MATSUSHITA KONOSUKE (*)
Dịch: Nguyễn Sơn Hùng
LỜI NGƯỜI DỊCH
Khi sắp trọn 90 tuổi, MATSUSHITA KONOSUKE , nhà sáng lập tập đoàn Panasonic ngày nay, đã tuyển chọn đút kết 28 hạng mục mà ông nghĩ là nên ghi nhớ để sống ở đời. Trong tác phẩm “NHỮNG ĐIỀU KIỆN CỦA NGƯỜI LÃNH ĐẠO” (2) ông đã nêu ra 102 điều. Từ đó chúng ta có thể hiểu 28 hạng mục được giới thiệu dưới đây rất quan trọng đối với ông để thành công trong việc làm người. Có những điều trong 28 hạng mục cũng có trong 102 điều kiện của nhà lãnh đạo. Điều này cũng dễ hiểu vì để là một nhà lãnh đạo con người đúng nghĩa cần phải thành công trong việc làm người. Một điều thú vị là dù cùng một hạng mục trong 2 quyển sách nhưng chi tiết trong sách này bình dị dễ hiểu hơn sách về người lãnh đạo.
Tác giả trình bài 28 hạng mục trong 28 bài viết ngắn. Trước mỗi bài viết ông tóm tắt đại ý trong vài câu ngắn gọn. Trong bài này người dịch giới thiệu đến quý độc giả trước phần ĐẠI Ý để độc giả có thể nắm được tổng thể nội dung mà tác giả muốn đề cập. Đối với các độc giả có nhiều kinh nghiệm sống khi đọc xong đại ý có thể đoán ra nội dung chi tiết. Người dịch mong rằng qua đối chiếu nội dung chi tiết với kinh nghiệm của bản thân mình, quý độc giả có thể phát hiện thú vị hoặc lợi ích mới. Người dịch sẽ tiếp tục giới thiệu lần lượt phần chi tiết sau.
Tựa đề của các hạng mục trong phần ĐẠI Ý người dịch dịch thoát để dễ đọc. Mục đích giới thiệu LỜI MỞ ĐẦU của sách để quý độc giả có thể biết được bối cảnh và suy nghĩ của tác giả khi biên soạn, trước tác sách này.
LỜI MỞ ĐẦU
Tôi sắp trọn 90 tuổi. Nhớ lại ngày mẹ tôi tiễn tôi tại nhà ga Kinokawa ở quê nhà lúc 9 tuổi để lên thành phố Osaka làm việc không lương học nghề, tôi tưởng chừng như thể mới xảy ra ngày hôm qua.
Từ ngày đó đến nay 81 năm trôi qua, có vô số việc xảy ra. Người ta thường hỏi tôi “Chắc ông đã phải chịu rất nhiều khổ cực?”. Tuy nhiên, thật lạ lùng tôi thật sự không có cảm giác là mình đã cực khổ. Tôi chỉ biết để hết tâm sức làm hết công việc của mỗi ngày và đi tới. Tôi đã gặp vô số sự việc, vô số con người và đã trở thành bản thân của tôi ngày hôm nay. Khi nghĩ đến việc này, lòng tôi tràn đầy sự biết ơn đối với thế gian, đối với con người và đối với công việc. Tôi đã viết hoặc thuyết trình về những ý tưởng và cảm nhận mà thỉnh thoảng tôi đã tìm ra trong cuộc hành trình nói trên, và trong thực tế đã xảy ra sao thì tôi viết hoặc nói y như vậy. Quyển sách “Những điều nên ghi nhớ để sống” này tôi đã đúc kết lại những gì liên quan đến nhân sinh (đời người) từ những nội dung tôi đã viết hoặc nói chuyện trong quá khứ.
Đời người thật vi diệu, phức tạp và sâu sắc. Bản thân tôi còn trên con đường tu nghiệp mà nói chuyện về đời người thật là không biết lượng sức mình. Tuy nhiên, với nguyện vọng mong muốn các thể nghiệm của bản thân và những ý tưởng căn cứ vào các thể nghiệm này có thể giúp ích quý vị tham khảo để có được đời người tốt đẹp hơn nên tôi mới mạo muội ghi chép lại đây. Thật là niềm vui sướng cho tôi nếu được nghe ý kiến, cảm tưởng của quý vị.
Tháng 8 năm 1984
Matsushita Kônosuke
ĐẠI Ý
- Cách sống
Nếu hợp với quy luật của tự nhiên, không có việc gì mà không thành.
Phát huy vận mệnh của bản thân
Cố gắng hết sức mình rồi chờ trời định đoạt. Tùy theo cách sống, bạn có thể phát huy hữu hiệu hơn vận mệnh trời cho bạn.
Bản chất của con người
Con người có bản chất sáng chói giống như đá nguyên thủy của kim cương. Nhưng nếu không mài giũa thì bản chất ưu tú đó sẽ không được phát huy.
Sống với thiên phận (3)
Hãy phát huy trọn vẹn thiên phận trời đã ban cho bạn. Đó là cách sống đúng đắn có thể thỏa mãn bản thân và người khác, đồng thời thành công của việc làm người cũng có trong đó.
Tự tìm ra thiên phận
Hãy tự tìm ra thiên phận của bạn. Trước hết hãy thiết tha mong muốn và cầu nguyện. Nếu bền tâm tiếp tục cầu nguyện, tự nhiên tự bạn sẽ tìm ra thiên phận của mình trong cuộc sống hàng ngày.
Trước hết là tin tưởng
Nếu được tin tưởng, con người sẽ cố gắng đáp lại sự tin tưởng này. Hãy triệt để lòng tin của bạn dù có thể bị dối gạt.
Biết ơn
Không nên quên tinh thần biết ơn. Có biết ơn, bạn mới biết trân trọng đồ vật, mới biết khiêm tốn đối với người, và mới biết được niềm vui sướng của sự sống ở đời.
Biết sợ
Không gì nguy hiểm bằng việc không biết sợ. Bạn hãy tự mình tìm ra nỗi sợ của bạn và cảm thấy sợ để biết thận trọng là điều quan trọng.
Vi diệu của tình người
Tình cảm con người không thể dứt khoát bằng lý lẽ. Bạn nên biết tác dụng vi diệu của tình người để căn cứ theo đó mà xây dựng mối quan hệ phong phú với người khác và cẩn trọng trong hành động và lời nói của mình.
Tích lũy thể nghiệm hàng ngày
Thể nghiệm của đời người không phải chỉ là những đại thành công hoặc những đại thất bại. Tùy theo cách suy nghĩ của bạn, bạn có thể tích lũy được nhiều thể nghiệm trong đời sống yên ổn hàng ngày của bạn.
Sở trường và sở đoản
Không nên quá đắc ý về sở trường và cũng không nên quá tự ti về sở đoản của mình. Cả 2 đều là cá tính trời cho và đặc điểm riêng của bạn
Nghe ý kiến của người khác
Khi không biết nên làm sao, bạn hãy thử hỏi ý kiến của người khác. Bạn nên nắm vững suy nghĩ của mình và lắng nghe ý kiến của người khác với tâm tự nhiên(4). Phương pháp này giúp bạn bắt đầu sống cuộc đời chắc chắn.
Công việc/nghề nghiệp và vận mệnh
Với cách suy nghĩ “Đối với bất cứ việc gì cũng hành động theo ý chí của chính mình” thì khi có sự việc khó khăn lớn xảy ra, bạn sẽ dễ lung lay dao động. Do đó bạn cũng nên hướng về một mục tiêu vượt qua ý chí của bạn (thí dụ điều mà bạn cho là sứ mệnh trời giao cho bạn) để sống.
- Nhiệt tâm và thành ý
Kiến thức, trí tuệ, tài năng cả 3 đều quan trọng nhưng quan trọng hơn tất cả là nhiệt tâm và thành ý. Có 2 điều này thì bất cứ việc gì cũng có thể hoàn thành được.
Học vấn
Học vấn chỉ là dụng cụ của con người. Bạn nên ghi nhớ sự tự chủ của mình để sử dụng, không nên bị trói buộc hoặc làm nô lệ cho học vấn.
- Đối với bệnh tật
Đối với bệnh tật, nếu bạn sợ và tránh xa, nó sẽ đuổi theo sau bạn. Nhưng nếu bạn thân thiện tích cực đến gần, bệnh tật sẽ tự bỏ đi.
Đối với phiền não
Con người vốn không có phiền não. Nếu bạn có phiền não đó là do bạn đang có cách nhìn cố chấp.
Tiếp tục và chịu đựng
Thành công là sự tiếp tục sự việc cho đến khi thành công. Trong lúc bạn nhẫn nại chịu đựng và cố gắng tiếp tục, tình thế chung quanh sẽ thay đổi và con đường dẫn đến thành công sẽ mở ra.
Tự xét mình
Nên biết đúng năng lực và trình độ thích ứng của bản thân. Bằng cách bình tĩnh quan sát bản thân từ bên ngoài với thái độ như tiếp xúc với người ngoài.
- Không có vật gì vô dụng
Tất cả mọi vật có trong đời này đều có ích lợi cho đời sống con người. Bạn nên có nhận thức căn bản này và nỗ lực phát huy từng mỗi vật.
- Nhận thức đúng và phát huy giá trị mọi vật
Bạn nên nhận thức đúng giá trị của mỗi vật và đối xử thích hợp với giá trị. Đó là cách phát huy chân chính vật đó.
- Nên tôn trọng lẫn nhau
Con người tùy theo tuổi tác mà hương vị (khả năng) phát huy khác nhau. Do đó chúng ta nên tôn trọng sự khác biệt này lẫn nhau và cùng phát huy hương vị (khả năng) của nhau.
- Phái nữ và công việc
Trách nhiệm của cha mẹ
Trách nhiệm của cha mẹ là có tư thế sống vững chắc và nhân sinh quan rõ ràng. Hai điều này đủ có sức thuyết phục đối với con cái.
Sống trân trọng hiện tại
Giờ phút hiện tại chỉ có trong giây lát. Tích trữ việc sống cho hết mỗi giây phút tạo cho bạn cuộc đời phong phú, mãn nguyện và đem tới cho bạn sự trẻ trung.
Nghề nghiệp và lẽ sống
Công việc chiếm vị trí rất quan trọng trong cuộc đời của bạn. Tìm được lẽ sống trong công việc hay không là chìa khóa để mở cánh cửa vào cuộc đời hạnh phúc của bạn.
Nhân sinh (đời người) tốt đẹp là gì?
Đời người là chuỗi vận doanh của sản xuất và tiêu thụ. Hàng ngày để ý quan tâm sao cho có sản xuất và tiêu thụ tốt đẹp cả hai mặt tinh thần và vật chất sẽ kết nối bạn với đời người phong phú và mãn nguyện.
- Hoàn thành tuổi thọ trời cho.
Bạn nên dùng hết sức để đi trọn cuộc hành trình đời người của bạn với hành trang là hy vọng và dũng cảm, để phát huy hữu hiệu trọn vẹn tuổi thọ mà trời ban cho mình.
Nguyễn Sơn Hùng
26/8/2022
(*) Nguồn: MATSUSHITA Kônosuke: NHÂN SINH TÂM ĐẮC THIỆP (人生心得帖), Viện Nghiên Cứu PHP xuất bản 1984 khổ A5, xuất bản 2001 khổ A6.
Ghi chú
- Tựa tiếng Hán là NHÂN SINH TÂM ĐẮC THIỆP.
- MATSUSHITA Kônosuke: NHỮNG ĐIỀU KIỆN CỦA NGƯỜI LÃNH ĐẠO, Viện Nghiên Cứu PHP xuất bản 1975 khổ 127x188 (mm), xuất bản 2006 khổ A6.
- Thiên phận: đặc tính bẩm sinh trời ban cho mỗi người.
- Tâm tự nhiên: nguyên văn là sunao na kokoro, tâm trung thực một cách tự nhiên. Tâm tự nhiên là một khái niệm triết học quan trọng của Matsushita Kônosuke, nghĩa gốc gần giống như “chân tâm”, “tâm bẩm sinh”, “tâm vô nhiễm” nhưng hàm chứa nhiều ý tưởng khác nên ở đây tạm dịch là “tâm tự nhiên” để phân biệt. Tâm tự nhiên tương tự như “phật tánh” của Phật học, “tâm bất sinh” của thiền sư Bankei Eitaku (Bàn Khuê Vĩnh Trác, 1622~1693), “lương tri” của Vương Dương Minh (1472-1528). Mười đức tính của tâm tự nhiên là không vị kỷ, biết lắng nghe ý kiến người khác, khoan dung, nhìn thấy thật tướng của sự vật, hiểu biết đạo lý của sự việc, hiếu học, thung dung tự tại, điềm tĩnh, biết giá trị sự vật, bác ái (Theo “Để có được tâm tự nhiên”, Matsushita Kônosuke (2004, 2006), Viện nghiên cứu PHP).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét