(Pilin_Petunyia/iStock)
Có rất nhiều con đường có thể giúp chúng ta giảm bớt căng thẳng. (Pilin_Petunyia/iStock)
Khi chúng ta già đi, khả năng thể chất và trí não đều giảm sút, nhưng nó không nhất thiết phải xảy ra như vậy. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cách sống của chúng ta, chẳng hạn như chế độ ăn uống và tập luyện thể dục, có thể tác động rất lớn đến tình trạng tuổi già. Cách sống này không chỉ là nói về những điều chúng ta nên làm mà còn cả những điều chúng ta nên tránh.
Những nghiên cứu trước đây đã từng xem xét đến sự tác động của rèn luyện thể chất và rèn luyện trí óc (chơi sudoku hoặc trò chơi ô chữ) đến tuổi tác. Tuy nhiên, mức độ căng thẳng mà chúng ta từng trải qua trong đời cũng như tác động của nó đến nhận thức lúc tuổi già vẫn còn là một lĩnh vực nghiên cứu bị bỏ ngỏ cho đến tận thời gian gần đây.

Mức độ căng thẳng tích lũy trong đời

Những công trình nghiên cứu của chúng tôi cũng như các đơn vị nghiên cứu khác đã cho thấy, một số khía cạnh trong khả năng nhận thức của người già dường như có liên quan đến số lượng căng thẳng mà họ tích lũy trong đời. Chúng tôi bắt đầu bằng việc đo lường các sự kiện gây căng thẳng mà họ từng trải qua trong đời. Chúng tôi xem xét các yếu tố khác nhau, từ việc trải qua một trận ốm thập tử nhất sinh hay mất đi một người thân yêu, cho đến việc thay đổi thói quen xã hội hay chuyển đến ngôi nhà mới. Những người già từng trải qua nhiều căng thẳng có xu hướng thực hiện các nhiệm vụ nhận thức kém hơn so với những người đồng niên có ít căng thẳng hơn.
Có rất nhiều nghiên cứu đi sâu vào tìm hiểu các yếu tố gây ra tỷ lệ suy giảm khác nhau liên quan đến tuổi tác. Đặc biệt, các nhà khoa học cũng xem xét đến việc các yếu tố này thay đổi khả năng ghi nhớ và khả năng tập trung của chúng ta như thế nào. Chúng tôi gọi những thay đổi đó là “khả năng nhận thức tuổi già”.
Quan trọng là, những người già không có nhiều căng thẳng trong đời có thể thực hiện các nhiệm vụ về nhận thức tốt như những người trẻ tuổi. Điều này cho thấy rằng căng thẳng có thể tác động rất lớn đến khả năng trí óc và ảnh hưởng của nó chỉ thể hiện ra vào lúc tuổi già. Thật vậy, giữa những người trẻ tuổi không có nhiều khác biệt khi thực hiện các bài kiểm tra về nhận thức dù trải nghiệm căng thẳng của họ ít hay nhiều.
Không chỉ vậy, hoạt động não bộ của những người tham gia vào nghiên cứu cũng cho thấy điều tương tự: những người già (từ 60 đến 80 tuổi) trải qua ít căng thẳng hơn sẽ có hoạt động não bộ tương tự như ở những người trẻ. Tuy nhiên, khi xem xét hoạt động não bộ của những người già với cuộc sống có nhiều căng thẳng, chúng tôi nhận thấy một số điều khác biệt.
(brain activity/iStock)
Điện não đồ cho thấy các hoạt động não bộ khác nhau. (brain activity/iStock)
Hoạt động não bộ này có thể cho chúng ta thêm manh mối về những điều đang gặp trục trặc và nó diễn ra ở đâu trong não bộ. Ví dụ, dựa vào các nhiệm vụ mang tính liên quan, chúng ta có thể thấy rằng một lượng lớn căng thẳng trong cuộc đời một người có thể ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ sự vật trong trí nhớ ngắn hạn của họ, đồng thời làm giảm khả năng ngăn chặn các suy nghĩ không liên quan can nhiễu đến quá trình ghi nhớ này.
Đặc biệt, căng thẳng còn ảnh hưởng đến một khu vực não bộ chịu trách nhiệm cho việc hình thành ký ức trong trí nhớ dài hạn gọi là hồi cá ngựa (hippocampus).
Tuy nhiên, những ảnh hưởng dài hạn của căng thẳng không chỉ thể hiện ở trí nhớ: các nghiên cứu gần đây lần đầu tiên đã chỉ ra rằng, các hoạt động não bộ và hành vi có liên quan đến khả năng kiểm soát tập trung và sự chuyển động của chúng ta cũng bị suy yếu. Điều này có thể liên quan đến hoạt động não bộ mà bạn sử dụng để dừng các cử động cơ thể (chẳng hạn như di chuyển cánh tay) hoặc để kiểm soát sự tập trung.
(SHSPhotography/iStock)
Mỗi người cần phải tự tìm ra điều gì có tác dụng với mình. (SHSPhotography/iStock)

Hãy làm điều gì đó! 

Vậy thì chúng ta có thể làm gì để cải thiện điều đó? Hầu hết chúng ta đều nhận thức được lúc nào mình cảm thấy căng thẳng. Với những người không nhận ra điều đó, những lời khuyên thông minh có thể sẽ giúp cảnh báo cho họ về những nguy hiểm tiềm ẩn. Bằng cách nhận thức được sự căng thẳng và những hậu quả lâu dài của nó, chúng ta có thể bắt đầu giải quyết nó và tìm cách giảm thiểu các hậu quả.

Có rất nhiều con đường có thể giúp chúng ta giảm bớt căng thẳng. Một số người cảm thấy thiền định và sự quan tâm là liều thuốc hữu hiệu, một số khác lại cho rằng những kỹ thuật tương tự không đem lại hiệu quả hoặc thậm chí gây nguy hiểm. Mỗi người cần phải tự tìm ra điều gì có tác dụng với mình. Bạn có thể sẽ mất một chút thời gian để thử nghiệm, nhưng kết quả nhận được sẽ hoàn toàn xứng đáng. Nhưng đừng kỳ vọng nó có thể giúp gì cho những nếp nhăn của bạn!
Nicholas Robert Cooper, Giám đốc học thuật của Trung tâm Khoa học Não bộ thuộc Đại học EssexAmanda Claire Marshall, Giáo sư nghiên cứu thuộc  Đại học Essex, và Nicolas Geeraert thuộc Đại học Essex.
Bài viết này được đăng lần đầu trên The Conversation
(từ daikynguyen.com)