Trong
câu chuyện vô tận về mối quan hệ phức tạp giữa Nga và phương Tây, các
nhà văn Nga ngoài vai trò đồng tác giả còn là những nhân vật tiêu biểu.
Sa hoàng, Sô-viết, hậu Sô-viết, Putin hay hậu Putin, thời nào chiến
tuyến cũng và cũng sẽ hằn sâu giữa giới trọng Nga (russophile) hay trọng Slav (slavophile) và giới thân phương Tây.
Biểu tượng quyến rũ nhất của khuynh
hướng thân phương Tây cho đến nay vẫn là Ivan Turgenev: Tài năng, danh
tiếng, quảng giao, học thức, thành thạo sáu ngoại ngữ, chưa kể giàu sang
quý tộc và một ngoại hình nổi bật với chiếc mũi hoàn hảo trên gương mặt
khả ái và chiều cao gần hai mét. Đối trọng của ông về mọi phương diện
là Dostoyevsky, xuất thân trong khốn khó, vóc dáng khắc khổ, râu thưa,
tóc mỏng, da thiếu nắng, má hóp, mắt nhìn bất an, thần thái bồn chồn và
thường xuyên chạy nợ. Hành trình của Dos là từ cực tả đến bảo thủ và
thậm chí cực hữu, của Turgenev là từ hư vô đến cấp tiến rồi phóng khoáng
ôn hòa. Dos thậm mộ đạo, Turgenev ít nhiều vô thần. Dos táo tợn cực
đoan, Turgenev khoan dung điềm tĩnh. Dos cục cằn đầy kịch tính, Turgenev
lịch lãm nhẹ nhàng. Dos cường độ, Turgenev sâu lắng. Dos khinh bỉ phong
cách, bất chấp kỹ thuật, coi ngôn ngữ chỉ là phương tiện và nếu đang
cháy túi thì viết ào ào, miễn bán được bản thảo. Turgenev kỹ lưỡng từng
câu chữ, khổ sở mãi về một chiếc bàn tròn ở câu trước bỗng có hình bầu
dục ở câu sau trong một tác phẩm của Dos. Dos sục xuống tầng hầm
của tâm hồn Nga, tìm ra đầu dây cháy chậm của những quả bom người –
những thân phận bị đọa đày và châm ngòi nổ. Turgenev mở cánh cửa sổ Nga
ra thế giới, phối hiện thực với trữ tình và cho nét u buồn đặc trưng của
Nga một vẻ bi quan hiện đại. Song xung đột bất hủ giữa hai vì tinh tú
thuộc hàng rực rỡ nhất trên bầu trời văn chương Nga này đến từ câu hỏi
"Con đường nào cho nước Nga?", vấn đề thiêu đốt và chia rẽ giới tinh hoa
Nga chậm nhất từ giữa thế kỷ 19.
Trong tác phẩm Khói (1867), Turgenev để nhân vật Potugin của mình phát biểu: "Người Anh gặp nhau thì thảo luận về thuế trước bạ hoặc cáp điện ngầm dưới biển, người Đức bàn về Schleswig-Holstein và tiến trình thống nhất nước Đức, người Pháp không thể không đề cập chuyện tình ái, còn người Nga thì lập tức tranh cãi về 'Vai trò và tương lai của nước Nga'. Họ gặm, họ mút, họ nhai cái vấn đề bất hạnh này như trẻ con ăn cao su – và luôn dẫn đến cùng một kết quả." Song Dostoyevsky thì khác, ông đã trả lời câu hỏi đó bằng hai đáp án trái ngược.
Chàng thanh niên Dos bị bắt, kết án tử
hình, ân xá vào phút chót trên pháp trường và lưu đày ở Siberia. Tội
của ông là đã đọc bức thư nổi tiếng của Belinsky gửi Gogol trong một
buổi họp mặt của Nhóm Petrashevsky, gồm các trí thức trẻ chống đối chế
độ Sa hoàng. Belinsky, nhà phê bình văn học sáng chói những năm bản lề
ấy thất vọng sâu sắc về bước ngoặt bảo thủ của Gogol sau thành công của Những linh hồn chết
mà ông từng nhiệt thành ngưỡng mộ. Toa thuốc mà Gogol kê cho con bệnh
là nước Nga, với những thảo dược Nga truyền thống như thần bí, khổ hạnh
và sùng tín, theo Belinsky là chẳng những vô tác dụng mà độc hại, bởi
nước Nga cần được điều trị bằng liệu pháp Âu hóa, bằng văn minh, khai
sáng và nhân văn. "Nước Nga không cần những bài giảng đạo (nó đã nghe
quá đủ!), không cần những lời cầu nguyện (nó đã tụng quá nhàm!), mà cần
sự đánh động ý thức của người dân về phẩm giá con người bị chôn vùi
trong rác rưởi và ô uế suốt nhiều thế kỷ - nước Nga cần và phải áp dụng
thật nghiêm khắc những thứ quyền và luật phù hợp với lẽ công bằng và lý
trí lành mạnh chứ không phải phù hợp với giáo lý nhà thờ. Nhưng tiếc
tay, nước Nga chỉ trình ra bộ mặt ghê tởm của một quốc gia không có đảm
bảo nào cho cá nhân, danh dự và sở hữu của con người, một trật tự cảnh
sát cũng không có nổi, chỉ thuần túy là một nhà nước trong tay đám sai
nha trộm cắp và cướp bóc!".
Mươi
năm sau, qua những khổ sai, quân dịch, bệnh tật, túng quẫn, chờ đợi một
cú huých cho sự nghiệp, Dos đoạn tuyệt với các lý tưởng cực tả thời trẻ
để tốt nghiệp bước ngoặt bảo thủ của số phận mình, có phần ít thần bí
hơn Gogol, nhưng cũng triệt để quay lưng với các trào lưu khai sáng, cải
cách và hiện đại hóa xã hội, chỉ còn cố thủ ở những "giá trị Nga" ăn
sâu trong đời sống chất phác, tâm hồn trong sáng và đức chịu đựng vô tận
của nông dân Nga, kết tinh trong Giáo hội Chính thống Nga mà ông giao
phó sứ mệnh cứu rỗi không chỉ dân tộc mà toàn nhân loại. Dos nhiều lần
thăm thú các kinh thành châu Âu, lần cuối hơn bốn năm lang thang trốn
nợ, sống ở phương Tây mà như chưa bao giờ rời khỏi nước Nga, không ngoại
ngữ, không giao lưu, không hội nhập, không hiếm khi thua trắng ở các
sòng bạc và chỉ sống bằng nước trà. Cảm tình ban đầu của ông với phương
Tây chuyển dần thành ác cảm, rồi ác cảm trở thành nỗi ghê tởm để củng cố
niềm tin về con đường riêng của nước Nga, luận thuyết về đặc cách Nga,
một kiểu Russian Exceptionalism mà sau này các nhà lập thuyết của
Chủ nghĩa Putin, từ Aleksandr Solzhenitsyn, Aleksandr Dugin đến
Vladislav Surkov, sử dụng như một nền tảng nhận thức. Phương Tây trong
quan niệm ngày càng bảo thủ của Dos là hiện thân của chủ nghĩa vật chất
suy đồi hời hợt, của sùng bái tiến bộ mù quáng, của tự do vô luân và vô
đạo. Nước Mỹ xa xôi mà ông không thực sự tiếp cận cũng trở thành đối
tượng căm ghét, chưa kể thái độ bài Do Thái, bài Ba Lan và bài Thổ không
giấu diếm – để bài Do Thái giáo, Cơ-đốc giáo và Hồi giáo, ba tôn giáo
lớn mà ông phỉ nhổ vì kình địch với Chính thống giáo Nga.
Đối tượng căm ghét tất yếu của ông
cũng là Turgenev, người đồng nghiệp lẫy lừng có tất cả những gì Dos
không sở hữu và hiện thân của tất cả những gì Dos dị ứng. Họ chia tay
nhau không đội trời chung sau lần Dos, cháy túi như thường lệ, đến biệt
thự của Turgenev ở Baden-Baden vay tiền đánh bạc và giận dữ vì chỉ mượn
được một số tiền quá nhỏ. Chín năm sau ông mới trả khoản nợ ấy, nhưng
trong Lũ người quỷ ám, tác phẩm lớn cuối cùng của mình, đã kịp
dựng một chân dung Turgenev kệch cỡm qua nhân vật Karmazinov, một nhà
văn ăn phải bả phương Tây nay đã hết thời, đạo đức giả và mù tịt về
những biến động chính trị xã hội tại Nga. Song Turgenev vẫn rơi nước mắt
ôm hôn kẻ thù của mình sau những lời đấu dịu đôi chút với phương Tây
của Dos trong diễn văn khánh thành tượng đài Pushkin ở Moskva, bởi ngoài
Pushkin, ông là "thiên tài mực thước" duy nhất của một nước Nga
đầy những vụ tự thiêu và các thái cực hoang dã như nhận định của Dmitry
Merezhkovsky. Vài tháng sau Dostoyevsky qua đời.
Tôi cũng đã say sưa đọc những tiểu
thuyết đầy nhân vật lạ lùng, tình tiết gay cấn và giáo huấn mạnh mẽ của
Dos đúng như lời Joseph Conrad, rằng ở chốn hội chợ văn chương, đám đông
chỉ đổ xô đi xem một con chim sơn ca hai mỏ hay một gã quái thai khổng
lồ, cổ chằng dây nịt ngựa, cười toe toét với khán giả. Chậm nhất, với
Nabokov trong hành trang, tôi đã bỏ lại Dos trên sân ga. Song trong
những ngày của cuộc chiến quỷ ám này, tôi lại buộc phải nghĩ về Dos và
sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử từ Sa hoàng, Sô-viết, hậu Sô-viết, Putin
hay hậu Putin, thời nào câu hỏi nước Nga đi về đâu dường như cũng và
cũng sẽ nghiêng về câu trả lời của Dos. Rốt cuộc, một đồng nghiệp nổi
tiếng khác của ông, Aleksandr Solzhenitsyn, sau hai mươi năm lưu vong ở
phương Tây, cũng trở về để cảnh báo hiểm họa một nước Nga trên bờ vực
thẳm nếu tiếp tục con đường thân phương Tây của Yeltsin, và – một lần
nữa – đề xướng một viễn cảnh Toàn cõi Nga, Toàn cõi Slav, Đại Á-Âu, với
nhà thờ Chính giáo và sứ mệnh cứu rỗi một nhân loại đã sa đọa bởi một
phương Tây tham lam, tha hóa, dối trá, ẻo lả, phù phiếm, suy tàn. Cho
đến khi qua đời năm 2008, nhà văn cựu ly khai trở thành vị minh sư mà
viên cựu sĩ quan KGB Vladimir Putin một lòng ngưỡng mộ. Cuộc chiến ở
Ukraine hôm nay theo đúng chương trình hành động mà tác giả của Quần đảo ngục tù
đề nghị trong hàng loạt bài viết về việc tái thiết một đế chế Nga, ít
nhất gồm Đại Nga, Tiểu Nga (Ukraine) và Bạch Nga (Belarus).
Ở cõi bên kia, Dos hẳn đẹp lòng. Càng ngày tôi càng thấm nỗi bi quan u buồn của Turgenev.
Berlin, 07/3/2022
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét