25 thg 10, 2022

BÀI 1: THUẬT ĐI BIỂN CỦA ĐỜI NGƯỜI

 


Điều 1 Sống hợp với quy luật của tự nhiên (1)

Tác giả: MATSUSHITA Kônosuke
Người dịch: Nguyễn Sơn Hùng

Nếu hợp với quy luật của tự nhiên, không có việc gì mà không thành.(2)

Từ xưa người đời thường ví “Đời người như đi biển”. Con người chúng ta để hết tâm sức hướng về mục tiêu mà đi tới trên biển cả rộng lớn vô tận và thay đổi từng giây phút. Trên cuộc hành trình này nếu có những ngày thoải mái bình yên nhờ sóng lặng thì cũng có những ngày chúng ta như những chiếc lá bị những cơn sóng dữ đùa cợt trong bão tố. Cũng có trường hợp con người chúng ta mất đi phương hướng, lại bị đắm tàu và bồng bềnh lênh đênh trên biển cả. Những hình ảnh này quả thật chẳng khác gì với những cảnh ngộ trong cuộc đời của chúng ta.

Ngày nay việc đi thuyền đã trở nên thoải  mái dễ chịu và an toàn hơn nhiều so với ngày xưa. Tôi nghĩ kết quả này phần lớn nhờ vào tiến bộ của thuật đi biển (thuật hàng hải) (3) và các cải thiện đổi mới của tàu thuyền. Tuy nhiên, phải chăng điều được xem trọng trong việc cải tiến của thuật đi biển và tàu thuyền là tuân theo quy luật của tự nhiên (thiên nhiên) và làm thế nào để đi biển được an toàn nhất.

Khi đi trên biển cả chúng ta luôn luôn chịu tác dụng sức lực to lớn của tự nhiên. Nếu gió thổi thì biển nổi sóng, và sóng dậy thì thuyền dao động lung lay. Đó là quy luật của tự nhiên. Do đó, trong thuật đi biển việc tuân theo quy luật của tự nhiên mà không chống đối lại là rất quan trọng. Nếu như mặc dù có sóng mà chúng ta cố làm cho thuyền hoàn toàn không bị dao động thì sẽ sinh ra việc làm rất vô lý và rất nguy hiểm. Nói đúng hơn là con người không thể thực hiện được việc trái ngược với quy luật của tự nhiên.

Vì lý do nói trên, tôi nghĩ rằng ngay trong tiến bộ của thuật đi biển hoặc trong cải thiện tàu thuyền người ta cũng lấy quan điểm “Làm thế nào để đi biển an toàn hơn mà không trái ngược với quy luật của tự nhiên” làm căn bản. Từ đó tôi nghĩ rằng phải chăng trong hành trình đời người của chúng ta, việc tuân theo quy luật của tự nhiên cũng rất quan trọng.

Như vậy trong cuộc đời của chúng ta, sống như thế nào là tuân theo quy luật của tự nhiên? Tôi nghĩ việc này không có gì đặc biệt khó khăn. Giống như nếu trời mưa thì lấy dù ra che, và làm như vậy chúng ta sẽ không bị ướt, là thường thức của muôn người, là việc rất bình thường. Thí dụ, nếu bị sốt vì bệnh thì chúng ta tĩnh dưỡng trong một hai ngày không nên cố gắng quá sức một cách vô lý. Đối với người đã giúp đỡ mình thì lễ phép nói lời cảm ơn. Đối với việc buôn bán thì chế tạo sản phẩm tốt và bán với giá thích đáng đồng thời kiên trì thâu thu đủ số tiền của các hóa đơn hàng đã bán được. Khi bán hàng không được thì cũng không bán hàng phá giá một cách vô lý mà nghỉ bán một thời gian, đến khi hàng bán được thì tận sức chế tạo hàng để bán. Làm những việc đương nhiên như nói trên là sống theo  quy luật của tự nhiên trong hành trình đi biển của đời người. Nếu thực hành vững chắc nguyên tắc nói trên có lẽ chúng ta sẽ có được thân thể khỏe mạnh, quan hệ con người và công việc buôn bán của chúng ta cũng đều thuận lợi. Tôi nghĩ rằng nếu thực hành theo quy luật của tự nhiên thì bất cứ việc gì vốn cũng thuận lợi suôn sẻ. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta lại quên mất việc này và cố chấp vào việc gì đó rồi bị chướng ngại là việc thường xảy ra.

Napoléon từng nói “Trong từ điển của tôi không có từ “không thể””. Tùy theo cách nhìn, câu nói này có thể được xem là kiêu căng. Dù ông nói rằng “không có việc không thể làm được” nhưng thật ra đối với con người thì có nhiều việc không thể làm được. Thí dụ già và chết là việc con người không thể tránh khỏi. Ngoài  ra, chính bản thân Napoléon, người đã thốt lên câu nói trên, vào thời kỳ cuối đời, ông đã bị giam cầm và qua đời trong vận mệnh đau buồn. Do đó, tôi nghĩ rằng việc nói “không có điều không thể” là không hiểu rõ lập trường của con người và có thể nghĩ là một  lời nói kiêu căng.

Tuy nhiên, nếu xét từ một cách nhìn khác, phải chăng chúng ta có thể cho rằng lời nói trên nói lên một chân lý. Đó là đối với con người chính xác có nhiều điều không thể thực hiện được. Nói “không thể thực hiện được” nghĩa là sao? Nghĩa là việc làm trái ngược lại với quy luật của tự nhiên thì không thể thực hiện được. Thí dụ, con người chắc chắn phải già yếu, đó là quy luật của tự nhiên. Do đó, dù chúng ta có mong muốn nguyện cầu không già, đi ngược lại với quy luật của tự nhiên thì tuyệt đối không thể thực hiện được.

Tuy nhiên, từ điều trên chúng ta có thể nói ngược lại rằng nếu hợp với quy luật của tự nhiên thì tất cả việc gì cũng có thể thực hiện được. Nghĩa là dù là sức khỏe của chúng ta, quan hệ con người hoặc kinh doanh buôn bán, nếu hợp với quy luật của tự nhiên, tôi nghĩ rằng chắc chắn sẽ thành tựu. Ở phương diện này tôi nghĩ lời nói của Napoléon nói lên được một mặt của chân lý. Chỉ có điều ngay cả bản thân của Napoléon cuối cùng đã làm điều trái ngược với quy luật của tự nhiên nên phải tự diệt vong.

Đời người là hành trình có sóng to nhưng nếu chúng ta thường ngày ghi nhớ nguyên tắc nói trên, đối với bất cứ việc gì cũng không cố chấp và với tâm tự nhiên (4) chúng ta xem xét kỹ lưỡng cái gì là hợp với quy luật của tự nhiên và hành động theo đó, phải chăng dù có gặp phải khó khăn gì, con đường giải quyết cũng tự nhiên mở rộng cho chúng ta.

Nguyễn Sơn Hùng, 9/10/2022

Nguồn: MATSUSHITA Kônosuke: NHÂN SINH TÂM ĐẮC THIỆP (人生心得帖), Viện Nghiên Cứu PHP xuất bản 1984 khổ A5, xuất bản 2001 khổ A6.

Ghi chú

  1. Tựa bài dịch theo nguyên bản. Tựa phụ trong ( ) do người dịch đặt thêm để quý độc giả dễ nhớ và tổng kết các điều trọng yếu mà tác giả đề xuất để chúng ta có cuộc sống tốt đẹp hơn.
  2. Đại ý của bài viết. Trong nguyên tác, đại ý được viết ở đầu của mỗi bài.
  3. Chữ nhỏ viết trong ( ) để giải thích nghĩa hoặc từ đồng nghĩa.
  4. Tâm tự nhiên: lòng trung thực một cách tự nhiên. Giải thích chi tiết xin xem bài:  NHỮNG ĐIỀU NÊN GHI NHỚ ĐỂ SỐNG (1) : MATSUSHITA KONOSUKE

Nhận xét của người dịch

“Sống theo quy luật của tự nhiên” có lẽ một triết lý sống có giá trị nhất của Matsushita Kônosuke vì đây là một cách sống “khoa học”. Những ai làm khoa học kỹ thuật chắc chắn hiểu rõ lý do tại sao. Đối với hiện tượng tự nhiên hoặc của vật thể, vật chất người ta có thể tìm ra quy luật tự nhiên bằng quan sát và thí nghiệm, kế đến dùng lý luận để lập lý thuyết giải thích để phát triển tìm ra những quy luật tự nhiên khác. Đối với hiện tượng thuộc lĩnh vực tinh thần hoặc xã hội thì không dễ như vậy. Tuy nhiên tác giả đã đề xuất một phương pháp rất cụ thể và thực tế mà rất ít người để ý quan tâm, đó cũng là một trong các lý do cá nhân tôi kính phục ông. Ông đã đề xuất gì? Đó là “thường thức của muôn người”, là “điều rất bình thường”. Bởi gì là  “thường thức của muôn người” nên rất ít sai. Bởi vì “bình thường” nên rất ít ai để ý quan tâm tới, nhất là lớp trẻ, lứa tuổi thường nhiệt tâm tìm tòi những gì mới mẻ. Viết đến đây tôi bổng hiểu ra lý do tại sao việc tập luyện trẻ em từ nhỏ có những thói quen sống tốt với những thường thức của xã hội là rất quan trọng.

Mặc dù “thường thức của muôn người” không phải luôn luôn đúng và chính xác hoặc đối với muôn thời đại như các quy luật tự nhiên của hiện tượng tự nhiên hay vật chất nhưng giúp ích rất nhiều cho cuộc sống thực tế của chúng ta. Nếu chúng ta chịu để ý quan tâm có lẽ chúng ta sẽ tìm ra được rất nhiều quy luật tự nhiên loại này và nếu chịu ghi chép tu sửa cho ngày càng hoàn hảo và áp dụng vào cuộc sống thực tế chắc chắn chúng ta sẽ có cuộc sống tốt đẹp và thành công hơn. Những gia huấn của các dòng họ nổi tiếng để lại cho con cháu đời sau của họ có thể nói thuộc loại quy luật tự nhiên này chăng?


 

 Mời Xem :

 NHỮNG ĐIỀU NÊN GHI NHỚ ĐỂ SỐNG (1) : MATSUSHITA KONOSUKE

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét