17 thg 10, 2022

Trương Ngáo Tức Người Đi Đòi Nợ Phật - Nguyễn Văn Lục

Có đời thuở nhà ai, Trương Ngáo -một anh khờ- mà lại đi đòi nợ với Phật. Phật nợ gì ảnh? Và đòi thì Phật có khất nợ, có trả hay không trả và trả như thế nào?

Nguyễn Văn Lục

 

Tôi được nhà văn Nguyễn Văn Sâm, nguyên giảng sư trường Đại Học Văn Khoa, Sài Gòn, trước 1975 và hiện nay là giáo sư Việt học, Ca, USA gửi tặng cuốn: Trương Ngáo tức Người đi đòi nợ Phật.

Cuốn sách nguyên là tuồng Hát Bội Nôm thế kỷ 19, nay được anh Nguyễn Văn Sâm phiên âm và chú giải, đồng thời có hai bài nhận định:

– Trương Ngáo, thân phận con người của Nguyễn Văn Trang;

– Trương Ngáo, những ý nghĩ rời của Nguyễn Hiền Tâm.

Tuồng Trương Ngáo chuyển thành chèo.

Có đời thuở nhà ai, Trương Ngáo -một anh khờ- mà lại đi đòi nợ với Phật. Phật nợ gì ảnh? Và đòi thì Phật có khất nợ, có trả hay không trả và trả như thế nào? Thời đó cuốn sách còn thịnh hành đến nỗi được dịch ra tiếng Tây. Nhà xuất bản Bulletin de la socíété des Études Indo-Chinoises de Sai Gon, năm 1888 dịch ra là: Trương L‘imbécile, Comédie Annamite (Trương thằng khờ, Hài kịch annamít).

Trương Ngáo không giống người đời đến chùa lễ Phật hoặc để xin xăm, xin tài lộc mà để đòi món nợ đã đưa cho Phật.

Ơ, anh Phật này, anh nói ngược
Số là, chưa phải anh Phật a.
Tiền năm quan, anh phải trả tiền lời làm sao chớ tôi nghe thiên hạ nói rằng là…”
Trích Trương Ngáo, Người đi đòi nợ Phật, Nguyễn Văn Sâm, trang 32

Thắng Khờ Trương Ngáo đi đòi nợ với Phật. Và nếu người đời gọi nó là Thằng Khờ thì rất tự nhiên Trương khờ tỉnh bơ gọi Phật bằng anh. Anh Phật. Và nếu nói anh Phật với một người khác thì Trương Ngáo cũng tự nhiên gọi Phật là Ảnh.

Tôi xin mở đầu giới thiệu cuốn sách này như thế.

Truyện tuồng này xoay quanh một nhân vật chính là Trương Ngáo, một anh khờ. Nếu nói theo cách nói bây giờ thì Trương Ngáo là loại người chậm phát triển, tàng tàng, ngớ ngẩn chỉ làm trò cười cho thiên hạ. Ngáo lại lấy phải một con vợ dữ dằn tên là Ba Bành. Ba Bành sai đem năm quan tiền vừa vay được bảo Trương Ngáo đi bổ hàng về bán cho bà con kiếm chút lời.

Trương Ngáo đi ngang một ngôi chùa thấy người ta đang đúc tượng Phật bèn bỏ tất cả số tiền để đúc Phật vì nghe nói cúng tiền đúc Phật là một hình thức cho Phật vay, sau này rất có lời. Dại gì đi buôn nữa.

Ngáo về nhà tay không khoe với vợ về sự khôn ngoan của mình cho Phật vay. Vợ Ngáo liền đè ra đánh một trận nên thân rồi bắt đi đòi lại số tiền đem về.

Ngáo đến đòi mấy nhà sư. Mấy ông này cho Ngáo là thằng khùng nói rằng: “L’ami, toute chose donnée en offrande est perdue sans retour. Si tu veux réclamer ton argent, je vais te donner l’adresse du vrai Bouđa. C’est dans l ‘Occident qu‘il a sa demeure…”

Này ông bạn, tất cả những gì đã dâng cúng Phật thì là mất, không đòi lại được. Còn nếu ông bạn cứ muốn đòi lại số tiền của ông bạn, tôi sẽ cho ông bạn địa chỉ của ông Phật thật (Đây chỉ là bức tượng Phật). Địa chỉ của ông ở mãi phía Tây Phương…

Trên đường đi đòi nợ Phật, Ngáo gặp một người đàn bà luống tuổi chưa chồng tên là Như Ý. (Gớm tên sao mà đẹp thế so với tên con vợ ở nhà!!). Nhân tiện cô này nhờ Ngáo hỏi Phật xem chuyện chồng con sao trễ tràng vậy?

Phật thương tình Ngáo hiền lành chơn chớt hiện ra cho thuốc giải trừ cái ngu của Ngáo. Phật còn cho Ngáo một đồng tiền có thể hóa phép ra nhiều tiền còn đổi tên Ngáo là Chơn Tâm. Ô là la. Cặp Chơn Tâm – Như Ý (Phật chỉ quên là không đổi cô gái già Như Ý có thể 50 có lẻ, nhan sắc không mặn mà ra một cô gái 16 tuổi, nhan sắc mỹ miều có phải trọn vẹn hơn không!!)

Truyện viết như thế là chưa tròn chăng?

Trong khi Ngáo lo đi tìm Phật để đòi nợ thì vợ Ngáo, Ba Bành lại gá nghĩa với một người đàn ông giàu có chuyên nghề cho vay lãi là Lục Tồn. Lục Tồn mê nhan sắc Ba Bành đành bỏ vợ để lấy Ba Bành. Cặp vợ chồng này sau đó mê man cờ bạc chẳng bao lâu khánh kiệt, trở thành nghèo khó phải đi làm nghề múa kiếm, đánh đàn để mưu sinh. Duyên trời sau đó hai cặp này gặp lại nhau trong hoàn cảnh khá bẽ bàng…

Nội dung câu truyện kể là hấp dẫn lồng trong khung cảnh tôn giáo là Phật giáo. Nhưng tôi nghĩ rằng Phật giáo ở đây đã trở thành một thứ văn hóa dân gian, gần gũi và theo cái đà tâm lý người dân giả. Một cách thức nào đó nó dựa trên một nhân sinh quan quen thuộc: Ở hiền gặp lành, ở dữ gặp ác, có hậu. Cho dù có nói tới Phật thì ông Phật ở đây biến dạng thành một thứ để người ta vụ lợi. Nó không phải là thứ Phật giáo như một tôn giáo với lý thuyết cao siêu diệu vợi. Đúng ra nó chỉ là một tuồng hát bội dùng bối cảnh Phật giáo nhằm mục đích giải trí mà không dụng ý đưa ra một triết lý hay một nhân sinh quan cao diệu nào cả.

Vì thế, không nên có cao vọng đặt Trương Giáo với thân phận con người bị bỏ rơi. Thượng Đế đã trốn chạy. Con người vùng lên phản kháng kéo Thượng Đế nhìn lại và cứu độ chúng sinh trong kiếp người như tác giả Nguyễn Văn Trang chủ trương. Tôi nghĩ rằng càng biện biệt càng đi xa với mục đích của người viết tuồng hát bội. Đừng gán cho soạn giả những gì mà soạn giả không viết, không nghĩ. Giống như tôi đã viết một bài: Hãy để bờm là thằng bờm. Có vậy thôi.

Phần bạn đọc, tôi xin trân trọng giới thiệu cuốn sách này như một công trình sưu khảo góp phần làm phong phú thêm cái Văn hóa miệt vườn hay gọi một cách chuyên môn là Lục châu học. Xin liên lạc với Viện Việt Học, California.

Nguyễn Văn Lục

 (Copy từ 30/4DEN )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét