18 thg 12, 2012

Bỏ lớp mà đi - Đào Anh Dũng

Đào Anh Dũng -
 
N
ăm 22 tuổi, tôi được may mắn bước chân vào nghề giáo, dạy học với tính cách bán thời gian tại trường Trung học Bán công Tây Ninh. Lúc ấy tôi còn học trường Văn Khoa với tư cách sinh viên tự do, vài ba ngày mới đến lớp một buổi mà thôi. Mặc dù chưa xong đại học, tôi vẫn được nhận dạy Pháp văn cho lớp chín. Lý do rất đơn giản là tình trạng khan hiếm giáo sư thời đó, và một phần cũng là nhờ lời giới thiệu ân cần của một người chị họ đã có hơn 10 năm dạy Pháp văn tại địa phương.
    Tôi yêu, tôi kính nghề giáo vì không những đây là cái nghiệp của ông nội, cô, bác, dượng, và của chính cha tôi, mà còn là việc làm tôi mơ ước từ thuở nhỏ. Nhưng cuộc sống thời chiến không cho phép tôi lựa chọn nghề mình ưa thích. Để được hoãn dịch và phục vụ gần nhà hầu phụ giúp gia đình, tôi bóp bụng chấp nhận làm công chức, trong ngành Thông tin.  Ngoài ra, mỗi chiều tôi đi làm thêm ở sở Mỹ. Điều này, tôi giấu mọi người, bởi vì thời đó, người dân tỉnh lẻ của tôi có thành kiến và kỳ thị, không ưa những người Việt làm việc cho Mỹ. Đó một phần cũng tại một số người làm cho Mỹ, phần đông là giới trẻ, nhờ có chút vốn liếng Anh ngữ, họ kiếm bạc dễ dàng, bỗng chốc trở thành nhà giàu mới. Có người ỷ vào đồng lương cao, tiền nhiều nên hay huênh hoang và có lối sống xa hoa thác loạn làm gai mắt thiên hạ. Cho nên, vì muốn có thêm tiền để phụ cha mẹ tôi nuôi bầy em đông đúc, tôi đã bất đắc dĩ  lén lút đi làm sở Mỹ, chỉ sợ người ngoài biết được sẽ chê cười gia đình mình.
Bạn thấy đó, năm 22 tuổi tôi vừa là sinh viên Văn khoa, là công chức, vừa là nhân viên sở Mỹ. Vậy mà tôi còn đèo bồng dạy thêm một lớp Pháp văn.  Dễ hiểu thôi, vì mơ ước làm thầy giáo nên tôi không dám bỏ lỡ cơ hội.
Xuất thân từ trường Pháp nên tôi có đủ khả năng sinh ngữ để dạy Pháp văn cho lớp chín, nhưng thật tình tôi không dám nhận mình nắm vững kỹ thuật giáo dục. Ngoài những sách vở tôi tự học và kinh nghiệm cá nhân, tôi chưa được theo một khóa sư phạm nào cả. Vì thế nên tôi rất thận trọng, soạn bài kỹ lưỡng cho mỗi lớp học. Nhờ công việc sở Mỹ không quá bận rộn tôi có cả buổi tối để học và làm bài vở Văn khoa cùng soạn bài cho lớp Pháp văn. Với phương tiện dồi dào của sở Mỹ, tôi đánh máy và in các bài học thêm, những bản tóm lược và bài thi cho lớp mà không tốn một xu nào.

ÎÍ

Nhớ buổi dạy học đầu tiên, tôi bước chân vào lớp, cố giữ vẻ bình tĩnh mà bụng như đánh lô tô. Lớp  đông quá, toàn là nữ sinh, phần đông từ các làng xã xa xôi, đi học trễ nên tuổi đời có lẽ xấp xỉ tuổi tôi. Tôi nên xưng hô thế nào với học sinh đây? Xưng là “thầy” à? Tôi cảm thấy ngượng vì mình còn trẻ quá và chỉ mới chập chững làm nhà mô phạm mà thôi. Gọi học sinh “các trò” thì có vẻ xưa quá. Tôi muốn gọi “các em” nhưng … nghe không ổn vì ngại quá đi. Nếu các cô nhỏ tuổi hơn tôi nhiều thì được, chớ cỡ nầy thì tôi phải giữ khoảng cách. Tôi nhìn quanh lớp, phân vân, chợt nhớ học sinh còn đứng để chào mình, tôi quyết định ngay.
“Chào các chị. Xin các chị ngồi xuống.”
Tôi không ngờ lối xưng hô gây một phản ứng ồn ào trong lớp học đầu tiên của mình. Cả lớp la lên:
“Trời ơi!”
Tôi còn ngạc nhiên, chưa kịp nghĩ đến lý do học sinh phản đối, thì nghe nhiều tiếng phát biểu, to nhỏ lẫn lộn. Lớp như ổ ong vò vẽ.
“Thầy gọi tụi em như vậy tổn đức chết thầy ơi.”
“Thầy gọi ‘các em’ nghe nó êm tai hơn.”
“Có thầy cô nào gọi tụi em là ‘các chị’ đâu thầy.”
Chết! Tôi nhớ đến “mười điều răn” tôi viết ra cho riêng mình khi được nhận làm thầy giáo. Điều thứ nhất là phải giữ trật tự trong lớp, vì nếu tôi có giỏi tay nghề cách mấy, có tận tâm đến đâu, mà lớp học không có nề nếp thì khó mà học, mà dạy. Để mang lại trật tự cũng như che bớt sự bối rối trước những cặp mắt đang hướng dồn cả về mình, tôi vội đưa tay, nói to:
“Cám ơn các chị. Nhưng xin các chị cho tôi giữ lối xưng hô như vầy tiện cho tôi hơn.”
Vẫn còn nghe những lời bất bình, nhưng tôi lảng ngay sang phần giới thiệu thầy trò và chương trình học. Tôi không đứng trên bục mà đi vào giữa lớp, kể kinh nghiệm học Pháp văn của mình, xen vào vài câu chuyện vui và hỏi tiêu biểu một số học sinh để biết khả năng sinh ngữ của lớp, thay vì cho lớp một bài thi mà tôi đã in sẵn. Cuối giờ, học sinh có vẻ cởi mở với tôi hơn và tôi cảm thấy mình gần gũi, hòa mình được với lớp. Tôi nghĩ mình có thể giúp học sinh trau giồi Pháp văn khá hơn, lớp học sẽ vui, sẽ học hành một cách thoải mái. Tôi thấy thật hăng say và yêu nghề giáo hơn bao giờ hết.
Chiều hôm đó, trước khi đi làm sở Mỹ tôi hỏi ý kiến cha tôi về lối xưng hô của mình trong lớp. Cha tôi cười.
“Con học trường nội trú thầy dòng bao nhiêu năm, trong trường toàn là con trai, lại là chương trình Pháp, cứ ‘je’ với ‘vous’, nên không biết ăn nói sao với học trò gái chứ gì? Lớn tuổi như ba, ba gọi học trò là ‘con’. Phần con, trong lớp con cứ xưng mình là ‘thầy’ và gọi học trò là ‘các em’, kể cả học trò gái gần bằng tuổi mình đi nữa. Không sao hết.”
Giờ Pháp văn kế tiếp, tôi thấy cần tạo nên một không khí thuận lợi cho lớp học sinh ngữ đồng thời áp dụng ngay lời dạy của cha mình.
“Bonjour classe! Asseyez-vous!”
“Chào các em. Xin các em ngồi xuống.”
Tôi chờ đợi một tiếng “Ồ” của lớp nhưng chỉ nghe vài tiếng cười khúc khích. Đến khi có tiếng nói khá lớn từ cuối lớp: “Vậy mới được chứ!” thì cả lớp mới cười to lên. Tôi cũng không nhịn cười được.
“Vậy là thầy trò mình vui vẻ cả rồi đó! Ấy là nhờ ba của thầy góp ý. Ba của thầy là ông giáo Sen ở thị xã mình, chắc các em biết.”
Tôi dạy học thật chân tình với lớp, không ngại học sinh phê bình mình. Đôi khi học sinh có câu hỏi mà tôi chưa có câu trả lời thích đáng, tôi xin khất để nghiên cứu lại, không giải nghĩa bừa bãi. Như đã nói, tôi soạn bài kỹ lưỡng nhưng, lần đầu tiên dạy học, làm sao không có đôi điều còn vấp váp. Học sinh có cô cũng quá quắt lắm, lúc đầu thường hay muốn thử khả năng của tôi, nhất là các cô có đi học thêm Pháp văn. Thường nhất là họ hỏi đố tôi các chữ đồng nghĩa, phản nghĩa. Đó chẳng là bao so với khả năng sinh ngữ mà tôi rất tự tin. Tuy nhiên, đó là một sự nhắc nhở tích cực, khuyến khích tôi luôn luôn soạn bài thật đàng hoàng để công việc mà mình yêu mến được toàn hảo. Tôi thật mang ơn các em học sinh của tôi, đã “dạy” tôi thật nhiều, giúp tôi khám phá những cái hay, cái dở nơi trường học.  Còn trường đời thì sao?

ÎÍ

Một buổi chiều trong sở Mỹ tôi vừa lui cui phiên dịch một công văn trên bàn đánh chữ, vừa canh máy viễn thông thì Ryan xuất hiện. Anh chàng này gốc Thủy quân Lục chiến được biệt phái làm việc tại văn phòng đại diện tòa Đại sứ, nên cuộc sống rất phóng khoáng.
“ Ê Tuấn, đại bàng có gọi thì anh qua phòng khách cho tôi hay liền nghe.”
“Xong ngay.”
Chúng tôi gọi ông trưởng phòng người Mỹ là đại bàng. Hôm nay ông ta cùng ban tham mưu đi họp và nghỉ đêm tại Sài Gòn, để anh chàng Ryan giữ nhà. Chém chết tên Ryan nầy cũng lợi dụng dịp may dẫn gái về mà vui thú. Tôi chưa bao giờ tham gia các cuộc “vui” như một vài đồng nghiệp Việt Nam khác. Tôi từ chối với đủ lý do là phải làm việc và canh máy vào buổi chiều. Tôi nhắm mắt trước những cảnh nhiễu nhương của thời chiến, thấy nhục nhã, nhưng tự an ủi rằng mình có làm được gì hơn. Tôi nghĩ nếu mình không a dua theo và chỉ làm tròn bổn phận của mình để kiếm tiền nuôi gia đình là tốt rồi.
Một lát sau thì đại bàng gọi về. Tôi xin ông giữ đầu máy để sang phòng khách gọi Ryan. Tôi mở cửa phòng khách đang chìm trong ánh đèn mờ ảo, thì thấy đúng như mình nghĩ. Ryan đang cố ôm một cô gái Việt Nam vào lòng trong lúc cô ta đang né tránh đôi cánh tay lông lá của người lính Mỹ. Thường thì tôi chỉ mở hé cửa, gọi vói vào và trở về phòng làm việc ngay. Tôi muốn nhắm mắt mà. Nhưng hôm nay không biết sao tôi bỗng có quyết định bước vào phòng. Tôi cố tránh không nhìn cô gái.
“Xin lỗi! Ryan, có đại bàng gọi.”
Ryan đứng lên, lầm bầm câu chửi thề thông dụng, nói với cô gái:
“Em đừng đi đâu. Tôi trở lại ngay.”
Rồi nó vội vã chạy ra khỏi phòng.
Tôi định quay đi, nhưng hôm nay tôi lại tò mò, nhìn cô gái. Tôi sững sốt như trên trời rớt xuống.
“Trời! Nhàn! Sao em ra nông nỗi nầy?”
Người con gái nhìn tôi, không nói lời nào, ánh mắt thoảng nét hốt hoảng. Nàng gom một vài tập sách trên bàn, rồi tất tả chạy ra cửa. Tôi thẫn thờ, thả người xuống chiếc ghế xa lông. Sau giây phút bàng hoàng tôi định thần lại, vội phóng mình ra ngoài thì chỉ còn kịp thấy chiếc Honda với dáng người con gái vọt ra khỏi cổng rào.
Tôi ngồi xuống tam cấp ngay trước cửa văn phòng, đầu óc như muốn nổ tung. Tôi nhớ lại người con gái với băng tang trên áo và cặp mắt thật buồn trong lớp Pháp văn của tôi. Vâng, người con gái hồi nãy là Nhàn, học trò của tôi. Cha Nhàn tử trận chưa đầy một năm, bỏ lại người vợ với đàn con năm đứa mà Nhàn là gái đầu lòng. Nhàn phụ má buôn bán rau cải ở chợ Thương Binh để nuôi mấy đứa em. Nhà nghèo mà Nhàn học rất chăm. Bài vở em làm thật kỹ càng, tuồng chữ em hiền lành, không bừa bãi, chiếu lệ như một số học sinh khác. Vì vậy mà tôi xem Nhàn là một trong những cô học trò cưng của tôi. Nhưng sao em lại có một cuộc sống thứ hai, một mặt trái suy đồi như vậy.
Ryan mở cửa, hất mặt hỏi tôi, giọng thật xấc xược:
“Bạn gái của tao đi đâu rồi?”
       Tôi nhìn mặt nó và hờ hững trả lời:
“Cô ta ra về rồi!”
Ryan đổ quạu, giận cá chém thớt vì mất miếng mồi ngon, nói như hét:
“Mầy nói gì mà cô ta bỏ đi hả?”
Phần buồn cô học trò, phần cảm thấy nhục nhã, tôi muốn dộng vào mặt nó một cú đấm cho đỡ tức, rồi ra sao thì ra. Nhưng nghĩ đến việc làm, tiền lương phụ giúp gia đình, tôi nhẫn nhục, cố nén cơn giận, nhìn thẳng vào mặt nó và nói gằn giọng:
“Ryan, xin anh ăn nói đàng hoàng với tôi. Chuyện anh dẫn gái về đây trong lúc đại bàng đi vắng là chuyện riêng của anh. Chuyện cô gái bỏ đi cũng là chuyện riêng của anh. Tôi không can dự vào.”
Nghe nói đến đại bàng, Ryan dịu giọng:
“Ờ, tôi chỉ hỏi vậy thôi. Làm gì mà nóng vậy bạn!”
Tên Thủy quân Lục chiến nầy cũng muốn nhàn thân, khỏi ra mặt trận, nên không làm khó dễ gì cho tôi, sợ chuyện tới tai đại bàng. Tuy nhiên, cái tên đồng nghiệp khốn nạn, đứa dẫn cô học trò của tôi vào chốn trụy lạc, xì ra việc tôi đi dạy học thêm và Nhàn là học trò của tôi. Từ đó, Ryan hay đùa cợt gọi tôi là “The teacher”.
Nhưng tôi có màng chi đến những lời mỉa mai đó. Tôi xót xa cho nhân phẩm của con người Việt và tôi chán ngán bọn bất lương, xa lánh chúng như tránh hủi. Điều tôi lo lắng nhiều hơn là, sau buổi gặp gỡ không mấy tốt đẹp ấy, Nhàn không trở lại lớp học. Tôi ngây ngô nghĩ rằng Nhàn chỉ thẹn với tôi, sau vài tuần thế nào cũng trở lại lớp học. Riêng tôi, tôi tự hứa sẽ không bao giờ tiết lộ với ai chuyện xấu của Nhàn. Nhưng tôi lầm, Nhàn đã bỏ học, bỏ lớp mà đi. Lớp nói với tôi, gia đình túng thiếu quá, Nhàn thôi học đi Sài Gòn phụ một bà dì buôn bán ở chợ Bình Tây để có tiền phụ mẹ nuôi bầy em. Lúc đó tôi mới nghĩ ra thân mình cũng đâu có khác Nhàn, thậm chí còn xấu xa hơn nữa. Tôi cũng có một mặt trái mà tôi giấu người ngoài, cũng chỉ để kiếm tiền nuôi gia đình. Có những lúc nhọc nhằn, tủi hổ mà tôi vẫn bám lấy việc làm. Vậy mà tôi dám lấy danh nghĩa thầy để mắng cô học trò: “Sao em ra nông nỗi nầy!”  Nếu Nhàn là một đứa học trò ngỗ nghịch, hỏi lại tôi lúc đó: “Còn thầy? Thầy làm gì ở đây?”, tôi có trả lời suông sẻ được không? Tôi muốn gặp em để xin lỗi nhưng làm sao được. Tôi nhớ mãi ánh mắt của Nhàn chiều hôm ấy.
Từ đó tôi tiếp tục dạy học mà ít vui, mất đi cái hăng hái ban đầu. Tôi ghi thêm “điều răn” thứ 11 cho mình, đó là “Phải xứng đáng là thầy, trong trường học cũng như ngoài đời.” Cuối niên học, tôi làm một thăm dò ý kiến  trong lớp. Đa số học sinh chấm điểm tôi trên trung bình, chúc tôi tiến mãi trong nghiệp giáo. Tôi thấy thật phấn khởi và hãnh diện.
Nhưng rồi, vì chén cơm manh áo, tôi không thể bỏ việc làm sở Mỹ. Thấy mình không giữ được “điều răn” của chính mình, tôi đành bỏ lớp mà đi.

ÎÍ

Tháng tư năm 1975, tôi rời quê hương, cuốn theo làn sóng tị nạn, sống lưu vong tại Hoa Kỳ. Tôi có dịp trở lại đại học, muốn thực hiện ước mơ làm thầy giáo, nhưng lúc ấy xứ Mỹ đang thặng dư giáo chức, thầy cô thất nghiệp dài dài. Tôi đành theo ngành điện toán đang thịnh hành thời đó để có việc làm. Tôi cần tiền để gởi về Việt Nam phụ cha mẹ tôi nuôi gia đình. Một lần nữa, tôi để ước mơ của mình vuột khỏi tầm tay.

ÎÍ

Mùa hè năm 1998, tôi đưa vợ con về thăm quê nhà sau bao năm xa cách. Mừng mừng, tủi tủi. Thân nhân, bè bạn gom lại không còn bao nhiêu. Học trò cũ chỉ có Vân, bây giờ là đứa em dâu thứ chín của tôi. Vân cho tôi biết tin các cô học trò cũ, số ít vượt biên, số đông có chồng con cư ngụ tại tỉnh hoặc rải rác khắp nơi. Tôi thật sự cảm động khi nghe Vân nói:
“Tụi em hễ gặp nhau là nhắc đến anh, mặc dầu anh dạy học có một năm.”
Rồi Vân bấm đốt ngón tay, tính sổ bạn bè cùng lớp ngày xưa.
“Còn lại khoảng 20 đứa ở thị xã. Con Hồng nè, con Diễm, con Ánh . . . À, anh còn nhớ con Nhàn không? Nó học có hơn nửa năm rồi nghỉ học đi Sài gòn đó?”
Tôi nóng ruột, muốn biết tin Nhàn, mong em có một cuộc sống an lành, hạnh phúc sau cơn lửa đạn, nhưng cố làm mặt tỉnh.
“Anh nhớ chứ. Nhàn học giỏi quá mà phải bỏ học. Nhàn bây giờ chắc cũng chồng con rồi, phải không? Nhàn ở Sài Gòn luôn hay là về chợ Thương Binh hả Vân?”
“Chồng nó là thằng Tài, học ban Anh văn chắc anh cũng biết. Nhàn là đứa nhắc anh nhiều nhứt đó. Vợ chồng nó có sạp bán nồi niêu ở chợ Mới đây nè.”
Sau buổi cơm trưa ngày hôm đó, trong nhà thiên hạ ai cũng lên võng, lên ván làm một giấc. Khách khứa thì giờ ấy không ai đến thăm. Vợ con tôi lại rút trong phòng có máy lạnh vì chưa quen cái nóng Việt Nam . Còn tôi, sau 23 năm ở Mỹ tôi đã đánh mất cái thú ngủ trưa rồi. Tôi lấy xe đạp, mang theo một ít quà bánh kẹo, quyết định đi thăm Nhàn để xin lỗi chuyện ngày xưa. Tôi hỏi thăm, tìm ra cái sạp hàng của Nhàn không mấy khó khăn vì nhà lồng chợ Mới chỉ có vài sạp bán nồi niêu. Tôi không gặp Nhàn nhưng thấy dáng của Nhàn qua một cháu gái trạc 15, 16 tuổi, giống Nhàn ngày xưa như đúc.
“Cháu à, cháu cho bác hỏi thăm. Đây có phải là sạp hàng của Tài và Nhàn không?”
“Thưa đúng. Nhưng ba má cháu không có ở đây bác à.”
“Tiếc quá! Bác là thầy học cũ của má cháu. Thôi, cháu làm ơn nói lại có thầy Tuấn ghé thăm ba má nghe.”
Cháu gái nhìn tôi, như đã quen biết từ lâu.
“Ba má cháu có kể chuyện học với thầy . . . à . . . ông . . . à . . . bác nhiều lắm. Để cháu đi gọi điện thoại cho ba má cháu hay.”
Con bé nói xong là chạy biến đi. Tôi ngồi xuống sạp hàng, nhìn đám nồi niêu treo ngổn ngang chung quanh, thầm hỏi không biết vợ chồng Nhàn buôn bán có nuôi nổi con cái hay không. Hòa bình đã hơn 20 năm nhưng quê hương vẫn còn nghèo khó. “Giấy rách” mà bao nhiêu người còn có thể “giữ lấy lề”? Tôi lại nghĩ đến chuyện ngày xưa, rồi thở dài ngao ngán.
“Thưa bác, ba má con mừng lắm, nói sẽ đến ngay, chừng 15 phút đó bác.”
Lời cháu gái đưa tôi về thực tại. Tôi đưa cho cháu gói quà.
“Bác đi xa về, chỉ có chút quà cho các cháu. À, cháu tên gì? Cháu có mấy anh chị em?”
“Dạ, cám ơn bác. Cháu tên là Nhã. Ba má cháu chỉ có cháu và em trai tên là Tân, nhỏ hơn cháu hai tuổi.”
Rồi con bé liếng thoắng hỏi tôi tới tấp:
“Bác ở Mỹ phải không bác?”
“Ở Mỹ lạnh lắm phải không bác?”
“Bác gái và các anh chị có về không hả bác?”
Tôi chỉ có trả lời chứ không hỏi cháu được câu nào. Cháu gái lanh quá, thật đúng là con nhà buôn bán! Nhưng tôi rất thích, thấy ngồ ngộ vì vợ chồng tôi chỉ có hai thằng con trai, không lanh miệng, không bặt thiệp, và không dịu dàng như con gái.
“Ba má cháu tới kìa!”
Tôi đứng lên thì vợ chồng Nhàn cũng vừa tới. Tôi nhìn Nhàn, giờ đã trở thành một người đàn bà lam lũ, nhưng nét tinh anh vẫn còn trên ánh mắt, rồi bắt tay Tài.
“Hai em có nhận ra thầy không? 25, 26 năm rồi còn gì!”
Nhàn đon đả:
“Từ xa em đã nhận ra thầy. Tóc thầy đã phong sương, nhưng nụ cười vẫn còn tươi như thuở nào. Vân có nói với em năm nay thế nào thầy cũng về thăm nhà. Tụi em chưa đến thăm thầy, thì thầy đi thăm tụi em trước. Thiệt tổn đức hết sức!”
Tôi lắc đầu, cười.
“Lại cái chuyện tổn đức nữa hả . . . chị?”
Nhàn cười ngặt nghẽo, quay sang Tài.
“Em có kể cho anh nghe buổi học đầu tiên thầy gọi tụi em là ‘các chị’, anh nhớ không?”
Tài mỉm cười, trêu tôi.
“Thầy sống ở nước ngoài, nước da trắng trẻo, trông còn trẻ hơn tụi em nữa. Bây giờ thầy có gọi các em là ‘các anh, các chị’ cũng đúng thôi.”
“Thôi, anh đừng có nói tầm phào. Anh . . . anh đi mua nước mời thầy uống đở khát. Nhã, con theo phụ ba, nghe con.”
“Thôi, thầy mới cơm nước ở nhà. Đừng mua gì hết.”
“Ậy, đâu có được. Thầy đạp xe từ chợ Cũ ra đây, mà trời thì nắng chang chang.”
Tài và cháu gái vừa đi khuất, Nhàn chợt nắm tay tôi, nhìn thẳng vào mắt tôi, giọng em rất thành khẩn:
“Thầy, em cám ơn thầy. Không có thầy cái buổi chiều năm đó, chắc em ân hận suốt đời.”
Tôi bỡ ngỡ, ấp úng nói:
“Nhàn, hôm nay thầy gặp lại em, thầy muốn nói câu xin lỗi muộn màng vì đã mắng em thậm tệ ngày xưa.”
“Không, thầy không có lỗi gì hết, thầy à. Không những em đáng cho thầy rầy la, mà em còn mang ơn thầy nữa. Cái tên ma cô khốn kiếp đó là anh bà con của một nhỏ bạn của em. Nó giới thiệu em đi dạy tiếng Việt cho người Mỹ, không cần phải biết tiếng Anh, vì mấy người Mỹ nầy đã biết chút đỉnh tiếng Việt rồi. Họ chỉ cần có người dạy thêm để nói tiếng Việt cho thông thạo hơn mà thôi. Em ngây thơ nghe lời vì lúc đó má em túng thiếu quá, lo cho em đi học không nổi nữa, bảo em đi Sài Gòn phụ bà dì buôn bán. Phần em, em không muốn bỏ học. Lúc em tới thì hỡi ơi, anh chàng Mỹ có biết chút tiếng Việt nào đâu, còn em thì từ lúc lên trung học, ban Pháp văn, nên mù trất tiếng Anh. Chưa đầy năm phút thì nó đã sỗ sàng. Không có thầy xuất hiện đúng lúc, nó làm bậy em có la cũng không ai nghe.  Em xấu hổ quá nên chạy đi mà không nói được một lời với thầy.”
Nghe Nhàn kể xong cái gút mắt chuyện ngày xưa, tôi tưởng như mình vừa trút xong một gánh nặng nghìn cân. Tôi nhìn ra con đường chạy quanh nhà lồng chợ, trưa hè chói chang, không khí oi bức mà lòng tôi khoan khoái lạ kỳ. Tôi nhìn Nhàn, sung sướng nói:
“Vậy là em và thầy trở về lớp học rồi đó!”
Nhưng tôi biết chắc Nhàn không hiểu tôi muốn nói gì. Nhàn tiếp lời tôi.
“Để em loan báo với mấy đứa trong lớp. Mình làm một buổi tiệc họp mặt nghen thầy.”
Tôi mỉm cười.
“Được vậy thì thầy mừng lắm. Cám ơn Nhàn.”
 
Đào Anh Dũng
Apple Valley, Minnesota
Đông 2003

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét