Trong suốt 845 năm khoa cử lịch triều, kể từ khoa thi đầu tiên Minh Kinh Bác Học mở ra năm Ất Mão 1075 dưới triều vua Lý Nhân Tông tới khoa thi cuối cùng năm mậu ngọ 1918 ở Trung Kỳ, chỉ có 5 người được vinh dự mang danh hiệu Tam Nguyên tức đỗ đầu cả ba kỳ thi Hương, Hội và Đình. Đó là các vị Đào Sư Tích, Lê Quí Đôn, Trần Bích San, Nguyễn Khuyến và Vũ Phạm Hàm.
Danh hiệu khác với học vị. Đỗ đầu một kỳ thi thì được mang danh hiệu "Nguyên". Đỗ đầu kỳ thi hương là Giải Nguyên, đỗ đầu kỳ thi Hội là Hội Nguyên, đỗ đầu kỳ thi Đình là Đình Nguyên. Học vị là đẳng cấp cao thấp của văn bằng. Thấp nhất là Tú Tài cao hơn là Cử Nhân (dưới triều Lê Trung Hưng là Sinh Đồ và Hương Cống). Thi Hương chỉ đỗ Tú Tài hoặc Cử Nhân, ai đỗ Cử Nhân mới được phép thi Hội ở kinh đô. Nếu đỗ thi Hội, thi Đình thì được học vị Tiến Sĩ. Học vị Tiến Sĩ lại chia ra nhiều cấp khác nhau với ba giáp là đệ nhất, đệ nhị và đệ tam. Tiến Sĩ Đệ Nhất Giáp còn gọi là Tiến Sĩ Cập Đệ chỉ lấy có ba người, cao nhất là Trạng Nguyên (trùm đầu), thứ nhì là Bảng Nhãn (mắt bảng), thứ ba là Thám Hoa (thăm hoa). Dưới đời nhà Nguyễn học vị Trạng Nguyên bị bãi bỏ, do đó từ năm 1822 trở về sau Bảng Nhãn là học vị cao nhất (dưới triều vua Gia Long chỉ có thi Hương, mãi đến năm 1822 vua Minh Mạng mới mở khoa thi Hội). Thứ đến là Tiến Sĩ Đệ Nhị Giáp còn gọi là Tiến Sĩ Xuất Thân không hạn chế số người, nhiều hay ít tùy theo khoa. Đỗ đầu đệ nhị giáp có học vị là Hoàng giáp. Sau cùng là Tiến Sĩ Đệ Tam Giáp còn gọi là ĐồngTiến Sĩ Xuất Thân (tức là Tiến Sĩ thường). Đến đời Minh Mạng kể từ khoa thi năm 1829 sợ bỏ xót nhân tài nên cho những người trúng cách nhưng không đủ phân điểm được đỗ Phó Bảng. Phó Bảng là học vị cao hơn Cử Nhân nhưng dưới Tiến Sĩ (vua Tự Đức gọi là Tiến Sĩ bất cập hay nôm na là Tiến Sĩ đỗ vớt).
Phân biệt như thế để biết rằng tuy cùng là Tam Nguyên nhưng học vị cao thấp khác nhau. Trong 5 vị Tam Nguyên có 3 vị đỗ đệ nhất giáp còn 2 vị kia đỗ đệ nhị giáp. Người có học vị cao nhất là Đào Sư Tích đỗ Trạng Nguyên, thứ nhì là Lê Quí Đôn và Vũ Phạm Hàm (Lê Quí Đôn đỗ Bảng Nhãn và Vũ Phạm Hàm đỗ Thám Hoa nhưng vì dưới triều nhà Nguyễn không có học vị Trạng Nguyên nên Thám Hoa tương đương với Bảng Nhãn của các triều khác). Trần Bích San và Nguyễn Khuyến có học vị thấp nhất trong năm vị tam nguyên vì chỉ đỗ Hoàng Giáp, tức tam nguyên nhị giáp.
TAM NGUYÊN TRẠNG NGUYÊN ĐÀO SƯ TÍCH
Đào Sư Tích người hạt Tây Chân Cổ Lễ, tức làng Song Khê, huyện An Dũng, Tỉnh Bắc Ninh ngày nay (Theo Đại Việt Lịch Triều Đăng Khoa Lục trang 18). Năm Giáp Dần 1374 vua Trần Duệ Tông (1374-1377) mở khoa thi Tiến Sĩ, học vị Tiến Sĩ bắt đầu có từ năm này. Kỳ thi Đình được tổ chức tại hành cung Thiên Trường (thuộc phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định ngày nay). Khoa này có tất cả 50 người đỗ Tiến Sĩ, Đào Sư Tích đỗ đầu từ thi Hương đến thi Đình là vị Tam Nguyên đầu tiên trong lịch sử khoa cử lịch triều Việt Nam.
TAM NGUYÊN DUYÊN HÀ LÊ QUÍ ĐÔN (1726-1784)
Lê Quí Đôn (1) sinh năm 1726 tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường người làng Duyên Hà, huyện Duyên Hà, tỉnh Thái Bình bây giờ. Ông là con cả Trung Hiếu Công Lê Phú Thứ (1694 - 1781) đậu Tiến Sĩ năm 1724 đời vua Lê Dụ Tông niên hiệu Bảo Thái thứ 5, làm quan đêán Hình Bộ Thượng Thư.
Lê Quí Đôn nổi tiếng thông minh từ nhỏ, năm 18 tuổi đậu Giải Nguyên, năm 1752 đời vua Lê Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng thứ 23 đỗ Hội Nguyên và Đình Nguyên Bảng Nhỡn là vị Tam Nguyên thứ hai lúc mới 27 tuổi.
Lúc đầu Lê Quí Đôn được bổ làm Hàn Lâm Viện Thị Thư vào năm 1753, rồi khi thì làm quan ở các trấn, khi ở trong triều, ông được thăng dần lên tới Công Bộ Thượng Thư vào năm 1784 là năm ông mất. Năm 1760 đi sứ sang Tàu, các danh sĩ Trung Hoa và sứ thần Đại Hàn rất khâm phục sự ứng đối và văn tài của ông. Những bài tựa của các danh sĩ Trung Hoa trong một số tác phẩm của ông đã được viết trong thời gian hai năm đi sứ này (1760-1762). Từ năm 1769 đến 1770 Lê Quí Đôn có công tiễu trừ các đồ đảng của Lê Duy Mật ở Thanh Hoá và Nghệ An. Năm 1775 sung chức Tổng Tài Quốc Sử Quán coi việc tục biên quốc sử với Nguyễn Hoàn. Sau đó ông được cử vào Thuận Hóa làm Tham Thị cùng Bùi Thế Đạt chống nhau với quân Tây Sơn. Ông mất năm giáp thìn 1784 hưởng dương 59 tuổi.
Lê Quí
Đôn là một nhà thông thái và bác học về đời Lê mạt. Với kiến văn quảng bác ông
trứ thuật và biên tập rất nhiều sách về lịch sử, địa dư và văn hóa. Các
tác phẩm gần 80 quyển của ông hầu hết viết bằng chữ nho, thi văn bằng chữ nôm
chỉ còn truyền lại một câu đối, một bài thơ, một bài kinh nghĩa và một bài văn
sách (2). Các tác phẩm bằng Hán Văn của ông có thể chia làm 5 loại:
Loại 1: các tác phẩm bàn về Tứ Thư và Ngũ Kinh của Nho Giáo
- Dịch Kinh Phu Thuyết (Lời bàn nông nổi về Kinh Dịch) gồm 6 quyển.
- Thư Kinh Diễn Nghĩa (Giảng Nghĩa Kinh Thư), gồm 3 quyển, có bài tựa của ông
đề năm 1772 và có khắc in.
Loại 2: các tác phẩm khảo cứu về cổ thư:
- Quần Thư Khảo Biện (Xét bàn các sách), có bài tựa của ông đề năm 1757 cùng
với Chu Bội Liên (danh sĩ Trung Hoa) và Hồng Khải Hi (sứ thần Cao Ly) đề năm
1761.
- Thánh Mô Hiền Phạm Lục (Chép về mẫu mực các bậc thánh hiền) gồm 12 quyển, có
tựa của Chu Bội Liên và Hồng Khải Hi đề năm 1761.
- Vân Đài Loại Ngữ (Lời nói chia ra từng loại ở nơi đọc sách) gồm 4 quyển, có
tời tựa của ông đề năm 1773.
Loại 3: Các Tác Phẩm Sưu Tập Thi Văn:
- Toàn Việt Thi Lục (Chép đủ thơ nước Việt) gồm 15 quyển là một sưu tập thi ca
của gần 200 nhà thơ nước ta từ đời nhà Lý đến Hậu Lê, mỗi thi gia đều có phần
tiểu truyện. Tác phẩm này ông phụng chỉ của Vua Lê Hiển Tông năm Cảnh Hưng thứ
29 để biên tập. Đây là một tác phẩm rất quí hiếm cho văn học sử Việt Nam.
- Hoàng Việt Văn Hải (Bể văn ở nước Việt của nhà vua), sưu tập các bài văn hay.
Loại 4: các tác phẩm khảo cứu về sử địa:
- Lê Triều Thông Sử (hay Đại Việt Thông Sử) có bài tựa của ông đề năm 1789
trong đó ông cho biết cách thức biên tập bộ sử này. Chủ ý của ông là viết
sử theo thể "Kỷ Truyện" (phỏng theo lối viết của Tống Sử) (3) gồm các
phần Đế Kỷ viết theo thể biên niên chép việc vua từ Lê Thái Tổ đến Lê Cung
Hoàng (từ 1418 đến 1527). Sau đó là các phần Chí viết về các vấn đề trọng
đại, và phần Liệt Truyện chép tiểu truyện các nhân vật. Bộ sử này có thực
hiện xong như ông đã nói trong bài tựa hay không, chỉ biết hiện nay còn truyền
lại các phần Đế Kỷ gồm 2 quyển viết từ năm Lê Lợi khởi nghĩa (1418) đến năm
Thuận Thiên thứ 6 (1433), phần Nghệ Văn Chí gồm 1 quyển chép về sách vở văn
chương, phần Liệt Truyện viết về danh thần dưới đời vua Lê Thái Tổ, nghịch thần
từ cuối đời Trần đến nhà Mạc và tiểu sử các vua nhà Mạc từ Mạc Đăng Dung trở
xuống (1527-1677).
- Phủ Biên Tạp Lục (Chép lẫn lộn về chính trị cõi biên thùy) gồm 6 quyển, có
bài tựa của ông viết năm 1767. Bộ sách này chuyên khảo về lịch sử, địa dư,
phong tục, chính trị của các tỉnh phía giữa Trung phần ngày nay (Thuận Hóa và
Quảng Ngãi).
- Bắc Sứ Thông Lục (Chép các việc đi sứ Tàu) gồm 4 quyển có bài tựa của ông đề
năm 1763, chép các công văn, thư từ, núi sông, đường sá, chuyện trò, ứng đối
khi đi sứ sang Tàu từ 1760 đến 1762.
- Kiến Văn Tiểu Lục (Chép vặt những điều thấy nghe) gồm 12 quyển ghi chép những
điều ông ghi nhận được trong khi đọc các sách về lịch sử hoặc văn minh nuớc ta
từ cuối đời Trần đến đời ông.
Loại 5: Các thơ văn do ông sáng tác:
- Quế Đường Thi Tập (các bài đều có chú thích)
- Liên Châu Thi Tập gồm 4 quyển với hơn 400 bài thơ của ông và các bài xướng
họa của các thi giaTrung Hoa và Đại Hàn khi ông đi sứ
Tàu.
- Quế Đường Văn Tập gồm 4 quyển.
TAM NGUYÊN VỊ XUYÊN TRẦN BÍCH SAN (1838-1877)
Trần Bích San (4) sinh năm 1838, còn có tên gọi là Tam Nguyên Bến Nứa, người làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, Tỉnh Nam Định. Trước khi theo học Hoàng Giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị tên ông là Trần Tằng Tiễu, vì thấy ông văn hay hạnh tốt nên thày dạy đổi tên cho là Trần Bích San. Năm 1864 ông đỗ Giải Nguyên trường Nam Định lúc mới 26 tuổi. Năêm sau, 1865 vào kinh thi đỗ luôn Hội Nguyên và Đình Nguyên Hoàng giáp. Đỗ đầu ba kỳ thi liên tiếp như thế gọi là liên trúng tam nguyên, vua Tự Đức ban tên hiệu cho ông là Hy Tăng để so sánh với Vương Tăng đời nhà Tống bên Tàu cũng đỗ tam nguyên liên trúng như ông.
Năm 1867 Trần Bích
San được bổ làm Tri Phủ Thăng Bình, rồi đổi đi Điện Bàn. Mấy tháng sau
được thăng Án Sát tỉnh Bình Định. Năm 1868 ông được triệu về kinh sung
chức phó chủ khảo. Vì có lỗi trong lúc làm Án Sát ông bị giáng chức xuống
Tri Phủ. Năm 1869 ông lại được vời về triều đảm nhiệm quyền Hộ Bộ Sự Vụ,
rồi sau giữ quyền Lễ Bộ Sự Vụ. Năm 1870 Trần Bích San được cử đi sứ Trung
Hoa để thương thuyết về việc buôn bán với Hương Cảng. Năm 1872 ông cáo
quan về quê chịu tang cha. Hết 3 năm tang, ông trở vào kinh sung chức Đại
Lý Tự, rồi Nội Các Sự Vụ. Vài tháng thăng Thị Lang Bộ Lại rồi chỉ ít lâu
sau được bổ đi làm Tuần Phủ Hà Nội. Trong chức vụ này ông thường xuyên có
dịp giao thiệp với người Pháp. Có lần Phó Thủy Sư Đô Đốc Dupré ở Sài Gòn
ra ghé thăm xã giao ông. Dupré dắt theo một con chó. Ông ra đón
Dupré vào công đường. Chủ khách vừa an tọa thì con chó cũng nhảy lên nằm
trên ghế đối diện. Ông cho đó là dụng ý của Dupré muốn bỉ mặt mình nên
nổi giận phủi áo đứng dậy không tiếp Dupré nữa và sai lính đánh chết con chó.
Năm 1877 có cuộc đấu xảo ở Ba Lê, ngoài việc cử Nguyễn Thành Ý, lãnh sự ở Sài
Gòn đem sản vật sang Pháp trưng bày, vua Tự Đức còng ngỏ ý muốn cử một phái
đoàn ngoại giao sang Pháp để tỏ tình hữu nghị. Dupré ưng thuận nhưng yêu
cầu Nam Triều cử Tuần Phủ Hà Nội là Trần Bích San làm chánh sứ. Vua Tự
Đức triệu ông vào kinh để trao sứ mạng. Khi biết hành trình phải ghé Sài
Gòn nhờ phương tiện đường thủy của Dupré để sang Pháp, e rằng Dupré sẽ trả thù
làm nhục lây đến quốc thể mà lệnh vua không thể trái, ông ngán ngẩm sự đời nuốt
giấy bản tự vẫn. Thi hài Trần Bích San được đưa về làng Vị Xuyên mai
táng, lúc đó ông mới 39 tuổi. Trần Bích San mất sớm lại thiên nhiều về văn thơ
chữ Hán nên chỉ để lại có tập Tam Nguyên Vị Xuyên Thi Tập gồm hơm 100 bài thơ
bằng Hán Văn, không thấy có văn hoặc thi phẩm bằng chữ nôm.
TAM NGUYÊN YÊN ĐỔ NGUYỄN KHUYẾN (1835-1910)
Nguyễn Khuyến (5) thường được gọi là ông Nghè Và hay Tam Nguyên Yên Đổ, hiệu là Quế Sơn, sinh năm 1835, trước tên là Nguyễn Tất Thắng, người làng Yên Đổ tục gọi là làng Và (sau này là làng Vị Hạ), huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Tổ phụ là Nguyễn Mại đậu Tiến Sĩ sung chức Hiến Sát Sứ triều Lê. Thân phụ ông là Nguyễn Lệ đậu 3 khoa Tú Tài, gần 40 tuổi mới sinh hạ ra ông. Từ nhỏ đã rất thông minh và chăm học, nổi tiếng thần đồng. Năm 12 tuổi đã thuộc Kinh Sử, 14 tuổi văn lý đã thông, 15 tuổi đỗ đầu kỳ hạch tỉnh. Hai năm sau sửa soạn thi Hương thì thân phụ mất phải ở nhà cư tang. Sau đó cửa nhà sa sút túng thiếu lại rủi mấy khoa thi Hương sau đều rớt nên phải đi dạy học để độ nhật. Hoàng Giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị mến tài chu cấp cho ăn học. Năm 1864 đỗ Giải Nguyên trường Hà Nội nhưng năm sau thi Hội trượt, rồi lại hỏng luôn hai khoa nữa nên đổi tên là Nguyễn Khuyến để tự răn mình. Đến khoa thi năm 1871 ông mới đỗ Hội Nguyên và Đình Nguyên Hoàng Giáp.
Lúc đầu Nguyễn Khuyến được sơ bổ Nội Các Thừa Chỉ rồi làm Đốc Học Thanh Hóa, tiếp đó được thăng Bố Chánh Quảng Nam, Quảng Ngãi. Ông chính sự cần mẫn, thanh liêm lại có tài thao lược trong nhiều vụ tiễu trừ giặc giã. Một lần ông dâng sớ xin về hưu nhưng vua Tự Đức không chấp thuận, triệu về kinh làm Sử Quán Toản Tu. Năm 1882, Pháp lấy cớ thông thương uy hiếp Hà Nội, ông được cử làm Thương Biện lo việc giao thiệp và thương thuyết với Pháp. Sau đó sung chức Tổng Đốc Sơn-Hưng-Tuyên. Tình hình trong nước lúc đó rất nguy ngập, Pháp hạ thành Hà Nội năm 1883. Năm sau, 1884 vua Tự Đức băng hà triều đình Huế phải ký hòa ước Patenôtre công nhận cho Pháp quyền bảo hộ Bắc và Trung Kỳ. Năm sau, 1885 Nguyễn Khuyến lấy cớ đau mắt cáo quan xin về quê sống đời thanh bần nông thôn. Sau khi bình định các nơi, Pháp tìm cách mua chuộc sĩ phu để thu phục nhân tâm nên ủy cho Hoàng Cao Khải rồi Vũ Văn Báo nhiều lần mời Nguyễn Khuyến ra làm quan nhưng ông nhất định khước từ. Để Pháp khỏi nghi ngờ, ông nhận sự thăm hỏi của phe hợp tác với Pháp và cho con là Phó Bảng Nguyễn Hoan nhận một chức nhỏ. Ông lại giúp người con chấm giải thi Thơ ở Hưng Yên và có lúc phải dạy học trong dinh của Hoàng Cao Khải. Ông mất năm canh tuất 1910 hưởng thọ 75.
Nguyễn Khuyến là nhà thơ trào phúng lẫy lừng trong văn học sử Việt Nam hậu bán thế kỷ thứ 19. Về chữ Hán, Nguyễn Khuyến có Quế Sơn Thi Tập, về văn nôm ông làm đủ loại, để lại cho kho tàng văn học Việt Nam những tác phẩm đặc sắc về thi ca, phú, câu đối, hát nói (44 bài thơ đường luật, 2 bài phú, 5 bài hát nói, 1 bài văn tế, 2 bài lục bát và nhiều câu đối)
TAM NGUYÊN ĐÔN THƯ VŨ PHẠM HÀM (1864-1910)
Vũ Phạm Hàm (6), thường được gọi là Thám Hàm, sinh năm giáp tí 1864, người làng Đôn Thư huyện Thanh Oai tỉnh Hà Đông, năm giáp thân 1884 đời vua Kiến Phúc đỗ Giải Nguyên lúc mới 21 tuổi. Năm 29 tuổi đỗ Hội Nguyên và Đình Nguyên Thám Hoa năm nhâm thìn 1892 đời vua Thành Thái.
Sau khi đỗ ông được cử vào làm cho Đồng Văn Nhật Báo, rồi được bổ Đốc Học Hưng Hóa, kế tiếp là Đốc Học Ninh Bình, Đốc Học Hà Nội. Sau đó ông được thăng Án Sát Hưng Hóa rồi đổi về Án Sát Hải Dương. Ở Hải Dương vì có sự xích mích với viên Công Sứ Pháp nên công vụ khó khăn phải xin cáo quan về hưu. Ít lâu sau, năm 1910 ông tạ thế lúc mới 46 tuổi.
Vũ Phạm Hàm nổi tiếng có trí nhớ dai và tư tưởng thâm sâu, nhưng tác phẩm của ông không có bao nhiêu. Không thấy ông để lại một tác phẩm nào cả về chữ Hán lẫn chữ nôm ngoài mấy bài thơ chữ nho và một số câu đối.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bảo Văn, Giai Thoại
Câu Đối, Quê Hương, Canada, 1983.
- Cao Xuân Dục, Quốc Triều Đăng Khoa Lục, Lê Mạnh Liêu dịch, Bô QGDG, Sài Gòn,
1962.
- Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn Học Sử Yếu, Hà Nội, 1944, Bộ Giáo Dục tái bản,
Sài Gòn 1968.
- Hoàng Đạo Thúy, Di Cảo (chưa xuất bản), nhật báo Lao Động, 14/2/1997, T/P
HCM.
- Lãng Nhân, Chơi Chữ, Cơ sở xuất bản Zieleks, Hoa Kỳ, 1978.
- Lãng Nhân, Giai Thoại Làng Nho Toàn Tập, Nam Chi Tùng Thư, Sài Gòn, 1966.
- Lê Văn Siêu, Văn Học Sử Thời Kháng Pháp, Trí Đăng, Sài Gòn, 1974, Xuân Thu
tái bản, Hoa Kỳ, 1991.
- Nguyễn Hoàn, Uông Sĩ Lăng, Võ Miên, Phan Trọng Phiên, Đại Việt Lịch Triều
Đăng Khoa Lục, Tạ Thúc Khải dịch, Bộ QGDG tái bản, Sài Gòn, 1962.
- Nguyễn Quang Thắng, Khoa Cử và Giáo Dục Việt Nam, Văn Hóa, Hà Nội, 1998.
- Phạm Thế Ngũ, Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên, Quốc Học Tùng Thư, Sài
Gòn, 1962-1966, cơ sở xuất bản Đại Nam tái bản tại Hoa Kỳ.
- Phan Kế Bính, Nam Hải Dị Nhân, Thanh Niên tái bản, T/P HCM, 1999.
- Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, Vĩnh và Thành, Hà Nội 1928, Bộ Giáo Dục tái
bản, Sài Gòn, 1971.
- Vũ Ngự Chiêu, Các Vua Cuối Nhà Nguyễn 1883-1945, quyển 1, Văn Hóa, Hoa Ký,
1999.
Ngộ Không Phí Ngoc Hùng chuyển
Xem Thêm :VIỆT NAM VĂN HỌC SỬ - Trần Bích San
ẢnhTrần Bich San ( Trần Gia Thái 1940-2021)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét