16 thg 3, 2022

Một số Tinh hoa Nam Kỳ thời Pháp thuộc - Phần I : Trường học ở Nam Kỳ


 (Từ Trang :NAM KỲ ĐẤT CŨ NGƯƠÌ XƯA )

Trước khi liệt kê chi tiết một số trường đào tạo bực cao (trung học và cao đẳng) tại Nam Kỳ, chúng tui xin cung cấp cho quý bạn đọc một thông tin cũng nằm trong cuốn “Một số Tinh hoa Nam Kỳ thời Pháp thuộc” rằng tính tới thời Pháp, toàn bộ lục tỉnh Nam Kỳ có 950 trường tiểu học.

Trường Cao đẳng đầu tiên ở Việt Nam là trường Collegè d’Adran (1862) tại Sài Gòn. Ban đầu là một trường dòng, đặt tên theo một Giám mục Pháp, sau đó được chánh phủ cấp cho 70 học bổng để chiêu mộ thêm học sinh.

Mười hai năm sau, Pháp xây thêm hai trường nữa tại Sài Gòn để đẩy mạnh giáo dục theo chương trình Pháp : Viện giáo dục Taberd và Cao Đẳng Chasseloup - Laubat.

Institut Taberd (1874) tại Sài Gòn. Trường này dành cho con lai Pháp - Việt.
Collegè Chasseloup - Laubat (1874) tại Sài Gòn, nay là THPT Lê Quý Đôn. Chứng chỉ “diplôme supérieur” được coi là văn bằng tiêu chuẩn để nộp đơn cho các vị trí trong Chánh phủ Nam Kỳ và Chánh phủ Liên bang Đông Dương. Có rất nhiều học sinh của trường này đã từng học ở Pháp và ở Hanoi. Ngôi trường này cũng có vài học sinh là con của nhơn viên chánh phủ, sĩ quan Pháp ở Nam Kỳ cũng như con em những người Việt có quốc tịch Pháp. Đây là ngôi trường được coi là quan trọng và danh tiếng nhứt ở LB Đông Dương vào đầu Thế kỷ 20.

Năm 1958 đổi tên thành Lycée Jean Jacques Rousseau, rồi sau 1975 là Lê Quý Đôn như hiện nay.

Một số cựu học sinh tiêu biểu của trường Collegè Chasseloup - Laubat là cụ Vương Hồng Sển, Bí thơ Xứ uỷ Nam Kỳ Trần Văn Giàu, Kỹ sư Trần Đại Nghĩa, và Thủ tướng VNCH Trần Văn Hương

Mỹ Tho là một đô thị lớn của Nam Kỳ, nên tại đây cũng có một ngôi trường Cao đẳng đào tạo giáo dục Pháp. Collegè de Mytho (1879) tại Mỹ Tho, nay là THPT Nguyễn Đình Chiểu. Ngôi trường này được cho là có chương trình đào tạo thấp hơn trường Collegè Chasseloup - Laubat vì có nhiều học sinh chuyển tiếp từ trường Collegè de Mytho lên trường Collegè Chasseloup - Laubat.

Trong những năm đầu Pháp thuộc, khoảng trước giai đoạn 1900 thì sinh viên trường College de Mytho có thể được tuyển thẳng lên các vị trí quản lý trong Chánh phủ Nam Kỳ. Tuy nhiên sau này, văn bằng trường Cao đẳng Mỹ Tho chỉ còn có giá trị như một chứng chỉ giáo dục bực Cao đẳng - Đại học.

Trường Ecolé Normale des instituteurs (1895) tại Gia Định, ngoại thành Sài Gòn. Mục đích của ngôi trường này là để đào tạo giáo sư dạy chương trình văn bằng premier degré. Cho tới năm 1920, trường này có khoảng 200 học sinh.

Về phần trường nữ sinh trung học, ngôi trường dành riêng cho nữ sinh đầu tiên ở Nam Kỳ là trường Collège de Jeunes Filles Indigènes (1915) tại Sài Gòn (sau này là Trường Trung học Gia Long, sau 1975 đổi tên thành THPT Nguyễn Thị Minh Khai).

Niên học đầu tiên, có 42 nữ sinh đăng ký theo học. Đồng phục của ngôi trường nữ sinh này là áo dài tím. Dù là ngôi trường do Pháp thành lập, trường Collège de Jeunes Filles Indigènes đã có nhiều phong trào đấu tranh chống Pháp. Năm 1920, đã có ít nhứt 2 cuộc diễn hành chống Pháp của các nữ sinh.

Trường nữ sinh còn có các trường Couvent des Oiseaux, Regina Pacis, Regina Mundi, Thiên Phước …, thuộc nhóm các trường Công giáo.

Cần Thơ, đô thành của Tây Nam Kỳ cũng có một trường cao đẳng. Collège de Cần Thơ (1917) là chi nhánh của Collège de Mytho do số lượng học sinh ở trường này quá đông.

Học sinh học xong lớp bổ túc tiểu học (Cours Complémentaire) ở Collège de Cantho sẽ được chuyển sang học ở Collège de Mytho cho đến hết năm thứ tư (4e Année de l'Enseignement Primaire Superieur Franco Indigène, tương đương lớp 9 hiện nay). Cho tới những năm 1924-1926, khi đã mở đủ các lớp thuộc bậc Cao đẳng tiểu học, Collège de Cantho mới tách riêng ra và không còn là chi nhánh tuỳ thuộc Collège de Mytho nữa.

Trường này được đổi tên thành Trung học Phan Thanh Giản sau năm 1945. Sau 1975 đổi tên thành THPT Châu Văn Liêm tới hiện nay.

Một số cựu học sinh nổi bật của Collège Cần Thơ gồm nhà văn Sơn Nam, ông Nguyễn Bá Cẩn (thủ tướng VNCH), Giáo sư Phạm Hoàng Hộ,…

Ngôi trường cuối cùng đào tạo ra nhiều tri thức thời Pháp thuộc là trường Lycée Petrus Ky (1927) tại Sài Gòn (nay là THPT Lê Hồng Phong).

Những cựu học sinh nổi bật của trường Petrus Ky có thể kể tới Đại tướng Đỗ Cao Trí, Tư lịnh vùng III, Tướng Lê Minh Đảo, GS Trần Văn Khê, ông Huỳnh Tấn Phát, hai ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Nguyễn Minh Triết,…

Ngoài ra còn có trường Marie-Curie (1918) , Ecole Colette và Saint-Exupéry đều do chánh phủ Pháp đài thọ mọi chi phí.

Trường Nguyễn Bá Tòng dạy cả nam lẫn nữ do giáo hội Công giáo điều khiển. Lycée Cửu Long và Les Lauriers là hai tư thục dạy chương trình Pháp. Ở gần trường Pétrus Ký có trường Bác Ái (Collège Fraternité) dạy chương trình Pháp và Việt cho học sinh phần đông là con em người Hoa.

Các tư thục Huỳnh Khương Ninh, Huỳnh thị Ngà dạy cả nam lẫn nữ. Hai trường Nguyễn Trường Tộ (trung học đệ nhất cấp) và Cao Thắng (trung học đệ nhị cấp) là trường công lập kỹ thuật.

Bài sau sẽ nói chi tiết hơn về những gương mặt tiêu biểu của giới tri thức Nam Kỳ thời Pháp thuộc.

Nguồn tham khảo :


Một số Tinh hoa Nam Kỳ thời Pháp thuộc (The Vietnamese Elite of French Cochinchina 1943, R.B Smith)

Collège de My Tho” & Hệ quả chính sách giáo dục của Pháp tại Việt Nam (Lê Thị Minh Thu)
JJ.Rousseau xưa

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét