24 thg 3, 2022

CHUYỆN BÁNH MÌ (TC.Da Màu )

V ♦ Chuyển ngữ:

Valerian Pidmohylny – Валеріан Підмогильний (1901 – 1937) là một trong những nhà văn hàng đầu của Ukraine trong thập niên 1920. Cùng chung số phận với nhiều nhà văn đồng thời, ông luôn sống và viết trong tình trạng câu thúc, để rồi cuối cùng cũng bị nhà cầm quyền Xô-viết bắt giam. Ông nổi tiếng qua tiểu thuyết hiện thực có nhan đề là Місто (‘Thành Phố’, 1928). Tác phẩm này của ông là tiểu thuyết đầu tiên nói về thành thị trong nền văn chương Ukraine, mang nhiều nét mới lạ về nhân vật, luận đề và phong cách kể chuyện. “Thành Phố” xoáy vào những nan đề trong đời sống ở thành thị và chứa đựng nhiều câu hỏi có tính cách triết lý về sự hiện hữu. Tác giả phân tích tỉ mỉ tâm lý của các nhân vật trong truyện, cùng những xung đột giữa những người có thế giới quan khác nhau trong tác phẩm quan trọng này.

Không có gì sai lầm hơn là đánh đồng ý tưởng trong một tác phẩm với tư tưởng của tác giả. Đáng tiếc là độc giả lẫn các nhà phê bình đều mắc phải nhược điểm phi lý này. Tôi muốn cảnh cáo một cách hết sức mạnh mẽ về sự mê tín lan tràn đó. Niettzche đã nói: “Một nhà văn có tài không những dùng tư tưởng của chính mình mà còn vận dụng cả tư tưởng của bạn bè của mình nữa.” Những ai có đôi tai ắt phải biết lắng nghe.


Buổi tối

Tôi vừa đi bách bộ về.

Thật thú vị. Lúc tôi đếm bước, những con ếch khổng lồ có hàng trăm con mắt nằm thưỡn ra hai bên vệ đường. Đây là những toà nhà bị nén lại rồi dàn trải ra trong đêm khuya. Cả thành phố trông như một cuộc liên hoan của những con ếch từ các vùng đầm lầy bất tận hội tụ về.

Nhưng đây mới là điểm chính. Một cô gái sà đến gần tôi trong một con hẻm tối và mời gọi tôi cho ả phục vụ ái tình. Tôi nhã nhặn khước từ, không muốn làm ả mất mặt. Chúng tôi trao đổi với nhau vài lời. Ả than phiền dạo này không có nhiều nhu cầu như thế và đổ lỗi phần lớn cho tình trạng xã hội đương thời.

“Cái chủ nghĩa cộng sản này,” ả nói, “đã hoàn toàn khiến người phụ nữ sa đoạ. Người nào cũng dâng hiến mình mà không được trả một xu. Người nào cũng quay lưng lại với Thượng Đế, rồi đến toà thị chính để làm giấy tờ kết hôn. Nhưng ai sẽ trả lệ phí đây chứ?” Ả thú nhận rằng ả không lấy làm ngạc nhiên về lời từ chối của tôi vì tôi có thể có được điều mình muốn mà chẳng tốn kém gì cả.

Chúng tôi nói chuyện với nhau khá lâu. Tôi bảo ả rằng tôi cũng có mối quan ngại của mình, nhưng là về vấn đề “bánh mì”. Nói nào ngay, bà chủ nhà của tôi, vào buổi sáng và buổi tối, vẫn mời tôi một tách cà-phê, không có đường mà cũng chẳng có bánh mì, nhưng như thế thì làm sao đủ sống qua ngày. Thời buổi này thật khó mà kiếm thêm đồng nào dư dả, khó đến nỗi tôi không buồn thử làm một cái gì đó. Tôi có nên đổ lỗi cho cách mạng, vì nó mà kiếm ra một ổ bánh mì cũng vô cùng là nan giải không? Tôi vốn thích đọc sách hay đi dạo lúc chiều tối để có dịp trầm ngâm suy nghĩ, và tôi thấy không có lý do gì để phải từ bỏ những thú vui đó chỉ vì cái bao tử rỗng của mình.

Ả hết sức ngạc nhiên khi thấy cách suy nghĩ của cả hai lại trùng hợp với nhau như thế. Cũng như tôi, ả thích đọc một cái gì đó hay hay, hoặc cùng đám đàn ông vui vầy trong giây lát, và có khi cũng lan man nghĩ ngợi như tôi. Rồi chúng tôi chia tay nhau, sau khi đã chúc nhau nhiều may mắn.


Tranh của hoạ sĩ Ukraine Eremenko Pavel Yakovlevich


Một giờ

Đúng là những ý tưởng hay ho thường đến bất chợt. Vừa lúc đang sửa soạn ra khỏi nhà và đội cái mũ lên, tôi chợt nghĩ ra cách thích hợp nhất với mình là đi buôn. Tuyệt thật. Trước hết, tôi sẽ hoàn toàn được tự do. Thứ đến, tôi sẽ đi nơi này nơi nọ, mục kích được nhiều điều, và chỉ cần một mối đi buôn thành công là tôi sẽ sống được cả tháng. Đáng tiếc là trước đây tôi đã không nghĩ ra được thế!

Vậy là tôi đã quyết định trở thành kẻ đi buôn. Thật đáng mừng khi kiếm được một lối thoát. Ngày mai tôi sẽ lên đường. Từ thành phố đói khổ này đến vùng quê, nơi bánh mì và bơ có giá rẻ như bèo. Nơi các con heo được cho ăn khoai tây, còn người ta thì say tít mù vì sữa và bia tự cất lấy ở nhà. Hôm nay thì tôi phải nhanh tay mua một ít hàng “mậu dịch” như khăn tay, chỉ cuộn, diêm quẹt và giày dép. Tôi biết rõ ở vùng nông thôn người ta chuộng những thứ gì.

Nhưng đào đâu ra tiền để mua những thứ đó đây? Đúng rồi, tôi phải bán đi một món gì đó, một phần trong của cải tôi có. Chỉ có những kẻ thiển cận mới bán đi quần áo. Thật rõ vô lý! Điều mà người đàn ông phải đánh giá cao chính là y phục của hắn. Tôi thông cảm với với những kẻ trau chuốt thân thể mình—nói cho cùng, người đàn ông phải yêu lấy những gì đã được hiển nhiên trao tặng cho hắn. Nhưng bất cứ ai tự tách ra để nhìn lại chính mình đều có thể nhận thấy rằng thân thể của mình, dù có đẹp đẽ tới đâu đi nữa, cũng chỉ là một sự giả tạo. Một cái gậy có gắn bốn khúc cây, đỡ lấy một khối tròn, trông thật kỳ cục, dẫu có làm cho nó ngó được mắt tới đâu đi nữa.

Nói nghe mà chướng tai! Tôi hoàn toàn không nghi ngờ rằng con người vốn yêu thân thể của chính mình, dù nó có giống một con ếch chăng nữa, và muốn vinh danh nó qua những pho tượng bằng cẩm thạch, trong những bức tranh hay bằng ngôn từ. Vì thế mà y phục rất ư là quan trọng. Ta có thể tạo ra chúng theo khiếu thẩm mỹ riêng, trong khi phải chấp nhận thân thể của mình—ăn mày không thể đòi xôi gấc. Áo quần chẳng khác gì một cái bô đi vệ sinh. Bên trong có kinh tởm đến đâu thì cũng được khéo che đậy bằng cái bình xinh đẹp.

Ban đêm

Suốt ban ngày tôi cứ suy đi tính lại chuyện đi buôn, và thấy biết bao nhiêu nào là trở ngại. Tôi không có cái bao tải nào, giấy tờ tuỳ thân đã đáo hạn, và quan trọng hơn hết là, sau khi đã kiểm kê tất cả của cải của mình, tôi thấy là chẳng có thứ gì bán được cả.

Đang lúc tuyệt vọng, thình lình tôi nảy ra được một ý và thấy phấn chấn trở lại. Cách đây không lâu, bà chủ nhà tốt bụng có khoe với tôi ba đồng vàng mà bà dành dụm được từ thời còn sung túc. Bà cẩn thận gói chúng vào một cái khăn tay, buộc chặt lại và cất vào một góc trong cái ngăn kéo đầu tiên bên trái.

Khi bà chủ nhà tốt bụng đang say ngủ, tôi đến tủ lấy ba đồng vàng đó. Bây giờ thì chúng đã yên vị trong túi tôi. Bây giờ tôi đã thấy bình tĩnh lại.

Tôi không muốn đi ngủ vội. Mở cánh cửa sổ trông ra vườn cây ăn trái, tôi ngồi yên lắng nghe. Từ xa xa vẳng lại tiếng sóng vỗ rì rào, và đêm phơi mình bất động trên những ngọn cây như những chùm không khí dày đặc, trong suốt.

Tôi so sánh ngày với đêm: Ban ngày, ai ai cũng bận rộn, lo toan với công việc; khi đêm xuống, mọi người mới được nghỉ ngơi đôi chút. Hỡi ban ngày, thân phận của ngươi thật đáng thương! Tất cả những gì kiếm được ban ngày phải giao trả lại hết cho đêm, những kinh nghiệm, kiến thức do mặt trời mang lại—tất cả đều thuộc về ban đêm. Một học giả cặm cụi nghiên cứu, một thanh niên lãng mạn mơ mộng và một triết gia thâm trầm chiêm nghiệm, tất cả đều ở trong chiếc lều yên lặng của ngươi. Mọi thứ giấu kín trong đáy lòng đều mở toang vào ban đêm; lúc đó, linh hồn con người nở ra như một đoá hoa thơm ngát. Ban đêm, người ta làm tình, chiếm đoạt, âm mưu, thậm chí có khi bị hành quyết—nhưng ta vẫn ca tụng ngươi, hỡi ban đêm. Ngươi như một bà phù thuỷ nhân hậu, phủ trùm bóng tối lên những cặp mắt của loài người, để chúng ta có thể nhìn vào bên trong của chính mình, nhìn một cái hang chất biết bao ngọc ngà châu báu. Ngươi đem lại cho chúng ta cả thế giới này, dạy cho chúng ta biết thương yêu lẫn nhau. Nếu ta có thể ngả vào lòng ngươi thì chắc ngươi đã cảm được trái tim ta chứa đầy những lời kinh của ngươi, trái tim to lớn chẳng kém gì gương mặt của ngươi vậy.

………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………

Tôi trở về sau chuyến đi đầu tiên của mình làm kẻ đi buôn. Mọi việc diễn ra không thuận lợi chút nào cả.

Chuyện gì cũng đi ngược lại ý tôi. Những món người khác đổi lấy một pud1 bột, tôi đổi được có hơn bốn kí-lô. Tôi không rành thứ ngôn ngữ buôn bán của những người dân quê nên không mặc cả gì với họ được. Tôi đâm ra ghê tởm việc mình đang làm đến nỗi phải quyết định tống khứ hàng hoá của mình để chấm dứt việc đổi chác dơ bẩn này. Rốt cục, tôi thu về chẳng được bao nhiêu so với trị giá của các món hàng mình trao đổi. Tôi trở về, vai mang một cái bao, từ ngôi làng về lại một sân ga nhỏ, chẳng khác gì một người thợ vừa tan tầm. Tại sân ga, những kẻ đi buôn chúng tôi bị đám Hồng Quân bao vây, tịch thu hết những gì chúng tôi có. Lúc đó là thời điểm thu thuế thực phẩm nên không ai được phép mang theo bất cứ món ăn thức uống gì. Nhưng chưa hết. Điều kỳ lạ là chỉ một tiếng đồng hồ sau, trừ tôi ra, ai cũng được trả lại thực phẩm cả mình cả. Tôi hiểu chuyện này xảy ra như thế nào. Có người van xin, có người đút lót, phụ nữ thì sẵn sàng dâng thân xác mình—nói tóm lại, những kẻ trong quân uỷ thấy lòng dịu hẳn đi. Tôi thì không tài nào van vỉ, hối lộ hay hiến dâng thân xác mình. Vậy là tôi cứ phải ngồi đó, bụng đói cồn cào, tiền bạc hay thức ăn gì cũng chẳng có, hoàn toàn kiệt sức. Tôi ngồi dưới những cái cây đầy lá vàng, đếm những chiếc lá chết cứ thi nhau rụng xuống quanh mình.

………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………

Về lại nhà, đi đến nơi về đến chốn thật, nhưng cuộc mạo hiểm vừa qua mới lạ lùng làm sao! Lúc đang ngồi ở sân ga, tôi đói ngấu. Càng chờ đợi càng thấy đói. Tôi tiến đến toà nhà của ga xe lửa, hay đúng hơn là chỗ trước đây có toà nhà, nơi chỉ còn lại một bức tường thành loang lổ, đầy gạch đá vương vãi chung quanh. Nhà ga này đã bị tàn phá khi có nhiều lực lượng tấn công và nhiều lực lượng khác bảo vệ nó. Người ta dựng lên một cái chòi bằng đất bùn bên cạnh sân ga—trước đây là phòng đánh điện tín. Những kẻ đi buôn tụ về nhung nhúc ở chỗ này. Ai phải chờ đợi lâu đã đào hố dưới đất để trú thân trong đó. Khói lan toả ở những nơi đang nấu nướng. Đây chỉ là một nơi nhỏ hẹp, một nửa là chìm trong lòng đất, nhưng có hẳn các tập tục và luật lệ riêng của nó.

Nhìn những người khác sửa soạn bữa ăn, tôi càng thấy cồn cào trong bụng. Cơn đói xâm nhập toàn thân tôi, làm tôi run rẩy như kẻ đang yêu đợi chờ một vòng tay. Bất giác, trong cơn tuyệt vọng, tôi bước lần theo miền đất thảo nguyên. Còn sáu tiếng đồng hồ nữa xe lửa mới đến, nhưng cũng chẳng ai biết chắc nó có đến hay không. Vùng đất quanh đây nhuốm một màu vàng vọt, ảm đạm. Vẻ đơn điệu đìu hiu đó làm tăng thêm cơn mệt mỏi trong người tôi. Mặt trời nóng gay gắt. Mỗi bước chân của tôi vang ong ong trong đầu như từng cú đấm liên tiếp nhau. Tôi cứ bước đều, và dưới chân tôi đất như đang trườn đi, trườn đi mãi.

Cuối cùng, tôi đến một rẫy dưa và bí đỏ, trái nào trái nấy trông ngon lành, nằm rải rác khắp nơi trên mặt đất. Nhìn cảnh tượng đó, lòng tôi như chợt nổi cơn sóng gió. Cổ họng tôi khô đắng. Mắt tôi như không còn thấy gì nữa. Tôi cúi xuống nhặt một hòn đá để thủ thân, phòng khi bị chó tấn công, rồi đi sâu vào trong rẫy. Trái dưa đầu tiên tôi cầm lên chưa chín hẳn, nhưng tôi không chờ được nữa. Tôi dùng đôi tay run rẩy của mình để cấu vào phần thịt mọng nước của nó, nhét đầy một miệng. Ăn xong, tôi chẳng còn hơi sức nào để tiếp tục qua trái khác. Mệt lả, tôi nằm xoài ra trên đất. Mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt tôi, hoà lẫn với nước dưa nhớp nháp. Tôi xoải hai cánh tay, nằm dưới ánh mặt trời chói chang, toàn thân ướt át, hai mắt nhắm nghiền.

Tôi không nhớ mình đã tỉnh dậy lúc nào. Có người đang vừa đánh vừa đá vào tôi. Choàng dậy, tôi thấy một ông già tóc bạc phơ, cầm một cái gậy bủa vào người tôi, miệng vừa chửi vừa hô hoán: “Trộm! Trộm!” Tôi giằng cây gậy ra khỏi tay ông ta, vẫn chưa hiểu sao mình lại bị ông ta đánh đập như vậy. Ông già chợt bóp lấy cổ tôi. Tôi ngạt thở, toàn thân bủn rủn, bất đồ thọc tay vào túi lô ra hòn đá định để ném chó, đập mạnh vào đầu ông ta. Ông già kêu lên khịt khịt rồi ngã nhào xuống đất. Chiến thắng đó làm tôi phấn khởi. Tôi cúi xuống, lấy một sợi dây thừng gần đó, vừa cười vừa trói ông ta lại. Quả là một cuộc mạo hiểm kỳ thú.

Mãi sao tôi mới hoàn hồn biết ra là ông ta bắt quả tang tôi ăn cắp. Lúc đó, tôi chợt thấy một cái chòi mà ban đầu tôi không để ý. Người tôi lại run lên vì cơn đói nhức nhối. Trong chòi hẳn có cái gì ăn được. Tôi chạy vội lại và mừng rỡ thấy, may mắn làm sao, ông già có mang theo phần ăn trưa. Trong đó, tôi thấy có nguyên một ổ bánh mì ngọt, một miếng mỡ, vài quả trứng và một cái bánh hạt kê. Ăn uống no nê xong, tôi gói chỗ còn lại trong khăn tay và đi ra khỏi chòi, vừa đi vừa ư ử hát.

Trên đường đi ra, tôi sực nghĩ mình nên xin lỗi ông già về chuyện đáng tiếc vừa qua, và giải thích cho ông biết rằng cả ông lẫn tôi không ai đáng trách cả. Cuộc sống đã đưa đẩy chúng tôi đến với nhau, buộc chúng tôi phải xô xát, nếu có trách ai đi nữa thì chỉ biết trách móc chính cuộc sống này. Chúng tôi, hai con người có lý trí, lúc này nên bắt tay nhau, trao đổi điếu thuốc lá và hỉ hả chuyện trò với nhau mới phải.

Tiến lại gần, tôi thấy ông già nằm trên một vũng máu. Không thấy ông thở—hẳn tôi phải đập hòn đá vào đầu ông mạnh lắm. Thế là một án mạng nữa đã vừa diễn ra trên trái đất này. Riêng tôi cuối cùng được sống sót. Tôi vẫn còn lại nửa pud bột. Tôi đang vừa ăn bánh mì, vừa hút thuốc lá, cả hai động tác đều được thực hiện một cách chừng mực.

……………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………….

Ban đêm

Trong chuyến đi buôn của mình, tôi còn một cuộc phiêu lưu nữa mà quên bẵng đi chưa thuật lại, nhưng cuối cùng kể ra nó cũng có ích. Đầu đuôi là như thế này. Vào buổi tối, tôi phải tiếp tục cuộc hành trình trên nóc toa xe lửa. Bên trong toa đã chật cứng cả người rồi, chỉ còn cách đứng ở các chỗ nối toa hay ngồi trên nóc. Tôi quyết định leo lên ngồi bên trên. Không khí lẫn đầy khói lúc nào cũng phả vào mặt tôi. Hai bên đường, mặt đất lướt qua như những lục địa đen ngòm. Tôi có cảm tưởng mình như đang bay tự do dưới những vòm mây. Tôi ngồi thẳng lên và cất tiếng hát. Những người cùng ngồi trên nóc toa cũng hoà giọng theo tôi, kể cả những người ngồi trong toa bên dưới. Con tàu lao vút đi như một con chim đang líu lo, hào hùng và tràn đầy sinh lực.

Tôi leo xuống xe, khắp người nghe rã rời vì ngồi lắc lư quá lâu trên nóc toa và hít đầy khói. Nhiều kẻ đi buôn khác vượt qua mặt tôi. Nhìn họ, tôi nhớ đến nhiều chuyện cũ đã xảy ra từ lâu. Tôi thấy trong người sảng khoái—như thể tôi không bận tâm đến bất cứ việc gì, chẳng có gì trước mặt hay sau lưng tôi, khiến tôi chợt hồ nghi không biết mình có đang thực sự hiện hữu hay không. Vừa lúc ấy, phía sau tôi có người gọi với đến:

“Đồng chí! Đồng chí!”

Tôi dáo dác nhìn. Một phụ nữ dáng phục phịch, người oằn xuống dưới sức nặng của cái bao tải, vừa gọi tôi vừa thở dốc. Tôi dừng lại. Cô ta mếu máo vất cái bao tải xuống đất. Cô không lên toa xe kịp, mà cũng không kiếm ra được người khuân vác nào. Tôi có nên giúp cô ta không nhỉ? Biết đâu cô ta sẽ trả công cho tôi.

Tôi cúi xuống xốc cái bao lên, xách giùm cô ta. Cô đi bên tôi, vẫn thở hào hển, rối rít nói lời cám ơn tôi. Rồi cô hỏi han về tôi. Tôi cho cô biết mình là sinh viên. Ồ, cô ta nể trọng giới sinh viên lắm! Ngày xưa cô cũng đã từng cắp sách đến trường. Cô mơ ước được vào trung học, nhưng rồi mộng không thành. Giờ đây cô bán bánh nhân ở các chợ. Công việc cũng khấm khá, nhưng cuộc sống như thế có nghĩa lý gì? Thuở còn mồ ma chồng cô, một kỹ sư cơ khí, hai vợ chồng cũng đắp đổi qua ngày. Ông ta là một kẻ nát rượu, thường xuyên đánh đập cô. Cô chẳng biết cuộc đời thật ra là cái gì cả. Bây giờ cô còn lại một mình, như một cọng cỏ dại trong cánh đồng. Cuộc đời gì mà lại như thế được.

Chúng tôi cùng đi trong hồi lâu cho đến tận cuối phố, còn cô thì cứ huyên thiên nói hết chuyện này qua chuyện nọ. Hai chúng tôi dừng lại trước một căn nhà nhỏ. Cô ta phải trả cho tôi bao nhiêu nhỉ? Chẳng đồng xu cắc bạc nào cả. Tôi chỉ việc sánh bước với cô mà thôi. Như vậy thì có gì đâu? Thời buổi này làm việc gì người ta cũng vòi tiền. Thôi cũng được—nếu tôi cứ nằng nặc chối từ. Nhưng nhất định hôm nào tôi phải ghé qua để nếm thử bánh nhân của cô mới được. Trừ những lúc đi mua sắm vặt vãnh thì lúc nào cô cũng ở nhà vào buổi tối. Mà cô biết đi đâu kia chứ? Đây là con đường của cô, có ngôi nhà cô ở, và cô tên là Martha.

Hôm nay, đang đi dạo, tôi chợt nhớ lại chuyện đó và ứa nước miếng khi nghĩ đến những cái bánh nhân. Tôi chỉ ăn toàn bánh mì, hút thuốc makhorka2. Thế là tôi quyết định đến thăm cô.

Quả nhiên, cô đang ở nhà và hết sức mừng rỡ khi thấy tôi. Cô chẳng bao giờ dám nghĩ rẳng tôi, người sinh viên, lại nhớ đến cô, một kẻ buôn bán. Thế là chúng tôi trở thành bạn thân của nhau. Độc giả thấy không, cô ta đơn chiếc quá. Cuộc đời gì mà lại như thế! Ban ngày ở ngoài chợ, tối đến ở nhà, chỉ một thân một mình. Tôi mới thật là tử tế! Kìa, tôi ngồi xuống đi chứ! Tôi không ra ngoài đàn đúm với các cô gái trẻ mà lại ghé thăm cô, một người buôn gánh bán bưng tội nghiệp. Bánh đang còn trong lò, nhưng chúng sắp chín đến nơi rồi. Chẳng lẽ tôi không có gì để ăn sao? Hay là món cá trích nấu với khoai tây tươi nhé? Cô rất lấy làm tiếc không có horilka3, nhưng cô đâu ngờ tối nay lại có khách đến chơi!

Tôi ngồi xuống, khoan khoái thấy rằng mình chẳng khác gì một ông chủ ở đây. Chẳng bao lâu món cá trích được mang lên, và tôi phải thú nhận rằng mình đã ăn ngấu nghiến luôn cả phần xương xẩu, hệt như con trăn nuốt trọn một con thỏ vậy. Cô ngồi nhìn miệng tôi một cách thích thú, như thể tôi đang ban cho cô một đặc ân qua việc ăn uống vậy. Cô luôn miệng khen tôi là một cậu bé ngoan ngoãn.

Sau món cá trích, tôi thấy vô cùng sảng khoái, và sau mấy cái bánh nhân, tôi trở nên hết sức phấn khích. Tôi đứng dậy, đi tới đi lui trong căn phòng, nói năng rất hoạt bát. Cô vẫn ngồi đó, vui vẻ ngắm nhìn tôi. Thế là đột nhiên tôi đã làm người đàn bà này được vui lòng.

Cô ta mập mạp, ăn mặc tuềnh toàng, điệu bộ cục mịch. Chỉ có đôi mắt của cô là đẹp và có vẻ buồn. Tôi nhận thấy cô ta hoàn toàn không phải là mẫu người vợ mà trước đây tôi thường vẽ vời. Lúc còn trẻ, tôi từng nghĩ đến một người vợ lý tưởng và kết luận rằng cô ta phải đẹp, không thông thái và thân hình thì mảnh khảnh. Những ý nghĩ đó làm tôi muốn bật cười ngay lúc này.

Thấy có cây tây ban cầm treo trên tường, tôi hỏi cô có biết chơi đàn không. Không, cây đàn đó là của chồng cô, người kỹ sư, hồi đó ông thường chơi đàn lắm. Ông hay uống rượu và đánh đập cô, nhưng bây giờ cô lại thấy thiếu ông. Một người đàn ông có thể đánh cô đau, nhưng ông ta cũng có thể dịu dàng ôm ấp cô. Thật khó mà sống thiếu người đàn ông, nhất là vào lúc này, nhất là đối với một người đàn bà vẫn còn thanh xuân, tuổi mới ba mươi lăm. Còn tôi có biết chơi đàn không? À, vậy thì chúng ta cùng thưởng thức nhé.

Tôi lấy cây đàn xuống, vừa đàn vừa hát. Trái tim tôi đang hân hoan ca hát vì bao tử tôi đã được no nê, nó sẽ không quấy rầy tôi trong một thời gian nữa.

Cô lắng nghe tiếng đàn và giọng ca, rồi cô bật khóc. Tôi đã khiến cô nhớ đến chồng cô mất rồi! Ông cũng chơi đàn giống như thế. Cô suýt ngất đi khi biết rằng tôi thường chỉ ăn có bánh mì. Cuối cùng, tôi từ biệt cô ra về, mang theo một giỏ thức ăn, một bao thuốc lá và lời mời đến ăn bánh nhân vào Chủ nhật. Nhất định phải là Chủ nhật này. Cô sẽ đợi.

Ra đến phố, tôi mỉm cười một mình. Chuyện đâu cứ như là trong cổ tích. Đúng vậy. chuyện này có liên quan đến cái bao tử, và nó sẽ được lặp lại.

………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………

Hôm nay là Chủ nhật, một ngày lễ thánh. Mấy ngày qua, tôi cứ đi như một kẻ đang yêu. Có lúc, tôi còn thấy chuếnh choáng. Tôi mường tượng ra, y như trong một giấc mơ, những chiếc bánh nhân đầy đặn và lúc tôi được bỏ chúng vào miệng, thế là máu ở đâu cứ gọi là bốc lên tận đỉnh đầu. Tôi cố gắng hình dung ra chúng cho thật rõ ràng, sống động, tưởng tượng đến lúc chúng nằm ngay trước mắt tôi, hồng hào và đáng yêu, lòng tôi dào dạt một thèm muốn không gì cưỡng nổi. Thậm chí tôi đã làm cả một bài thơ ca tụng bánh nhân.

Hôm nay thì tôi đang thật sự ăn những cái bánh đó. Tuyệt vời làm sao sự sở hữu rành rành như thế. Buổi tối bắt đầu trở lạnh. Chẳng bao lâu nữa mùa đông sẽ tới. Ai cũng biết thế, nhưng không ai đề cập đến chuyện đó mà chỉ giữ im lặng, làm như trời vẫn còn đang ấm áp. Các chàng trai vẫn diện đồ màu trắng, còn các cô gái mặc những chiếc áo đầm trong suốt, và cây cối vẫn giữ lại một ít lá trên cành. Rõ thật buồn cười. Tôi thì chỉ việc khoác lên cái áo choàng, thế thôi.

Đúng như tôi đoán—bây giờ thì đã có horilka. Cây đèn lớn được thắp lên, và bàn được phủ bằng tấm khăn mới. Cô ta vận một cái áo đầm, bên dưới có nịt ngực hẳn hoi. Bữa ăn có thịt trừu, cà-phê, bánh ngọt. Chúng tôi uống vài ly và đầu tôi—vốn không quen rượu chè—bắt đầu thấy nằng nặng.

Sau bữa tối, chúng tôi ngồi bên nhau. Tôi lấy cây đàn và bắt đầu hát. Cô ngồi thật gần tôi, mỉm cười sung sướng và hoà giọng hát với tôi.

“Anh còn trẻ quá, trẻ thật đấy,” cô sôi nổi nói. “Anh chỉ đáng tuổi con của tôi thôi. Cho tôi hôn anh một cái, như mẹ hôn con nhé. Dẫu sao đi nữa thì anh cũng là một đứa trẻ mồ côi.”

Cô hôn lên trán tôi, lên má tôi, rồi lên môi tôi, nhiều lần liên tiếp. Tôi không chống cự. Tôi hiểu rằng mình phải trả giá cho những cái bánh, và còn thấy mừng là cũng chẳng đắt đốm gì cho lắm.

Đến sáng, tôi từ biệt cô ta. Mọi việc đã được giải quyết; tôi sẽ sống chung với cô, đóng vai là một người em họ. Miễn cô vui là tôi chẳng có gì phải lo lắng cả. Tôi sẽ có mọi thứ—ăn uống đầy đủ, áo quần phủ phê. Cô cam đoan với tôi như thế, trong lúc đang nép sát vào người tôi.

Trời khá lạnh. Tôi không hối tiếc vì đã mang theo áo choàng. Tôi rảo bước, tràn trề sinh lực, không thể nào tin rằng hạnh phúc đã mở cửa đón tôi vào như thế.

“Nghĩ cũng lạ,” tôi thầm nhủ, “con người khác nhau đến nỗi mỗi người phải cần đến một người rất khác cho riêng mình. Cũng là cùng một điều mà người này thấy hay, kẻ kia thấy chán.”

Tôi không thấy buồn ngủ. Về đến nhà, tôi mở toang cửa sổ ra, đứng cạnh đó thật lâu. Bên ngoài là một buổi sáng mùa thu ẩm ướt, sương mù phủ kín phía chân trời. Không gian thật tĩnh lặng. Cây cối đứng im lìm đến nỗi có thể nghe những giọt lệ của chúng rơi xuống mặt đất. Lũ cây cối khóc than vì mùa đông đang trở lại. Trái tim của chúng tìm nơi ẩn náu, tránh làn sương giá buốt. Thiên nhiên cũng buồn bã, dâng tràn những giọt nước mắt trong lớp sương mù bao phủ mặt đất. Thật lạ kỳ làm sao. Cái chết đang tiến gần, nhưng chúng ta sẽ nhóm lửa trong lò, bật dòng điện lên để sống cho qua mùa đông, như chúng ta đã làm trong mùa hè, mà còn thấy vui vì những khác biệt như thế. Chúng ta sẽ đi xem hát, sẽ thăm bạn bè, và cỏ cây sẽ đông cứng dưới lớp tuyết dày, và những dòng sông sẽ ngừng chảy. Tôi cũng vậy, cũng đang đối mặt với một cuộc đời mới, như thiên nhiên đang đối mặt với cái chết. Ngươi đã tạo ra ta, và ta đã ruồng bỏ ngươi, như một đứa con bạc bẽo, và một trong những giọt nước mắt của ngươi nhỏ xuống là vì sự phản bội của ta.

……………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………….

Đoạn đời mới đã bắt đầu. Vui sướng làm sao, yên bình làm sao. Bao tử của tôi vô cùng thoả mãn, và tâm trí tôi bay bổng khắp thế gian như một linh hồn đầy sáng tạo.

Giờ đây, hơn lúc nào hết, tôi ngỡ ngàng nhìn sự vụng về, thiếu khôn ngoan của những người đàn bà không biết lợi dụng vị trí của mình. Đã hàng thế kỷ qua, người đàn bà vẫn luôn bị khuất phục. Họ đã được lo lắng chu đáo, không phải làm việc để mưu sinh. Họ đã tận tuỵ cả đời cho một mục đích nào? Họ đã sáng tạo được những gì? Hỡi ôi, họ chỉ là đàn bà, không biết nghĩ gì hơn là làm thế nào để bình quyền với đàn ông. Tôi thất vọng về đàn bà. Những gì họ phải tranh đấu để đạt được đã thụt lùi lại phía sau họ. Họ có ước mong kiếm tìm hạnh phúc ở một con đường mới nào không? Con người đã đi trên con đường đó từ lâu mà vẫn chưa thấy hạnh phúc nơi đâu.

Tôi thấy mình như đứa bé còn nằm trong nôi, đang bú bầu sữa khổng lồ của sự sống. Cuộc đời đang đu đưa tôi trong cái nôi; tôi có thể nhìn thấy nó, và những tiếng động của cuộc đời, tôi nghe ra thành những bài ca. Tựa hồ như tôi đang đứng trên một vách đá cheo leo, với mây trời và mặt đất ở dưới chân tôi. Mặt trời đang ở bên tôi; và tôi có thể ôm choàng lấy nó như ôm một người anh em.

Tôi nhìn lại mình. Ngoài phố chợ, nơi cô tình nhân của tôi đang tảo tần buôn bán, nơi người ta nghe tiếng chửi rủa, những lời láo khoét và nhìn thấy sự ganh ghét, trong khi ở chốn này, tôi lại vươn lên khỏi những điều đó, như đoá hoa cúc nở trên mảnh đất được bón phân đầy đủ. Trên cánh đồng cuộc sống, chúng ta hiện diện đây đó—như những đoá hoa xinh đẹp, mỹ miều—và chúng ta nhìn lại mình, vào những vầng sáng và góc tối của chính mình.

Trời dần tối. Tôi cũng trở nên tối tăm, dù khắp nơi đang bừng lên những đốm lửa nhỏ như lũ đom đóm trong rừng. Đó chính là những hoài niệm cũ.

Tôi yêu thời khắc này, khi trái tim tôi, như một bà lão bị người đời quên lãng, phơi bày lòng nhẫn nại của mình qua những lá bài bám đầy bụi bặm xếp lên mặt bàn. Ban ngày, tôi không ý thức được quá khứ; còn ban đêm, tôi chắc chắn rằng không làm sao có tương lai. Tựa như con đường dài tôi đang đi đã đến chỗ kết thúc; và tôi ngồi xuống nghỉ ngơi dưới bóng râm của một tàng cây, không còn nơi nào để đi đến nữa. Rồi cuốn sách cuộc đời được cầm lên, từng trang sách sẽ được giở ra. Lần nào cũng tựa như là lần cuối, để người ta phải nói lời từ biệt ở từng dòng chữ.

Và tôi ở nơi đây—hãy còn nhỏ dại, trên mảnh đất nơi tôi ra chào đời. Tôi cũng ở đằng kia—đã trở thành một thanh niên. Và xa hơn nữa là những người con gái tôi đã yêu thương. Tôi xin giở mũ ra. Xin giã biệt. Các cô đã mang đến cho tôi hạnh phúc và đau khổ, nhưng dù gì đi nữa tôi vẫn mang ơn tất cả.

Tôi đang lật những trang sách của quá khứ, lòng tôi tràn ngập một nỗi niềm ấm áp. Linh hồn tôi mặc y phục trắng, sửa soạn cho một cuộc hành trình xuyên qua vũ trụ, để gặp gỡ và nắm lấy hết mọi thứ.

Nỗi buồn khẽ khàng ve vuốt gương mặt tôi. Cứ để cho nó thẩm thấu vào trong đó. Tôi sẽ tắm gội trong nỗi buồn như một kẻ lang thang trên ốc đảo sa mạc. Nỗi buồn sẽ đưa tôi đến với thiên thu.


Trần C. Trí chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của G. & M. Luckyj

________________________________________________

Chú thích trong bản dịch tiếng Anh

1 Pud: đơn vị trọng lượng, khoảng 16 kí-lô

2 Makhorka: một loại thuốc lá rẻ tiền

3 Horilka: rượu vodka


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét