Người
yêu thơ thời trước cũng như ngày nay đều xem Nguyên Sa (1/3/1932-18/4/1998 ) như một nhà thơ
tình. Có thể đây là “lỗi” của các tác giả phổ nhạc từ những bài thơ Áo Lụa Hà Đông, Paris có gì lạ không em quá
hay chăng? Nếu nhìn lại một chặng đường sáng tác của ông, người ta sẽ
thấy ông là một nhà triết học ( với Decartes nhìn từ phương đông), một
nhà lý luận phê bình văn nghệ (với Một bông Hồng Cho Văn Nghệ - Một Mình
Một Ngựa) và sau cùng là một nhà văn (với Giấc Mơ, Vài Ngày Ở Chung Sự
Vụ) . Có một giai đoạn sáng tác quan trọng trong đời ông, một bước
ngoặt khi ông phải thụ huấn ở quân trường Thủ Đức vào năm 66 mà GS
Nguyễn Văn Trung trong quyển “Nhìn Lại Những Chặng Đường Đã Qua” nhận
định “Rất tiếc là khi Nguyên Sa qua đời , hầu hết các bài viết về Nguyên
Sa đều không đả động đến khúc quặt quan trọng , rất có ý nghĩa giá trị
trong sự nghiệp thơ văn của Nguyên Sa viết vào thời kỳ làm lính. Nếu bây
giờ đọc lại thơ văn thời kỳ đó, sẽ thấy thơ văn Nguyên Sa không phải
chỉ là mà còn là Giã Từ Khóa Đàn Anh, Giã từ nền văn chương trú ẩn”
TẬP THƠ BỊ KIỂM DUYỆT
Thật
vậy, ông đã có một tập thơ nhưng không được trình làng với bạn đọc.
Đó
là tập thơ “Những năm Sáu Mươi” với những bài thơ viết về chiến tranh
như “Giã từ Khóa Đàn Anh”. Và đặc biệt là bài “Sân Bắn”:
Bia lên ta thấy thân người
Thấy ta thấy địch, thấy đời lãng du.
Thấy tay dư, thấy chân thừa.
Thấy tai nghễnh ngãng, mắt mù óc không
Một đời phơ phất hình nhân,
Thấy còn thấy hết, sau cùng thấy đau
Bia lên thấy mẹ u sầu
Giấy bồi tơi tả cúi đầu trong ta…
Trời cao ngó suốt thịt da
Bia lên trông cũng vật vờ cỏ xanh?
Bia lên tìm chỗ ta nằm
Non cao đuối cẳng em còn thấy đâu…?
Hầm bia buồn đến mộ sâu
Nghìn cây nên thắp trên đầu đạn bay.”
Những
bài thơ chiến tranh là những bài thơ từ chiêm nghiệm thực tế, chứ không
phải từ những tháp ngà của tình yêu, những đêm vũ trường cùng với Mai
Thảo. Ông đã ghi trong hồi ký về hoàn cảnh ra đời bài thơ nầy như sau:
“…không khí của sân bắn còn mang lại những ấn tượng thật đặc biệt. Có
những buổi tập bắn, mục tiêu ở trước mặt cố định. Những buổi tập bắn,
khác với đối tượng di động. Khi huấn luyện viên tác xạ hô lớn “bia lên”,
nhiều chục tấm bia từ một con đường hầm dài ở phía xa trước mặt được
nhất loạt đưa lên. Người SV sĩ quan thụ huấn phải bắn trúng mục tiêu
dành cho mình trong thời gian ngắn trước khi tiêng hô “hạ bia” vang lên.
Bia
là những tấm hình đầu và thân người, nhưng không có cánh tay nào cả.
Tiếng động cơ nổ đều, độ rung của chiếc xe, kỷ niệm vang vọng những
tiếng hô “bia lên”, những tiếng nổ chát chúa kế tiếp, những tiếng reo
vui “trúng hồng tâm”, tiếng reo vui “có bằng thiện xạ rồi”, âm thanh nào
trở thành sợi giây liên tưởng mang lại cho tôi “bia lên ta thấy thân
người, thấy ta thấy địch thấy đời lãng du…”
Tập
thơ gồm bốn chục bài thơ nầy tác giả đưa cho nhà xuất bản Trình Bầy vào
năm 1970 không được Bộ Thông Tin giấy phép xuất bản. Năm 1971, NXB
Trình Bầy cho in lậu tập thơ nầy trên giấy ronéo dành cho tác giả và
bằng hữu. Nguyên Sa trong bài “Bài tựa cho tập thơ bị Kiểm Duyệt” (Trình Bầy- xuân Tân Hợi) viết
“ Cho
nên làm xong tập thơ của 10 năm thì phải in nó ra. Thông Tin không cho
in trên nền long ly quy phụng thì in ronéo như một phân định rõ rệt hoài
niệm, về hạnh phúc và cái thuộc về một nguồn gốc và chính nó và cũng là
sự chia xẻ phân định tìm thấy với bằng hữu.”
BỊ TRUY TỐ RA TÒA TIỂU HÌNH
Cứ
những tưởng chỉ một tập thơ nầy bị số xui, ai mà dè đến giữa năm 72,
nhà thơ Nguyên Sa lại bị một cú “đúp” nữa. Nhưng lần nầy thì bị sao quả
tạ chiếu nặng hơn.
Số
là giữa năm 1971, thời gian nhà thơ gắn bó nhiều với tạp chí Trình Bầy,
ông có viết từng kỳ truyện “Vài Ngày Làm Việc Ở Chung Sự Vụ”. Các người
lính VNCH khi còn sống thì chẳng bao giờ biết Chung Sự Vụ là gì và ngay
cả
khi chết họ cũng không biết mặc dù đạn bom vốn không mắt, vô tình đã
đưa
họ về với chốn cuối cùng nầy. Chốn cuối cùng của họ không phải là
những nấm mộ ở nghĩa trang mà là Chung Sự Vụ.
Nhà
thơ Nguyên Sa lại càng không biết cho đến khi ông học ở bộ phận Quân
Nhu bốn tháng rưỡi vào năm 1966 tại ngôi trường nằm trong khuôn viên
trại Lê Văn Duyệt . Tại đây, ông cũng chỉ được biết đến Chung Sự Vụ qua
chương trình học nhưng chưa một lần đến thăm hay làm việc ở nơi chốn đầy
những tử thi cụt đầu, cụt tay hoặc tan rữa nầy. Nhiệm vụ của những
người lính trong đơn vị Chung Sự vụ là tìm lắp ghép những thi thể nầy
lại, sắp xếp vào quan tài và giao lại cho thân nhân về chôn cất hoặc đơn
vị nầy sẽ tự chôn cất theo yêu cầu của thân nhân.
Trong
quyển truyện nầy, với một giọng văn mạnh bạo, trần tục, đôi lúc du côn
không hề có một chút xíu chất thơ, Nguyên Sa đã phơi bầy bộ mặt “hậu
trường” quân lực VNCH qua việc hai bà vợ tranh giành cái thây ma của
Thiếu tá Nguyễn Văn Tình với đủ mọi thế lực chống lưng phía sau. Truyện
được đăng từng kỳ trên Trình Bầy vẫn im re trót lọt qua mắt được bà "hốt
, cắt đục” (danh từ báo chí Sài gòn đặt cho bộ Thông tin) dù có quá
nhiều đoạn “mó d. ngựa”, như
“Khóc
biểu dương lực lượng có kèm theo chủi bới tùm lum, chủi bới chánh phủ,
chủi cả lò những thằng to đầu để chồng bà chết. Trời chu đất diệt năm
đời, mười đời chúng mầy, chúng bay ngồi ở Sài gòn, ngồi vơ vét móc hầu,
bóp cổ người ta, bắt chồng bắt con người ta đi chỗ hòn tên mũi đạn…”(trang 7). “Đồ
khốn nạn. Chúng mày là đồ khốn nạn. Tôi đã bảo rồi , mà anh ấy không
nghe, chúng mày đưa chồng tao vào chỗ chết. Ông ơi, ông lấy tôi được 6
tháng để tôi bụng mang dạ chữa ông bỏ, ông đi, tiên sư cha chúng mày
.Chúng nó ở Sài Gòn ăn ngon ngủ kỹ. Chúng nó xúi anh đi ra nơi hòn tên
mũi đạn. Chúng nó đẩy anh vào chỗ chết. Anh bỏ vợ bụng mang dạ chữa .
Anh ơi …Tổ sư cha chúng mày …”(trang 17)...
Nhưng đến
khi “Vài Ngày Làm Việc Ở Chung Sự Vụ” được tạp chí nguyệt san Nhân Văn
số 14 (thuộc tạp chí Văn Học), phát hành vào tháng 6 năm 72 thì bị Bộ
Thông tin ra lệnh tịch thu và Biện Lý cuộc Tòa Sơ thẩm Sài gòn ra lệnh
truy tố trước tòa tiểu hình chánh phạm là chủ nhiệm tạp chí và tòng phạm
là tác giả Nguyên Sa vì “đã dùng báo chí để phổ biến luận điệu có
thể phương hại nền an ninh quốc gia và làm suy giảm kỷ luật và tinh thần
chiến đấu của quân đội”.
Theo
Nguyên Sa, “Chung Sự Vụ là cơ quan có thật nhưng Đại đội Chung Sự của
Trung Úy Lan trong truyện là một sản phẩm hoàn toàn tưởng tượng.” Từ năm
66 ông đã nghe đã tìm hiểu và đã…để chìm vào ký ức khi xuất ngũ. Mãi
đến năm 1971, trong một “sự xúc động có tên là khổ đau của tâm hồn trước
số phận của dân tộc trong chiến tranh triền miên” đã giúp ông viết tác
phẩm nầy-một quyển “truyện có nhiều chuyện” chứ không phải là “truyện
không có chuyện”, một khuynh hướng thời thượng lúc đó.
Lê Văn Nghĩa
nguồn: viet-studies.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét