22 thg 10, 2022

Mẹ Tôi Qua Đời (Trích Trong Cuốn A Woman’s Story)

Annie Ernaux - Nobel Văn Chương 2022

Ngu Yên chuyển dịch

A Woman’s Story là câu chuyện của Annie Ernaux "ảnh hưởng sâu sắc đến các bà mẹ và con gái, tuổi trẻ và tuổi già, ước mơ và hiện thực" (Kirkus Reviews). Sau cái chết của mẹ bà vì bệnh Alzheimer, Ernaux bắt đầu một cuộc hành trình đầy cam go xuyên thời gian, khi bà tìm cách nắm bắt một người phụ nữ thực sự. Ernaux viết: “Tôi tin rằng tôi đang viết về mẹ tôi bởi vì đến lượt tôi đưa bà vào thế giới.")


***

Vào thứ Hai ngày 7 tháng 4 từ nhà dành riêng cho người già cư ngụ nối liền với bệnh viện tại Pontoise, nơi tôi đã đưa bà vào ở, hai năm trước đây; y tá nói qua điện thoại: “Mẹ của cô đã qua đời sáng nay, sau khi ăn điểm tâm.” Lúc đó khoảng 10 giờ.

Lần đầu tiên cửa phòng của bà đóng lại. Thân thể đã được lau rửa sạch, một dải băng mỏng quấn quanh đầu và dưới cằm, đẩy tất cả vùng da đầy lên quanh mắt và miệng. Một tấm vải che từ thân lên đến vai, không thấy đôi bàn tay. Bà giống như một xác ướp nhỏ. Hai thành giường đã hạ xuống hai bên. Tôi muốn mặc cho bà chiếc áo ngủ trắng có viền móc mà bà đã mua cho đám tang của chính mình. Y tá nói, một trong đám nhân viên sẽ lo chuyện này, rồi lấy cây thánh giá được cất trong ngăn kéo cạnh giường, đặt lên ngực bà. Hai con vít để đóng hai cánh tay đồng vào thánh giá đã mất. Y tá không chắc họ có thể thay thế bằng vít khác. Không phải là chuyện quan trọng, cũng vậy thôi, tôi chỉ muốn mẹ có cây thánh giá của bà. Trên chiếc xe đẩy, có một bó hoa Thường Xuân mà tôi mang đến ngày hôm qua. Y tá đề nghị nên đi thẳng đến văn phòng hành chánh trong khi họ làm biên bảng kiểm kê đồ đạc cá nhân. Chỉ còn một ít: một bộ quần áo, một đôi giày mùa hè màu xanh, một máy cạo.

Tại văn phòng hành chánh, một phụ nữ trẻ hỏi tôi muốn gì. “Mẹ tôi mất sáng nay.” “Bà ấy đã đăng ký tại bệnh viện hay là một bệnh nhân dài hạn? Tên bà ấy là gì?” Cô ta xem xét tờ giấy rồi nở nụ cười nhạt nhẽo. Cô đã được thông báo. Đi lấy hồ sơ của mẹ tôi. Hỏi một số câu như, nơi bà sinh ra, địa chỉ cuối cùng của bà trước khi được nhận vào làm bệnh nhân dài hạn. Những chi tiết này đã có sẵn trong hồ sơ.

Trong phòng của mẹ tôi, một túi nhựa đựng đồ đạc của bà đã được đặt trên bàn cạnh giường ngủ. Y tá yêu cầu tôi ký tên vào bản kiểm kê. Tôi quyết định không giữ quần áo và đồ dùng của mẹ trong bệnh viện. Chỉ lấy ống quét khói nhỏ ở Savoyard từ phố Annecy và một bức tượng mà bà và cha tôi đã mua khi đi hành hương ở Lisieux. Bây giờ, tôi đang ở đây, mẹ tôi có thể được đưa vào nhà xác bệnh viện (theo thông tục, thi thể người quá cố chỉ được để trong phòng khoảng hai giờ sau khi tắt thở). Khi ra về, chợt nhìn thấy người phụ nữ ở chung phòng với mẹ. Bà ta đang ngồi trong văn phòng bà sơ, sau vách kính ngăn, với chiếc túi xách trên đùi. Y tá yêu cầu bà chờ ở đó cho đến khi thi thể mẹ tôi được chuyển đi nhà xác.

Chồng cũ đi cùng tôi đến gặp người lo dịch vụ tang lễ. Đàng sau những vòng hoa giả, một vài ghế bành xếp quanh bàn cà phê với vài cuốn tạp chí. Một người phụ tá đưa chúng tôi vào căn phòng nhỏ, hỏi những câu liên quan đến thời điểm mẹ tôi chết, nơi chôn cất, và chúng tôi có muốn dịch vụ hay không. Anh ta viết mọi thứ vào đơn đặt hàng, thỉnh thoảng bấm vào chiếc máy tính bỏ túi. Sau đó, đưa chúng tôi vào căn phòng tối không có cửa sổ, bật đèn sáng. Hàng chục chiếc quan tài đang đứng dựa vào tường. Anh giải thích: “Tất cả giá tiền đều đã tính luôn thuế.”  Ba trong số các quan tài đã được mở nắp để khách hàng có thể chọn màu lót bên trong. Tôi chọn quan tài bằng gỗ sồi vì mẹ tôi yêu thích cây này và luôn luôn muốn biết liệu đồ nội thất đã mua có phải làm bằng gỗ sồi hay không. Chồng cũ đề nghị lớp vải lót màu hoa cà. Anh tự hào, gần như hớn hở vì đã nhớ ra bà thường mặc chiếc áo cánh màu này. Tôi ký chi phiếu cho anh phụ tá. Công ty sẽ lo hết mọi chuyện, trừ việc cung cấp hoa. Về đến nhà vào khoảng giữa trưa, uống một ly rượu porto với chồng cũ. Đầu và bụng bắt đầu đau nhức.

Vào khoảng năm giờ, gọi điện thoại đến bệnh viện, hỏi thử tôi có thể dẫn hai đứa con trai đến thăm mẹ trong nhà xác. Cô gái trực tổng đài cho biết đã quá muộn. Nhà xác đóng cửa lúc bốn giờ rưỡi. Lái xe đi quanh khu vực mới trong thành phố gần bệnh viện, cố gắng tìm tiệm bán hoa mở cửa ngày thứ Hai. Hỏi hoa kèn trắng, nhưng người bán hàng khuyên không nên mua: Hoa này chỉ thích hợp cho trẻ em, có thể dùng cho các cô gái trẻ.
Tang lễ sẽ diễn ra thứ tư tuần sau. Đến bệnh viện với chồng cũ và hai đứa con trai. Nhà xác không có bảng chỉ dẫn, chúng tôi lạc đường trước khi phát hiện tòa nhà bê tông nằm bên bờ rìa của một cánh đồng. Một anh phụ tá mặc áo khoác trắng đang nói chuyện điện thoại. Ra dấu cho chúng tôi ngồi trong phòng đợi. Ngồi xuống dãy ghế sắp sát tường, đối diện nhà vệ sinh, ai đó đã để cửa mở. Tôi muốn gặp mẹ tôi một lần nữa và đặt lên ngực bà hai cành hoa Lê Nhật đã mang theo. Không biết liệu họ có cho chúng tôi xem thi thể lần cuối trước khi đóng nắp quan tài hay không? Người phụ tá tang lễ mà chúng tôi gặp trong cửa hàng, bước ra từ phòng bên cạnh và ân cần yêu cầu chúng tôi đi theo anh ta. Mẹ nằm trong quan tài, đầu ngửa ra sau, hai tay đan nhau trên cây thánh giá. Băng vải bó đã được gỡ bỏ. Bà mặc chiếc áo ngủ với đường viền bằng móc. Tấm vải liệm sa tanh đắp dài lên đến ngực. Đây là căn phòng lớn, trống trải với những vách tường bê tông. Không rõ ánh sáng yếu ớt từ đâu đến.

Người phụ tá thông báo chuyến viếng thăm đã chấm dứt, và đưa chúng tôi về lại phòng khách. Tôi cảm tưởng, anh đã đưa chúng tôi đi thăm, chỉ đơn giản để chứng minh công ty thực hiện nhiệm vụ một cách thỏa đáng. Chúng tôi lái xe băng qua khu vực mới của thành phố cho đến khi gặp nhà thờ, nằm bên cạnh trung tâm nghệ thuật. Phải đợi trước nhà thờ vì xe tang chưa đến. Bên kia đường, ai đó đã dùng hắc ín bôi nhọ trên mặt tiền siêu thị: “Tiền, hàng tiêu dùng, chính phủ là ba cột trụ của nạn kỳ thị chủng tộc.” Một vị linh mục bước đến: “Có phải mẹ của bà không?” Rồi hỏi thăm hai đứa con trai về đang học đại học ở đâu và học môn gì?

Một chiếc giường nhỏ trống, viền nhung đỏ xung quanh, đặt trên nền xi măng không, trước bàn thờ. Sau đó, những người lo tang lễ đặt quan tài mẹ tôi lên trên giường. Vị linh mục mở máy thu băng chơi nhạc organ. Chúng tôi là những người duy nhất hiện diện trong buổi lễ, không một ai quanh đây biết mẹ tôi. Vị linh mục ca khúc hát vịnh rồi nói về “đời sống vĩnh cửu,” và “sự phục sinh của người chị em”. Tôi muốn buổi lễ kéo dài mãi mãi, muốn làm nhiều việc nữa cho mẹ, nhiều bài hát hay hơn, nhiều nghi lễ. Nhạc organ lại bắt đầu, vị linh mục dập tắt những ngọn nến ở hai bên quan tài.

Ngay sau buổi lễ, xe tang rời đi Yvetot ở Normandy, nơi sẽ chôn cất mẹ bên cạnh cha tôi. Cùng hai đứa con, tôi lái xe riêng. Trời mưa suốt hành trình, gió bên ngoài thổi mạnh. Các con hỏi về dịch vụ tang lễ, đây là kinh nghiệm đầu tiên của chúng nên chưa biết cách ứng phó như thế nào.

Đến Yvetot, gia đình tập trung gần lối vào nghĩa trang. Một trong những họ hàng la lớn từ xa: “Thời tiết lạ quá! Cứ tưởng như tháng mười một,” để che giấu sự bối rối khi thấy chúng tôi đến gần. Chúng tôi cùng nhau đi về phía mộ của cha tôi. Mộ cho mẹ nằm lộ thiên, đất mới đào thành gò màu vàng ở một bên. Quan tài của bà được đưa về phía trước. Khi hạ huyệt, những người cầm dây mời tôi bước tới để chứng kiến cảnh quan tài trợt vào mộ phần. Cách đó vài bước, người phu mộ đang chờ sẵn với cái xuổng trên tay. Nước da anh hồng hào, mặc quần yếm màu xanh, đội mũ nồi và đi ủng. Tôi cảm thấy muốn đi đến và cho anh ta một trăm franc, để anh có thể uống rượu. Không hại gì. Rốt ráo, anh là người cuối cùng chăm sóc cho mẹ tôi, bằng cách lấp đất cho bà suốt buổi chiều, anh có thể tận hưởng một chút rượu.

Gia đình khăng khăng muốn tôi phải ăn một thứ gì trước khi ra về. Sau đám tang, dì tôi đã đặt sẵn chỗ ăn trưa tại một nhà hàng. Quyết định ở lại vì cảm thấy đây là việc có thể làm cho mẹ vui lòng. Dịch vụ tiến hành chậm, chúng tôi nói về việc của mình và những đứa con. Thỉnh thoảng, nhắc đến mẹ tôi. Chúng nói, “Bà ngoại tiếp tục sống như vậy để làm gì?” Chúng nó nghĩ, bà ngoại qua đời là điều tốt hơn. Sự chắc chắn của câu nói này là điều tôi không thể hiểu. Lái xe trở về nhà vào buổi tối. Mọi thứ chắc chắn đã kết thúc. 

Cuối tuần sau đám tang, tôi bắt đầu khóc mà không có lý do gì. Ngay sau khi ngủ dậy, tôi biết mẹ đã chết. Ngồi dậy sau cơn buồn ngủ, không nhớ gì về giấc mơ, ngoại trừ thấy mẹ tôi trong đó, bà đã chết. Làm tất cả những việc cần thiết thường ngày như đi chợ, nấu ăn, giặt đồ bằng máy. Khá thường xuyên, tôi quên thứ tự để làm những thứ này. Sau khi gọt rau trái, phải dừng lại suy nghĩ công việc tiếp theo, tức là rửa sạch chúng. Còn đọc sách là việc đơn giản không thể làm. Một hôm, đi xuống hầm, thấy chiếc va li của mẹ. Mở ra trong đó có cái ví, chiếc túi xách mùa hè, và một số khăn choàng cổ. Tôi đứng tê liệt trước chiếc va li mở ra.Giây phút tồi tệ nhất là khi lái xe rời nhà vào phố. Đang ngồi sau tay lái, đột nhiên ý nghĩ đập vào mặt tôi: “Mẹ không còn sống ở bất kỳ một nơi nào trên thế giới này nữa.” Không thể chấp nhận thực tế mà người khác có thể xử lý một cách bình thường. Những xem xét tỉ mỉ khi họ chọn lựa thịt ở những hàng bán thịt, khiến tôi kinh hãi.

Tình trạng này dần dần thuyên giảm. Dù vậy, tôi vẫn cảm thấy an ủi vì tiết trời se lạnh, ẩm ướt như những ngày mẹ còn sống. Cảm giác chìm đắm xảy đến mỗi khi tôi nhận ra, “bây giờ tôi không cần phải làm … hoặc  không phải làm việc này việc nọ cho mẹ nữa.” Cảm thấy trống vắng, khi nghĩ, đây là mùa xuân đầu tiên mà bà không được nhìn thấy. (Lúc này, tôi có thể cảm nhận sức mạnh của câu nghĩ thông thường sáo rỗng.)

Ngày mai, đúng ba tuần sau ngày đám tang. Chỉ mới hôm qua, tôi mới vượt qua nỗi sợ hãi khi phải viết: “Mẹ tôi đã qua đời,” không phải trên trang giấy rời, mà ở phần mở đầu cuốn sách. Thậm chí không thể nhìn những tấm ảnh của mẹ. Một tấm thấy bà đang ngồi trên bờ sông Seine, hai chân xếp gọn gàng bên dưới. Tấm ảnh trắng đen, nhưng tôi có thể thấy mái tóc đỏ rực và nắng trời phản chiếu trên bộ y phục màu đen vải alpca.

Tôi sẽ tiếp tục viết về mẹ là người phụ nữ duy nhất thực sự có ý nghĩa với tôi. Bà bị bệnh mất trí nhớ trong hai năm. Có lẽ, nên chờ đợi cho đến khi bệnh tật và cái chết của bà tan vào quá khứ như những sự kiện khác trong đời: Cái chết của cha và chuyện chia tay với chồng, để khoảng cách xa sẽ giúp tôi phân tích ký ức dễ dàng hơn. Giờ đây, tôi chẳng có năng lực để làm gì cả.

Đây là một việc khó khăn. Đối với tôi, bà không có lịch sử. Luôn luôn hiện diện ở đó. Khi nói về bà, sự thôi thúc đầu tiên của tôi là “đóng băng” người mẹ trong một loạt các hình ảnh không liên quan đến thời gian. “Bà có tính khí nóng nảy,” “Rất sôi nổi trong mọi công việc,” và nhớ lại những chuyện ngẫu nhiên mà bà đã làm. Điều này chỉ mang lại một người phụ nữ trong tưởng tượng mà gần đây đã xuất hiện trong giấc mơ của tôi, sống lại một lần nữa, trôi nổi không già hơn, qua một thế giới căng thẳng, làm nhớ lại những bộ phim kinh dị tâm lý. Tôi cũng muốn nắm bắt một người phụ nữ thực sự, đã hiện hữu không phụ thuộc vào tôi. Bà sinh ra tại ngoại ô thành phố nhỏ Normandy, và chết tại nhà dưỡng lão của bệnh viện ở bên ngoài thành phố Paris. Khía cạnh khách quan hơn của tôi trong bài viết sẽ liên quan đến sự giao thoa giữa lịch sử gia đình và xã hội học trong thực tế và hư cấu. Cuốn sách này có thể xem là một phiêu lưu trong văn học vì mục đích của nó là tìm ra sự thật về mẹ tôi, một sự thật chỉ có thể truyền đạt bằng chữ nghĩa. (Không phải hình ảnh, không phải ký ức, ngay cả những hồi tưởng của gia đình không thể mang lại cho tôi sự thật này.) Tuy vậy, trong một ý nghĩa nào đó, tôi vẫn muốn ở dưới vị trí văn học.

Yvetot là một thành phố giá lạnh, nằm trên cao nguyên lộng gió giữa Rouen và Le Havre. Vào lúc giao thời của thế kỷ, nó là một trung tâm hành chánh quan trọng, là thủ phủ thương mại của khu vực hoàn toàn phụ thuộc vào nghề nông, kiểm soát bởi một nhóm chủ đất giàu có. Ông ngoại tôi làm nghề dệt vải ở một trong những trang trại địa phương. Bà ngoại tôi kiếm sống bằng nghề dệt vải tại gia, họ dọn đến Yvetot vài năm sau khi kết hôn. Cả hai đến từ một ngôi làng cách xa độ ba cây số. Họ thuê một ngôi nhà nhỏ có sân trong vùng ngoại ô thành phố, nằm phía bên kia đường rầy, khoảng giữa những quán cà phê cuối cùng gần nhà ga và những cánh đồng đầu tiên của Colza. Năm 1906, mẹ tôi sinh ra ở đó, đứa con thứ thư trong gia đình sáu anh chị em. Bà tự hào nói với mọi người: “Tôi không sinh ra ở vùng thôn quê.”

Bốn đứa con chưa bao giờ rời khỏi thành phố. Mẹ tôi ở Yvetot ba phần tư cuộc đời. Họ dọn vào gần trung tâm thành phố nhưng không thực sự sống ở đó. Họ vào phố tham dự thánh lễ, mua thịt, gửi hàng bưu điện. Một trong những chị em họ có căn nhà nơi trung tâm thành phố, cắt ngang bởi đường N15, con đường chính có xe tải chạy suốt ngày đêm. Cô đã cho con mèo uống thuốc ngủ để khỏi chạy ra ngoài bị xe cán. Khu vực mà mẹ tôi trải qua thời thơ ấu, sau này, được nhiều người có lợi tức cao tìm đến, vì không khí yên tĩnh và các tòa lầu cổ kính.
Bà tôi đặt ra luật lệ để bảo đảm con cái được dạy dỗ đúng đắn, quát mắng và đánh đòn chúng khi cần thiết. Bà là một nhân viên năng nổ nhưng khó hòa đồng. Đọc từng xê ri bài là cách giải trí duy nhất của bà. Có năng khiếu viết và đứng đầu khi thi đậu chứng chỉ sơ cấp. Bà có khả năng trở thành nữ hiệu trưởng nhưng cha mẹ không cho phép rời khỏi làng. Một người chia cách với gia đình luôn được xem là dấu hiệu của sự bất hạnh. (Trong tiếng Pháp Norman, “tham vọng” là nói đến tổn thương khi chia ly; chẳng hạn, một con chó có thể chết vì tham vọng.) Để hiểu câu chuyện, kết thúc khi bà mười một tuổi, người ta phải nhớ tất cả những câu này bắt đầu với “ngày xưa”: Ngày xưa, người ta không đi học như bây giờ; ngày xưa, người ta nghe lời cha mẹ, …v…v…

Nói một cách khác, bà là người nội trợ giỏi, xoay xở để nuôi sống gia đình trong khi thực sự không có tiền. Khi những đứa trẻ sắp hàng vào nhà thờ, chúng ăn mặc tử tế (không có chỗ rách hoặc dơ bẩn), tiến tới tình trạng sống đàng hoàng, khiến gia đình không cảm thấy như những kẻ bần cùng. 

Bà đổi ngược cổ áo và cổ tay sơ mi của các cậu trai để có thể mặc lâu hơn gấp hai lần. Bà tiết kiệm mọi thứ, bánh mì cũ, lớp màng sữa để làm bánh, tro để giặt đồ, hơi nóng của bếp để phơi khô mận, khăn lau bát đĩa, và nước dùng rửa buổi sáng để chúng tôi có thể rửa tay trong ngày. Bà biết hầu hết mẹo vặt dùng trong gia đình để giảm bớt nghèo khó. Loại hiểu biết này truyền từ mẹ sang con gái trong nhiều thế kỷ, dừng lại ở thế hệ tôi. Chỉ là một người lưu trữ. 

Ông ngoại tôi, một người đàn ông mạnh mẽ, hiền lành, qua đời vì đau tim năm năm mươi tuổi. Mẹ tôi lúc đó mới mười ba tuổi, rất ngưỡng mộ ông. Sau khi ông mất, thái độ của bà tôi trở nên cứng rắn và nghi ngờ mọi người. (Bị ám ảnh bởi kinh qua những khủng hoảng: đứa con trai đi tù, và đứa con gái đẻ hoang.) Khi nghề dệt thủ công tại gia không còn nữa, bà nhận công việc giặt đồ cho người khác và dọn dẹp văn phòng.

Vào cuối đời, bà dọn về ở chung với vợ chồng con gái út. Họ sống cạnh đường sắt, trong nhà tiền chế không có điện, từng dùng làm kho chứa cho nhà máy bên cạnh. Ngày Chủ Nhật, mẹ tôi dẫn tôi đi xem con diệc. Mẹ là một phụ nữ nhỏ nhắn, đầy đặn, rất nhanh nhẹn mặc dù khi sinh ra có tật, một chân dài một chân ngắn. Ít nói, tính tình thô lỗ và thích đọc tiểu thuyết. Thích uống eau-de-vie, thứ mà bà ấy trộn với cặn cà phê lấy dưới đáy cốc. Bà qua đời năm 1952.

Những điểm chính trong thời thơ ấu của mẹ:

- Vô cùng thèm ăn. Trên đường trở về nhà từ tiệm bánh, bà ăn cả trái cân. Bà nói: “Khi tôi hai mươi lăm tuổi, có thể nuốt chửng cả biển với tất cả tôm cá trong đó.”

- Sáu đứa con ở cùng một phòng, bà ngủ chung với người chị, một kẻ mộng du, khi tìm thấy cô ta đang đứng trong sân, ngủ say, mắt mở thao láo….

- Những áo đầm và những đôi giày được chuyền từ chị xuống em, một con búp bê bằng vải vụn cho lễ Giáng Sinh, rượu táo ngọt làm sâu răng.

Mặt khác:
- Đi trên xe ngựa cũ, trợt trên mặt hồ đóng băng vào năm 1916, bỏ qua các trò chơi và chơi trò cút bắt, tung những lời lăng mạ vào các cô gái trẻ đi học trường tu viện địa phương (Những lời chọc phá kèm theo dấu hiệu xem thường: quay lại chổng đít vỗ vào mông.)
- Dẫn đầu cách sống ngoài trời, cô gái nhỏ nông thôn hiểu biết đầy đủ giống như các cậu trai: cưa gỗ, rung cây táo cho rụng trái, giết gà mái bằng cách cắm cái kéo xuống cổ họng. Tuy vậy, có điểm khác biệt: cô bảo đảm không ai dám chạm vào “chỗ đó” của mình.
Mẹ tôi theo học trường tiểu học ở địa phương, vắng mặt khi cần ra ngoài đồng hoặc khi anh, chị hoặc em của bà đau ốm. Bà không nhớ nhiều về giai đoạn này. Có điều các nữ hiệu trưởng mong muốn các cô gái lịch sự và sạch sẽ: họ kiểm soát cổ áo và móng tay, yêu cầu tháo một chiếc giày (để không biết trước phải rửa chân nào). Mẹ đi học không hề trải qua một chút kinh nghiệm nhiệt tình nào. Thời đó, không ai thúc đẩy con cái, động lực này phải có sẵn bên trong. Trường học chỉ là một giai đoạn mà người ta phải trải qua trước khi ra kiếm sống. Trốn học, không phải là ngày tận thế. Nhưng không được trốn thánh lễ. Ngay cả đứng phía sau nhà thờ, cũng có thể chia sẻ vẻ đẹp, sự sang trọng, và tinh thần tế lễ: chén thánh bằng vàng, những chiếc khăn thêu, những bài thánh ca, và có ấn tượng không sống trong tình trạng hoàn toàn nghèo khó.
Thời gian đầu, mẹ rất thích tôn giáo. Giáo lý là môn học mà bà say mê và thuộc lòng hết những câu trả lời. (Trong nhà thờ, bà phản ứng bằng giọng điệu cuồng nhiệt, trầm bổng, như thể chứng tỏ bà đã biết.)
Bà không vui cũng không buồn khi phải rời trường học lúc mười hai tuổi rưỡi. Thói quen này rất phổ biến thời đó.  Tìm được việc làm trong nhà máy sản xuất bơ thực vật. Bà chịu đựng lạnh lẽo và ẩm ướt, đôi tay thấm nước làm da thịt nứt nẻ suốt mùa đông. Vì vậy, bà không thể chịu đựng khi thấy bơ thực vật. Đối với bà, không phải “tuổi thanh xuân đầy mơ mộng”, mà là sự chờ đợi dài đăng đẳng cho đến tối thứ Bảy. Sau khi mang tiền về cho bà ngoại, còn lại số tiền tiết kiệm chỉ đủ mua một ít son phấn trang điểm, loại phấn son giả theo L’Echo de la Mode, và một vài tiếng cười khúc khích miễn cưỡng. Một hôm, người quản đốc để chiếc khăn quàng cổ của anh mắc vào một trong chiếc máy đang chạy. Không ai đến giải cứu, anh ta phải tự tháo để thoát thân. Mẹ tôi đang đứng bên cạnh.  Làm sao người ta có thể hiểu được thái độ của bà nếu họ không trải qua cùng mức độ bị cô lập.
Trong bối cảnh kỹ nghệ hóa của thế kỷ hai mươi, một nhà máy sản xuất dây thừng đã được thành lập trong vùng, thu hút tất cả những người trẻ ở địa phương. Mẹ tôi cũng được nhận vào cùng với các chị gái và hai anh trai. Để đời sống được thoải mái hơn, bà ngoại dời vào ngôi nhà, cách nhà máy vài trăm mét, nơi bà và các con gái dọn dẹp sau giờ làm việc. Mẹ tôi thích làm việc ở xưởng sạch sẽ, khô ráo, được phép trò chuyện và đùa giỡn. Bà tự hào về công việc này. Làm trong nhà máy lớn khiến bà cảm thấy văn minh so với những người còn nhà quê, những thôn nữ quanh quẩn với trâu bò, và tự do so với người đầu tắt mặt tối, những người giúp việc cho gia đình người khác, tóm lại là “liếm đít người giàu.” Và bà tự nhận ra mình đã đi được bao xa so với nguyện vọng duy nhất: trở thành cô gái bán hàng.
Giống như những gia đình đông đảo khác, gia đình mẹ tôi là một bộ tộc: bà ngoại và con cái có cách cư xử giống nhau ở những nơi công cộng và lối sống trong hoàn cảnh làm việc nửa tỉnh nửa quê. Có nghĩa là, người ta có thể nhận ra ngay họ là ai. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cả nam lẫn nữ, họ luôn luôn nói lớn tiếng. Mặc dù bản tính vui vẻ, cởi mở, họ rất dễ bị xúc động và nhạy cảm đưa đến sự tấn công, nói thẳng với mọi người ý nghĩ của họ. Trên hết, họ tự hào về những nỗ lực mà họ đã dành cho việc làm. Họ cảm thấy khó tin, bất kỳ ai khác có thể chứng tỏ sự tận tâm hơn. Vượt qua giới hạn giai cấp của họ bằng cách tự cho mình là “nhân vật nào đó”. Điều này có thể giải thích cho sự điên cuồng của họ trong mọi phương diện, công việc, thức ăn, cười cuồng nhiệt, rồi chỉ một giờ sau tuyên bố “Tôi sẽ nhảy vào bể nước để tự vận.”
Mẹ tôi là người tính khí kiêu ngạo, nóng nảy. Bà nhận biết mình thuộc tầng lớp thấp hơn và vì đó mà căm phẫn, từ chối bị đánh giá chỉ dựa trên địa vị xã hội. Bà thường nói về những người giàu có, “Họ không hơn gì chúng ta.” Bà là một cô gái tóc vàng, mắt xám, rất hấp dẫn, đầy đặn, dễ ưa và tràn đầy sinh lực. Thích đọc bất kỳ thứ gì có thể tìm thấy. Thích hát những ca khúc nổi tiếng nhất. Thích trang điểm đi chơi với bạn đến rạp hát hoặc rạp chiếu phim, để xem Roger la Honte và Le Maitre de Forges. Luôn luôn sẵn sàng vui chơi thêm một chút.
Nhưng thời đó, trong thành phố nhỏ, mọi người quan tâm tìm hiểu hàng xóm càng nhiều càng tốt. Chắc chắn, một người sẽ bị dằn co giữa việc muốn “tận hưởng tuổi trẻ” và lo sợ cho tiếng tăm của mình. Mẹ tôi cố gắng sống theo hình ảnh tốt nhất mà mọi người có thể cư xử đối với giai cấp của bà: “Những thiếu nữ hãng xưởng, nhưng dù sao cũng đáng nể trọng.” Đi lễ, rước lễ, thêu quần dài tại trại trẻ em mồ côi ở địa phương do các nữ tu đảm trách, không bao giờ đi vào rừng một mình với con trai. Làm sao bà hiểu được những chiếc váy ngắn (bà tự lên lai), đường cắt ngang trước ngực, biểu cảm “táo bạo” trong đôi mắt, và đặc biệt là cách cư xử đối với đàn ông, bà sẽ không bao giờ được đánh giá là “thiếu nữ đứng đắn”, chính là điều bà ao ước trở thành.
Tuổi trẻ của bà liên quan đến việc nỗ lực trốn thoát những điều nhàm chán xác định trong số phận: nghèo đói không thể tránh khỏi, mối đe dọa nghiện rượu, và nhiều chuyện khác xảy ra cho một cô gái hãng xưởng đã sa vào những thói quen xấu (hút thuốc nơi công cộng, lang thang trên phố về đêm, mặc quần áo bẩn ra đường.) Loại cô gái mà không “chàng trai đáng nể trọng” nào muốn nhìn hai lần.
Không một ai trong số anh chị của bà còn sống sót. Bốn người đã qua đời trong hai mươi lăm năm qua. Trong thời gian dài, cơn thèm ăn điên cuồng đưọc thay thế bằng rượu, đàn ông rủ nhau đi quán cà phê, đàn bà ở nhà một mình. (Chỉ cô em út, người không uống rượu, vẫn còn sống.) Trừ khi họ uống đủ số lượng rượu, nếu không, họ ủ rũ, lầm lì. Họ miệt mài làm việc trong im lặng, “một nhân viên tốt” hay “một phụ nữ quyến rũ không bao giờ đưa ra bất kỳ lý do gì để phàn nàn”. Nhiều năm qua, họ đã quen bị đánh giá theo mức độ uống, họ “ngà ngà” hoặc họ “say xỉn”.

Một năm, vào ngày thứ Bảy, tôi gặp dì M, trên đường đi học về. Hôm đó là ngày nghỉ của dì, như thường lệ, dì sắp vào phố với cái túi đầy chai không. Dì hôn lên hai bên má tôi, khẽ lắc lư, không thể thốt lên một lời nào. Cuốn sách của tôi không bao giờ thành hình, nếu ngày đó, không gặp dì.
Phụ nữ Fora, hôn nhân là vấn đề sống chết. Hy vọng hoặc “làm sao để hai người ăn ở với nhau lâu bền” hoặc rơi xuống tận đáy. Vì vậy, một người phải có khả năng nhận ra người đàn ông nào làm cho người đàn bà được hạnh phúc. Đương nhiên, không phải là anh nông dân, dù là người có tiền, để cuối cùng vắt sữa bò trong ngôi làng tối tăm không có điện. Cha tôi làm việc tại nhà máy sản xuất dây thừng. Ông cao ráo, tề chỉnh, sống theo một phong thái riêng. Không uống rượu, để dành tiền chăm lo nhà cửa. Trầm lặng, vui vẻ, lớn hơn mẹ bảy tuổi (một chàng trai không thể bỏ qua!). Mỉm cười và thẹn đỏ mặt, mẹ kể với tôi: “Vào thời đó, nhiều người tán tỉnh mẹ. Một số người cầu hôn, nhưng mẹ chọn cha.” Bà thường nói thêm: “Ông ấy trông khác thường.”
  (Trích dịch từ A Woman’s Story. Annie Ernaux. Bản Anh ngữ: Tanya Leslie.)

 Xem Thêm về  Annie Ernaux:

Nhà văn dị thường và độc đáo” ghi lại cuộc đời mình, gồm cả chuyện phá thai, tình yêu và sự không chung thủy  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét