11 thg 10, 2022

Chuyện vui nói lái- AraPhát


Nói lái (còn gọi là nói trại) là một cách nói kiểu chơi chữ trong ngôn ngữ. Đối với từng vùng miền khác nhau là do cách nói của tiếng địa phương nên tiếng nói lái sẽ có thay đổi một chút.

Nói lái ít được xử dụng nơi nghiêm trang vì trong tận cùng có tính cách bông đùa, mỉa mai hoặc châm biếm, một số dùng để diễn tả sự thô tục mà không tiện nói ra một cách kín đáo.

Vì từng vùng miền, khẩu âm có chút biến dạng nên cũng nảy sinh thêm nhiều cách nói lái khác biệt như nhiều tài liệu ghi là có đến 5 cách, nhưng tôi thấy chỉ nên gom lại thành 2 cách, còn lại chữ nào không hợp âm ngữ nói lái cũng không nhất thiết phải nói, đôi lúc nghe ngô nghê trong nói lái như cách đổi dấu thanh(như Thụy Điển => thủy điện hay bí mật ==> Bị mất như của một số vùng miền) thật ra dùng lái miền bắc hay lái miền nam là giải quyết được như Thụy Điển ==> Thiển đụy(lái bắc) hay Thuyện đủy(lái nam) ; Bí mật thành bật mí chẳng hạn

Cách 1, lái miền nam: Đổi âm sau, giữ chữ đầu và dấu.
Ví dụ: mèo cái → mài kéo, trời cho → trò chơi, đại học → độc hại (đối với miền Nam), vô(giô) hàng → giang hồ (đối với miền Nam), màu xanh -> mành xau,

hoặc có vùng miền đổi phụ âm đầu. Ví dụ: cao đẳng → đau cẳng (đối với miền Nam), giải pháp → phải giáp…thật ra Cao đẳng lái miền nam là Đăng cảo

Cách 2, lái miền bắc: Đổi âm sau và thanh sau, giữ phụ âm đầu. Ví dụ như một đoạn văn mà hầu hết trẻ con miền bắc được lưu truyền « Nhà tôi có một cây mít, trèo lên, trẩy xuống, bổ lảm tư, bày lên đĩa, cúng ông vải. Hàng xóm xin một múi, chẳng cho? Ăn rồi đau bụng kêu làng »… lái bắc bộ được ghi là « tồi nha có mịt cây mốt, lền treo, xuổng trấy, tử làm bô, đìa lên bẫy, vái ông củng. Xòm háng, mui một xín chỏ chăng, rôi ằn bung dạu lang kều… »

Nhưng Không phải chữ nào cũng có thể nói lái được. Những chữ hai từ lặp lại hoàn toàn, từ có chung dấu thanh và âm đầu, dấu thanh và âm sau, âm đầu và âm sau đều không nói lái được.

Ví dụ: luôn luôn, mãi mãi, đi đâu (có chung phụ âm đầu và dấu thanh)

Đại đa số là lái đôi (hai tiếng), nhưng cũng có lái ba. Ví dụ: Muốn « cầu gia đạo » thì phải »cạo da đầu », « Mộng dưới hoa thành… họa dưới mông », « chà đồ nhôm → chôm đồ nhà », « ban lãnh đạo → bao lãnh đạn », « chả lo gì → chỉ lo già« , « nguyễn y Vân ==> Vẫn y nguyên » .

những câu nói lái có tác dụng tạo ra không khí vui vẻ, giây phút bên nhau tràn ngập tiếng cười. Do đó, hiện nay, trong giờ sinh hoạt, các buổi tổ chức vui chơi thêm phần nói lái cho vui .

Thấy đá đừng leo – Thấy đéo đừng la

Với hắn, những chữ nói lái nên gọi là những « mỹ từ pháp » vì có lúc tránh những lời nói dung tục nhưng cũng có thể ngược lại như ra chợ có cô bán hàng mời mọc « đậu hủ « , thử lái nam bộ chữ này, lấy phụ âm đầu và dấu giọng « đ » chữ thứ nhất thay vào chữ thứ hai ==> « đụ » và phụ âm « h » và dấu giọng chữ thứ hai thành « hẩu », đừng bảo tôi nói tục, chỉ là dẫn giải

Lúc mới bắt đầu học nói lái những câu kinh điển được giảng cho học sinh như

Kìa mấy cây mía

và vế đối lại của vua Tự Đức là:

Có vài cái vò .

hay
Con chim vàng lông đậu dựa vồng lang

Chợ Thủ Đức năm canh thức đủ

Con cá đối nằm trong cối đá,

Đây là những căn bản về nói lái, những bước đầu tiên lúc mới bước chân vào trung học, thầy giảng những cái hay cái đẹp của ngôn ngữ làm nền móng của cách chơi chữ cho tiếng nói phong phú hơn, nhiều lúc nói ra một cách vô tội vạ đến khi chợt ngẫm lại mà đỏ mặt, tủm tỉm cười một mình. Năm học lớp cuối trung học Thầy giáo giảng toán mắng một học sinh » dốt thế !cái này chỉ vẽ một lằn thôi », bất chợt nơi « xóm nhà lá » có tiếng cười khúc khích nhắc lại, chỉ « một lằn » thôi thế là cả lớp chợt hiểu ra cùng cười làm thầy phải mắng át để có lại trật tự. Thế là hiểu không những « một lằn » mà tới « bốn lằn » cũng hiểu nốt. Thế mới gọi là « đứng thứ ba » sau ma, quỷ. Còn thầy Tú dạy sử địa cũng được xóm nhà lá tặng một nick name là « thầy đội », kèm theo tên thầy, cô nghe chắc đỏ mặt, tuổi trẻ nhanh trí, lại thông minh học một hiểu mười là chuyện bình thường.

Một giai thoại tiếu lâm « nói lái » khi vua Tự Đức viết một câu trên bức tượng « vệ nữ » người Pháp biếu; xem xong, ngài viết bốn chữ « làm xương con sáo ». Thánh Quát hiểu ngay cái dí dỏm của nhà vua, ý ngài là « làm sao con sướng », nhìn bức tượng mỹ nhân một tay cầm chim sáo, một tay đặt trên chiếc lá nho, thánh Quát đối lại thật chỉnh là « lấy tóc mà may » lái câu này giao cho các bác tự tìm. hai câu đều thuộc loại lái bốn chữ.

Lúc đi học những thằng có tên âm cuối là « ôn » thật khốn khổ, khốn nạn với bạn bè, tỉ như thằng « Môn », chém chết được anh em gọi cho cái tên riêng là thằng « Lề » hay « Lòi », thằng »Đôn » hay thằng « Bôn » được gọi thành thằng « Lù « ; lại còn thằng Ngôn, ác nhơn thất đức lại cặp kè với cô bạn tên Lài, hai cái tên được xếp thành « Ngôn Lài » có xếp đảo đi đảo lại kiểu gì đi nữa nghe cứ như chuyện phim cấp 3, thằng Bốn anh em ưu ái gọi là « Tứ thiện », thấy mặt thằng cu nghệt ra mỗi khi được xướng danh, tội nghiệp mới giải thích dùm « mày tên Bốn hay Tứ cũng chẳng khác biệt, hơn nữa mày chân chỉ anh em bảo mày Thiện, vậy thì Tứ Thiện hay « Bốn Lành » cũng chỉ là một », vậy mà hắn bị giận cả năm, chịu thua cái thằng tính bản thiện.

Có câu như câu đối, dùng từ Hán Việt:

Giai nhân tái đắc, giai nhân tử (tái đắc ==> tắc đái)

Anh hùng khai đống, anh hùng tiêu (khai đống ==> không đái)

Nhà trường nhường trà, nhường cả hoa, nhòa cả hương

Làm giáo chức, phải giứt cháo(đôi lúc vì phát âm nam bộ đúng ra phải viết là « giức cháo » còn bắc kỳ phát âm chữ giứt có vẻ lái không chuẩn)

Tôi thích nghe bà chúa thơ Nôm nói lái, có lần sư nương cùng Chiêu Hổ đi xem hội. Thấy các vị quan lại lọng tía, tán vàng che đầu xôm tụ, cô Hồ liền ra vế đối: « Lọng tía, tán vàng, che đầu nhau mỗi khi nắng cực ». Chiêu Hổ thấy nhiều bậc quan ngự trên thuyền rồng có mui che, buồm thỏng, liền ứng đối ngay: « Thuyền rồng, mui vẽ, vén buồm lên rồi sẽ lộn lèo ». Chữ « nắng cực » đối với chữ « lộn lèo » với câu trên quả thật là một cách chơi chữ đại tài! Vừa « tục » lại vừa « thanh »

Có một câu chắc các bác có biết khi sư nương có bài « Bỡn cô Ngọc Hồ »

Hồ tù ngán nỗi con rồng lộn

Ngọc nước thương tình kẻ cố đeo

Nhặt và xếp lại các chử hai câu trên là

Cố đeo Ngọc Hồ rồng lộn

Chắc các bác thừa khả năng; lái nhanh như gió câu trên(lại thử lái thêm chữ » lái nhanh như gió mà hắn vừa ngẫu hứng), nhớ lại lúc ở tù về, có ra chợ trời . Hôm đó chạy hàng « quạt điện » của công ty công nghệ phẩm, một cô « đánh mánh » hỏi hắn chạy loại hàng gì, thản nhiên hắn trả lời « hôm nay lái gió », gặp tổ sư trả lời hắn » có giỏi lái gió thử xem » nhăn răng cười trừ rồi cũng « lái được gió« lái gió

Một vài thực tập cho vui các lão gia

Chuyện thời đại, ở các trạm xăng Saigon, người bán hỏi khách

Đít mấy lỗ ==> Đổ mấy lít/ Đít hai lỗ ==> Đổ hai lít/Đít nửa lỗ ==> Đổ nửa lít

hay

Hỏi rằng em thích màu chi?

Đang yêu em nói…ờ… thì… » màu nho«

Tới khi tình đã qua đò

Lạnh lùng em mắng: « mò nhau » làm gì?

Ban ngày »lặt cỏ » tối « công phu«

« Đậu ủ » lâu ngày hóa « đậu lu«

Ngày ta « địa chủ », đêm « tu đạo«

Đạo chi lạ rứa: “Đạo ù ù”.

Hắn làm quen với thi ca Bùi sư phụ lúc hắn làm việc ở Phước Long, mỗi lần lên Phước Long trong túi xách của hắn ít lắm cũng năm bảy quyển sách đủ thể loại và hắn luôn đem theo bên mình 2 quyển của Bùi sư phụ là tập « Rong rêu » và « Đường vào thi ca », hắn thích lối dùng chữ hết xẩy của sư phụ, nhất là cách nói lái . Sư phụ lái dễ dàng như hơi thở, hắn cũng thuộc hàng nói lái nhanh như gió mà có lúc phải ngẫm nghĩ một lúc mới hiểu được, khi sư phụ đòi về cõi » liên tồn » ngoắt ngoéo một chút mới thấy sư phụ lái chữ » liên tồn« thành chữ « liền tôn » rồi lái thêm lần nữa mới thành « ý đẹp », vừa lái nam, vừa lái bắc, thử nghe sư phụ lái trong một bài thơ nói về « chiêm bao » được sư phụ ghi là

Một đêm đếm một ra hai

Lộn là lạ lắm lai rai bốn lần

Độc đáo là di chuyển dấu phẩy câu hai, nếu viết
Lộn, là lạ lắm,…. thì chẳng có gì đáng nói, chỉ là đếm một thành hai thôi, đằng nay khi nhắc lại sư phụ lại thay đổi cách chấm câu » Lộn là », lạ lắm…lúc này mới thấy ý nghĩa của « 4 chữ L; LLLL » mà thành câu chuyện tiếu lâm thời @, các bác chỉ lái 2 chữ « lộn là » còn 2 chữ sau để nguyên mới đầy đủ ý nghĩa của câu thơ

Đảo điên một chút là hình dung được tài siêu việt của sư phụ lại được kèm thêm đến « bốn lần »

Còn hàng vạn câu nói lái ngẫu hứng khác bất chợt hiện về trong lúc vui câu chuyện mà hắn hay bốp chát với bạn bè ngoài quán café, ngay cả bây giờ, sáng sáng các U 80 chờ hắn ra mà nghe hắn « lái gió », đúng là ngưu tầm ngưu, mã tầm mã toàn các lão già « 3 chữ L; LLL » không nên nết gặp mà không sợ « lộn bàn » .

Đồi Delta Bruxelles, ngày 23/9/2022

Giáo gian miệt vườn

Ara



 Mời Xem :

Cá lóc nướng trui – Ara Phat

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét