Cõi người ta (2) – Tranh: Thanh Châu
Tôi dọn nhà về đây, một khu ổ chuột đối diện với bệnh viện truyền máu đã gần hai tháng nay. Căn phòng thấp lè tè, nóng đến ngạt thở nhưng đươc cái là không dột khi mưa. Mùa mưa ở thị xã này kéo dài lê thê, hết ngày này đến ngày khác. Kể ra có một chỗ trú thân được như vậy là quý lắm rồi đối với một y tá quèn như tôi. Hằng ngày, tôi chỉ lội bộ vài ba bước chân là đến nơi làm việc. Công việc của tôi đơn giản và nhẹ nhàng. Cô y vụ sẽ lập danh sách những ai sẽ bán máu trong ngày, một bộ phận khác có nhiệm vụ thử máu xem có bệnh tình gì không. Rồi đến lượt tôi, cầm trong tay cây kim tiêm loại hai chục xê xê, cột trên tay người bán máu một ga rôn để dồn máu xuống cánh tay, tôi bắt đầu tìm mạch và đưa mũi kim vào ven, rút từ từ những giọt máu theo động mạch đã mở. Chỉ chưa đầy năm phút, công việc hoàn tất. Tôi tiếp tục kêu tên một người khác bước vào phòng lấy máu.
Thế đấy! Một loại công việc hết sức đơn điệu cứ kéo dài hết ngày này đến ngày khác, diễn ra trong căn phòng đầy mùi ê tê và vị mặn mặn của những giọt máu rơi vãi. Riết rồi tôi đâm lười biếng. Nghĩ cứ đến nơi làm việc chỉ để làm một công việc là lấy máu, tôi ngán đến tận cổ. Nhưng rồi, khi thấy hình ảnh những bệnh nhân cần máu mới cứu sống họ được, lòng tôi mới thanh thản đôi chút. Tôi nghĩ, mình đã làm được điều gì đó giúp họ vượt qua cơn hiểm nghèo sinh tử…
Sáng hôm nay, vừa bước vào phòng, tôi đã gặp một người đàn ông ngồi chờ ở chiếc ghế dài ngoài phòng đợi. Tôi nhớ hình như tôi đã lấy máu người đàn ông này rất nhiều lần nên trông khuôn mặt quen quen. Anh ta ngồi đó với dáng co ro, khắc khổ, chiếc lưng như khụm xuống trên gương mặt hom hem già trước tuổi. Chiếc áo rộng thùng thình không che nỗi tấm thân gầy gò, yếu đuối cùng làn da nhợt nhạt chứng tỏ anh ta đang thiếu rất nhiều máu. Làm việc ở đây khá lâu, tôi không lạ gì những trường hợp có người phải bán máu nhiều lần vì những hoàn cảnh khác nhau. Nhưng ít ra những người bán máu ấy vẫn còn sức hoặc giả họ đã có chút gì bồi dưỡng trước đó để đủ sức chịu đựng công việc kiếm tiền bất đắc dĩ này. Còn anh ta thì không. Chỉ cần nhìn sắc diện, tôi đã biết điều đó.
Người đàn ông cười héo hắt, lên tiếng trước:
– Cậu làm ơn cho tôi bán máu. Tôi đã qua bên kia xét nghiệm xong. Tôi thuộc nhóm máu mà bệnh viện đang cần…
Anh ta run run đưa tôi xem tờ phiếu với những ký tự trong ngành y mà chỉ người làm nghề mới hiểu được. Đọc xong, tôi lắc đầu:
– Ông Trần Nghĩa à! Bên xét nghiệm họ không đồng ý cho lấy máu của ông. Họ sợ ông kiệt sức vì đã mất máu khá nhiều.
Mặt người đàn ông lộ rõ vẻ thất vọng. Anh giương cặp mất thất thần nhìn tôi, khẩn khoản:
– Cậu làm ơn lấy máu của tôi… Tôi đang rất cần tiền, cậu biết không? Mẹ tôi bịnh nặng nhưng tôi không biết làm gì bây giờ để có tiền…
Bỗng dưng tôi thấy anh ta thật tội nghiệp, nhưng biết sao hơn. Tôi thông cảm:
– Tôi không ngại để giúp anh. Nhưng anh biết đấy, tôi không thể lấy máu khi bên xét nghiệm họ không đồng ý. Hay là để vài ngày nữa nhé! Anh về nhà bồi dưỡng vài hôm rồi quay lại đây. Tôi hứa sẽ nhận máu của anh bán.
Người đàn ông bỗng rơm rớm nước mắt:
– Tôi đang nuôi một mẹ già bị bệnh nặng, khổ lắm cậu ơi! Cả năm rồi tôi lại thất nghiệp chẳng làm ra được đồng bạc nào nên cuối cùng đành đến bệnh viện này bán máu lấy tiền chữa chạy cho mẹ. Tôi thuộc nhóm máu hiếm, ít có người bán nên lần nào tôi cũng bán được, khi thì một xị, khi vài chục xê xê… Nhưng lần này… Tôi không biết phải làm sao…
– Thế vợ con, anh em của anh đâu? Sao không ai giúp anh trong cơn khó khăn. Tôi hỏi và quay sang cô y tá trực. Cô bảo mấy người bán máu sáng nay chờ tôi một lát.
– Tôi chỉ có hai anh em. Người đàn ông trả lời, giọng mệt mỏi. Em trai tôi đang sống ở thành phố, nghe nói giàu có lắm. Nhưng cả chục năm rồi nó không về. Nó giận tôi và mẹ tôi…
– Sao lại giận anh, cả bà mẹ ruột của anh ấy nữa? Tôi tò mò hỏi tiếp. Thế anh có cho người embiết là mẹ anh đang bệnh nặng không?
– Có! Tôi đánh điện cho nó hay nhưng không thấy nó trả lời. Nghe nói nó đang ở Hồng Kông, Hương Cảng gì đó lo chuyện làm ăn. Nó bây giờ giàu có và sang trọng lắm nhưng giận tôi và mẹ vì nghĩ rằng nó bị mọi người lừa dối… Mà trăm sự cũng do tôi, cậu ơi!
Câu chuyện của người đàn ông bỗng dưng cuốn hút tôi. Không biết có thật không nhưng tôi lại muốn nghe hết những gì diễn ra sau đó.
Tôi nói:
– Thôi, thế này. Anh chờ tôi ở đây! Tôi phải vào trong kẻo mấy người bán máu chờ. Nhà anh cũng ở gần đây, phải không? Được lát nữa tôi sẽ theo anh về nhà xem giúp bệnh cho bà cụ. Còn anh thì sáng nay tôi sẽ không lấy máu được vì đó là nguyên tắc. Để xem tôi có cách nào khác giúp anh được không?
Rồi tôi trở về phòng với công việc thường lệ của mình sau khi chia tay người đàn ông chưa quen biết mà trong đầu vấn vít bao nhiêu câu hỏi chưa có lời đáp. Tôi không tin được trên thế gian này lại có người không còn tha thiết đến tình máu mủ ruột thịt như ông em nào đó của người đàn ông tôi vừa gặp khi nãy. Chà! Sang trọng, giàu có mà làm gì khi chính mẹ đẻ ra mình lại không thèm quan tâm chăm sóc khi bà ốm đau, hoạn nạn. Cảm giác ấy cứ đè nặng trong tôi trong lúc đưa kim tiêm vào tay những người bán máu.
Khi xong công việc bước ra cửa, tôi thấy người đàn ông vẫn còn ngồi đó, đôi vai run lên trong những tiếng nấc ngất quãng. Ông ta khóc. Những giọt nước mắt đùng đục chảy dài, lăn theo đôi má hóp càng làm cho khuôn mặt ông thêm thiểu não. Chẳng biết làm gì hơn, tôi đành đứng lặng chia sẻ những nỗi buồn trong ông. Đợi cho cơn xúc động vơi đi, tôi lên tiếng:
– Bây giờ tôi với anh về nhà xem thử bệnh bà cụ thế nào? Tôi là thầy thuốc và có thể giúp được gì đó cho mẹ anh. Dù sao, một mình anh cũng phải lo cho bà cụ. Không nên để bà một mình trong lúc này.
Tôi theo người đàn ông bán máu hấp tấp bước đi với bao câu hỏi trong đầu kể cả những bất lực đớn đau về tình người chua xót.
Qua những ngõ hẻm lầy lội và trơn trợt, cuối cùng tôi cũng đến được nhà của người đàn ông nọ. Đó là một cái chòi thì đúng hơn. Chỉ thấy vài tấm lá dựng tâm trên vài miếng tre mỏng, một tấm cao su căng ra bằng những sợi dây che quanh chiếc giường mà trên đó là bà cụ hom hem, nước da xanh mét, đôi mắt mờ hầu như không còn thấy gì nữa…
Góc chòi lỉnh kỉnh nồi xoong, chén dĩa và cái bếp dựng tạm bằng mấy viên gạch thẻ nham nhở. Thật ra, trong đời tôi chưa bao giờ thấy ngôi nhà nào đơn sơ, nghèo nàn như vậy.
Nghe tiếng động, bà cụ bỗng trở mình, thều thào:
– Con đã về rồi đó hả. Nghĩa! Cho mẹ xin… miếng nước. Sáng giờ mẹ khá quá…nhưng không sao …đứng lên được..– Có ngay đây mẹ. Người đàn ông tôi biết khi sáng nhẹ nhàng rót từ trong chai ra một ít nước cho bà cụ. Sáng nay con gặp may, mẹ ạ. Có ông bác sĩ ờ bệnh viện về nhà mình xem bệnh cho mẹ.
Tôi định đính chính, những thôi vì tôi chỉ là anh y tá. Ngồi xuống giường, tôi cầm tay xem mạch bà cụ. Mạch nhảy rất yếu. Tôi còn nghe cả những tiếng khò khè từ trong phổi bà bằng chiếc ống nghe mang theo…
– Không được, cuối cùng tôi nói. Anh Nghĩa ạ! Anh phải mang cụ vào viện. Ở đó có đầy đủ thuốc men hơn. Để bà ở đây tôi e không ổn. Bệnh bà cụ đã trở nặng rồi.
Nhìn ánh mắt ngần ngại của người đàn ông, tôi hiểu và trấn an:
– Không sao đâu, vấn đề tiền bạc ấy mà! Tôi có quen với các bác sĩ ở đó. Hơn nữa, nhà anh nghèo thế này…
Bà cụ lúc này mới lên tiếng, giọng đứt quãng, yếu ớt:
– Thôi, không cần phải mang mẹ đi đâu, Nghĩa ạ! Mẹ biết bệnh mẹ… Cảm ơn bác sĩ…. Nhưng… thôi… Đời tôi đến đây thế là cũng đủ lắm rồi… Giờ thì tôi chỉ ao ước …có thằng Nhân bên cạnh. Không biết đến bao giờ tôi mới gặp được nó…
Người đàn ông sợ tôi không hiểu, giải thích:
– Nhân là em trai tôi, người em thương gia giàu có mà khi sáng tôi đã kể ông nghe. Chuyện của gia đình tôi buồn lắm! Mẹ tôi đã đau khổ suốt cuộc đời bà vì anh em tôi. Nó là thế này…
Bằng giọng khẽ khàng và trầm buồn trong buổi trưa ngột ngạt, người đàn ông kể cho tôi nghe câu chuyện về gia đình ông, về người mẹ không lúc nào nguôi ngoai, khắc khoải vì những đứa con bất hạnh .
– Bắt đầu từ lúc tôi và Nhân, em tôi – người đàn ông tên Nghĩa bắt đầu rấm rức kể – tranh giành nhau ngôi nhà cha tôi để lại khi ông vừa mất. Theo lẽ, ngôi nhà ấy, lúc đó đáng giá vài trăm cây vàng, sẽ được bán và chia làm hai, tôi một nửa và Nhân một nửa. Anh em tôi bắt đầu xung khắc nhau vì chuyện chia chác ít nhiều. Mẹ tôi lúc ấy buồn lắm nhưng khuyên bảo không ai nghe. Ông ạ! Đồng tiền hình như có một ma lực nào đó xui khiến ta làm đủ điều, kể cả vô lương tâm mà không hề ăn năn, áy náy. Tôi, lúc ấy chỉ muốn chiếm trọn căn nhà của cha tôi. Ma quỉ xui khiến tôi đã làm một điều mà cho đến giờ, tôi vẫn không nguôi ân hận…
Biết không thể chiếm đoạt hết số tài sản quá lớn kia, tôi tìm cách mua chuộc một số người trong hội đồng giám định gien của bệnh viện và hô hoán lên rằng Nhân không phải là em ruột tôi. Tôi dùng mọi thủ đoạn có thể được để hại Nhân, nhưng đòn chí tử cuối cùng để đánh gục nó là xác định ADN. Ông biết đấy! Tôi cùng nhóm ADN với cha tôi, điều để xác nhận là con ông đã rõ… Còn Nhân, nó đâu hiểu cả một cái bẫy dơ bẩn đang giăng xuống nó về chuyện này. Vâng! Nó cũng làm thủ tục thử máu để xác định cùng ADN với tôi nhưng theo sự đạo diễn của tôi và một số người tôi mua chuộc, ADN của nó không cùng loại với ba tôi… Tôi lấy cớ này la lối, kiện thưa đủ chỗ và tốn tiền lo lót rất nhiều để màn kịch giả dối nầy được trót lọt. Tôi không thừa nhận nó là em ruột tôi mặc cho mẹ tôi khóc than, trách móc, chết lên chết xuống vì bị hàm oan… Nói tóm lại, tôi đã làm những việc hết sức bẩn thỉu, đê hèn mà tôi nghĩ ra hồi ấy với mục đích duy nhất là chiếm đoạt cho bằng được toàn bộ số vàng bán nhà kia…
Cuối cùng thì tôi thắng! Nhân, sau khi biết rằng nó không phải em ruột tôi theo vở kịch mà tôi đạo diễn, đã bỏ đi mà không nói một lời. Nó oán hận tôi, oán trách cả mẹ tôi vì nghĩ rằng mẹ tôi giấu nó, không cho biết cha thật nó là ai…
Cậu biết không? Người đàn ông ngừng lại một hồi lâu như chờ qua cơn xúc động mới kể tiếp. Cuối cùng trời cũng hại tôi, đày đọa cái thằng đàn ông đốn mạt, khốn nạn là tôi đến tận cùng đau khổ. Thời có tiền, có vàng, tôi bỏ ra cung phụng cho một người đàn bà xinh đẹp và đám bạn bất lương trong những cuộc ăn chơi sang trọng, trác táng, suốt sáng thâu đêm… Quỉ bắt tôi đi, cậu ạ. Lúc này, tôi đâu hề nghĩ đến nỗi đau của người khác, của em tôi, mẹ tôi… Tôi chạy theo nhan sắc, những lời phỉnh nịnh, những trò tiêu khiển điên rồ, những thằng bạn mặt người dạ thú… Tiền vàng rồi cũng hết… Khi tôi nhận ra chuyện tôi làm là sai lầm thì đã muộn. Bạn bè, người yêu, những người thân đều bỏ tôi đi như không hề quen biết. Chỉ còn niềm an ủi cuối cùng là mẹ tôi. Tôi bây giờ, như cậu biết đấy, nghèo đến nỗi phải bán máu để kiếm tiền nuôi mẹ. Nhưng tôi phải trả giá về những việc tôi làm. Ông trời coi vậy chứ công bằng lắm, cậu ơi!
Người đàn ông rưng rức khóc. Nằm một chỗ ở trên giường, bà mẹ đau đớn không cầm được nước mắt. Những giọt lệ đùng đục lăn xuống trên đôi mắt mù lòa khiến tôi phải khắc khoải động lòng…
Không biết phải làm gì để an ủi nỗi đau quá lớn, tôi đành bùi ngùi chia tay họ.
*
… Câu chuyện đến đây có lẽ đã kết thúc nếu như ngày hôm sau, bệnh viện không tiếp nhận một ca chấn thương nặng, hấp hối vì tai nạn xe cộ. Nạn nhân là một người đàn ông tầm thước, dáng vẻ sang trọng, đâu như người ở thành phố xuống…
Và chuyện ấy cũng chẳng liên can gì đến tôi nếu như bác sĩ trực hôm ấy không yêu cầu phải có nhóm máu cùng chủng loại để truyền cấp cứu cho người đàn ông nọ. Kho dự trữ đã hết loại máu này vì đây là loại hiếm, ít người bán. Tôi chợt nhớ đến người đàn ông tên Nghĩa hôm trước. Biết đâu, cùng nhóm máu, ông ấy sẽ cứu được nạn nhân này. Vả lại, ông ấy cũng cần tiền…
Tôi cho người đến căn chòi hôm qua để kêu Nghĩa lên bán máu. Trong lúc chờ đợi, tôi liếc mắt xem tờ bệnh án cặp ở cuối giường người đàn ông đang nằm thiêm thiếp… Một dòng tên họ ngắn ngủi đập vào mắt tôi. Nạn nhân: Ông Trần Nhân, thương gia, tên cha không rõ, còn một người mẹ và anh tên Trần Nghĩa ở số nhà …/.
Nguyễn Minh Phúc
(Di Cảo)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét