4 thg 10, 2022

VĂN BẰNG TIẾN SĨ Ở HOA KỲ. (Doctor hay PhD ...) - TS Vũ Xuân Hoài

1. Chữ "doctor" trong tiếng Anh thoát thai từ chữ Latin (mượn từ tiếng Hy Lạp) "doctoris", chỉ có nghĩa là người thầy (teacher). Động từ "docere" trong tiếng Latin có nghĩa là dạy học. Bằng Ph.D. (Doctor of Philosophy) thoát thai từ chữ Latin "doctoris  philosophiae", trong đó chữ "philosophiae" (mượn từ tiếng Hy Lạp, chữ số nhiều) được tạo ra bằng cách ghép prefix "philo" (có nghĩa là "love") và suffix "sophia" (có nghĩa là wisdom, hoặc knowledge)." Chữ "doctoris" đồng nghĩa với chữ "guru" trong tiếng Ấn Độ. Tất cả những người có Ph.D. đều phải nói bằng tiến sĩ của mình là bằng về philosophy. Chẳng hạn một người có Ph.D. về vật lý, phải nói là "Tôi có bằng doctor of philosophy, chuyên môn về vật lý," chứ không nói "tôi có bằng tiến sĩ vật lý."  Vì bằng là bằng về philosophy nên khi học thì có thể học các ngành chuyên môn khác nhau, nhưng khi ra trường thì tất cả các Ph.D. đều mặc quần áo giống hệt nhau, cái hood (giải đeo từ trên cổ xuống đến lưng) màu xanh đậm (navy blue). Màu đó là màu của philosophy.   Nếu chỉ trông màu của cái hood thì chỉ biết một người có bằng Ph.D., nhưng không thể nói được là người đó chuyên môn về ngành nào. Những người có bằng "tiến sĩ" khác, nhưng không phải là Ph.D., thì không được phép dùng hood màu navy blue. Họ phải đeo hood có màu tương ứng với ngành mình học (màu cam cho engineering, xanh lá cây cho medicine, ...)

 2. Hệ thống cao học của Hoa Kỳ có nhiều bậc khác nhau. Bằng tiến sĩ cao nhất mà các trường đại học ở Hoa Kỳ cấp là bằng Ph.D. Ở bậc thấp hơn là các bằng chuyên môn (professional degrees) như doctor of medicine (M.D.), juris doctor (J.D.), doctor of pharmacy (Pharm.D.), doctor of education (Ed. D.), ... Những người có bằng chuyên môn (professional degrees) khi ra trường phải đeo hood và tassel (giải lua tua đeo trên mũ) cùng màu tương ứng với ngành mình học (màu xanh lá cây cho medicine, màu tím cho luật, màu olive cho dược, màu xanh dương nhạt cho pedagogy/education, ...) Tassel màu vàng chỉ được dành cho bằng cao nhất mà một trường đại học cấp phát. Người có bằng Ph.D. đeo hood màu navy blue (philosophy) và tassel màu vàng (bằng cao nhất). Có những trường đại học chỉ cấp đến bằng Master là cao nhất (chẳng hạn như hệ thống California State University, CSU). Trong trường hợp đó thì những người đỗ Master đeo hood màu tương ứng với ngành mình học, nhưng tassel lại màu vàng vì bằng Master là bằng cao nhất mà trường đó offer. Sự khác biệt giữa Ph.D. và các bằng chuyên môn là nghiên cứu (original research) và luận án (dissertation). Các bằng chuyên môn chỉ đòi hỏi lấy cho đủ lớp và thực tập. Bằng Ph.D. đòi hỏi phải có nghiên cứu và luận án. Chính những thứ đó là lý do bằng được gọi là bằng về philosophy.

 

Nói về Ph.D. thì phải nói đến một số trường hợp hay bị hiểu lầm. Các trường đại học ở Hoa Kỳ chỉ cấp bằng Ph.D. cho các ngành khoa học (tự nhiên và nhân văn, thường nằm trong College of Letters and Science) và khoa học ứng dụng và kỹ thuật (thường nằm trong College of Engineering and Applied Science). Trường y khoa không cấp bằng Ph.D. Không bao giờ ta có thể tìm ra một người có bằng Ph.D. về medicine. Tuy nhiên, một số trường nhận sinh viên vào chương trình MD/Ph.D. Theo chương trình đó thì các sinh viên phải học đủ chương trình MD và phải làm thêm nghiên cứu và trình luận án về một môn khoa học cơ bản trong ngành y khoa (thí dụ như vi sinh học, vật lý, hóa học, ...) Bằng MD do College of Medicine cấp, nhưng bằng Ph.D. do College of Letters and Science hoặc College of Engineering and Applied Science cấp. Các giáo sư thực thụ bên y khoa thường phải có MD va Ph.D. Các bác sĩ có MD thường chỉ làm clinical professor mà thôi, chỉ dạy sinh viên về ngành chuyên môn nhưng không dạy các ngành khoa học cơ bản trong y khoa. Lại thêm một sự hiểu lầm khác về y khoa. Nhiều người hiểu lầm rằng residency là một chương trình học nối tiếp trong ngành y khoa. Điều này không đúng. Residency chỉ là một hình thức tập sự, chuẩn bị cho việc xin bằng hành nghề chuyên khoa. Đại để cũng tương tự như các luật sư ngày xưa ở VN phải tập sự vài năm trước khi xin vào luật sư đoàn.

3. Chương trình Ph.D. ở các trường đại học có tiếng tăm ở Hoa Kỳ khá gay go, xin vào đã khó mà muốn ra trường có thể khó hơn. Các trường như y khoa, luật khoa, dược khoa, ... thường ít khi đánh trượt sinh viên và không cho ra trường, trừ khi vì lý do kỷ luật. Khi chọn sinh viên, họ thường chỉ nhận những sinh viên mà họ biết khá chắc là sẽ ra trường được. Sau đó cứ học cho đủ chương trình, thực tập cho đầy đủ là tấm bằng như là cầm chắc trong tay. Chương trình Ph.D. khác ở chỗ dọc con đường dẫn đến tấm bằng có nhiều hiểm trở, có thể bị loại ở nhiều chỗ. Bây giờ chỉ chú trọng vào chương trình Ph.D. về science hoặc engineering ở các trường đại học có danh tiếng. Các trường không danh tiếng thì chương trình lỏng lẻo hơn, thường ra thì cũng ngần ấy bước nhưng họ du di kinh lắm, những trường đó chúng ta không nói đến. Trước hết, muốn xin vào chương trình Master of Science không khó lắm. Chỉ cần học đủ lớp (khoảng từ một năm rưỡi đến hai năm là xong), giữ điểm trung bình cho cao hơn mức tối thiểu, và thi một kỳ thi viết (thường thì độ 3-4 giờ đồng hồ). Kỳ thi này gọi là MS Comprehensive Exam, họ muốn hỏi gì thì hỏi, mình không làm được thì mình ráng chịu. Trước khi thi thì sinh viên thường được cho biết trước sẽ có mấy bài, về những môn nào. Về nhà chịu khó sôi kinh nấu sử. Đa số các trường cho phép sinh viên thi lần thứ hai nếu trượt lần đầu. Nếu trượt lần thứ hai nữa thì ... a lê hấp! Sinh viên nào ngại sôi kinh nấu sử thì có thể xin phép giáo sư patron cho làm một tiểu luận (MS thesis). Chỉ cần nộp tiểu luận này cho vài vị giáo sư duyệt xét, họ chấp thuận thì ra trường, khỏi phải thi comprehensive exam nữa. Thoát nạn!

 

Người nào muốn tiếp tục học Ph.D. phải được một vị giáo sư đỡ đầu (advisor) nhận vào. Vị giáo sư đỡ đầu, trên nguyên tắc, là "chairman of the doctoral committee." Sau khi được vị giáo sư đỡ đầu chấp thuận, sinh viên nộp giấy tờ cho trường và chính thức được nhận vào Ph.D. program. Đến đây thì trường danh tiếng và trường không danh tiếng bắt đầu khác nhau khá nhiều. Vì lý do bằng Ph.D. chú trọng về nghiên cứu, một số trường không đòi hỏi sinh viên phải lấy thêm lớp nữa. Những lớp lấy để có bằng Master là đủ rồi, bây giờ ta bắt tay vào nghiên cứu và viết luận án. Một số trường khác đòi hỏi sinh viên phải lấy thêm một số lớp nữa ngoài sự đòi hỏi của bằng Master. Nói thí dụ, ngay trong cùng một hệ thống University of California, nhiều trường không đòi hỏi sinh viên phải lấy nhiều lớp hơn chương trình Master, nhưng trường Los Angeles (UCLA)  bắt buộc sinh viên phải lấy thêm lớp về hai ngành phụ (minor fields) ngoài một ngành chính mà mình muốn theo đuổi nghiên cứu (major field). Hai ngành phụ này không phải muốn chọn gì thì chọn. Sinh viên chỉ được chọn hai ngành phụ trong những ngành hợp pháp mà trường cho phép.  Sinh viên nào đã xong MS thì vẫn phải mất thêm một năm nữa mới lấy đủ lớp để thỏa mãn cho đòi hỏi của hai ngành phụ này.

 Các sinh viên Ph.D. phải qua một kỳ thi viết gay go, gọi là Ph.D. Written Preliminary Exam, gồm hai phần. Phần đầu tiên không cho mở sách (closed book), khoảng 3-4 tiếng. Phần đầu này trùng hợp với cái mà ta gọi bên trên là MS Comprehensive Exam.  Các sinh viên Ph.D. và M.S. thi chung. Phần thứ hai gay go hơn rất nhiều, cũng khoảng 3-4 tiếng, cho mở sách tha hồ (open book, chấp hết, sách nào cũng được). Các sinh viên chỉ muốn đỗ M.S. xong rồi bỏ chạy thì  khỏi phải thi phần này.  Sinh viên nào trượt  Ph.D. Written Preliminary Exam thì phải thi lại đủ hai phần, và chỉ được thi lại một lần thứ nhì mà thôi. Hễ trượt nữa là lại ... a lê hấp! Tỷ lệ trượt lần đầu khá lớn chứ không ịt, lần thứ nhì thì ít trượt hơn.  Ph.D. Written Preliminary Exam chỉ hỏi về lý thuyết mà sinh viên học trong các lớp trong ngành chính (major field) mà thôi, hai ngành phụ (minor fields) thì lại có kỳ thi khác, hắc ám hơn nhiều. Phải nói thêm là một số trường rất nổi tiếng chỉ cho sinh viên thi một lần thôi, không có cơ hội thứ hai. Hễ trượt một lần là bị đuổi. Một thí dụ là California Institute of Technology (Cal Tech).

Sau khi sinh viên thi đỗ  Ph.D. Written Preliminary Exam, và sau khi đã lấy đủ lớp trong hai minor fields, họ phải qua một kỳ hạch miệng gọi là  Ph.D. Oral Preliminary Exam. Kỳ thi này khảo hạch về mặt lý thuyết trong cả major và minor fields. Sinh viên phải chọn 5 giáo sư, 3 cho major field và 1 giáo sư cho mỗi minor field. Vị giáo sư đỡ đầu (advisor) chủ tọa hội đồng thi. Kỳ thi khoảng 3-4 giờ,  sinh viên đứng tần ngần trên bảng cầm cục phấn, 5 giáo sư bên dưới "đánh hội đồng". Trước khi ra câu hỏi, các giáo sư thường hỏi han qua xem sinh viên đã lấy những lớp nào, sau đó thì cứ chỗ nào mình đau thì đánh chỗ ấy! Cũng như thông lệ, chỉ được thi hai lần mà thôi, có trường chỉ cho thi một lần.

Sau khi thi cử xong là coi như qua được nửa chặng đường. Khi làm nghiên cứu thì giáo sư đỡ đầu bắt sinh viên phải làm "literature search" kỹ càng để chắc là đề tài của mình chưa ai làm trước đó. Thông thường thì khi nào nghiên cứu bắt đầu có kết quả khả quan, sinh viên và giáo sư bắt đầu thuyết trình ở các hội nghị khoa học (conference). Được chấp thuận cho thuyết trình ở các conference thường dễ hơn là được chấp thuận cho đăng bài trên các tạp chí khoa học nổi tiếng. Conference papers thường được coi là "work-in-progress" thành ra ban tổ chức conference cũng nhẹ tay khi duyệt xét. Các tạp chí khoa học thì nặng tay hơn nhiều khi có người gửi bài đến xin đăng. Khi nào giáo sư đỡ đầu thấy sinh viên thuyết trình vài bài ở các conference, hoặc có vài bài có giá trị đăng trên các tạp chí khoa học, ông ta sẽ bảo sinh viên bắt đầu chuẩn bị thi "qualifying exam". Thật ra qualifying exam không phải là một kỳ thi theo nghĩa thông thường. Hội đồng thi có 5 giáo sư, vị giáo sư đỡ đầu là chủ tọa. Hội đồng thi này có thể là khác hẳn với hội đồng thi Oral Preliminary Exam như đã nói bên trên. Lần này cả 5 giáo sư thường có kiến thức rộng rãi trong ngành mình nghiên cứu. Một số trường đòi hỏi sinh viên phải mời ít nhất là một vị giáo sư ở một trường đại học khác vào trong hội đồng thi. Qualifying Exam là lúc sinh viên phải trình bày đại cương về công trình nghiên cứu của mình và những kết quả sơ khởi. Sau khi công trình nghiên cứu hoàn tất, sinh viên phải viết luận án và đệ trình lên hội đồng thi. Kỳ thi sau cùng là "Final defense", bảo vệ luận án. Đỗ kỳ thi này xong cũng chưa phải là xong. Nhiều khi các giáo sư trong hội đồng thi đòi hỏi sinh viên phải sửa một số lỗi, hoặc làm sáng tỏ hơn một khía cạnh nào đó, vân vân. Sau khi tu chỉnh lại luận án, sinh viên phải nộp một bản cho từng vị giáo sư trong hội đồng thi để kiểm soát lại lần chót, trang đầu gọi là "signature page". Nếu tất cả hội đồng thi hài lòng với luận án, từng giáo sư một sẽ phải ký trên signature page, thiếu một chữ ký cũng không xong. Thời xưa khi chưa có computer và pdf như bây giờ thì các sinh viên phải nộp luận án có đủ chữ ký để cho trường chụp ảnh vào microfiche và lưu một bản trong thư viện. Đến lúc đó mới thật là hết nợ.

Có nhiều trường hợp các sinh viên hứa hẹn quá nhiều với hội đồng thi trong kỳ qualifying exam, đến khi đào sâu vào vấn đề thì không tiến xa hơn được nữa, đành phải bỏ cuộc. Số này không nhiều, nhưng cũng không phải là ít. Lại một số khác cũng hứa hẹn quá nhiều, nhưng khi đụng trận thì cần lâu hơn là 7 năm để hoàn tất. Các trường trong hệ thống University of California chỉ cho sinh viên tối đa là 7 năm (tính từ củ nhân) để làm cho xong, quá thời hạn đó là  cũng ... a lê hấp (hoặc giả đôi khi ông patron du di thì cũng có thể xin trường thêm một ít thời gian nữa)!


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét