29 thg 10, 2022

Nobel không vinh danh, văn học trinh thám vẫn có độc giả

Vanvn- Nhà văn Michel Bussi cho rằng Nobel khó lòng tôn vinh tác giả trinh thám, nhưng người viết dòng văn học này vẫn được độc giả ghi nhận.

Michel Bussi là một trong những nhà văn bán chạy nhất tại Pháp hiện nay. Các tác phẩm của ông nổi bật với các nhân vật nữ mạnh mẽ và các cú twist bất ngờ. Văn phong của Bussi từ tốn, xoáy sâu vào tâm lý nhân vật thay vì chỉ tập trung vào phá án như trinh thám cổ điển. Nhà văn trinh thám Việt – Di Li – từng nhận xét: “Michel Bussi viết truyện trinh thám với những áng văn rất đẹp. Nếu chúng ta bỏ qua những chi tiết liên quan đến án mạng hay vụ án, vẫn sẽ có được một cuốn tiểu thuyết hoàn chỉnh”.

Ngày 25.10, nhà văn trinh thám Pháp Michel Bussi đã tới Việt Nam và trực tiếp giao lưu với độc giả tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, Hà Nội. Trước buổi tọa đàm, Zing trò chuyện và trao đổi riêng với nhà văn. Trong đó, nhà văn chia sẻ thói quen viết của mình và quan điểm của ông về vị trí của văn học trinh thám trên dòng chảy văn học, đồng thời cho biết có thể ông sẽ viết một tác phẩm lấy cảm hứng từ chuyến thăm Việt Nam lần này.

Nhà văn Michel Bussi xuất hiện tại Thư viên Quốc gia Việt Nam25/10//2022. 
Ảnh: Đức Huy.

Cảm hứng từ những câu chuyện phi thường trong đời thật

* Xin ông chia sẻ về nguồn nguồn cảm hứng sáng tác của mình. Ông thường tìm cảm hứng từ đâu?

– Tôi thường xuất phát với những tình huống, những câu chuyện lạ, phi thường và có phần khó tin. Tôi sẽ cố tìm lời giải cho những câu chuyện ấy trong tác phẩm của mình. Tiểu thuyết của tôi không phải tiểu thuyết phiêu lưu viễn tưởng mà là tiểu thuyết có yếu tố điều tra phá án căng thẳng. Tác phẩm sẽ bắt đầu với một bí ẩn chưa có lời giải và độc giả sẽ chỉ tìm ra chân tướng khi đọc đến chương cuối.

* Vậy, ông lấy cảm hứng từ đời thật?

– Phải, nhưng tôi cũng sẽ sáng tạo thêm những nhân vật thú vị, những nhân vật bình thường nhưng phải đối mặt với những sự kiện bất thường, sự kiện khó tin, ví dụ một người về từ cõi chết. Tôi lấy cảm hứng từ những sự kiện có thể gợi mở ra một cuộc phiêu lưu phi thường.

* Điều gì khiến ông muốn trở thành nhà văn, cụ thể là một tác giả viết trinh thám?

– Tôi thích đọc sách từ bé. Từ năm 6 tuổi, trong đầu tôi đã hình thành những cốt truyện mà tôi muốn viết rồi. Đến tuổi thiếu niên, tôi đọc rất nhiều tiểu thuyết trinh thám, tiểu thuyết phiêu lưu. Tôi nghĩ tôi được tiếp thêm động lực viết từ những cuốn sách ấy. Khi tôi bắt đầu sự nghiệp viết và xuất bản cuốn sách đầu tiên thì sách của tôi lại trở thành sách bán chạy, nhu cầu từ độc giả rất lớn nên tôi cũng không dừng viết được. Tôi cứ theo đà ấy mà sáng tác.

* Mong ông chia sẻ thói quen viết của mình, thưa ông?

– Tôi viết mọi lúc mọi nơi. Thực ra, ngày nào tôi cũng viết, không có giờ cố định. Lúc nào rảnh rỗi là tôi lại viết vào máy tính xách tay. Ngay cả trong lần đi thăm Việt Nam đây, giờ tôi không viết được nhưng nếu lúc nào có thời gian rảnh hoặc tối về tôi sẽ lại mở máy ra viết tiếp.

Ai đã giết Hoàng tử bé? là tác phẩm thứ sáu của Michel Bussi được xuất bản ở Việt Nam. Ảnh: Minh Hùng.

Nhân vật nữ thường mạnh mẽ hơn, quyết đoán hơn nam giới

* Sách của ông thường có những cú twist bất ngờ. Khi sáng tác, ông nghĩ twist trước khi viết hay ngược lại?

– Phải, tôi thường lên kịch bản những cú twist bất ngờ, những cú lật màn tình huống nhanh. Tiểu thuyết nào tôi cũng phải lên kế hoạch hết trước khi viết. Nếu độc giả có đọc sách lần thứ hai, họ sẽ thấy các manh mối rải rác khắp nơi và hiểu rằng mọi thứ đều đã được tính toán từ trước.

* Các nhân vật nữ mạnh mẽ trong các tác phẩm của ông cũng là một điều thu hút độc giả, ông có thể chia sẻ cách ông xây dựng những nhân vật nữ anh hùng này không?

– Thông thường, tiểu thuyết của tôi xoay quanh các mối quan hệ tình cảm hoặc mối quan hệ giữa mẹ với con, giữa con với mẹ, đan cài trong cuộc hành trình đi tìm bản dạng. Và tôi thấy với các cốt truyện kiểu này, nhân vật nữ thường mạnh mẽ hơn, quyết đoán hơn nam giới. Bản thân tôi cũng muốn khắc họa các nhân vật nữ mạnh mẽ và ấn tượng như vậy. Trong khi đó, nhân vật nam trong tiểu thuyết của tôi thường được khắc họa bộc trực, bản năng hơn, họ có xu hướng bạo lực và quan tâm đến tiền hơn.

Tôi luôn xây dựng cốt truyện có bóng dáng của phụ nữ xuyên suốt, tôn vinh những phẩm chất tỉ mỉ, cần cù, kiên nhẫn và họ thường đóng vai trò mấu chốt trong mạch truyện.

* Có ý kiến cho rằng giới phê bình khó tính khi đánh giá tiểu thuyết trinh thám, cho rằng đó không phải dòng văn chương đỉnh cao. Ông nghĩ gì về nhận định này?

– Tôi nghĩ cũng tùy quan điểm. Ở Pháp, văn học trinh thám ít khi được tôn vinh tại các giải thưởng văn học lớn. Nhưng việc tôi có mặt ở Việt Nam lúc này, các tác phẩm được độc giả quốc tế quan tâm và cũng đã giành được rất nhiều giải thưởng cho thấy thực tế, truyện trinh thám cũng nhận được sự quan tâm lớn từ độc giả.

Tất nhiên, giải Nobel Văn chương thì tôi nghĩ sẽ chẳng bao giờ tôn vinh các tác giả viết tiểu thuyết trinh thám hay tiểu thuyết phiêu lưu viễn tưởng. Nhưng chuyện ấy cũng chẳng mấy nghiêm trọng, bản thân tôi nhận được rất nhiều giải thưởng khác, thường là các giải thưởng do tác giả bình chọn. Điều này cho thấy sức hút riêng của văn học trinh thám.

“Có thể sắp tới, Việt Nam sẽ xuất hiện trong tác phẩm của tôi”

* Tác phẩm mới của ông lấy cảm hứng từ cuộc đời của Antoine de Saint-Exupéry và tác phẩm “Hoàng tử bé”. Tại sao ông lại chọn hướng tiếp cận này?

– Đó là một tác phẩm đặc biệt. Tác phẩm của tôi là một tiểu thuyết trinh thám lấy ý tưởng từ vụ mất tích của nhà văn Antoine de Saint-Exupéry và cái chết của Hoàng tử bé trong tác phẩm cùng tên. Nhận thấy giữa tác phẩm và đời thực của nhà văn Antoine de Saint-Exupéry có rất nhiều điểm tương đồng, tôi nảy ra ý tưởng cho cuốn sách.

Như mọi người cũng biết, Antoine de Saint-Exupéry mất tích trong khoảng thời điểm diễn ra Thế chiến thứ II. Vài tháng trước khi ông mất tích, ông đã viết Hoàng tử bé. Cuối truyện thì Hoàng tử bé cũng đã chết. Tôi thấy có một sự trùng hợp, đó là trong truyện, người ta cũng không tìm thấy xác của Hoàng tử bé, ngoài đời thật, người ta cũng chưa bao giờ tìm thấy thi thể của Antoine de Saint-Exupéry.

Phải chăng, nhà văn đã mượn tác phẩm Hoàng tử bé để dẫn đến lời giải, làm một tài liệu báo trước cho sự ra đi của mình vài tháng sau đó. Đây là hướng điều tra mà tôi đã đi theo trong tác phẩm này.

* Ông có điều gì muốn gửi gắm tới độc giả Việt không?

– Tôi rất hào hứng được khám phá đất nước này. Tôi chưa từng có dịp được đến thăm trực tiếp dù ở Pháp, người ta cũng nói về Việt Nam rất nhiều. Việt Nam cũng có một vị trí đặc biệt trong ý niệm của người Pháp. Tôi được biết là có nhiều tác phẩm của mình đã được dịch sang tiếng Việt. Vậy nên lần này sang Việt Nam, tôi rất muốn gặp gỡ và trao đổi với độc giả nơi đây.

Đây cũng là cơ hội để tôi đi thăm thú Việt Nam. Với các tiểu thuyết của mình, tôi hay lấy cảm hứng sáng tác từ những nơi mình đã trực tiếp thăm thú. Tôi sẽ tìm chất liệu xây dựng nhân vật và cốt truyện. Vậy nên trước tiên tôi sẽ đi tham quan, khám phá đất nước này. Có thể sắp tới, Việt Nam sẽ xuất hiện trong tác phẩm của tôi.

***

Nhà văn Michel sinh năm 1965, quê ở Louviers, Eure, Pháp. Ông là nhà văn chuyên sáng tác tiểu thuyết thể loại trinh thám. Bắt đầu sự nghiệp văn chương từ những năm 1990, ông liên tục cho ra đời nhiều tiểu thuyết gây tiếng vang, giành nhiều giải thưởng uy tín như Giải Michel Lebrun dành cho Tiểu thuyết trinh thám hay nhất năm 2011, Giải Gustave Flaubert dành cho Tiểu thuyết hay nhất năm 2011, giải Maison de la Presse và giải Tiểu thuyết hay năm 2012, giải Tiểu thuyết hay viết về đảo năm 2013…

Theo thống kê của Le Figaro, ông là một trong những nhà văn Pháp bán chạy nhất trong nhiều năm liền.

Nhiều tác phẩm đặc sắc của ông đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam, phần lớn được độc giả Việt đánh giá tích cực như Hoa súng đen, Mẹ đã sai rồi, Xin đừng buông tay, Vết khắc hằn trên cát Kho báu bị nguyền rủa. Ai đã giết Hoàng tử bé? là tác phẩm thứ sáu của ông được giới thiệu tới độc giả Việt.

MINH HÙNG/ ZING

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét