Trong những trao đổi tâm sự giữa các
bạn trẻ và tôi, có một trao đổi rất thú vị và đối với tôi là rất quý giá, vì nó
vượt ngoài những nhu cầu riêng của họ để hỗ trợ cho giới trẻ em còn bé.
Tôi tạm trích ra những phần trao đổi
chính như sau:
"Con có việc này đã suy nghĩ
thời gian qua nhưng chưa tìm được cách giải quyết, con chia sẻ với Chú và rất
mong Chú có thể cho con lời khuyên ạ.
Chuyện là con gái con năm nay 5
tuổi, con không muốn cho con bé phải bắt đầu những ngày tháng vất vả ở trường
trong chế độ giáo dục hiện tại. Con và chồng con đã và đang bàn luận về việc sẽ
tìm hiểu nghiên cứu để cho con bé học nhưng không tham gia vào chương trình từ
tiểu học đến hết PTTH của VN.
Ý của tụi con là đang đầu tư cho con
bé học ngoại ngữ (và bé cũng có năng khiếu về ngôn ngữ và giao tiếp) nên tụi
con đặt giải pháp như sau:
Sẽ dành thời gian để dạy con những
từ ngữ cơ bản (con lấy quyển quốc văn giáo khoa thư và quyển luân lý giáo khoa
thư để làm nội dung chính – con sẽ có cải biên chút cho phù hợp với thực tế);
thời gian con đi làm ở cơ quan, con bé sẽ đi học các lớp kỹ năng khác như: vẽ,
hát, múa, diễn xuất, thời gian con ở nhà sẽ cùng trao đổi với con về 2 quyển
sách này.
Con sẽ không dạy bé lim, cos, lý,
hóa… con chỉ cung cấp cho bé về ngoại ngữ và ngữ văn.
Đến năm bé 16 tuổi, bé sẽ tự săn học
bổng du học bên Úc.
Tụi con chưa dám chia sẻ ý nghĩ này
cho ai, chỉ mới đem vào bàn luận sơ trong các bữa cơm hay câu chuyện phím với
bạn bè cùng tuổi. Tất cả tụi con đều nhận được là: “không khả thi”
Chú ơi, với kinh nghiệm bao nhiêu
năm của Chú, Chú có thể cho con biết, điều tụi con đang muốn làm, liệu có khả
thi ở tình hình Việt Nam hiện tại không ạ?"
Vả tôi đã trả lời như sau:
"Con ơi, việc cho bé vào trường
học tuy rằng là việc bất đắc dĩ, nhưng những sự đụng chạm, quan hệ cùng lứa
tuổi, v.v... sẽ giúp cháu phát triển tự nhiên và hoà đồng (cho dù phải đánh đổi
một số điều mà mình không thấy có giá trị, thậm chí tệ hại cho góc độ phát
triển nhân phẩm của cháu).
Nhưng mặt khác, quả thật các con
đừng để cháu phải bị cuốn theo cách học hành và dạy dỗ hiện nay của thiên hạ.
Để thực hiện được cả hai, có lẽ tốt
nhất là:
1. Cứ để cháu vào trường học bình
thường nhưng không ép cháu phải học thêm như bao nhiêu học trò khác.
2. Nếu có học thêm thì chú tâm vào
ngoại ngữ và toán học, hoặc và các bộ môn nghệ thuật.
3. Các con phải tâm sự và khuyến
khích cháu tâm sự nhiều với các con. Các con phải chịu khó trả lời mọi câu hỏi
của cháu một cách thông suốt và nhẹ nhàng. Bằng mọi cách để biến mình thành bạn
thân của cháu bên cạnh làm cha mẹ.
4. Cho phép cháu có thời gian và
không gian riêng, nếu cháu cần, để nó có thể tự phát triển theo sở thích và
năng khiếu. Và luôn khuyến khích cháu phát triển theo hướng của nó muốn thực
hiện.
5. Luôn tạo điều kiện để nó có thể
sinh hoạt với cộng đồng, cộng đồng càng rộng, càng nhiều người càng tốt. Và
quan trọng nhất là những sinh hoạt mang tính từ thiện hoặc công ích xã hội. Đây
là nền tảng của cả hai góc độ: lòng lương thiện và kỷ năng giao tiếp tự tin của
cháu."
Nhưng tôi quên nhắc đến một điều cực
kỳ quan trọng như sau:
Người lớn phải cố gắng giúp trẻ em
tự tin để vượt ra khỏi mọi giới hạn của tư duy lạc hậu mà chính mình không ngờ
rằng mình đã bị giam cầm suốt bao nhiêu thế hệ qua.
Tôi tạm lấy âm nhạc để giải thích về
sự giới hạn này nhé.
Trong suốt cả ngàn năm lịch sử âm
nhạc cổ truyền của VN mình, chúng ta chỉ có một số rất ít bài nhạc làm khung
định, và mọi sự "sáng tạo" hay "cách tân" đều chỉ dựa vào
và nằm trong những khung định này mà thôi.
Tuy rằng sự tinh tế của mỗi nhạc
sĩ/nhạc công tuỳ thuộc vào cách diễn đạt riêng của họ, nhưng đó là chuyện
"sáng tạo" hoặc "cách tân" riêng cho chính bản thân họ, mà
những thành tựu này thì lại đóng góp rất ít ỏi cho sự phát triển chung của nền
âm nhạc VN mình.
Ngay cả sau này khi có "cải
lương" hay "tân nhạc", thì hầu hết cũng vẫn cứ bị tự giới hạn
trong một số khung, và rất ít nhạc sĩ/nghệ sĩ thoát ra khỏi những khung định
này.
Và nếu chúng ta chịu khó nhìn vào
các lĩnh vực khác, chẳng hạn như văn học, kịch nghệ, v.v... thậm chí khoa học,
công nghệ, v.v... chúng ta cũng sẽ thấy những giới hạn tương tự.
Ngoại trừ một số rất hiếm hoi trong
xã hội VN mình đã thật sự vượt ra những giới hạn này để sáng tạo được những giá
trị mới trong lĩnh vực riêng của họ.
Chúng ta có thể dễ dàng đổ lỗi cho
chiến tranh, cho bị đô hộ, cho sự vô nhân tàn độc của CSVN, v.v... và tất nhiên
những môi trường và điều kiện khó khăn chung này quả thật là những lực cản cho
sự phát triển trong sáng tạo.
Nhưng quan trọng hơn, lực cản chính
nhất lại là khả năng nhận thức của mỗi người và từ đó của cả xã hội.
Nên nhớ rằng mọi khung định, mọi lối
mòn, thậm chí mọi giá trị đã được xã hội khẳng định bởi những thành tựu trong
quá khứ của cùng lĩnh vực... chính là những rào cản và giới hạn để thật sự sáng
tạo ra những điều mới lạ có giá trị lớn cho xã hội.
Vì vậy, có lẽ không gì đẹp bằng chúng ta - những
người làm cha mẹ - giúp cho con cái của mình có được ba điều quý giá nhất: xây
dựng nhân phẩm, tạo cho con sự tự tin và tự do để phát triển và sáng tạo, và...
làm những người bạn thân tín của con.(từ FB.Hoàng Ngọc Diệp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét