28 thg 10, 2022

ĐỘT QUỴ - BS.Hồ Hoàng Phương


Bs: Hồ Hoàng Phương)
Đột quỵ!
Nói nôm na cho dễ hiểu nghĩa là "đột nhiên ngã quỵ", đột nhiên gục, và khả năng dẫn đến tử vong là rất cao!
Thường, có 2 nhóm liên quan đột quỵ là não và tim, trong đó đối với não thì có 2 loại chính gọi chung là tai biến mạch máu não (80% nhồi máu não, 20% xuất huyết não), và đối với tim gọi là nhồi máu cơ tim.
Tức là, chung quy lại, các nguyên nhân gây ra đột quỵ bản chất chính là hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại mạch máu, trong trường hợp này là mạch máu nuôi tim (mạch vành) hay mạch máu nuôi não!
Giờ, để dễ hình dung, các bạn xem mạch máu mình như là các ống nước để tưới cây tưới đất, vì lí do gì đó như áp lực nước quá căng mà thành ống bị mục thì ống sẽ bị vỡ, nước văng ra tung toé, hình ảnh đó là của xuất huyết, mạch máu vỡ "bùm", nếu nằm trong não thì gọi là xuất huyết não! Ngoài ra, nếu ống nước bị tắc do gạch đá, bùn đất hay bị hẹp do đè ép từ bên ngoài thì nước đến tưới cây sẽ bị ít dần đi hoặc thậm chí không còn nước tưới cho cây cho đất màu mỡ hơn, khi này gọi là thiếu máu nếu hẹp (thiếu máu não, thiếu máu cơ tim...) hoặc nhồi máu nếu tắc hẳn (nhồi máu cơ tim gây đột quỵ).
 
Trong hình là các nguyên nhân gây hẹp hoặc tắc mạch máu, được minh hoạ khá hay, có ích cho cả người trong lẫn ngoài ngành, xin giới thiệu qua để các bạn tham khảo:
A. Thrombosis: huyết khối, hiểu đại khái là tạo khối máu đông nằm trong lòng mạch, gây hẹp lòng.
B. Embolism: thuyên tắc, cũng do cục máu nhưng "thuyên chuyển" từ nơi khác đến, gây tắc, nên gọi là thuyên tắc cho dễ hiểu, đây chính là nguyên nhân hay gây ra đột quỵ!
C. Spasm: do co thắt, sinh hoặc bệnh lý của thành mạch, đôi khi hứng lên mạch máu co và thắt lại, gây giảm tưới máy hạ lưu, làm thiếu máu cơ quan đich
D. Atheroma: là các mảng xơ vữa động mạch, có thể tạo ra các mảng "vữa" và bong tróc trôi nổi và hưng hứng tấp vào đâu đó, gây hậu quả cho nơi nào ảnh ghé thăm!
E. Compression: do chèn ép, từ bên ngoài, có thể do u bướu hay hạch phì đại đè vào mạch máu, gây hẹp lòng mạch.
F. Vasculitis: viêm mạch, với các phản ứng thành mạch, cũng gây nên hẹp lòng.
G. Steal: hiện tượng cướp máu, là hiện tượng khá thú vị, do hẹp lòng nên có vụ ăn cắp máu từ các nhánh lân cận hoặc liên quan để tăng tưới máu cho vùng bị thiếu, kiểu kiểu như tuần hoàn bàng hệ hỗ trợ thêm!
H. Hyperviscosity: tăng độ nhớt của máu, khi này vấn đề không nằm ở thành ống nữa, mà là ở chất chứa trong ống, ví dụ thay nước tưới cây bằng nước bùn đặc quánh thì sẽ làm việc tưới khó khăn và chậm hơn, độ nhớt cao hạn chế cung cấp máu đến các cơ quan cần nuôi dưỡng, cũng gây ra hiên tượng thiếu máu!
Nói thêm, hầu hết các nhóm bệnh lý trong hình đều có thể tầm soát và chẩn đoán bằng các phương tiện hình ảnh, nên khuyến cáo các bạn kiểm tra hệ mạch máu của mình định kì tại các cơ sở y tế uy tín và hiện đại!
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét