20 thg 3, 2022

Nguyễn Thị Hải Hà : Những con ma trong các bức họa của Hokusai (Gió O )

                                                 Chân dung của Hokusai
 
Katsushika Hokusai, người Nhật, sinh ngày 31 tháng Mười 1760 và mất ngày 10 tháng Năm 1849. Ngày còn bé ông được một nhà chuyên môn làm gương (mirror) cho Shogun nhận làm con nuôi. Năm 12 tuổi ông làm việc cho tiệm sách và thư viện. Sau giờ làm việc ông đến các ngôi chùa gần nhà để học vẽ. Năm 14 tuổi ông học nghề khắc gỗ với một nghệ nhân nổi tiếng cho đến năm 18 tuổi ông được thâu nhận vào xưởng họa của Katsukawa Shunshō. Hokusai học nghệ thuật ukiyo-e từ Shunshō và trở nên bậc thầy của môn nghệ thuật này. Ukiyo-e có nghĩa là những bức tranh của Ukiyo, những bức tranh của “the floating world.” The Floating World (tạm gọi là thế giới nổi trôi) được dùng để ám chỉ xã hội của ca nữ, geisha, những người diễn tuồng kabuki. Họ không được kính trọng lắm vì không thuộc giới samurai, và thế giới của họ luôn có những cuộc vui cờ bạc thâu đêm, rượu chè trác táng. Tranh từ bản khắc gỗ ukiyo-e có thể in thành nhiều bản, do đó giá tranh không đắt lắm và người không giàu cũng có thể sở hữu tranh. Tranh ukiyo-e vì thế rất thịnh hành. Năm 1807 ông được mời vẽ trước mặt Shogun Tokugawa Ienari (trị vì Nhật Bản năm 1787 đến 1837) Nổi tiếng trên toàn thế giới với bức họa The Great Wave of Kanagawa. Ông vẽ nhiều chủ đề, minh họa cho hơn 200 quyển sách, được xem là một trong những người khởi đầu
bộ môn manga. Hằng trăm bức vẽ, và hơn ngàn bức tranh còn tồn tại. Bức tranh the Great Wave of Kanagawa chỉ là một trong hơn 300 bức tranh ông vẽ sóng, một hình thức của nước.

Ông lấy vợ lúc 17 tuổi, người vợ đầu mất sớm, có ba người con. Người vợ thứ hai, có hai người con cũng chết trước ông. Một trong hai người này là cô con gái tên Eiji, có bút danh là Ōi. Cô này cũng là một họa sĩ có tài đã giúp ông hoàn tất nhiều bức tranh. Nhiều phê bình gia đã không thể phân biệt nét vẽ của Ōi và của Hokusai.

Hokusai vẽ nhiều chủ đề, cả hữu hình lẫn vô hình. Ông vẽ thú như cọp và rồng. Ông vẽ người như nông dân, ngư phủ, samurai, geisha và cả Phật, tiên, hay ma quỷ. Ông vẽ rất nhiều bức họa sư tử với mục đích trục quỷ trừ tà. Ông vẽ tranh làm bùa hộ mạng cho thân chủ đánh đuổi những chứng bệnh nan y thời bấy giờ. Vào khoảng năm 1833 ông vẽ chủ đề One Hundred Ghost Tales; một số tranh của chủ đề được ghi lại trong quyển Hokusai Beyond the Great Wave do Timothy Clark biên soạn.

Truyện ma của Nhật thường là sự kết hợp của các quan điểm Phật Giáo, Lão (Đạo) Giáo, Thần Giáo, và huyền thoại dân gian của Trung quốc. Mặc dù ít người có dịp nhìn thấy ma quỉ hay tiên, trong sáng tác văn hóa nghệ thuật, ma quỉ trong truyện thường có nhiều hình dáng. Người Nhật theo Thần Giáo nên tin rằng vạn vật đều có linh hồn. Tiên và thần linh có khi là cáo hay gấu mèo. Ma quỉ có khi giống như người.

Kohada Koheiji 

                                  Kohada Koheiji là tranh ukiyo-e.

Con ma trong bức tranh Kohada Koheiji, là cái đầu lâu có lửa chập chờn bao quanh. Kohada đang đè nóc mùng xuống thò đầu vào để nhát người đàn bà đang ngủ. Người đàn bà này, trước kia là vợ của Kohada, đã cùng với tình nhân dìm Kohada trong đầm lầy Asaka đến chết. Kohada trở về từ cõi âm để hài tội kẻ giết ông ta. Truyện ma này rất phổ biến vào thế kỷ thứ 18, và đã được nhà văn Nhật Santō Kyōden (1761-1816) viết thành truyện in vào năm 1803. Những bắp thịt đỏ lói cùng với những sợi gân tái xanh bao chung quanh cái đầu lâu trông rất ghê rợn. Khi Kohada thò mặt vào nóc mùng mở miệng cười với hai hàm răng trắng nhỡn cùng với đôi mắt trắng dã, chắc cô vợ phải ngất xỉu.

Điểm chính của truyện ma thường khi miêu tả những cái chết oan ức, hay có chuyện gì đó rất quan trọng nhưng không hài lòng hoặc chưa kết thúc khiến người chết cứ phải vương vất ở cõi trần. Ma thường là phụ nữ bị giết, người ta gọi hồn ma là những linh hồn uất nghẹn. Trong trường hợp này ma lại là đàn ông.

Ōiwa-san 
Năm 1825 Ōiwa-san xuất hiện lần đầu trong vở kịch kabuki Yotsuya kaidan rồi trở thành nhân vật trong truyện ma nổi tiếng nhất Nhật Bản cho đến nay. Là một nghệ nhân nổi tiếng đẹp, Ōiwa-san bị đối thủ lừa bịp, tráo một loại kem phấn làm hủy hoại gương mặt của nàng. Trở nên xấu xí nàng bị chồng bỏ rơi. Trong lúc đau buồn, Ōiwa-san tình cờ gây tai nạn tạo nên cái chết của chính nàng. Uất hận, Ōiwa-san tự nguyện ở lại âm ti và thề trả thù.

Trong bức tranh phía trên, gương mặt xấu xí của Ōiwa-san đã hòa nhập vào cái lồng đèn giấy được dùng trong lễ hội Obon. Obon là lễ thờ cúng tổ tiên của người Nhật. Trong lễ hội này thường có buổi nhảy múa tế lễ gọi là Bondori. Obon có nguồn gốc từ Trung quốc, tương tự với lễ Vu Lan. Lỗ thắp đèn trên lồng đèn giấy được biến thành cái miệng há ra của Ōiwa-san. Nếp gấp bằng giấy được xếp đặt thành nét nhăn ở mũi và đuôi mắt của hồn ma càng làm tăng vẻ ghê rợn.

Nữ ác quỷ 

Trong bức tranh khắc trên gỗ này, Hokusai đã vẽ một nữ ác quỷ xuất hiện bên khung cửa sổ hình tròn. Óc sáng tạo của Hokusai thật là phong phú. Ông kết hợp hai mẫu người đàn bà, một là người phụ nữ miền núi yamauba với hannya, vị nữ thần Ấn Độ chủ trì bệnh trái rạ. Con quỉ cái nhe nanh cười, bàn tay đầy vấu nhọn đang chộp lấy đầu của một đứa bé còn đẫm máu.

Yamauba, người phụ nữ miền núi, được miêu tả là người nuôi dưỡng trẻ con vào thế kỷ thứ mười tám. Tuy vậy, vào thời xưa hơn nữa, người ta bảo rằng yamauba ăn thịt trẻ con.

Hokusai quan sát sinh vật hữu hình và tưởng tượng nên chủ thể vô hình. Ông xóa nhòa biên giới của thế giới có thật và thế giới sáng tạo. Những bức tranh vẽ các địa danh trong lịch sử đã được ông tái tạo vì những địa danh ấy đã không còn tồn tại ngay cả trong thời của ông. Nghệ thuật sáng tạo của ông, không chỉ là dụng cụ để mưu cầu sinh kế, mà còn phản ánh niềm tin tôn giáo của ông. Càng lớn tuổi ông càng có khuynh hướng gần gũi hơn với thế giới tâm linh khiến ông dùng những vật thể hữu hình để vẽ lại thế giới vô hình chung quanh ông.

Nguyễn thị Hải Hà

Viết xong ngày 27 tháng Mười 2021


Ác Quỉ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét