Tác giả: Brett Israel, Vanderbilt University | Dịch giả: Thanh Huyền
Các nghiên cứu về tự kiểm soát cho rằng, việc nhận ra các sai lầm trong quá khứ là một phương cách tốt để tránh lặp lại những sai lầm đó. Nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng có thể còn có nhiều thứ liên quan đến vấn đề này.
Để tìm ra đáp án, họ đã quyết định kiểm tra các mức độ hồi tưởng – và đã phát hiện ra rằng tập trung vào các hành vi trong quá khứ không phải lúc nào cũng là ý tưởng đúng đắn.
Phó giáo sư marketing thuộc Đại học Vanderbilt Kelly Haws chia sẻ “Hết sức cẩn thận khi bạn yêu cầu bất cứ ai đào sâu vào những kinh nghiệm quá khứ, vì đó có thể là một cách rất không hiệu quả để thay đổi hành vi trong tương lai cho một cuộc sống tốt đẹp hơn.”
Ở thí nghiệm đầu tiên trong một loạt các thí nghiệm đã được xuất bản trong Journal of Consumer Psychology (Tạp chí Tâm lý Người Tiêu dùng), các nhà nghiên cứu đã chia các đối tượng ra làm 2 nhóm. Họ yêu cầu một nhóm nhớ lại những lần tự kiểm soát “thành công”, chẳng hạn như mua giầy giảm giá thay vì bỏ tiền để mua những đôi Jimmy Choos mới. Nhóm còn lại đã được yêu cầu nhớ về các lựa chọn yếu kém hoặc “thất bại”.
Hướng về tương lai. Đừng nhìn lại quá khứ.
— Kelly Haws, Phó giáo sư Marketing Đại học Vanderbilt
Sau đó họ đã tạo thêm một sự thay đổi, vì họ muốn biết xem sự thoải mái khi hồi tưởng sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc tự kiểm soát. Để làm điều này, họ đã sử dụng một phương pháp nổi tiếng trong môn tâm lý học nhận thức – họ đã yêu cầu một số đối tượng nhớ nhiều ví dụ hơn những đối tượng khác.
Phương pháp này là hợp lý vì nhìn chung việc gợi lại 2 ví dụ trong quá khứ thì thoải mái hơn là 10 ví dụ. Vì vậy, những người được yêu cầu nhớ lại hai ví dụ về việc chi tiêu thông minh có thể nghĩ họ đã đưa ra những lựa chọn tuyệt vời, vì sự hồi tưởng này khá dễ dàng. Mặt khác, những người được yêu cầu nhớ 10 ví dụ về các quyết định tài chính đúng đắn có thể nghi ngờ đến sự tự kiểm soát của họ. Haws nói “Bạn bắt đầu lấy sự khó khăn mà bạn đang có để chứng tỏ bạn là ai và bạn giống cái gì”.
Cuối cùng, Haws đã đưa ra cho những người tham gia một ngân sách, sau đó hỏi họ, họ sẽ chi tiêu bao nhiêu cho một mặt hàng mà họ không có đủ khả năng mua – một đôi giày, một cái túi hay một trò chơi video.
Trên tổng thể, những người được yêu cầu nhớ chỉ một vài ví dụ thành công đã chi tiêu trong phạm vi cho phép của bản thân. Nhưng những người được yêu cầu nhớ thêm nhiều ví dụ tốt lại thể hiện sự tự kiểm soát kém hơn – họ đã có xu hướng tiêu xài vào các mặt hàng mà họ không đủ khả năng mua.
Các kết quả này nhấn mạnh một số yếu tố thú vị về mối quan hệ giữa việc hồi tưởng và sự tự kiểm soát. Có lẽ điều ngạc nhiên nhất là đào sâu vào quá khứ có thể tác động tiêu cực đến hành vi, phụ thuộc vào sự thoải mái của việc hồi tưởng, kể cả khi các ví dụ trong quá khứ là tích cực.
Chúng ta không ngừng viết lại những câu chuyện chúng ta tự kể về bản thân chúng ta – đó là điều làm cho việc hồi tưởng trở thành một phương tiện không đáng tin cậy cho sự tiến bộ, Haws nói. Thay vì đắm chìm trong quá khứ, một chiến lược tốt hơn, khiến hành vi thay đổi một cách tích cực, có thể là đặt ra những mục tiêu cho tương lai: Đừng mua đôi bốt 700 đô chỉ vì bạn muốn đi nó trong chuyến đi đến Châu Âu, hay học tập thay vì tiệc tùng để đạt điểm cao cho bài kiểm tra ngày mai.
Tóm lại, nếu chúng ta muốn có sự tự kiểm soát tốt hơn, Haws nói “Hãy hướng về tương lai. Đừng nhìn lại quá khứ”.
Tài trợ cho các luận án của Quỹ 2012 ARC/Sheth và tài trợ nghiên cứu nhỏ của Hiệu trưởng trường Đại học Pittsburgh đã hỗ trợ cho công trình này.
Nguồn: Vanderbilt University. Được tái bản từ Futurity.org theo Creative Commons License 4.0
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét