Chữ nghĩa làng văn
*
Xồm
Xồm : dài và rậm (chỉ lông)
(râu ria xồm xoàm)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)
Tiếng lóng của dân bụi Hà Nội sau 75
- Ông anh “nghênh” (8) hả?
8. Điếc
(Thế Giang)
Từ điển chính tả sai lỗi…chính tả
“xương: xương quai sanh”. (Gs Nguyễn Văn Khang)
Viết “xương quai xanh” mới đúng. Vì “xương quai xanh” (còn gọi xương đòn) là cách gọi xương theo hình dáng quai của cái xanh (quai xanh, vành chảo, xương đòn)
(Hòang Tuấn Công)
Thành ngữ tục ngữ
Cắm sào sâu khó nhổ
Đã quá đi sâu vào một việc gì thì khó gỡ ra. Khuyên người ta làm việc gì phải
nghĩ đến hậu quả, không nên cực đoan, thái quá.
(Nguyễn Dư)
Từ điển chính tả sai lỗi…chính tả
“trí: đắc trí. → không viết: chí”. (Gs Nguyễn Văn Khang)
Viết “chí” mới đúng. Vì “chí” 志 ở đây là chí nguyện, chí hướng:
Hán ngữ đại từ điển: “đắc chí: 1. nói thực hiện được chí hướng và nguyện vọng; 2. chỉ dang lợi, khát vọng được thoả mãn”.[得志: 1. 謂實現其志願; 2. 指名利欲望得到滿足].
(Hòang Tuấn Công)
Lá diêu bông
Phạm Duy, bạn của Hoàng Cầm, phổ bài thơ Lá diêu bông thành ca khúc, từng viết Hoàng Cầm trong tôi tại California, vào năm 1984 nêu cách giải thích: "Trước hết chúng ta cần biết lá diêu bông là lá gì? Lá diêu bông (lá bông diêu thì đúng hơn) là thứ lá đặc biệt ở làng Đình Bảng, Bắc Ninh, phụ nữ thời xưa thường vắt ra nước rồi bôi lên mặt cho da dẻ được hồng hào tươi đẹp”.
Nhưng theo Hòang Cầm: ”Lá diêu bông là cái lá gì, ở đâu, nào tôi có biết. Thần linh đọc diêu bông, tôi chép diêu bông, thế thôi".
(Phanxipăng)
Từ điển chính tả sai lỗi…chính tả
chiêu: chiêu mộ → không viết: triêu”. (Gs Nguyễn Văn Khang)
Không ít người lầm tưởng chỉ có “chiêu mộ”, không có “triêu mộ”. Ví dụ “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” (GS. Nguyễn Lân) giảng: “chiêu mộ nghĩa sáng và chiều”; “chiêu mộ là tuyển người làm một việc gì”. Sự thực, ngoài “chiêu mộ” 招募 (tuyển mộ), còn có “triêu mộ” 朝暮 (sớm chiều), như “tiếng chuông triêu mộ”..
Như vậy, ở mục từ này, đáng ra từ điển phải có phụ chú, ví dụ: “chiêu mộ” (tuyển mộ), không lầm với “triêu mộ” (sớm chiều)”, thì Gs Khang lại chỉ dẫn “không viết: triêu”. Nếu ai đó băn khoăn không biết nên viết “ba hồi chiêu mộ” hay “ba hồi triêu mộ”, khi giở sách và dùng theo chỉ dẫn của từ điển này sẽ bị sai...
(Hòang Tuấn Công)
Chữ nghĩa làng văn
Trong văn chương hiện đại, ta cũng thỉnh thoảng gặp những
từ ngữ mới được sáng tạo khá tài tình. Trong thơ văn ít nhiều đã có những đóng
góp trong lĩnh vực này, mở rộng đất đai sử dụng, thổi thêm sinh khí cho một số
từ ngữ và như thế cũng có thể gọi là sáng tạo ngôn từ.
Còn nhớ, khi đọc tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của nhà văn Nguyễn Khắc Trường tôi có bắt gặp một từ lạ: "hấp hoảng", liền hỏi anh Trường nghĩa là gì thì được trả lời: nghĩa của nó là chỉ trạng thái dưới "hốt hoảng" một chút!
Tôi không rõ ở quê nhà văn có ai dùng từ này thật không, nhưng tôi thì từ bé chưa nghe qua bao giờ. Hay là ông ấy đấu "hốt hoảng" và "hấp tấp" lại mà thành? Chịu.
Có điều là đọc một cuốn sách mà học thêm được một từ lạ
cũng thấy sướng. Như từ nói "vóng" lên (gốc từ "vống") mà đẻ
ra "vóng vót" (liên tưởng đến "chót vót") hoặc "vóng véo"
(liên tưởng đến "véo von"), rồi thì cứ đà ấy mà kéo thành "vóng
vánh", "vóng vít",
(Anh Ngọc – Tản mạn về từ mới)
Hồi ký Nguyễn Hiến Lê
Sách báo miền Bắc
Về tiểu thuyết có dăm tác phẩm nổi tiếng tả tinh thần kháng thực
dân như cuốn Con trâu của Nguyễn Văn Bổng… nhưng tưởng tượng không dồi dào, tâm
lí không sâu sắc, bút pháp không có gì mới mẻ. Truyện ngắn được vài cây viết
như Lê Vĩnh Hoà (em ruột Võ Phiến) cũng toàn là viết về chiến tranh, đọc vài tập rồi không
muốn đọc thêm nữa. Tiểu thuyết gia được trọng dụng nhất là Nguyễn Đình Thi.
Nguyễn Tuân vẫn được nể vì.
Thơ và tiểu thuyết ngoài đó không đa diện, nhà văn ngoài đó có ít hình
ảnh mới, dùng chữ không táo bạo. Nhưng
phải nhận rằng Bắc không có những tác phẩm tệ lắm như trong Nam; tác phẩm nào cũng lành mạnh, sàn
sàn, trung trung, ít có tác phẩm nổi bật, thật sâu sắc. Chỉ có Nguyễn Tuân là
giữ được ít nhiều bản sắc trong một cuốn viết về Sông Đà.
Trước ngày giải phóng tôi thấy công trình khảo cứu tập thể, xét
chung thì thận trọng hơn, công phu hơn, ít lỗi hơn trong Nam. Nhưng lối làm
việc tập thể đó có nhược điểm: rất chậm, thiếu phối hợp chặt chẽ nên không nhất
trí, chẳng hạn bộ Chiến tranh và Hoà bình của Léon Tolstoi do bốn người dịch
chung, không đều tay mà một số danh từ đầu sách dịch khác, cuối sách dịch khác. Cái tệ lớn nhất là gây tật thiếu tinh thần trách nhiệm.
(Hồi ký Nguyễn Hiến Lê)
Tục ngữ hiện đại, thành ngữ hiện thực
Một cây làm chẳng nên non.
Ba cây chụm lại thấy thừa hai cây.
Góp nhặt phố văn ngõ chữ
Đào Mộng Nam
Trở lại với nhà văn Nguyễn Tiến Văn trên Talawas.org, nơi đây cuộc đời Đào Mộng Nam được kể như sau:
“Từ giữa thập niên 60, Đào Mộng Nam mở lớp dạy Chữ Nho cho các sinh viên Y khoa Đại học Huế trong chương trình kết hợp Đông và Tây; tôn vinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Đồng thời anh phát triển các khoá dạy chữ Nho tại Đại học Vạn Hạnh, Đại học Minh Đức, trường Đức Trí, đường Cao Thắng”.
Năm 1966 cùng với thân hữu, anh chủ trương Nhà Xuất Bản Nguồn Sáng, phát huy quốc học và chủ trương dung hòa Đông Tây. Nxb Nguồn Sáng, ngoài việc xuất bản bộ Chữ Nho tự học của Đào Mộng Nam, còn cho ra đời những bộ sách giá trị như Nho văn giáo khoa toàn thư của bác sĩ kiêm Đông y sĩ Nguyễn Văn Ba, những sách dịch như Ấu học quỳnh lâm, các tiểu thuyết của Dostoievski như Anh em nhà Karamazov, Lũ người quỷ ám, Đầu xanh tuổi trẻ, tiểu thuyết của Han Su-yin (Hàn Tố Âm), của Heinrich Bull, thơ của Tagore, Kahlil Gibran…
Ra nước ngoài từ 1975, Đào Mộng Nam định cư ở Westminster, California. Cộng tác với các tạp chí ở hải ngoại như Hợp lưu, Văn học, Văn, Tạp chí Thơ, Khởi Hành… ở Hoa Kì, và Trăm Con ở Canada, Đào Mộng Nam hăng hái cổ xuý cho thể loại lục bát truyền thống qua ca dao,Truyện Kiều, Lục Vân Tiên..v.v.. Đào Mộng Nam dịch và xuất bản tập Nhã ca (tương truyền của vua Salomon trong Kinh Thánh Do Thái và Cựu Ứớc của Kitô Giáo)
Đừng tưởng
Đừng tưởng cứ hạ là ve
Sân trường vắng quá ai khe khẽ buồn
(Bùi Giáng)
Thuở mơ làm văn sĩ
Tôi
dừng mắt lại ở một cuốn sách in. Sách mà in ronéo trên những trang
đánh máy. Đóng thành tập bằng dây
kẽm. Tên tác giả Thế Phong. Nhà xuất bản Đại Nam Văn Hiến. những cuốn
sách viết về những vấn đề văn nghệ, từ lớn đến nhỏ. Tôi thấy người chủ trương
nhà xuất bản này chính là một tay ngông và kiêu. Việc in ấn như một “con thuyền tải đạo”. Trong một lúc tôi nghĩ
là hay, là can đảm lắm.
Thế Phong tôi biết, tôi đã đọc anh từ những bài báo thể phóng sự từ báo Giang
Sơn ở Hà Nội. Thế có nghĩa là anh vào nghề, nỗi đam mê rất sớm, cùng thời gian
với nhà báo Phan Nghị chuyên viết phóng sự “Bờ Lờ” ở những tờ báo Hà Nội. Họ
vẫn đeo đuổi nghề đã chọn. Thế nào họ không có một “thuở mơ làm văn sĩ”. Tôi
quen biết Thế Phong thuở mới lớn, thuở tôi mơ làm văn sĩ, ở Đàm Trường Viễn
Kiến của cụ Nguyễn Đức Quỳnh.
Tôi gặp lại Thế Phong 20 năm sau, cũng là thời gian thân tình nhất, khi hai
thằng đã tạm thời buông bút, làm
nghề cu li ở tít tận Cà Mau để kiếm cơm nuôi mình và vợ con, thuở chúng
tôi là kẻ ngã ngựa. Hai thằng đứng ở mõm tận
cùng của đất nước nhìn nhau cười ngu ngơ.
(Nguyễn Thụy Long)
Đừng tưởng
Đừng tưởng cứ gió là mưa..
Bao nhiêu khô khát trong trưa nắng hè
(Bùi Giáng)
Du Tử Lê
Du Tử Lê sinh năm 1942 tại Hà Nam, di cư vào Nam năm 1954. Anh nguyên là sĩ quan QLVNCH, làm việc tại cục Tâm Lý Chiến, đồng thời là phóng viên chiến trường. Năm 1973, anh được trao giải Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc, bộ môn thi ca, với thi phẩm “Thơ Du Tử Lê 1967-1972”.
Sau tháng 4/1975, anh sang định cư tại Hoa Kỳ. Tài năng thi ca của anh phát triển rất sớm, khi anh còn ở Hà Nội, với những bài thơ đăng báo qua nhiều bút hiệu khác nhau. - Thơ: Trên 30 tập thơ đủ loại, chưa kể các tuyển tập và toàn tập
Ngoài thơ, Du Tử Lê còn viết truyện ngắn, truyện dài, biên khảo và nhận định văn học:
- 9 truyện dài: Mắt thù; Ngửa mặt; Với nhau, một ngày nào…
- 4 tập truyện ngắn: Mùa hoa móng tay; Tiếng kêu nào/bên kia thời tiết…
- 11 tập tùy bút và ký: Em và, Mẹ và, Tôi là một nhé; Trên ngọn tình sầu…
- 3 biên khảo văn học: Sơ lược 40 năm VHNT Việt gồm hai bộ, Phác họa toàn cảnh sinh hoạt VHNT miền Nam 20 năm.
(Tưởng nhớ những khuôn mặt văn chương – Trần Dõan Nho)
Góp nhặt phố văn ngõ chữ
Đoàn Kế Tường - Đoàn Thạch Hãn
Xa quê nhà nửa vòng trái đất, tôi không thể phán xét gì về bạn mình. Chỉ thầm nghĩ, cái ÁC trong con người Tường lại lấn cái THIỆN rồi. Tường chết bệnh ngày 3 Tháng Chín, 2014 trong bệnh viện ở Sài Gòn. Nhà báo Huy Đức báo ngay tin này cho tôi, và nói sẽ đến viếng Tường lần chót trước khi thi thể được đưa về với đất ở Hải Lăng. Huy Đức cho biết, ngoài vài người cháu và bạn bè văn nghệ, không có ruột thịt nào bên Tường lúc Tường ra đi…
Đọc bài viết của nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, tôi mới biết Tường có lần tự phán “mình rất tiếc đã tự bôi đen đời mình quá nhiều.” Giá Tường được sống trong môi trường khác, tôi tin cái THIỆN trong anh sẽ lấn cái ÁC.
“Giá được sống trong một môi trường khác” thì rất nhiều người cũng khác, chứ chả riêng chi họ Đoàn. Nguyễn Khải, chả hạn, sẽ không đợi đến lúc gần nhắm mắt xuôi tay mới dám mon men “đi tìm cái tôi đã mất.” Nguyễn Đình Thi cũng thế, cũng chả phải “tự phán” bằng những lời lẽ chua chát – vào lúc cuối đời:
(Tưởng Năng Tiến)
30 năm nhìn lại…nền văn học Việt Nam hải ngoại
Thử đọc lại những bài thơ của Cao Tần và những lá Thư Nhà của Võ Phiến, những bài thơ Thanh Nam, Nguyên Sa, Viên Linh, Du Tử Lê, … những dòng chữ đầu tiên viết trong đợt di tản đầu tiên của người Việt trên đất mới, rồi sau đó là Mai Thảo, Nhật Tiến, Nguyễn Mộng Giác, Tháo Trường, Tạ Tỵ, Trần Dạ Từ, Nhã Ca, Tô Thuỳ Yên, Thanh Tâm Tuyền, và những đợt người vượt biên ào ạt cao độ vào những năm 80, mang theo dần dần từng đợt những người viết Sài Gòn còn lại…. mang theo những trang viết nóng hổi của một thời sự lao khổ, lao tù….
Giờ đây, trong khi Võ Phiến, Doãn Quốc Sỹ, Đặng Tiến, Lê Tất Điều, Viên Linh, Bình Nguyên Lộc, Duy Lam, Thế Uyên, Hà Thúc Sinh, Đặng Phùng Quân, Nguyễn Quốc Trụ, Nguyễn Văn Sâm, Kiệt Tấn, Luân Hoán, Nguyễn Mộng Giác, Hoàng Khởi Phong, Phan Nhật Nam, Hồ Trường An, Trần Doãn Nho, Ngô Thế Vinh, Khế Iêm, và.., đang bắt đầu lơi tay “chấm bút vào một lọ mực chữ nghĩa” đang cạn dần theo thời gian, thì người ta có thể đọc Phan Nhiên Hạo, Nguyễn Danh Bằng,…. [ở Mỹ], Trần Vũ, Mai Ninh, Liễu Trương, Thuận… [ở Pháp], Hoàng Ngọc-Tuấn, Nguyễn Hưng Quốc [ở Úc], Lê Minh Hà, Hoàng Nga [Đức]
Những cây bút sâu sắc và đầy sức sống cùng một loạt những người viết mới không viết trực tiếp bằng tiếng Việt mà bằng tiếng bản xứ: Kim Lefèvre [Métisse Blanche], Linda Lê [Voix], ở Pháp, Nguyễn Quí Đức [Where the Ashes Are…], Lan Cao [Monkey Bridge], Đinh Linh [Diorama, Drunkard Boxing…], Monique Truong [the Book of Salt], le thi diem thuy [The Gangster We Are All Looking For], Mộng Lan, [Song of the Cicadas]
(Nguyễn Xuân Hoàng)
Tục ngữ hiện đại, thành ngữ hiện thực
Trăng thì mười sáu mới tròn.
Còn em mười sáu bụng tròn hơn trăng.
Lời tựa Kim Vân Kiều
Cả nước Nam duy có truyện Kim-Vân-Kiều là truyện hay. Văn-chương thế mới thực là Văn-chương. Ngâm đi, ngâm lại, mà không bao giờ biết chán, ấy mới là cái thần-tình câu văn.
Kể các truyện Nôm của ta thì bao nhiêu là truyện, nhưng mà không có truyện nào, cốt tầm-thường như thế, mà nên được những câu tuyệt-diệu, tả được những cảnh não nùng, tính tình con người ta giãi bày ra một cách rất sâu sắc. Nhưng mà, ai là người hiểu cho hết những cái sâu sắc ấy.
Hiểu được ắt phải đã Trải qua một cuộc bể dâu
Ngặt vì mười người ngâm không được lấy một người hiểu.
Sao vậy ?
Trước hết là bởi cái lối làm văn nước Nam như thế. Nhời là nhời nói với cả bao nhiêu người trong ngực có tấm lòng thổn thức, mà lại dùng những chữ-nghĩa ước với nhau trong một bọn nho mà thôi; thì sao hiểu thấu hết được ? Thế mà hay. Hay là vì cái người biết đau đớn, biết ngán việc đời, như ông Nguyễn-Du, dẫu phải theo khuôn theo lối, nhưng cất ngòi bút viết, mở miệng nói ra có tiếng não nùng thấm thía vào lòng người ta. Cái khuân ấy, cái lối ấy, chẳng qua là một cái rào chắn ngang đường, một cái khó của phong tục nó đố người tài, làm cho lộ thêm cái tài ra mà thôi.
Nay chúng tôi dịch truyện này ra chữ Quốc ngữ, có ý tra cứu các bản từ xưa đến giờ, để dịch cho đúng mà lưu lại một cái nền văn-chương nước Nam. Các điển tích chúng tôi đã chua ra, để ai ai cũng hiểu những câu sâu sắc trong truyện Kiều; để mà biết thực giá một cái hương-hỏa quí của người đời trước để lại cho; để mà ngâm câu truyện biết nghĩa lý, thì lòng người mới biết động.
Nay tựa
Nguyễn Văn Vĩnh
Hà Nội – 1909
Hồ Xuân Hương tân biên bản mục
Bà Hồ Xuân Hương tâm sự với Phạm Quý Thích là người bạn thân nhất của Nguyễn Du. Nên khi Phạm Quý Thích đã thăm bà ở Yên Tử. Bà thổ lộ cho biết đã kết bạn tình với Nguyễn Du năm 1813, năm Nguyễn Du được Gia Long bổ làm chánh sứ sang Tầu (Nguyễn Du là chú ruột vợ vua Gia Long)
Bà Hồ Xuân Hương có làm bài Hầu nghi Tiên Điền nhân trong tập Lưu hương Ký có hai câu “Chữ tình chốc đã ba năm vẹn – Giấc mộng rồi ra nửa khắc không”.
(Trần Nhuận Minh – Tạp chí Tân Văn)
Kim Vân Kiều
Bằng những mối nhân duyên trời cho, tôi (Nguyễn Lân Binh, cháu nội Nguyễn Văn Vĩnh) được may mắn tiếp cận với cuốn sách Kim Vân Kiều do Nguyễn Văn Vĩnh chuyển từ chữ Nôm sang Quốc Ngữ ấn hành năm 1915. Khi cầm cuốn sách quý trong tay, đọc những dòng chữ in trên trang nhất chúng tôi mới biết rằng, Nguyễn Văn Vĩnh đã cho in thành sách lần thứ nhất từ năm 1913.
Trong buổi phỏng vấn, nhà giáo Nguyễn Vinh Phúc đã nói về dịch thuật của Nguyễn Văn Vĩnh như sau:
“Cụ Vĩnh không phải chỉ dịch giỏi từ tiếng Pháp sang tiếng Việt đâu, mà cụ còn giỏi cả tiếng Hán và tiếng Nôm. Năm 1909, cụ cùng với cụ Phan Kế Bính dịch Tam Quốc chí diễn nghĩa từ Hán văn ra Quốc ngữ, cụ Vĩnh là người sửa bản dịch, ngày xưa các cụ gọi là ‘nhuận sắc’. Cụ Vĩnh không giỏi, làm sao cụ lại “duyệ” được chứ?! Rồi đến năm 1913, cụ Vĩnh còn dịch cả Kim Vân Kiều từ chữ Nôm sang chữ Quốc ngữ. Tôi còn giữ bản in lần đầu đấy!”.
Cụ thể, xin được dẫn chứng:
Bản in năm 1915 cũng của Hiệu Ích Ký ở 58 phố Hàng Giấy, Hà Nội. Câu đầu tiên trong “Kim Vân Kiều” được in như sau:
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là cợt nhau
Nguyễn Văn Vĩnh chú giải (xin sao chép nguyên tác):
“Lần in trước cho là “ghét nhau”, nhưng cợt nhau thì phải hơn. Nghĩa là chữ Mệnh thường hay đùa bỡn chữ Tài, có khi cho được hiển vinh xung xướng, có khi làm cho điêu đứng thiểu não, đó là thấy có tài thì đùa bỡn chơi mà thôi. Nếu ghét nhau thì bao nhiêu người có tài phải khổ cả”.
Đến đây, chúng ta khó có thể nghi ngờ việc Nguyễn Văn Vĩnh có thực giỏi chữ Hán và Nôm hay không? Hay ông đã yêu cái tiếng mẹ đẻ của mình đến ngần nào?!
Kiều Trương Vĩnh Ký
Trương Vĩnh Ký xưa nay vẫn được coi là người đầu tiên phiên Kiều sang quốc ngữ: bản đầu 1875 và bản nhì 1898.
Phần khảo cứu của Trần Nhật Vy khiến tôi nghĩ đến một loạt vấn đề. Ở đây tôi chỉ nói rất vắn tắt. Có vẻ như ông Trần Nhật Vy nghĩ rằng Trương Vĩnh Ký đi chép lại Kiều mà người miền Nam hay đọc.
Tôi cho rằng điều đó sai: đơn giản là Trương Vĩnh Ký dùng một bản Kiều Nôm rồi phiên âm ra. Ông Trần Nhật Vy nhắc đến chuyến ra Bắc của Trương Vĩnh Ký năm 1875 và đặt giả thuyết thời điểm ấy Trương Vĩnh Ký tiếp xúc với các bản Kiều Nôm.
Tôi không nghĩ vậy, tôi nghĩ Trương Vĩnh Ký đã có bản Kiều Nôm từ trước đó rất lâu. Kiều là một văn bản rất phức tạp, không thể có chuyện Trương Vĩnh Ký ra Bắc, mang Kiều Nôm vào Nam rồi phiên âm rồi in ngay trong cùng năm (1875).
(Nhị Linh)
181 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Lê Thị Huệ: Nếu tự giới thiệu, Trần Mạnh Hảo muốn giới thiệu về mình như thế nào?
Trần Mạnh Hảo: Nói về mình là điều rất khó đối với tôi. Là một người bình thường như mọi người bình thường khác, tôi muốn được nói lên, viết lên những điều mình thấy, mình nghĩ, mình xúc động trước mọi biến thiên của đời sống con người, thật khó khăn biết bao. Tôi đã được sinh ra trong một thời đại binh đao, khói lửa, tàn ác; bé tí tuổi đã thấy cảnh lính Tây đi càn quét, hãm hiếp, cướp phá, giết người. Tôi đã thấy Việt Minh và Công giáo Bùi Chu Phát Diệm chặt đầu nhau cắm cọc đầu làng và cả hai bên đánh nhau này, đều nhân danh những điều thiêng liêng tốt đẹp.
Tôi đã thấy cảnh cải cách ruộng đất rùng rợn, kinh khủng gần giống như Pôn-pốt Iêng-xary mà gia đình tôi là một nạn nhân…Tôi đã thấy…đã thấy…đã thấy…đói và rét kinh niên, cảnh con người không thể thành con người mà thành những nô lệ, những đầy tớ cho đám "đầy tớ của nhân dân". Trong những hoàn cảnh và điều kiện sống ghê rợn tưởng như một chú bé là tôi không thể làm người, không thể thành con người; vậy mà nhờ Chúa, tôi đã rất buồn đau trong tuyệt vọng để làm người một cách đau đớn.
Và có thể ma đưa lối quỷ dẫn đường tôi lại cầm lấy cây bút, để viết ra những nỗi đau giằng xé của đời này. Cả cuộc đời cầm bút của tôi có lẽ chỉ để thốt lên một điều: rằng làm người khó biết bao!
(Trò chuyện với Trần Mạnh Hảo – Lê Thị Huệ)
Tố Hữu và văn nghệ sĩ
Giai thoại kể khi Trần Đăng Khoa độ 10 tuổi, bằng thái độ hồn nhiên phê bình thơ Tố Hữu trong bài thơ “Ta đi tới” câu…Trên đường cái ung dung ta bước - Đường ta rộng thênh thang tám thước. Trần Đăng Khoa lý giải câu: “Đường ta rộng thênh thanh tám thước” phải sửa lại. Vì đã coi là thênh thang, làm gì có giới hạn. Nếu nói 8 thước, không thể gọi là thênh thang được.
Lời phê bình của Trần Đăng Khoa bị “ghi vào sổ” vì “mới nứt mắt mà đã kiêu căng”. Nên vừa mới 17 tuổi, Trần Đăng Khoa đã…may mắn trúng tuyển nghĩa vụ quân sự.
(Nguyễn Đăng Mạnh)
Câu đối
Khi còn đi học, Nguyễn Công Trứ cầm một quan tiền đi mua hàng cho thân mẫu, nửa
đường gặp bọn đánh đáo rủ đánh ăn tiền, ông đứng lại chơi, rủi ro thua hết cả,
ông tự an ủi bằng hai câu:
Tưởng làm đôi chữ mà chơi
vậy
Bỗng chốc nên quan đã sướng chưa
Chữ đây (đồng ?), tiếng Nghệ dùng cũng như đồng tiền ở ngoài Bắc. Quan là quan tiền
nhưng lại có thể hiểu là làm quan.
***
Hai câu trên, năm 1933, có người đã chép gửi cho ông Phạm Quỳnh, bấy giờ vừa từ
ghế chủ bút báo Nam Phong nhảy lên ghế thượng thư :
Tưởng làm đôi chữ mà chơi vậy,
Bỗng chốc nên quan đã sướng chưa
(Chơi chữ - Lãng Nhân Phùng Tất Đắc)
Chữ nghĩa làng văn
Truyện Trầu cau của Trần Thế Pháp nằm trong sách Lĩnh Nam chích quái, được biên soạn vào khoảng năm 1370 - 1400. Một thế kỷ sau, năm 1492 và 1493, sách bị Vũ Quỳnh và Kiều Phú nhuận sắc. Chưa hết. Từ miếng trầu là đầu câu chuyện sinh ra những chuyện sau đây…
Miếng giầu là đầu câu chuyện. Các bà
chào hỏi, mời nhau ăn giầu. Không bao giờ người ta mời nhau ăn giầu
không.
Nói đến giầu lại sực nhớ ngày nào mẹ đi chợ Thị Nghè bị bà bán
hàng nửa đùa nửa thật “Mua trầu thì tui bán, mua giầu
không thì cả chợ này không ai bán đâu”.
Ai cười giầu không thì người đó hở mười cái răng… .
Ngày xưa, các ông cũng ăn trầu. Cụ ông, cụ bà nào “hàm răng chiếc rụng chiếc
lung lay”, thì phải dùng cối để giã
trầu.
Còn một nỗi này thêm chán ngắt,
Đi đâu dở những cối cùng chày.
(Nguyễn Khuyến, Than già)
(Nguyễn Dư)
Nhớ Sài Gòn, chốn cũ đường xưa
Tân Định & Đa Kao những ngày xưa cũ
Đường Nguyễn Huy Tự ngắn chừng ba mươi thước. Chấm dứt khi đụng đường Nguyễn Văn Giai. Chạy thẳng là Viện Nhu Đạo Quang Trung của Thượng Toạ Thích Tâm Giác. Đối diện với Viện Nhu Đạo Quang Trung là một ngôi chùa lâu đời của người Hoa, mang tên chùa Ngọc Hoàng. Đặc biệt, trong chùa có một cái hồ lớn và sâu. Nhà chùa thả rất nhiều rùa, có những con sống đã vài chục năm trở lên.
Đường Nguyễn Huy Tự, quẹo trái là đường Bùi Hữu Nghĩa. Có một cây cầu sắt cũ. Nếu quẹo phải sẽ găp đường Nguyễn Văn Giai. Đi hết đường Nguyễn Văn Giai sẽ gặp đường Đinh Tiên Hoàng, nhìn sang phía bên kia đường là đường Huỳnh Khương Ninh. Bên trái là rạp hát Asam. Đầu đường có xe bánh mì Bảy Quan với bánh mì thịt dăm bông và ba tê rất độc đáo. Trên con đường này còn có trường trung học Huỳnh Khương Ninh.
(Trần Đình Phước)
Cơm niêu, nước lọ - 1
Hà Thành vào khoảng năm 1938-1940 có ba nơi bán “cơm niêu, nước lọ”. Một ở phố Hàng Giầy, Hàng Giấy và phố Đinh Liệt. Nơi bán không có cửa hiệu, khách vào không người chào đón, thường thì lầm lì quẳng vào chiếc mẹt 7 hào rồi tự động lấy một khẩu phần “cơm niêu, nước lọ”. Tất cả đặt trên một cái mẹt, đường kính khoảng 20cm. Khách có mẹt thức ăn, rồi tự tìm lấy mảnh chiếu nhỏ ngồi. Suất ăn trên mẹt gồm có một niêu cơm nhỏ, một cái đũa cả ngắn, một đôi đũa nhỏ, ngắn kiểu đũa ăn rượu nếp và 4 cái chai nhỏ chừng độ 20ml, mỗi chai đậy kín bằng nút bấc.
Trong niêu nhỏ có hai bát cơm được thổi sẵn trong nồi lớn. Cơm được thổi bằng gạo tám thơm và tám xoan, mỗi loại gạo chiếm một nửa, vì gạo tám thơm có vị thơm đậm đà, nhưng gạo tám xoan có vị thơm nồng nàn. Cơm được đong vào niêu, ở giữa là thức ăn gồm: Một miếng thịt bò chiên, một miếng thịt gà mái có da vàng ngậy, một miếng thịt lợn rán có đủ bì, mỡ và nạc, một miếng gan lợn xào, một dúm trứng cáy hoặc tôm bóc nõn luộc, hai cái nấm rơm hay đông cô, một cánh mộc nhĩ (nấm tai mèo)…Tất cả được rưới lên một chút nước sốt đậm có hồ tiêu.
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Mới đây thêm một cuốn từ điển với cách giải nghĩa từ ngữ… giật mình, đó là cuốn “Từ điển tiếng Việt” do NXB Bách khoa Hà Nội biên soạn có những định nghĩa gây choáng váng, chẳng hạn như:
“nữ phi công” là “phi công đàn bà”
Cơm niêu, nước lọ - 2
Chiếc niêu được gói một tờ giấy bản, rồi đậy nắp vung lên, lèn thật kín và được hâm cách thủy. Bốn chiếc chai nhỏ đặt trên mẹt đựng bốn thứ phụ cho bữa ăn. Chúng gồm một lọ nhỏ nước mắm cà cuống, một chai nước canh, một chai đựng rượu ngang và chai đựng nước trà.
Khách ăn dùng chiếc đũa cả đập vào cái niêu Thổ Hà mới toanh một cái “bốp”. Cái niêu vỡ ra. Bữa cơm bắt đầu. Ăn uống xong, khách lẳng lặng bỏ đi, phủi bụi quần, rồi lại nhập vào phố xá ồn ào. Thực ra, bữa cơm này còn đắt hơn đĩa cơm rang thập cẩm ở nhà hàng Mỹ Kinh tại phố Hàng Buồm chỉ trả có 3 hào.
Cơm niêu (không nước lọ) bây giờ chỉ có cái niêu bằng đất nung trong có cơm gạo thơm thường, khi ăn thì rắc thêm muối vừng (mè) vào. Và chỉ có vậy.
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Những sai lầm trong Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân
đô hộ
Ðô nghĩa là thâu tóm, hộ nghĩa là che chở. Soạn giả định nghĩa
rằng, đô hộ là thống trị và áp bức bóc lột một nước. Ðó là cách hiểu thông
thường của chúng ta hiện nay về từ này, coi như một từ đã “Việt hoá”. Ðáng lẽ
soạn giả phải nêu được nghĩa ban đầu của từ này. Ðối với người Trung
Quốc, đô hộ không có nghĩa là thống trị
hoặc áp bức một nước khác.
Sau đó, người Việt Nam chúng ta mới gán cho từ đô hộ cái nghĩa là thống trị hoặc áp bức.
(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)
“Ba Tàu” huyễn sử
Theo chủ quan của người viết, “gốc” của từ Ba Tàu là một từ bình thường, như từ “Cầu Bông” hay “Đông Ba” chẳng có gì để căn cứ vào đó mà nói rằng “Ba Tàu là cách gọi thiếu thiện cảm của người Việt đối với người Tàu ở Việt Nam.”
Người Việt cũng gọi người Ba Tàu là “Các chú”. Bài viết ở trang Wikipedia nói trên cũng trích dẫn tiếp bài báo trên Gia Định Báo giải thích: “Kêu Các-chú là bởi người Minh-hương mà ra; mẹ An-nam cha Khách nên nhìn người Tàu là anh em, bằng không thì cũng là người đồng châu với cha mình, nên mới kêu là Các-chú nghĩa là anh em với cha mình. Sau lần lần người ta bắt chước mà kêu bậy theo làm vậy."(?)
Trật lất!
Chẳng thuyết phục gì cả. Đã có ai giải thích ở đâu đó: Các chú là tiếng nói trệch của từ “Khách trú.” Chỉ có vậy thôi.
Nếu có ai đa nghi mà thắc mắc rằng: liệu từ “Khách trú” có thực sự tồn tại trong ngữ cảnh này không? Tức là người Việt có thực sự đã dùng từ “khách trú” để gọi những người Hoa đang sống nhờ trên đất nước mình hay không?
(Thiếu Khanh)
Ghi chú của tác giả:
Người viết vừa xem lại Đại Nam Nhất Thống Chí, thấy tỉnh Thanh Hoa được đổi thành Thanh Hóa vào năm đầu niên hiệu Thiệu Trị (1841) chớ không phải đầu đời Minh Mạng.
Nhưng cái chính là sự kỵ húy đã đổi từ Hoa thành Hóa, Bông, và Ba. Và người Hoa thành Ba Tàu.
Tản mạn chữ Hán-Việt
Công bằng mà nói hai anh bạn của tôi đều giúp tôi rất nhiều, một người giúp tôi hiểu thêm cái hay của chữ Hán-Việt, còn một người giúp tôi tìm ra cái hay của chữ thuần Việt, đàng nào cũng cần nếu muốn viết đúng tiếng Việt.
Tôi vào Net tìm đọc những bài viết về chữ Hán-Việt và tóm tắt một số ý kiến như
sau:
Nên dùng chữ Hán-Việt trong các trường hợp dưới đây:
1 – Để tỏ lòng kính trọng, như trong các danh xưng ta gọi “người quá cố” thay
cho “người đã chết”, “nhạc phụ (mẫu)” thay cho “cha (mẹ) vợ” khi ta nói trước
đám đông.
2 – Để tránh những hình ảnh sống sượng hay ghê tởm: giao hoan (làm tình), xuất
huyết (chảy máu), đại tiện (đi ỉa), v…v…
3 – Làm ngắn gọn một câu dài: vô song (không ai sánh được), khả thi (có thể làm
được), tòng phạm (kẻ hùa theo cùng làm ác), tư cách (cách cư xử của một
người),…
4 – Dùng cho trong chuyên môn để không lẫn lộn với đời thường, như trong ngành
xây dựng gọi “trắc địa” thay vì “đo đất”; trong vật lý “quán tính” chỉ “sức ỳ”
của vật, “mã lực” là đơn vị đo lực chứ không là “sức ngựa”; trong báo chí “tốc
ký” là một phương pháp “viết nhanh”; trong ngoại giao, hai quốc gia “đối thoại”
với nhau chứ không “nói chuyện”, trong tôn giáo “tịnh xá” của tu sĩ không thể
gọi là “nhà yên (lặng)”, v...v…
5 – Cách xưng hô của những nhân vật thời cổ. Dù ta không biết những người thời
xưa gọi nhau như thế nào, nhưng để tạo không khí cổ kính cho câu chuyện, ta cần
dùng những danh xưng Hán-Việt như: huynh đài, các hạ, tiểu thư, hàn sĩ, phu
nhân, v.v.
Một nhận xét cũng đáng để ý là chữ Hán-Việt thường ít cụ thể hơn chữ Nôm, nhưng chính nhờ tính ít cụ thể đó mà chữ Hán-Việt mang cho ta một cảm giác lãng đãng, mênh mang; ví dụ những chữ “thuyền viễn xứ”, “khách tha phương”, người “đồng hương”, lời “ly biệt”, cho ta cái cảm giác bàng bạc dạt dào mà sẽ không thể có được nếu dùng chữ thuần Việt tương đương là “thuyền xa bến”, “khách xa nhà”, người “cùng quê”, lời “chia tay”.
(Ngũ Phương)
Kim
Dung trong sinh hoạt văn học miền Nam
Vì thế sách cũ ở đây được đồng hóa với sách cực kỳ phản động, không phản động thì đồi trụy, không đồi trụy thì lai căng.. Mấy chữ trên như những khẩu lệnh bao trùm và truy chụp hầu như bất cứ tác giả nào và bất cứ quyển sách nào.
- Trước hết, các nhà xuất bản sách thiếu nhi bị cấm toàn bộ.
Đó là các nhà xuất bản như Tuổi thơ, Nắng sớm, Tuổi Hoa Niên, Sách Đẹp, Viễn Du, Hùng Dũng, Hoa Hồng, Hoa Hướng Dương, Hoa Mai, Hoa Hồng.
- Các dịch giả kiếm hiệp sau đây cũng bị cấm : Kim Dung, Cổ Long, Trần Thanh Vân, Nam Kim Thạch, Từ Khánh Phụng, Phan Cảnh Trung, Long Đức Nhân.
- Các tác giả có sách bị cấm toàn bộ như : Bùi Giáng, Chu Tử, Dương Nghiễm Mậu, Duyên Anh, Doãn Quốc Sĩ, Đinh Hùng, Nguyễn Mạnh Côn Hoàng Hải Thủy, Lệ Hằng, Mai Thảo, Nguyên Sa, Nguyễn Đình Toàn, Thế Uyên, Thanh Nam, Võ Phiến, Văn Quang, Vũ Hoàng Chương, Vũ Tài Lục, Nguyễn Mộng Giác, Thảo Trường, Nguyễn Thị Hoàng, v…v…
Đến có thể nói, một trong những nét đặc thù trong sinh hoạt Văn Học miền Nam là sách của Kim Dung. Kim Dung tên thật là Trà Lương Dung. Truyện võ hiệp đầu tay là Thư kiếm ân cừu, xuất bản ở Hương Cảng, từ đó có bút danh Kim Dung. Năm 1957 ra bộ Anh Hùng Xạ Điêu, 1969 ra Lộc Đỉnh Ký. Cho mãi đến 1978 Đài Loan mới rút lệnh cấm tác phẩm Kim Dung và 1986, sau khi tiến lên 4 Hiện đại hoá ở Trung Quốc mới xuất hiện Kim Dung. Truyện chưởng Kim Dung "độc bá quần hùng" trong sinh hoạt văn học ở miền Nam thời ấy. Vào năm 1968, khi xuất hiện Tiếu Ngạo Giang Hồ thì có đến 44 nhật báo ở Sàigòn đều tranh nhau dịch và đăng lại. Tình trạng mê Kim Dung đến như thế, và kéo dài cho đến 1972-1974 khi bộ Lộc Đỉnh Ký ra đời.
Và đây là lời Vũ Đức Sao Biển, tốt nghiệp Đại học Văn Khoa, Sàigòn, ban Hán Văn:
"Tôi học cách làm người, cách đối xử nhân thế, đắc thủ được những kiến thức hoàn toàn không có trong giáo trình đại học từ các tác phẩm của một nhà văn nước ngoài chưa hề biết mặt."
(Nguyễn Văn Lục)
***
Phụ đính I
Chân dung hay chân tướng nhà văn
Mới đây, một anh bạn nhà văn khá nổi tiếng sau khi đọc loạt “Chân dung hay chân tướng nhà văn” gọi điện khuyên tôi không nên viết các nhà văn quá cố, bởi người chết không còn cãi được mà chỉ nên viết người đang sống, còn “phản biện” được.
Chiều lòng anh bạn, kỳ này xin nói tới một nhà văn cao tuổi: lão nhà văn Tô
Hoài.
Sinh thời, ông trùm văn hoá mác xít Việt Nam, nhà phê bình văn học Như Phong
“khái quát “ về nhà văn Tô Hoài vẻn vẹn có mỗi một câu: “thằng ngoại ô láu cá, văn chương đẽo gọt”.
Văn chương khoan nói, nhưng về cái sự khôn lỏi, láu cá đầy phong cách “ngoại ô”
thì Hội nhà văn phải lấy “ông này tiên sư”.
Thời bao cấp, đi nước ngoài “tham quan, hội thảo, gặp gỡ” (hồi đó chưa có từ
“giao lưu”) còn là một mơ ước xa vời với các bác có chân trong Hội nhà văn Việt
Nam.
Từ khâu đầu
tiên được Ban đối ngoại Hội dự kiến, Ban thường vụ Hội duyệt rồi qua Bộ Nội vụ,
Bộ Văn hoá, Bộ Ngoại giao rồi tới Vụ Văn Nghệ, Ban tuyên giáo trung ương, Ban
bí thư… là cả một “con đường sấm sét” muôn vàn trắc trở. Cử ai đi
chứ cái thằng cha X. này phải coi lại. Nghe nói tư tưởng “có vấn đề”. Nghe nói
phát ngôn lung tung. Nghe nói viết lách không rõ ràng… Bằng ngần ấy ông “gác
cửa”, chỉ cần một ông “phán cho một câu” là rớt đài… đợi chuyến sau.
Ấy vậy mà lọt qua được bằng ấy cửa tử rồi, vẫn cứ phải chờ “anh Lành“ (tức Tố
Hữu) gật cho một phát mới gọi là tạm yên tâm và bắt đầu hồi hộp chờ nhận com lê, cavát,
hộ chiếu, vé máy bay đợi ngày xuất ngoại.
(Nhật Tuấn)
***
Phụ đính II
Chữ nghĩa làng văn
Vụ án “Về Kinh Bắc”, một sự kiện “Hậu Nhân Văn”
(tiếp tục kỳ trước)
Để cho tôi một mình đọc xong, người ta mới đưa tôi trở lại phòng giam. Và họ bố trí rất khéo, để như tình cờ tôi gặp Hoàng Cầm đang ngồi ở cổng chờ (giữa khu trại giam và khu “làm việc” có một cái cổng lớn, sau khi “làm việc” xong phạm nhân ngồi đó chờ “quản giáo” ra nhận để đưa vào buồng giam).
Tôi xông đến bên ông, hỏi gay gắt: “Anh nhận tội phản động thật à? Sao lại thế?” Hoàng Cầm cúi đầu xuống, không nói gì, từ khóe mắt ông lăn ra những giọt nước mắt. Đến tận hôm nay, nhớ lại những giọt lệ tủi nhục của nhà thơ đàn anh, lòng tôi vẫn còn đau.
Với tôi, tự buộc mình phải hèn để có thể tồn tại là điều không gì đau hơn cho một kẻ sĩ.
(Hòang Hưng)
Chữ nghĩa làng văn
Ở Sài Gòn, cách đây chừng 10 năm có một con đường nhỏ được mang tên Hồ Trọng Hiếu, nằm ở Ngã Ba Cây Thị, Quận Gò Vấp.
Ngay tại ngã ba này có căn nhà của người em ruột của cụ Tú Mỡ là cụ Hồ Trọng Phú, mà tôi và bà nhà vẫn gọi là chú Tư Phú, người cũng di cư vào Nam đợt 1954 giống như gia đình tôi.
Hy vọng sự sắp đặt cho dù là tình cờ này cũng an ủi phần nào cho con cháu của cụ Tú Mỡ, một nhà thơ trào phúng độc đáo của nền văn học Việt Nam.
(Dõan Quốc Sỹ)
(cụ Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu là nhạc gia của Dõan Quốc Sỹ)
Mời Xem .
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét