Nếu không có hiện đại hóa và đa dạng hóa kinh tế, kết hợp với dân chủ hóa, tản quyền và chủ nghĩa liên bang thực sự, Nga sẽ trượt dài tới một cuộc khủng hoảng mang ý nghĩa tồn vong.
Tác giả: Janusz Bugajski, National Interest ngày 8-3-2022
Người dịch: Trần Anh Trực
Matxcơva đưa ra một thách thức kép đối với phương Tây: tham vọng tân đế quốc của họ, thể hiện rõ ràng trong cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, và viễn cảnh nhà nước Nga sẽ rạn nứt. Mặc dù nhiều người đã viết về chủ nghĩa bành trướng của Moscow, nhưng người ta lại ít chú ý đến những trụ cột đang lung lay của Liên bang Nga. Hai yếu tố trên có liên quan mật thiết với nhau, vì Điện Kremlin sẽ trở nên hung hăng hơn trên trường quốc tế để che đậy những rạn nứt nội bộ của mình. Các vấn đề nội bộ leo thang đã thuyết phục Moscow rằng một chiến lược đối ngoại táo bạo hơn và rủi ro hơn có thể mang lại lợi ích trong nước bằng cách huy động công dân xung quanh “pháo đài nước Nga” và bịt miệng những người bất đồng chính kiến. Tuy nhiên, điều này sẽ quay lại chống chế độ nếu cuộc chiến ở Ukraine kéo dài, tốn kém và bị trừng phạt nặng nề. Cả quá trình tái lập đế quốc và sự rạn nứt sẽ khiến liên minh phương Tây phải đưa ra các quyết định quan trọng trong việc ngăn chặn và bảo vệ mình khỏi các cuộc tấn công của Nga, đồng thời đối phó với sự sụp đổ của Nga trong tư cách một quốc gia duy nhất.
Điện Kremlin đã theo đuổi chính sách khôi phục đế quốc bằng cách chia cắt các quốc gia dọc theo biên giới, làm giảm ảnh hưởng của Mỹ ở châu Âu và phá hoại liên minh NATO. Tổng thống Vladimir Putin đã lên tiếng cảnh báo rằng, Liên Xô tan rã [ND: năm 1991] không chỉ là một thảm họa mà còn là cái chết của “nước Nga lịch sử”. Điều này cho thấy một niềm tin sâu sắc rằng, cấu trúc đa quốc gia chỉ đơn giản là một sự ngụy tạo cho một sự áp đặt của Nga. Các quan chức Điện Kremlin tiếp tục tin tưởng vào các đế chế toàn cầu và khẳng định rằng thế giới nên được tổ chức trên cơ sở “đa cực” với các quốc gia nhỏ quay quanh các trung tâm hùng mạnh. Điện Kremlin coi “cực quyền lực” của mình bao gồm Âu-Á, hoặc vùng đất phía Bắc Á-Âu và càng nhiều châu Âu càng tốt, đặc biệt là những khu vực từng là một phần lãnh thổ của Nga trong thời kỳ Liên Xô hoặc thậm chí là thời Sa hoàng.
Không giống như các nước đế quốc khác đã loại bỏ và tự giải phóng khỏi các đế chế phương xa của họ, nước Nga cần được giải phóng khỏi chính mình. Nga đã trở thành một đế quốc trước khi người Nga trở thành một quốc gia và trước khi Nga có thể phát triển thành một quốc gia-nhà nước. Là một đế chế, Nga tập trung vào quy mô lãnh thổ của mình và phần lớn bỏ qua việc xây dựng quốc gia. Nó mở rộng liên tục bằng cách liên kết nhiều nhóm dân tộc mà bản sắc dân tộc không thể được đồng hóa và Nga hóa hoàn toàn. Ngay cả sau khi Liên Xô tan rã, phần lãnh thổ mà Matxcơva bị mất còn nhỏ hơn phần lãnh thổ thuộc địa mà các đế quốc phương Tây mất đi sau khi trao trả độc lập.
Bất chấp những lời lẽ và hành động quyết đoán, Putin đã không thể biến Nga thành một “cực quyền lực” lớn hoặc một nguồn thu hút chính trị, kinh tế và văn hóa thực sự đối với các quốc gia láng giềng. Các cuộc xâm lăng vào các nước láng giềng và các mối đe dọa chống lại các nước phương Tây không phải là dấu hiệu của sức mạnh mà là sự thất vọng trong việc thu phục họ. Thay vì xây dựng đế chế thành công, chế độ Putin đã cắt bớt các bộ phận của các nước láng giềng nhưng không đạt được tính hợp pháp quốc tế cho các vụ thâu tóm của mình. Ngoài ra, không giống như các liên minh tự nguyện, các cuộc chinh phạt của nhà nước Nga làm tăng cao gánh nặng kinh tế và an ninh chỉ với lợi ích ngắn hạn là việc vận động lòng yêu nước.
Liên bang Nga cũng là một quốc gia thất bại. Nó được xây dựng như là sự kế thừa của Liên bang Xô Viết đã không còn tồn tại nhưng phải đối mặt với những thách thức tàn khốc đối với sự tồn tại của chính nó. Trong ba thập kỷ qua, những nỗ lực nhằm biến Nga thành một quốc gia-nhà nước, quốc gia dân sự hoặc một đế quốc ổn định đã tỏ ra phù phiếm. Liên bang dựa trên nền tảng lịch sử và ý thức hệ dễ vỡ và đã thất bại trong việc tạo ra một bản sắc dân tộc thống nhất. Thay vào đó, có một cuộc đấu tranh dai dẳng về tương lai của nước Nga giữa những người theo các chủ nghĩa khác nhau: chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa trung tâm, chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa liên bang thông qua các cuộc đối đầu giữa Moscow và các vùng đa dạng trong đất nước cũng như với các cộng hòa dân tộc thiểu số. Các quan chức nhà nước dường như nhận thức được những nguy hiểm sắp xảy ra. Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đã so sánh Nga với Liên bang Nam Tư cũ, phàn nàn về các áp lực bên ngoài kết hợp với các mối đe dọa bên trong có thể chia rẽ đất nước theo quốc tịch, giai cấp, tôn giáo và dẫn đến phân rã. Chính các chính sách của Moscow về siêu tập trung hóa, bóc lột khu vực, quản lý kinh tế yếu kém, đàn áp mạnh và sự thao túng của chủ nghĩa dân tộc Nga, điều có thể khiến đất nước rơi vào tình trạng bùng nổ bạo lực thay vì sự tan vỡ tương đối hòa bình từng được chứng kiến trong quá trình Liên Xô tan rã.
Trong một cuộc họp video gần đây, Putin đã bác bỏ đề xuất cho phép các vùng của Nga ly khai nếu họ không còn muốn là một phần của quốc gia. Ông cảnh báo về sự lặp lại của các cuộc chiến đẫm máu ở một Nam Tư trên đường sụp đổ trong những năm 1990 và tiết lộ rằng có 2.000 yêu sách lãnh thổ trên toàn quốc cần được xử lý “rất nghiêm túc, vì chúng có thể chia rẽ nước Nga”. Sự thừa nhận của Putin chỉ ra rằng điều kiện nội bộ của quốc gia đang xấu đi trên các mặt trận kinh tế, nhân khẩu học, xã hội, khu vực, sắc tộc và chính trị.
Các quan chức Nga thể hiện sự lo lắng cao độ về sự tan rã của nhà nước khi lặp lại những nỗ lực của Tổng thư ký Liên Xô Mikhail Gorbachev trong việc cải cách chủ nghĩa cộng sản vào cuối những năm 1980. Nghịch lý thay, những lo ngại như vậy sẽ tiếp tục ngăn cản những cải cách kinh tế và chính trị cần thiết để ngăn chặn sự sụp đổ của cả hệ thống. Putin và các cơ quan an ninh của ông, các nhà tài phiệt có liên hệ với Điện Kremlin, các quan chức tham nhũng và tầng lớp công chức ưu đãi không sẵn sàng gây nguy hiểm cho quyền lực và túi tiền của họ, bằng cách theo đuổi những cải cách giúp công dân có quyền lựa chọn thông qua các cuộc bầu cử dân chủ. Mặt khác, nếu không hiện đại hóa và đa dạng hóa kinh tế kết hợp với dân chủ hóa, tản quyền và chủ nghĩa liên bang thực sự, Nga sẽ trượt dài tới một cuộc khủng hoảng mang tính chất tồn vong.
Sự thất bại của nhà nước Nga càng trở nên trầm trọng hơn do sự kết hợp nguy hiểm của các yếu tố, bao gồm không thể đảm bảo tăng trưởng kinh tế vững chắc, bất bình đẳng kinh tế xã hội nghiêm trọng, khiếm khuyết về nhân khẩu học ngày càng tăng, chênh lệch ngày càng lớn giữa Moscow và các chủ thể liên bang, một nền chính trị theo mô hình kim tự tháp bấp bênh dựa trên chủ nghĩa cá nhân và kinh tế thân hữu, sự mất lòng tin ngày càng sâu sắc vào các thể chế và chính sách của chính phủ, sự xa lánh của công chúng ngày càng gia tăng đối với tầng lớp cầm quyền tham nhũng và ngày càng mất niềm tin vào tuyên truyền của nhà nước.Việc đàn áp toàn diện hơn để kiềm chế sự phản đối và duy trì sự toàn vẹn của nhà nước trong điều kiện kinh tế đang xấu đi do các biện pháp trừng phạt rất hiệu quả của phương Tây sẽ nâng cao triển vọng cho các cuộc tranh giành quyền lực của giới tinh hoa và các cuộc nổi dậy công cộng.
Nga đã thể hiện sự suy thoái kinh tế kéo dài với các chu kỳ phục hồi ngắn. Nga là nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới nhưng ngày càng bị Hoa Kỳ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu bỏ xa. Nó chỉ tạo ra 3% GDP toàn cầu so với khoảng 16% của Hoa Kỳ và 18% của Trung Quốc (ND: Cần xem lại, GDP của Hoa Kỳ vẫn còn cao hơn Trung Quốc). Chỉ riêng thành tích kinh tế thì cũng không xác định được tham vọng chiến lược hay khả năng ngắn hạn, nhưng nó sẽ tác động đến các điều kiện nội bộ khi chế độ này phóng đại quá mức và tính toán sai tiềm năng của mình. Là một nước xuất khẩu dầu thô và khí đốt tự nhiên, cùng với các loại khoáng sản và kim loại, nhưng hoạt động của nền kinh tế Nga vẫn rất nhạy cảm khi có sự thay đổi đáng kể của giá khoáng sản thế giới, và với viễn cảnh về một lệnh cấm vận năng lượng của phương Tây. Vào năm 2020, nền kinh tế Nga suy giảm khoảng 3% trong đại dịch Covid-19. Mặc dù tăng trưởng đã được phục hồi trong nửa cuối năm 2021, nhưng các dự báo trong tương lai đã nêu bật những yếu kém sâu xa mang tính cơ cấu ngay cả trước khi bị áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính, điều sẽ khiến tốc độ tăng trưởng giảm mạnh.
Mặc dù Liên bang Nga không hoàn toàn phải đối mặt với “sự sụp đổ về nhân khẩu học”, nhưng xu hướng dân số phát triển âm sẽ phá hoại sự ổn định của đất nước. Chúng bao gồm dân số dân tộc Nga đang giảm dần, đặc biệt là ở phần lớn của 22 nước cộng hòa dân tộc thiểu số; sự chênh lệch dân số ngày càng tăng giữa vùng nội địa nước Nga và vùng Siberia, Bắc Cực và Viễn Đông của Matxcova; sự khác biệt rõ rệt về dân số giữa các đô thị lớn và các thành phố nhỏ hơn, thị trấn và làng mạc; giảm lượng lao động đang làm việc; dân số già dần; tỷ lệ tử vong cao và tỷ lệ sinh thấp liên tục; tỷ lệ lao động có trình độ học vấn cao chạy ra nước ngoài; và suy giảm dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ xã hội khác làm rút ngắn tuổi thọ và làm suy yếu sự tăng trưởng kinh tế.
Dân số Nga đã giảm đều đặn từ con số 147,4 triệu được ghi nhận trong cuộc điều tra dân số cuối cùng của Liên Xô năm 1989 xuống còn 142,9 triệu người theo cuộc điều tra dân số năm 2010 . Các con số sau đó đã tăng lên do sự nhập cư của người gốc Nga từ các quốc gia láng giềng, nhưng số lượng người mới đến đã giảm dần. Tỷ lệ sinh thấp trong những năm 1990 đảm bảo số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ít hơn trong thập kỷ hiện tại và vòng lặp tiêu cực này sẽ tiếp tục trong tương lai gần. Dữ liệu được công bố thường xuyên chỉ ra rằng dân số tiếp tục giảm. Theo Cơ quan Thống kê Nhà nước, Rosstat, dân số Nga ở mức 146,24 triệu người vào tháng 1 năm 2021, giảm so với mức 146,75 triệu người của năm trước – một kỷ lục giảm trong 15 năm.. Rosstat cũng dự đoán rằng số ca tử vong sẽ tiếp tục nhiều hơn số ca sinh sản trong vòng 15 năm tới và trong một trường hợp xấu nhất, dân số sẽ giảm xuống còn 134,2 triệu người trong thời gian đó.
Nga là một quốc gia bị chia cắt về kinh tế, xã hội và khu vực , bao gồm một số thành phố phát triển và các khu vực siêu nhỏ và một vùng nội địa rộng lớn nghèo nàn và bị chia cắt. Việc thu hẹp các liên kết giao thông, bao gồm cả kết nối đường hàng không và đường sắt, giữa các thủ phủ trong vùng và các thị trấn nhỏ hơn đang khiến nhiều vùng bị cô lập với phần còn lại của đất nước. Dân số của Siberia, Cao nguyên ở Bắc và khu vực Thái Bình Dương tiếp tục giảm. Ước tính có khoảng 40 triệu người ở các thành phố và thị trấn nhỏ hơn bị chính phủ đặc biệt bỏ bê và phải đối mặt với tình trạng nghèo đói trầm trọng.
Sự bất ổn trong khu vực dựa trên sự tích tụ của những bất bình, bao gồm đình trệ kinh tế, tham nhũng, nhà nước khai thác tài nguyên khu vực, dịch vụ xã hội không đầy đủ và sự vắng mặt của chủ nghĩa liên bang đích thực, nền dân chủ địa phương, các đảng theo chủ nghĩa khu vực hoặc trách nhiệm giải trình của chính phủ. Điện Kremlin coi các khu vực của đất nước vừa là những nguồn tài nguyên có thể khai thác, vừa là những khoản nợ cần được trấn áp để ngăn chặn sự phân mảnh. Trong suốt lịch sử đế quốc của mình, các nhà cai trị của Nga đã nuôi dưỡng nỗi sợ hãi tinh thần không chỉ đối với những kẻ thù bên ngoài biên giới của đế chế mà còn của các dân tộc chủ thể bên trong họ. Bởi vì hiện đại hóa kinh tế không chỉ đòi hỏi dân chủ hóa mà còn phải phân cấp sâu rộng; quyền tự trị khu vực được coi là mối đe dọa đối với trung tâm chuyên quyền và tính liên tục của nhà nước.
Các chính sách đối ngoại quyết đoán của Matxcơva được sử dụng để che giấu sự suy thoái trong nước và sự thất bại của nhà nước Nga. Thật vậy, các lỗ hổng leo thang bên trong có khả năng khiến chế độ Nga trở nên hung hăng hơn và đối đầu nhiều hơn để chứng tỏ sức mạnh của mình trước khi khả năng của nó tiêu tan nghiêm trọng. Để đảm bảo sự tồn tại của mình, Nga cần phát triển thành một nền dân chủ liên bang thực sự với nền kinh tế đang phát triển. Nhưng nếu không có viễn tượng về quá trình dân chủ hóa và điều kiện kinh tế xấu đi trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với cuộc xâm lược Ukraine, cấu trúc liên bang sẽ ngày càng trở nên không thể quản lý nổi.
Các cuộc biểu tình rộng rãi của công chúng ở Belarus vào mùa hè năm 2020 vì gian lận bầu cử trắng trợn là một cảnh báo sớm cho Moscow. Sự hiểu biết thông thường về một lớp công chúng Belarus thụ động phản ánh hình ảnh công dân Nga được phổ biến rộng rãi. Sự ủng hộ đối với các công dân Belarus biểu tình đã được báo cáo ở nhiều vùng khác nhau của Nga và mặc dù các cuộc biểu tình cuối cùng đã lắng xuống, tương tự như ở Nga, nguyên nhân của các cuộc biểu tình vẫn chưa được giải quyết. Các cuộc biểu tình bất ngờ và xông vào các tòa nhà chính phủ ở Kazakhstan vào đầu tháng 1 năm 2022 để đối phó với giá nhiên liệu tăng là một lời nhắc nhở khác đối với Moscow rằng sự tức giận của công chúng đang là những cơn sóng ngầm. Sự xuất hiện của tình hình yên ắng và sự thụ động của công chúng, vốn nổi tiếng ở Belarus và Kazakhstan, cũng không thể được coi là đương nhiên ở Nga. Một sự sa lầy quân sự ở Ukraine với những tổn thất ngày càng lớn cho các lực lượng vũ trang của Nga và các biện pháp trừng phạt của phương Tây vốn bóp chết nền kinh tế và xa lánh các “nhà tài phiệt” của Điện Kremlin sẽ không bền vững. Ở Nga, những chế độ thất bại trong các cuộc chiến tranh hoặc không thể giành chiến thắng khi họ đã đặt quá nhiều vào chiến thắng sẽ luôn sụp đổ. Các cuộc tranh giành quyền lực trong giai cấp thống trị sau đó có thể bùng nổ toàn lực.
Sự suy giảm nhanh chóng của nhà nước Nga và sự xuất hiện của các thực thể gần như độc lập sẽ thách thức khả năng phản ứng của liên minh NATO. Người ta không thể cho rằng sự tan rã của Nga sẽ diễn ra nhanh chóng thông qua sự sụp đổ bất ngờ của chính phủ hoặc bởi một cuộc cách mạng ở liên bang. Nó có nhiều khả năng là một quá trình phát triển tăng tốc ở những thời điểm quan trọng. Các nguyên nhân dẫn đến sự rạn nứt có thể bao gồm việc Putin cố gắng chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm; một cuộc biểu tình bùng nổ chống lại sự bần cùng hóa kinh tế; một cuộc đụng độ giữa các sắc tộc leo thang thành một cuộc xung đột rộng lớn hơn; một hành động khiêu khích bạo lực của những người theo chủ nghĩa cứng rắn hoặc theo chủ nghĩa dân tộc thoát khỏi sự kiểm soát của cảnh sát; những cuộc binh biến trong quân đội do hậu quả của cuộc chiến thất bại ở Ukraine; hoặc các cuộc đụng độ quân sự nội bộ dựa trên lòng trung thành giữa các sắc tộc.
Sự rạn nứt của toàn bang cũng sẽ tác động đến các nước láng giềng. Một số sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi xung đột hoặc các hành động khiêu khích của Moscow khi Điện Kremlin tìm cách chuyển hướng sự chú ý khỏi những biến động trong nước. Các quốc gia khác sẽ được hưởng lợi từ sự phân chia của Nga bằng cách giảm bớt lo ngại về an ninh và giành lại các vùng lãnh thổ đã mất. Sự sụp đổ liên bang cũng sẽ tác động đến các vị trí và chiến lược của các cường quốc và có thể dẫn đến việc tái cơ cấu chiến lược quan trọng, nâng cao hơn nữa tầm vóc của Trung Quốc. Hoa Kỳ cần phát triển một chiến lược lường trước để quản lý sự sụp đổ của Nga bằng cách ủng hộ chủ nghĩa khu vực và chủ nghĩa liên bang, thừa nhận nguyện vọng về chủ quyền và sự tách biệt, xác định vị thế của các cường quốc khác, phát triển mối liên kết với các thực thể nhà nước non trẻ, củng cố an ninh của các quốc gia giáp biên giới với Nga, và thúc đẩy chủ nghĩa xuyên Đại Tây Dương và chủ nghĩa xuyên Thái Bình Dương giữa các quốc gia mới nổi. Việc bỏ qua sự thất bại của nhà nước Nga có thể gây tổn hại nhiều hơn cho các lợi ích của phương Tây so với việc chuẩn bị quản lý các tác động quốc tế của nước này. Sự sụp đổ đột ngột của Liên bang Xô viết hơn ba mươi năm trước nên là một bài học cho thấy các cuộc cách mạng địa chính trị xảy ra bất chấp sự phủ nhận của Điện Kremlin hay sự tuân thủ nhất thời của phương Tây về việc giữ nguyên hiện trạng.
Janusz Bugajski là thành viên cấp cao tại Jamestown Foundation ở Washington DC. Cuốn sách gần đây của ông, Eurasian Disunion: Russian Vulnerable Flanks , với đồng tác giả là Margarita Assenova. Cuốn sách mới của ông ấy, Failed State: A Guide to Russia’s Rupture, sẽ được xuất bản vào mùa xuân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét