‘Ở làng chúng tôi, họ biết bệnh sốt rét, họ biết HIV, họ biết bệnh thương hàn – nhưng họ không biết bệnh ung thư. Người ta nói rằng, Brenda đã bị mê hoặc và họ bắt đầu lánh xa con tôi.’
Hiện nay, mỗi năm ung thư lấy đi 450.000 sinh mạng người Châu Phi. Dự tính đến năm 2023 con số sẽ đạt đến 1 triệu người/ năm (theo Tổ chức Y tế thế giới dự đoán). Các loại bệnh ung thư phổ biến ở Châu Phi hầu hết đều là loại ung thư có thể điều trị được như ung thư vú, ung thư cổ tử cung và ung thư tuyến tiền liệt.
Những người bị bỏ lại trong cuộc chiến chống ung thư toàn cầu - Ảnh 1
Những bệnh nhân ung thư tại bệnh viện Mulago ở Kampala, Uganda.
Nhưng tại đây, chúng lại trở thành căn bệnh chết người. Tại Mỹ, 90% phụ nữ mắc ung thư vú có thể kéo dài sự sống 5 năm sau khi mắc bệnh. Ở Uganda, chỉ 46% sống sót và ở Gambia, con số chỉ còn lại 12%.

Nỗi ám ảnh ở vùng Lục địa nghèo
Số người mắc bệnh ung thư đang tăng chóng mặt tại Châu Phi, vùng Lục địa nghèo và lạc hậu nhất thế giới. Đa số các quốc gia ở đây đều không được trang bị đầy đủ để đối phó với căn bệnh.
Có rất ít bác sĩ chuyên khoa, máy xạ trị hoặc dụng cụ phẫu thuật tiên tiến. Các khối u thường bị chẩn đoán sai hoặc thậm chí bị buộc tội là do ma thuật. 80% không được phát hiện được cho đến khi chúng lan ra các hạch bạch huyết hoặc các cơ quan khác.
Các bác sỹ ở đây thường gặp các ca bệnh khó hơn nhiều so với trường hợp các bác sỹ phương Tây gặp phải: những đứa trẻ với khối u to bằng một nửa đầu của chúng, những phụ nữ có khối u vú to bằng quả bóng đã phá vỡ da, mục rữa và chảy máu.
Những người bị bỏ lại trong cuộc chiến chống ung thư toàn cầu - Ảnh 2
Brenda Nakisuyi, 17 tuổi, đang điều trị ung thư bạch huyết tại Kawempe Home Care.
Vào một ngày giữa tháng 7, Brenda Nakisuyi, 17 tuổi, ngồi lặng im và tuyệt vọng trong một căn phòng tối tăm tại Kawempe Home Care – một ký túc xá cho trẻ em ung thư ở Kampala, Uganda. Khối u bạch huyết Burkitt lymphoma đã xé toạc má trái của em, để lại một hố sâu như miệng núi lửa.
Mẹ của em, bà Florence Namwase, 48 tuổi, nói: “Ở làng chúng tôi, họ biết bệnh sốt rét, họ biết HIV, họ biết bệnh thương hàn – nhưng họ không biết bệnh ung thư. Người ta nói rằng Brenda đã bị mê hoặc và họ bắt đầu lánh xa con tôi”.
Nhiều người châu Phi bị ung thư cho rằng họ đang phải chấp nhận số phận oái ăm.
George Odongo Ogola, 73 tuổi, một hiệu trưởng trường trung học đã nghỉ hưu và đang điều trị bệnh ung thư tuyến tiền liệt tại bệnh viện Shah ở Nairobi, cho biết: “Tôi đến đây để xem tôi có bị kết án tử hình hay không. Nhưng các bác sỹ cho rằng họ đã nhận ra bệnh trong giai đoạn sớm nên tôi có 99% cơ hội chữa khỏi bệnh.”
“Tôi mang tất cả con cái và vợ của chúng tới để họ nghe thấy điều này. Ở đây, một khi bạn được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, họ sẽ coi bạn như một người đã chết”, Ogola chia sẻ thêm.
Ngay cả các bác sĩ – đặc biệt là ở nông thôn – có thể rất khó phát hiện ra căn bệnh này.
Paul Mugumya, một đứa bé 7 tuổi sống trong ký túc xá Kawempe, đã có ba lần phẫu thuật thoát vị bẹn trước khi bác sĩ phẫu thuật nhận ra rằng có một cái gì khác đang phình ra ở bụng. Bây giờ nó đã biến thành một khối u to bằng quả bóng với những vết phồng như quả quýt.
Những người bị bỏ lại trong cuộc chiến chống ung thư toàn cầu - Ảnh 3
Flavia Anyesi, 4 tuổi, tại viện Ung thư Uganda.
Và Flavia Anyesi, 4 tuổi, đứng trên cũi của em tại viện Ung thư Uganda với những sợi dây buộc tóc màu hồng và trắng, rất hợp chiếc váy ngủ màu hồng của em. Teopista Nafuna – mẹ của Flavia, chia sẻ: “Lần đầu tiên nó được gửi đến nha sĩ chỉ để nhổ răng”. Chỉ khi hàm của Flavia tiếp tục sưng tấy thì các bác sĩ mới nhận ra có điều gì đó bất ổn. Thực tế, Teopista bị ung thư hạch bạch huyết.
Ngay cả khi đau đớn tột cùng, bệnh nhân cũng quá nghèo để có thể đi điều trị. Và ngay cả những bệnh nhân kiếm đủ tiền để lên thành phố điều trị cũng phải ngủ trên thảm cỏ hoặc ngoài công viên trong giai đoạn truyền thuốc hoặc trong khi chờ kết quả sinh thiết có thể mất vài tuần.
“Khi bạn cảm thấy không được khỏe và bạn phải ngủ dưới cây, bạn có thực sự an yên được không?” Proscovia Mutesi, 50 tuổi, cựu thư ký trường học, đã bị mù một mắt và một phần hàm vì ung thư, chia sẻ.
Ngồi trên chiếc giường mà bà vừa mới nhận tại Tổ chức chữa bệnh Ung thư – một ký túc xá dành cho người lớn ở Kampala, bà kể lại cuộc chiến dai dẳng bảy năm trời để ngăn chặn khối u trên mặt lan ra các bộ phận khác.
“Tôi đang gặp khó khăn,” bà nói. Trong một vài năm trước, bà có thể chi 110 USD cho một đợt hóa trị liệu hoặc 85 USD để xạ trị. “Nhưng năm gần đây, tôi không có nổi một đồng xu. Và sau đó thì máy bức xạ gặp trục trặc.”
Những người bị bỏ lại trong cuộc chiến chống ung thư toàn cầu - Ảnh 4
Flavia Nabwire đang chăm sóc cho mẹ cô – bà Proscovia Mutesi
Một phần nguyên nhân khiến tỉ lệ tử vong vì ung thư tăng cao là do tại đây rất hiếm các chuyên gia về bệnh ung thư. Ethiopia chỉ có 4 nhà nghiên cứu ung thư cho 100 triệu dân. Nigeria có khoảng 40 chuyên gia với dân số 186 triệu dân.
Khuôn viên bệnh viện quốc gia của Uganda tự hào có một viện ung thư được thành lập vào năm 1967 và có một tòa nhà thử nghiệm lâm sàng mới được xây dựng bởi Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson. Nhưng nước này chỉ có 16 bác sỹ chuyên khoa ung thư, và chiếc máy xạ trị duy nhất – chiếc máy mà bà Mutesi đặt hết niềm tin vào nó – đã bị hư hơn một năm. Trước khi bánh răng 21 tuổi của nó trục trặc, nguồn coban của máy đã trở nên quá yếu đến nỗi các buổi chiếu xạ kéo dài vài phút phải mất cả tiếng đồng hồ.

Bi kịch thuốc giả bóp chết những bệnh nhân nghèo
Hầu như ở khắp Châu Phi, các loại thuốc chống ung thư đều có nguồn cung khan hiếm, và giá cả vẫn là một trở ngại lớn.
Lượng đặt hàng nhỏ đồng nghĩa với việc bệnh viện phải trả chi phí cao hơn tính trên mỗi lọ thuốc và thường phải phân bổ cho bất kì thương hiệu nào có sẵn, đôi khi ngay cả những người nhập lậu cũng bị cay đắng gọi là “nhập khẩu ngu ngốc”.
Hiện tại, W.H.O. không xác nhận những nhãn hiệu thuốc chữa ung thư nào là an toàn và hiệu quả, cũng giống như đối với các loại thuốc chống AIDS và sốt rét.
Những người bị bỏ lại trong cuộc chiến chống ung thư toàn cầu - Ảnh 5
Bệnh nhân ở Viện Ung thư Uganda.
David E. Wata, một dược sĩ về ung thư tại Kenyatta, bệnh viện công cộng hàng đầu quốc gia phát biểu: “Về chất lượng, bạn không thể nói chắc chắn, bạn chỉ có thể tin tưởng.”
Người Châu Phi có điều kiện thường qua Nam Phi hay Ấn Độ để chữa trị. Những người có mối quan hệ chính trị đôi khi lạm dụng ngân sách nhà nước, làm hao hụt ngân sách quốc gia.
Những người nghèo khó phải thường tự bảo vệ mình. Nếu kệ thuốc tại bệnh viện công cộng hết thuốc, họ sẽ tìm đến các sơ sở tư nhân, nơi có chất lượng thuốc thấp hơn hoặc chứa toàn hàng giả.
Tiến sĩ O’Brien, giám đốc điều trị ung thư toàn cầu của Hiệp hội ung thư, nói: “Không có gì bi kịch hơn là nhìn thấy cảnh các gia đình dành hết tất cả những gì họ có để đổi lại thứ chả có tác dụng gì. Đôi khi dấu hiệu đầu tiên của thuốc không hoạt động là người dùng không bị rụng tóc”.
Những người bị bỏ lại trong cuộc chiến chống ung thư toàn cầu - Ảnh 6
Ratibu Asiligwa, 10 tuổi, đang tiếp nhận hóa trị và dùng morphine để giảm đau do ung thư xương.
Bài tiếp:Trận chiến của các nhà điều chế thuốc ung thư tại Lục địa đen
Ngọc Hương (New York times)
Nguồn: Khám Phá