ra lại thành khách sáo, vả lại chúng tôi là người nhà, còn thiếu gì những dịp khác để gặp anh tâm tình. Nhưng tôi đã lầm. Dịp khác để gặp anh đã không bao giờ đến, cho đến khi anh ra đi vĩnh viễn vào ngày 22 tháng 1 năm 2007. Tôi không thể ngờ lần
thứ tư tôi gặp anh ở Virginia đó cũng là lần chót. Và chúng tôi vẫn chưa bao giờ trao đổi với nhau được lấy một lời. Tôi chỉ còn cách tự an ủi là ba năm trước khi anh mất anh đã đọc những lời chân tình của tôi viết về anh trên trang đầu cuốn sách Giòng Sông Thanh Thủy tôi gửi tặng.
***
 

Trưa hôm nay tôi lái xe đến thăm anh Phạm Hậu. Nhà anh Hậu ở Bothell, cách Shoreline chỗ chúng tôi ở khoảng 20 phút lái xe. Từ mấy năm nay chúng tôi có một giao ước. Cứ cách khoảng hai tháng là hai đứa phải ới cho nhau một tiếng, hẹn nhau tại một quán ăn, ăn trưa rồi ngồi hàn huyên. Luân phiên chúng tôi trả tiền. Nhưng dạo này anh hơi lẫn, ngại lái xe, nên tôi thường đến nhà anh chở anh đi.
Từ trong nhà bước ra anh nói ngay:
– Tôi quên mất rồi. Không biết lần này ai trả tiền, ông hay tôi?
– Tôi cũng không nhớ. Nhưng nhầm nhò gì. Để tôi trả cho. Anh cứ “vô tư” đi cho tôi nhờ!
– Này này! Ông đừng có lợi dụng cái bệnh Alzheimer của tôi nhé! Cái gì cũng phải cho nó sòng phẳng...
Trong lúc lái xe tôi nghĩ đến sự tình cờ hi hữu đã khiến chúng tôi gặp lại nhau và ở gần nhau trên nước Mỹ. Bốn mươi năm trước chúng tôi có một thời gian cùng phục vụ tại Khối Kế Hoạch/Tổng Cục CTCT. Anh Hậu lúc ấy là Thiếu tá nhưng anh chỉ tạm trú ở Tổng Cục vài tháng trước khi chờ biệt phái sang Phủ Tổng Thống. Hồi đó tôi nghe đồn anh có “gốc” lớn lắm.
Sau này kể anh chuyện ấy anh cười nói: “Gốc mẹ gì! Toàn là đồn nhảm không à!”. Tôi cũng nhớ là sau khi biết tôi là con của ông cụ, anh Hậu, tác giả tập thơ Chuyện Chúng Mình, có đọc cho tôi ngay câu thơ mà anh đã làm trước đó mười năm: “Yêu Nhất Linh tôi chọn tên Nhất Tuấn”. Cùng sang Mỹ năm 1975 và cùng chọn tiểu bang miền Tây Bắc nước Mỹ để định cư, chúng tôi đã có dịp gặp nhau thường xuyên từ hơn ba mươi năm nay.
Ăn trưa xong, bên tách trà nóng, chúng tôi ngồi ôn chuyện cũ. Lẫn trong câu chuyện hình ảnh của những người mà chúng tôi đã từng quen biết năm xưa, người mất kẻ còn, lần lượt hiện ra.
Tội nghiệp Trung tá Ngô Văn Hùng, Trưởng khối Kế Hoạch/Tổng Cục CTCT, xếp của chúng tôi,đã chết vì ngộp thở trên chuyến tàu hỏa chở những tù nhân cải tạo ra Bắc. Trung tá Nguyễn Đình Bảo, Trưởng phòng Nghiên Cứu Kế Hoạch, xếp trực tiếp của tôi, cũng đã ra đi tại tiểu bang New Jersey miền Đông nước Mỹ. Trung tá Vĩnh Huyền, Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 50 CTCT, người mà anh Hậu vẫn khen là có gương mặt và tác phong rất bảnh, đã từ lâu tôi mất liên lạc, không biết còn ở Calgary bên Canada hay không. Và Thiếu tá Nguyễn Công Luận nữa, không biết anh còn ở San José hay không, sức khoẻ anh hiện ra sao...
Bên ngoài lướt qua khung kính của nhà hàng mưa nhẹ bay bay. Bãi đậu xe lá vàng phủ ướt nhẹp. Bây giờ là cuối thu, những chiếc lá của hàng cây phong trồng trên bãi đậu xe đã bắt đầu chuyển từ màu vàng óng sang màu đỏ tía. Mỗi lần cơn gió mạnh thổi lá rụng lả tả bay đậu trên mui trên kính những chiếc xe hơi nằm trên bãi.
Tôi nhìn anh Phạm Hậu ngắm hàng râu mép của anh và bỗng thấy anh cũng bảnh y như Trung tá Vĩnh Huyền trong hình ảnh ký ức tôi năm xưa. Chỉ khác là bây giờ râu tóc của nhà thơ này đã chuyển sang màu muối tiêu. Nhớ đến Trung tá Vĩnh Huyền tôi lại liên tưởng đến lần chúng tôi ra Huế năm 1972 và tôi nói với anh Hậu:
– Tôi đang viết giở một bài về tướng Ngô Quang Trưởng, nghe nói anh có làm bài thơ về ông Trưởng hay lắm, anh có thể đọc cho tôi được không?
Năm ngoái cũng trong một lần đi ăn trưa như hôm nay tôi đã kể cho anh Hậu nghe về ước muốn sau cùng của anh Trưởng là sau khi anh chết tro của anh được thả trên đèo Hải Vân.
Vào mùa hạ năm 2008, một năm sau khi anh chết, ý nguyện đó đã được gia đình thực hiện.

Theo lời Nhung kể cho tôi trong một lần điện đàm thì anh Trưởng có một người tài xế sống ở Việt Nam mà Nhung vẫn thường xuyên liên lạc và giúp đỡ từ nhiều năm nay. Chính chú tài xế ấy đã đón Nhung và các con Nhung tại phi trường Tân Sơn Nhất khi Nhung mang bình tro anh Trưởng về Việt Nam. Từ phi trường chú tài xế chở mọi người về nhà chú tại ngoại ô thành phố Sài Gòn. Thật là một điều lạ lùng là nhà chú tài xế đó lại ở trên đường Thạch Lam, một con đường mới mở sau này khá lớn và dài ở sâu trong Chợ Lớn. Tôi có hỏi Nhung là chú ấy có biết Nhung là con của Thạch Lam hay không Nhung trả lời là chú ấy không biết và Nhung cũng không nói. Rồi sau đó tất cả bay ra Huế thuê xe lên đèo Hải Vân. Đến gần đỉnh đèo nơi một khúc ngoặt nguy hiểm có một cái miếu nhỏ thờ những người bị tai nạn chết ở đó Nhung quyết
định chọn chỗ này để rải tro. Suốt ngày hôm đó trời âm u giông gió. Mấy mẹ con và chú tài xế khấn nguyện trước miếu. Một lát lâu sau khấn xong ngửng lên thì trời đất bỗng dưng quang đãng hẳn lên mây tan và trời trong xanh. Vợ con anh Trưởng từng người một kể cả người tài xế trung thành lần lượt rải tro theo gió, tro của vị tướng lừng danh của quân sử VNCH bay trên ngọn đèo hùng vĩ Hải Vân nơi mà chú tài xế kia đã nhiều lần chở vị tướng ba sao qua lại trên trục lộ Huế-Đà Nẵng, ngọn đèo đã đưa vị tướng chấn lĩnh vùng địa đầu lên đỉnh vinh quang và
cũng là ngọn đèo đã kéo vị tướng ấy xuống chốn cùng thảm bại.
Rải tro theo gió... trên đỉnh đèo Hải Vân... ý nguyện của người đã khuất gợi lên trong tôi hình ảnh vừa bi hùng lại vừa lãng mạn, như là sự kết hợp tuyệt vời giữa mối tình của viên dũng tướng với cô con gái đầu lòng của nhà văn Tự Lực Văn Đoàn.
Ngậm ngùi tôi lắng nghe anh Phạm Hậu đọc bốn câu thơ sau đây của anh:

Lệnh sáng giữ, lệnh chiều bỏ Huế!
Bao chiến công... cũng thế mà thôi
Hải Vân... tro rắc bốn trời
Hạt tro nào... lạc vào nơi cổ thành?

Nhất Tuấn
Tiểu đoàn 5 Nhẩy Dù VN (3/1954-9/1954). 

Xem Thêm :

 Nguyễn Tường Thiết

20 thg 5, 2024

Mùa Hạ Về Lâu Rồi - Thơ Nguyễn Đạm Luân

Đường một trời phượng đỏ

Mùa Hạ về lâu rồi

Em cũng xưa dáng nhỏ

Vai gầy tóc buông lơi

 

Chiều một mình qua phố

Cũng con phố ngày xưa

Ngại ngùng chưa dám ngỏ

Hỏi mình thật thương chưa

 

Em cũng xưa dáng nhỏ

Chiều qua phố một mình

Nhưng giờ của ai đó

Bên đường tôi lặng thinh

 

Em đi không ngoãnh lại

Hờ hững phố buồn thiu

Lối quen về ngày ấy

Sầu rơi cánh phượng chiều

 

Nguyễn Đạm Luân


 Mời Xem :

Có Một Chiều Thu - Thơ Nguyễn Đạm Luân

12 Bến Nước - Trần-Lâm Phát

Ngày 14 tháng 4 năm 2018,  một bạn ban Sử Địa, Đại Học Sư

 Phạm Sài gòn, hiện cư ngụ ở Texas , USA,  có gởi cho bài vọng cổ

 "Con Gái Của Mẹ."

Bài hát nói lên lời Mẹ dạy con khi về làm dâu thiên hạ. Trong bài
 có nhắc đến 12 bến nước:
 
Mẹ ơi! phận gái mười hai bến nước
Biết bến nào trong, biết sông nào đục
Biết rủi hay may một ngày kia con xuất giá theo...... chồng
 
Lênh đênh một chiếc thuyền tình
Mười hai bến nước đưa mình về đâu
Không ai biết rõ 12 bến nước là gì. Tuy nhiên có 3 giả thuyết lưu truyền:
 1.  12 địa vị người đàn ông trong xã hội thờì phong kiến:
 
Ngư, tiều, canh, mục, sĩ, nông,công, thương, nho, y, lý, bốc.
漁  Ngư : đánh cá
樵 Tiều: đốn củi
耕 Canh: cày cấy
牧 Mục: chăn nuôi
仕  Sĩ: Làm quan: 公 Công ,  侯 Hầu , 卿 Khanh , 相 Tướng
農 Nông: Làm ruộng, trồng trọt
工 Công: làm thợ 
商 Thương: buôn bán
儒 Nho: thầy giáo
醫 Y: thầy thuốc
理 Lý: thầy địa lý
卜 Bốc: thầy bói
 2.12 con giáp:
 Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.
3.12 nguyên nhân của thuyết thập nhị nhân duyên của Phật giáo:
Vô minh: không sáng suốt
hành : hành động
Thức : ý thức
Danh sắc : danh và hình tướng
Lục nhập: nội nhập gồm  nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; ngoại nhập
 gồm sắc, thi, hương, vị, xúc . Trong Phật học quyển Niết bàn 23 
có giải thích ngoại nhập là 6 thằng giặc (lục tặc); nội nhập là không
 tụ lạc (xóm nhà trống không, chẳng có người ở, chẳng có đồ ăn 
uống, chẳng có tiền của)
Xúc : tiếp xúc
Thụ : cảm giác
Ái : yêu mến
Thủ : nắm giữ lấy
Hữu: trở thành
Sinh : sinh ra đời
Lão tử : già và chết
Trong Phật học, Tâm Minh Lê Đình Thám giải thích như sau:
1. Vô minh 無 明, tiếng Phạn là Avidyā:
Vô minh là không sáng suốt, là mê lầm, không nhận được bản tính duyên khởi chân thật. Do vô minh, nên không biết tất cả sự 
vật, dầu thân, dầu cảnh, dầu sinh, dầu diệt, dầu năng, dầu sở, dầu
 có, dầu không, đều do nhân duyên hội họp mà giả dối sinh ra, do 
nhân duyên tan rã mà giả dối mất đi, đều theo nhân duyên mà 
chuyển biến như huyễn, như hóa, không có thật thể. Chính vì
 không biết như thế, nên lầm nhận thật có cái ta, thật có cái thân,
 thật có hoàn cảnh, rồi do sự đối đãi giữa thân tâm và cảnh giới, 
phát khởi ra những tâm niệm sinh diệt chuyển biến không ngừng.
Vô minh nguồn gốc khổ đau
Tự tâm thanh tịnh không vào trong thân
Quay cuồng tâm vọng biệt phân
Vô minh nguồn gốc bao lần khổ đau
2. Hành , tiếng Phạn là Samskāras:
Hành, chính là cái tâm niệm sinh diệt chuyển biến không ngừng 
ấy, nó làm cho chúng sanhnhận lầm có cái tâm riêng, cái ta riêng 
của mình, chủ trương gây các nghiệp, rồi về sau chịu quả báo.
Hành là nghiệp lực sầu đau,
Là nhân hành động biết bao sai lầm
Sai lầm cột chặt chân tâm           
Làm cho ta khổ, cũng làm quả nhân
3. Thức , tiếng Phạn là Vijnna:
Tâm niệm sinh diệt tiếp tục ấy, theo nghiệp báo duyên ra cái thức
 tâm của mỗi đời, chịu cái thân và cái cảnh của loài này hoặc loài
 khác.
Thức sanh bảo thủ mạng thân
Vọng tâm phân biệt trăm phần chấp TA…
Một phần điều kiện trong ba:
“Thọ, noãn , thức” để tạo ra “ thân này”
4. Danh sắc 名 色, tiếng Phạn là Nmarpa: 
Các thức theo nghiệp báo duyên sinh ra danh sắc. Sắc, bao gồm 
những cái có hình tướng, như thân và cảnh; Danh, bao gồm 
những  ái không có hình tướng, như cái sự hay biết, nói một cách
 khác, là thức tâm thuộc nghiệp nào, thì hiện ra thâm tâm và cảnh
 giới của nghiệp ấy.
 Danh sắc kể rõ từ đây
Hữu tình muôn loại chia hai tiểu phần
Thân xác, tâm thức – tinh thần
Sắc là hình tướng, danh gần với tên
Tâm thức – tinh huyết hợp nên
Tạo thành thai tạng không quên thành người…
 5. Lục nhập  ,tiếng Phạn là Sada¬yatana: 
Thân tâm đối với cảnh giới thì duyên khởi ra các sự lãnh nạp nơi 
6 giác quan, nhãn căn lãnh nạp sắc trần, nhĩ căn lãnh nạp thanh
 trần, tỷ căn lãnh nạp hương trần, thiệt căn lãnh nạp vị trần, thân
 căn lãnh nạp xúc trần và ý căn lãnh nạp pháp trần.
Lục nhập cũng rõ hơn mười
Sáu trần tiếp nhận không rời sáu căn
Bào thai không uống không ăn
Sáu trần của mẹ, là phần nuôi con
Đời mẹ luôn nỗi héo hon
Truyền vào nuôi sống vuông tròn thai nhi
Xúc chạm đối đãi thời kỳ
Thai nhi còn nhỏ biết chi sáu trần
Rồi khi ta lớn lần lần
Tiếp xúc ngoại cảnh biết dần đầy vơi
Đó là Thọ lãnh ai ơi!
6. Xúc 觸, tiếng Phạn là Sparsa:
Do những lãnh nạp như thế, mà các trần ảnh hưởng đến tâm hay 
biết sinh ra quan hệ với nhau, nên gọi là xúc.
7. Thọ 受, tiếng Phạn là Védanā:
Do những quan hệ giữa tâm và cảnh như thế, nên sinh ra các thọ
 là khổ thọ, lạc thọ, hỷ thọ, ưu thọ và xả thọ.
 8. Ái ,tiếng Phạn là Trsnā:
Do các thọ đó, mà sinh lòng ưa ghét, đối với lạc thọ, hỷ thọ thì ưa, 
đối với khổ thọ, ưu thọ thì ghét và đã có ưa ghét thì tâm gắn bó 
với thân, với cảnh, hơn bao giờ hết.
Ái là yêu thích, đồng thời ham mê
Cầu mong tốt đẹp trăm bề
Chối bỏ, chán ghét đề huề yêu thương
(Lê Văn Minh Hiến)
9. Thủ 取, tiếng Phạn là Upadna:
Do tâm gắn bó với thân, với cảnh nên không thấy được sự thật 
như huyễn, như hóa, mà còn kết hợp được những ảnh tượng rời 
rạc đã nhận được nơi hiện tại, thành những sự tướng có định, rồi 
từ đó chấp mọi sự vật đều có thật, sự chấp trước như thế, gọi là
 thủ.
 Thủ là giữ lấy mọi phương
Tham đắm, ưa thích không nhường cho ai
Để rồi chuốt lấy ương tai
Gây bao tội lỗi chẳng tài nào sai
 
10. Hữu 有, tiếng Phạn là Bhāva.
Do tâm chấp trước, nên những sự vật như huyễn như hóa lại biến
 thành thật có, có thân, có cảnh, có người, có ta, có gây nghiệp, có
 chịu báo, có sống và có chết, cái có như thế, tức là hữu.
 Hữu là có, được từ ai?
Thọ sanh thân “ lậu” lâu dài nghiệp nhân
 11. Sinh 生, tiếng Phạn là Jāti
Có sống, tức là có sinh, nói một cách khác, là do không rõ đạo lý 
duyên khởi như huyễn, không có tự tánh, nên nhận lầm thật có 
sinh sống.
 Sanh  mạng rồi lại sanh thân
Loài hữu tình sống bao lần an nguy
Sanh rồi lại phải nghĩ suy
12. Lão tử 老 死, tiếng Phạn là Jarmarana
Lão tử là già rồi chết. Do có sinh sống, nên có già, rồi có chết.
Lão tử nào biết đến khi thân mình?
Có sanh có tử phân minh
Hết dòng sanh mạng, thình lình ra đi
Dứt sanh với tử trừ khi
Nhận định sáng suốt từ bi giúp đời…
Vọng tâm không thể ra đời
Đoạn trừ nghiệp lực tuyệt vời nhân duyên
Dù người hay cả chư Thiên
Chuyên tinh quán sát nhân duyên, Niết Bàn…
Virginia
Ngày của Mẹ,13 tháng 5 năm 2018

 
Ngũ thập  niên rồi không thấy Mẹ
Tảo tần mệt lả dưới hàng tre
Chắt chiu hạt gạo trong cơn nắng
Nghỉ mát sân nhà dưới gốc me 
Trần-Lâm Phát


Mời Xem :

 

 

Nhớ về Thầy_Tuyết Liên  


Viết Nhỏ - Pham thị Hoài (Văn Việt )

Có hai nhà văn nữ mà tôi đọc dồn dập trong một đoạn đời đọc và đời sống của mình. Người thứ nhất là Patricia Highsmith. Người thứ hai là Alice Munro.

Gần chục tác phẩm của Patricia Highsmith tôi đọc trong hai năm, từ sáu giờ rưỡi đến bảy giờ rưỡi sáng. Hàng ngày con trai tôi tập võ buổi sáng từ sáu giờ đến bảy giờ ở sân vận động gần nhà. Tôi đánh thức con, đưa đi, về chuẩn bị bữa sáng và trong khi chờ chàng võ sĩ hoàn thành nghi thức mở đầu một ngày rồi tắm rửa, ăn sáng và nhảy chân sáo đến trường, tôi có thời gian cho vài chục trang tiểu thuyết. Tôi thường kể lại những tình tiết vừa đọc và nêu thắc mắc. Chàng thường bình luận, mẹ đừng lo, sáng mai vào giờ này chúng ta sẽ khôn hơn. Cuối tuần và những ngày dưới 5 độ âm, thầy trò nhà Thiếu Lâm nghỉ, sách của Patricia Highsmith dừng theo. Rồi dừng hẳn, khi chàng trai vẫn quá bé bỏng của tôi nhất định thấy mình đủ lớn để không cần mẹ tháp tùng.

Khi bước ngoặt trong cuộc sống riêng của tôi bắt đầu hiện rõ, tôi khuân về tất cả Alice Munro tìm thấy trong thư viện, đặt lên chiếc gối ở phần giường bỏ trống bên trái cho nó đỡ phồng. Mỗi đêm một câu chuyện, toàn chuyện về đàn bà, rồi không có ai xoa lưng giấc ngủ cũng đến. Truyện cuối cùng của bà, tôi đọc gần sáu năm trước, tên trong nguyên bản là Runaway. Chiếc gối bên trái đã có chủ.

Cả hai là những người kể chuyện. Một người kể về những hành vi đàn ông khác thường, một người kể về những mảnh đời đàn bà bình thường nhất. Một người tường thuật sự thản nhiên của tội phạm, một người diễn tả sự ám ảnh của lỗi lầm. Một người nhìn sâu vào những đường nứt trong nhân cách, một người chú mục vào những ngả rẽ chập chờn của số phận. Một người thăng hoa thể loại truyện hình sự, một người đội lại cho truyện ngắn chiếc vương miện đã nhiều lần rơi.

Nếu có thể đơn giản chia các nhà văn thành hai trường phái, một bên dùng ngôn ngữ để miêu tả thế giới, một bên dùng ngôn ngữ để dựng nên thế giới, thì Alice Munro, chủ nhân giải Nobel năm nay, thuộc trường phái thứ nhất. Tôi nghiêng về trường phái thứ hai. Bà không biết phải làm gì với William Faulkner, một trong những tác giả tôi ngưỡng mộ. Tôi không biết phải làm gì với Carson McCullers, một trong những tác giả bà cảm phục. Tôi sẽ không chọn Alice Munro nếu bị lưu đày ra một hòn đảo vắng mà chỉ được đem theo một cuốn sách. Nhưng tôi mừng và biết ơn là đã đọc bà. Thế giới văn chương mênh mông, gặp được một người như bà là may mắn.

Bà là bậc thầy của một phong cách: phong cách phi phong cách, phong cách tác giả giấu mặt. Không có gì tiết lộ người kể chuyện, người vừa biết hết vừa không can dự và tự phi tang. Mô hình đối lập hoàn hảo với bà là William Gass, cũng một nhà văn Bắc Mỹ, năm nay 89, hơn bà 7 tuổi, người chủ trương sự hiện diện triệt để của tác giả như yếu tố thiêng liêng nhất của văn bản văn học. Ông coi sự giải thể tác giả như tín hiệu suy tàn của một uy quyền, một thế lực thần học, chẳng khác gì Thần Zeus bỗng bị lột sạch vũ khí sấm chớp, tuy còn ngự trên đỉnh Olympus nhưng ngủ trong xe thùng và đun nấu bằng bếp ga.

Tôi phải thú nhận, tác phẩm để đời, viết ròng rã 30 năm của William Gass, tiểu thuyết ngàn trang Đường hầm (The Tunnel), hai năm nay tôi đọc dở và hứng thú đọc tiếp ngày càng ít đi, mặc dù có một số điều ở đó – nói ra thì thật không công bằng – có thể khiến tôi đánh đổi rất nhiều trang Alice Munro cộng lại. Bà không có một magnum opus nào hết. Mọi truyện của bà đều không quá 40-50 trang, viết khi con ngủ, nghĩ khi gọt khoai tây. Bà viết nhỏ.

Văn chương, theo Paul Valéry, là nghệ thuật đùa với tâm hồn người khác. Có người đùa bằng sức mạnh của ngôn ngữ. Có người đùa bằng trí tuệ siêu phàm. Bằng kiến văn bao la. Bằng trí tưởng tượng rực rỡ. Bằng năng lực đi trước hoặc năng khiếu đi cùng thời đại. Bằng cảm xúc và cảm hứng. Bằng thủ pháp hay thủ đoạn. Bằng thử nghiệm hay những mớ thần kinh cách điệu… Tất cả những thứ ấy không có chỗ trên những trang viết nhỏ của Alice Munro. Chúng lùi hẳn ra xa, rất xa, để toàn bộ tâm trí chúng ta, người đọc, được tập trung vào phần cốt lõi không trang sức, được cuốn vào những câu chuyện mà bà kể bằng một giọng văn truyền thống và một ngôn ngữ hết sức giản dị. Nhiều lần đọc xong một truyện của bà, tôi thầm ghen tị. Phải bền bỉ, tinh tế quan sát cuộc đời và tôn trọng mọi khả năng hiện hữu của nó tới mức nào, phải từng trải và biết kiểm soát mình tới mức nào, phải tôi luyện tay nghề tới mức nào mới có thể kể được một câu chuyện như thế.

Hầu hết là chuyện của những người đàn bà trong những khoảnh khắc quyết định bước đi này hay bước đi kia của số phận. Hạnh phúc thì ngắn ngủi và vô định. Bất hạnh dài gấp đôi. Song với tất cả sự không khoan nhượng, người kể chuyện lão luyện Alice Munro không bỏ mặc người đọc cho bi quan. Tôi vốn rất dè chừng với cái gọi là chức năng nâng đỡ tâm hồn của văn chương. Nhưng thuở ấy, sau mỗi đêm đọc Alice Munro, sáng dậy hình như tôi đã nhìn cuộc đời đang khá vô định của mình điềm tĩnh hơn một chút.

Nguồn: FB Phạm Thị Hoài

 Xem Thêm :

Nhà văn khiến Uỷ ban Giải thưởng Nobel phải thay đổi

19 thg 5, 2024

QUÁN THƠ BUỒN, NHỚ MỘT NGƯỜI, LỜI NGƯỜI THIẾU PHỤ - Thơ Nguyễn Thị Châu

 
QUÁN THƠ BUỒN
🌷🌷
Bài thơ anh đã tặng hôm nào
Hôm nay đọc lại lòng nao nao
Lời thơ chan chứa tình lưu luyến
Nét bút thanh tao rất ngọt ngào
Anh nói tình ta luôn mãi đẹp
Như vầng trăng sáng ở trên cao
Mây bay vui vẻ cùng với gió
Tình thơ vang mãi với trăng sao
Nay đã xa rồi đêm hò hẹn
Xếp bài thơ cũ để tìm quên
Quán thơ nay đã không còn khách
Hương trà cũng mất, quán buồn tênh
Quán vắng, trăng gầy xa cách thôi
Tình thơ còn mãi ở trong tôi
Rưng rưng xếp lại bài thơ cũ !
Một mình ngồi nhớ áng mây trôi….!!!
8-5-2024
Nguyễn thị Châu


2 NHỚ MỘT NGƯỜI
🌷🌷
Mưa rơi phố cũ lên đèn
Người đi hôm ấy có còn nhớ tôi
Một mình ngồi ngắm mưa rơi
Hạt mưa tí tách nhớ lời thân thương
Anh đi chinh chiến bốn phương
Bom rơi đạn nỗ quê hương còn buồn
Quê mình giọt lệ còn tuôn
Hoả Châu còn sáng anh còn ra đi
Chấp nhận khoảnh khắc chia ly
Hậu phương em hảy nhớ lời của anh
Khi nao đất nước thanh bình
Đôi ta sum hợp bình minh đón chào
Bây giờ trã lại trăng sao
Lời xưa anh nói hôm nào còn đây
Sao đành theo gió theo mây
Bỏ tôi ở lại tháng ngày nhớ mong
Mưa rơi phố cũ đôi dòng
Nhớ ai nhuệ khí, anh hùng đời trai
Ra đi mang nỗi u hoài
Âm dương cách biệt, người đi không về…!!!
8-5-2024
Nguyễn thị Châu
 

 
3./ LỜI NGƯỜI THIẾU PHỤ
🌷🌷
Hôm nay ngày giỗ của anh
Là ngày định mệnh ta đành xa nhau
Trời xanh đang ở trên cao
Có nghe ai khóc, nghẹn ngào đêm thâu?
Cuộc đời sao lắm bể dâu
Chiến tranh là một nỗi sầu nhớ thương
Vợ chồng phải cách xa thường
Đêm đêm thao thức đoạn trường ai hay?
Hoả Châu soi sáng đêm dài
Anh ơi! Nơi ấy ít may rủi nhiều
Chấp tay cầu nguyện mỗi chiều
Anh nơi phương ấy thật nhiều bình an
Một chiều mây tím lang thang
Được tin anh đã vào hàng ghi ơn
Hôm nay đi nhận xác chồng
Nghĩa trang Nguyễn Huệ giữa lòng Cần-Thơ
Trời mưa thưa thớt bơ vơ
Đêm dài nghe tiếng ầu ơ côn trùng
Ếch nhái cũng khóc rưng rưng..
Lòng như dao cắt không ngừng lệ rơi
Sáng nay anh đã về rồi
Quê hương anh đó Đồng-Nai ngọt ngào
Gởi thân đất mẹ tự hào
Anh đi, đi mãi lòng đau đớn lòng …!!!
15-5-2024
Nguyễn thị Châu


 Mời Xem :


NGHĨ VỀ NGHỆ THUẬT GẶM XƯƠNG..-GS.Trần văn Khê

Xí quách là gì? Hà, hà.
Đơn giản xí quách là trư cốt, là xương heo đọc theo âm Quảng Đông.
Hồi đầu mới du nhập Việt Nam, xí quách chỉ là xương heo, nhưng sau xương bò, xương gà, xương gì gì nữa cũng được kêu tuốt là xí quách.
Xương heo để nấu nước lèo hủ tiếu (phở thì dùng xương bò).
Chiều chiều, các bợm nhậu thường ghé quán hủ tiếu gọi một tô xí quách lai rai. Chừng mà chủ quán kêu hết xí quách rồi thì coi như đời tàn, chẳng còn gì vui hết, lại phải về sớm với bà vợ lắm điều. Mà nhiều khi còn bị vợ hỏi xóc hông “Ông chơi với bạn bè ra sao mà người ta không cho vô bàn nhậu, phải về sớm vậy nè, hả?”.
Xương còn cứng thì dáng người thẳng thóm, tướng đi hùng dũng.
Xương loãng rồi tướng đi lòm ròm, đầu gối lủng củng còn gì là uy phong.
Ngoài ra, xương sống mà nhất là tủy sống là nơi sinh sản ra cội nguồn sự sống. Lớn tuổi rồi, bộ máy sinh học đã mệt mỏi theo năm tháng, phần cần dùng lúc nào cũng nhiều hơn năng lực sản xuất. Không biết cách điều tiết thì nhiều khi phải ăn vào vốn, là nguy cơ đi gặp ông bà sớm. Vậy là hết xí quách rồi.
Có món ngon rồi, lại phải biết cách ăn mới thú. Tui có sưu tầm được cái kêu là “triết lý gặm xương” xin chép lại đây chia xẻ với mọi người:
Cái thú thứ nhất về khẩu vị trong việc gặm xương là hưởng được những bất ngờ. Dĩ nhiên cục xương phải là loại xương có thịt như giò heo, đuôi bò, hoặc xí quách.
Xương như xương nấu nước lèo phở thì chẳng còn gì để gặm; xương ở nhà hầm thì được vì còn dính nhiều thứ. Xương nước lèo phở phải là loại xương trắng, đã bị cạo bỏ tất cả những gì bám bên ngoài, và thụt bỏ tuỷ bên trong.
Nước lèo của tiệm phở trong veo như nước mưa, mùi thơm nức.
Để chuẩn bị nấu nước lèo, thấy họ nạo xương ống sạch trơn bên ngoài, rồi cưa ra thọc bỏ tuỷ bên trong; nếu còn dính tí gì thì nước đục, không thơm. Xương như vậy thì chẳng còn gì để gặm.
Xương còn dính thịt cho ta cái bất ngờ là lúc đang gặm tí thịt còn lắt léo trong góc kẹt của cục xương thì bỗng sựt một cái, ta cắn được một miếng gân hoặc một miếng sụn dòn.
Đang gặm tí da tí mỡ của giò heo thì lại đớp được một mẩu thịt nạc. Khoái hơn nữa là gặm cái sụn giòn tan nằm cuối xương ống chân gà, nhất là loại gà công nghiệp. Những khi ăn đám ăn tiệc, ta buộc lòng phải bỏ mấy cái xương gà loại này vì muốn bảo toàn danh dự, tuy lòng tiếc hùi hụi.
Hưởng được những bất ngờ đó khoan khoái như “tha hương ngộ cố tri” hoặc “nắng hạn gặp mưa rào.” Lòng ta phơi phới.
Ta nhai nhai một tí, rồi tợp một tợp hoặc tu một tu.
Cái thú thứ hai là hưởng được nhiều thứ cùng một lúc. Tuỳ là bò, gà, hay heo, những thứ bám vào xương có thể kể ra nhiều: thịt nạc, thịt mỡ, gầu, nạm, da, sụn, gân, tuỷ. Cục xương to nhất không hơn nắm tay như giò heo hoặc đuôi bò, dài khẳng khiu không hơn cây bút chì như xương chân gà, lại cho ta nhiều thứ để thưởng thức như vậy.
Ăn thịt heo luộc thì chỉ có nạc và mỡ, ăn bít tết thì chỉ có thịt, ăn nem thì có thịt có da; không thức ăn nào cho ta hưởng được nhiều thứ như gặm xương.
Có lẽ vì sảng khoái như vậy nên dân nhậu thường lấy xương làm mồi. Rỉa một miếng xí quách, chấm vào xì dầu (nước tương) có pha tương ớt, cho vào miệng nhai, rồi ngẫm nghĩ, “Đời cũng còn nhiều thú vui đơn sơ mà đáng sống.”
Mà đúng thật, ăn xí quách cũng như sống cuộc đời, đủ mùi vị khi ngọt bùi, khi cay đắng, khi đầy toan tính, khi thực bất ngờ. Ấy là chưa kể nhấm thêm vài lá húng quế hoặc ngò mùi, ngò gai, cắn một tí ớt. Cộng hưởng với men nồng của rượu, thực không có gì tiêu biểu cho cuộc đời lên voi xuống chó cho bằng gặm xương.
Gặm xương còn là một liều thuốc bổ, Calcium. Không hiểu sao nhiều người phải mua calcium về uống, trong khi xương là nguồn calcium vô tận. Thử hỏi uống một viên Calcium, vừa nhạt nhẽo vừa nóng, sao cho bằng gặm một cục xương, vừa béo vừa bùi?
Thế mới biết, người Mỹ người Tây cần uống Calcium vì họ không biết gặm xương!
Ngoài việc được khoái khẩu ra, cái thú gặm xương còn đem lại cho ta nhiều lợi ích tinh thần. Trước hết, gặm xương tập cho ta biết lập kế hoạch. Gắp cục xương bỏ vào tô, vào chén, hoặc vào đĩa xong, ta phải ngắm nghía để lập phương án. Ta nên bắt đầu từ chỗ nào? Phải gặm ngay từ bàn chân heo hay phải bắt đầu từ chỗ bên trên có nhiều thịt? Gặm ở đâu thì còn tuỳ người. Có người thích cái dễ dàng trước khi đến chỗ khó, nghĩa là gặm chỗ thịt nhiều trước khi đến chỗ gân. Gặm thế này là gặm xuôi. Người khác lại thích gặm ngược, nghĩa là bắt đầu từ chỗ móng, tuy khó khăn nhưng được cái miếng ngon thích thú, cái sần sật của bàn chân heo.
Gặm xương tập cho ta đức kiên nhẫn.
Đúng thế ! Ai không kiên nhẫn sẽ gặm ngay vào chính cục xương, không gãy răng cũng dập môi. Từ từ mà gặm, nhìn lui nhìn tới tính toán cho kỹ rồi ghé răng vào cắn một cái. Không chắc là cắn ra được ngay đâu. Có thể lại phải cắn lui cắn tới, nhùng nhà nhùng nhằng.
Gặm xương là một việc mạo hiểm. Khi gặm xương, ta không biết điều gì đang chờ ta. Thịt chăng? Mỡ chăng? Gân chăng? Sụn chăng? Hay lại chính là cục xương làm mẻ răng ta? Ta chẳng khác gì người đang mò mẫm trong một hang động hoang vắng có cái khoái cảm của người mạo hiểm “ngậm ngải tìm trầm.”
Gặm xương còn dạy cho ta biết tuỳ thời, nghĩa là biết khi nào gặm, khi nào bỏ. Đến lúc gặm mà không gặm thì mất miếng béo bở; đến lúc bỏ mà không bỏ thì càng ráng càng gặp sức cản trở, không khéo thì gãy răng như chơi!
Chẳng ai còn lạ gì câu, “Thuận thiên dã tồn; nghịch thiên dã vong”.
Thế nhưng cái sự “thuận thiên” này cũng truân chuyên lắm. “Thuận thiên” mà không khéo thì bị phê là “nịnh bợ” hoặc là “ăng-ten”.
Tuỳ thời trong việc gặm xương cũng na ná như lập phương án, biết bắt biết buông, chẳng khác gì người biết chơi đàn thập lục.
Một cái lợi nữa của việc gặm xương là tập luyện miệng răng lưỡi. Ba cơ quan này phải phối hợp chặt chẽ để đạt hiệu quả cao nhất. Khi đã luyện được mười thành công lực, ta có thể đem công phu này áp dụng nhiều nơi.
Nhưng quan trọng nhất là ta có thể tuyên bố xí quách ta vẫn còn ngon.
GS TRẦN VĂN KHÊ

18 thg 5, 2024

Bể Dâu - Thơ Nguyễn Cang

TranhHứa Xuân Trường

 

Ai về chợ cũ Gò Công

Cho tôi nhắn gởi tấm lòng thiết tha

Tà huy bóng ngã xế tà

Bước chân lữ thứ còn ta với mình

Chợt nghe trong cõi u minh

Chiều thu héo hắt cuộc tình bay xa

Ngậm ngùi một bản tình ca

Gió lay tóc rối buông tà áo bay

Sóng xô một kiếp lưu đày

Cô liêu một nhánh khói mây chập chùng

Ngoài kia sương trắng mịt mùng

Bên đường dế khóc mông lung gợi sầu

Mộng về đâu thực về đâu

Dưới cầu nước chảy sông sâu khó dò

Xa xa vẳng tiếng câu hò

Thuyền ai chở khách qua đò tối nay

Cho tôi tìm lại những ngày

Tuổi thơ bắt cá loay hoay ngoài đồng

Trưa hè ra tắm bờ sông

Giúp mẹ tát nước cho xong ruộng giồng

Mưa thu lất phất bềnh bồng

Thương người ở lại mấy dòng tương tư

Cuộc đời hư thực thực hư

Cuốn theo dòng nước lệ dư khóc thầm

*Bướm vàng đậu cạnh cành trâm

Lấy chồng chi sớm lời ngâm thêm buồn

Mặc cho dòng lệ mưa tuôn

Hằn lên nỗi nhớ ai buồn hơn ai?!!

 

Nguyễn Cang ( Aug. 8, 2023)

*Ca dao cải cách.

Mời Xem :

THU VỀ - Thơ Nguyễn Cang  


 
Thơ Nguyễn Cang: BUỒN RIÊNG AI

. CÁC KIỂU MIỄN PHÍ TRÊN THẾ GIỚI - Lê Hoàng


CÁC KIỂU MIỄN PHÍ TRÊN THẾ GIỚI
 
Cách đây mấy năm ở Hà Nội xảy ra chuyện một công viên nước cho tắm miễn phí khiến nhiều người chen lấn nhau khiến dư luận chê cười.
Thực ra, tại nhiều quốc gia cũng có nhiều trường hợp miễn phí mà người ta cũng chen chúc nhau. Dưới đây, chúng tôi xin liệt kê vài thứ để các bạn tham khảo:
1- Mỹ:
Mỹ là quốc gia nhiều tội phạm nhất trên thế giới nên rất nhiều kẻ phải đi tù. Trong tù, tất nhiên là cơm và quần áo mặc miễn phí. Nếu bạn hết hạn tù, bạn muốn ở lại thêm vài ngày thì mọi thứ cũng miễn phí luôn.
Dân Mỹ rất hay xem truyền hình trả tiền, nếu đang xem mà bị cúp điện thì nhà máy điện phải trả, bạn không tốn một xu. Tuy nhiên, nếu bạn chạy sang nhà hàng xóm xem nhờ, họ sẽ tính tiền bạn.
2- Ai Cập:
Ai đi Ai Cập cũng tới kim tự tháp. Ai đến kim tự tháp cũng chụp hình ngồi trên lưng lạc đà.
Lúc ngồi không phải trả tiền, nhưng khi xuống khỏi lưng lạc đà thì giá cực đắt, bạn không thích thì cứ việc nhảy vì lạc đà rất cao, sẽ gãy chân. Còn nếu bạn trả tiền thì chủ sẽ ra lệnh cho lạc đà quỳ xuống.
3- Tây Ban Nha:
Giá xem đấu bò cực kỳ đắt, nhưng những ai đang xem mà bị bò xông lên, đâm sừng vào thì sẽ được phép xem thêm ba buổi nữa miễn phí nếu qua khỏi. Nếu bạn phải ngồi xe lăn, bạn sẽ được miễn phí đưa xe lên.
4- Pháp:
Mỗi lần ra tòa ly dị phải tốn một lệ phí rất cao, chia đều cho hai vợ chồng bất kể lỗi thuộc về ai, do đó nhiều bà hoặc ông tóm được kẻ kia ngoại tình cũng không muốn ra tòa vì sợ mức phí này. Tuy nhiên, nếu sau khi ly dị ba năm, bạn lại kết hôn với người cũ thì tòa trả lại tiền.
5- Campuchia:
Nếu bạn vào nhà hàng, một mình ăn hết ba hũ mắm thì hũ thứ tư sẽ miễn phí. Cho đến hôm nay, chưa ai nhận được sự miễn phí này.
6- Ý:
Chính phủ ra quy định rõ ràng, nếu tháp nghiêng bất thình lình đổ xuống, nó đè trúng ai thì người đó sẽ được ăn mì ống miễn phí cả đời. Chính vì lẽ đó, dân Ý mấy trăm năm nay cứ tụ tập dưới chân tháp, nhưng nó vẫn không đổ.
7- Anh:
Nếu đang đi ngoài phố, đàn ông bất ngờ ôm hôn một cô gái thì bị phạt rất nặng bất kể cô ấy có đồng ý hay không. Nhưng nếu ôm hôn một bà già thì miễn phí.
Tuy vậy, khi thành phố có sương mù, ôm ai cũng được miễn phí vì lý do không nhìn thấy. Cho nên nam nữ Anh quốc cứ sương mù là chạy ra đường.
8- Đức:
Người Đức rất hào phóng nhưng cũng rất chính xác. Ở tất cả các quán ăn hay cửa hiệu mua sắm đều có thể bất ngờ tuyên bố miễn phí 30 phút, bất kể mua thứ gì, nhưng chỉ cần sau 30 phút một giây, ai chậm sẽ bị trả tiền gấp mười. Do đó, hễ thấy thông báo miễn phí, dân Đức co cẳng chạy.
9- Nga:
Đàn ông vô địch thế giới về uống rượu Vốt ka. Uống xong ai cũng nằm lăn ra đường. Chính quyền cho xe tới, hốt về đồn cảnh sát, cho tắm rửa sạch sẽ, cho ăn uống, tất cả đều miễn phí. Nhưng muốn nhận lại quần áo được sấy khô thì phải nộp tiền, nếu không nộp thì cứ việc ra về.
10- Thụy Sĩ:
Tất cả mọi thứ đều miễn phí cho những ai nặng dưới 15 kg. Sau đó thì trả tiền bình thường. Nên chả khách nào ngạc nhiên nếu tới đây gặp các cô gái siêu gầy.
Cũng ở Thụy Sĩ, khi bạn gửi tiền nhà băng quá nhiều, bạn sẽ được tặng miễn phí một khẩu súng. Do vậy, ai mang súng người đó không phải kẻ cướp, mà là triệu phú.
11- Sài Gòn:
Rất nhiều quán cơm khi dùng cơm bạn được miễn phí trà đá. Tuy nhiên, đá thì chắc chắn, còn trà chưa chắc phải trà.
Lê Hoàng

Trần Phong Vũ chuyển