27 thg 10, 2022

Trước ngày 30 tháng 4/75 - Ghim Ho (SPSG )

 
Mình bước vào SPSG trong lúc chiến tranh VN đang biến chuyển cực kỳ khốc liệt và nhanh chóng. Người đầu tiên mình quen trong lớp I8 là Hoàng Mỵ, anh chàng học SPCN bên Khoa học và SPSG . Lúc đó một người có thể theo hai trường. Mình đang nhớ thương đại học Khoa học nên gởi tặng anh chàng bộ dao mổ khi mình nghỉ học để đánh dấu cho một tình bạn . Lúc đầu mình và các bạn I8-SPSG rất vui với những buổi học và dạy thực hành, cùng những trò chơi sinh hoạt – nhảy múa chung quanh vòng mà mình mê lắm. Sau này mình trở thành tay dẩn trò chơi sinh hoạt xuất sắc tại địa phương. Có lẽ mình năng động và hay phát biểu nên cũng là đầu đề bị chọc phá. Có lúc ngồi học, khoái gác chân lên và bỏ guốc ra. Một chút nhìn xuống thì một chiếc guốc không cánh mà bay. Ra chơi tìm mãi không ra. Cuối giờ, chuẩn bị về thì thấy một gói nhỏ trước mắt . Mở ra là chiếc guốc . Mình đứng lên lẳng lặng cầm chiếc guốc cho nó bay cái vèo qua khỏi cửa sổ . Đi chân không về nhà . Từ đó không ma nào dám ghẹo.
Nhớ nhất là xí Được nhỏ người –trưởng ban văn nghệ I8 , rất dể thương - lúc nào cũng ôm cây ghi ta - Lúc đó đồng phục trường là áo dài xanh – Thấy mình là anh ta cứ hát – Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc – Áo nàng xanh anh mến lá sân trường… Làm mình cảm động quá. Ai cũng yêu mến xí Được – bây giờ không bao giờ được nhìn hay nghe thấy anh nữa – Có những tình cảm đầu tiên mà mình quá vô tâm nên chưa biết trân trọng. Mỗi buổi học tan mình lại nhận được một bài thơ nhỏ. Lúc đó mình chưa cảm thơ và chưa hiểu tình yêu là gì ? Có ngày mặc áo dài xanh lại được gởi bài thơ tả áo dài trắng, hỏi thì được trả lời. Bởi vì lúc làm thì mặc áo trắng. Mình chỉ còn nhớ một bài sau khi mình lên dạy thực hành trong lớp. Vừa bước xuống bàn nhìn thấy bài thơ nhỏ:
Cô giáo hôm nay quá dể thương.
Xinh xinh tà áo má thêm hường.
Lanh tay, lẹ miệng thêm tài dạn.
Miệng hét chàng Nghi phải chạy bương .
Lúc đó tóc mình dài quá eo, được là một đề tài cho thơ của bạn trong lớp. Có lúc mình và các bạn đang tám… Anh chàng làm thơ đến xin nói chuyện riêng, làm cả bọn tản ra hết chỉ để lại mình và anh ấy. Lúc đó lòng mình rất lạnh nhạt với chuyện tình cảm, có lẽ thời cuộc, chiến tranh đã chiếm trọn tâm tư. Mình cảm thấy hơi phiền và nói thẳng suy nghĩ của mình, mình không thích thơ ca và yêu cầu anh ấy đừng gởi cho mình nữa. Sau việc đó mình thấy lòng một chút ân hận, nhưng biết làm sao, không thể dối lòng. Anh rất buồn và từ đó lãng tránh mình. Cô Bãnh rất tinh ý nhìn thấy vấn đề, mình mời cô tham gia đi trại mồ côi . Cô không đi được viết giấy trả lời . Mình còn nhớ mảnh giấy nhỏ nhắn, nét chữ rất đẹp và cô ghép tên mình và người ấy. Mình không nghĩ nhiều nhưng vẫn không quên một tấm lòng đã đến với mình. Xin cho một lời xin lỗi chuyện xa xưa, lúc còn ngu muội, chưa hiểu gì chuyện tình yêu.
Đi cắt phăng, làm tóc thật ngắn. Lại là một đề tài cho bọn con trai chọc phá, Trần Chánh Trung gặp mình và nói thẳng – Tụi tui rất thích mái tóc dài của bà – Tự nhiên cắt ngắn. Mình với Trung rất thân lúc đó. Mỗi lần mình chọc nó, gọi là Trần Chính Giữa là nó tức điên lên. Sau đó, mình lại là đề tài bàn tán, những câu hỏi xoay quanh việc cắt ngắn tóc và bọn con trai gọi mình là đờ mi gạc xong.
Lúc đầu khi lớp chia ban, mình đã ứng cử vào ban xã hội và Hữu Châu làm trưởng, mình làm phó. Mình tổ chức những buổi đi trại mồ côi cho các bạn I8 đến cô nhi viện Suối nước trong Thủ Đức và đến gần ngày đình chiến mà bọn mình cũng chẳng biết gì. Đọc báo thấy người Việt tản cư chạy nằm dọc xa lộ Đại hàn. Mình động viên bạn bè chở mì gói, gạo đem cho. Tội nghiệp Hùng mập, ngồi trên chiếc xe đạp và chở bao gạo – chắc Hùng và chiếc xe đều phải nín thở như nhau. Cả bọn lang thang tìm không thấy người Việt đâu. Vào đại một trại tạm cư của người Miên, gặp vị sư người Miên – Đứa nào cũng ngọng, không đứa nào chịu vào sợ bị Miên thư – Mình phải nói bằng ra dấu và bỏ lại hết lương thực và chuồn lẹ. Tiếng pháo kích, tiếng đạn nổ chẳng biết từ đâu cứ nghe vang vọng. Cả bọn sợ quá, mạnh ai nấy chạy về nhà cho lẹ.
Mình học khóa 13- cuối cùng của SPSG và cũng là một trong những nhân chứng của ngày lịch sử mà không bao giờ quên được. Trong thời gian đó ai cũng tranh nhau theo dõi báo chí từng ngày. Mỹ rút quân, tổng thống Thiệu lên đọc diễn văn từ chức làm rúng động mọi người – mình còn nhớ ông nói – Mỹ là người đồng minh vô lương tâm. Ông ra đi giao lại cho phó tổng thống Trần văn Hương . Ai cũng xót xa cho ông Hương – ông cũng là nhà giáo- phải nhận trọng trách lịch sử . Bọn sinh viên tụi mình lung lay tận gốc, không còn tinh thần học gì nổi, bàn tán xôn xao không biết số phận về đâu.
Tin thất thủ khắp nơi bay về . Tướng Ngô Quang Trưởng dựng pháp trường cát bên bờ sông Hương để ngăn chận lính đào binh. Ban mê thuộc sụp đổ đầu tiên. Một nổi đau lớn cho lớp I8. Bạn Trần Trọng Bình nhà ở Ban mê thuộc bị mất hẳn liên lạc và đang trong hoàn cảnh khốn đốn về kinh tế. Mình kêu gọi giúp đở từ các bạn và mở chiếc hộp tình thương . Mỗi ngày mình chuyền tay cho các bạn chiếc hộp đó với mong mỏi giúp được gì cho bạn mình. Một ngày khi tan học mình nhận lại chiếc hộp với những dòng chữ ghi vội như sau- Chiếc hộp tình thương của những gian dối lọc lừa, của những thần nanh mỏ đỏ. Mỗi người hãy bỏ vào đây một ít súng đạn để đi bắn giết đồng bào mình. – Mình ngồi bất động nơi bàn học, nước mắt tuôn rơi và những dòng chữ nhảy múa – không bao giờ mình quên được giây phút ấy . Mọi người đã ra về hết. Ai đã viết và viết với dụng ý gì ?
Hôm sau mình vẫn im lặng, xóa những dòng chữ và chiếc hộp vẫn lưu hành. Cuối ngày, mình nhận được một lá thư nhỏ xin lỗi và mình đã hiểu kẻ ấy là ai, nguyên nhân nào lại viết. Trong mọi việc luôn có hai mặt của vấn đề. Và người ấy là người có cha anh phía bên kia chiến tuyến. Sau đó mình có dịp tiếp xúc và hiểu anh ấy thêm một chút. Anh không độc ác như lời anh đã viết, anh suy nghĩ rất nhiều về cuộc đời và đau lòng cho chiến tranh. Ngày nay anh không còn nữa . Sau ngày lớp chia tay mình không còn được gặp lại . Mong rằng anh ấy đã được yên nghĩ. Dù sao anh ấy cũng để lại trong lòng mình một ấn tượng khó phai, một chút tình lưu luyến.


 Mời Xem :

1/ Chuyện ma - GHIM HO (SPSG ) 

 2/ Trở về nghiệp giáo - GhimHo  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét