Đọc
tin tức về chiến tranh ngay tại thủ đô Kyiv, Ukraina. Tôi xót xa thẩn
thờ. Những đường phố yên bình nay đầy xe tăng, bom đạn. Những con người
hiền lành bỗng chốc hoảng
loạn rời bỏ nhà cửa, tất tả ngược xuôi tìm đường thoát thân… Đã hơn
mười năm kể từ khi tốt nghiệp đại học rời thành phố Kyiv, nay tôi được
chiêm ngưỡng lại nó theo một cách đáng buồn như thế. Thời tôi, bạn bè
chọn du học Mỹ, Úc, Pháp… Tôi thì lại chọn đi
Ukraina không mảy may chần chừ. Những áng văn mà tôi đọc từ nhỏ đã làm
cho tôi có một cảm tình đặc biệt với nước Nga và những nước Liên Xô cũ.
Ai cũng bảo sao không chọn đi đâu mà lại chọn cái nước nghèo thế mà đi.
Ấy vậy mà với mức thu nhập GDP bèo bọt của
Ukraina, sao tôi vẫn thấy họ giàu đến thế…
Nhiều người bạn Ukraina của tôi biết chơi nhạc cụ, có đứa thành thạo vài
loại là chuyện thường. Ở Kyiv, những trường nhạc được đặt gần các
trường học. Trẻ con sau khi kết thúc ngày học ở trường khoảng 3 giờ
chiều có thể đi bộ qua trường nhạc học luôn, trong
lúc đợi bố mẹ tan làm về đón. Tôi cũng từng học một trường nhạc như thế
thời sinh viên, học phí một tháng khoảng bằng một suất ăn Mc Donald.
Chỉ vậy không hơn. Nhiều học sinh khi tốt nghiệp phổ thông thì có luôn
bằng tốt nghiệp trường nhạc, có thêm một nghề
tay trái kiếm cơm. Ở đất nước mà GDP thấp xỉn, chính phủ vẫn luôn bảo
trợ cho việc phổ cập âm nhạc bằng việc xây dựng các trường nhạc với chi
phí mà mọi người dân đều có cơ hội học nhạc.
Tôi còn nhớ cái lần bạn tôi rủ đi xem nhạc kịch, tôi vội từ chối luôn.
Nhạc kịch, ballet, opera, giao hưởng... với tôi là những thể loại nghệ
thuật đỉnh cao dành cho giới quý tộc. Thời sinh viên thiếu thốn, ngoài
giờ đi học tôi còn phải đi làm kiếm cơm, tiền
đâu ra mà đua đòi vào mấy cái nhà hát sang trọng đó. Lúc đó tôi bảo bạn
là vét sạch túi còn được có mấy chục đồng, không đủ tiền mua vé đâu.
Bạn cười rồi bảo, giá vé nào cũng có, từ mấy trăm đồng được ngồi sát sân
khấu, mấy chục đồng ngồi ở xa, mà có vé chỉ
có 5 đồng, ngồi trên mấy cái hốc… Lúc đó tôi ngạc nhiên lắm, 5 đồng, số
tiền chỉ mua được một ổ bánh mì, mà có thể bước chân vào nhà hát sang
trọng để thưởng thức dàn nhạc cổ điển chơi live, sân khấu được dàn dựng
quá cầu kỳ, phục trang thì không thể tỉ mỉ
hơn… Và tôi – cô sinh viên ngày đó, cuối cùng cũng đã vét sạch túi mon
men đi mua vé ngồi ghế xa tít tắp để được đặt chân vào nhà hát thật lộng
lẫy, được tận hưởng cảm giác “quý tộc” mà nhớ mãi tới bây giờ. Ở một
đất nước “nghèo” như vậy, mọi người dân, tùy
thu nhập của mình, đều có thể thưởng thức được nghệ thuật đỉnh cao.
Kyiv là thành phố cổ, nhiều khu chung cư đã cũ lắm rồi, không có bể bơi,
phòng gym hay xông hơi như nhiều chung cư cao cấp bây giờ. Nhưng phải
nói từ thời xa xưa trước đó, mà các quy hoạch khu dân cư thực sự có tầm.
Giữa 2 – 3 tòa nhà đều có một khoảnh đất
rộng để trẻ con vui đùa, người lớn tập thể dục. Và bếp của các căn hộ
thường quay hướng về phía sân chơi này. Nấu bếp trên nhà vẫn có thể nhìn
thấy con chơi ở dưới. Nhiều trường học được bố trí trong cụm những khu
dân cư để trẻ con có thể đi bộ từ nhà đến
trường thật dễ mà ít hoặc không phải qua đường ô tô chạy. Dịch vụ chăm
sóc y tế, phương tiện công cũng đặc biệt ưu tiên trẻ nhỏ. Ở một nước
“nghèo” như vậy, họ quan tâm để ý từng chi tiết tới đứa trẻ và trẻ con ở
đây thực sự được tôn trọng.
Trong trường học, tôi được chứng kiến sinh viên “cãi” thầy. Nhiều cuộc
tranh biện mà có khi ông thầy còn công nhận mình thua một cách công
khai. Nhiều đề tài thầy và trò cùng nghiên cứu và đứng tên trên cùng một
bài báo. Tôi học được một điều ở họ là càng học
cao, người ta càng khiêm nhường, và họ vẫn không ngừng học kể cả khi đã
là giáo sư, tiến sĩ. Ở đất nước “nghèo” ấy đã có nhiều nhà khoa học đạt
giải Nobel trên nhiều lĩnh vực như Vật lý, Hoá học, Y học và Văn học.
Tôi thấy bản thân mình cũng được “giàu lên” nhiều từ đất nước “nghèo”
này. Tôi bắt đầu học từ cách xếp hàng, cách ăn nói nhỏ nhẹ nơi công
cộng, cách nhường ghế trên xe buýt, tàu điện cho người già và trẻ em,
cách đề nghị được giúp đỡ người khác như xách phụ
một người đang mang nhiều đồ nặng, dắt tay một cụ già qua đoạn đường
đóng băng dễ trơn trượt… Những bài học tưởng chừng như vỡ lòng nhưng tôi
cũng ít khi có cơ hội được thực hành cho đến khi sống ở Ukraina.
Còn nhớ lần đầu đi coi ballet, tôi mang cả ủng đi tuyết và áo lông vào
khán phòng. Nhìn ra chung quanh thấy người ta chỉ giày hoặc bốt da lịch
sự, mặc vét mỏng hoặc những bộ đầm dài thướt tha... mới biết có một
phòng gửi đồ, chỉnh lại phục trang thật trang
nghiêm lịch sự trước khi bước vào khán phòng như một cách tôn trọng
không gian nhà hát. Rồi có lần, đi xem hoà nhạc, tôi mua cả ... bim bim
vô ngồi nghe rồi bốc ăn cứ như đi xem phim. Mấy người ngồi chung quanh
tỏ vẻ khó chịu vì tiếng lạo xạo. Tôi vội bỏ xuống
vì hiểu ra đang làm phiền không gian thưởng thức âm nhạc đầy tĩnh lặng
để có thể cảm được từng nốt trầm nhất, đến cả nốt lặng cũng phải được
tôn trọng tuyệt đối...
Tôi học cách đi xem phim rạp phải chờ đến chữ cuối cùng chạy trên màn
hình mới đứng dậy để thể hiện sự tôn trọng với toàn ekip làm phim. Tôi
học cách vỗ tay khen ngợi phi công và phi hành đoàn khi máy bay đáp. Tôi
học cách trả tiền vé kể cả không có ai kiểm
tra. Tôi học cách bỏ hết mấy cái khôn vặt, khôn lỏi ra khỏi đầu ở trong
một xã hội “nghèo” như thế.
Ở thành phố có bề dày lịch sử và văn hoá như Kyiv, bảo tàng nhiều vô kể.
Người dân Ukraina rất thích đi bảo tàng. Trẻ con từ nhỏ đã đi bảo tàng
trong những tiết học với thầy cô, đi với gia đình. Đó là cách mà người
lớn kể những câu chuyện lịch sử, truyền tình
yêu quê hương xứ sở của mình cho hậu thế.
Chiến tranh là tội ác. Kẻ châm ngòi chiến tranh là tội đồ của lịch sử,
không thể biện giải bằng bất cứ lý do gì. Bất kể kết quả bỏ phiếu của
Liên hợp quốc, cá nhân tôi góp một phiếu chống chiến tranh xâm lược của
Nga đối với Ukraina, một cuộc chiến làm cho
người dân hai nước đều khốn đốn, trong điều kiện nền kinh tế đã quá trì
trệ.
Tôi vẫn ước mong một ngày được trở về Ukraina, một đất nước nghèo mà vô cùng giàu có.
*Không rõ tên Tác giã
Giao tranh quyết liệt ở ngoại ô Kyiv 21/3/2022
* Ảnh minh họa từ Google
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét