3 thg 3, 2022

Vợ chồng nên kính trọng lẫn nhau (Phúc Ông trăm truyện (24)

Phúc Ông trăm truyện (24)
Tác giả: FUKUZAWA Yukichi
Người dịch: Nguyễn Sơn Hùng

Vợ chồng cùng sống chung, thân thiết thương yêu lẫn nhau là lẽ đương nhiên. Biết rằng lời khuyên của người ngoài ít khi được để ý đến, nhưng có một chuyện mà người viết vẫn muốn khuyên thêm ở đây là ngoài yêu thương và thân mật, vợ chồng nên tương kính nhau (kính trọng lẫn nhau).

Trong nhiều điều kiện để gọi là tương kính nhau, không có gì bất kính bằng người này dấu diếm hay giữ bí mật không cho người kia biết điều họ cần phải biết. Kết hôn thành vợ chồng, cùng sống chung dưới một mái nhà, đồng lòng cùng sức chịu chung trách nhiệm xây dựng và duy trì gia đình mà lại ém dấu giữ bí mật không truyền đạt cho người bạn đời biết, nếu họ không vui hay bất mãn thì cũng không thể trách họ được.

Nếu quan sát kỹ, chúng ta sẽ thấy trong khi người vợ tận tụy chăm sóc đảm đang các việc trong nhà thì người chồng bận rộn bươn chải khổ cực lo sinh kế cho gia đình ở bên ngoài. Do đó, có rất nhiều trường hợp người vợ không biết người chồng kiếm tiền như thế nào, tiền sinh kế cho gia đình lấy từ đâu ra. Cũng có trường hợp người chồng không biết hiện trạng sinh kế của gia đình đang như thế nào, dư dả hay thiếu thốn. Tài sản gia đình trong năm nay so với năm trước tăng hay giảm cũng không biết.

Sinh kế gia đình phụ thuộc vào hoàn cảnh hay tình huống sinh sống. Dọn đến nhà mới có thể khá giả hay túng thiếu hơn. Cũng có trường hợp sinh hoạt gia đình phải thay đổi lớn như cả nhà vừa di chuyển đến nơi xa nhưng vì người chồng phải đổi việc làm nên phải trở lại nơi cũ. Trong trường hợp này người vợ chỉ nghe người chồng nói sơ lược nhưng không biết nội dung chi tiết, sâu xa. Người vợ chỉ biết nhận tiền từ chồng và liệu tính chi tiêu cho gia đình. Bởi vậy mang tiếng là nữ chủ nhân (người nội trợ) của gia đình nhưng trong thực tế không khác gì người khách ở tạm trong nhà. Số trường hợp người vợ không phải là chủ mà là khách không phải ít.

Nếu người vợ là phụ nữ dễ dãi và lạc quan, sống như người khách trong gia đình cũng không bận tâm hay thắc mắc thì có thể nói là may mắn vì chỉ phải tốn kém nhiều tiền hơn cho sinh kế (1) nhưng sinh hoạt gia đình được suôn sẻ không xảy ra vấn đề.

Ngược lại, nếu người vợ là người mẫn cảm, có tính hay lo lắng, mỗi ngày thấy các hành động đáng nghi ngờ của chồng, có hỏi cũng không được giải đáp cặn kẽ, rồi sinh ra suy nghĩ một mình, tâm thần lo lắng nên có ăn mỹ vị cũng không thấy ngon, trong lòng nghi hoặc nên mặc quần áo xinh đẹp cũng không vui vẻ thoải mái, mãi u uất trong lòng rồi phát bệnh tâm thần, trường hợp này dù ở thời đại nào cũng có nhiều. Trong lúc người chồng còn sống gia đình có thể bình an vô sự nhưng chính sau khi ông mất đi cảnh ngộ của bà mới thật rất đáng thương. Khi chồng còn sống, người vợ không biết gì cả, có xem sổ sách để lại cũng không hiểu nên phải nhờ bà con, thân thuộc hay bạn bè chỉ dẫn. Khi còn sống, người chồng thận trọng giữ bí mật không nói cho ai biết nhưng nay phải công bố ra, mọi người liên quan đều biết, người này truyền qua người khác, trở thành câu chuyện của người đời lúc rỗi rãnh. Phải nói đây là tình trạng xấu ngoài ý muốn nhất.

Tóm lại, đây là tội lỗi của người chồng. Tội là chủ của gia đình nhưng không kính trọng và xem nhẹ người vợ, cộng sự đối đẳng của mình, và đã không truyền đạt những chuyện gia đình cần vợ chồng cùng nhau bàn bạc đảm đương.

Mặc dù nói vậy nhưng công việc ở bên ngoài của người chồng không hẳn trực tiếp liên quan đến người vợ ở nhà hoặc là nội dung mà người vợ có thể hiểu được. Do đó, không phải người viết chủ trương rằng bất kỳ chuyện gì vợ chồng cũng phải cùng chia sẻ với nhau. Điều mà người viết muốn nói là người chồng cần nên truyền đạt cặn kẽ tường tận các sự việc quan trọng của mình và thỉnh thoảng cho người vợ biết tình trạng tiến triển của chúng.

Dù không tài giỏi hay thông minh nhưng nếu trình bày, giải thích tĩ mỹ, cặn kẽ chắc chắn không có phụ nữ nào không hiểu đại khái công việc của chồng và tình huống của gia đình đang có. Các bậc nam giới nên nhớ kỹ điều này.

Nguyễn Sơn Hùng, Tháng 6/2017

Nguồn: Truyện số 24 trong quyển “Phúc Ông Trăm Truyện” của Fukuzawa Yukichi, 1897, Thời Sự Tân Báo Xã phát hành.

 

Xem thêm cùng tác giả: MỘT GIA ĐÌNH VĂN MINH PHẢI LÀ TẬP HỢP CỦA NHỮNG NGƯỜi BẠN THÂN (Truyện số 7)

  1. Phải tốn kém nhiều tiền hơn cho sinh kế bởi vì người vợ không quan tâm và không giỏi tính toán lo liệu hợp lý trong việc chi tiêu của gia đình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét