Vanvn- Mùa thu tới, là khi lá rụng nhiều, lá xào xạc trên cây, đổi màu thay sắc và rồi từng chiếc rơi từng chiếc. Đấy có lẽ là lúc thích hợp nhất để đọc văn chương của Grazia Deledda, trong khi chờ đợi bản dịch trước tác của bà sắp ra mắt.
Grazia Maria Cosima Damiana Deledda sinh ra ở Nuoro trên đảo Sardegna năm 1871. Đó là một phụ nữ tài hoa, nhà văn, nhà thơ, người nội trợ cầm bút, và là người phụ nữ Ý đầu tiên và duy nhất (cho tới nay) và là người phụ nữ thứ hai trên thế giới nhận giải thưởng cao quý – Nobel Văn chương (1926).
Bà sinh ra trong một gia đình khá giả có bảy anh chị em. Cha bà tốt nghiệp đại học luật nhưng không ra hành nghề mà chỉ kinh doanh, làm thị trưởng ở Nuoro và cũng làm thơ bằng ngôn ngữ Sardegna. Mẹ bà là một người nội trợ rất giữ gìn truyền thống, văn hóa và quan tâm đến việc giáo dục con cái.
Grazia Deledda chỉ được đến trường cho tới lớp 4 tiểu học rồi sau đó bị bắt buộc ở nhà học kèm với gia sư môn tiếng Ý, tiếng Latin và tiếng Pháp. Bà đã tự học thêm rất nhiều sau đó.
Grazia Deledda viết từ rất sớm, làm thơ và viết truyện ngắn từ năm 8 tuổi, năm 15 tuổi đăng truyện ngắn đầu tay Giọt máu Sardegna trên tạp chí thời trang L’ultima moda. Năm 1891 bà in tập truyện ngắn đầu tiên. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên thực sự thành công của bà là Elias Portolu (1903) đã dẫn tới một chuỗi thành công về tiểu thuyết và kịch bản.
Tác phẩm nổi tiếng nhất và thành công nhất của bà là Canne al vento (Cành sậy trước gió – 1913). Cuốn sách đã được Hãng truyền hình Rai dựng phim năm 1958, ngay cái tiêu đề đã là một ẩn dụ về sự mong manh của kiếp người và sự khắc nghiệt của thiên nhiên.
Bà viết rất nhiều và rất đều tay, từ chủ nghĩa hiện thực đến nền tảng dân gian và khu vực: truyền thuyết về vùng đất, những niềm đam mê, những khao khát, tình yêu, những tội lỗi, nổi loạn, đấu tranh giữa thiện và ác.
Trong những trang viết của bà, con người và thiên nhiên hòa quyện vào nhau, luôn hướng về một cái nhìn lạc quan cho dù phải trải qua nhiều nhọc nhằn, đau khổ. Hòn đảo ngọc Sardegna vốn là một cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nhiều phần khắc nghiệt nhưng luôn sống động với hệ thực vật và động vật phong phú, giàu có về phong tục, văn hóa, lịch sử, truyền thống và kiến trúc… luôn hiện rõ nét trong từng tác phẩm của bà, như đã được nhận xét: “…sức mạnh của ngòi viết lấy từ những cảm hứng lý tưởng đã miêu tả chân thật sống động cuộc sống trên hòn đảo quê hương của bà, với sự hiểu biết và cảm thông vô cùng sâu sắc về các vấn đề của con người…” (trích lý do trao giải Nobel).
Grazia Deledda kết bạn với nhiều thi sĩ cùng thời và những vần thơ của bà cũng được đánh giá cao. Cade una foglia (Một chiếc lá rơi) là một bài thơ rất ngắn gọn nhưng đầy hàm ý. Deledda đã sử dụng hình ảnh của chiếc lá để mô tả thân phận con người, cũng như rất nhiều nhà thơ nổi tiếng khác, trong đó có Giuseppe Ungaretti, bạn tâm giao của bà.
CADE UNE FOGLIA
Cade una foglia che pare
tinta di sole, che nel cadere
ha l’iridescenza di una farfalla
ma appena giunta la terra
si confonde con l’ombra, già morta
MỘT CHIẾC LÁ RƠI
Một chiếc lá rơi
như nhuộm nắng trời,
lá rơi rơi xuống
mang ánh cầu vồng
từ đôi cánh bướm
Vừa khi chạm đất
chiếc lá lẫn vào
bóng tối thật mau,
rằng là đã chết.
Một chiếc lá rơi nhắc nhở chúng ta về sự hiện hữu của mình. Giống như chiếc lá rời khỏi cây, sự hiện hữu của con người đi từ giai đoạn này sang giai đoạn khác và trong một khoảng thời gian rất ngắn, nhanh đến độ ta không ngờ tới, một chớp mắt mà thôi.
Tuổi trẻ nhuộm đầy ánh nắng, rực rỡ, chói lọi, tươi màu và đầy sức sống rồi nhường chỗ cho tuổi trưởng thành óng ánh sắc màu như cánh bướm. Từ “iridescenza” (irisdescene) có phần gốc từ tiếng Hy Lạp “iris” nghĩa là “cầu vồng”, thêm vào phần đuôi tiếng Latin “-escent” nghĩa là “có khuynh hướng”. Iris bắt nguồn từ nữ thần Iris trong thần thoại Hy Lạp, là hiện thân của cầu vồng.
Iridescenza còn được biết như là goniochromism, có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp “gonia” (góc) và “chroma” (màu sắc). Iridescenza là một hiện tượng quang học của một số bề mặt xuất hiện sự thay đổi màu sắc khi góc nhìn hoặc góc chiếu sáng thay đổi. Bong bóng xà phòng, vỏ của các con ốc, cánh của một số côn trùng có đặc tính này. Grazia Deledda đã nhìn hiện tượng này trên cánh bướm.
Chính xác hiện tượng này xảy ra như thế nào? Quan sát cánh của một số loài bướm nhất định, đặc biệt là vào những ngày mùa xuân và mùa hè, người ta thấy được sự chuyển đổi màu sắc, thấy được hình dáng cầu vồng khác nhau tùy theo góc độ khác nhau.
Đôi cánh của loài bướm không phẳng mà vô cùng rỗ, các lỗ nhỏ đến mức khó tin, không vượt quá 1 phần tỉ mét, nghĩa là đường kính của một sợi tóc lớn hơn cái lỗ này 10.000 lần. Khi ánh sáng chiếu vào những lỗ siêu nhỏ này trên cánh bướm, nó sẽ vỡ ra thành hàng nghìn vòng tròn màu sắc.
Ánh sáng khả kiến đối với chúng ta có màu trắng, nhưng nếu chúng ta truyền nó qua một lăng kính, nó sẽ hiện ra tất cả các sắc màu. Các cánh rỗ của bướm thực hiện chức năng của một lăng kính, tách ánh sáng thành nhiều màu khác nhau, khiến chúng ta thấy lấp lánh ánh sáng cầu vồng. Hơn nữa, trên cánh bướm có phấn bướm, thứ bột phấn nổi tiếng làm cho đôi cánh có màu sặc sỡ.
Cánh bướm có nhiều vẩy nhỏ li ti, trên vẩy có chứa các hạt sắc tố đủ màu, xếp trên màng cánh giống như ngói của mái nhà. Mặt vẩy còn có nhiều hoa văn ngang dọc, hình thành kết cấu lập thể nhiều lớp. Khi ánh sáng chiếu vào ở các góc độ khác nhau, vẩy sẽ phản xạ, chiếu xạ, nhiễu xạ, tạo ra màu sắc biến ảo vô tận. Trong thần thoại Hy Lạp, con bướm là biểu tượng của tâm hồn, sự nhẹ nhàng và bay bổng của những hơi thở của sự sống.
Chỉ là một chữ trong bài thơ mà cho tới lúc này chúng ta đã phải đọc thêm bao nhiêu chữ để hiểu Deledda, một bà nội trợ chỉ học xong lớp 4 và thêm suốt một cuộc đời quan sát, ghi nhớ, học hỏi và viết lại.
Tuổi trưởng thành của con người chúng ta cũng đi qua nhiều lăng kính khác nhau, được nhìn dưới nhiều góc độ khác nhau, hiện lên nhiều màu sắc khác nhau: tình yêu, thù hận, niềm vui, nỗi buồn, thành công, thất bại, hạnh phúc, khổ đau, nụ cười, nước mắt…
Deledda cũng trải qua nhiều bi kịch trong gia đình, kết hôn và có một cuộc sống tuy không giàu sang nhưng hạnh phúc với Palmiro Madesani, người bạn đồng hành không liên quan gì tới văn chương nhưng luôn hiểu, tôn trọng và sát cánh cùng bà. Bà đã lớn lên cùng các con và làm bạn cùng với cháu.
Maxim Gorky từng nhắc đến Deldda trong một lá thư gửi đến một nhà văn khác như sau: “…Tôi muốn chỉ ra hai nhà văn không có đối thủ cả trong quá khứ và hiện tại: Selma Lagerlof và Grazia Deledda. Thật là những ngòi bút và những tiếng nói mạnh mẽ! Ở họ có những thứ gì đó có thể hướng dẫn cho “những người” của chúng ta…”.
Chiếc lá kia rơi xuống đất, lá lẫn vào trong bóng tối. Lá chết. Bóng tối và cái chết. Nhưng một vòng đời mới lại sinh ra, một hành trình mới lại bắt đầu. Đọc các cuốn sách của bà ta sẽ hiểu dấu chấm của bài thơ chỉ là kết thúc một hành trình vô cùng nhanh chóng, ngắn ngủi và đường phía trước còn rất dài.
Grazia Deledda ra đi sau 10 năm nhận giải Nobel vào năm 1936 ở Roma, sau một thời gian dài chống chọi với ung thu vú, để lại cuốn tự truyện Cosima dang dở. Nhưng từ đó đến nay, không biết bao nhiêu lần sách của bà lại được tiếp tục phát hành, số lượng các bản in không biết lên tới bao nhiêu, số lượng sách nghiên cứu bình luận về bà và hướng dẫn đọc văn phong, ý tưởng của bà không biết là bao nhiêu nữa. Gõ tên Grazia Deledda vào mạng lưới thư viện địa phương tôi thấy có 332 trang ở mục tìm kiếm, cho dù ở Ý bà bị gọi với cái tên ” Giải Nobel bị quên lãng”.
Grazia Deledda vẫn luôn vững chãi và sâu rộng như núi non, biển cả, mặt trời, mặt trăng, gió, nước và những kiến trúc “nuraghe” bằng đá tự ngàn xưa trên hòn đảo Sardegna quê hương bà.
LIÊN HƯƠNG
Tuổi Trẻ Cuối tuần
Xem thêm:Chuyện tình chấn động của nữ nhà văn vừa đoạt Nobel 2022
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét