Phúc Ông trăm truyện. Truyện số 25
Tác giả: FUKUZAWA Yukichi
Người dịch: Nguyễn Sơn Hùng
Để trở thành một quốc gia văn minh Nhật Bản học mọi chuyện từ Tây phương. Chính trị, luật pháp, văn học, quân sự là đương nhiên không phải nói, ngay cả từ kinh tế, công nghiệp cho đến sinh hoạt xã hội hoặc phép cách giao thiệp, giao tế, truyền đạt ý kiến, Nhật Bản đã lột bỏ các tập tục cổ xưa và thu nhập phong cách văn minh mới. Tình trạng phát triển tiến bộ nhanh chóng và còn như vượt cả các nước Tây phương, đúng như ngạn ngữ: “màu xanh của vải nhuộm bằng cỏ lam xanh tươi hơn màu xanh cỏ lam” (ý nói trò giỏi hơn thầy). Thật là một điều đáng mừng.
Phần lớn người Nhật chúng ta đang trong khí thế: hãy dũng cảm tiếp tục đổi mới, đồng thời siêng năng chăm chỉ, nỗ lực không ngừng để hào quang rực rỡ của Nhật Bản tiến mãi không cùng đến muôn đời. Từ thuở ban đầu người viết đã luôn là một trong những người yêu thích, hãnh diện sáng chói huy hoàng của Nhật Bản và luôn luôn tận lực để Nhật Bản càng ngày càng được đánh giá là một quốc gia văn minh cao và nỗ lực để tiên phong trong các vấn đề liên quan đến danh dự của Nhật Bản dù là không phải chuyện lớn.
Tuy nhiên, bất hạnh là có một áng mây đang che lấp hào quang rực rỡ của Nhật Bản hay có thể nói là có một vết trầy nứt trên viên ngọc báu. Áng mây che tối hào quang này làm người Nhật chúng ta phải hổ thẹn trước người Tây phương, tựa chừng như bị roi đánh ở đường phố đông người giữa ban ngày.
Cái gì làm người Nhật chúng ta phải hổ thẹn đến mức đó? Đó là khuyết điểm mà chúng ta chưa hoàn toàn chấm dứt được: chế độ một chồng nhiều vợ của tập tục cổ xưa, mặc dù chúng ta cho là chúng ta đã văn minh!
Quan hệ nam nữ từ đầu là quan hệ riêng tư bậc nhất không được công khai ra ngoài của thế giới con người. Nếu công khai có lẽ tình trạng ở bất kỳ quốc gia nào cũng không khác mấy. Nhưng điều mà người viết muốn đề cập đến ở đây là hình thức bên ngoài của quan hệ nam nữ chứ không phải nội tình bí mật hay chuyện đời của cá nhân.
Khi so sánh quan hệ hình thức bên ngoài của nam nữ giữa Đông phương và Tây phương, nếu hỏi phong tục tập quán của Nhật Bản ra sao thì chúng ta chỉ có thể trả lời bằng 2 từ “hổ thẹn”. Từ xưa đất nước chúng ta không có luật pháp cấm ngoài vợ không được lấy thiếp vì người ta cho rằng các lãnh chúa hay danh gia vọng tộc cần có thiếp để có con nối dõi.
Không ai có nghi vấn về tập tục có từ hàng ngàn năm nay, đối với những người có thân phận thấp hơn lãnh chúa nhưng có tài sản giàu có, việc có thiếp giống như họ có ngựa để cưỡi. Nếu nhà nào có ngựa có thiếp thì người đời nghĩ là nhà đó giàu có.
Ngày nay đang trong thời kỳ Minh Trị Duy Tân, nói là đối với mọi việc phải từ bỏ những tệ hại của tập tục cũ xưa nhưng việc có thiếp thì mọi người đều lặng thinh, không ai nói gì cả, vẫn giữ nguyên như cũ. Do cải cách của Minh Trị Duy Tân các người trẻ tự cho mình là hào kiệt đường đường vừa vui đùa với “gái làng chơi” vừa bàn chuyện quốc gia đại sự, không hề kiềm chế hay che dấu chút nào.
Những người tự phụ là tiên phong dẫn nhập văn minh trong giới học giả, chính trị gia hay chính khách trong đời sống cá nhân lại theo học tập tục của Nho giáo hủ bại của Trung Quốc, công nhiên bỏ tiền mua gái đẹp, gọi là vợ chính, rồi có thêm thiếp ở cùng nhà hay ở nơi khác, khi chán thì bỏ đi cưới thiếp mới, thay đổi dễ dàng chẳng khác gì nuôi chó mèo.
Giai cấp trên dưới đều như nhau đều không thay đổi, tệ hại này càng ngày càng to lớn sâu đậm.
Nguyễn Sơn Hùng, Tháng 6/2017
Nguồn: Truyện số 25 trong quyển “Phúc Ông Trăm Truyện” của Fukuzawa Yukichi, 1897, Thời Sự Tân Báo Xã phát hành.
Xem thêm :
Vợ chồng nên kính trọng lẫn nhau (Phúc Ông trăm truyện (24)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét