[Cuốn sách biên soạn xong phải mất 2 năm chỉnh sửa, xin ý kiến nhiều người để có thể yên tâm xuất bản.
Vì nội dung cuốn sách (nhan đề THƯƠNG NHỚ THỜI
BAO CẤP) đề cập tới khá nhiều vấn đề của một thời, khá nhạy cảm, dễ bị
suy luận theo những hướng khác nhau. Một trong hai tác giả (Thành Phong)
cũng chính là tác giả cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ” và “Phê như con tê tê”
gây xôn xao dư luận mấy năm trước.
Nội dung đặc biệt, cách thể hiện cũng đặc biệt.
Từ thiết kế maket đến thể hiện màu sắc. Sách mới in trên giấy tốt mà
trông qua cứ ngỡ là sách cũ lắm rồi.
Nhiều trang sách “ruột mèo” (được gấp một hai lần
nằm giữa quyển). Nhiều tranh phải đọc liên thông mấy trang sau mới hết
nội dung thông điệp. Trong sách còn có phụ bản rời, in lại một số mẫu
tem phiếu xưa (theo kiểu đề can mà người đọc có thể bóc ra dán vào một
trang nào đó để trang trí.)
Kênh hình là chính, kênh chữ là phụ. Những câu
nói rất ngắn gọn và hóm hỉnh. Có câu đã thành thành ngữ dân gian. Sách
dày tới 254 tr. khổ 17×20,5 cm.
Mở đầu là bài viết “Ôn cố tri tân” của GS Nguyễn
Minh Thuyết và “khoá đuôi” là lời bạt của tôi mà nhan đề như mọi người
đã đọc “Chuyện của một thời: Cười mà thấm thía”.
Ngoài ra còn có thêm các ý kiến ngắn của TS Võ
Trí Thành, PGS TS Nguyễn Lân Hiếu, TS Lê Đăng Doanh, TS Đặng Hoàng
Giang, Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, TS
Khuất Thu Hồng, Linh Trang, Nhà văn Nguyễn Bình Phương…).
Dù anh Vũ Hoàng Giang, Phó GĐ Nhà sách Nhã Nam có
thiện ý tặng tôi 2 cuốn, tôi vẫn phải mua thêm để tặng bạn bè, vì cuốn
sách rất thú vị. Làm quà để tặng bạn bè nhân dịp Tết đến thì lại thú vị
hơn.]
*
* *
* *
Tôi đang cầm một cuốn sách trên tay. Tôi không biết
nên gọi tên cuốn sách này thế nào cho thật chính xác. Chỉ biết rằng đó
là một cuốn sách đặc biệt.
Đặc biệt vì, đây là một tập hợp những sáng tác
dân gian, sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau, ghi lại dấu ấn của một thời.
Thật khó xác định chính xác thời gian xuất hiện của những sáng tác này.
Nhưng chắc chắn, khi đọc lên, độc giả sẽ khẳng định ngay, chúng ra đời
trong một giai đoạn lịch sử đáng nhớ của đất nước ta: Thời kì bao cấp.
Đó chính là giai đoạn đất nước ta còn chia cắt. Nhân dân, nhất là nhân
dân miền Bắc đang tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng
chủ nghĩa xã hội và thực hiện cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền
Nam. Khỏi phải nói dân tộc ta phải phấn đấu, hi sinh như thế nào và đã
giành được chiến thắng vô cùng hiển hách, làm rạng danh sức sống, khí
phách anh hùng của dân tộc Việt Nam trong thời đại mới.
Bên cạnh những sáng tác văn học, nghệ thuật chính
thống (tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, nhạc, họa…) được lưu hành rộng
rãi cũng còn những sáng tác dân gian, truyền miệng. Chúng hoàn toàn
khuyết danh. Đó là những câu nói ngắn. Có khi chỉ là ngữ đoạn vài ba âm
tiết (phanh nón, phở ngó, canh toàn quốc…). Có khi mang dáng dấp một câu
thành ngữ hay tục ngữ (chân ngoài dài hơn chân trong, ăn cơm trước
kẻng, gái công trường giường bệnh viện…). Có khi là một bài ca dao khá
dài (tới 8 câu lục bát). Tất cả đọc lên nghe rất thú vị, vì nó dễ thuộc,
dễ nhớ và điều quan trọng là nó phản ánh biết bao sự kiện, biết bao suy
nghĩ, biết bao nỗi niềm của một thời đã qua.
Thời kì bao cấp, chế độ bao cấp, cơ chế kinh tế
quan liêu bao cấp… là những khái niệm mà ai ai cũng biết (Gần đây còn có
cả một cuộc triển lãm khá quy mô nữa). Từ cuối những năm tám mươi của
thế kỉ trước, đất nước ta bước sang thời kì đổi mới, chế độ quan liêu
bao cấp đã không còn. Cũng cần phải nói rằng, cơ chế bao cấp là một yêu
cầu cần thiết để Nhà nước duy trì các hoạt động sản xuất, chiến đấu,
sinh hoạt… của nhân dân trong thời chiến. Nhưng cơ chế nào cũng vậy, thế
nào cũng có mặt trái của nó. Cũng như xã hội nào cũng vậy, bên cạnh cái
hay, cái tốt cũng còn có những cái chưa hay, cái đáng để chúng ta suy
nghĩ và chiêm nghiệm.
Tôi từng là học sinh và cũng là người đã và đang
đứng trên bục giảng. Tôi chợt hình dung, nhớ lại hình ảnh người thầy xưa
trong câu ca dao này:
Thầy giáo lĩnh lương ba đồng
Làm sao sống nổi mà không đi thồ
Có thầy đi đạp xích lô
Làm sao gây dựng cơ đồ học sinh?
Làm sao sống nổi mà không đi thồ
Có thầy đi đạp xích lô
Làm sao gây dựng cơ đồ học sinh?
Hồi đó, người ta còn lưu hành một câu định nghĩa rất
chân xác về đối tượng này: “Giáo viên là người thợ thủ công cá thể có
nhiều nghề, trong đó có một nghề phụ duy nhất, đó là nghề dạy học”.
Và cảnh khó khăn, đói kém là phổ biến với nhiều người dân:
Ai sinh ra cái củ mì
Hỏi: Để làm gì? Đáp: Để mà ăn
Nước nhà mãi mãi khó khăn
Dân mình mãi mãi phải ăn củ mì
Hỏi: Để làm gì? Đáp: Để mà ăn
Nước nhà mãi mãi khó khăn
Dân mình mãi mãi phải ăn củ mì
Hình ảnh người cán bộ hồi đó thật tội nghiệp “đi xe
cố vấn, mặc áo chuyên “da”, ăn uống qua loa, ấy là… cán bộ”. Trong khi
hết thảy mọi người đều vất vả, khó khăn, thì lại có một lớp người “có
quyền, có chức” nổi máu cơ hội, trục lợi cho mình. Họ là những người có
đặc quyền, đặc lợi nhưng cống hiến chẳng có gì: “ăn đại táo, ở đại gia,
đi đại xa, làm đại khái”. Chân dung của họ thật là nực cười, hài hước
“bụng to trán hói, ăn nói ba hoa, đi xe Volga, ăn gà Tôn Đản” (Tôn Đản
có cửa hàng bán hàng phân phối cho cán bộ cao cấp). Họ là những người
trong số ít lợi dụng “đục nước béo cò”:
Mỗi người làm việc bằng hai
Để cho chủ nhiệm mua đài, mua xe
Mỗi người làm việc bằng ba
Để cho chủ nhiệm xây nhà, xây sân
Để cho chủ nhiệm mua đài, mua xe
Mỗi người làm việc bằng ba
Để cho chủ nhiệm xây nhà, xây sân
Họ giàu có, phè phỡn trong khi nhân dân còn đói khổ,
thắt lưng buộc bụng “Bắt cởi trần phải cởi trần/ Cho may ô mới được phần
may ô”. Hình ảnh “đặt cục gạch” (lấy các viên gạch “xí chỗ” thay cho
người xếp hàng thật quá ấn tượng và câu thành ngữ “mặt nghệt như mất sổ
gạo” là câu nói phản ánh chân xác một thời bao cấp, khi cái sổ gạo là
“tài sản” sống còn đối với mọi gia đình cán bộ hay cư dân thành thị.
Ấy vậy mà, ngay ở tầng lớp các cán bộ cũng có
nhiều người không hòa chung với dòng chảy xã hội, không “cùng xương thịt
với nhân dân của tôi/ Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu” (Xuân Diệu).
Đó là những người coi lợi ích vật chất là trên hết, “miếng thịt nó bịt
cái mồm”. Những người “đầu đội chính sách, nách cắp chủ trương” ấy quan
liêu, hạch sách, trù dập người khác “Thẳng thắn, thật thà thường thua
thiệt/ Lọc lừa, lươn lẹo lại lên lương”. Thời mà thuốc lá ngoại đang có
giá thì “Sa Pa đứng xa mà nói” và “Sông Cầu còn lâu mới được” mà phải là
“ba số năm vừa nằm vừa kí”. Cán bộ cấp trên thì thế. Cán bộ cấp dưới
cũng tác oai, tác quái như ai: “trâu đen ăn cỏ, trâu đỏ (máy cày) ăn
gà”, hay “Muốn cho điện sáng về nhà/ Ruột lợn, ruột gà phải nối đến
nơi”.
Cặp mắt hài hước dân gian đã không bỏ qua một
tầng lớp được coi là “phó thường dân”, đó là các sinh viên, học sinh. Họ
là những “chủ nhân ông tương lai” nhưng quá tội nghiệp. Với cơm bo bo,
chan “canh toàn quốc”, họ đúng là “ăn như tu, ở như tù”. Đến nỗi, một
bài vè đã khái quát hóa tiêu chuẩn “chọn người yêu” của các cô gái:
Một yêu anh có may ô
Hai yêu anh có cá khô ăn dần
Ba yêu rửa mặt bằng khăn
Bốn yêu có thuốc đánh răng cả tuần…
Hai yêu anh có cá khô ăn dần
Ba yêu rửa mặt bằng khăn
Bốn yêu có thuốc đánh răng cả tuần…
Tiêu chuẩn như vậy hồi đó quả là rất thực, không có gì là nói quá lên cả.
Tuy nhiên, âm hưởng của những sáng tác dân gian
thời đại này không chỉ là phê phán. Đọc rất nhiều câu, ta không nhịn
được cười bởi chất “uy-mua” (hài hước) của người đời. Đây là hình ảnh
của các anh chàng cán bộ vào dịp cuối tuần “cắt cơm, bơm xe, nghe thời
tiết, liếc đồng hồ, thồ bao gạo, cạo bộ râu, xâu quai dép, tránh mặt
sếp, tót lên yên, guồng như điên, về với vợ”. Còn các cô nàng nhà ta
cũng chẳng phải vừa. Họ cũng “mau tắm rửa, sửa lông mày, thay quần áo,
báo thêm cơm, bơm nước hoa, xoa thêm phấn, quấn lại tóc, bóc coóc xê, kê
chân giường,…”. Các chú lái xe chỉ thích các em thanh nữ quần mỏng mà
từ chối thẳng thừng mấy o bộ đội cục mịch: “phíp (quần phíp, loại quần
phổ biến ngày xưa các cô hay mặc) thì đi, ka ki (trang phục nữ quân
nhân) ở lại”. Các bọ “quê choa” cũng có những câu rất hóm “quần thì quần
phịp, xì lịp thì xì lịp hoa, bọ cũng chết chứ nói chi các chụ”. Một câu
nói đặc “chất” phương ngữ miền Trung Quảng Bình.
Cuốn sách này còn có một đặc biệt nữa là, các câu
thành ngữ, tục ngữ, ca dao hay vè dân gian kia đã được “tường minh hóa”
bằng các bức tranh minh họa rất hài hước và sinh động. Dù đôi chỗ, các
minh họa cũng chưa thật “đắt” nhưng kênh hình do các họa sĩ góp phần đã
làm cho kênh chữ thêm dễ hiểu và tăng sức truyền cảm lên rất nhiều. Công
sưu tập là phần quan trọng và công “họa tiết” cũng không nhỏ. Tất cả đã
góp phần làm nên một tác phẩm thật độc đáo, mà khi đọc, ta thấy hiện
lên một bức tranh gần gũi, thật khó quên. Khó quên vì cuốn sách gợi lại
một thời để nhớ. Nó đem lại cho ta một cảm xúc đời thường, rất thực.
Những câu nói, những “thông điệp” ngôn từ kèm tranh minh họa làm cho ta
cười đấy, nhưng cười mà có khi ra nước mắt, vì cảm động và thấm thía khi
chiêm nghiệm một hiện thực cuộc sống của đất nước còn chưa xa, vẫn còn
nguyên giá trị cho đến hôm nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét